344

KHÔNG DI KHÔNG SINH, - Budsas

  • Upload
    others

  • View
    1

  • Download
    0

Embed Size (px)

Citation preview

KHÔNG DIỆT, KHÔNG SINH, ĐỪNG SỢ HÃI

THÍCH NHẤT HẠNH Chân Huyền chuyển ngữ

2002

Bình Anson trình bày và dàn trang, Perth, Tây Úc

14/04/2021

Mục lục

Lời đầu sách 1. Ta từ đâu tới? Ta đi về đâu? 2. Cái sợ đích thực 3. Thực tập nhìn sâu 4. Chuyển hóa khổ đau và sợ hãi 5. Bắt đầu lại 6. Địa chỉ của hạnh phúc 7. Tiếp tục biểu hiện 8. Sợ hãi, chấp nhận và tha thứ 9. Sống cạnh người hấp hối

5

Lời đầu sách

Một ngày, sau bữa ăn trưa, cha tôi nói chuyện với tôi:

“Lần cuối cha nhìn thấy ông nội, ông ngồi trong một chiếc ghế mây tròn trong phòng khách.” Khi đó, tôi và cha tôi đang ngồi trong khu lộ thiên, tại một tiệm ăn Mễ Tây Cơ, thuộc vùng Key West, tiểu bang Florida. Cha tôi đang ăn một đĩa cơm có món đậu Mễ, ông ngửng lên, tiếp tục nói:

“Ông nội con là một người chịu khó làm việc. Ông làm bánh, trong một xưởng ở dưới phố Leominster, tỉnh Fichburg.”

“Bố kể cho con nghe về cái chết của ông nội đi.” Tôi lên tiếng.

“Bố không biết gì cả.”

“Những người khác nói sao?”

“Không ai nói gì hết, và bố không hỏi bao giờ.” Cha tôi lại im tiếng, như thói quen tôi đã từng biết.

Nhà thờ Thánh Linh (Sacred Heart church) chỉ cách nhà tôi chừng hai đoạn đường, trong khu West Fichburg ở tiểu bang Massachussetts, là nơi cha tôi vĩnh biệt ông nội, người mà tôi chưa bao giờ được gặp mặt. Đó cũng là trung tâm đời sống tinh thần của gia đình tôi khi tôi lớn lên. Đó là nơi nương tựa của những công nhân muốn xả bỏ những tiếng máy chạy rền rĩ trong sở, tiếng cằn nhằn của vợ con, những hóa đơn chưa thanh toán, hay khi người ta uống rượu quá chén. Đó là nơi tôi được rửa tội và được tới học giáo lý. Mỗi chiều thứ hai, sau một ngày dài trong trường, tôi miễn cưỡng lê bước tới nhà thờ để học giáo lý thêm hai giờ đồng hồ nữa.

6

Tôi vẫn còn nhớ ngày đầu tiên, tôi ngồi kế bên người em họ Patty, trong tay là cuốn giáo lý mới tinh. Khi hai bà sơ đứng phía trên bảo chúng tôi mở sách ra để học thuộc ngay trang đầu gồm ba câu hỏi và các câu trả lời:

“Ai tạo ra tôi? – Chúa tạo ra bạn.”

“Vì sao Chúa tạo ra bạn? – Để yêu và phục vụ Ngài.”

“Chuyện gì xảy ra khi tôi chết? – Bạn sẽ vĩnh viễn được ở bên Chúa, trên thiên đàng.”

Đối với các ông cha trong nhà thờ, chắc chắn linh hồn tôi bất tử và tôi sẽ được sống đời vĩnh cửu.

Đọc tờ báo The Boston Globe ngày chủ nhật, tôi giật mình về bài báo nói tới một phụ nữ bị bệnh ung thư thời kỳ chót. Chuyện kể: “Một cuộc đời trẻ trung bị dứt ngang…Adriana Jenkins nghi ngờ về sự hiện hữu của Thượng đế, của định mệnh.” Cô ta nói “Khi chết, chúng ta từ cát bụi lại trở về với cát bụi.” Nhưng cô thường tưởng tượng về cái chết, niềm đau nỗi khổ của cô. Cô tưởng như mình sẽ nổi bồng bềnh lên phía trên, nhìn xuống những người đang khóc thương cô chung quanh giường bệnh, ánh sáng mờ dần rồi tắt hẳn. Đó là một thứ tín điều của những người theo chủ nghĩa nghi ngờ, cho rằng sau khi chúng ta chết thì không còn lại gì cả.

Lần đầu tiên tôi dự một đám ma là năm 1968, khi Sam Rameau, ông ngoại tôi chết. Từ đó tới nay, có tới hơn hai chục lần nữa, tôi đã đứng trước cái huyệt mới đào, cảm thấy bối rối, bất an vì những câu hỏi trong tôi về cái chết. Chỉ có hai trường hợp để tin thôi sao? Hoặc có linh hồn bất diệt? hoặc không còn lại gì sau khi chết?

Nghi ngờ về sự sống bất diệt, và kinh hoảng về ý tưởng sẽ bị quên lãng hoàn toàn, tôi sống suốt đời với cái tâm có nền tảng sâu kín là sự sợ hãi. Thật sự như vậy, tôi sẽ còn sống đời đời hay sẽ trở thành hư vô? Có linh hồn bất diệt thật không? Và nếu có thì tôi sẽ ở thiên

7

đàng hay địa ngục? Tôi sẽ đời đời khốn khổ hay được hưởng phước hoài hoài? Một mình hay bên cạnh Thượng đế?

Trong suốt cuộc đời, đức Bụt cũng bị nhiều nhà thần học và các học giả nhiều lần chất vấn về hai triết thuyết đối nghịch nhau: bất diệt hay hư không. Khi được hỏi là có đời sống vĩnh cửu không thì Bụt trả lời: “Không có cái Ngã bất biến.” Khi trả lời về chuyện chết là không còn gì nữa chăng. Bụt nói không có gì trở thành hư vô cả. Ngài bác bỏ cả hai ý tưởng trên.

Tôi có một người bạn thân là một nhà sinh vật học chuyên về các loài sống dưới biển. Giống như nhiều người, anh ta tin rằng chết là chết vĩnh viễn. Niềm tin này của anh không tới từ thiếu đức tin hay vì tuyệt vọng, mà vì anh tin vào khoa học. Anh có lòng tin vào thế giới thiên nhiên, vào vẻ đẹp của vũ trụ chưa được khai phá quanh anh, vào khả năng hiểu biết của loài người về vũ trụ đó.

Thích Nhất Hạnh cũng có lòng tin vững chắc vào khả năng có thể đạt tới hiểu biết của con người. Nhưng mục tiêu của Thầy cao cả hơn sự thu góp các kiến thức khoa học. Đó là sự giải thoát và trí tuệ bát nhã.

Viết những trang sách này do kinh nghiệm của chính mình, Thầy Nhất Hạnh đưa ra một thay thế đáng ngạc nhiên cho hai triết lý trái ngược nhau về vĩnh cửu và hư không. Thầy nói:

“Tự muôn đời tôi vẫn tự do. Tử sinh chỉ là cửa ngõ ra vào, tử sinh là trò chơi cút bắt. Tôi chưa bao giờ từng sinh cũng chưa bao giờ từng diệt” và “Nỗi khổ lớn nhất của chúng ta là ý niệm về đến-đi, lui-tới.”

Lập đi, lập lại hoài, Thầy khuyên chúng ta thực tập nhìn sâu để chúng ta hiểu được và tự mình nếm được sự tự do của con đường chính giữa, không bị kẹt vào cả hai ý niệm của vĩnh cửu và hư không. Là một thi sĩ nên khi giải thích về các sự trái ngược trong đời sống, Thầy đã nhẹ nhàng vén bức màn vô minh ảo tưởng dùm

8

chúng ta, cho phép chúng ta (có lẽ lần đầu tiên trong đời) được biết rằng sự kinh hoảng về cái chết chỉ có nguyên nhân là các ý niệm và hiểu biết sai lầm của chính mình mà thôi.

Tri kiến về sống, chết của Thầy vô cùng vi tế và đẹp đẽ. Cũng như những điều vi tế, đẹp đẽ khác, cách thưởng thức hay nhất là thiền quán trong thinh lặng. Lòng nhân hậu và từ bi phát xuất từ suối nguồn thâm tuệ của Thích Nhất Hạnh là một loại thuốc chữa lành những vết thương trong trái tim chúng ta.

Pritam Singh

9

-1-

Ta từ đâu tới? Ta đi về đâu?

Trong tu viện của tôi ở nước Pháp, có một bụi cây hoa đào Nhật bổn.

Bụi hoa này thường nở rộ vào mùa Xuân, nhưng một năm, mùa Đông ấm áp hơn nên hoa nở sớm hơn thường lệ. Rồi một đêm trời trở lạnh, nhiệt độ xuống tới điểm băng giá. Sớm hôm sau khi đi thiền hành, tôi nhận thấy những nụ hoa đều bị héo hết. Tôi nghĩ “Vậy là đầu năm nay sẽ không có đủ hoa cúng Bụt.”

Vài tuần sau, trời ấm áp trở lại. Khi tôi đi bộ trong vườn, tôi lại nhìn thấy những nụ hoa đào thuộc thế hệ mới đang biểu hiện ra. Tôi hỏi chúng:

“Các con là những bông hoa đã chết khi trời băng giá hay là những bông hoa khác?”

Hoa trả lời tôi:

“Thầy, chúng con không phải những bông hoa đó, mà cũng không khác những bông đó. Khi nhân duyên đầy đủ chúng con biểu hiện ra, và khi thiếu nhân duyên thì chúng con ẩn tàng. Giản dị vậy thôi!”

Đó là giáo pháp của Bụt. Khi nhân duyên đầy đủ, thì sự vật biểu hiện. Khi nhân duyên không còn đầy đủ, thì chúng rút lui. Chúng đợi tới đúng thời điểm sẽ biểu hiện trở lại.

Trước khi sinh ra tôi, mẹ tôi đã mang thai một em bé khác. Nhưng bà bị xảy thai và em bé đó không ra đời. Khi còn nhỏ, tôi thường hỏi: “Bào thai đó là anh tôi hay chính là tôi? Ai đã muốn biểu hiện ra trong lần mẹ xảy thai đó?” Khi mẹ tôi mất em bé, thì có nghĩa là

10

nhân duyên chưa đủ cho bé ra đời, nên nó quyết định lui lại, chờ điều kiện tốt đẹp hơn: “Con tốt hơn nên rút lui, và sẽ trở lại nay mai nhé mẹ!” Chúng ta phải tôn trọng ý kiến của em bé. Nếu bạn nhìn đời bằng những cái nhìn như thế, bạn sẽ bớt khổ đau nhiều. Mẹ tôi đã mất anh tôi hay chính tôi lúc đó, thấy chưa đúng thời điểm, tôi đã lui lại?

Trở thành Không

Nỗi sợ hãi lớn lao nhất của chúng ta là khi chết, chúng ta sẽ trở thành không. Nhiều người trong chúng ta tin rằng cuộc đời của ta bắt đầu từ lúc chào đời và chấm dứt khi ta chết. Chúng ta tin rằng chúng ta tới từ cái Không, nên khi chết chúng ta cũng không còn lại gì hết. Và chúng ta lo lắng vì sẽ trở thành hư vô.

Bụt có cái hiểu rất khác về cuộc đời. Ngài hiểu rằng sống và chết chỉ là những ý niệm không có thực. Coi đó là những sự thực, chính là nguyên do gây cho chúng ta khổ não. Bụt dạy không có sinh, không có diệt, không tới cũng không đi, không giống nhau cũng không khác nhau, không có cái ngã thường hằng cũng không có hư vô. Chúng ta thì coi là Có hết mọi thứ. Khi chúng ta hiểu rằng mình không bị hủy diệt thì chúng ta không còn lo sợ. Đó là sự giải thoát. Chúng ta có thể an hưởng và thưởng thức đời sống một cách mới mẻ.

Tìm lại người thân đã mất

Đối với trường hợp mất người thương cũng thế. Khi nhân duyên không còn đầy đủ thì họ biến đi. Khi mẹ chết, tôi rất đau đớn. Khi chúng ta chỉ mới bảy hay tám tuổi đầu, ta không hề nghĩ sẽ có ngày mất mẹ. Nhưng sự thực là khi lớn lên và tất cả chúng ta, ai cũng sẽ mất mẹ. Nếu bạn biết tu tập, thì tới giờ phút chia lìa, bạn sẽ không

11

quá khổ sở. Bạn sẽ sớm nhận thức được rằng mẹ bạn vẫn đang còn sống trong bạn.

