16
ĐIỂM BÁO Nguồn: Vietnamnet Ngày đăng: 20/07/2021 Mục: Kinh doanh Vietnam Post mở gần 500 điểm bán hàng bình ổn giá các tỉnh phía Nam Chỉ trong 5 ngày, Bưu điện Việt Nam đã khẩn trương kích hoạt gần 500 điểm bán hàng bình ổn giá, cung ứng nhu yếu phẩm nhanh chóng, kịp thời và an toàn cho người dân các tỉnh phía Nam trong điều kiện hạn chế của dịch bệnh. Các điểm bán hàng bình ổn giá của Vietnam Post trở thành địa chỉ quen thuộc với người dân TP.HCM những ngày này Đảm bảo nguồn cung thực phẩm trong thời điểm dịch bệnh Ngay khi TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 16, với sứ mệnh “Doanh nghiệp vì cộng đồng” và tinh thần “Có mặt ngay khi cần”, Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) đã chủ động triển khai các điểm bán hàng thiết yếu và bình ổn giá không chỉ cho vùng tâm dịch TP.HCM mà còn sẵn sàng kịch bản cho các tỉnh miền Nam trong tình huống dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng. Thông qua mạng lưới điểm phục vụ rộng khắp, Vietnam Post xây dựng mô hình mỗi bưu cục là một điểm bán hàng, dù ở bất cứ đâu, người dân cũng có thể mua hàng bình ổn giá. Đến thời điểm hiện tại, gần 500 điểm bán hàng hóa thiết yếu và bình ổn giá với đầy đủ các mặt hàng gạo, dầu ăn, nước mắm, rau xanh, trứng, thịt, đồ dùng gia đình, trang bị y tế chống dịch… được triển khai nhằm đảm bảo đáp ứng tối đa nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân, chia sẻ khó khăn cùng các bộ ngành và giảm tải đáng kể áp lực cho các siêu thị, cửa hàng tiện lợi tại các địa bàn. Trong đó, Bưu điện TP.HCM triển khai 179 điểm, Bưu điện tỉnh Khánh Hòa 130 điểm, Bình Dương 84 điểm, Bà Rịa-Vũng Tàu 53 điểm, Phú Yên 14 điểm…

Mục: Kinh doanh Ngày đăng: 20/07/2021 Vietnam Post mở …

  • Upload
    others

  • View
    2

  • Download
    0

Embed Size (px)

Citation preview

ĐIỂM BÁO

Nguồn: Vietnamnet

Ngày đăng: 20/07/2021 Mục: Kinh doanh

Vietnam Post mở gần 500 điểm bán hàng bình ổn giá các tỉnh phía Nam

Chỉ trong 5 ngày, Bưu điện Việt Nam đã khẩn trương kích hoạt gần 500 điểm bán hàng bình ổn giá, cung ứng nhu yếu phẩm nhanh chóng, kịp thời và an toàn cho người dân các tỉnh phía Nam trong điều kiện hạn chế của dịch bệnh.

Các điểm bán hàng bình ổn giá của Vietnam Post trở thành địa chỉ quen thuộc với người dân TP.HCM những ngày này

Đảm bảo nguồn cung thực phẩm trong thời điểm dịch bệnh

Ngay khi TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 16, với sứ mệnh “Doanh nghiệp vì cộng đồng” và tinh thần “Có mặt ngay khi cần”, Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) đã chủ động triển khai các điểm bán hàng thiết yếu và bình ổn giá không chỉ cho vùng tâm dịch TP.HCM mà còn sẵn sàng kịch bản cho các tỉnh miền Nam trong tình huống dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng.

Thông qua mạng lưới điểm phục vụ rộng khắp, Vietnam Post xây dựng mô hình mỗi bưu cục là một điểm bán hàng, dù ở bất cứ đâu, người dân cũng có thể mua hàng bình ổn giá.

Đến thời điểm hiện tại, gần 500 điểm bán hàng hóa thiết yếu và bình ổn giá với đầy đủ các mặt hàng gạo, dầu ăn, nước mắm, rau xanh, trứng, thịt, đồ dùng gia đình, trang bị y tế chống dịch… được triển khai nhằm đảm bảo đáp ứng tối đa nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân, chia sẻ khó khăn cùng các bộ ngành và giảm tải đáng kể áp lực cho các siêu thị, cửa hàng tiện lợi tại các địa bàn.

