68
ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC TỰ NHIÊN --------------------- Lưu Xuân Hòa ỨNG DỤNG KỸ THUẬT PHÂN TỬ LAI HUỲNH QUANG (FISH) NHẰM XÁC ĐỊNH NHANH MỘT SỐ LOÀI TẢO ĐỘC HẠI BIỂN VIỆT NAM LUẬN VĂN THẠC SĨ KHOA HỌC Hà Nội – Năm 2011

Lưu Xuân Hòa ỨNG DỤ

  • Upload
    vothu

  • View
    219

  • Download
    0

Embed Size (px)

Citation preview

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC TỰ NHIÊN

---------------------

Lưu Xuân Hòa

ỨNG DỤNG KỸ THUẬT PHÂN TỬ LAI HUỲNH QUANG (FISH)

NHẰM XÁC ĐỊNH NHANH MỘT SỐ LOÀI TẢO ĐỘC HẠI

BIỂN VIỆT NAM

LUẬN VĂN THẠC SĨ KHOA HỌC

Hà Nội – Năm 2011

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC TỰ NHIÊN

---------------------

Lưu Xuân Hòa

ỨNG DỤNG KỸ THUẬT PHÂN TỬ LAI HUỲNH QUANG (FISH)

NHẰM XÁC ĐỊNH NHANH MỘT SỐ LOÀI TẢO ĐỘC HẠI

BIỂN VIỆT NAM

Chuyên ngành: Di truyền học

Mã số: 60 42 70

LUẬN VĂN THẠC SĨ KHOA HỌC

NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: PGS. TS. ĐINH ĐOÀN LONG

Hà Nội – Năm 2011

i

LỜI CAM ĐOAN

Tôi xin cam đoan đây là các kết quả nghiên cứu của chính tôi. Các số liệu, kết

quả nêu trong luận văn là hoàn toàn trung thực, chính xác và chưa được ai công bố

trong bất kỳ công trình nghiên cứu nào khác. Các thông tin trong luận văn đều được

trích dẫn tường minh.

Tác giả

LƯU XUÂN HÒA

ii

LỜI CẢM ƠN

Để hoàn thành bản luận văn này, tôi đã nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của mọi

người. Từ tận đáy lòng, với những lời cảm ơn chân thành nhất tôi xin gửi đến:

- PGS. TS. Đinh Đoàn Long, Bộ môn Di truyền học, Khoa Sinh học, Trường Đại

học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã tận tình hướng dẫn tôi

hoàn thành bản luận văn này.

- Các đồng nghiệp: TS. Nguyễn Văn Nguyên, Ths. Lê Thanh Tùng, CN. Vũ Tuấn

Nam cùng các đồng nghiệp khác của Phòng nghiên cứu công nghệ sinh học

biển, Viện nghiên cứu hải sản, những người đã động viên và giúp đỡ tôi trong

suốt quá trình làm luận văn này.

- Các thầy cô Khoa sinh học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc

gia Hà Nội), những người đã truyền đạt cho tôi những kiến thức quý báu giúp

tôi hoàn thiện dần tư duy nghiên cứu khoa học.

- Gia đình tôi, những người đã luôn bên tôi, giúp tôi vượt qua những khó khăn

trong thời gian qua.

Tác giả

LƯU XUÂN HÒA

iii

MỤC LỤC

MỞ ĐẦU .......................................................................................................................... 1

CHƯƠNG I. TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU .................................................................... 2

1.1. Khái quát về kỹ thuật lai huỳnh quang tại chỗ (FISH) ............................................. 2

1.1.1. Lịch sử nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật FISH ................................................ 2

1.1.2. Trình tự đích và đầu dò trong phép lai huỳnh quang tại chỗ ......................... 6

1.1.3. Các loại tín hiệu đánh dấu huỳnh quang ...................................................... 9

1.1.4. Tình hình nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật FISH trong vi tảo biển độc hại..... 13

1.2. Tình hình nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật FISH tại Việt Nam................................. 17

1.3. Các bước cơ bản của quy trình lai huỳnh quang tại chỗ - FISH ............................. 18

1.4. Đặc điểm sinh thái của một số loài vi tảo biển độc hại nghiên cứu ........................ 19

CHƯƠNG II. VẬT LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU.................................... 21

2.1. Địa điểm thu mẫu và đối tượng nghiên cứu ................................................ 21

2.2. Phương pháp thu và lưu giữ mẫu ................................................................ 21

2.3. Phương pháp phân loại hình thái ................................................................ 23

2.4. Phương pháp kiểm tra phân loại bằng ADN và thiết kế đầu dò ................... 23

2.4.1. Phương pháp chuẩn bị ADN khuôn ........................................................... 23

2.4.2. Phương pháp Singel cell PCR ................................................................... 23

2.4.3. Phương pháp kiểm tra phân loại bằng ADN ............................................... 24

2.4.4. Phương pháp thiết kế đầu dò đặc hiệu........................................................ 25

2.5. Phương pháp lai huỳnh quang tại chỗ ........................................................ 25

CHƯƠNG III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN......................................... 27

3.1. Kết quả phân lập và phân loại các chủng vi tảo độc hại bằng hình thái ....... 27

3.1.1. Loài Alexandrium affine ............................................................................. 27

3.1.2. Loài A. pseudogonyaulax ........................................................................... 28

3.2. Ảnh hưởng của độ mặn tới nuôi sinh khối vi tảo tạo nguyên liệu ................ 29

3.3. Kết quả giải trình tự và phân loại bằng ADN các mẫu nghiên cứu .............. 31

3.4. Thiết kế đầu dò lai huỳnh quang tại chỗ ..................................................... 35

3.5. Tối ưu nhiệt độ lai và thử nghiệm đầu dò.................................................... 37

KẾT LUẬN..................................................................................................................... 43

KIẾN NGHỊ.................................................................................................................... 44

TÀI LIỆU THAM KHẢO ............................................................................................... 45

PHỤ LỤC ....................................................................................................................... 54

iv

DANH MỤC CHỮ VIẾT TẮT

TT Chữ viết tắt Nội dung tiếng Anh Nội dung tiếng Việt

1. ADN Deoxyribonucleic acid Axít deoxyribonucleic

2. ARN Ribonucleic acid Axít ribonucleic

3. Bp Base pair Cặp bazơ

4. FISH Fluorescent in situ hybridization Phép lai huỳnh quang tại chỗ

5. FITC Fluorescein isothiocyanate Chất phát tín hiệu huỳnh quang

6. ISH In situ hybridization Phép lai tại chỗ

7. ITS Internal transcribed spacer Vùng đệm phiên mã

8. LSU Large subunit Tiểu phần lớn

9. PCR Polymerase chain reaction Phản ứng chuỗi trùng hợp

10. PSP Paralytic shellfish poisoning Chất độc gây liệt cơ

11. rADN Ribosomal deoxyribonucleic

acid

Trình tự ADN mã hóa

ribosome

12. rARN Ribosomal ribonucleic acid ARN ribosome

13. SSU Small subunit Tiểu phần nhỏ

v

DANH MỤC CÁC BẢNG

Trang

Bảng 1.1: Một số chất huỳnh quang được dùng phổ biến trong kỹ

thuật FISH

10

Bảng 1.2: Trình tự đầu dò cho một số loài Alexandrium 16

Bảng 3.1: Một số điều kiện thích hợp cho nhân nuôi sinh khối tảo A.

affine và A. pseudogonyaulax trong phòng thí nghiệm

31

vi

DANH MỤC CÁC HÌNH

Trang

Hình 1.1. Các cách gắn nhãn tín hiệu vào đầu dò 12

Hình 1.2. Các bước cơ bản của kỹ thuật lai huỳnh quang tại chỗ FISH 19

Hình 2.1. Sơ đồ phản ứng PCR nhân vùng D1-D2 của rADN 23

Hình 3.1. Một số đặc điểm hình thái của A. affine 27

Hình 3.2. Một số đặc điểm hình thái của A. pseudogonyaulax 28

Hình 3.3. Ảnh hưởng của độ mặn tới sự sinh trưởng của tảo A. affine 30

Hình 3.4. Ảnh hưởng của độ mặn tới sự sinh trưởng của tảo A.

pseudogonyaulax

30

Hình 3.5. Kết quả điện di sản phẩm PCR lần 2 32

Hình 3.6. Cây phát sinh chủng loại của một số loài thuộc chi Alexandrium 34

Hình 3.7. So sánh sự khác biệt trình tự nucleotit của A. affine với các loài

Alexandrium

36

Hình 3.8. So sánh sự khác biệt trình tự nucleotit của A. pseudogonyaulax

với các loài Alexandrium

37

Hình 3.9. Tế bào A. affine dưới ánh sáng thường (trái) và phát huỳnh

quang dưới ánh sáng kích thích (phải) với điều kiện lai 43°C

38

Hình 3.10. Tế bào A. pseudogonyaulax dưới ánh sáng thường (trái) và

phát huỳnh quang dưới ánh sáng kích thích (phải) với điều kiện lai 43°C

38

Hình 3.11. Lai đầu dò A. affine với mẫu tự nhiên 40

Hình 3.12. Lai đầu dò A. pseudogonyaulax với mẫu tự nhiên 40

1

MỞ ĐẦU

Trong nghiên cứu phân loại sinh vật phù du biển nói chung và vi tảo biển độc

hại nói riêng, nhiều nhóm loài sinh vật rất khó hoặc hoàn toàn không thể phân loại

đến loài nếu chỉ bằng phương pháp so sánh hình thái. Sự giống nhau về nhiều đặc

điểm hình thái bên ngoài và khó nhận biết những đặc điểm khác nhau của chúng rất

dễ dẫn đến nhầm lẫn trong nghiên cứu phân loại. Cùng với số lượng loài rất lớn có

nhiều đặc điểm hình thái giống nhau, công tác nghiên cứu phân loại vi tảo biển

trong nhiều trường hợp gặp nhiều khó khăn, tốn thời gian. Những điều này đã gây

cản trở đối với công tác nghiên cứu hệ sinh thái biển, đánh giá và quản lý nguồn lợi

sinh vật biển nói chung và các nghiên cứu chuyên sâu về các nhóm loài nói riêng.

Kế thừa các đặc tính ưu việt của các kỹ thuật di lai các axit nucleic và trên nền

tảng của kỹ thuật lai tại chỗ (in situ hybridization - ISH), kỹ thuật lai huỳnh quang

tại chỗ (fluorescence in situ hydridization - FISH) đã được phát triển. Kể từ khi ra

đời, nó đã trở thành một công cụ mạnh trong nhiều nghiên cứu sinh học, không chỉ

các lĩnh vực sinh học phân tử và tế bào, mà cả trong các nghiên cứu về sinh thái

học, môi trường, trong chẩn đoán và nghiên cứu phát sinh loài. Kỹ thuật FISH ra

đời đã khắc phục được nhiều trở ngại trong nghiên cứu phân loại sinh vật. Các trở

ngại, như các vấn đề khó khăn do phân loại bằng hình thái, nhược điểm về thời gian

phân tích kéo dài, các yêu cầu đòi hỏi về lượng mẫu lớn hay các yêu cầu về môi

trường nuôi cấy đặc chủng để sàng lọc loài… có thể được khắc phục bằng kỹ thuật

FISH. Bên cạnh đó, bằng kỹ thuật này, các nhà nghiên cứu không chỉ phân tích định

tính mà còn có thể định lượng chính xác số lượng tế bào sinh vật, không gian phân

bố hay mối tương quan với môi trường của các vi sinh vật. Kỹ thuật FISH đặc biệt

hữu ích trong nghiên cứu phân loại sinh vật phù du trong môi trường biển nói chung

và các loài tảo độc hại nói riêng.

Nhằm từng bước ứng dụng kỹ thuật FISH để giải quyết những khó khăn trong

phân loại các loài vi tảo độc hại biển, chúng tôi tiến hành đề tài “Ứng dụng kỹ thuật

phân tử lai huỳnh quang (FISH) nhằm xác định nhanh một số loài tảo độc hại

biển Việt Nam”. Kết quả mong đợi của đề tài sẽ giúp cho việc nghiên cứu đánh giá,

quan trắc biến động các loài vi tảo độc hại, cảnh báo các hiện tượng ô nhiễm môi

trường biển (như thủy triều đỏ) trở nên thuận tiện, nhanh chóng và hiệu quả hơn.

2

CHƯƠNG 1. TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU

1.1. Khái quát về kỹ thuật lai huỳnh quang tại chỗ (FISH)

1.1.1. Lịch sử nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật FISH

Kỹ thuật FISH được ra đời vào những năm 1980. Tuy nhiên, trước đó, khi

nghiên cứu tế bào, các nhà nghiên cứu thường sử dụng phương pháp nhuộm mô đơn

giản. Trong đó, các chất màu nhuộm tự nhiên hoặc tổng hợp đã được sử dụng để

nhuộm các cấu trúc hoặc các chất tích lũy trong tế bào. Nhưng, một nhược điểm lớn

là các chất này thường không đặc hiệu do chúng có những ái lực với những đặc tính

chung của các phần tử protein, axit nucleic, các lipit, cacbonhydrate. Chính điều này

đã cản trở cho các nghiên cứu chuyên sâu. Sau đó, các thuốc nhuộm đặc hiệu hơn

đối với các thành phần của tế bào hay các phức hợp phân tử lớn như hemosiderin,

amyloid, elastin đã được tìm thấy, phát triển và áp dụng trong việc nhuộm đặc hiệu

một số thành phần cấu trúc ở cấp độ phân tử và dưới tế bào. Dù đã có nhiều cải

thiện về tính đặc hiệu, nhưng các chất nhuộm này cũng không được áp dụng phổ

biến cho tất cả các đại phân tử sinh học được quan tâm. Khả năng phát hiện sự

giống và khác nhau của các đại phân tử đặc biệt ban đầu được dựa trên các phản

ứng kháng nguyên kháng thể. Vào những năm 1940, việc liên kết các kháng thể với

fluorochome nhưng không làm mất đi sự đặc hiệu liên kết thụ thể của chúng đã

được phát hiện. Trên cơ sở này, kỹ thuật sử dụng tín hiệu huỳnh quang phụ thuộc

kháng thể nhằm phát hiện các phân tử axit nucleic lai đã được Rudkin và Stollar

phát triển năm 1977 [58]. Tuy vậy, trước đó, kỹ thuật lai tại chỗ ISH (in situ

hybridization), tiền thân của kỹ thuật FISH, đã ra đời bởi nhóm các nhà khoa học

Pardue, Gall và John [54]. Trong phương pháp này, các thử nghiệm đã được tiến

hành với việc nhận biết được các trình tự ADN đích có trong noãn bào của chủng vi

khuẩn Xenopus bằng các đoạn đầu dò có bản chất là ADN hoặc ARN-28S đã được

đánh dấu bằng đồng vị phóng xạ. Sau đó chúng được ghi nhận bằng kỹ thuật phóng

xạ tự ghi. Kỹ thuật ISH này đã giúp các nhà khoa học có thể đưa các đoạn ngắn

ADN xâm nhập vào trong tế bào mà không làm chết, làm thay đổi hình thái của tế

3

bào hay tính toàn vẹn của các bộ phận bên trong tế bào. Trên cơ sở đó, một số cải

tiến kỹ thuật đã tiếp nối như việc ứng dụng các chất chỉ thị (reporter) dựa trên cơ sở

các enzym [33] hay sử dụng hệ thống đầu dò bằng vàng quan sát bằng kính hiển vi

điện tử [55]. Sau khi ra đời, ISH không ngừng được cải tiến nhằm nghiên cứu sự

tiến hóa của nhiễm sắc thể, phân tích các nhiễm sắc thể của các khối u, tế bào ung

thư bạch cầu và nghiên cứu di truyền học tế bào ở các loài.

Tuy nhiên, một số nhược điểm dễ nhận thấy của phương pháp ISH cũng đã

bộc lộ. Đầu tiên, rất nhiều vật liệu phóng xạ tự nhiên sử dụng cho đầu dò là kém

bền. Do các đồng vị phân rã theo thời gian nên hoạt động của đầu dò dễ bị thay đổi.

Thứ hai, mặc dù thông thường độ nhạy của phóng xạ tự ghi là cao nhưng mức độ

phân giải lại bị hạn chế. Thứ ba, để tạo ra tín hiệu có thể đo được trên film chụp X

quang thì mẫu cần phải có thời gian phơi nhiễm dài. Điều này làm chậm tiến trình

thí nghiệm, phân tích kết quả, gia tăng nguy cơ phơi nhiễm với người sử dụng.