Ngày mẹ chết, tôi viết vào nhật ký: “Tai nạn lớn nhất đời tôi đã xảy ra rồi.” Tôi đau khổ hơn một năm sau khi mẹ qua đời. Nhưng rồi một đêm, khi ngủ trong cái cốc ở vùng cao nguyên Việt nam, tôi nằm mơ thấy mẹ tôi. Tôi thấy tôi ngồi chơi bên bà và chúng tôi nói chuyện rất vui. Mẹ tôi trông trẻ đẹp, tóc bà thả dài xuống lưng. Thật là sung sướng được truyện trò với mẹ như thể bà chưa chết vậy. Tôi tỉnh dậy vào lúc hai giờ sáng và tôi có cảm giác thực sự là tôi chưa từng mất mẹ. Cảm tưởng mẹ vẫn ở trong tôi nó rất rõ ràng. Tôi hiểu rằng ý tưởng mất mẹ chỉ là một ý tưởng mà thôi. Rõ ràng lúc đó tôi thấy mẹ luôn luôn còn sống trong tôi.

Tôi mở cửa đi ra ngoài. Tất cả sườn đồi được tắm trong ánh trăng. Đó là một đồi trà và thất của tôi ở lưng chừng đồi, phía sau ngôi chùa. Khi đi bộ thong thả giữa các luống trà, tôi vẫn cảm thấy mẹ ở bên tôi. Bà là ánh trăng vuốt ve tôi như bà thường hay làm, thật dịu dàng âu yếm… thật là kỳ diệu! Mỗi khi chân tôi chạm mặt đất, tôi biết mẹ tôi vẫn đang ở cạnh. Tôi biết cái thân này không phải của riêng tôi mà nó là sự tiếp nối của mẹ, cha, của ông bà, của cụ kỵ, của tổ tiên. Những dấu chân tôi tưởng của tôi, thực ra là của cả hai chúng tôi. Tôi và mẹ cùng để lại những dấu chân trên mặt đất ẩm ướt đó.

Từ lúc ấy, ý nghĩ mất mẹ không còn hiện diện trong tôi nữa. Tôi chỉ cần nhìn vào bàn tay tôi, cảm nhận hơi gió mát trên mặt hay đất dưới bàn chân, là tôi nhớ mẹ tôi luôn luôn có mặt với tôi, trong mọi thời điểm.

Khi mất một người mình thương thì ta đau khổ. Nhưng nếu bạn biết nhìn sâu, bạn có cơ hội để nhận ra rằng bản thể của người đó là vô sinh, bất diệt. Chỉ có sự biểu hiện và sự ngừng lại để biểu hiện dưới hình thức khác mà thôi. Bạn phải rất tinh và tỉnh thức để

12

có thể nhận ra sự biểu hiện mới của người thương đó. Nhưng khi thực tập và cố gắng, bạn có thể làm được chuyện này.

Vậy, hãy nắm tay một người bạn tu, cùng nhau đi thiền hành. Hãy để tâm tới từng cái lá, từng bông hoa, từng con chim và từng giọt sương nhỏ. Nếu bạn có thể ngừng lại và nhìn sâu thì bạn có thể nhận diện được người thương ở những biểu hiện khác nhau, dưới nhiều hình thái. Bạn sẽ lại yêu đời.

Không có gì sinh ra, không có gì mất đi

Nhà khoa học người Pháp, ông Lavoisier đã từng tuyên bố: “Không có gì được sinh ra, cũng không có gì mất đi.” Dù ông ta không thực hành đạo Bụt, nhưng nhà khoa học ấy đã tìm ra chân lý giống như Bụt thấy vậy.

Bản chất thực của chúng ta là bản chất không sinh không diệt. Chỉ khi nào ta chạm được vào bản chất chân thực đó, chúng ta mới chuyển đổi được nỗi sợ hãi mình không hiện hữu, đổi được cái lo trở thành hư không.

Bụt dạy khi đầy đủ nhân duyên thì sự việc biểu hiện, và chúng ta nói nó hiện hữu. Khi thiếu một hoặc hai điều kiện, sự việc đó không biểu hiện như trước thì ta nói nó không hiện hữu. Theo Bụt, nói rằng thứ này có hay không có là sai. Trong thực tại, không có thứ gì hoàn toàn có hay hoàn toàn không hiện hữu.

Chúng ta thấy được chuyện này rất dễ dàng khi nhận xét các máy truyền hình và phát thanh. Chúng ta có thể đang ở trong một căn phòng không có máy truyền hình và cũng không có máy phát thanh. Khi ở trong căn phòng đó, chúng ta có thể cho rằng không có chương trình truyền hình hay truyền thanh tại đó. Nhưng tất cả chúng ta đều hiểu là không gian trong phòng chứa đầy các tin hiệu. Tín hiệu của các chương trình đó có mặt khắp mọi nơi. Chúng ta chỉ cần một điều kiện nữa thôi, một chiếc máy thu thanh

13

hay truyền hình, là bao nhiêu hình thái, màu sắc và âm thanh sẽ biểu hiện ra. Vậy khi nói rằng các tín hiệu đó không hiện hữu là sai, vì sự thực chúng ta chỉ thiếu dụng cụ để thâu chúng vô và cho các tín hiệu đó cơ hội biểu hiện ra. Chúng hình như không hiện hữu chỉ vì nhân duyên không đầy đủ để các chương trình xuất hiện. Vậy thì trong căn phòng đó, ở giờ phút đó, nếu chúng ta nói rằng chúng không hiện hữu, thì chỉ vì chúng ta không nhìn hay nghe được chúng, chứ không phải vì chúng không có mặt. Chỉ vì các quan niệm có-không mà chúng ta bị rối trí. Quan niệm hiện hữu và không hiện hữu khiến chúng ta tin là cái này có, cái kia là không. Ý niệm có và không đó không thể áp dụng vào thực tại được.

Không trên không dưới

Ý niệm về trên dưới cũng vậy. Cho rằng có trên có dưới là sai. Cái gì ta nghĩ là phía dưới, có thể ở phía trên của người khác, ở nơi khác. Chúng ta đang ngồi đây và cho rằng, phía trên là hướng bên trên đầu ta, còn đối nghịch với nó là phía dưới.

Những người đang ngồi thiền ở bán cầu kia không đồng ý với ta được, vì phía trên của ta là phía dưới của họ. Họ không ngồi lộn ngược đầu. Ý nghĩ trên dưới có nghĩa là trên dưới cái gì đó mà thôi. Quan niệm trên dưới không thể áp dụng cho thực tại trong vũ trụ được. Đó chỉ là những quan niệm liên hệ tới môi trường ta sinh hoạt. Đó là những ý niệm cho chúng ta một tiêu chuẩn nhưng chúng không có thật. Thực tại không bị ràng buộc vào bất kỳ ý niệm nào.

Bị trói vào một ý niệm

Bụt đã kể cho ta một câu chuyện ngụ ngôn rất hay về tư tưởng và ý niệm. Một thương gia trẻ trở về nhà sau chuyến đi buôn xa, thấy

14

nhà đã bị cướp đốt thành tro. Ngay phía ngoài nền nhà cũ là một cái xác nhỏ bé đã bị cháy thành than. Anh ta nghĩ đó là xác đứa con trai nhỏ của mình. Anh không biết rằng con trai anh vẫn còn sống. Anh không biết rằng sau khi đốt nhà, bọn cướp đã bắt đứa bé theo. Và trong tình trạng rối loạn, anh đã tin rằng cái xác kia chính là xác con anh. Anh vò đầu đấm ngực khóc lóc, rồi làm đám tang cho con.

Người thương gia đó rất yêu con. Nó là lẽ sống của anh. Anh thương xót nó tới độ không thể rời hũ tro của nó. Anh may một cái túi bằng gấm và bỏ tro vô đó, đeo trước ngực ngày đêm, lúc ngủ nghỉ cũng như khi làm việc. Một đêm con anh trốn thoát khỏi tay bọn cướp. Nó trở về căn nhà cha nó đã xây lại và nó gõ cửa một cách háo hức vào lúc hai giờ sáng. Cha nó thức giấc, lòng vẫn còn rất đau khổ và túi tro vẫn mang trên ngực, anh hỏi: “Ai đó?”

“Con đây cha ơi!” Đứa bé trả lời vọng qua cửa.

“Mày tệ quá, mày đâu phải con tao. Con tao đã chết ba tháng trước rồi, tao còn tro của nó ngay đây.”

Đứa bé tiếp tục đấm vào cửa và khóc lóc. Nó năn nỉ hoài để xin vào trong nhà nhưng người cha nhất định không cho. Người cha giữ chặt lấy ý niệm con đã chết và cho rằng đứa bé vô lương tâm này chỉ đến phá rầy anh ta mà thôi. Cuối cùng đứa bé đành bỏ đi và anh ta mất con vĩnh viễn.

Bụt dạy rằng khi ta bị kẹt vào một ý niệm và coi đó là chân lý thì ta sẽ mất cơ hội để thấy được chân lý. Dù cho chân lý tới tận nhà gõ cửa, bạn cũng sẽ từ chối vì không mở được cái tâm bạn ra. Vậy nên khi bạn vướng vào một ý niệm về sự thật hay có ý niệm về các điều kiện của hạnh phúc thì hãy cẩn thận.

Giới thứ nhất để thực tập Chánh niệm là thực tập để được tự do không bị thiên kiến:

15

“Ý thức được sự khổ đau gây ra do sự quá khích và hẹp hòi, chúng con nhất định sẽ không thờ làm thần tượng bất cứ một chủ nghĩa hay lý thuyết nào, kể cả những chủ nghĩa và lý thuyết Phật giáo. Những hệ thống giáo lý trong đạo Bụt phải được nhận thức như những pháp môn hướng dẫn giúp chúng con biết nhìn sâu và phát triển cái hiểu và thương – mà không phải là những chân lý để bảo vệ và thờ phượng.”

Đây là sự thực tập giúp chúng ta không bị ràng buộc vào một giáo điều nào. Thế giới chúng ta đã chịu nhiều khổ đau quá nhiều vì các chủ thuyết, giáo điều. Điều thứ nhất trong sự thực tập chánh niệm giúp ta được tự do. Sư tự do này ở trên tất cả các ý niệm về tự do mà ta vẫn thường có. Nếu ta bị kẹt vào các ý niệm, ta sẽ đau khổ và làm cho người thân đau khổ theo.

Không đến không đi

Đối với đa số, chúng ta đau khổ nhiều nhất vì ý niệm đến – đi. Chúng ta nghĩ rằng những người thương của ta đã đến từ một nơi nào đó và nay sẽ đi tới một nơi nào đó. Nhưng bản chất của thực tại là không đến cũng không đi. Chúng ta không từ đâu tới mà cũng không đi tới đâu cả. Khi nhân duyên đầy đủ thì ta biểu hiện, khi nhân duyên không còn đầy đủ thì chúng ta không biểu hiện. Điều đó không có nghĩa là chúng ta không hiện hữu. Giống như khi làn sóng phát thanh không phát ra âm thanh, thì chúng chỉ không biểu hiện mà thôi.

Không phải chỉ có các ý niệm đến-đi mới không diễn bày được thực tại, mà các ý niệm hiện hữu hay không hiện hữu cũng vậy. Chúng ta học được câu này trong kinh Bát Nhã:

“Xá lợi tử nghe đây Thể mọi pháp đều không

16

Không sinh cũng không diệt Không thêm cũng không bớt…”

Ý nghĩa chữ Không này rất quan trọng. Nó có nghĩa là mọi sự việc đều trống rỗng, không có tự tánh riêng biệt. Không có cái gì có tự tánh độc lập, không có cái gì tự nó hiện hữu. Khi nhìn sâu vào mọi sự, mọi vật ta sẽ thấy rằng tất cả, kể luôn ta trong đó, đều là những hợp thể. Ta được làm bằng các phần tử không phải ta. Ta được là hợp thể của cha mẹ, ông bà, cơ thể, cảm thọ, nhận thức, đất, mặt trời và vô số các yếu tố không phải ta. Tất cả những thứ đó tùy theo nhân duyên. Ta thấy rằng tất cả những thứ đó đã, đang hay sẽ biểu hiện đều có tương quan và liên hệ mật thiết với nhau. Những gì biểu hiện ra mà ta nhìn thấy, chỉ là một phần của bao thứ khác, của các điều kiện đầy đủ khiến cho nó có mặt. Mọi sự mọi vật đều không được sinh ra hay bị mất đi vì chúng luôn luôn ở trong tiến trình liên tục biểu hiện.

Chúng ta có thể thông minh để hiểu được chuyện này. Nhưng hiểu bằng trí óc thôi không đủ. Thực sự hiểu điều này, ta sẽ hết sợ hãi. Ta sẽ được giác ngộ và sống với cái nhìn tương tức (inter-being).

Chúng ta phải thực tập nhìn thật sâu như thế trong đời sống hàng ngày để nuôi dưỡng sự hiểu biết về không sinh không diệt. Như thế, ta có thể thực chứng được sự mầu nhiệm của sự vô úy, không sợ hãi.