Trong đó, Bưu điện TP.HCM triển khai 179 điểm, Bưu điện tỉnh Khánh Hòa 130 điểm, Bình Dương 84 điểm, Bà Rịa-Vũng Tàu 53 điểm, Phú Yên 14 điểm…

Người dân mua hàng tại các điểm bán đều thực hiện nghiêm quy định 5K và được hướng dẫn luồng di chuyển đảm bảo giãn cách

Theo kế hoạch, Vietnam Post sẽ tiếp tục mở rộng các điểm bán hàng bình ổn tại 19 tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội để hỗ trợ người dân mua hàng thuận tiện, góp phần hạn chế tình trạng khan hiếm hàng hóa dẫn đến giá thực phẩm tăng và đảm bảo yếu tố giãn cách, an toàn phòng chống dịch.

Tổng Giám đốc Vietnam Post - ông Chu Quang Hào cho biết: “Doanh nghiệp đã xây dựng lộ trình di chuyển các tuyến cố định và cũng chuẩn bị các phương án dự phòng, tính toán thời gian một cách cụ thể để nguồn hàng về các điểm bình ổn đúng lịch, phục vụ tốt nhu cầu của người dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm tươi.

Các phương tiện vận chuyển của bưu điện cũng được tạo điều kiện lưu thông theo luồng “ưu tiên đặc biệt” giúp cho việc cung ứng hàng hóa đến người dân thuận lợi và kịp thời hơn”.

Giải pháp mua sắm an toàn

Để hỗ trợ người dân mua hàng nhanh chóng và tiện lợi, Vietnam Post cũng triển khai linh hoạt các phương thức đặt hàng theo tình hình thực tế tại mỗi địa phương. Ngoài hình thức đến mua hàng trực tiếp tại các điểm phục vụ, người dân có thể đăng ký nhu cầu mua hàng qua bưu tá, liên hệ số điện thoại hotline đã công bố của bưu cục hoặc đặt hàng qua sàn thương mại điện tử Postmart.vn.

Các đơn hàng sau khi tiếp nhận sẽ được bưu điện chuyển phát theo thứ tự: hàng tươi sống giao trong ngày; hàng hóa, thực phẩm khô thông thường ưu tiên giao trong thời gian sớm nhất. Bằng cách này, người dân không cần ra khỏi nhà mà vẫn có thể chọn mua được những thực phẩm tươi ngon với nguồn gốc rõ ràng, chất lượng tốt, giá cả phải chăng.

So với hình thức mua hàng tại siêu thị, đại lý, cửa hàng hay xe lưu động; ở các khu phong tỏa, cách ly, việc đặt hàng qua các kênh tiếp nhận của Bưu điện và sàn Postmart.vn giúp người dân đảm bảo an toàn sức khỏe tốt hơn, hạn chế việc di chuyển và giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm chéo khi tiếp xúc. Các mặt hàng lương thực, thực phẩm tại sàn Postmart cũng liên tục được cập nhật, cung cấp thêm nhiều lựa chọn đa dạng cho người dân.

Hàng hóa tại các điểm bán hàng của Bưu điện đều được niêm yết giá rõ ràng theo bình ổn giá của thị trường

Thực hiện sứ mệnh doanh nghiệp bưu chính vì cộng đồng

Trong thời điểm dịch Covid-19 vẫn có những diễn biến phức tạp, dự kiến nhu cầu hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm của người dân các tỉnh miền Nam sẽ tiếp tục tăng cao, đặc biệt là tại 19 tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách toàn xã hội.

Vietnam Post hiện đang tích cực đẩy mạnh việc phối hợp với các cơ quan, chính quyền địa phương tìm kiếm các nhà cung cấp uy tín nhằm đảm bảo bổ sung liên tục nguồn hàng hóa, nhất là các mặt hàng rau củ quả, cam kết mức giá bình ổn phục vụ người dân, đồng thời xây dựng phương án logistics nhằm tối ưu hóa quy trình vận chuyển, khớp nối hàng hóa thiết yếu.

Phát huy vai trò doanh nghiệp Bưu chính quốc gia thực hiện sứ mệnh vì cộng đồng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên - ông Nguyễn Hải Thanh khẳng định, ưu tiên hàng đầu của Vietnam Post hiện nay là đảm bảo tốt nguồn cung ứng hàng hóa, thực phẩm thiết yếu cho các tỉnh, thành phố đang trong thời gian giãn cách, đáp ứng tối đa nhu cầu của người dân, giảm tải sức ép cho hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện lợi khi chợ truyền thống chưa được mở cửa hoạt động; đồng thời hỗ trợ nông dân và đồng hành cùng các sở ban, ngành, chính quyền địa phương lưu thông hàng hóa tránh tình trạng nơi ùn ứ, nơi thiếu hàng.