Ngoài ra, vì kỹ thuật này đòi hỏi sử dụng nguyên liệu là các đồng vị phóng xạ nên

các đầu dò phóng xạ có giá thành cao; mặt khác đòi hỏi chúng phải được vận

chuyển, thao tác, lưu trữ và loại bỏ theo những quy trình rất nghiêm ngặt, phức tạp.

Vì những lý do đó, dù có nhiều ưu điểm nổi trội nhưng những hạn chế cơ bản trên

đã yêu cầu các nhà nghiên cứu cần phải tìm ra một biện pháp hiệu quả hơn. Có lẽ vì

vậy mà kỹ thuật ISH (với các đầu dò mang đồng vị phóng xạ) sau đó đã nhanh

chóng được thay thế bởi một kỹ thuật mới có nhiều ưu điểm hơn mang tên kỹ thuật

lai tại chỗ sử dụng các đầu dò axit nucleic có gắn tín hiệu huỳnh quang

(Fluorescence in situ hybridization - FISH). Với kỹ thuật FISH, các trở ngại về thời

gian thí nghiệm, độ phân giải và tính an toàn được giải quyết khá triệt để, mở đường

cho sự phát hiện đồng thời nhiều mục tiêu, phân tích định lượng và cho những hình

ảnh tế bào sống động.

Những nghiên cứu thử nghiệm ứng dụng tín hiệu huỳnh quang đầu tiên trong

phương pháp lai tại chỗ bắt đầu từ những năm 1980. Trong một nghiên cứu, các nhà

khoa học đã tiến hành gắn phân tử ARN trực tiếp với tín hiệu huỳnh quang ở đầu 3’

và thử nghiệm dùng nó là một đầu dò cho trình tự ADN đặc hiệu. Kết quả cho thấy

4

rằng so với các đầu dò phóng xạ, đầu dò huỳnh quang sử dụng an toàn hơn, ít gây

hại đối với môi trường và sức khỏe con người, đồng thời kết quả thu được cũng

chính xác hơn [18]. Ở những nghiên cứu khác, các đầu dò gắn biotin và các tín hiệu

streptavidin kết hợp huỳnh quang đã được dùng cho việc phát hiện các trình tự

ADN đích đặc trưng trên nhiễm sắc thể [46] và các trình tự trên mARN [60]. Năm

1989, DeLong cũng đã tiến hành thử nghiệm sử dụng các đầu dò oligonucleotit (17

- 34 nucleotit) được đánh dấu huỳnh quang để dò tìm các vi khuẩn E.coli dựa vào

trình tự đích là đoạn ARN 16s [24]. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, việc sử

dụng nhiều đầu dò khác nhau cho phép xác định được các loại tế bào khác nhau

trong cùng một nhóm và thậm chí với việc phân tích cường độ huỳnh quang cũng

cho thấy được giai đoạn và tốc độ phát triển của các tế bào vi sinh vật [19, 24].

Với khả năng ứng dụng rộng rãi của kỹ thuật FISH, ngày càng nhiều nghiên

cứu được tiến hành trên các lĩnh vực khoa học. Sự phát triển ngày càng cao của

nhiều kỹ thuật phân tích đã cho thấy rằng số lượng loài có trong tự nhiên, nhất là

đối với nhóm vi khuẩn, có con số vượt xa so với số lượng các loài đã được phát

hiện và mô tả trước đó. Do đó, sự đa dạng thành phần loài vi sinh vật trong thời

gian trước đây đã từng bị đánh giá thấp. Các phương pháp cổ điển trước đây hầu

như không thể mô tả được chính xác và đầy đủ rất nhiều loài vi sinh vật. Rất nhiều

loài sau này được phát hiện mới bằng các phương pháp hiện đại và chính xác hơn,

như phương pháp FISH. FISH có khả năng đưa ra những hình ảnh chi tiết của môi

trường vi sinh mà không cần phải qua những bước làm sạch hay khuếch đại. Chính

vì vậy mà nó đã được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực nghiên cứu khác nhau về

môi trường. Phương pháp này hiện nay được ứng dụng nhiều trong các nghiên cứu

về sự đa dạng sinh học của các quần thể vi sinh vật ở nhiều điều kiện địa lý khác

nhau trong tự nhiên, Llobet (1998) đã sử dụng kỹ thuật lai huỳnh quang tại chỗ như

một công cụ để các nghiên cứu về hệ vi sinh vật có trong trầm tích biển. Kết quả

cho thấy, gần 45% số tế bào vi khuẩn có trong đó thuộc nhóm ngành đã biết với

nhóm Cytophaga-Flavobacterium có trong hầu hết các lớp trầm tích [45]. Hay các

nghiên cứu sự phân bố của vi khuẩn bằng kỹ thuật FISH trong đại dương [31], trong

5

các tầng nước khác nhau tại vịnh Mariager Fjord, Đan Mạch [53], những nghiên

cứu hệ vi khuẩn ở trong sông [42], trong thủy vực trên núi cao có băng bao phủ

quanh năm [11], hay các nghiên cứu về Bacillus trong đất [26]…

Bên cạnh đó, kỹ thuật FISH cũng được ứng dụng rộng rãi trong y học.

Gersdorf (1993) đã tiến hành nghiên cứu hỗn hợp vi khuẩn phổ biến trong khoang

miệng người bằng phương pháp FISH qua đó đã tìm thấy có hơn 300 loài vi khuẩn

khác nhau, trong đó có nhiều loài rất phức tạp khi tiến hành nuôi cấy hoặc chưa

từng được nuôi cấy. Các bệnh về răng miệng như viêm răng hay viêm lợi có liên

quan đến các mạng lưới vi khuẩn đặc thù này. Trong khi một số kỹ thuật nuôi cấy

chuyên biệt chỉ thu được rất ít thành phần loài trong sự đa dạng nhóm vi sinh vật

này. Những lợi ích khi sử dụng kỹ thuật FISH đã được thể hiện rõ trên những vi

khuẩn kị khí gram âm, như Porphyromonas gingivalis, Bacterroides forsythus và

Prevotella intermedia có trong thành phần mảng bám răng của bệnh nhân viêm răng

[28, 29]. Cũng thông qua kỹ thuật FISH, các phân tích sâu hơn đã cho thấy một số

lượng lớn và đa dạng về hình thái của các loại xoắn khuẩn trên các vết bẩn của

mảng bám răng có trong khoang miệng của các bệnh nhân cùng với sự phát triển

nhanh chóng của bệnh viêm răng [21, 52]. Trong một thử nghiệm lâm sàng với các

mẫu đờm và mẫu gạc họng, một tập hợp các đầu dò oligonucleotit được thiết kế để

dò tìm đặc hiệu đối với các mầm bệnh phân lập từ tế bào xơ gan của bệnh nhân

được tiến hành. Kết quả cho thấy, các đầu dò đã phát hiện nhanh chóng và chính

xác các vi khuẩn gây cấp tính ở bệnh nhân xơ nang, bao gồm Pseudomonas

aeruginosa, Stenotrophomonas maltophilia, Pseudomonas aeruginosa,

Burkholderia cepacia, Haemophilus influenzae, Streptococcus pyogenes,

Staphylococcus aureus và Candida albicans. So với các kỹ thuật nuôi cấy thông

thường, FISH chứng tỏ là công cụ chính xác và hiệu quả [33, 34]. Ở một nghiên cứu

y học khác, khả năng ứng dụng của FISH để định danh các vi sinh vật gây bệnh

trong các mẫu máu nhiễm bệnh đã được khảo sát. Các đầu dò oligonucleotit sử

dụng đặc hiệu cho từng mầm bệnh điển hình đã cho thấy hiệu quả khi chúng dò tìm

thấy các nhóm gây bệnh bao gồm Staphylococci, Streptococci, Enterococci,

6

Enterobacteriaceae và nấm trên các bệnh nhân nhiễm bệnh. Các nhà nghiên cứu kết

luận rằng phương pháp FISH có độ nhạy và đặc hiệu tuyệt vời và kết quả thu được

chỉ trong 25 phút cho tới 2,5 giờ. Trong khi đó, việc định danh các loài bằng

phương pháp nuôi cấy truyền thống thường mất từ 24 đến 72 giờ mới hoàn thành.

Sự phát hiện nhanh chóng các nguyên nhân mầm bệnh trong máu bằng phương

pháp FISH cho phép các bác sỹ dễ dàng đưa ra được các phương pháp trị liệu thích

hợp và do đó có thể hoàn thiện việc chẩn đoán cho các bệnh nhân bị nhiễm trùng

máu [37, 41].

Cho đến nay, với các ưu thế về độ nhạy, tiết kiệm thời gian, đơn giản… kỹ

thuật FISH đã và đang là một công cụ hữu dụng trong những ứng dụng về nghiên

cứu sinh thái, đa dạng sinh học, y học, di truyền học và nhiều lĩnh vực khác.

1.1.2. Trình tự đích và đầu dò trong phép lai huỳnh quang tại chỗ

Bản chất của kỹ thuật FISH là sự lai chính xác một đoạn oligonucleotit có

gắn tín hiệu huỳnh quang (đầu dò) với một trình tự ADN đích đặc trưng. Với nhiều

mục đích khác nhau mà người ta có thể sử dụng kỹ thuật FISH nhằm dò tìm hay

phát hiện các trình tự ADN hay ARN đích thuộc các phần khác nhau của hệ gen

quan tâm. Các trình tự này có thể là một trình tự đặc trưng nằm trên nhiễm sắc thể

mã hóa cho một chức năng gen nào đó cần quan tâm. Với các đầu dò đặc hiệu cho

từng locut gen, chúng được tạo ra từ một phần của gen. Do vậy, khi lai, chúng sẽ

kết hợp bổ sung với phần đặc hiệu đó của gen trên nhiễm sắc thể. Từ đó người ta có

thể xác định được chính xác vị trí trên nhiễm sắc thể mà gen đó tồn tại. Đối với các

trình tự đích là những đoạn lặp vùng tâm động hay vùng Alphoid, đầu dò được thiết

kế sẽ cho phép chúng ta tìm thấy vùng tương ứng bổ sung tại tâm động của các

nhiễm sắc thể. Trong nhiều trường hợp, các nhiễm sắc thể được đánh dấu bởi các

màu huỳnh quang khác nhau của đầu dò. Từ đó người ta có thể xác định được cá thể

có mang đúng số lượng các nhiễm sắc thể hay không. Đối với phép lai toàn bộ

nhiễm sắc thể, tập hợp những đầu dò nhỏ được sử dụng để lai cho từng đoạn ngắn

trình tự đích dọc trên nhiễm sắc thể. Nhiễm sắc thể phát quang với các màu sắc

7

khác nhau của đầu dò giúp người ta có thể phân biệt được dễ dàng các nhiễm sắc

thể khác nhau thay vì phải căn cứ vào các vạch sáng tối trên nhiễm sắc thể theo các

phương pháp truyền thống. Mặt khác, chúng cũng giúp cho việc nhận biết dễ dàng

những bất thường trong cấu trúc của nhiễm sắc thể.

Trong một nghiên cứu của mình về bệnh bạch cầu (ABL), Michael đã tiến

hành thử nghiệm hệ thống tổ hợp các đầu dò oligonucleotit (COMBO) thông qua kỹ

thuật FISH nhằm nhận diện vùng ABL (gây bệnh bạch cầu) thuộc nhiễm sắc thể số

9 của người. Kết quả cho thấy hệ thống COMBO hoạt động rất hiệu quả và có thể

coi đây như một cách tiếp cận mới trong việc gắn nhãn đặc hiệu tại những vị trí cần

quan tâm của hệ gen người [48]. Các kết quả nghiên cứu thử nghiệm khác cũng chỉ

ra rằng để quá trình lai bổ sung được hiệu quả thì thông thường các trình tự này phải

ở giai đoạn chuẩn bị của nhiễm sắc thể trong nguyên phân hoặc trong giai đoạn gian

kỳ của tế bào [18, 19].

Mở rộng nghiên cứu, các nhà khoa học cũng đã sử dụng các tiểu phần ARN

ribosome (5s, 16s, 23s hoặc 28s) như các trình tự đích trong các thí nghiệm sử dụng

kỹ thuật FISH. Năm 1994, Trebesius cùng các đồng nghiệp của mình đã ứng dụng

phát triển kỹ thuật FISH trong việc xác định các tế bào vi khuẩn bằng việc sử dụng

các đầu dò polynucleotit cho các trình tự đích 23s ARN ribosome của vi khuẩn. Các

đầu dò này tỏ ra rất hiệu quả trong việc phát hiện các đối tượng vi khuẩn cần quan

tâm [64]. Trong một nghiên cứu khác, các trình tự thuộc các vùng V2, V4, V8 của

16s ribosome đã được các nhà khoa học sử dụng làm các trình tự đích cho các đầu

dò huỳnh quang trong phép lai tại chỗ nhằm định lượng nhóm vi khuẩn

Bifidobacterium spp. cộng sinh trong đường tiêu hóa của người [44]. Với mỗi mục

tiêu nghiên cứu, các vùng khác nhau của các tiểu phần ribosome ngày càng được

khai thác và sử dụng rộng rãi trong các ứng dụng kỹ thuật FISH khác nhau [18, 27,

36, 68]. Trong nhiều nghiên cứu về phân loại, các trình tự đích được sử dụng phổ

biến trong FISH là các rRNA 16S vì chúng ổn định về mặt di truyền, số lượng bản

sao nhiều.

8

Nhiều kết quả khác cũng đã cho thấy, việc sử dụng thành phần đích là phân

tử mARN đặc hiệu cũng có thể giúp ích trong nhiều nghiên cứu có liên quan vì

mARN là một mắt xích quan trọng trong chuỗi hoạt động sinh hóa và di truyền của

tế bào và của cơ thể [18, 25, 65].

Cùng với việc khai thác có hiệu quả và đa dạng các trình tự đích, các loại đầu

dò phục vụ trong kỹ thuật FISH cũng được nghiên cứu chế tạo và cải tiến tùy theo

từng mục tiêu. Một số nghiên cứu đã sử dụng các đầu dò là các đoạn polynucleotit.

Đây là những đoạn polynucleotit có kích thước lớn từ 200 – 300 nucleotit. Trong

một số nghiên cứu, người ta đã sử dụng chúng cho việc dò tìm các trình tự đích là

vùng siêu biến III thuộc 23s ARN ribosome của các vi khuẩn. Những đầu dò

polynucleotit này đã thể hiện tính hữu dụng trong việc phát hiện Pseudomonas

putida, Acinetobacter spp. [64] và nhóm vi khuẩn và vi khuẩn cổ phù du trong

nước biển [25]. Trong một nghiên cứu khác, bảy đầu dò polynucleotit đã xây dựng,

thiết kế nhằm nhận biết các loài Acinetobacte baumannii, A. calcoaceticus, A.

haemolyticus, A. junii, A. radioresistens, A. lwoffii, A. johnsonii cũng dễ dàng được

ứng dụng thông qua kỹ thuật FISH [39].

Bên cạnh đó, các đoạn oligonucleotit với kích thước chỉ khoảng 15 - 30

nucleotit có gắn các nhãn tín hiệu khác nhau cũng được nghiên cứu thiết kế và sử

dụng làm đầu dò tìm các thành phần đích là phân tử mARN, rARN đặc hiệu trong

nhiều nghiên cứu [25, 65]. Xét về tính hiệu quả, trong kỹ thuật lai huỳnh quang tại

chỗ nguyên vẹn tế bào, các đầu dò oligonucleotit với trình tự ngắn lại có hiệu quả

tốt hơn trong khả năng xâm nhập vào tế bào và lai đặc hiệu với trình tự đích. Đối

với các trình tự đích thuộc các tiểu phần ribosome 5s, 16s, 23s hoặc 28s của vi

khuẩn, các loài thông thường được nhận diện bằng các đầu dò oligonucleotit. Chính

vì vậy mà các nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật FISH với đầu dò oligonucleotit cho các

mục đích xác định vi khuẩn, phân tích cấu trúc nhóm vi khuẩn, xem xét các mối

quan hệ tương tác về không gian và thời gian của các quần thể vi sinh vật trong môi

trường sống của chúng đã được nhiều nhà khoa học quan tâm trong thời gian qua.