Nếu chúng ta nói tới vấn đề tương tức tương nhập như một lý thuyết thì không ích lợi gì hết. Ta nên đặt câu hỏi: “Tờ giấy này, mi từ đâu tới? Giấy là cái gì? và mi tới đây làm gì? Giấy sẽ đi đâu?” Ta cũng hỏi ngọn lửa (đang dốt tờ giấy): “Lửa ơi, mi từ đâu tới và mi sẽ đi đâu?” Hãy lắng nghe chúng trả lời. Ngọn lửa, tờ giấy đang trả lời bằng sự có mặt của chúng. Chúng ta chỉ cần nhìn sâu thì sẽ nghe được câu trả lời của nó. Ngọn lửa trả lời: “Tôi không tới từ đâu cả.”

17

Đó cũng là câu trả lời của cây hoa đào Nhật bổn. Chúng tôi (hai đợt hoa) không giống mà cũng không khác nhau. Hoa không tới từ đâu và cũng không đi đâu hết. Khi mất một em bé, chúng ta không nên buồn. Đó chỉ là vì lúc ấy chưa đủ nhân duyên cho nên em chưa biểu hiện ra ở thời điểm đó mà thôi, Em sẽ trở lại.

Buồn phiền vì vô minh

Đức Quan Thế Âm là học trò của Bụt. Một bữa Ngài nhập định và đạt được sự hiểu biết sâu xa, Ngài thấy rằng mọi sự vật đều không có tự tánh. Hiểu như vậy, Ngài vượt qua được màn vô minh, nghĩa là Ngài thoát được hết các khổ não.

Nhìn cho sâu, chúng ta cũng thấy được rằng không có gì sinh ra, không có gì chết đi, không có gì tới, cũng không có gì đi, không có cũng không không, không giống cũng không khác.

Nếu ta không học phép tu tập này thì thật là phí phạm quá sức. Chúng ta có thể thực tập theo nhiều phương pháp để bớt khổ, nhưng trí tuệ lớn nhất là sự giác ngộ về không sinh không diệt. Khi chúng ta giác ngộ được chuyện này thì ta không còn sợ hãi nữa. Chúng ta có thể vui hưởng được gia tài khổng lồ mà tổ tiên ta truyền lại cho. Ta nên thu xếp để có thì giờ thực tập giáo pháp huyền diệu này mỗi ngày.

Kính trọng biểu hiện của mình

Khi nhìn một người bạn mình bằng con mắt thiền quán, ta có thể nhìn thấy trong đó tất cả các thế hệ tổ tiên của bạn mình. Ta sẽ rất kính trọng người đó và kính trọng cả con người mình, vì ta thấy đó là ngôi đền thờ của tất cả các thế hệ tổ tiên.

Bạn cũng nhìn thấy thân thể mình là nền tảng của các thế hệ tương lai. Do đó chúng ta sẽ không làm hại thân mình, vì như thế

18

là không tử tế với các thế hệ con cháu. Ta sẽ không sử dụng ma túy và ăn uống những thứ có độc tố làm hại thân thể. Đó là do cái hiểu về sự biểu hiện, nó đã giúp chúng ta sống một cuộc đời lành mạnh, trong sáng và có trách nhiệm.

Ý niệm trong ngoài cũng như vậy. Khi chúng ta nói Bụt và cha mẹ ở trong ta, hay ở ngoài ta, ý niệm trong ngoài đó không có nghĩa chi cả. Chúng ta bị kẹt vào các ý niệm, nhất là ý niệm đến-đi và hiện hữu hay không hiện hữu. Chỉ khi ta buông bỏ được các ý niệm đó thì sự thật mới hiển lộ, sự thật của Niết bàn. Khi tất cả các ý niệm hiện hữu hay không hiện hữu đã tắt ngấm thì Chân như thực tại nó sẽ biểu hiện ra.

Không có gì bằng kinh nghiệm

Chúng ta có thể dùng một thí dụ dễ hiểu về trái quít và trái sầu riêng. Nếu có người nào chưa từng nếm quít hay sầu riêng, thì dù cho bạn mô tả các thứ đó bằng bao nhiêu hình tượng, bạn cũng không thể diễn tả được các thứ trái cây đó thực sự chúng ra sao. Bạn chỉ có thể giúp người kia có kinh nghiệm sống, thực chứng về hai trái cây đó. Bạn không thể nói: “Sầu riêng ư, nó giống như mít hay đu đủ.” Bạn không thể nói gì như khi người ta ăn trái sầu riêng. Sầu riêng nó vượt qua tất cả các ý niệm. Trái quít cũng vậy. Khi bạn chưa từng ăn trái quít, thì dù cho người kia thương bạn cách mấy, cố gắng giúp bạn cách mấy cũng không diễn tả được hương vị trái quít ra sao. Thực tại của trái quít vượt lên trên tất cả mọi ý niệm. Niết Bàn cũng vậy. Đó là một thực tại vượt qua các ý niệm. Chỉ vì ta có ý niệm về Niết bàn mà ta đau khổ. Phải thực chứng, phải tự kinh nghiệm, đó là con đường phải đi.

19

-2-

Cái sợ đích thực

Chúng ta sợ chết, sợ chia lìa và chúng ta sợ trở thành hư vô. Người tây phương rất sợ trở thành hư vô. Khi họ nghe nói về sự trống rỗng họ cũng rất sợ. Nhưng trống rỗng chỉ là sự vắng mặt các ý niệm. Không hay trống rỗng không có nghĩa trái ngược với sự sinh tồn. Nó không có nghĩa là hư vô, không có nghĩa là không còn gì hết. Cần phải loại bỏ ý niệm hiện hữu và không hiện hữu. Trống rỗng là một dụng cụ giúp chúng ta.

Thực tại không liên quan gì tới chuyện có hay không, hiện hữu hay không hiện hữu. Khi Shakespeare nói “To be or not to be – that is the question (vấn đề là hiện hữu hay không hiện hữu), Bụt trả lời: “Hiện hữu hay không hiện hữu, đó không phải là vấn đề.” Có hiện hữu hay không hiện hữu chỉ là hai ý niệm trái ngược nhau, chúng không phải là chân lý và chúng cũng không diễn tả được chân lý.

Sự giác ngộ tỉnh thức không những loại được ý niệm về thường hằng mà nó cũng loại được cả ý niệm về vô thường. Ý niệm về trống rỗng cũng thế. Trống rỗng cũng chỉ là một khí cụ, và nếu bạn bị kẹt vào ý niệm đó, bạn cũng đi lạc đường. Bụt nói trong kinh Người bắt rắn (Ratnakuta): “Nếu bạn bị kẹt vào ý niệm hiện hữu hay không hiện hữu (Có hay Không) thì ý niệm về trống rỗng giúp cho bạn được tự do. Nhưng khi bạn kẹt vào ý niệm trống rỗng thì không còn hy vọng. Giáo lý về sự trống rỗng là một dụng cụ giúp cho bạn có cái hiểu thật sự về Không, nhưng nếu bạn coi dụng cụ đó là sự giác ngộ thì bạn đã bị kẹt vào ý niệm đó rồi.

Nếu bạn có một ý niệm về Niết bàn, thì nên loại bỏ nó đi. Niết bàn không chứa đựng một ý niệm nào hết, kể cả ý niệm về Niết

20

bàn. Nếu bạn kẹt vào ý niệm về Niết bàn là bạn chưa chạm được tới Niết bàn. Sự khám phá và hiểu biết sâu xa đó khiến cho Bụt vượt thoát được mọi sợ hãi, lo âu, mọi đau khổ và vượt được cả vấn đề sinh tử.

Đốt cháy các ý niệm

Khi bạn có một que diêm, bạn có nhân duyên để tạo ra lửa. Nếu ngọn lửa bạn đốt lên bằng que diêm đó có đủ thời gian, nó sẽ đốt cháy luôn que diêm. Que diêm tạo ra lửa, và lửa đốt cháy diêm, giáo pháp vô thường cũng vậy. Nó giúp ta có tỉnh thức về sự vô thường, và sự giác ngộ đó lại đốt cháy ý niệm của ta về vô thường.

Chúng ta phải vượt qua ý niệm về thường, nhưng ta cũng phải vượt qua ý niệm về vô thường. Như thế chúng ta có thể chạm tới Niết bàn. Vô ngã cũng vậy. Vô ngã giống như que diêm, nó giúp gây ra lửa trí tuệ để hiểu về vô ngã và cũng chính ngọn lửa vô ngã sẽ đốt que diêm vô ngã.

Tu tập không phải là thu thập một lô các ý niệm về vô ngã, vô thường, Niết bàn hay ý niệm nào khác. Đó là công việc của một cái máy thu băng. Thuyết giảng và chia sẻ về các ý niệm đó không phải là cách học và hành trì Phật pháp. Ta có thể tới đại học để học Phật pháp, nhưng chúng ta sẽ chỉ học được lý thuyết và các khái niệm. Chúng ta muốn vượt lên trên các ý niệm để có được tánh giác, và nhờ đó sẽ đốt cháy được hết các ý niệm trong ta, để cho ta được tự do.

Niết bàn ở đâu?

Hãy nhìn một đồng xu. Một bên là mặt phải, một bên mặt trái. Hai mặt không thể hiện hữu nếu thiếu mất một bên. Kim loại làm ra đồng xu gồm có hai mặt, không có kim loại thì không có đồng tiền. Ba yếu tố kim loại, mặt phải và mặt trái liên quan với nhau.

21

Ta có thể mô tả kim loại giống như Niết bàn, mặt phải và mặt trái có thể coi như biểu hiện của vô ngã và vô thường. Qua mặt phải hay mặt trái, bạn có thể chạm được và cảm được sự hiện hữu của kim loại. Tương tự như vậy, nếu nhìn sâu vào bản chất của vô thường và vô ngã, bạn có thể tiếp xúc được với bản chất của Niết bàn.

Niết bàn trong bình diện tuyệt đối (bản môn) không thể tách rời ra khỏi Niết bàn trong bình diện tương đối (tích môn). Khi bạn thật sự chạm được tới Niết bàn tương đối thì bạn cũng tiếp xúc được với Niết bàn tuyệt đối. Bản thể luôn luôn có sẵn trong bạn. Đối với người có tu học, điều quan trọng là bạn phải tiếp xúc được với tự tánh vô thường vô ngã của bạn. Nếu thành công bạn có thể tiếp xúc được với Niết bàn và không còn sợ hãi nữa. Bây giờ bạn có thể cưỡi trên sóng sinh tử và mỉm cười thanh thoát.

Tích môn và bản môn

Ngày thường ta nhìn vào thực tại qua bình diện tương đối hay tích môn, nhưng ta cũng có thể nhìn các thực tại đó qua bình diện tuyệt đối hay bản môn. Thực tại có thể biểu hiện ra ở cả hai bình diện tương đối và tuyệt đối. Chúng ta cũng vậy. Chúng ta đều có những điều cần làm trong bình diện tương đối, nhưng mỗi chúng ta cũng có những quan tâm trong bình diện tuyệt đối.

Khi chúng ta tìm Thượng đế hay Niết bàn ở tình trạng an bình sâu xa nhất, là chúng ta đi tìm tuyệt đối. Chúng ta không chỉ quan tâm tới những chuyện bình thường trong đời sống như danh vọng, lợi nhuận, địa vị xã hội, các dự án mà chúng ta cũng quan tâm tới bản chất chân thật trong ta. Thiền quán sâu xa là bắt đầu thực hiện sự quan tâm tới bình diện tuyệt đối của mình.

22

Sóng là nước

Khi bạn nhìn trên mặt biển, bạn thấy các đợt sóng lên xuống nhấp nhô. Bạn có thể mô tả sóng này cao, sóng kia thấp, sóng lớn hay nhỏ, sóng mạnh hay yếu và sóng đẹp hay không đẹp. Bạn có thể mô tả sóng lúc bắt đầu, lúc chấm dứt, sóng được sinh ra và sóng bị hoại diệt. Giống như trong tích môn hay trong bình diện tương đối, chúng ta quan tâm tới sinh-diệt, mạnh-yếu, đẹp-xấu, bắt đầu và chấm dứt… của mọi sự vật.

Nhìn sâu, chúng ta thấy sóng đồng thời cũng là nước. Một lọn sóng hình như muốn đi tìm bản thể của nó. Nó có thể đau khổ vì rối ren. Ngọn sóng có thể nói: “tôi không lớn bằng các ngọn sóng kia,” “tôi bị đàn áp,” “tôi không đẹp bằng các sóng khác,” ”tôi sinh ra đời và tôi sẽ chết đi.” Ngọn sóng có thể đau khổ vì các ý nghĩ đó. Nhưng nếu sóng uốn mình xuống để tiếp xúc với bản chất của nó thì nó sẽ thấy nó cũng là nước. Sự sợ hãi và rối ren của sóng sẽ biến mất.