Từ nay đến cuối tháng 7, đơn vị sẽ đồng bộ loạt giải pháp cùng các địa phương để triển khai nhanh chóng và quyết liệt các điểm bán hàng thiết yếu cũng như bình ổn giá tại 19 tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, với mục tiêu duy trì ổn định chuỗi cung ứng, bình ổn thị trường hàng hóa, chia sẻ những khó khăn, góp sức vào công cuộc chống dịch chung của cả cộng đồng.

Xuân Thạch

Nguồn: Báo Tiền Phong

Ngày đăng: 20/07/2021 Mục: Nhịp sống

TPHCM hết cảnh xếp hàng dài mua rau

Người dân mua rau củ tại Bưu cục quận 5

TPO - Liên kết với doanh nghiệp mở thêm kênh bán rau củ, thịt cá tại bưu điện, cửa hàng mỹ phẩm, hàng tươi sống đã xuất hiện trên sàn thương mại điện tử… góp phần giảm áp lực cho siêu thị, chợ dân sinh tại TPHCM.

Trưa ngày 19/7, chúng tôi đến một cửa hàng thuộc hệ thống mỹ phẩm Guardian trên đường Hậu Giang (Q.6), nhân viên tất bật khui thùng rau củ, bày đủ loại từ bắp cải, bí đỏ, bông cải xanh, dưa leo… có giá tầm 30.000 đồng/món thu hút khá đông khách mua. Không chen lấn cũng chẳng phải chờ đợi lâu, người mua ghé vào là mua được rau củ tươi ngon.

“Tất cả đều được đóng khay hộp hoặc bán theo từng “bông” như bắp cải, bông cải đồng giá. Khách không phải lựa chọn cũng như cân đong nên mua nhanh bán gọn. Bên em vừa bán được 2 ngày, tín hiệu khách mua rất khả quan” – nhân viên cho biết.

Cách xa vài trăm mét, cửa hàng Con Cưng (Nguyễn Văn Luông, Q.6) chuyên bán hàng cho mẹ và bé cũng bày các loại rau muống, mồng tơi, cải ngọt, bắp nếp… Khách đến mua quẹt mã QR khai báo y tế, sau đó lựa chọn thực phẩm theo nhu cầu.

Trong khi đó, Bưu cục quận 5 vài ngày gần đây bày thêm quầy kệ để bán rau củ, thịt, trứng… cho khách. Mặc dù hàng hóa chưa phong phú nhưng đa số khách hàng đều hài lòng vì không phải chờ đợi, giá cả bình ổn được niêm yết cụ thể. Bà Trần Thị Thu Thanh - Trưởng Bưu cục quận 5 cho biết: “Việc mở bán hàng tại đây nhằm giảm tải cho các kênh bán hàng siêu thị hay online. Đây là địa điểm thuận tiện nhất cho những người dân xung quanh đây có thể đến mua hàng. Người dân đến đây đều phải thực hiện nghiêm quy định 5K”.

Mới đây, TPHCM đã liên kết với hàng loạt doanh nghiệp (DN) để mở thêm kênh bán rau như chuỗi Concung, Guardian, Nhất Tín, GHN (dịch vụ giao hàng nhanh), Pharmacity, Vinshop... cùng các sàn thương mại điện tử lớn gồm Lazada, Shopee, Tiki, VinID....

Thế giới di động lên tiếng trước việc Bách Hóa Xanh tăng giá hàng hóa

Ngày 19/7, Công ty CP đầu tư Thế giới di động (sở hữu Bách Hóa Xanh) có thông báo gửi cổ đông, khách hàng về việc điều chỉnh công việc cung ứng hàng tươi sống trong giai đoạn dịch để đảm bảo giá bán không tăng lên.

Theo đơn vị này, thời gian qua nhiều khách hàng phản ánh Bách Hóa Xanh về việc giá bán một số mặt hàng tăng và chất lượng dịch vụ chưa đảm bảo như việc chưa cập nhật giá niêm yết kịp thời, tính tiền nhầm, cân sai, thái độ phục vụ chưa tốt…tại một số cửa hàng. Ban Lãnh đạo Bách Hoá Xanh đang rà soát lại toàn bộ quy trình vận hành và tìm kiếm giải pháp xử lý.

Do đó, Ban Lãnh đạo Bách Hóa Xanh quyết định các hành động hướng đến việc kiểm soát giá bán như sau như tăng thêm mã sản phẩm trong danh mục hàng hóa thiết yếu cam kết giữ giá bán cố định đã đăng ký với Sở Công Thương TPHCM; Bán hàng có giới hạn số lượng để bảo đảm nhiều người mua được hàng và tránh tình trạng “đầu cơ”.