Trên thế giới, kỹ thuật FISH cũng đã được các nhà khoa học áp dụng trên các đối

9

tượng là những sinh vật phù du nước ngọt cũng như các loài phù du sống ven biển,

ngoài khơi và cả những loài thu được từ trầm tích đáy biển. Kỹ thuật FISH đã cho

thấy được ưu thế trong khả năng xác định nhanh chóng và chính xác số lượng rất

nhỏ các tế bào vi khuẩn cũng như có khả năng phát hiện được sự đa dạng phong

phú của các quần thể sinh vật này [11, 18, 31, 46].

1.1.3. Các loại tín hiệu đánh dấu huỳnh quang

Trong lịch sử phát triển kỹ thuật FISH, nhiều biến thể của tín hiệu (thuốc

nhuộm) gắn trực tiếp hoặc gián tiếp đã được đưa ra. Điều này cho phép các nhà

nghiên cứu có thể lựa chọn, tùy theo độ đặc hiệu, độ nhạy, độ phân giải, màu sắc

phát quang của đầu dò để thiết kế các đầu dò phù hợp với các điều kiện thí nghiệm

khác nhau. Đồng thời, việc đa dạng hóa các loại tín hiệu đánh dấu (đa dạng màu

sắc) sẽ làm cho hình ảnh của một kết quả lai huỳnh quang trở nên sinh động. Hình

ảnh thu được có thể minh họa rõ ràng cho việc phân tích sự tổ hợp của hệ gen về

mặt không gian hay dễ dàng trong việc phát hiện nhiễm sắc thể và sự sai lệch của

chúng trong chu trình tế bào. Các loại thuốc nhuộm huỳnh quang thường được gắn

với đầu dò bằng các liên kết cộng hóa trị. Chúng thường có các mức năng lượng

kích thích và phát xạ tối đa khác nhau, vì vậy cho phép phát hiện đồng thời hai hoặc

nhiều vi sinh vật bằng một lần tiến hành lai phân tử duy nhất đồng thời cho ra

những hình ảnh màu sắc sinh động. Các chất nhuộm thường sử dụng cho FISH

trong phân loại vi sinh vật là các dẫn xuất của fluorescein (như Fluorescein-

Isothiocyanate (FITC), 5(6)carboxyfluorescein-N-hydroxysuccimide-ester (FluoX))

hoặc dẫn xuất của rhodamine (như Tetramethyl-Rhodamine-Isothiocyanate

(TRITC), Texas Red), ngoài ra còn có các loại thuốc nhuộm cyanine khác như là

Cy3 và Cy5… [12, 39].

10

Bảng 1.1. Một số chất huỳnh quang được dùng phổ biến trong kỹ thuật FISH [18]

Bước sóng Chất

Huỳnh quang Màu Kích thích cực đại

(nm)

Phát xạ

(nm)

Alexa488 Xanh lá cây 493 517

AMCA Xanh da trời 399 446

CY3 Đỏ 552 565

CY5 Đỏ 649 670

CY7 Tím 743 767

DAPI Xanh da trời 350 456

Fluoresscein Xanh lá cây 494 523

Rodamine Đỏ 555 580

TAMRA Đỏ 543 575

Texas Red Đỏ 590 615

TRITC Đỏ-cam 550 580

Trong kỹ thuật FISH người ta có nhiều cách để đánh dấu đầu dò. Tuy vậy,

việc đánh dấu trực tiếp chất nhuộm huỳnh quang lên đầu dò là cách thông dụng,

nhanh và rẻ nhất. Đồng thời, đầu dò được chuẩn bị theo cách này dễ dàng được phát

hiện vì không cần phải tiến hành các bước dò tìm sau quá trình lai. Trong đánh dấu

đầu dò, một hoặc nhiều phân tử thuốc nhuộm huỳnh quang được liên kết trực tiếp

với chuỗi polynucleotit/oligonucleotit trong suốt quá trình tổng hợp thông qua liên

kết amino ở đầu 5’ của đầu dò. Một cách khác, người ta cũng có thể sử dụng enzym

Terminal transferase để gắn các nucleotit đã được đánh dấu huỳnh quang vào đầu 3’

của đầu dò [52]. Ngoài ra, một số thuốc nhuộm như Flourescein-Isothiocyanate

(FITC) nếu được gắn vào đầu dò theo một dải thì có thể làm tăng cường độ tín hiệu

so với các đầu dò được đánh dấu trực tiếp [23]. Sự tăng lên về tín hiệu huỳnh

quang cũng được biểu hiện trên những đầu dò được gắn chất huỳnh quang trên cả

hai đầu 3’ và 5’ [62]. Trong nghiên cứu của mình, Trebesius cùng các đồng nghiệp

(1994) đã sử dụng các đầu dò polynucleotit cho các trình tự đích 23s ARN ribosome

11

của vi khuẩn. Các đầu dò này không gắn tín hiệu phóng xạ mà được thay bằng dẫn

xuất phát huỳnh quang của UTP (fluorescein-12-UTP, digoxigenin-11-UTP, 7-

amino-4-methyl-coumarin- 3-acetyl-6-UTP, hoặc tetramethylrhodamine-6-UTP).

Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, với đầu dò dạng này thì hiệu quả mang tín

hiệu huỳnh quang tăng gấp khoảng 26 lần so với đầu dò ngắn oligonucleotit [64].

Tuy vậy, ở một một số trường hợp, việc dò tìm theo cách gián tiếp tỏ ra có

hiệu quả hơn. Sự tăng độ nhạy của thí nghiệm FISH bằng cách kết hợp các đầu dò

với những chất chỉ thị như Digoxygenin (DIG) đã được thực hiện và sau đó phức

hợp này sẽ được dò tìm thông qua một chất phản huỳnh quang [69]. Ngoài ra,

người ta có thể tăng độ nhạy của FISH bằng việc sử dụng enzym nhằm khuếch đại

tín hiệu của đầu dò trong nhiều nghiên cứu định danh vi khuẩn. Ban đầu, mỗi

oligonucleotit vẫn sẽ được đánh dấu bằng digoxygenin như trên, sau đó được dò

tìm bằng một thể kháng digoxygenin, kháng thể này tiếp tục được liên kết với

enzym phosphatase kiềm. Enzym này chuyển hóa HNPP (2-hydroxy-3-naphtoic

acid-2’-phenylanilide phosphate) thành dạng Dephosphoryl, chất này tạo ra màu

huỳnh quang đỏ sáng khi kết hợp với Fast Red TR. Tín hiệu huỳnh quang thu được

theo cách này có cường độ mạnh hơn 8 lần so với tín hiệu của các oligonucleotit chỉ

gắn nhãn huỳnh quang duy nhất [40, 67].

Sau này, phương pháp khuếch đại tín hiệu bằng enzym ngày càng được cải

tiến tốt hơn nhờ vào một kỹ thuật được gọi là “hệ thống khuếch đại tín hiệu

Tyramide” (TSA). Hệ thống này làm tăng cường độ tín hiệu lên khoảng 10 – 20 lần

so với ban đầu. Tuy nhiên các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, do quá trình xâm nhập

của các chất cao phân tử vào trong tế bào vi khuẩn bị hạn chế hơn những chất

nhuộm thông thường nên số lượng các tế bào được lai thành công đã giảm đi một

cách rõ ràng so với việc sử dụng đầu dò thông thường được đánh dấu duy nhất một

chất huỳnh quang. Mặc dù enzym lysozyme đã giúp cải thiện tính thấm của các đầu

dò vào trong tế bào, dẫn tới cường độ tín hiệu được nâng cao, nhưng phương pháp

này dường như không áp dụng được với một số loài vi khuẩn Gram dương. Trong

một số trường hợp, việc kết hợp sử dụng các đầu dò polyribonucleotit, được đánh

12

dấu với digoxygenin, song song với việc sử dụng hệ thống TSA là một giải pháp

tốt. Sự kết hợp này đã được ứng dụng thành công khi dò tìm và phát hiện trực quan

các loài Listeria gây độc [65]. Về khía cạnh khác, các đầu dò oligonucleotit với

trình tự ngắn lại có hiệu quả tốt hơn trong khả năng xâm nhập vào tế bào và lai đặc

hiệu với trình tự đích so với các đầu dò polynucleotit.

Để tăng độ nhạy của đầu dò trong kỹ thuật FISH, việc tính toán đến số lượng

bản sao của trình tự đích cũng là một giải pháp được tính đến nhằm khuếch đại tín

hiệu để có được hình ảnh rõ nét hơn. Trong nhiều trường hợp, các trình tự đích là

các rARN hay các mARN (thường có nhiều trong tế bào) được lựa chọn để sử dụng

với các đầu dò oligonucleotit mang được ít tín hiệu đánh dấu [18].

Hình 1.1. Các cách gắn nhãn tín hiệu vào đầu dò [18].

Gắn nhãn trực tiếp (a, b) và gián tiếp (c–e) của đầu dò sử dụng 1 phân tử chỉ

thị như digoxygenin (DIG) mà nó sau đó được phát hiện bởi kháng thể huỳnh

quang, horseradish peroxidase (HRP) sử dụng phức hợp fluorescein–tyramide như

một cơ chất cho sự khuếch đại tín hiệu bằng enzym theo hệ thống TSA, hoặc sự kết

hợp sử dụng các đầu dò polyribonucleotit với hệ thống TSA.

Như vậy, bằng kỹ thuật FISH, các nhà nghiên cứu không chỉ có thể phân biệt

được các vi sinh vật quen thuộc mà còn xác định được các vi sinh vật mới, chưa biết

Gắn nhãn vào đầu 5’ (a)

Gắn nhãn vào đầu 3’ (b)

Sử dụng chất chỉ thị (c)

Sử dụng enzym (d)

Đầu dò dạng polynucleotit (e)

13

rõ về điều kiện và môi trường nuôi cấy. Đồng thời, kỹ thuật FISH có thể giúp chúng

ta phân tích được sự phân bố không gian của chúng và biết rõ về hệ thống phức tạp

của các quần thể vi sinh vật. Việc xác định số lượng, cường độ các tín hiệu phát ra

bằng các oligonucleotit của rARN đích cho phép ước tính được tỷ lệ tăng trưởng

của các tế bào riêng lẻ [38]. Cho đến nay, độ nhạy và tốc độ thực hiện là những đặc

điểm nổi bật giúp kỹ thuật lai huỳnh quang tại chỗ - FISH trở thành công cụ rất hữu

hiệu cho nhiều nghiên cứu về di truyền, sinh thái, môi trường. Qua quá trình phát

triển và cải tiến, cho đến nay chúng được xem là một trong những công cụ di truyền

phân tử ứng dụng rộng rãi trong nghiên cứu về sinh thái học, môi trường học, chẩn

đoán bệnh và phát sinh loài.

1.1.4. Tình hình nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật FISH trong vi tảo biển độc hại

Vi tảo biển (Microalgae) là bộ phận sinh vật có thành phần rất phong phú

trong hệ sinh thái thủy sinh của biển. Trong chuỗi thức ăn, vi tảo biển là sinh vật

sản xuất sơ cấp, là một mắt xích thức ăn, nguồn cung cấp dinh dưỡng của nhiều loài

động vật phù du, ấu trùng giáp xác và nhiều loài động vật khác [7]. Bên cạnh chức

năng quan trọng đó, việc bùng phát hoặc tiết các chất gây độc của một số loài vi tảo

biển lại có thể gây nguy hại cho các loài thủy sinh, thậm chí gây nguy hiểm đến tính

mạng con người và gây ô nhiễm môi trường, phá hủy cân bằng sinh thái. Điển hình

cho những tác hại này chính là hiện tượng thủy triều đỏ hay tảo độc nở hoa, đã được

ghi nhận ở nhiều vùng biển khác nhau trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đây

cũng là nguyên nhân làm chết nhiều loài sinh vật biển trong tự nhiên và nuôi trồng

thủy sản.

Một số chi tảo điển hình cho hiện tượng thủy triều đỏ là Alexandrium và

Pseudo-nitzschia. Đây là những chi tảo biển có phân bố rộng, có thể bắt gặp ở nhiều

vùng biển khác nhau ở Việt Nam và trên thế giới. Chúng có khả năng sản sinh các

độc tố gây liệt cơ (PSP) và có thể gây chết người [45]. Mặt khác, rất nhiều loài vi

tảo có cấu tạo phức tạp và rất giống nhau về hình thái ngoài, do vậy thường dẫn đến

sự lẫn lộn về danh pháp giữa các loài trong cùng một chi. Điều này dẫn đến những

14

khó khăn rất lớn cho việc quan trắc, cảnh báo nguy cơ bùng phát và hạn chế những

tác hại của chúng trong tự nhiên. Tuy nhiên, kỹ thuật FISH ra đời và ngày càng

hoàn thiện đã phần nào giúp các nhà khoa học dễ dàng hơn trong việc rà soát và

phát hiện nhanh tảo độc hại và quan trắc, cảnh báo môi trường một cách hiệu quả

hơn. Phương pháp này thường được sử dụng trong các nghiên cứu quan trắc môi

trường biển cho các loài vi tảo độc hại, đặc biệt khi có những biến động bất thường

về môi trường và sự nở hoa vi tảo biển [59].

Một trong những thử nghiệm đầu tiên sử dụng các đầu dò phân tử như một

công cụ để phân loại các loài tảo độc hại được tiến hành bởi Anderson (1995). Kết

quả nghiên cứu này cho thấy độ nhạy của đầu dò lai huỳnh quang trong việc phát

hiện Pseudonitszchia pungens là rất tốt. Sự kết hợp giữa 2 loại đầu dò huỳnh quang

và đầu dò kháng thể làm tăng đáng kể hiệu quả hình ảnh thu được [15]. Năm 1996,

Adachi và đồng nghiệp đã sử dụng các kỹ thuật phân tử để phân loại hai loài A.

tamarense và A. catenella thuộc chi Alexandrium. Đầu dò ADN được thiết kế đối

với trình tự của ADN mã hóa ribosome (rADN) tại vùng ITS. Nhóm đối tượng được

tiến hành thử nghiệm bao gồm A. affine, A. insuetum, A. pseudogonyaulax, A.

lusitanicum, A. fraterculus, Gymnodinium mikimotoi, Prorocentrum micans,

Amphidinium carterae, Heterocapsa triyuetra, Heterosigma akashiwo, Chattonella

antiyua và Skeletonema costatum. Kết quả cho thấy, hai đầu dò cCAT-F1 và

cTAM-F1 chỉ bắt cặp tương ứng với các chủng khác nhau thuộc hai loài

Alexandrium catenella và A. tamarense. Ngoài ra, chúng không hề có phản ứng với

các chủng tảo độc khác hoặc xảy ra phản ứng chéo trong cùng điều kiện lai. Kết quả

này chứng tỏ, cCAT-F1 và cTAM-F1 có tính đặc hiệu cao với các loài Alexandrium

catenella, A. tamarense và có thể dùng làm đầu dò đặc hiệu để nhận dạng hai loài

vi tảo biển này [10].

Một số công bố sau đó cũng cho thấy phương pháp FISH có khả năng áp

dụng tốt trong việc phân loại các loài đặc hiệu ngay cả trong mẫu nuôi cấy và mẫu

ngoài tự nhiên [10, 59]. Cùng thời gian này, Miller và Scholin đã ứng dụng FISH

với việc sử dụng đầu dò huỳnh quang đặc hiệu rARN để phân loại chi Pseudo-

15

nitzschia. Tám đầu dò phân tử đặc hiệu (auD1, puD1, muD1, muD2, heD2-2, frD1,

deD1, và amD1) được thiết kế và sử dụng để phân loại một cách dễ dàng tám loài

khác nhau, đó là: P. australis, P. pungens, P. multiseries, P. heimii, P. fraudulenta,

P. delicatisima, P. pseudodelicatisima và P. americana. Kết quả cũng cho thấy tính

tiện dụng, chuẩn xác và tiết kiệm thời gian của phương pháp phân loại bằng các đầu

dò huỳnh quang hơn nhiều so với các phương pháp truyền thống [50, 51]. Ở một

nghiên cứu khác, kỹ thuật FISH cũng được ứng dụng thử nghiệm để nhận dạng 10

chủng tảo độc thuộc một số loài Pseudo-nitzschia được thu thập ở nhiều vùng khác

nhau trên thế giới (Nhật Bản, Mĩ và Canada) với trình tự đích là ARN. Kết quả cho

thấy, đầu dò có tín hiệu rất mạnh đối với các chủng Pseudo-nitzschia multiseries và

P. pungens, thu thập từ Mĩ và Canada. Phép lai phân tử cũng cho thấy tín hiệu

huỳnh quang giảm nhẹ khi tế bào nuôi cấy ở giai đoạn muộn chứng tỏ lượng ARN

đã giảm trong tế bào. Việc định lượng tế bào Pseudo-nitzschia bằng sử dụng kết

hợp kỹ thuật FISH cũng trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn [59]. Khả năng ứng

dụng kỹ thuật lai huỳnh quang tại chỗ đối với các mẫu Pseudo-nitzschia đã được cố

định bằng hóa chất bảo quản cũng đã được thử nghiệm. Các mẫu vi tảo cố đã được

cố định bằng êtanol cũng đã có phản ứng dương tính đối với thí nghiệm lai. Tuy

nhiên, độ nhạy của tín hiệu huỳnh quang thu được tùy thuộc vào thời gian cố định

và một số điều kiện bảo quản của mẫu trước khi thí nghiệm. Đối với các mẫu sau

khi lai với đầu dò huỳnh quang được lưu giữ ở 4oC sẽ duy trì được sự phát quang

trong thời gian dưới 1 tuần [49]. Trong những nghiên cứu khác, các các tiểu đơn vị

của ribosome cũng đã được lấy làm các trình tự đích cho việc quan trắc Pseudo-

nitzschia thu thập từ vịnh Chinhae Bay (Hàn Quốc). Kỹ thuật FISH với các đầu dò

đặc hiệu đã được sử dụng gồm muD1, puD1, auD1, heD2-2, frD1, deD1, amD1.