Nước không bị ràng buộc bởi sự sinh diệt của sóng. Nước được tự do không sợ cao hay thấp, đẹp hay xấu. Khi nói về các tiếng cao-thấp, đẹp-xấu, đó chỉ là những từ ngữ nói về sóng. Đối với nước, những từ ngữ đó vô giá trị.

Bản chất thật sự của chúng ta có tính cách vô sinh bất diệt. Chúng ta không cần phải đi đâu mới tiếp xúc được bản chất chân thực của mình. Sóng không cần đi tìm nước vì chính nó là nước. Chúng ta không cần đi tìm Thượng đế hay Niết bàn, hay bản chất tuyệt đối, vì chúng ta là Niết bàn, là Thượng đế.

Bạn chính là điều bạn đi tìm. Bạn chính là thứ bạn đang muốn trở thành. Bạn có thể nói với sóng: “Sóng ơi, con chính là nước rồi, con không cần đi đâu để tìm nước nữa. Bản chất của con chính là bản chất không phân biệt, không sống chết, không có cũng không không.”

23

Hãy thực tập như sóng. Hãy kiên trì nhìn sâu vào chính mình và nhận biết rằng bản thể của bạn là vô sinh bất diệt. Bạn sẽ đạt tới tự do và vô úy bằng cách này. Phương pháp thực tập này giúp chúng ta sống không sợ hãi và chết một cách bình an, không hối tiếc.

Nếu bạn đang mang trong mình một nỗi đau lớn, nếu bạn mới mất người thân thương, nếu bạn đang sống trong sự lo sợ cái chết, trong lãng quên và hủy diệt, xin hãy học phương pháp này và bắt đầu thực tập. Nếu bạn thực tập giỏi, bạn sẽ có thể nhìn đám mây, bông hồng, hòn sỏi và em bé bằng con mắt mà Bụt đã mở ra cho bạn. Bạn sẽ hết sợ hãi, lo âu và phiền não. Bạn sẽ có sự an bình thật sự, sẽ trở nên mạnh mẽ và vững vàng, có thể mỉm cười với mọi chuyện xảy tới. Sống như thế, bạn có thể giúp được nhiều người chung quanh bạn.

Bạn ở đâu trước khi ra đời?

Nhiều người được hỏi: “Bạn sinh ngày nào?” Nhưng bạn có thể trả lời bằng một câu hỏi hay hơn: “Trước ngày gọi là sinh nhật của tôi thì tôi ở đâu?”

Nếu bạn hỏi một đám mây: “Mây sinh ngày nào, trước khi sinh ra, mây ở đâu?” Nếu bạn hỏi nó: “Mây lên mấy tuổi rồi? Mây sinh ngày nào vậy?” rồi bạn lắng nghe, bạn có thể nghe được câu trả lời.

Bạn có thể tưởng tượng mây sinh ra đời cách nào. Trước khi sinh ra, nó là nước trên mặt đại dương, hay trên mặt sông, rồi nước bốc thành hơi. Mây cũng là mặt trời vì chính mặt trời làm cho nước bốc thành hơi. Gió cũng có trong mây, vì gió làm cho hơi nước tụ lại thành đám mây. Mây không tới từ hư không, mây chỉ là sự chuyển hóa hình thức. Không có chuyện một vật sinh ra từ hư không.

Sớm hay muộn, mây cũng sẽ biến thành mưa hay tuyết, hay nước đá. Nếu bạn nhìn sâu vào mưa, bạn sẽ nhìn thấy mây. Mây không

24

mất đi, nó biến hóa thành ra mưa và mưa biến thành ra cỏ, cỏ vào trong con bò để rồi biến ra sữa và cà-rem bạn ăn đó. Hôm nay khi ăn một ly cà-rem, bạn hãy để thì giờ nhìn nó và nói: “Chào đám mây, ta nhận ra ngươi rồi.” Làm như vậy, bạn đã giác ngộ được bản chất thật của cà-rem và của mây. Bạn cũng có thể nhìn thấy biển, sông, thấy hơi nóng mặt trời, thấy cỏ và con bò trong ly cà-rem.

Nhìn cho sâu, bạn sẽ không thấy được ngày sinh thực và ngày chết thực của đám mây. Chỉ có chuyện đám mây chuyển hóa thành ra mưa hay tuyết. Không có gì thực sự chết đi vì luôn luôn có sự nối tiếp. Mây là tiếp nối của biển, của sông, của sức nóng mặt trời và mưa là tiếp nối của mây.

Trước khi sinh ra, đám mây đã có đó rồi. Hôm nay, khi bạn uống một ly sữa hay một tách trà, ăn một cái cà-rem, xin hãy theo dõi hơi thở. Hãy nhìn vào ly sữa hay ly trà và gửi lời chào đám mây.

Bụt dùng nhiều thời gian để nhìn thật sâu, chúng ta cũng vậy. Bụt không phải là Thượng đế, Ngài là một con người giống như chúng ta. Ngài đau khổ nên Ngài tu tập, vì vậy Ngài vượt thoát được khổ đau. Ngài có trí tuệ lớn, có hiểu biết, trí tuệ và từ bi. Vì thế nên chúng ta nói Ngài là bậc thầy, là huynh trưởng của ta.

Nếu chúng ta sợ chết là bởi vì chúng ta không hiểu rằng không có gì thực sự mất đi. Người ta nói Bụt đã chết, nhưng không phải thế. Bụt còn đang sống. Khi nhìn chung quanh, ta sẽ thấy Bụt dưới nhiều hình thái. Bụt đang ở trong bạn vì bạn có thể nhìn sâu và thấy được mọi sự đều không thực sự được sinh ra hay mất đi. Chúng tôi có thể nói bạn là một hình thức mới của Bụt, một tiếp nối của Bụt. Đừng coi thường chính mình. Hãy nhìn ra chung quanh, bạn sẽ thấy Bụt được tiếp nối ở khắp nơi.

25

Tôi có phải là tôi ngày trước?

Tôi có một tấm hình chụp hồi tôi mười sáu tuổi. Đó có phải là hình tôi chăng? Tôi không tin lắm. Ai là chú bé trong hình? Đó chính là tôi hay là một ai khác? Hãy nhìn cho kỹ trước khi trả lời.

Nhiều người nói rằng đứa bé trong hình và tôi là một. Nếu chú ta là tôi thì sao trông chú khác quá vậy? Chú bé đó còn sống hay đã chết? Chú ta không giống tôi mà cũng không khác tôi. Một số nhìn tấm hình, cho rằng chú bé trong đó không còn đây nữa.

Con người ta gồm có cơ thể (sắc), các cảm xúc (thọ), các nhận thức (tưởng), các loại tâm (hành) và các hiểu biết (thức). Mọi thứ đó đều đã thay đổi trong tôi kể từ khi chụp tấm hình đó. Cơ thể chú bé trong hình không còn là cơ thể của tôi ngày nay, một ông già bảy mươi tuổi. Các cảm thọ khác nhau, nhận thức cũng rất khác. Hầu như tôi hoàn toàn khác với con người chú bé đó, nhưng nếu chú ta không hiện hữu thì tôi cũng không có mặt đây được.

Tôi là sự tiếp nối, cũng như mưa là tiếp nối của đám mây. Khi nhìn vào tấm hình, bạn có thể đã thấy tôi khi già lão. Bạn không cần phải đợi năm mươi lăm năm. Khi cây chanh nở hoa, bạn có thể không nhìn thấy trái chanh nào, nhưng nếu nhìn cho sâu, bạn sẽ thấy trái chanh đã có đó rồi. Bạn chỉ cần một nhân duyên để làm cho chanh hiển hiện, đó là thời gian. Trái chanh có sẵn trong cây chanh. Nhìn cây chanh bạn chỉ thấy cành, lá và hoa chanh. Nhưng với thời gian, cây chanh sẽ biểu hiện ra thành trái chanh.

Hoa hướng dương tháng tư

Nếu bạn tới nước Pháp vào tháng tư, bạn sẽ không thấy bông hoa hướng dương nào cả. Nhưng quanh Làng Mai, vào tháng bảy, hoa hướng dương nở rộ khắp nơi. Những bông hoa đó ở đâu trong tháng tư? Nếu bạn tới Làng Mai và nhìn cho sâu, bạn sẽ thấy chúng. Nông phu đã cầy đất và gieo hạt, hoa hướng dương chỉ chờ

26

một điều kiện nữa để hiển lộ mà thôi. Chúng chờ thời tiết ấm áp của tháng năm và tháng sáu. Hoa hướng dương đã có đó nhưng chúng chưa biểu hiện đầy đủ.

Nhìn sâu vào một hộp diêm quẹt. Bạn có thấy lửa trong đó không? Nếu thấy, tức là bạn đã có hiểu biết. Khi nhìn sâu vào một hộp diêm, chúng ta thấy có lửa trong đó. Nó chỉ cần người nào cử động vài ngón tay là lửa hiện ra. Chúng ta nói: “Lửa ơi, ta biết mi đang ở đó. Bây giờ ta sẽ giúp lửa biểu hiện ra.”

Lửa luôn có trong diêm và trong không khí. Nếu không có dưỡng khí, ngọn lửa cũng không hiện ra được. Nếu bạn thắp một ngọn nến rồi phủ kín nó bằng một vật gì đó, ngọn lửa sẽ tắt vì thiếu Oxygen. Ngọn lửa chỉ sống được nhờ có dưỡng khí. Ngọn lửa có mặt khắp nơi, trong không gian, trong thời gian và trong tâm thức chúng ta. Ngọn lửa có khắp nơi, chờ biểu hiện ra, và chúng ta là một trong các điều kiện để nó xuất hiện. Khi ta thổi vào ngọn lửa, hơi thở đó là một nhân duyên làm cho nó ngừng biểu hiện dưới hình thức ngọn lửa.

Chúng ta có thể dùng diêm thắp hai ngọn nến rồi thổi ngọn lửa trên que diêm. Bạn có nghĩ lửa trên que diêm đó đã chết không? Lửa không có tính chất sinh-diệt. Câu hỏi là: “Ngọn lửa trên hai cây nến kia là một hay là hai thứ lửa?”

– Nó không là một mà cũng không khác nhau.

Câu hỏi khác là: “Ngọn lửa của diêm chết hay không chết?”

– Nó chết và cũng không chết. Bản chất của nó là không chết đi và cũng không sinh ra. Nếu chúng ta để cho cây nến cháy trong một giờ đồng hồ, thì ngọn lửa đó vẫn thế hay đã biến thành lửa khác? Tim nến (bấc), chất sáp và dưỡng khí đều đã thay đổi. Do đó, ngọn lửa cũng đã thay đổi. Vậy thì ngọn lửa không giống và cũng không khác ngọn lửa trước kia.

27

“Có” không trái ngược với “Không”

Chúng ta thường quan niệm Có là sự trái ngược của Không. Ý niệm đó không còn vững chắc, cũng như ý niệm về phải-trái. Hãy nhìn một cây bút. Chúng ta có thể cắt hết phần bên phải của nó không? Nếu chúng ta dùng dao, cắt đi một nửa cây bút, thì chỗ còn lại vẫn có phần bên phải. Các đảng chính trị thiên tả và hữu khuynh bao giờ cũng hiện diện, vì cứ có tả thì phải có hữu.

Vậy nên những người có khuynh hướng chính trị thiên tả (trái), thì nên mong mỏi có sự hiện diện của phái thiên hữu (phải). Nếu ta diệt phái hữu thì phái tả cũng không còn. Bụt dạy: “Cái này có vì cái kia có. Thứ này biểu hiện vì thứ kia biểu hiện.” Đó là bài giảng của Bụt về sự hình thành thế giới. Đó là giáo pháp tương duyên sinh. Ngọn lửa có đó vì diêm có đó. Nếu không có diêm thì cũng không có lửa.

Giải đáp nằm bên trong

Lửa từ đâu tới? Nguồn gốc nó là gì? Chúng ta nên nhìn sâu vào câu hỏi này. Chúng ta có cần ngồi thế hoa sen để trả lời câu hỏi này chăng? Tôi chắc chắn rằng bạn đã có sẵn câu trả lời trong bạn. Chỉ cần chờ thêm một điều kiện nữa là nó hiện ra thôi. Bụt dạy ai cũng có Phật tính. Phật tính là khả năng giúp chúng ta hiểu và tiếp xúc được với bản chất của mình. Câu trả lời đã có sẵn trong bạn. Thầy cũng không thể giúp bạn trả lời. Thầy chỉ giúp bạn tiếp xúc được với Chánh niệm, khả năng tỉnh thức lớn (trí tuệ) và từ bi trong bạn. Bụt mời bạn đi vào trí tuệ mà bạn đã có sẵn.