Cục Quản lý thị trường TPHCM kiểm tra một cửa hàng Bách Hóa Xanh

Đối với trường hợp sản phẩm có giá mua vào tăng bất hợp lý, đơn vị này cho hay sẽ chuyển hướng mua các sản phẩm khác thay thế hoặc nhanh chóng tìm kiếm nhà cung cấp và vùng trồng mới để giảm áp lực cung ứng. Ví dụ mua hàng rau củ từ khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ cung cấp thêm cho TPHCM nhằm tiếp tục đáp ứng đủ nhu cầu sản lượng cho người tiêu dùng.

Trong trường hợp mọi giải pháp kiểm soát giá mua vào không mang lại kết quả, Bách Hóa Xanh sẽ chủ động giảm sản lượng hoặc tạm ngưng kinh doanh ngắn hạn các mặt hàng này cho đến khi giá mua vào quay về mức hợp lý (không mua bằng mọi giá).

Trong những trường hợp khó khăn này, Bách Hóa Xanh sẽ thông tin rõ ràng lý do đứt hàng vì giá mua vào tăng cao đến hách hàng.

Nguồn: Vietnamnet

Ngày đăng: 20/07/2021 Mục: Kinh doanh

Lạng Sơn ra quân phát triển kinh tế số

Thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia, ngày 20/7/2021 UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức Lễ ra quân phát triển kinh tế số với mục tiêu: Cuối năm 2021, 50% hộ gia đình trên địa bàn tỉnh có cửa hàng số và tài khoản thanh toán điện tử.

Dự Lễ ra quân có ông Hồ Tiến Thiệu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn; bà Đoàn Thị Hậu, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện lãnh đạo Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel và đại diện lãnh đạo UBND một số huyện trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn…

Ông Hồ Tiến Thiệu - Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn phát biểu tại Lễ ra quân phát triển kinh tế số tỉnh Lạng Sơn năm 2021

100.000 hộ gia đình có cửa hàng số và tài khoản thanh toán điện tử

Theo dự thảo Nghị quyết của Ban thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn về chuyển đổi số tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Lạng Sơn sẽ phấn đấu đến năm 2025 nằm trong nhóm 10 tỉnh, TP dẫn đầu quốc gia về chuyển đổi số. Về phát triển kinh tế số, tỉnh Lạng Sơn đặt mục tiêu đến năm 2025 tỷ lệ hộ gia đình, người dân có cửa hàng số cho người mua và người bán giao dịch trên nền tảng thương mại điện tử đạt trên 50%.

UBND tỉnh Lạng Sơn đặt mục tiêu trong năm 2021, 50% hộ gia đình, tương đương với khoảng 100.000 hộ gia đình trên địa bàn tỉnh có cửa hàng số và tài khoản thanh toán điện tử.

Theo kế hoạch, giai đoạn 1 sẽ triển khai từ ngày 20/7 đến 20/9, tập trung phát triển kinh tế số trên địa bàn 5 huyện gồm Chi Lăng, Hữu Lũng, Tràng Định, Bắc Sơn và Văn Quan. Giai đoạn 2 diễn ra từ ngày 20/9 đến ngày 20/12, tiếp tục phát triển kinh tế số trên địa bàn các huyện, TP còn lại.

Theo Sở TT&TT tỉnh Lạng Sơn, trước khi triển khai trên diện rộng, UBND tỉnh Lạng Sơn đã giao Sở TT&TT chủ trì triển khai thử nghiệm 2 tuần (từ ngày 18/6/2021 đến 2/7/2021) tại xã Chi Lăng và thị trấn Chi Lăng, huyện Chi Lăng.

Cụ thể, Viettel Post đã hỗ trợ 395 hộ gia đình tại xã Chi Lăng mở cửa hàng số trên sàn Vỏ Sò, đạt 31,6% tổng số hộ gia đình của xã này. Với Vietnam Post, doanh nghiệp này đã giúp cho 667 hộ gia đình ở thị trấn Chi Lăng có cửa hàng số trên sàn Postmart, đạt 43% tổng số hộ gia đình trên địa bàn. Số lượng hộ gia đình được Viettel Post và Vietnam Post hướng dẫn mở tài khoản thanh toán điện tử lần lượt là 187 và 114 hộ.

Vietnam Post và ViettelPost không những được giao chỉ tiêu cụ thể trong việc hướng dẫn các hộ gia đình mở cửa hàng số và tài khoản thanh toán điện tử, mà còn được yêu cầu xây dựng quy trình nhận, vận chuyển cho các hộ khi phát sinh đơn hàng. Ngoài ra, 2 doanh nghiệp này còn nhận nhiệm vụ phát triển người mua sản phẩm nông sản Lạng Sơn trong và ngoài tỉnh.