Nghiên cứu này cũng cho thấy, một số đầu dò cho tín hiệu huỳnh quang yếu hơn

các đầu dò khác. Điều này được giải thích là liên quan đến trạng thái sinh lí của tế

bào [20].

Sau này, việc sử dụng các đầu dò phân tử phát huỳnh quang trong kỹ thuật

FISH để nhận dạng và phát hiện các loài tảo độc hại ngày càng phổ biến hơn. Đầu

16

dò được thiết kế dựa trên trình tự đích thuộc vùng D1- D2 của tiểu đơn vị lớn LSU

rADN của các loài vi tảo đã được thử nghiệm trong phép lai FISH đặc hiệu trên tế

bào nguyên vẹn. Các đầu dò ADN đặc hiệu cho 6 loài Alexandrium: A. tamarense,

A. catenella, A. affine, A. fraterculus, A. insuetum và A. pseudogonyaulax đã cho kết

quả tốt và không biểu hiện ở các phản ứng lai với các loài Alexandrium khác [43].

Cũng nghiên cứu về một số loài thuộc chi Alexandrium, một số nhà khoa học khác

cũng đã thành công trong việc phát triển phương pháp lai huỳnh quang tại chỗ với

các đầu dò được thiết lập từ các trình tự đích thuộc rARN có trong tế bào A.

tamarense và A. catenella với cả mẫu nuôi cấy và mẫu tảo thu ngoài tự nhiên [63].

Một số thử nghiệm lai tại chỗ trên Heterosigma akashiwo (Raphidophyceae) với các

đầu dò thiết kế các trình tự ARN và ADN đích đã cho thấy: đối với đầu dò rARN,

kết quả là các ARN trong tế bào chất được lai với đầu dò và làm cho toàn bộ tế bào

bắt màu xanh; còn với đầu dò ADN, đầu dò lai với ADN trong nhân nên chỉ có

nhân tế bào là bắt màu xanh [21].

Khai thác trình tự vùng D1-D2 ADN mã hóa cho tiểu phần lớn của ribosome

(LSU), một số nhà khoa học đã thiết kế các đầu dò và phát triển phép lai huỳnh

quang tại chỗ với tín hiệu FITC nhằm định loại nhanh cho nhiều loài tảo độc hại

trong nhiều thủy vực [22].

Bảng 1.2. Trình tự đầu dò cho một số loài Alexandrium [22].

Tên loài Trình tự đầu dò Số hiệu trên

Genbank

A.tamiyavanichii

A. catenella

A. fraterculus

A. insuetum

A. tamarense

A. pseudogonyaulax

GTACTTAGACCACACCATA

GCAT TTGACAATTGCTCCT

GCTCTTGTTCATCAACATC

GCACTTGATGATCGATTGC

GCATTTGGCGATCAATTCT

GCACTTGATGGTTGTTTGC

AB088316

AB088280

AB088290

AB088298

AB088279

AB088302

Trong nhiều nghiên cứu về sau này, một số cải tiến của kỹ thuật FISH đã được

đưa ra nhằm hoàn thiện và tối ưu hơn cho từng mục đích hay đối tượng quan tâm

17

khác nhau [17]. Với những ưu thế về độ chính xác, độ nhạy và tiết kiệm thời gian,

kỹ thuật lai huỳnh quang tại chỗ vẫn được xem là một công cụ rất hữu hiệu cho

nhiều nghiên cứu sinh học.

1.2. Tình hình nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật FISH tại Việt Nam

Cho đến nay, tại Việt Nam, kỹ thuật FISH chủ yếu được nghiên cứu ứng dụng

trong lĩnh vực y học. Một số nghiên cứu xây dựng quy trình chẩn đoán trước sinh

bằng kỹ thuật FISH đã được tiến hành. Các nghiên cứu này được dựa trên các trình

tự ADN đích thuộc các nhiễm sắc thể nhằm phát hiện một cách chính xác các bất

thường trên các nhiễm sắc thể (NST) tương ứng với các bệnh di truyền được quan

tâm [4]. Trong một số nghiên cứu khác, ứng dụng kỹ thuật lai tại chỗ huỳnh quang

được dùng để chẩn đoán trước sinh hội chứng Đao, hội chứng Tớc-nơ cũng đã cho

kết quả thành công. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, việc sử dụng kỹ thuật lai

huỳnh quang tại chỗ đã cho kết quả rất chính xác khi so sánh với phương pháp phân

tích nhiễm sắc thể của tế bào ối [1, 2]. Bên cạnh đó, các nghiên cứu ứng dụng kỹ

thuật FISH trong việc phát hiện các lệch bội nhiễm sắc thể số 13, 18, 21, X, Y từ tế

bào dịch ối bằng kỹ thuật lai huỳnh quang tại chỗ cũng đã thành công. Trên cơ sở

phân tích các mẫu thu từ các phụ nữ mang thai giai đoạn 17 - 25 tuần có nguy cơ

cao bị dị tật, kỹ thuật FISH đã giúp phát hiện 1 trường hợp mắc hội chứng Patau

(trisomy 13), 1 trường hợp mắc hội chứng Đao (trisomy 21), 1 trường hợp bất

thường cánh dài của NST 16. Kết quả cũng cho thấy 100% mẫu kết quả FISH phù

hợp với kết quả phân tích về NST liên quan đến các NST số 13, 18, 21, X, Y. Quy

trình chuẩn nhằm chẩn đoán trước sinh bằng chọc ối làm xét nghiệm FISH an toàn

cũng đã được hoàn thiện [6]. Sử dụng kỹ thuật FISH nhằm phát hiện sự khuếch đại

gen NMYC trên các bệnh nhân u nguyên bào thần kinh đã được tiến hành tại các

bệnh viện Nhi trung ương và cho kết quả tốt đẹp. Một số biến đổi di truyền trong u

nguyên bào thần kinh có ý nghĩa quan trọng trong việc lựa chọn phác đồ điều trị và

tiên lượng bệnh, trong đó sự khuếch đại gen NMYC được xem là yếu tố quan trọng

nhất đã được tìm thấy. Kết quả thành công này có ý nghĩa quan trọng hỗ trợ các bác

18

sỹ lâm sàng trong việc phân nhóm bệnh nhân và lựa chọn phác đồ điều trị thích hợp

[5].

Các nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật lai huỳnh quang tại chỗ FISH đối với các

loài sinh vật thủy sinh tại Việt Nam gần như rất ít. Trong một nghiên cứu gần đây

tại Viện nghiên cứu hải sản về ứng dụng kỹ thuật FISH cho việc nhận diện nhanh 2

loài tảo giáp độc hại A. tamarense và A. catenella, một số thử nghiệm đã được tiến

hành. Các trình tự đích thuộc vùng D1- D2 trên nhiễm sắc thể mã hóa cho tiều phần

lớn LSU của ribosome của loài được lấy làm cơ sở thiết kế đầu dò. Tín hiệu huỳnh

quang FITC được thiết kế gắn với đầu dò đặc hiệu. Kết quả nghiên cứu đã cho thấy

các trùng lặp, giống nhau về đặc điểm hình thái của các loài tảo giáp từng gây khó

khăn trong quan trắc tảo độc hại đã phần nào được giải quyết nhờ kỹ thuật FISH.

Đây cũng là một trong những cơ sở ban đầu cho việc ứng dụng kỹ thuật này trong

quan trắc cảnh báo về sự bùng phát các đối tượng thủy sinh gây thủy triều đỏ tại

Việt Nam [3].

1.3. Các bước cơ bản của quy trình lai huỳnh quang tại chỗ - FISH

Sự ra đời của kỹ thuật FISH dựa trên các cải tiến của kỹ thuật ISH đã ra đời

và là sự kết hợp chính xác của phép lai một đoạn oligonucleotit (đầu dò) có gắn tín

hiệu huỳnh quang với một trình tự ADN đích đặc trưng. Bằng quan sát trực quan từ

kính hiển vi huỳnh quang, các phân tử huỳnh quang phát sáng với những màu sinh

động cho phép hiển thị các đoạn ADN, nhiễm sắc thể hay tế bào đích. Nhờ đó mà

các nhà nghiên cứu có thể nhận dạng, liệt kê và định vị các tế bào sinh vật trong

mẫu môi trường tự nhiên hay trong các mô bệnh phẩm...

Quy trình này bao gồm các bước cơ bản sau:

- Bước 1: Chuẩn bị mẫu và đầu dò có trình tự nucleotit bổ sung đặc hiệu với trình

tự đặc hiệu cần nhận biết.

- Bước 2: Cố định mẫu nghiên cứu.

- Bước 3: Lai giữa đầu dò và trình tự đích đặc hiệu nằm trong tế bào của mẫu.

19

- Bước 4: Rửa mẫu để loại bỏ các đầu dò không được lai (đầu dò tự do).

- Bước 5: Hiển thị, quan sát và phân tích kết quả bằng kính hiển vi huỳnh quang.

Hình 1.2. Các bước cơ bản của kỹ thuật lai huỳnh quang tại chỗ FISH

1.4. Đặc điểm sinh thái của một số loài vi tảo biển độc hại nghiên cứu

Alexandrium affine được xác định là một trong số 31 loài tảo độc hại thuộc

phân chi Alexandrium nom. nud của chi Alexandrium (chi tảo Hai roi) trên thế

giới. Chúng được xác định có phân bố phổ biến ở vùng biển Việt Nam. Các kết quả

nghiên cứu trước đây cho thấy rằng chúng phát triển mạnh vào thời gian từ tháng 12

đến tháng 2 hàng năm và bắt gặp nhiều trong các thủy vực Thừa Thiên Huế. Loài

này cũng đã bắt gặp phát triển mạnh tại các vịnh Văn Phong, Cam Ranh (Khánh

Hòa) vào mùa khô thuộc các tháng 3 và 4. Một kết quả phân tích độc tố của loài này

20

đã cho thấy rằng, thành phần độc tố của chúng bao gồm các loại NeoSTX, STX,

GTX1-4 với nồng độ <2,28µmol/tế bào. Đây là các chất độc được sản sinh ra khi

chúng bùng phát mạnh với mật độ cao trong môi trường thủy sinh. Các chất độc này

làm chết nhiều đối tượng thủy sinh [45]. Trong các nghiên cứu vi tảo biển độc hại,

A. affine là một trong những đối tượng được quan tâm vì chúng cũng là một trong

những yếu tố chỉ thị môi trường quan trọng [7].

Một loài tảo khác là Alexandrium pseudogonyaulax đã được xác định là một

trong 15 loài tảo độc hại thuộc chi Alexandrium (phân chi Gessnerrium) có ở biển

Việt Nam. A. pseudogonyaulax được coi là loài tảo gây hại trong nhiều thủy vực

nước mặn và lợ ven biển Việt Nam. Các kết quả điều tra nghiên cứu trước đây đã

cho thấy rằng: A. pseudogonyaulax có phân bố rộng và rất dễ bùng phát và đã từng

bùng phát nhiều đợt, làm thiệt hại nghiêm trọng tới nhiều thủy vực nuôi trồng thủy

sản tại các vùng ven biển miền trung và Nha Trang [7]. Tuy không phải là nhóm vi

tảo hai roi sản sinh độc tố, nhưng do khả năng dễ tạo mật độ cao trong các thủy vực

nên A. pseudogonyaulax được đánh giá là một trong những loài tiềm tàng gây hại

cao, là nguyên nhân gây thiệt hại cho nhiều đầm nuôi thủy sản trong thời gian qua.

Chính vì vậy đây cũng là một trong những đối tượng chỉ thị môi trường quan trọng

trong nhiều thủy vực ven biển [45].

Trong nghiên cứu này, chúng tôi vì vậy đã tiến hành thử nghiệm ứng dụng

kỹ thuật lai huỳnh quang FISH nhằm nhận diện nhanh được 2 loài tảo độc hại là

Alexandrium affine và A. pseudogonyaulax thu thập ở Việt Nam.

21

CHƯƠNG 2. VẬT LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Địa điểm thu mẫu và đối tượng nghiên cứu

Hai mẫu tảo độc hại được thu tại vùng biển Cát Bà – Hải Phòng, gồm có:

+ Mẫu A. sp6 (Alexandrium affine) được thu vào ngày 20/7/2010 tại khu vực

cửa biển thuộc Bến Bèo (Cát Bà, Hải Phòng) với điều kiện môi trường như sau: độ

mặn nước biển: 27‰, pH 7,72.

+ Mẫu A. sp7 (Alexandrium pseudogonyaulax) được thu vào ngày 27/4/2011

tại khu vực vịnh cảng Cát Bà (Hải Phòng) với các điều kiện môi trường nước biển

như sau: độ mặn nước biển: 29‰, pH 7,44.

2.2. Phương pháp thu và lưu giữ mẫu

Mẫu vi tảo nghiên cứu được thu theo hướng dẫn của Hallegraeff và đồng

nghiệp [32] và Anderson [15].

Mẫu được thu bằng lưới thu thực vật phù du có đường kính 20cm, kích thước

mắt lưới 20µm, thu theo phương thẳng đứng. Mẫu sau đó được bảo quản trong lọ và

giữ trong điều kiện nhiệt độ từ 4 – 15oC. Mẫu này sau đó được chuyển về phòng thí

nghiệm để phân lập.

Đối với các mẫu vi tảo thu ngoài tự nhiên để thử nghiệm đầu dò, 2 phương

pháp bảo quản, xử lý mẫu được tiến hành:

- Xử lý mẫu thu được từ lưới kéo như trên và sau đó mẫu này được sử

dụng cho các thí nghiệm lai như trình bày ở phần sau.

- Các mẫu thu từ ngoài tự nhiên không kịp tiến hành thí nghiệm lai với đầu

dò ngay trong ngày thì được cố định bằng etanol 70% hoặc formandehyt

10%. Các mẫu này sau đó được đưa vào thí nghiệm lai như mô tả ở phần

sau (Shoko và cộng sự [60]).

22

2.2.1 Phân lập các chủng vi tảo (theo phương pháp thu tế bào đơn lẻ bằng

micropipet của Richmon [57] và Andersen [13]:

Mẫu tảo sau khi chuyển về phòng thí nghiệm, được phân lập bằng pipet mao

quản (pipet thủy tinh kéo dài). Sau đó, tế bào được rửa sạch bằng cách hút chuyển

từng tế bào cần phân lập vào môi trường nuôi tảo vài lần có cùng độ mặn, cho tới

khi mẫu sạch hoàn toàn. Tiếp theo, mỗi tế bào được chuyển sang một giếng nuôi đã

chứa sẵn môi trường đã được pha sẵn với độ mặn tương ứng ngoài tự nhiên.

Môi trường nuôi được sử dụng là môi trường IMK (Daigo IMK – mua từ

hãng Nihon Pharmaceutical Co., Ltd.) dành cho nhóm tảo giáp (Alexandrium).