Nhiều người trong chúng ta hỏi: “Chúng ta đi về đâu sau khi chết? Chuyện gì sẽ xảy ra khi đó?” Chúng tôi có những thân hữu mất người thân, đã hỏi rằng: “Bây giờ họ ở đâu? Họ đi tới đâu rồi?” Các triết gia hỏi: “Con người từ đâu tới, vũ trụ và thế giới này từ đâu sinh ra?”

28

Khi chúng ta nhìn cho sâu, ta thấy rằng nếu đầy đủ nhân duyên, thì sự vật sẽ biểu hiện. Sự biểu hiện đó không tới từ đâu cả. Và khi nó ngừng biểu hiện thì nó cũng không đi đâu hết.

Sáng tạo

Sáng tạo ra có nghĩa là từ Không có gì bỗng nhiên ta Co một thứ gì đó. Tôi thích dùng từ biểu hiện hơn là từ ngữ sáng tạo. Nhìn cho kỹ, ta sẽ hiểu được chữ sáng tạo cũng có nghĩa là biểu hiện. Cũng như khi ta hiểu được rằng đám mây là biểu hiện của thứ gì đã có sẵn, và mưa là biểu hiện sau đó của đám mây; chúng ta sẽ hiểu được rằng con nguời cũng như mọi sự vật quanh ta, không tới từ nơi nào và cũng chẳng đi tới đâu hết. Biểu hiện không đối nghịch với hoại diệt. Đó chỉ là sự chuyển hóa. Hiểu rằng đời sống của con người và vũ trụ chỉ là những biểu hiện, chúng ta sẽ được bình an vô cùng. Nếu bạn đang đau khổ vì mất một người thân thương, xin hãy tập nhìn sâu để hàn gắn vết thương trong bạn.

Có những nhà thần học nói rằng Thượng đế là nền tảng của tạo vật. Nhưng tạo vật nào? Đó không thể là những gì hiện hữu đối nghịch với những cái không hiện hữu. Nếu có ý niệm cho hiện hữu là trái ngược với không hiện hữu, thì đó không phải là Thượng đế. Thượng đế vượt thoát được tất cả mọi ý niệm, kể cả ý niệm sáng tạo ra và hủy diệt. Nếu bạn nhìn sâu vào ý niệm sáng tạo với trí tuệ, hiểu rõ về sự biểu hiện, bạn sẽ khám phá được ý nghĩa sâu xa của chữ sáng tạo. Bạn sẽ thấy rằng không có gì sinh ra, không có gì mất đi, chúng chỉ biểu hiện mà thôi.

Tìm sự cứu rỗi

Chúng ta tìm tới các truyền thống tâm linh, tới nhà thờ, đền Do thái giáo hay Hồi giáo, hoặc tới một trung tâm thiền tập, để tìm các phương pháp giúp ta bớt khổ. Nhưng ta chỉ đạt được tình trạng

29

thoát khổ khi ta có khả năng tiếp xúc được với bình diện tuyệt đối mà thôi. Trong đạo Thiên Chúa và Do Thái giáo, người ta gọi bình diện đó là Thượng đế. Thượng đế là bản tánh chân thật của ta, là bản chất không sinh không diệt. Vì thế, nếu bạn biết tin cậy vào Thượng đế, tin vào bản chất chân thật của ta thì ta sẽ không còn sợ hãi lo âu nữa.

Bắt đầu bạn nên nghĩ tới Thượng đế như một con người, nhưng con nguời có tính cách đối nghịch với những gì không phải là người. Nếu bạn có các ý niệm và quan điểm về Thượng đế thì bạn chưa thấy được bản chất của Thượng đế. Ngài vượt lên trên tất cả các ý niệm của ta. Thượng đế không phải là một con người, mà cũng không phải là thứ gì phi nhân. Con sóng trong vô minh thường sợ hãi chuyện sống-chết, cao-thấp, đẹp-xấu hay ghen tuông. Nhưng khi sóng có thể tiếp xúc được với bản chất thật của nó, thì sóng biết nó cũng là nước. Bao nhiêu lo sợ và giận hờn của nó sẽ tan biến đi. Nước không có chuyện sống hay chết, không có chuyện cao hay thấp.

Nhân duyên

Khi chúng ta nhìn vào một vật gì như căn nhà hay cái bàn chẳng hạn, chúng ta thường nghĩ căn nhà hay cái bàn đó là do một hay nhiều người đã làm ra. Ta có khuynh hướng muốn tìm ra nguyên nhân đã tạo ra căn nhà hay cái bàn. Ta đi tới kết luận là căn nhà do thợ xây nhà làm nên, cái bàn do người thợ mộc. Ai tạo ra cái bàn? Người thợ mộc? Ai tạo ra bông hoa? Đất hay người làm vườn, người nông phu?

Chúng ta thường suy nghĩ một cách giản dị về nguyên nhân của sự vật. Ta thường cho rằng chỉ cần một nhân duyên là đủ đưa tới sự vật kia. Khi thực tập nhìn sâu, ta thấy ngay là một nguyên nhân không bao giờ có thể tạo ra kết quả được. Người thợ mộc không thể là nhân duyên duy nhất tạo ra cái bàn. Nếu ông ta không có

30

những dụng cụ như đinh, cưa, gỗ, thời gian, không gian, thức ăn, không có cha mẹ sinh ra ông và bao nhân duyên khác, thì làm sao ông có thể tạo ra cái bàn được? Con số các nguyên nhân đó nhiều vô kể.

Khi nhìn vào bông hoa chúng ta cũng thấy như vậy. Người làm vườn chỉ là một nguyên nhân. Phải có đất, có mặt trời, đám mây, có phân bón, hạt giống và nhiều, nhiều thứ khác. Khi nhìn sâu, bạn sẽ thấy rằng cả vụ trụ đã cùng giúp cho bông hoa biểu hiện. Khi nhìn cho kỹ một miếng cà-rốt bạn ăn bữa trưa, bạn cũng thấy tất cả vũ trụ đã giúp cho miếng cà-rốt có mặt.

Nếu chúng ta tiếp tục nhìn thật sâu, ta sẽ thấy nguyên nhân của sự vật này đồng thời cũng là một kết quả của nhiều thứ khác. Người làm vườn là một nhân duyên để có bông hoa, nhưng chính ông cũng là một hệ quả của nhiều yếu tố. Ông biểu hiện ra được là nhờ nhiều nguyên nhân như tổ tiên, cha mẹ, thầy giáo, công việc, cộng đồng, thực phẩm, thuốc men và ngôi nhà ông cư trú. Giống như người thợ mộc, ông không chỉ là nguyên nhân mà còn là một hệ quả.

Nhìn sâu, chúng ta thấy không thể có thứ gì chỉ thuần là nguyên nhân. Thực tập nhìn sâu, chúng ta có thể khám phá được nhiều điều và nếu ta không bị vướng vào một chủ thuyết hay ý niệm chúng ta sẽ có tự do để khám phá.

Không có một nguyên nhân thuần túy

Khi Bụt được hỏi “Cái gì là nguyên nhân của mọi sự vật?” Ngài đã trả lời một cách đơn giản. Ngài nói:

“Cái này có vì cái kia có.” Câu này có nghĩa là sự vật nào cũng nhờ tất cả các thứ khác mới biểu hiện ra được. Một bông hoa phải nhờ các yếu tố không phải là hoa để hiện ra. Khi nhìn sâu vào bông hoa, bạn có thể thấy được những yếu tố không-hoa. Nhìn vào hoa,

31

bạn thấy ánh sáng mặt trời, đó là một yếu tố không-hoa. Không có ánh sáng, hoa không thể biểu hiện. Nhìn hoa bạn cũng thấy đám mây, đó là một yếu tố không-hoa. Không có mây (và mưa) hoa không biểu hiện được. Các yếu tố căn bản khác như muối khoáng, đất, người nông phu v.v… rất nhiều các yếu tố không-hoa đã giúp cho bông hoa biểu hiện.

Đó là lý do vì sao tôi ưa dùng từ biểu hiện thay vì sáng tạo. Tuy vậy, chúng ta vẫn có thể dùng từ ngữ sáng tạo, nhưng ta nên hiểu rằng sáng tạo không có nghĩa là từ không có nguyên nhân nào mà làm thành một sự vật được. Tạo vật không phải là thứ gì bị hủy hoại hoàn toàn và có thể không còn lại gì hết. Tôi thích từ ngữ “Wonderful becoming” (sự hình thành mầu nhiệm) – nó gần với chân nghĩa của từ sáng tạo hơn.

32

-3-

Thực tập nhìn sâu

Tất cả các giáo pháp chính thống của đạo Bụt đều có ba yếu tố căn bản gọi là Tam pháp ấn. Ba dấu ấn đó là vô thường, vô ngã và Niết bàn. Giống như các tài liệu luật pháp cần có chữ ký của người chứng, các phép thực tập trong đạo Bụt phải có chứng tích của ba dấu ấn này.

Khi nhìn vào pháp ấn thứ nhất: vô thường, ta thấy rằng nó không chỉ có nghĩa là mọi sự đều thay đổi. Nhìn vào bản chất mọi sự vật, ta thấy không có vật nào không thay đổi trong hai thời điểm nối tiếp nhau. Vì không có sự vật nào bất biến với thời gian, nên chúng không có tự tánh cố định, không có cái ngã thường hằng. Vậy thì trong giáo pháp vô thường ta không thể tìm thấy một cái ngã bất biến. Ta gọi đó là vô ngã. Chính nhờ sự biến đổi không ngừng, nhờ tính cách vô ngã của vạn hữu mà ta có thể có tự do.

Dấu ấn thứ ba là Niết bàn. Nó có nghĩa là sự vững chãi, là sự tự do không bị ràng buộc vào bất cứ ý niệm nào. Từ ngữ Niết bàn có nghĩa là sự vắng bặt của tất cả các ý niệm. Nhìn sâu vào vô thường cho phép ta khám phá ra vô ngã. Khám phá được vô ngã dẫn ta tới Niết bàn. Niết bàn là vương quốc của Thượng đế.

Vô thường

Thực tập và hiểu biết về vô thường không phải chỉ là một cách mô tả khác về thực tại. Nó là một dụng cụ giúp chúng ta chuyển hóa, buông xả và hàn gắn các vết thương.

33

Vô thường có nghĩa là mọi sự đều thay đổi, không có sự vật nào bất biến trong hai thời điểm nối tiếp nhau. Vì nó thay đổi mỗi phút giây, nên chúng ta không thể mô tả một cách chính xác là lúc này nó giống hay khác với lúc trước đây.

Hôm nay, khi chúng ta tắm lại trong dòng sông mà ta đã tắm bữa qua, dòng sông có còn là dòng sông cũ hay không? Triết gia Heraclitus đã nói: “chúng ta không thể tắm hai lần trong cùng một dòng sông.” Ông ta nói đúng. Nước sông hôm nay hoàn toàn khác với nước sông mà chúng ta tắm hôm qua, dù đó vẫn là một con sông. Khi đức Khổng Tử đứng nhìn dòng sông trôi chảy, Ngài đã nói: “Thệ giả như tư phù, bất xả trú dạ!” (Ôi, nước sông trôi ngày đêm, không bao giờ ngưng nghỉ sao!)

Sự giác ngộ về vô thường giúp ta vượt thoát được các ý niệm. Nó giúp ta vượt lên trên được ý niệm về giống nhau hay khác nhau, đi hay đến. Nó cũng giúp ta nhìn được là dòng sông bữa nay không giống cũng không khác dòng sông hôm qua. Nó cho ta thấy rằng ngọn nến ta thắp bên giường ngủ tối nay không phải là ngọn nến còn đang cháy buổi sớm ngày mai. Lửa nến đó không phải là hai ngọn mà cũng không phải là một ngọn lửa.

Vô thường làm cho mọi sự đều có cơ hội.

Chúng ta thường buồn rầu và đau khổ rất nhiều khi sự vật thay đổi. Nhưng sự thay đổi, sự vô thường có khía cạnh tích cực của nó. Nhờ vô thường mà mọi sự vật mới có cơ hội. Đời sống nhờ vô thường mới hiện hữu. Nếu hạt bắp không vô thường thì hạt bắp không bao giờ có thể biến thành một cây bắp. Nếu không vô thường thì cây bắp không thể cho ta trái bắp để ăn được. Nếu con gái quí vị không thay đổi thì nó không thể lớn lên để trở thành một phụ nữ. Và cháu bạn sẽ không bao giờ ra đời. Vậy, thay vì than vãn về vô thường, chúng ta nên nói: “Hoan nghênh vô thường,

34

chúc vô thường sống lâu.” Chúng ta hãy sung sướng. Khi thấy được phép lạ của vô thường, nỗi đau buồn của chúng ta sẽ qua đi.