Đáng chú ý, số lượng hơn 1.000 cửa hàng số phát triển được trong 15 ngày thử nghiệm đã gấp gần 5 lần tổng số gian hàng của các hộ nông dân Lạng Sơn đã mở trên 2 sàn thương mại điện tử Postmart và Vỏ Sò từ gần 3 năm trước đó.

Cũng theo báo cáo của Sở TT&TT tỉnh Lạng Sơn, trong thời gian triển khai thử nghiệm phát triển kinh tế số tại xã Chi Lăng và thị trấn Chi Lăng, đã có 1.062 hộ gia đình mở cửa hàng số để tự bán các sản phẩm nông sản. Trong đó, có 301 hộ gia đình đã mở tài khoản thanh toán điện tử. Thông qua cửa hàng số, người dân Lạng Sơn đã có thể mua và bán sản phẩm trên không gian mạng.

Đặc biệt, hơn 1.000 hộ gia đình có cửa hàng số ở xã Chi Lăng và thị trấn Chi Lăng đều đã nhận biết được lợi ích của việc đưa sản phẩm lên cửa hàng số. Mặc dù chưa phải vào vụ thu hoạch các sản phẩm nông sản chủ lực của địa phương song nhiều hộ đã có những đơn hàng đầu tiên. Qua các sàn Vỏ Sò, Postmart, hiện người tiêu dùng cả nước đã có thể đặt mua nhiều loại nông sản, đặc sản của Lạng Sơn như na, thạch đen, hoa hồi...

Thông qua triển khai thử nghiệm, các hộ dân cơ bản đã được nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy về quy trình tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa. Đây là một trong những địa phương tiên phong ứng dụng công nghệ số trong tiêu thụ sản phẩm nông sản, chuyển đổi việc mua bán trên nền tảng công nghệ số.

“Nhắm đích” kinh tế số chiếm khoảng 20% GRDP Lạng Sơn

Phát biểu tại Lễ ra quân, ông Hồ Tiến Thiệu - Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn nói, Lạng Sơn xác định chuyển đổi số, phát triển kinh tế số là nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, với sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp, huy động mọi nguồn lực xã hội, phát huy sức mạnh của toàn hệ thống chính trị, cộng đồng, xã hội.

Do đó, trong tháng 8/2021 UBND tỉnh sẽ trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với những chỉ tiêu rất cụ thể, trong đó nhiệm vụ phát triển kinh tế số đặt ra chỉ tiêu phấn đấu kinh tế số chiếm khoảng 20% GRDP của tỉnh; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%; tỷ lệ hộ gia đình, người dân có cửa hàng số và tài khoản thanh toán điện tử đạt 50%.

Đặc sản Na Chi Lăng mắt hồng, quả to, tròn căng, bóng mẩy, ngọt sắc đang được tỉnh Lạng Sơn xúc tiến quảng bá, tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử

Để việc triển khai thực hiện đạt kết quả, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn mong muốn, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ tỉnh Lạng Sơn trong quá trình triển khai phát triển kinh tế số. Kịp thời ban hành và tham mưu cho Chính phủ ban hành cơ chế chính sách để phát triển kinh tế số ở các địa phương miền núi, biên giới, nhất là các tỉnh có cửa khẩu.

Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các cơ quan quản lý của tỉnh trong từng lĩnh vực. Bố trí các đầu mối hỗ trợ kịp thời cho địa phương trong quá trình giải quyết khó khăn, vướng mắc.

Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn đề nghị, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, TP trên địa bàn tỉnh nâng cao nhận thức và quyết tâm thực hiện quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Bố trí các nguồn lực để thực hiện đồng bộ, toàn diện, có hiệu quả. Trước mắt là tạo mọi điều kiện để phục vụ người dân và doanh nghiệp trên địa bàn 5 huyện phát triển kinh tế số một cách thuận lợi nhất, ổn định nhất trong thời gian nhanh nhất.

Khẩn trương nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ công nghệ số để áp dụng vào thực tiễn, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, phục vụ hiệu quả cho tái cơ cấu nông nghiệp, nông thôn.

Quan tâm sâu sát đến việc bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, khả năng tương tác của người dân đối với phát triển kinh tế số, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn của người dân, doanh nghiệp.