2.2.2 Phương pháp nuôi giữ các chủng vi tảo thu được (theo Shoko và cộng sự

[60], Nguyễn Văn Nguyên và cộng sự [3]):

Các mẫu tảo sau khi thu thập được nuôi giữ như sau:

+ Bước 1 - Nuôi trong giếng: Mẫu sau khi phân lập được rửa sạch, mỗi tế

bào (hoặc chuỗi tế bào) được chuyển vào một giếng. Giếng nuôi có đường kính

16mm, thể tích khoảng 5ml (loại 24 giếng/khay của hãng Corning - Mỹ). Sau 3 đến

5 ngày nuôi và theo dõi, nếu tảo đã thuần và phát triển tốt, tiến hành cấy truyền sang

lọ nuôi bằng nhựa (flask). Đối với các mẫu chưa thuần, phân lập được lặp lại cho tới

khi thuần hoàn toàn.

+ Bước 2 - Nhân nuôi sinh khối trong lọ nhựa hoặc bình tam giác: Mẫu tảo

phát triển tốt được tiếp tục nuôi tạo sinh khối trong lọ nhựa hoặc bình tam giác

50ml làm nguyên liệu cho các thí nghiệm tiếp theo.

Mẫu tảo độc được nuôi trong các điều kiện nhân tạo được kiểm soát về các

thông số môi trường, bao gồm:

Cường độ chiếu sáng: 2.500 lux, bằng hệ thống ánh sáng trắng (đèn neon);

Chế độ chiếu sáng: 13h sáng liên tục/11h tối liên tục, được điều khiển bởi

đồng hồ đóng ngắt tự động;

Nhiệt độ nuôi: ổn định ở 24oC liên tục trong buồng có điều hòa nhiệt độ;

Môi trường nuôi: IMK (hãng Nihon Pharmaceutical Co., Ltd., Nhật Bản).

23

2.3. Phương pháp phân loại hình thái

Việc phân loại các mẫu tảo giáp được thực hiện chủ yếu dựa vào công thức

tấm vỏ tế bào đã được nhuộm Calco - fluor, quan sát dưới kính hiển vi quang học và

có sự hỗ trợ của chuyên gia phân loại hình thái. Các tài liệu chính để phân loại là:

Balech (1995), Abe (1967a,b), Larsen và cộng sự (2004) [8, 9, 16, 45].

2.4. Phương pháp kiểm tra phân loại bằng ADN và thiết kế đầu dò

2.4.1. Phương pháp chuẩn bị ADN khuôn (Sebastián và cộng sự (2001) [62]):

Chuẩn bị ADN khuôn: Một tế bào được phân lập từ mẫu nuôi bằng pipet

pasteur thủy tinh kéo dài. Tế bào được rửa 3 lần bằng nước biển lọc có độ mặn giảm

dần từ 27‰ đến 20‰ và 15‰. Cuối cùng, tế bào được rửa 3 lần bằng nước cất

trước khi đưa vào trong ống PCR chứa sẵn 10µl nước khử ion đã được tiệt trùng. Tế

bào được giữ ở -20oC và sau đó được đưa vào sốc nhiệt để phá vỡ tế bào, chuẩn bị

cho phản ứng PCR.

Phương pháp sốc nhiệt : Các ống mẫu chứa tế bào được chuyển đột ngột qua

lại 3 lần giữa hai trạng thái lạnh (-20oC ) và nóng (90oC) trong thời gian mỗi 20 giây

ở mỗi điều kiện, nhằm làm vỡ tế bào và dung giải ADN ra ngoài. Các mẫu được lắc

rung (votex) và ly tâm trở lại (5000vòng/phút) chuẩn bị cho phản ứng PCR.

2.4.2. Phương pháp Singel cell PCR (Sebastián và cộng sự (2001) [62], Shoko và cộng sự (2005) [60])

Phản ứng PCR được tiến hành để nhân vùng D1 – D2 của gen mã hóa tiểu

đơn vị lớn 28s ARN ribosome. Tuy nhiên, do lượng ADN khuôn ban đầu ít (từ 1 tế

bào) nên quy trình PCR được thực hiện thông qua 2 phản ứng theo sơ đồ hình 2.1).

Sản phẩm phản ứng PCR 2 (vùng ADN mục tiêu)

Pr28-

PrS1R

PrD2

PrD1

SSU ITS1 5S ITS2

D1 D2 D3 D4 D5 D6 D7 D8 ……

SSU ITS1 5S ITS2 D1 D2 D3 D4 D5

ADN mã hóa Ribosom

Cặp mồi đặc hiệu cho phản ứng PCR1

Sản phẩm phản ứng PCR1

PCR1

PCR2

D1 D2

Cặp mồi đặc hiệu cho phản ứng PCR2

Hình 2.1. Sơ đồ phản ứng PCR nhân vùng D1-D2 của rADN

24

Phản ứng PCR lần 1: Nhân đoạn ADN dài khoảng 5.000 bp, mã hóa cho rARN của

Alexandrium từ vùng tiểu phần nhỏ SSU tới vùng D6 của tiểu phần lớn LSU. Cặp

mồi sử dụng cho phản ứng PCR lần 1: S1R (5’-TACCTGGTTGATCCTGCCAG-

3’) và 28-1483R (5’-GCTACTACCACCAAGATCTGC-3’). Chu trình nhiệt: 950C

5phút, (950C 1phút, 550C 1phút, 720C 5phút 30 giây) x 35 chu kỳ, 720C 10 phút .

Thể tích phản ứng PCR là 25µl có chứa các thành phần như sau:

- MgCl2: 20mM (1x đệm Takara Ex Taq)

- dNTPs: 200µM (Takara Ex)

- Taq: 1U (Takara Ex Taq)

- Mồi: 1µM mỗi mồi (TOS-Nhật Bản)

- ADN khuôn: 5µl

Phản ứng PCR lần 2: Nhân đoạn D1-D2 của tiểu phần LSU, với độ dài

khoảng 700bp. Thể tích phản ứng PCR lần 2 là 25µl có thành phần tương tự như

trên, sử dụng ADN khuôn là 5µl sản phẩm PCR lần 1. Cặp mồi sử dụng là: D1R

(5’-ACCCGCTGAATTTAAGCATA-3’) và D2C (5’-

CCTTGGTCCGTTTCAAGA-3’). Chu trình nhiệt: 95oC 5phút, (95oC 30 giây, 55oC

30 giây, 72oC 1phút 50 giây) x 35 chu kỳ, 72oC 10 phút.

Các phản ứng PCR được thực hiện trên máy PCR Thermal Perkin Elmer 9600.

Kiểm tra sản phẩm PCR: Sản phẩm PCR lần 2 được điện di trên gel agarose

1,5%, nhuộm trong ethidium bromide, soi trên đèn UV có bước sóng 365nm để

kiểm tra và đánh giá kết quả.

2.4.3. Phương pháp kiểm tra phân loại bằng ADN

Giải trình tự ADN vùng D1-D2: Sản phẩm thu được của PCR lần 2 được tinh

sạch bằng cột tinh sạch của hãng Promega và gửi đi giải trình tự trên máy Applied

Biosystems 3130 Series (tại phòng thí nghiệm của Viện vi sinh vật và Công nghệ

sinh học - Đại học Quốc gia Hà Nội).

25

Kiểm tra phân loại bằng ADN: Dựa trên trình tự vùng D1 - D2 thu được,

chúng tôi xây dựng cây phát sinh chủng loại theo phương pháp kết nối lân cận

(neighbor joining) sử dụng thuật toán Jukes-Cantor với độ lặp lại 1000 lần, sử dụng

trình tự số hiệu AF260387 trên ngân hàng gen (genbank) làm loài ngoài nhóm để so

sánh. Cây phát sinh chủng loại được xây dựng trên phần mềm Mega phiên bản 5.03.

2.4.4. Phương pháp thiết kế đầu dò đặc hiệu

Dựa trên trình tự ADN thu được, sử dụng công cụ ClustalW, phần mềm

BioEdit để sắp xếp, so sánh các trình tự nucleotit thu được với trình tự của những

loài gần gũi về mặt phân loại. Trên cơ sở đó, lựa chọn đoạn ADN đặc trưng nhất

cho loài để thiết kế đầu dò. Đầu dò được thiết kế và được đặt hàng tại công ty TOS

(Nhật Bản) để chế tạo, với yêu cầu gắn thêm chất phát huỳnh quang fluorescein

isothiocyanate (FITC) ở đầu 5’ để phục vụ cho việc hiển thị sự hiện diện của trình

tự đặc trưng.

Trong nghiên cứu này, kỹ thuật lai huỳnh quang tại chỗ giữ nguyên vẹn tế

bào được áp dụng. Các đầu dò huỳnh quang gắn tín hiệu FITC được thiết kế để gắn

đặc hiệu với trình tự đích trên tiểu phần lớn của ribosome của tế bào vi tảo. Với số

lượng lớn các ribosome trong mỗi tế bào, kết quả lai tốt sẽ cho lượng lớn các đầu dò

có gắn tín hiệu huỳnh quang được gắn lên ribosome trong mỗi tế bào của loài. Dưới

sự tác động của chùm sáng 490nm, tín hiệu FITC được kích thích và phát sáng

(xanh lam) đặc trưng sẽ làm toàn bộ tế bào phát sáng xanh lam. Do đó tế bào dễ

dàng được phát hiện bằng kính hiển vi huỳnh quang.

2.5. Phương pháp lai huỳnh quang tại chỗ (dựa theo phương pháp của Shoko

và cộng sự (2005) [60])

Mẫu (5000 - 7000 tế bào/ml) được đưa vào ly tâm thu tế bào (3000vòng/phút

trong 1 phút ở 4oC).

Cố định tế bào bằng 1ml dung dịch PBS (5x) có chứa paraformandehyde

(4%), để mẫu trên đá lạnh trong 5 phút.

Ly tâm mẫu 3000vòng/phút trong 1 phút (4oC).

Loại nước trong mẫu theo 2 bước:

26

- Thêm 1ml dung dịch ethanol 50% vào mẫu, ủ trên đá trong 5 phút. Ly tâm

thu tế bào (3.000vòng/phút trong 1 phút, 4oC).

- Thêm 1ml dung dịch ethanol 80% vào mẫu, ủ trên đá trong 5 phút. Ly tâm

thu tế bào (3.000vòng/phút trong 1 phút, 4oC).

Thêm 500µl dung dịch lai (gồm: Formamide (40%), SSC (5x), mẫu dò có

gắn huỳnh quang (50 pmol)).

Lai tế bào ở các thang nhiệt độ khác nhau: 37°C, 40°C, 43°C, 46°C, 49°C,

52°C trong 5 phút.

Sau khi lai, mẫu được rửa 2 lần:

- Thêm 1ml SSC (5x) vào mẫu, ủ mẫu ở 50oC trong 5 phút. Ly tâm thu tế bào

(3000vòng/phút trong 1 phút, 4oC).

- Thêm 1ml SSC (5x) vào mẫu, ủ mẫu ở 50oC trong 5 phút. Ly tâm thu tế bào

(3000vòng/phút trong 1 phút, 4oC).

Sản phẩm lai huỳnh quang sau đó được quan sát trên kính hiển vi huỳnh quang

(ECLIPSE E800, Nikon, Tokyo, Japan) với kính lọc sắc B-2A, bước sóng kích thích

tín hiệu FITC 490 nm, hiển thị và chụp ảnh tế bào bằng camera DS Nikon.

Chi tiết thành phần các dung dịch được thể hiện trong phụ lục 1.

27

CHƯƠNG 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

3.1. Kết quả phân lập và phân loại các chủng vi tảo độc hại bằng hình thái

Trên cơ sở các mẫu thu được từ vùng biển Cát Bà, 2 chủng vi tảo độc hại

đã được phân lập, nuôi giữ và phân loại sơ bộ dựa trên các đặc điểm về hình thái.

Hai loài tảo giáp được xác định sơ bộ là thuộc chi Alexandrium bao gồm:

3.1.1. Loài Alexandrium affine

Một số đặc điểm hình thái của tế bào được ghi nhận qua công thức tấm vỏ

của loài đặc trưng như sau: Kích thước tế bào khoảng 38 - 45µm, có dạng bất đối

xứng. Tấm 1' liên kết trực tiếp với tổ hợp lỗ đỉnh và có một lỗ bụng nhỏ ở vị trí

trung tâm trên mép phải tấm 1' nơi tiếp xúc với tấm 4'. Tấm S.a có dạng hình

thang và không có phần phụ đi kèm. Một số hình ảnh loài được ghi nhận qua

hình 3.1.

Hình 3.1. Một số đặc điểm hình thái của A. affine.

Hình dạng ngoài của tế bào (A); Tấm 1' với lỗ bụng và tổ hợp lỗ đỉnh (B, C);

Tấm S.a hình thang, không có phần phụ (D).

28

So sánh các đặc điểm này cho thấy có sự trùng hợp với các đặc điểm phân

loại được mô tả đặc trưng cho loài này trong các nghiên cứu trước đây. Tuy

nhiên, đây cũng là những đặc điểm khó nhận biết và dễ nhầm lẫn trong phân tích

công thức tấm vỏ của loài. Do đó việc kết luận loài là A. affine chỉ được khẳng

định lại một cách chắc chắn từ kết quả phân loại bằng ADN được trình bày ở

phần sau của luận văn.

3.1.2. Loài A. pseudogonyaulax

Các đặc điểm nhận dạng về hình thái của loài A. pseudogonyaulax được

xác định qua các hình ảnh thu được như sau: tế bào hơi dẹt, chiều dài 45 - 47µm.

Rãnh ngang vòng theo chiều hướng xuống. Tấm 1’ hình 5 cạnh, không liên kết

với lỗ bụng và có 1 lỗ bụng lớn tròn tiếp giáp với mép; ở một vài tế bào, lỗ bụng

ở vị trí tiếp giáp của các tấm 1’-4’6” (Hình 3.2).

Hình 3.2. Một số đặc điểm hình thái của A. pseudogonyaulax.

Hình dạng ngoài của tế bào (A). Lỗ bụng lớn tròn nằm lệch trên tấm 4‘(B,C),

tấm Sa nằm cuối rãnh bụng (D).

29

Cũng giống như đối với loài A. affine, kết quả phân loại dựa trên hình thái

đối với loài A. pseudogonyaulax không thật sự rõ ràng. Mặc dù các đặc điểm thu

được có nhiều tương đồng so với mô tả của Larsen [45]. Do vậy, việc xác định

chính xác tên loài được kết hợp với những kết quả so sánh trình tự ADN vùng

D1 - D2 của mẫu thu được với các trình tự mẫu trên Genbank sẽ được mô tả ở

phần sau của luận văn.

3.2. Ảnh hưởng của độ mặn tới nuôi sinh khối vi tảo tạo nguyên liệu

Do trong điều kiện thí nghiệm này đã sử dụng môi trường nuôi dưỡng

IMK dành riêng cho tảo giáp (hãng Nihon Pharmaceutical Co., Ltd., Nhật Bản)

và đã tham khảo một số điều kiện chiếu sáng tối ưu trong các nghiên cứu trước

đây về tảo giáp [7], nên tác giả chỉ tập trung vào tìm hiểu ảnh hưởng của độ mặn

lên sự sinh trưởng của tảo trong phòng thí nghiệm, nhằm thu được sinh khối tốt

nhất cho các thí nghiệm tiếp theo.

Độ mặn được xem là một trong những yếu tố quyết định cho việc sinh

trưởng của các loài vi tảo biển. Hai mẫu vi tảo biển độc hại thu được được đưa

vào nhân nuôi trong phòng thí nghiệm với các điều kiện đã nêu ở trên. Kết quả

thí nghiệm nuôi cấy trong các điều kiện độ mặn khác nhau cho thấy, ảnh hưởng

của độ mặn lên sự sinh trưởng của từng loài là khác nhau (Hình 3.3 và 3.4).

Trong điều kiện nuôi có độ mặn 30‰ (cường độ chiếu sáng 2500lux, chế độ

chiếu sáng 13 giờ sáng: 11 giờ tối) loài A. affine phát triển tốt nhất trong các chế

độ nuôi cấy. Kết quả này cũng thống nhất với kết quả nghiên cứu trước đây là độ

mặn thích hợp nhất cho sự phát triển của loài này là 20 – 35‰ với chủng tảo thu

được ở vùng biển miền trung Việt Nam [7, 45].

Một kết quả nghiên cứu khác của Larsen (2004) đối với loài này với

chủng thu được trên vùng biển Autralia cho thấy chúng có ngưỡng chịu độ mặn

30

rộng, từ 4 đến 34‰, trong đó độ mặn thích nghi nhất của chúng được xác định là

25‰. Sự khác biệt này có thể là do tính đa dạng về các chủng khác nhau tại các

vùng địa lý mang lại.