Vô thường cũng cần được hiểu bằng ánh sáng của liên hệ tương tức. Vì mọi sự đều liên quan mật thiết với nhau, chúng luôn luôn có ảnh hưởng vào nhau. Người ta thường nói rằng tiếng cánh bướm đập ở bên này quả đất có thể ảnh hưởng tới khí hậu ở bán cầu bên kia. Mỗi sự vật đều không cố định vì chúng chịu ảnh hưởng của các sự vật khác với nó.

Thực tập vô thường

Tất cả chúng ta đều có thể hiểu vô thường bằng trí óc, nhưng như thế không hiểu được chân nghĩa của nó. Trí não không đưa chúng ta tới giải thoát. Khi chúng ta vững chãi và có định lực, ta có thể thực tập nhìn sâu. Khi nhìn sâu và hiểu được bản chất của vô thường, ta có thể quán chiếu về cái hiểu biết sâu xa đó. Như vậy cái hiểu về vô thường trở thành một phần của con người chúng ta – Nó trở thành sự thực tập hàng ngày của ta. Chúng ta phải duy trì sự giác ngộ về vô thường đó để có thể nhìn thấy và sống với vô thường trong mọi lúc. Nếu chúng ta thiền quán về đối tượng vô thường, ta sẽ nuôi dưỡng được tri giác về vô thường khiến cho nó sống trong ta hàng ngày. Tu tập như thế, vô thường sẽ là chiếc chìa khóa mở cho ta cánh cửa vào chân lý thực tại.

Chúng ta cũng không thể chỉ giác ngộ về vô thường một chốc lát rồi lại đóng cánh cửa hiểu biết đó lại, và nhìn mọi sự thường hằng bất biến như xưa. Hầu như chúng ta nhiều lần đối xử với con cái như thể chúng sẽ sống cùng nhà với ta hoài hoài. Chúng ta không bao giờ nghĩ vài năm sau, chúng sẽ lấy chồng, lấy vợ và thành lập gia đình riêng của chúng. Vậy nên chúng ta không trân quý những giờ phút con trẻ còn ở nhà với chúng ta.

35

Tôi biết có nhiều phụ huynh có con tới tuổi mười tám hay mười chín là chúng rời xa gia đình, tách ra sống riêng. Cha mẹ mất con và cảm thấy rất buồn bã. Họ không biết quý những giờ phút sống gần con. Vợ chồng cũng vậy. Bạn nghĩ người phối ngẫu sẽ cứ ở bên bạn suốt đời. Nhưng vì sao bạn lại tin chắc như thế? Chúng ta thực sự không thể biết trong hai, ba mươi năm hay trong bao lâu nữa, người bạn đời của ta sẽ ở đâu. Thực tập về vô thường hàng ngày là chuyện thật sự quan trọng.

Nhìn các cảm xúc với con mắt vô thường

Khi có người nào nói gì làm cho bạn giận dữ và bạn mong cho họ biến mất đi, xin hãy nhìn kỹ bằng con mắt vô thường. Nếu người kia đi mất thật sự thì bạn cảm thấy ra sao? Bạn sung sướng hay bạn sẽ khóc? Thực tập cái hiểu này rất quan trọng, và đây là bài kệ để thực tập:

“Giận nhau trong bản môn Nhắm mắt nhìn mai sau Trong ba trăm năm nữa Người đâu và ta đâu?”

Khi giận dữ, chúng ta thường làm gì? Chúng ta la hét, và ráng đổ lỗi cho người khác đã gây ra chuyện, nhưng khi nhìn cái giận đó với con mắt vô thường, ta có thể ngừng lại và thở. Giận nhau trong bản môn, ta nhắm mắt lại và nhìn cho sâu. Ta ráng nhìn vào tương lai, khoảng ba trăm năm sau. Bạn sẽ ra sao? Tôi sẽ ra sao? Bạn sẽ ở đâu và tôi sẽ ở đâu? Ta chỉ cần thở vào thở ra, nhìn vào tương lai của ta và tương lai của người kia. Chúng ta không cần nhìn xa tới ba trăm năm, chỉ cần nhìn sau năm mươi hay sáu mươi năm, khi chúng ta đều đã qua đời.

Nhìn vào tương lai, ta sẽ thấy người kia vô cùng quý hóa. Chúng ta có thể mất nhau bất cứ giờ phút nào, chúng ta sẽ không giận dữ

36

nữa. Ta sẽ muốn ôm người đó và nói: “Thật là tuyệt diệu mà bạn (anh hay em…) còn sống đây, tôi thật sung sướng. Làm sao mà tôi giận bạn cho được? Chúng ta cả hai sẽ có ngày chết đi, thật là điên rồ khi chúng ta giận nhau trong khi còn sống bên nhau.”

Lý do khiến cho ta điên rồ đủ để làm khổ chính mình và người bạn ta, chỉ vì ta quên rằng cả hai người đều vô thường hết. Ngày nào chết đi, ta sẽ mất tất cả: của cải, quyền lực, gia đình và tất cả mọi thứ khác. Tự do và an lạc trong lúc này là điều quan trọng nhất mà ta có được. Nhưng khi không có chánh niệm về vô thường, chúng ta không thể có hạnh phúc.

Có khi ta còn không muốn nhìn thấy người kia, khi họ còn sống. Nhưng khi người đó chết rồi, thì ta lại viết điếu văn rất hay và mua hoa phúng điếu. Nhưng người chết rồi thì đâu còn ngửi được hoa thơm. Khi ta hiểu và nhớ được rằng mọi sự vô thường thì ta có thể làm mọi thứ để cho người kia được sung sướng lúc này, và ngay ở đây. Khi ta giận người mình thương tới hai mươi bốn giờ, đó là vì mình quên mất vô thường.

“Giận nhau trong bản môn, nhắm mắt nhìn mai sau…” tôi nhắm mắt là để tập quán xem người thương của tôi sẽ ra sao trong một trăm năm hay ba trăm năm nữa. Khi tưởng tượng về mình và người thương trong ba trăm năm sau, bạn sẽ thấy sung sướng là bạn và người kia đang còn sống hôm nay. Bạn mở mắt ra và mọi giận dữ đều tiêu tan. Bạn sẽ dang đôi tay ôm lấy người kia và thực tập: “Thở vào, người thương mình còn sống, thở ra tôi thật sung sướng.” Khi bạn nhắm mắt để nghĩ tới hình ảnh bạn và người thương sau ba trăm năm, bạn đã thiền quán về vô thường. Trong bình diện tuyệt đối (bản môn), cái giận không có mặt.

Sự thù ghét cũng vô thường. Dù lúc này ta đang có lòng sân hận, nhưng khi biết nó vô thường thì ta có thể làm cho nó thay đổi được. Người tu tập có thể làm cho lòng căm phẫn hay chống đối trong mình biến mất. Cũng như thực tập với cái giận, chúng ta nhắm mắt

37

lại và quán “Ta sẽ ở đâu 300 năm sau?” Hiểu được sự thù hận trong bình diện tuyệt đối, nó sẽ bốc hơi ngay.

Hãy để vô thường nuôi dưỡng tình thương

Vì chúng ta mê muội và quên mất vô thường nên ta đã không biết nuôi dưỡng tình thương cho đúng cách. Khi mới lấy nhau, tình yêu của ta rất lớn. Ta nghĩ rằng khi không có nhau, ta sẽ không thể sống thêm được một ngày nào nữa. Vì không biết thực tập vô thường nên sau một hai năm tình yêu của ta biến thành ra thất vọng, giận hờn. Nay ta nghĩ rằng làm sao mà chịu đựng thêm một ngày nữa nổi, cái con người mà ta đã thương yêu kia? Ta cho rằng không còn phương cách nào khác ngoài chuyện ly dị. Khi sống mà có hiểu biết về vô thường, ta sẽ biết nuôi dưỡng tình yêu. Chỉ như vậy nó mới bền lâu được. Bạn phải nuôi dưỡng và chăm sóc thì tình yêu mới lớn lên được.

Vô ngã

Vô thường là nhìn vào thực tại trong khía cạnh thời gian. Vô ngã là nhìn trong bình diện không gian. Đó là hai mặt của thực tại. Vô ngã là một biểu hiện của vô thường cũng như vô thường là một biểu hiện của vô ngã. Mọi sự vật không có cái ngã riêng biệt nên chúng vô thường. Vô thường nghĩa là biến đổi luôn luôn. Đó là một chân lý. Vì không có gì bất biến nên làm sao có được cái ngã riêng biệt và thường hằng? Khi nói về “ngã”, ta muốn nói tới một thứ gì tự nó không thay đổi ngày này qua tháng khác. Nhưng không thể có cái gì như vậy. Thân ta vô thường, các cảm xúc vô thường và các nhận thức cũng vậy. Cái giận, cái buồn, tình thương, lòng thù hận và các tâm thức của chúng ta cũng đều vô thường.

Vậy thì có cái gì thường hằng đâu để chúng ta có thể gọi là cái Ngã? Tờ giấy viết những dòng chữ này không có một cái ngã riêng

38

biệt. Nó chỉ có mặt được khi có đám mây, rừng cây, mặt trời, trái đất và máy móc cùng người làm giấy. Nếu những thứ đó không có mặt thì tờ giấy cũng không thể có mặt. Khi ta đốt tờ giấy thì cái ngã của nó ở đâu?

Không có thứ gì có thể tự nó hiện hữu được. Nó phụ thuộc vào nhiều thứ khác. Đó là tương tức, là sự liên quan mật thiết của mọi sự vật, luôn luôn hỗ tương nhau. Hiện hữu có nghĩa là tương tức. Tờ giấy tương tức (cùng hiện hữu, có liên quan mật thiết) với ánh sáng mặt trời và rừng cây. Bông hoa không thể tự nó hiện diện được, nó phải tương tức với đất, mưa, cỏ dại và côn trùng. Không có sự hiện hữu độc lập, chỉ có sự tương tức, sự liên quan mật thiết giữa mọi sự vật.

Nhìn sâu vào một bông hoa, chúng ta thấy hoa làm bằng những yếu tố không-hoa. Ta có thể mô tả hoa làm bằng mọi thứ khác. Không có gì mà không hiện hữu trong bông hoa. Chúng ta thấy ánh sáng mặt trời, thấy mưa, thấy mây, thấy đất và ta cũng nhìn thấy thời gian, không gian trong hoa. Một bông hoa cũng như mọi thứ khác, hoàn toàn được cấu tạo bởi những chất không phải là hoa. Tất cả vũ trụ đã tập họp lại để giúp cho bông hoa biểu hiện. Bông hoa có đủ thứ, trừ một thứ: đó là cái ngã riêng biệt hay tự tánh độc lập của nó.

Bông hoa không thể tự mình là hoa. Nó phải hiện hữu tương tức cùng với mặt trời, đám mây và mọi thứ khác trong vũ trụ. Nếu ta hiểu nghĩa chữ hiện hữu là cùng hiện diện với các thứ khác, thì ta đã tới gần chân lý hơn. Tương tức hay Interbeing không phải là hiện hữu hay không hiện hữu mà có nghĩa là không có tự tánh riêng biệt, không có cái ngã độc lập.

Vô ngã cũng có nghĩa là trống rỗng, một thuật ngữ trong Phật giáo có nghĩa là không có tự tánh độc lập. Nhưng nó không có nghĩa là chúng ta không hiện hữu tại đây. Cũng không có nghĩa là mọi sự đều không có đây. Một cái ly có thể trống hay đầy trà.

39

Muốn trống hay đầy, cái ly phải hiện hữu cái đã. Trống rỗng không có nghĩa là hiện hữu hoặc không hiện hữu. Nó vượt qua mọi ý niệm. Nếu bạn tiếp xúc thật sâu được với bản chất vô thường, vô ngã và tương tức, bạn tiếp xúc được với bình diện tuyệt đối, với bản chất của Niết bàn.

Chúng ta là ai?

Chúng ta nghĩ về thân mình như nó chính là mình, hay nó thuộc về mình. Thân này là tôi, là của tôi. Nhưng nếu nhìn cho kỹ, bạn sẽ thấy cái thân bạn cũng là cái thân của tổ tiên, cha mẹ, của con và cháu bạn. Vậy nó không phải là tôi hay của tôi! Thân bạn có đầy đủ các yếu tố khác, vô số những thứ không phải là thân, trừ một thứ, đó là cái ngã riêng biệt.

Vô thường cần được nhìn dưới ánh sáng của trống rỗng, tương tức và vô ngã. Những thứ đó không có tính cách tiêu cực. Trống rỗng là một mầu nhiệm. Ngài Long Thọ (Nagarjuna), một vị thầy nổi tiếng của đạo Bụt thế kỷ thứ hai đã nói: “Nhờ Không mà mọi sự đều Có!”