Ông Hồ Tiến Thiệu đồng thời đề nghị Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel, Viettel Lạng Sơn, Bưu điện tỉnh Lạng Sơn phối hợp chặt chẽ với Sở Thông tin và Truyền thông, UBND các huyện, TP và các cơ quan liên quan, bố trí tối đa lực lượng đến địa bàn triển khai phát triển kinh tế số, tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ các hộ gia đình tạo cửa hàng số và tài khoản thanh toán điện tử; hướng dẫn các hộ gia đình mua và bán sản phẩm trên cửa hàng số.

Đình Sơn

Nguồn: báo Đồng Tháp

Ngày đăng: 20/07/2021 Mục: CCHC

Việc thí điểm chuyển giao các nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công đạt nhiều kết quả

Trong quý II/2021, Văn phòng UBND tỉnh, các sở, UBND cấp huyện, cấp xã tiếp tục thực hiện Đề án thí điểm chuyển giao các nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công theo lộ trình.

Trung tâm Kiểm soát thủ tục hành chính và Phục vụ hành chính công tiếp nhận nhiều hồ sơ sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4

Kết quả, trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận hơn 26.600 hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) theo Đề án, trong đó số hồ sơ sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 gần 4.700 hồ sơ, đạt hơn 19%; số hồ sơ sử dụng dịch vụ bưu chính công ích hơn 3.800, đạt hơn 15% so với số hồ sơ nhận mới. Tổng số hồ sơ đã giải quyết là 25.460; trong đó đã giải quyết đúng và trước hạn đạt 99,75%; giải quyết trễ hạn 63 hồ sơ, chiếm 0,25%.

Riêng tại Trung tâm Kiểm soát TTHC và Phục vụ hành chính công đã tiếp nhận 5.169 hồ sơ; số hồ sơ sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 gần 2.990, đạt gần 60%; số hồ sơ sử dụng dịch vụ bưu chính công ích là 1.446, đạt gần 29% so với số hồ sơ nhận mới. Tổng số hồ sơ đến hạn là 5.035, trong đó đã giải quyết trước hạn hơn 4.800, đạt 95,55%; không có hồ sơ giải quyết trễ hạn. Hiện nay, còn 134 hồ sơ đang được xem xét, giải quyết (chưa đến hạn).

Đối với Bộ phận Một cửa cấp huyện, tổng số hồ sơ đã tiếp nhận gần 21.500; số hồ sơ sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 hơn 1.700, đạt gần 9%; số hồ sơ sử dụng dịch vụ bưu chính công ích là 2.360, đạt hơn 12% so với số hồ sơ nhận mới. Tổng số hồ sơ đã giải quyết hơn 20.400; trong đó số hồ sơ đã giải quyết đúng hạn đạt hơn 49%, trước hạn đạt hơn 50%; giải quyết trễ hạn là 63, chiếm 0,30%.

Tại Bộ phận Một cửa các xã, phường thực hiện thí điểm, nhân viên Bưu điện tham gia hỗ trợ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả, hỗ trợ các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, nhận, gửi các TTHC liên thông, các TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích và các TTHC theo mô hình Hẹn giờ thực hiện các TTHC tại nhà người dân, mô hình Kết hợp dịch vụ công trực tuyến và dịch vụ bưu

chính công ích, mô hình Công dân không viết gắn với dịch vụ công trực tuyến trong giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh... theo đúng quy định.

Nhìn chung, các sở, UBND cấp huyện, cấp xã và Bưu điện đã tổ chức thực hiện tốt Quy chế phối hợp quản lý việc thí điểm chuyển giao nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Qua đó, một số huyện đã chủ động đề nghị mở rộng lĩnh vực được chuyển giao tại Bộ phận Một cửa; công tác tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của nhân viên Bưu điện làm việc tại Bộ phận Một cửa cấp tỉnh, cấp huyện ngày càng được nâng cao; tỷ lệ hồ sơ sử dụng dịch vụ công trực tuyến ngày càng tăng.

Bên cạnh đó, công tác này gặp một số khó khăn, nhân viên Bưu điện tại Bộ phận Một cửa kết hợp với Bưu điện một số xã còn thiếu, chưa bổ sung kịp thời hoặc thường xuyên thay đổi; chưa hỗ trợ hoặc hỗ trợ chưa nhiều cho Bộ phận Một cửa và người dân. Phần mềm Một cửa điện tử còn phát sinh lỗi, ảnh hưởng đến việc hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC của công chức, viên chức Một cửa và nhân viên Bưu điện được chuyển giao nhiệm vụ. Mặt bằng trụ sở của một số Bộ phận Một cửa kết hợp với Bưu điện xã còn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Thời gian tới, Văn phòng UBND tỉnh phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh rà soát, giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Đề án của tỉnh. Bưu điện tỉnh chủ động có giải pháp khắc phục những hạn chế, tồn tại được chỉ ra qua công tác kiểm tra việc thực hiện Đề án và giải quyết triệt để các kiến nghị của cơ quan, đơn vị, địa phương.