Hình 3.3. Ảnh hưởng của độ mặn tới sự sinh trưởng của tảo A. affine

Hình 3.4. Ảnh hưởng của độ mặn tới sự sinh trưởng của tảo A.

pseudogonyaulax

Đối với loài A. pseudogonyaulax, kết quả thí nghiệm cho thấy, điều kiện

về độ mặn thuận lợi nhất cho sự sinh trưởng và phát triển của chúng với những

điều kiện phòng thí nghiệm như đã nêu trên là ở 29‰. Kết quả nghiên cứu cũng

31

chỉ ra rằng, với những điều kiện độ mặn từ 23 - 35‰ là khoảng thích hợp cho

nuôi sinh khối loài này trong phòng thí nghiệm. Một kết quả nghiên cứu trước

đây của Chu Văn Thuộc (2006) cũng cho kết quả tương tự [7].

Như vậy, một số điều kiện tốt nhất cho nuôi nhân tạo 2 loài tảo trên trong

điều kiện phòng thí nghiệm được chúng tôi rút ra như được nêu trên bảng 3.1.

Bảng 3.1. Một số điều kiện thích hợp cho nhân nuôi sinh khối tảo A. affine

và A. pseudogonyaulax trong phòng thí nghiệm

Loài Các yếu tố

A. affine A. pseudogonyaulax

Môi trường IMK (g/L) 2,52 2,52

Độ mặn (‰) 30 29

Chế độ chiếu sáng (Sáng/Tối) 13/11 13/11

Cường độ chiếu sáng (lux) 2500 2500

Các kết quả nghiên cứu trên đã cho thấy được điều kiện thích hợp nhất

cho việc nuôi lưu giữ cũng như nhân sinh khối hai loài này một cách tốt nhất để

làm nguyên liệu cho các nghiên cứu tiếp theo.

3.3. Kết quả giải trình tự và phân loại bằng ADN các mẫu nghiên cứu

Trên cơ sở ADN khuôn thu được từ sản phẩm PCR lần 1 (nhân đoạn ADN

mã hóa cho rARN của tảo Alexandrium, từ vùng tiểu phần nhỏ SSU tới vùng D6

của tiểu phần lớn LSU), sản phẩm PCR lần 2 nhằm nhân đoạn ADN mã hóa

vùng D1 - D2 của ribosome đã có kết quả. Ở mỗi mẫu thí nghiệm, đoạn mồi

D1R, D2C đã nhân được một đoạn ADN duy nhất có kích thước tương ứng với

đoạn dự kiến, khoảng gần 700bp, trong khi sản phẩm PCR của mẫu đối chứng

âm không cho băng nào. Điều này chứng tỏ rằng phản ứng PCR rất đặc hiệu. Kết

quả được thể hiện ở sản phẩm điện di trên gel agarose 1,5% (hình 3.5).

32

Hình 3.5. Kết quả điện di sản phẩm PCR lần 2

(M1: Marker5 (ФX174/HincII), M2: Wide Range DNA Ladder 50-10.000bp. L1-3: A.affine, L4-6: A.pseudogonyaulax; L7: Đối chứng âm)

Sản phẩm PCR lần 2 (L3 và L4) của 2 loài nói trên đã được tiến hành giải

trình tự. Kết quả cho thấy, vùng D1-D2 của mẫu L3 có kích thước gồm 651bp

và có trình tự nucletotit như sau:

CCTTGGTCCGTGTTTCAAGACGGGTCAAGCAGAAGCATTTTGCCAGC

AATTGTGTGCCAGGGCTTGTAAGCTCTAGTAGGGTAGGCCCAGCTTC

AAGAAATGAGCAATTACAAAAGCACCAGACACATGTATCAAAACAC

AAATCATCACAAACACATGCAATCCAAACCCCGCAGGAAAATTACCA

TTCATGTGCAAGGGTAATCAAATGTACAAATAGAAACTGGCAAGCAA

AGCAAGAATCATCACACCCACAATCAAAACCTATTGTCAAGCAAGCA

CCACAATCTCACCAAGCAACATCAAATCTGTTTATTTTCTGTTCAGCA

AATACAAACTCATTTAATTCTCTTTTCAAAGTCCTTTTCATATTTCCCT

CATGGTACTTGTGTGCTATCAGTCTCAATCCTATATTTACCTTTACAT

GAAACTTACCACCCACTTTGCATTCCAATGCCAAGGAGTGTGACTCA

GCAAACATACACCGTGCACAGAGGATTGCACATGACAAACAGGATTC

TCACCCTCATTGACGCTTTCTTTCAATAGGCTGACACCTGCACCTCTG

M2

1000bp 750bp

500bp

M1

1057bp 770bp 612bp

33

TTGGTAATACATTTCAAAAATACAAGTCGAAGCCAGAGGCTCCAATT

GTCAAGCTAAGCATGTCCTTGTTCATTCGCATAC

Đối với mẫu L4, vùng D1-D2 có trình tự ADN thu được bao gồm 650 bp

và có trật tự các nucleotit như sau:

CCCGCTGAATTTAAGCATATAAGTAAGCGGTGGAAAATGAACCAAAT

GGGATTCCTTTAGTAATTGCGAATGAACAAGGATGTGCTCAGCTTGA

CAAATGGAGTTTTTGAGCTTTGAATTGTAATTTTGCAATGCATCACCA

GCGGAGGTACAGTTGCAAGCCTTTTGAAAGACAGCGCCATTGAGGGT

GAAATTCCTTTTTGTCTTCTGCAACCTTTGTGCACGGTATGTATTTGGT

GAATCACATTCCTCGGCATTGGAATGCAAATTGGGTGGTAAATTTCA

CGCAAGGGAAAATATATTATTGAGTCTGATAATGAACAAGTACCATG

AGGGAAATATGCAAAGGACTTTGAAAAGAAAATTAAAAGAGCTTGC

ATTTGCTAAACAGAAAACTAGCAGAAGTGCTTTATCTTGGTAAGATT

GCTGCGCATGGGTTTACTGTGTAAATTGTATGAGCATTGGTTCTTACT

TTGTGTGTCAATTCCATTGTCAATTTTAATATCTTTGCTCATGAATTGT

GAAATGCTTGCGGGTGTTAGATTGCATGTGCATTCATTAATTTGGACT

TGGTGCAGTGCTTGGCAACAGCTTGCATGTAGAGTGTGCGTGCAATG

TACAATTGCGATTGTCAGCTGTTGCCAACCACTTTTGTTGGCAATGTG

ATTCTGCTTGACCCGTCTTGAAACACGGACCAAGG

34

Kết quả phân tích BLAST trình tự L3 (Sp6.1) với các dữ liệu trên ngân

hàng NCBI và xây dựng cây phát sinh chủng loại bằng phần mềm Mega 5.03

cho thấy: giá trị cực đại tương đồng (max ident) thu được cao nhất là 100% khi

trình tự này (L3) được so sánh với các kết quả nghiên cứu vùng D1-D2 của loài

A. affine trên Genbank (Hình 3.6, phụ lục 2).

Hình 3.6. Cây phát sinh chủng loại của một số loài thuộc chi Alexandrium

Cây được xây dựng dựa trên vùng trình tự D1 - D2 thuộc đoạn rADN 28S theo phương pháp

Neighbor joining sử dụng phép toán Jukes-Cantor với độ lặp lại 1000 lần. Số liệu thống kê với độ

tin cậy lớn hơn 50% được hiển thị trên mỗi nhánh phân loại. Fragilidium subglobosum với trình tự

có số hiệu AF260387 được chọn làm loài ngoài nhóm. Các trình tự có số hiệu (trong ngoặc đơn)

được tải về từ ngân hàng gen.

35

Chủng SP 6.1 có trình tự vùng D1-D2 tương đồng với các chủng thuộc

loài Alexandrium affine thu thập tại các vùng bờ Biển Nhật Bản (AFF37), Hàn

Quốc (JHW0210), Hong Kong (A10), Thái Lan (CU1), Pháp (X21) và Tây Ban

Nha (Pa4V). Như vậy có thể thấy trình tự này rất tương đồng và trùng với các

kết quả nghiên cứu trước đây. Điều này cũng là cơ sở khẳng định đây chính là

loài A. affine và những kết quả phân loại loài qua hình thái đã nói ở trên là phù

hợp.

Đối với trình tự L4 (Sp7.5), các kết quả so sánh độ tương đồng và xây

dựng cây phát sinh chủng loại cũng đã chỉ ra rằng, L3 có trình tự phù hợp với

các trình tự đoạn D1 – D2 của loài A. pseudogonyaulax có trên nguồn dữ liệu

của Genbank (NCBI). Chủng SP 7.5 có trình tự vùng D1 - D2 tương đồng với

các chủng thuộc loài Alexandrium pseudogoniaulax thu thập tại các vùng bờ

Biển Newzeland (CAWD54) và Nhật Bản (KAGAWA-39, APSN). Điều này

giúp khẳng định loài Sp7.5 thu được là A. pseudogonyaulax (Hình 3.6, phụ lục

3).

3.4. Thiết kế đầu dò lai huỳnh quang tại chỗ

Trên cơ sở 2 trình tự thu được từ vùng D1 - D2 của hai mẫu tảo độc hại

trên, phần mềm Bioedit được sử dụng để sắp xếp, so sánh với các trình tự tham

khảo (từ NBCI) tại vùng tương đồng D1 - D2 của các loài thuộc chi

Alexandrium. Những khác biệt từ các trình tự bảo thủ này so với các loài khác là

cơ sở cho việc chọn lọc trình tự phù hợp để thiết kế đầu dò đặc hiệu cho từng

loài. Kết quả sắp xếp và so sánh đối với loài A. affine được thể hiện trong hình

3.7 và phụ lục 4. Theo đó, có 2 đoạn polynucleotit có trình tự khác biệt nhiều với

các trình tự tương ứng của các loài khác thuộc chi Alexandrium là trình tự

nucleotit từ vị trí 630 đến 649 và 657 đến 676.

Dựa trên các yêu cầu về thiết kế đầu dò ADN có kích thước khoảng 20

nucleotit, trình tự có tỷ lệ GC cao được lựa chọn làm khuôn để thiết kế đầu dò.

36

Trong nghiên cứu này, đoạn trình tự nucleotit từ 657 đến 676 được lựa chọn làm

mẫu xây dựng trình tự đầu dò. Trình tự đầu dò cho loài A. affine được xác định

là: 5’-TGTAAGCTCTAGTAGGGTAG-3’ có trình tự bổ sung với trình tự đoạn

ADN trên. Đoạn trình tự đầu dò này đã được kiểm tra lại bằng BLAST trên

NBCI và không thấy có trình tự nào bổ sung tương đồng. Kết quả này khẳng

định rằng trình tự này phù hợp cho việc thiết kế đầu dò đặc hiệu cho loài A.

affine.

Hình 3.7. So sánh sự khác biệt trình tự nucleotit của A. affine

với các loài Alexandrium

Tương tự như vậy, các kết quả so sánh đối với trình tự đoạn D1 – D2 của

loài A. pseudogonyaulax (hình 3.8 và phụ lục 5) cũng cho thấy: sự khác biệt

nhiều trong trình tự các nucleotit so với các loài khác trong cùng chi xuất hiện

trong đoạn trình tự 774 đến 794. Đây có thể được coi là một đoạn bảo thủ, đặc

trưng của loài. Dựa trên kết quả này, trình tự đầu dò được xác định là: 5’-

ACAGCTGACAATCGCAATTG-3’. Kết quả kiểm tra lại bằng công cụ BLAST

cho thấy đoạn trình tự này phù hợp cho đầu dò cần thiết kế do chúng không tạo

liên kết bổ sung với đoạn ADN nào khác trong NCBI. Đồng thời, trình tự đầu dò

37

này khác với các trình tự đầu dò đã được nghiên cứu đối với loài này của Chong

và các đồng nghiệp [22].

Hình 3.8. So sánh sự khác biệt trình tự nucleotit của A. pseudogonyaulax

với các loài Alexandrium

Các trình tự này sau đó được đặt sản xuất bởi công ty TOS (Nhật Bản) với

điều kiện có gắn tín hiệu Fluorescein 5-isothiocyanate (FITC) vào đầu 5’ để

phục vụ cho các thí nghiệm lai huỳnh quang tiếp theo.

3.5. Tối ưu nhiệt độ lai và thử nghiệm đầu dò

Trên cơ sở đầu dò thiết kế được, các thí nghiệm lai huỳnh quang tại chỗ

kiểm tra cho 2 loài A. affine và A. pseudogonyaulax đã được tiến hành. Tuy

nhiên do có sự khác biệt về đối tượng cũng như trình tự đầu dò nên yếu tố nhiệt

độ lai cho từng đối tượng và đầu dò tương ứng đã được thử nghiệm.

Trên cơ sở các nghiên cứu trước đây, nhiệt độ lai trong kỹ thuật FISH

thông thường chỉ từ 40 đến 50°C [18]. Mặt khác, việc bổ sung formamide nồng

độ cao trong dung dịch đệm lai cũng sẽ giúp hạ nhiệt độ lai xuống thấp [18], nên

các thử nghiệm về nhiệt độ lai trong nghiên cứu này được tiến hành trong dải

nhiệt độ gồm 37°C, 40°C, 43°C, 46°C, 49°C và 52°C.

38

Kết quả thử nghiệm cho thấy, có sự giống nhau về kết quả lai đối với cả 2

đầu dò trên hai đối tượng tảo khác nhau. Đối với loài A. affine, nhiệt độ lai phù

hợp là 40°C và 43°C. Trong đó, tín hiệu huỳnh quang thu được rõ nét nhất ở tại

43°C (Hình 3.9). Độ nhạy của tín hiệu huỳnh quang tại nhiệt độ lai này lớn hơn

rất nhiều so với tại nhiệt độ là 40°C. Trong khi đó, các mẫu có nhiệt độ lai khác

đều cho tín hiệu huỳnh quang rất kém hoặc không có tín hiệu (phụ lục 6), mẫu

đối chứng âm có sử dụng đầu dò A. affine cho việc nhận biết các loài gần gũi là

A. tamarense và A. catenella đều không có kết quả (không có tín hiệu). Như vậy,

chúng tôi kết luận nhiệt độ lai thích hợp nhất đối với đầu dò được thiết kế cho

loài A. affine là khoảng 43°C.

Hình 3.9. Tế bào A. affine dưới ánh sáng thường (trái) và phát huỳnh

quang dưới ánh sáng kích thích (phải) với nhiệt độ lai 43°C

Hình 3.10. Tế bào A. pseudogonyaulax dưới ánh sáng thường (trái) và

phát huỳnh quang dưới ánh sáng kích thích (phải) với nhiệt độ lai 43°C

39

Tương tự đối với loài A. pseudogonyaulax, kết quả thử nghiệm cũng đã

cho thấy, đối với mẫu được lai ở nhiệt độ 43°C cho kết quả tốt nhất, hình ảnh sắc

nét. Trong khi các mẫu còn lại, thử nghiệm ở các nhiệt độ 37, 40, 46, 49 và 52°C

đều không thu được tín hiệu huỳnh quang khi hiển thị trên kính hiển vi. Điều này

cho thấy với nhiệt độ không phù hợp, các phân tử đầu dò rất khó hoặc không lai

được với trình tự đích (hình 3.10). Từ các hình ảnh thu được cũng cho thấy, với

bước rửa cuối, việc loại bỏ những đầu dò dư thừa hay những trình tự gắn kết

không hoàn toàn là thích hợp để thu được chỉ những đầu dò liên kết vững chắc

với các trình tự đích và từ đó có thể có được những hình ảnh huỳnh quang tốt

nhất. Như vậy nhiệt độ lai phù hợp trong thí nghiệm này thấp hơn nhiệt độ nóng

chảy của đầu dò theo tính toán thông thường. Kết quả này cũng trùng hợp với

các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng, việc bổ sung formamide vào trong dung

dịch lai sẽ góp phần làm hạ thấp nhiệt độ lai trong lai tại chỗ FISH [18].

Như vậy với đầu dò được thiết kế, phép lai huỳnh quang tại chỗ đã được

tiến hành thành công với hai loài vi tảo A.affine và A.pseudogonyaulax nuôi

trong phòng thí nghiệm.

40

Nhằm hoàn thiện ứng dụng kỹ thuật này, thử nghiệm lai huỳnh quang với

các mẫu thu ngoài tự nhiên đã được tiến hành với nhiệt độ lai ở 43°C. Kết quả

cho thấy, trong số 32 mẫu thu từ biển Cát Bà, đầu dò cho loài A. affine đã phát

hiện ra 17 mẫu có sự hiện diện của loài này với mật độ tế bào khác nhau (Hình

3.11). Trong 15 mẫu còn lại, đầu dò không tìm được trình tự đích nào. Trong khi

đó, một số phân tích thành phần của mẫu thì chỉ thu được rất ít thành phần loài

của nhóm Alexandrium.