Bạn có thể thấy vô ngã trong vô thường và vô thường trong vô ngã. Bạn có thể nói vô thường là vô ngã nhìn trong bình diện thời gian và vô ngã là vô thường nhìn dưới khía cạnh không gian. Hai thứ đó là một. Vì vậy vô thường và vô ngã tương tức, tương nhập (có liên quan hỗ tương với nhau). Nếu bạn không thấy vô thường trong vô ngã thì đó không phải là vô ngã. Nếu bạn không thấy vô ngã trong vô thường thì đó không thật là vô thường. Chưa hết, bạn cũng phải nhìn thấy Niết bàn trong vô thường và Niết bàn trong vô ngã. Nếu tôi vẽ một đường thẳng, một bên đường là vô thường vô ngã thì bên kia đường là Niết bàn. Đường thẳng đó có ích lợi nhưng nó cũng có thể làm ta hiểu lầm. Niết bàn vượt qua tất cả mọi ý niệm, kể cả ý niệm về vô thường và vô ngã. Nếu ta thấy Niết

40

bàn trong vô thường và vô ngã có nghĩa là ta không bị kẹt vào các ý niệm vô thường và vô ngã.

Sinh sản vô tính và vô ngã

Nếu bạn lấy ba tế bào từ thân tôi rồi theo phép sinh sản vô tính (cloning), làm ra ba đứa bé từ các tế bào đó, chúng sẽ có các yếu tố di truyền trong máu của gia đình huyết thống và của chính tôi.

Nhưng chúng ta ai cũng có thêm một di sản khác. Chúng ta tự nhiên là thừa kế cái thân từ gia đình. Ta cũng là di sản của môi trường ta sống. Đó là sự nuôi dưỡng. Tưởng tượng nếu ta bỏ ba đứa bé do sinh sản vô tính vào ba môi trường khác nhau. Bé nào sống trong giới cờ bạc, ma túy thì nhiều phần nó cũng sẽ nghiện ngập và ham mê bài bạc. Nó sẽ không trở thành một nhà sư như tôi. Nếu bạn nuôi một đứa khác trong môi trường thương mại và cho nó đi học về thương mại, có lẽ nó sẽ trở thành một thương gia. Chuyện này có thể xảy ra dù cho các em bé ra đời bằng phép vô tính đó mang cùng những cái genes của tôi. Nhưng tôi đã được thấm nhuần giáo pháp của Bụt. Những giáo pháp đó không được tưới tẩm ở trường thương mại mà các hạt giống mua bán và làm thương mại sẽ được tưới tẩm. Chú bé kia sẽ trở thành một thương gia. Dù cho mắt, mũi, tai…coi hệt như tôi, chú ta không có gì giống tôi hết.

Ta hãy giả thiết chú thứ ba do sinh sản vô tính trở thành một tăng sĩ. Ta để chú vào Lộc Uyển và giao cho các tăng ni nuôi dưỡng chú. Mỗi ngày chú nghe kinh kệ và đi thiền hành. Chú bé sẽ là một vị sư còn khá hơn tôi ngày nay nữa.

Nuôi dưỡng là chuyện rất quan trọng. Dù cho bạn sản xuất vô tính ba ‘clones’ hay ba ngàn ‘clones’, thì sự biểu hiện đặc biệt của các ‘clones’ đó tùy vào điều kiện nuôi dưỡng chúng, tùy vào những ý tưởng, tình thương, lòng ghen ghét, tùy vào sự học hỏi và tùy

41

công việc chung quanh. Tưởng tượng có những người sợ mất tôi, hỏi rằng: “Xin cho chúng con một tế bào của Thầy để làm ‘cloning’,” và nếu đồng ý thì tôi sẽ phải nói: “Được, nhưng xin nuôi đứa bé ở một tu viện như Lộc Uyển hay Rừng Phong, nếu không thì nó sẽ đau khổ đó.”

Niết bàn

Vô thường và vô ngã không phải là những luật lệ Bụt đặt ra cho chúng ta. Đó là những chìa khóa để mở cánh cửa thực tại. Ý niệm thường hằng là sai lầm, vậy nên giáo pháp vô thường giúp chúng ta có cái nhìn đúng về sự thường hằng bất biến. Nếu chúng ta bị kẹt vào ý niệm vô thường, chúng ta cũng không đạt tới Niết bàn được. Ý niệm về ngã là sai lầm, vậy nên ta có giáo pháp vô ngã để chữa nó. Nếu ta bị vướng vào ý niệm vô ngã, thì cũng không hay ho gì. Vô thường và vô ngã là những chìa khóa để thực tập – không phải là những chân lý tuyệt đối. Chúng ta không sống chết với chúng và cũng không giết hại ai để bảo vệ chúng.

Trong đạo Bụt không có tư tưởng hay thiên kiến nào để chúng ta phải giết hại người khác. Chúng ta không giết người chỉ vì họ không chấp nhận tôn giáo của mình. Các giáo pháp của Bụt là những phương tiện tinh vi, đó không phải là những chân lý tuyệt đối. Vậy chúng ta có thể nói rằng vô thường và vô ngã là những phương tiện khéo léo giúp chúng ta tới gần chân lý nhưng đó không phải là chân lý tuyệt đối. Bụt dạy: “Giáo pháp của ta là ngón tay chỉ mặt trăng. Đừng để bị vướng vào ý tưởng ngón tay là mặt trăng. Ngón tay chỉ là phương tiện để giúp ngươi thấy được mặt trăng mà thôi.”

Vô thường và vô ngã là phương tiện để ta hiểu được thực tại, đó không phải là thực tại. Đó chỉ là các dụng cụ, không phải là chân lý tuyệt đối. Vô thường không phải là một chủ thuyết bạn phải sống chết với nó. Bạn không bao giờ nên bỏ tù một người chỉ vì

42

hắn nói ngược với bạn. Bạn không nên dùng quan niệm của mình để chống lại quan niệm của người khác. Những phương tiện đó đưa ta tới chân lý sau cùng. Đạo Bụt là một con đường thiện hảo giúp đỡ chúng ta, không phải là một con đường của kẻ cuồng tín. Phật tử không nhân danh tôn giáo để tham chiến, không đổ máu hay giết hàng ngàn người.

Vì vô thường chứa đựng trong nó bản chất Niết bàn, ta sẽ được an toàn khi không bị vướng vào một ý tưởng. Khi bạn học hỏi và hành trì giáo pháp này, bạn không còn bị kẹt, bạn được tự do không vướng vào các ý niệm kể cả ý niệm về thường hay vô thường. Theo con đường đó, bạn đạt tới sự tự do không còn đau khổ sợ hãi nữa. Đó là Niết bàn, là vương quốc của Thượng đế.

Ngừng bặt ý niệm

Chúng ta sợ hãi vì các ý niệm về sinh-tử, tăng-giảm, hiện-hữu hay không hiện-hữu. Niết bàn là sự ngừng bặt của tất cả các ý niệm và tư tưởng. Nếu chúng ta thoát khỏi hết các ý niệm và tư tưởng, chúng ta có thể tiếp xúc được với niềm an lạc trong bản thể chân thật của ta.

Có tám ý niệm nuôi dưỡng sự sợ hãi. Đó là ý niệm về sinh – diệt, đến – đi, khác nhau – giống nhau, có và không. Những ý niệm đó làm cho ta không hạnh phúc. Giáo pháp của Bụt dạy ta tám ý niệm đối nghịch gọi là tám không: không sinh – không diệt; không đến – không đi; không giống – không khác; không có cũng không không.

Chấm dứt ý niệm về hạnh phúc

Mỗi chúng ta ai cũng có một quan niệm làm sao để ta được hạnh phúc. Nếu ta có thì giờ để nhìn lại quan niệm của ta về hạnh phúc thì đó là một chuyện có ích. Ta có thể làm một danh sách những gì

43

ta nghĩ là cần có để được sung sướng. “Tôi chỉ hạnh phúc nếu…” Hãy viết xuống tất cả những chuyện gì bạn muốn và không muốn. Những ý tưởng đó tới từ đâu? Chúng có phải là chân lý không? Hay đó chỉ là các ý niệm của bạn? Nếu bạn ràng buộc vào một quan niệm đặc biệt về hạnh phúc thì bạn ít có cơ hội sung sướng rồi!

Hạnh phúc tới từ nhiều phương. Nếu bạn có quan niệm nó chỉ tới từ một hướng thì bạn sẽ mất các cơ hội khác, vì bạn chỉ muốn hạnh phúc tới từ phương bạn đã chọn. Bạn nói: “Tôi thà chết chứ không cưới người khác (thay vì cưới nàng). Tôi thà chết chứ không thể mất việc hay mất danh tiếng. Tôi không thể sung sướng nếu như không đỗ được cấp bằng đó, hay không mua được căn nhà, không được thăng chức…” Bạn đặt quá nhiều điều kiện vào hạnh phúc của bạn. Nhưng, ngay cả khi bạn thành đạt được tất cả các điều kiện đó, bạn vẫn không có hạnh phúc. Bạn tiếp tục đặt thêm các điều kiện khác, bạn muốn có bằng cao hơn, việc tốt hơn và nhà đẹp hơn nữa.

Một quốc gia cũng có thể tin rằng chỉ có một con đường để cho nước giàu dân mạnh. Quốc gia và dân tộc đó có thể tự buộc mình vào một chủ thuyết hàng trăm năm hay nhiều hơn. Trong khi đó, người dân phải chịu nhiều đau khổ. Ai bất đồng ý kiến hay nói ngược với chính phủ liền bị cầm tù. Họ cũng có thể bị cho là điên rồ. Bạn có thể biến xứ sở của bạn thành một nhà tù nếu bạn bị kẹt vào một chủ nghĩa. Xin nhớ rằng quan niệm về hạnh phúc của bạn có thể rất nguy hiểm. Bụt dạy hạnh phúc chỉ có mặt bây giờ và ở đây. Vậy, ta nên cần nhìn lại và coi xét cho kỹ các quan niệm về hạnh phúc của mình. Bạn có thể nhận ra rằng các điều kiện của hạnh phúc bạn đang có trong đời là đầy đủ rồi. Vậy là bạn sẽ có hạnh phúc ngay lập tức.

44

-4-

Chuyển hóa khổ đau và sợ hãi

Đám mây

Ta vẫn còn đến đi thong dong Có, không, còn, mất chẳng băn khoăn Bước chân con hãy về thanh thản Không tròn không khuyết một vầng trăng Gió vẫn còn bay con biết không? Khi mưa xa tiếp áng mây gần Hạt nắng từ cao rơi xuống thấp Cho lòng đất thấy bầu trời trong.

Một ngày đẹp trời bạn nhìn lên trời cao, thấy một cụm mây trắng nõn như bông đang trôi lơ lửng. Bạn ngắm nghía, thưởng thức hình dáng đám mây, ánh sáng chiếu trên nhiều từng mây và bóng mây che mát cánh đồng màu xanh dưới đất. Bạn đâm ra yêu đám mây. Bạn mong đám mây cứ ở đó với bạn để bạn được sung sướng. Nhưng rồi hình dáng và màu sắc của mây thay đổi. Nhiều đám mây khác tụ lại, rồi bầu trời tối xầm và bắt đầu mưa. Không còn đám mây nữa, nó đã biến thành mưa. Bạn bắt đầu than khóc, mong đám mây dễ thương kia trở lại với mình.

Bạn sẽ không than khóc khi bạn biết rằng nếu nhìn sâu vào các giọt mưa, bạn sẽ thấy đám mây. Trong đạo Bụt có giáo pháp vô tướng (animitta). Tướng là hình dáng bên ngoài của một sự vật. Thực tập vô tướng để không bị cái bề ngoài của sự vật đánh lừa mình. Khi ta hiểu chữ Animitta, ta sẽ thấy hình tướng bề ngoài không phải là tất cả thực tại.

45

Khi đám mây biến đổi thành ra mưa, bạn có thể nhìn sâu vào mưa để thấy rằng đám mây vẫn còn đó, đang cười với bạn. Điều này làm cho bạn sung sướng và bạn có thể ngưng khóc vì bạn không còn bị vướng vào hình tướng của đám mây nữa. Khi bạn quỵ xuống vì đau khổ và tiếp tục khóc lóc hoài, đó chỉ là vì bạn đã bị bỏ lại phía sau, bị vướng vào hình tướng của đám mây. Bạn bị quá khứ buộc chặt và không thể nhìn thấy được hình tướng mới. Bạn không theo được đám mây khi nó đã biến hóa thành ra mưa hay tuyết.

Khi bạn mất một người nào và bạn than khóc nhiều quá, thì xin hãy nghe lời gọi của Bụt. Nhìn cho sâu để nhận ra bản chất vô sinh bất diệt, không tới không đi của người bạn thương. Đó là giáo pháp của Bụt dạy về bản chất thật sự của chúng ta.