Bên cạnh đó, chỉ đạo triển khai, thực hiện hiệu quả Quyết định số 468 ngày 27/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC, đảm bảo việc thực hiện nội dung Đề án của tỉnh hiện tại phù hợp với Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời tiếp tục triển khai Kế hoạch của UBND tỉnh về tổ chức thực hiện Đề án giai đoạn 3 phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

NHẬT ANH

Nguồn: CTT Bình Phước

Ngày đăng: 20/07/2021 Mục: Tin tức

Chơn Thành: Chi hỗ trợ cho 116 lao động tự do, người bán vé số lưu động

Ngày 19/6, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Chơn Thành phối hợp với Bưu Điện huyện tiến hành trao kinh phí hỗ trợ (đợt 1) cho các đối tượng người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 01/07/2021 của Chính phủ.

Bưu Điện huyện Chơn Thành bàn giao kinh phí cho Trưởng ấp 2, xã Minh Hưng

Trong đợt 1 này, huyện Chơn Thành đã phê duyệt, trao kinh phí hỗ trợ cho 116 người, với tổng số tiền 89,8 triệu đồng, trong đó có kinh phí của Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết và Dịch vụ tổng hợp Bình Phước 23,8 triệu đồng.

Huyện Chơn Thành chi hỗ trợ cho 88 lao động tự do với mức 750 ngàn đồng/người; hỗ trợ kinh phí cho 28 người bán vé số lẻ lưu động với mức 850 ngàn đồng/người.

Ông Trần Văn Sơn (Trưởng ấp 3B, xã Minh Hưng) trao kinh phí cho lao động tự do gặp khó khăn do đại dịch Covid-19

Để đảm bảo phòng chống dịch Covid-19, thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Bưu Điện huyện Chơn Thành đã bàn giao tiền và danh sách cho các trưởng ấp, khu phố, để trao lại cho các đối tượng được hỗ trợ theo quy định. Việc chi hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn do ảnh hưởng do dịch Covid-19 nhằm kịp thời động viên tinh thần, giúp cho người lao động vơi bớt khó khăn, ổn định cuộc sống./.

Tác giả bài viết: Đỗ Trình

Bưu điện mở rộng cung cấp thực phẩm tươi tại thành phố Tuy Hòa (Phú Yên)

Bắt đầu từ sáng 19/7, người dân thành phố Tuy Hòa (Phú Yên) đã được mua thực phẩm tươi sống tại 114 điểm bán hàng thiết yếu, trong đó có 14 điểm bán rau xanh, thịt, trứng…

Bưu điện Tuy Hòa tham gia bán bình ổn giá.

Ngay sau khi thành phố Tuy Hòa áp dụng các hoạt động giãn cách xã hội phòng chống dịch COVID-19, Bưu điện thành phố đã lập tức phối hợp với Sở Công Thương của tỉnh để triển khai 14 điểm bán hàng bình ổn giá. Bên cạnh các mặt hàng tiêu dùng, lương thực thực phẩm thiết yếu, tại 14 điểm bán hàng bình ổn giá đều cung ứng nhiều loại rau xanh, thịt, trứng…

Để giữ mức giá ổn định, Bưu điện thành phố đã kết nối với các nhãn hàng, nhà cung cấp và nhà sản xuất để có phương án tối ưu cho người tiêu dùng. Hiện tại, các mặt hàng được bán ra phần lớn có giá thấp hơn từ 5-10% so với thị trường.

Trong ngày đầu tiên triển khai, riêng tại 14 điểm bán hàng tươi sống, Bưu điện tỉnh Phú Yên đã phục vụ và cung cấp tới người dân Thành phố khoảng 500 kg thịt heo, 50 con gà, 1.000 quả trứng và hơn 120 kg rau, củ quả, hàng trăm kg gạo các loại, bột ngọt, dầu ăn…

Toàn bộ các mặt hàng đều có nguồn gốc xuất xứ và đảm bảo chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm và phòng chống dịch COVID-19 theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Theo bà Cao Hiền Lương, Giám đốc Bưu điện tỉnh Phú Yên, với mong muốn chia sẻ áp lực với các cơ quan, đơn vị tại địa phương trong công tác phòng chống dịch, đồng thời giảm bớt khó khăn cho người dân trong thành phố, Bưu điện tỉnh tổ chức chương trình cung cấp hàng hóa không lợi nhuận. Giá các sản phẩm cung cấp tại các điểm Bưu điện đều là giá gốc. Với lợi thế mạng lưới sẵn có, Bưu điện đã chủ động chung tay cùng các sở ban, ngành tại tỉnh thực hiện nhiều giải pháp vừa đảm bảo an ninh lương thực, lưu thoát hàng hóa cho người dân, vừa đảm bảo an toàn chống dịch khi số ca COVID -19 tại Phú Yên đang có những diễn biến phức tạp.