Hình 3.11. Lai đầu dò A. affine với mẫu tự nhiên Các mũi tên chỉ các tế bào A. affine dưới ánh sáng thường (trái)

và được phát hiện với màu xanh đặc trưng (phải).

Hình 3.12. Lai đầu dò A. pseudogonyaulax với mẫu tự nhiên

Các mũi tên chỉ các tế bào A. pseudogonyaulax dưới ánh sáng thường (trái)

và được phát hiện với màu xanh đặc trưng (phải)

41

Tương tự, với đầu dò A. pseudogonyalax đã phát hiện 9 mẫu có trình tự đích

cần tìm (hình 3.12). Trong các mẫu còn lại, đầu dò cũng không tìm thấy trình tự

đích nào.

Từ các kết quả thử nghiệm cho thấy, đầu dò lai huỳnh quang của cả hai loài

đều hoạt động tốt. Kỹ thuật lai huỳnh quang có thể được dùng để xác định nhanh

hai loài tảo độc hại A. affine và A. pseudogonyaulax.

Quy trình lai huỳnh quang tại chỗ (FISH) sử dụng đầu dò rARN có gắn tín

hiệu FITC đối với hai loài A. affine và A. pseudogonyaulax được tổng hợp lại và

đề nghị như sau:

Mẫu (5000-7000 tế bào/ml) được đưa vào ly tâm thu tế bào

(3000vòng/phút trong 1 phút, 4oC).

Cố định tế bào bằng 1ml dung dịch PBS (5x) có chứa paraformandehyde

(4%), để mẫu trên đá lạnh trong 5 phút.

Ly tâm mẫu 3000vòng/phút trong 1 phút (4oC).

Loại nước trong mẫu theo 2 bước:

- Thêm 1ml dung dịch ethanol 50% vào mẫu, ủ trên đá trong 5 phút. Ly tâm

thu tế bào (3000vòng/phút trong 1 phút, 4oC).

- Thêm 1ml dung dịch ethanol 80% vào mẫu, ủ trên đá trong 5 phút. Ly

tâm thu tế bào (3000vòng/phút trong 1 phút, 4oC).

Thêm 500µl dung dịch lai (gồm: Formamide (40%), SSC (5x), mẫu dò có

gắn huỳnh quang (50 pmol)).

Lai tế bào ở 43°C trong 5 phút.

Sau khi lai, mẫu được rửa 2 lần:

- Thêm 1ml SSC (5x) vào mẫu, ủ mẫu ở 50oC trong 5 phút. Ly tâm thu tế

bào (3000vòng/phút trong 1 phút, 4oC).

- Thêm 1ml SSC (5x) vào mẫu, ủ mẫu ở 50oC trong 5 phút. Ly tâm thu tế

bào (3000vòng/phút trong 1 phút, 4oC).

Chi tiết thành phần các dung dịch được thể hiện trong phụ lục 1.

42

Sản phẩm lai huỳnh quang sau đó được quan sát trên kính hiển vi huỳnh

quang (ECLIPSE E800, Nikon, Tokyo, Japan) với kính lọc sắc B-2A, bước sóng

kích thích tín hiệu FITC 490 nm, hiển thị và chụp ảnh tế bào bằng camera DS

Nikon. Tổng thời gian thao tác cho quá trình này đã được tính toán là khoảng 2,5

giờ. Điều này cho phép các thí nghiệm nghiên cứu phát hiện các loài vi tảo biển

độc hại chính xác, nhanh hơn nhiều so với các phương pháp phân tích truyền

thống bằng hình thái trước đây.

43

KẾT LUẬN

Chúng tôi đã rút ra được một số kết luận chính sau từ nghiên cứu này:

1. Đã xác định trình tự gen vùng mã hóa cho đoạn D1 – D2 của tiểu phần lớn

(LSU) thuộc ribosome của hai loài tảo giáp độc hại A. affine và A.

pseudogonyaulax biển Việt Nam.

2. Đã thiết kế và thử nghiệm thành công hai đầu dò phân tử gắn tín hiệu

huỳnh quang FITC phục vụ cho ứng dụng kỹ thuật lai huỳnh quang tại

chỗ đối với hai loài tảo độc A. affine và A. pseudogonyaulax biển Việt

Nam. Các đầu dò hoạt động tốt trên cả mẫu nuôi cấy và mẫu thu ngoài tự

nhiên và các đầu dò đảm bảo tính đặc hiệu của loài.

3. Đã ứng dụng thành công kỹ thuật FISH trong việc xác định nhanh chóng

và chính xác 2 loài tảo độc hại biển Việt Nam nói trên, làm cơ sở cho việc

ứng dụng phương pháp quan trắc, đánh giá nhanh môi trường biển, nghiên

cứu dự đoán diễn biến thủy triều đỏ tại các vùng ven biển Việt Nam sau

này.

44

KIẾN NGHỊ

Cần nghiên cứu và thiết kế thêm các đầu dò nhằm ứng dụng kỹ thuật lai

huỳnh quang để nhận diện nhanh, nhiều loài tảo biển độc hại khác trong các

vùng biển và ven biển Việt Nam.

Cần có các nghiên cứu, ứng dụng các kỹ thuật di truyền trong việc quan

trắc, phân loại nhanh đối với các loài vi tảo biển Việt Nam nhằm có thể theo dõi

thường xuyên, đánh giá nhanh những biến đổi môi trường gây thủy triều đỏ do

tảo biển độc hại gây ra, hạn chế thiệt hại trong nuôi trồng thủy sản ven biển.

45

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Tiếng Việt

1. Trần Thị Thu Hương, Hoàng Thu Lan, Trần Thị Ngọc Lan, Trịnh Đức

Cường (2005), “Ứng dụng kỹ thuật lai tại chỗ huỳnh quang để chẩn đoán

trước sinh hội chứng down”, Tạp chí y học thực hành, 11, tr. 9-11.

2. Trần Thị Thu Hương, Hoàng Thu Lan, Trần Thị Ngọc Lan, Trịnh Đức

Cường, Nguyễn Thị Quỳnh Thơ (2006), “Chẩn đoán trước sinh hội chứng

Down, hội chứng Turner bằng kỹ thuật lai tại chỗ huỳnh quang kết hợp phân

tích nhiễm sắc thể của tế bào ối”, Tạp chí nghiên cứu y học, 1, tr. 4-8.

3. Nguyễn Văn Nguyên, Lê Thanh Tùng, Lưu Xuân Hòa, Vũ Tuấn Nam, Vũ

Minh Hào, Đinh Thái Bình (2011), “Thử nghiệm kỹ thuật lai huỳnh quang tại

chỗ F.I.S.H nhận diện nhanh và chuẩn xác một số loài tảo giáp độc hại”,

Tuyển tập báo cáo Hội nghị khoa học và công nghệ biển toàn quốc lần thứ V,

Quyển 4 - Sinh học và nguồn lợi biển, tr. 261-268.

4. Đặng Thị Hồng Nhung, Nguyễn Duy Ngọc (2008), “Áp dụng kỹ thuật huỳnh

quang tại chỗ trong phát hiện bất thường cấu trúc nhiễm sắc thể tại Bệnh viện

Nhi Trung ương”, Tạp chí nghiên cứu y học, 57, tr. 57-62.

5. Vũ Đình Quang, Ngô Diễm Ngọc, Nguyễn Thị Phương Mai, Đinh Thị Hồng

Nhung, Phùng Tuyết Lan, Trần Đức Hậu, Trần Ngọc Sơn, Nguyễn Thanh

Liêm (2010), “Đánh giá sự khuếch đại gen NMYC trên bệnh nhân

Neuroblastoma”, Tạp chí Nhi khoa, 3 (3), tr. 358-363.

6. Nguyễn Thị Tân Sinh, Ngô Diễm Ngọc, An Thuỳ Lan, Đinh Thị Hồng

Nhung, Lê Thị Liễu, Nguyễn Thanh Liêm (2011), “Ứng dụng kỹ thuật lai

huỳnh quang tại chỗ trong chẩn đoán trước sinh các lệch bội nhiễm sắc thể

thường gặp”, Tạp chí Y học lâm sàng, số đặc biệt, tháng 2, tr. 253-258.

46

7. Chu Văn Thuộc (2002), “Nghiên cứu thành phần loài, phân bố và thăm dò

khả năng gây hại của một số loài tảo độc hại (harmful algae) thuộc ngành tảo

giáp (Dinophyta) ở vùng cửa sông, ven biển miền Bắc Việt Nam”, Luận án

tiến sĩ ngành sinh học, Viện nghiên cứu hải sản.

Tiếng Anh

8. Abé, T. H. (1967a), “The armoured Dinoflagellata: II. Prorocentridae and

Dinophysidae (A)”, Publ. Seto Mar. Biol., 14(5), pp. 369 - 389.

9. Abé, T. H. (1967b), “The armoured Dinoflagellata: II. Prorocentridae and

Dinophysidae (B), Dinophysis and its allied genera”, Publ. Seto Mar. Biol.,

15(1), pp. 37 - 78.

10. Adachi M., Sako Y., Ishida Y. (1996), “Analysis of Alexandrium

(Dinophyceae) species using sequences of the 5,8S ribosomal DNA and

internal transcribed spacer regions”. J. Phycol, 32, pp. 424–432.

11. Alfreider A., Pernthaler J., Amann R., Sattler B., Glöckner F. O., Wille A.,

and Psenner R. (1996), “Community analysis of the bacterial assemblages in

the winter cover and pelagic layers of a high mountain lake by in situ

hybridization”, Appl. Environ. Microbiol, 62, pp: 2138 - 2144.

12. Amann R., Fuchs B. M., Beherens S. (2001), “The identification of

microorganisms by fluorescence in situ hybridization”, Curr. Opin.

Biotechnol., 12, pp. 231 – 236.

13. Andersen, G. (2005), “Traditional Microalgae Isolation Techniques, Algal

cuturing techniques”, Phycologycal society of America, 578p.

14. Anderson, P. (1996), “Design and implementation of some harmful agal

monitoring system”, IOC Technical Series, 44, UNESCO.

47

15. Anderson, D.M. (1995), “Identification of harmful algal species using

molecular probes, an emerging technology”, Harmful Marine Algal Blooms,

Lavoiser Science Publishers, pp. 3–13.

16. Balech, I. (1995), “The genus Alexandrium Halim (Dinoflagellata)”, Trans.

Am. Microscop. Soc., 113, pp. 216 - 220.

17. Baoyu Z., Guofu C., Guangce W., Douding L. (2010), “Identification of two

Skeletonema costatum-like diatoms by fluorescence in situ hybridization”.

Chinese Journal of Oceanology and Limnology, 28(2), pp. 310 - 314.

18. Benedetta B., Danilo E., Monica G., Erasmo N. (2006), “Application of

FISH technology for microbiological analysis: current state and prospects”,

Appl. Microbiol. Biotechnol., 73, pp. 485 – 494.

19. Bouvier T., Del G. (2003), “Factors influencing the detection of bacterial

cells using fluorescence in situ hybridization (FISH)”, FEMS Microbiol.

Ecol., 44, pp. 3 – 15.

20. Cho E. S., Hur H. J., Byun H. S., Lee S. G., Rhodes L. L., Jeong C. S. and

Park J. G. (2002), “Monthly monitoring of domoic acid producer Pseudo-

nitzschia multiseries (Hasle) Hasle using species-specific DNA probes and

WGA lectins and abundance of Pseudo-nitzschia species (Bacillariophyceae)

from Chinhae Bay”, Korea. Bot. Mar., 45, pp. 364 - 372.

21. Choi, B. K. (1994), “Diversity of cultivable and uncultivable oral spirochetes

from a patient with severe destructive periodontitis”. Infect. Immun., 62, pp.

1889 – 1895.

22. Choong J. K., Yoshihiko S. (2005), “Molecular identification of toxic

Alexandrium tamiyavanichii (Dinophyceae) using two DNA probes”,

Harmful Algae, 4, pp. 984 - 991.

48

23. Deere, D. (1998), “Evaluation of fluorochromes for flow cytometric

detection of Cryptosporidium parvum oocysts labelled by fluorescence in

situ hybridization”, Lett. Appl. Microbiol., 27, pp. 352 – 356.

24. DeLong, E. F. (1989), “Phylogenetic stains: ribosomal RNA-based probes

for the identification of single microbial cells”, Science, 243, pp. 1360 –

1363.

25. DeLong E. F., Taylor L. T., Marsh T. L. and Preston C. M. (1999),

“Visualization and enumeration of mMarine planktonic archaea and bacteria

by using polyribonucleotide probes and fluorescent in situ hybridization”,

Applied and Environmental Microbiology, 65, pp. 5554 - 5563.

26. Felske, A. (1998), “In situ detection of an uncultured predominant Bacillus

in dutch grassland soils”, Appl. Environ. Microbiol., 64, pp. 4588 – 4590.

27. Fuchs B. M., Syutsubo K., Ludwig W., Amann R. (2000), “In situ

accessibility of Escherichia coli 23S rRNA to fluorescently labeled

oligonucleotide probes”, Appl. Environ. Microbiol., 67, pp. 961 – 968.

28. Gersdorf H. (1993a), “Identification of bacteroides forsythus in subgingival

plaque from patients with advanced periodontitis”, J. Clin. Microbiol., 31,

pp. 941 – 946.

29. Gersdorf, H. (1993b), “Fluorescence in situ hybridization for direct

visualization of Gram-negative an aerobes in subgingival plaque samples”,

FEMS Immunol. Med. Microbiol., 6, pp. 109 – 114.

30. Glockner, F. O. (1996), “An in situ hybridization protocol for detection and

identification of planctonic bacteria”, Syst. Appl. Microbiol., 19, pp. 403 –

406.

31. Glöckner F. O., Fuchs B. M. and Amann R. (1999), “Bacterioplankton

compositions of lakes and oceans: a first comparison based on fluorescence

in situ hybridization”, Appl. Environ. Microbiol., 65, pp. 3721 - 3726.

49

32. Hallegraeff G. M., Anderson D. M., Cembella A. D., Enevoldsen H. O.

(1995), “Manual on harmful marine microalgae, IOC Manual and Guides”,

UNESCO, 33, 794p.

33. Hogardt M., (2000), “Specific and rapid detection by fluorescent in situ

hybridization of bacteria in clinical samples obtained from cystic fibrosis

patients”, J. Clin. Microbiol., 38, pp. 818 – 825.

34. Hogardt M., (2000), “Specific and rapid detection by fluorescent in situ

hybridization of bacteria in clinical samples obtained from cystic fibrosis

patients”, J. Clin. Microbiol. 38, pp. 818 – 825.

35. Hougaard D. M., Hansen H. and Larsson L. I. (1997), “Non-radioactive in

situ hybridization for mRNA with emphasis on the use of

oligodeoxynucleotide probes”, Histochem. Cell Biol., 108, pp. 335 - 344.

36. Inacio J., Beherens S., Fuchs B. M., Fonseca A., Spencer M. I., Amann R.

(2003), “In situ accessibility of Saccharomyces cerevisiae 26S rRNA to Cy3-

labeled oligonucleotide probes comprising the D1 and D2 domains”, Appl.

Environ. Microbiol., 69, pp. 2899 – 2905.

37. Jansen, G. J. (2000), “Rapid identification of bacteria in blood cultures by

using fluorescently labeled oligonucleotide probes”, J. Clin. Microbiol., 38,

pp. 814 – 817.

38. Jeffrey M. L. and Robert H. S. (2003), “Fluorescence in situ hybridization:

past, present and future”, Journal of Cell Science, 116, pp. 2833 – 2838.

39. Johannes Z., Wolfgang L., Karl H. S. (2001), “DNA polynucleotide probes

generated from representatives of the genus acinetobacter and their

application in fluorescence in situ hybridization of environmental samples”,

System. Appl. Microbiol., 24, pp. 238 – 244.

40. Kagiyama, N. (1993), “A novel fluorescent method for in situ hybridization”,

Acta Histochem. Cytochem., 26, pp. 441 – 445.

50

41. Kempf, V. A. (2000), “Fluorescent in situ hybridization allows rapid

identification of microorganisms in blood cultures”, J. Clin. Microbiol., 38,

pp. 830 – 838.