Trong những ngày tới, Bưu điện tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường số lượng hàng hóa và thường xuyên bổ sung thêm các mặt hàng để người dân thành phố dễ dàng lựa chọn.

Đồng hành và chia sẻ với chính quyền và người dân trong công tác phòng chống dịch, Bưu điện tỉnh Phú Yên đã làm việc với các nhà cung cấp để đảm bảo nguồn cung đầy đủ với giá cả ổn định trong thời gian toàn thành phố thực hiện giãn cách.

Măt hàng thực phẩm luôn được cung cấp đầy đủ.

Để mua hàng, người dân thành phố Tuy Hòa có thể đặt hàng qua Fanpage “https://m.facebook.com/PYPOSTMART/”, hoặc gọi điện tới số hotline của Bưu cục gần nhất. Sau khi nhận yêu cầu, nhân viên Bưu điện sẽ nhanh chóng chuyển đầy đủ hàng hóa tới tận địa chỉ người dân yêu cầu. Đặc biệt, riêng mặt hàng tươi sống sẽ được chuyển đến ngay sau khi đặt hàng nhằm đảm bảo hàng luôn tươi ngon và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trước Phú Yên, từ ngày 14/7, Bưu điện Việt Nam đã triển khai các điểm bán hàng thiết yếu, rau xanh, thịt, trứng tại Thành phố Hồ Chí Minh với 179 điểm. Sau 6 ngày triển khai, Bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh đã cung cấp hơn 20 tấn rau củ các loại, hơn 2.000 quả trứng, hàng trăm kg thịt heo, 5 tấn gạo, 500 chai dầu ăn, 1.000 hộp cá, thịt hộp các loại... cho người dân thành phố.

Theo ông Chu Quang Hào, Tổng giám đốc Vietnam Post, phát huy vai trò doanh nghiệp bưu chính quốc gia, nhằm hỗ trợ và chia sẻ với những khó khăn trong khâu lưu thông hàng hóa do ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 tại các tỉnh, thành phố phía Nam, Bưu điện Việt Nam đang phối hợp chặt chẽ với các đơn vị tại địa phương tích cực tìm kiếm và kết nối các nhà cung cấp có chất lượng đảm bảo để tiếp tục đẩy mạnh cung ứng hàng hóa bình ổn, hàng thiết yếu cho người dân thông qua 2 kênh chính là tại các bưu cục, Bưu điện Văn hóa xã, các điểm phục vụ bán hàng lưu động và sàn thương mại điện tử Postmart.vn.

Hiện khu vực phía Nam đang có 460 điểm bán hàng thiết yếu. Con số này sẽ tiếp tục tăng trong những ngày tới. Ngoài ra, Bưu điện Việt Nam cũng tham gia hỗ trợ vận chuyển, lưu thông hàng hóa từ nơi sản xuất, cung ứng đến hệ thống siêu thị, điểm bán hàng trong trên toàn quốc.

XM/Báo Tin tức

Hỗ trợ tiêu thụ nhãn lồng Hưng Yên trên sàn thương mại điện tử

Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) cho biết, từ ngày 15-7, những trái nhãn lồng Hưng Yên đầu tiên đã được nông dân bán trên sàn thương mại điện tử Postmart.vn của Bưu điện Việt Nam. Dự kiến, Vietnam Post sẽ hỗ trợ tỉnh Hưng Yên tiêu thụ khoảng 3%-5% sản lượng, tương đương 1.500 tấn nhãn qua sàn thương mại điện tử Postmart.vn.

Để giúp nông dân Hưng Yên tiêu thụ nhãn trên môi trường số, từ tháng 6-2021, Vietnam Post đã trực tiếp xuống các nhà vườn để hướng dẫn người dân cách thức mở gian hàng, chụp ảnh, đăng bán sản phẩm, theo dõi đơn hàng, đóng gói, bảo quản, vận chuyển nhãn đi các tỉnh, thành phố… Đã có hơn 400 hộ gia đình, hợp tác xã tham gia bán hàng trên sàn Postmart.vn.

Vietnam Post dự kiến sẽ đẩy mạnh kênh xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản qua đường hàng không.