42. Kenzaka, T. (1998), “rRNA targeted fluorescent in situ hybridization

analysis of bacterial community structure in river water”, Microbiology, 144,

pp. 2085 – 2093.

43. Kim C. J., Kim C. H., Sako Y. (2005), “Development of molecular

identification method for genus Alexandrium (Dinophyceae) using whole-

cell FISH”, Marine Biotechnology, 7, pp. 215 – 222.

44. Langendijk P. S, Schut F., Jansen G. J., Raangs G. C., Kamphuis G. R.,

Wilkinson M. H. F., Welling G. W. (1995), “Quantitative fluorescence in situ

hybridization of Bifidobacterium spp. with genus-specific 16S rRNA-

targeted probes and its application in faecal samples”, Appl. Environ.

Microbiol., 61, pp. 3069 – 3075.

45. Larsen J. and Nguyen N. L. (2004), “Potentially toxic microalgae of

Vietnamese waters”, Opera Botanica, 140, 216p.

46. Llobet B., Rosselló M., and Amann R. (1998), “Microbial community

composition of wadden sea sediments as revealed by fluorescence in situ

hybridization”, Appl. Environ. Microbiol., 64, pp. 2691 - 2696.

47. Manuelidis L., Langer P. R. and Ward D. C. (1982), “High-resolution

mapping of satellite DNA using biotin-labeled DNA probes”, J. Cell Biol.,

95, pp. 619 - 625.

48. Michael H., Ralph W., Georg H., Jutta F., Andrea W., Alexander R.,

Eberhard S., Siegfried J., Christoph C. (2003), “COMBO-FISH: specific

labeling of nondenatured chromatin targets by computer-selected DNA

oligonucleotide probe combinations”, BioTechniques, 35(3), pp. 564 – 577.

51

49. Miller P. E., Scholin C. A. (2000), “On detection of Pseudo-nitzschia

(Bacillariophyceae) species using whole cell hybridization: sample fixation

and stability”, J. Phycol., 36, pp. 238 – 250.

50. Miller P. E., Scholin C. A. (1996), “Identification of cultured

Pseudonitzschia (Bacillariophyceae) using species-specific LSU

rRNAtargeted fluorescent probes”, J. Phycol., 32, pp. 646 – 655.

51. Miller P. E., Scholin C. A. (1998), “Identification and enumeration of

cultured and wild Pseudo-nitzschia (Bacillariophyceae) using species-

specific LSU rRNA-targeted fluorescent probes and filter-based whole cell

hybridization”, J. Phycol., 34, pp. 371 – 382.

52. Moter, A. (1998), “Molecular epidemiology of oral treponemes associated

with periodontal disease”, J. Clin. Microbiol., 36, pp. 1399 – 1403.

53. Niels B. R., Henrik F., Timothy G. F., Finn A., Bo T. (1996), “Distribution

of bacterial populations in a stratified fjord (Mariager Fjord, Denmark)

quantified by in situ hybridization and related to chemical gradients in the

water column”, Appl. Environ. Microbiol., 62, pp. 1391 – 1404.

54. Pardue, M. L. (1969), “Molecular hybridization of radioactive DNA to the

DNA of cytological preparations”, Proc. Natl. Acad. Sci., 64, pp. 600 –604.

55. Pernthaler J., Glöckner F. O., Schönhuber W., and Amann. R. (2001),

“Fluorescence in situ hybridization (FISH) with rRNA-targeted

oligonucleotide probes”, Methods in Microbiology: Marine Microbiology,

30, pp. 207 – 210.

56. Puvion D., and Puvion E., (1996), “Non-isotopic electron microscope in situ

hybridization for studying the functional sub-compartmentalization of the

cell nucleus”, Histochem. Cell Biol., 106, pp. 59 - 78.

57. Richmon, A. (2004), “Handbook of Microalgal culture: Biotechnology and

Applied Phycology”, Blackwell Science, 577p.

52

58. Rudkin G. T., and Stollar B. D. (1977), “High resolution detection of DNA-

RNA hybrids in situ by indirect immunofluorescence”, Nature, 265, pp. 472-

473.

59. Scholin C., Miller P. E., Buck K., Chavez F., Harris P., Haydock P., Howard

J. (1997), “Detection and quantification of Pseudo-nitzschia australis in

cultured and natural populations using LSU rRNA-targeted probes”, Limnol.

Oceanogr. 42(5), pp. 1265 –1272.

60. Shoko H. T., Sako Y. (2005), “Rapid detection of natural cells of

Alexandrium tamarense and A. catenella (Dinophyceae) by fluorescence in

situ hybridization”, Harmful Algae, 4, pp. 319 – 328.

61. Singer R. H., and Ward D. C. (1982), “Actin gene expression visualized in

chicken muscle tissue culture by using in situ hybridization with a biotinated

nucleotide analog”, Proc. Natl. Acad. Sci., 79, pp. 7331 - 7335.

62. Sebatián C. R., and Ryan C. O’. (2001), “Single-cell sequencing of

dinoflagellate (Dinophyceae) nuclear ribosomal genes”, Molecular Ecology

Resources, 1(4), pp. 329-331.

63. Tanabe S. H., Sako Y. (2006), “Development and application of fluorescence

in situ hybridization (FISH) method for simple and rapid identification of the

toxic dinoflagellates Alexandrium tamarense and Alexandrium catenella in

cultured and natural seawater”, Fishersies science, 72(1), pp. 77 - 82.

64. Trebesius K., Amann R., Ludwig W., Mühlegger K., and Schleifer K.

(1994),“ Identification of whole fixed bacterial cells with nonradioactive 23S

rRNA-targeted polynucleotide probes”, Appl. Environ. Microbiol. 60, pp.

3228 - 3235.

65. Wagner M., Schmid S. J., Trebesius K., Bubert A., Goebel W., and Schleifer

K. (1998), “In situ detection of a virulence factor mRNA and 16s rRNA in

Listeria monocytogenes”, FEMS Microbiology Letters, 160, pp. 159 - 168.

53

66. Werner M., Rudolf A., Wolfgang L., Marc V., and Karl H. S. (1996),

“Application of a suite of 16s rRNA-specific oligonucleotide probes

designed to investigate bacteria of the phylum cytophaga-flavobacter-

bacteroides in the natural environment”, Microbiology, 142, pp. 1097 – 1106.

67. Yamaguchi, N. (1996). “Detection of specific bacterial cells with 2-hydroxy-

3-naphthoic acid-29-phenylanilide phosphate and Fast Red TR in situ

hybridization”, Appl. Environ. Microbiol., 62, pp. 275–278.

68. Ylmaz L. S., Hatice E. O., Noguera D. R. (2005), “Making all parts of the

16S rRNA of Escherichia coli accessible in situ to single DNA

oligonucleotides”, Appl. Environ. Microbiol., 72, pp. 733 – 744.

69. Zarda, B. (1991), “Identification of single bacterial cells using

digoxigeninlabelled, rRNA-targeted oligonucleotides”, J. Gen. Microbiol.,

137, pp. 2823 – 2830.

54

PHỤ LỤC

Phụ lục 1. Thành phần các dung dịch sử dụng cho phép lai huỳnh quang tại chỗ

Dung dịch Thành phần

PBS NaCl (684mM)

KCl (14mM)

Na2H2PO4.12H2O (405mM)

KH2PO4 (7,5mM)

pH 7,5

Đệm lai SSC 5X NaCl (83mM)

Sodium Citrate (83mM)

pH 7,0

55

Phụ lục 2. Kết quả so sánh trình tự đoạn L3 nhân vùng D1 – D2 của mẫu A. affine thu được từ vùng biển Cát Bà với chủng AFF37 của loài Alexandrium affine vùng biển Nhật Bản (Số hiệu Genbank: AB088227):

gb|AB088227| Alexandrium affine strain AFF37 large subunit ribosomal RNA gene, partial sequence Length=711 Score = 1201 bits (650), Expect = 0.0 Identities = 650/650 (100%), Gaps = 0/650 (0%) Strand=Plus/Plus Query 1 AAGCATATAAGTAAGTGGTGGAAATTAAACCAAATGGGATTCCTTAAGTAATTGCGAATG 60 |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||| Sbjct 14 AAGCATATAAGTAAGTGGTGGAAATTAAACCAAATGGGATTCCTTAAGTAATTGCGAATG 73 Query 61 AACAAGGACATGCTTAGCTTGACAATTGGAGCCTCTGGCTTCGACTTGTATTTTTGAAAT 120 |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||| Sbjct 74 AACAAGGACATGCTTAGCTTGACAATTGGAGCCTCTGGCTTCGACTTGTATTTTTGAAAT 133 Query 121 GTATTACCAACAGAGGTGCAGGTGTCAGCCTATTGAAAGAAAGCGTCAATGAGGGTGAGA 180 |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||| Sbjct 134 GTATTACCAACAGAGGTGCAGGTGTCAGCCTATTGAAAGAAAGCGTCAATGAGGGTGAGA 193 Query 181 ATCCTGTTTGTCATGTGCAATCCTCTGTGCACGGTGTATGTTTGCTGAGTCACACTCCTT 240 |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||| Sbjct 194 ATCCTGTTTGTCATGTGCAATCCTCTGTGCACGGTGTATGTTTGCTGAGTCACACTCCTT 253 Query 241 GGCATTGGAATGCAAAGTGGGTGGTAAGTTTCATGTAAAGGTAAATATAGGATTGAGACT 300 |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||| Sbjct 254 GGCATTGGAATGCAAAGTGGGTGGTAAGTTTCATGTAAAGGTAAATATAGGATTGAGACT 313 Query 301 GATAGCACACAAGTACCATGAGGGAAATATGAAAAGGACTTTGAAAAGAGAATTAAATGA 360 |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||| Sbjct 314 GATAGCACACAAGTACCATGAGGGAAATATGAAAAGGACTTTGAAAAGAGAATTAAATGA 373 Query 361 GTTTGTATTTGCTGAACAGAAAATAAACAGATTTGATGTTGCTTGGTGAGATTGTGGTGC 420 |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||| Sbjct 374 GTTTGTATTTGCTGAACAGAAAATAAACAGATTTGATGTTGCTTGGTGAGATTGTGGTGC 433 Query 421 TTGCTTGACAATAGGTTTTGATTGTGGGTGTGATGATTCTTGCTTTGCTTGCCAGTTTCT 480 |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||| Sbjct 434 TTGCTTGACAATAGGTTTTGATTGTGGGTGTGATGATTCTTGCTTTGCTTGCCAGTTTCT 493 Query 481 ATTTGTACATTTGATTACCCTTGCACATGAATGGTAATTTTCCTGCGGGGTTTGGATTGC 540 |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||| Sbjct 494 ATTTGTACATTTGATTACCCTTGCACATGAATGGTAATTTTCCTGCGGGGTTTGGATTGC 553 Query 541 ATGTGTTTGTGATGATTTGTGTTTTGATACATGTGTCTGGTGCTTTTGTAATTGCTCATT 600 |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||| Sbjct 554 ATGTGTTTGTGATGATTTGTGTTTTGATACATGTGTCTGGTGCTTTTGTAATTGCTCATT 613 Query 601 TCTTGAAGCTGGGCCTACCCTACTAGAGCTTACAAGCCCTGGCACACAAT 650 |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||| Sbjct 614 TCTTGAAGCTGGGCCTACCCTACTAGAGCTTACAAGCCCTGGCACACAAT 663

56

Phụ lục 3. Kết quả so sánh trình tự đoạn L4 nhân vùng D1 – D2 của mẫu A. pseudogonyaulax thu được từ vùng biển Cát Bà với chủng AFF37 của loài Alexandrium affine vùng biển Nhật Bản (Số hiệu Genbank: AB565486):

dbj|AB565486.1| Alexandrium pseudogoniaulax gene for large subunit rRNA, partial sequence Length=701 Score = 1293 bits (651), Expect = 0.0 Identities = 651/651 (100%), Gaps = 0/651 (0%) Strand=Plus/Plus Query 1 CCCGCTGAATTTAAGCATATAAGTAAGCGGTGGAAAATGAACCAAATGGGATTCCTTTAG 60 |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||| Sbjct 2 CCCGCTGAATTTAAGCATATAAGTAAGCGGTGGAAAATGAACCAAATGGGATTCCTTTAG 61 Query 61 TAATTGCGAATGAACAAGGATGTGCTCAGCTTGACAAATGGAGTTTTTGAGCTTTGAATT 120 |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||| Sbjct 62 TAATTGCGAATGAACAAGGATGTGCTCAGCTTGACAAATGGAGTTTTTGAGCTTTGAATT 121 Query 121 GTAATTTTGCAATGCATCACCAGCGGAGGTACAGTTGCAAGCCTTTTGAAAGACAGCGCC 180 |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||| Sbjct 122 GTAATTTTGCAATGCATCACCAGCGGAGGTACAGTTGCAAGCCTTTTGAAAGACAGCGCC 181 Query 181 ATTGAGGGTGAAATTCCTTTTTGTCTTCTGCAACCTTTGTGCACGGTATGTATTTGGTGA 240 |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||| Sbjct 182 ATTGAGGGTGAAATTCCTTTTTGTCTTCTGCAACCTTTGTGCACGGTATGTATTTGGTGA 241 Query 241 ATCACATTCCTCGGCATTGGAATGCAAATTGGGTGGTAAATTTCACGCAAGGGAAAATAT 300 |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||| Sbjct 242 ATCACATTCCTCGGCATTGGAATGCAAATTGGGTGGTAAATTTCACGCAAGGGAAAATAT 301 Query 301 ATTATTGAGTCTGATAATGAACAAGTACCATGAGGGAAATATGCAAAGGACTTTGAAAAG 360 |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||| Sbjct 302 ATTATTGAGTCTGATAATGAACAAGTACCATGAGGGAAATATGCAAAGGACTTTGAAAAG 361 Query 361 AAAATTAAAAGAGCTTGCATTTGCTAAACAGAAAACTAGCAGAAGTGCTTTATCTTGGTA 420 |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||| Sbjct 362 AAAATTAAAAGAGCTTGCATTTGCTAAACAGAAAACTAGCAGAAGTGCTTTATCTTGGTA 421 Query 421 AGATTGCTGCGCATGGGTTTACTGTGTAAATTGTATGAGCATTGGTTCTTACTTTGTGTG 480 |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||| Sbjct 422 AGATTGCTGCGCATGGGTTTACTGTGTAAATTGTATGAGCATTGGTTCTTACTTTGTGTG 481 Query 481 TCAATTCCATTGTCAATTTTAATATCTTTGCTCATGAATTGTGAAATGCTTGCGGGTGTT 540 |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||| Sbjct 482 TCAATTCCATTGTCAATTTTAATATCTTTGCTCATGAATTGTGAAATGCTTGCGGGTGTT 541 Query 541 AGATTGCATGTGCATTCATTAATTTGGACTTGGTGCAGTGCTTGGCAACAGCTTGCATGT 600 |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||| Sbjct 542 AGATTGCATGTGCATTCATTAATTTGGACTTGGTGCAGTGCTTGGCAACAGCTTGCATGT 601 Query 601 AGAGTGTGCGTGCAATGTACAATTGCGATTGTCAGCTGTTGCCAACCACTT 651 ||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||| Sbjct 602 AGAGTGTGCGTGCAATGTACAATTGCGATTGTCAGCTGTTGCCAACCACTT 652

57

Phụ lục 4. So sánh trình tự vùng D1- D2 một số loài tảo độc thuộc chi Alexandrium với trình tự của A. affine

58

Phụ lục 5. So sánh trình tự vùng D1- D2 một số loài tảo độc thuộc chi

Alexandrium với trình tự của A. peudogonyaulax

59

Phụ lục 6. Kết quả thử nghiệm đầu dò A. affine trong ở các nhiệt độ lai khác nhau Tế bào A.afine dưới ánh sáng thường (trái) và ánh sáng huỳnh quang (phải)

(A, B: 37°C; C, D: 40°C; E, F: 43°C; G, H: 46°C; I, J: 49°C; K, L: 52°C)

A B

C D

F E

G

I

K L

J

H

60

Phụ lục 7. Kết quả thử nghiệm đầu dò A. pseudonyaulax trong ở các nhiệt độ lai khác nhau Tế bào A. pseudonyaulax dưới ánh sáng thường (trái) và ánh sáng huỳnh quang (phải)

(A, B: 37°C; C, D: 40°C; E, F: 43°C; G, H: 46°C; I, J: 49°C; K, L: 52°C)

A B

C D

E

G

I

K L

J

H

F