Chuyển hóa

Chúng ta hãy nhìn vào sự hình thành của đám mây. Bạn có thể hình dung về sức nóng, hơi nước và bạn có thể nhìn thấy sự hình thành đám mây trên bầu trời. Bạn biết mây từ đâu mà tới. Bạn có thể hiểu những điều kiện nào đã giúp cho đám mây biểu hiện ra. Óc quan sát và sự thực tập nhìn sâu có thể giúp chúng ta. Khoa học cũng cho ta biết về sự hình thành đám mây, tiến trình của nó và các cuộc phiêu lưu của nó.

Nếu bạn yêu đám mây, mà có cái hiểu sâu xa về nó, bạn biết rằng đám mây là vô thường. Khi bạn yêu một người nào, bạn cũng hiểu rằng người đó không thường hằng vĩnh viễn. Nếu bạn vướng mắc vào đám mây, bạn cần thận trọng lắm. Bạn biết theo luật vô thường, đám mây chẳng mấy chốc sẽ biến thành một thứ khác, chẳng hạn như mưa.

Bạn có thể nói với đám mây: “Mây yêu, ta biết ngươi đang ở đó và ta biết một ngày kia ngươi sẽ chết đi. Ta cũng sẽ chết. Ngươi sẽ

46

trở thành một thứ gì khác, một sinh vật nào đó. Ta cũng biết ngươi sẽ tiếp tục cuộc hành trình, nhưng ta cũng sẽ nhìn thật sâu để nhận ra sự tiếp nối của ngươi, như vậy ta sẽ không đau khổ nhiều quá.”

Nếu bạn quên về vô thường và bạn bị ràng buộc vào đám mây thì khi tới thời mây chuyển hóa thành ra mưa, bạn sẽ khóc. “Trời ơi, đám mây không còn đó nữa, làm sao tôi sống cho nổi đây?”

Nhưng khi bạn thực tập nhìn sâu, bạn có thể nhìn ra đám mây trong những hình tướng mới như sương, như mưa. Mưa mỉm cười, ca hát và mưa rơi chan hòa, đầy sức sống, rất đẹp. Chỉ vì bạn thất niệm nên bạn mới không nhìn ra mây trong các biểu hiện mới mẻ đó. Bạn bị đau buồn nắm đầu, khóc lóc hoài, trong khi đám mây gọi bạn: “Người thương ơi, tôi đây mà, hãy nhìn coi!” Nhưng bạn không nhận ra mưa trong khi nó chính là sự tiếp nối của đám mây. Thực ra, mưa chính là mây.

Khi bạn nhìn đám mây, có lẽ bạn muốn cũng được như nó, tự do bay trong bầu trời. Thật là kỳ diệu khi được là mây bay như thế. Bạn có thể có ý niệm về tự do như vậy. Khi nhìn mưa rơi như ca như hát, bạn cũng mong được làm mưa. Mưa nuôi sống các loài thảo mộc và nuôi sống bao loài sinh vật khác. Làm mưa thật là tuyệt diệu.

Bạn nghĩ rằng mây và mưa giống nhau hay khác nhau? Tuyết trên đỉnh núi trắng tinh, thanh khiết và tuyệt đẹp. Nhìn nó tinh khôi, bạn cũng muốn giống như tuyết. Đôi khi nhìn suối róc rách trong khe, bạn thấy dòng suối trong vắt và đẹp đẽ như pha lê, bạn cũng ưa được làm nước tuôn chảy hoài hoài. Đám mây, mưa, tuyết và nước, chúng là bốn thứ khác nhau? Hay chúng thực ra chỉ là một thực tại, có cùng một gốc rễ?

47

Vô úy

Trong hóa học chúng ta gọi bản chất của nước là H2O – gồm hai nguyên tử Hydrogen và một nguyên tử Oxygen. Khởi từ phân tử căn bản đó, nước thể hiện dưới nhiều hình thưc: mây, mưa, tuyết và nước. Làm mây thật tuyệt diệu, làm mưa cũng thế. Tuyết hay nước đều tuyệt diệu cả. Nếu đám mây nhớ như vậy, thì khi mây sắp chuyển hóa để tiếp tục sống dưới hình thức mưa, nó sẽ không hoảng sợ. Nó sẽ nhớ rằng khi là mây hay khi là mưa đều tuyệt đẹp hết.

Khi đám mây không bị vướng vào ý niệm sinh-diệt, có-không, thì không có sự sợ hãi. Học từ đám mây, ta có thể nuôi dưỡng sự vô úy. Không sợ hãi là nền tảng của sự an vui. Khi nào còn sợ hãi thì chúng ta không thể có hạnh phúc.

Khi bạn thực tập nhìn sâu, bạn sẽ nhìn thấy bản chất không sinh – không diệt, không có – không không, không đến – không đi, không giống cũng không khác. Khi nhìn được như thế, bạn không còn sợ hãi chi nữa hết. Bạn sẽ được tự do, không còn tham đắm, hờn ghen. Không sợ hãi là niềm vui tuyệt đối. Khi bạn giác ngộ về cái sợ là bạn được tự do. Và giống như các bậc đại nhân, bạn sẽ bình thản cưỡi trên sóng sinh tử.

Biểu hiện và ẩn tàng

Bản chất thực sự của mọi sự vật là không sinh không diệt, không đến – không đi. Bản chất của tôi cũng là không đến – không đi. Khi nhân duyên đầy đủ thì tôi biểu hiện, và khi nhân duyên không còn đầy đủ thì tôi ẩn tàng, tôi không đi đâu cả. Tôi sẽ đi đâu? Tôi chỉ ẩn đi mà thôi.

Khi bạn có một người thân vừa chết đi, bạn sẽ trải qua một thời gian khó khăn vô cùng để vượt qua mối đau khổ vì mất mát đó. Bạn có thể khóc hoài hủy. Nhưng hãy nhìn cho sâu. Có một thần

48

dược giúp cho bạn vượt qua được nỗi khổ đau đó, để hiểu rằng người thương của bạn không sinh cũng không diệt, không đến cũng không đi.

Chỉ vì hiểu lầm mà ta cho rằng người ta thương kia không còn nữa, nghĩa là đã qua đời. Lý do chỉ là vì ta bị vướng mắc vào một hình tướng, một trong nhiều biểu hiện của người đó mà thôi. Khi hình tướng kia không còn, thì ta buồn bã.

Thực ra người ta thương vẫn còn đó. Người đó đang ở bên cạnh, đang ở trong ta và cười với ta. Trong ảo giác, chúng ta không nhận ra người đó và ta nói “anh không còn đây nữa.” Ta hỏi nhiều lần: “Anh đi đâu? Sao anh bỏ em lại một mình đây?” Chúng ta đau đớn vì chúng ta không hiểu. Đám mây không mất đi đâu cả. Người thương của ta cũng vậy. Đám mây biểu hiện ra trong các hình tướng khác. Người thương của ta biểu hiện ra một cách khác. Khi hiểu được như vậy, chúng ta bớt đau khổ đi nhiều.

Hiện ra trong hình tướng mới?

Khi chúng ta mất một người thương, chúng ta cần nhớ rằng người đó không thể biến thành hư vô được. Từ có không thể biến thành không. Từ không, không thể biến thành có. Khoa học giúp ta hiểu được điều này, vì vật chất không thể bị hủy diệt hoàn toàn, nó sẽ biến thành năng lượng. Và năng lượng cũng sẽ biến thành vật chất chứ không bị hủy diệt hết được. Cũng vậy, người thương của ta không thể bị hoại diệt, họ chỉ hiện ra dưới một hình tướng khác mà thôi. Họ có thể thành một đám mây, một em bé hay một cơn gió thoảng. Ta có thể nhận ra người thương trong mọi thứ, và ta có thể mỉm cười: “Người thương ơi, tôi biết người đang ở kế bên tôi, tôi biết bản chất của người là vô sinh bất diệt, tôi biết tôi không mất người đâu mà người luôn luôn ở bên tôi.”

49

Khi nhìn sâu vào đời sống hàng ngày từng giây phút, bạn sẽ thấy người đó. Thực tập như thế bạn sẽ hết khổ đau. Cha hay mẹ của bạn cũng vậy. Bản chất của họ là vô sinh bất diệt. Đó là bản chất không sống không chết, không đến cũng không đi. Sự thực, bạn không mất mát ai hết, kể cả những người đã chết rồi.

Câu chuyện dòng sông và đám mây

Câu chuyện tôi ưa kể là chuyện một dòng sông đi theo đám mây. Có một con suối nhỏ từ núi chảy xuống. Nó rất nhỏ tuổi, và nó muốn ra tới biển thật nhanh. Nó không biết sống với hiện tại một cách bình an. Nó rất vội vã vì nó còn rất trẻ. Nó không biết thực tập “đã về đã tới” nên từ núi đổ xuống, nó hối hả vượt qua cánh đồng và trở thành một dòng sông.

Là sông thì nó chảy chậm hơn. Điều này làm cho nó bứt rứt vì nó sợ không bao giờ gặp được biển. Vì là sông nên nó chảy chậm hơn, và mặt nước tĩnh lặng hơn. Dòng sông bắt đầu soi bóng mấy đám mây trên bầu trời – mây hồng, mây bạc, mây trắng…Nhiều hình dạng thật đẹp đẽ. Suốt ngày sông trôi chảy theo mây. Nó trở nên vướng mắc với những đám mây xinh đẹp. Và dòng sông đau khổ vì mây thì vô thường. Mây di động luôn luôn theo các cơn gió, chúng bỏ dòng sông, đi tới những chốn xa xôi. Sông đau khổ vô cùng. Nó cố gắng hoài hủy để đuổi theo mây. Thật là đáng buồn vì mây không ở yên một chỗ với sông bao giờ.

Một hôm trời giông bão, mây bị cuốn đi hết. Bầu trời trống, trong vắt và xanh tuyệt. Dòng sông thất vọng não nề! Không có một gợn mây trên trời. Tấm lòng tan nát vì bầu trời trống trải. “Không có mây thì sống làm sao? Không có người thương nữa thì sống làm gì?” Dòng sông muốn tự tử, nhưng nó không biết làm sao để chết. Cả đêm sông than khóc.

50

Đêm hôm đó, dòng sông có cơ hội để nghe được tiếng khóc của mình. Đó là tiếng sóng vỗ vào hai bên bờ sông. Khi nó nghe được tiếng sóng vỗ của chính nó, dòng sông tỉnh ngộ. Nó hiểu ra là bản chất của sông cũng là bản chất của mây. Nó chính là mây. Mây đang nằm trong sông vì cả hai cùng có bản chất là nước. Mây làm bằng nước. Vậy thì tại sao mình phải chạy theo mây? Sông tự nhủ, “ta chỉ chạy theo mây nếu như ta không phải là mây mà thôi!”

Đêm đó, trong tận cùng tuyệt vọng và cô đơn, dòng sông thức tỉnh và nhận ra nó cũng là mây. Buổi sớm hôm sau, bầu trời trong vắt trước đây làm cho sông cảm thấy cô đơn, lại hiện ra thật mới lạ, kỳ diệu và trong sáng. Màu xanh của bầu trời biểu hiện sự hồn nhiên và tự do mà dòng sông mới nếm được. Sông biết bầu trời là nơi trú ẩn của tất cả các đám mây, mây không thể ra khỏi bầu trời được. Dòng sông hiểu rằng bản chất của mây là không sinh – không diệt, không đến – không đi, vậy thì tại sao sông lại khóc? Sao ta lại khóc như bị chia lìa với mây vậy?

Dòng sông còn có một giác ngộ khác buổi sáng hôm đó. Nó nhìn thấy bản chất không sinh-diệt của bầu trời. Điều này làm cho sông trở nên rất an nhiên tự tại. Nó bắt đầu tiếp nhận và phản chiếu bầu trời. Trước kia nó không phản chiếu bầu trời, nó chỉ biết tới những đám mây. Nay thì sông có bầu trời luôn luôn hiện diện ngày đêm. Trước đây dòng sông không tiếp xúc được với bản chất của thực tại, nó chỉ tiếp xúc được với những gì thay đổi, sinh diệt. Nay tiếp xúc với cả bầu trời, dòng sông trở nên bình an và thanh thản vô cùng, như chưa bao giờ được vậy.

Chiều hôm đó khi những đám mây trở lại, sông không còn vướng bận vào đám nào nữa hết. Không còn đám mây nào sông cảm thấy là đặc biệt, là của riêng nó nữa. Nó mỉm cười với tất cả các đám mây, chào mừng và yêu mến tất cả.

Bây giờ dòng sông cảm nhận được hạnh phúc của sự buông xả. Nó không còn tùy thuộc hay yêu mến đặc biệt một đám mây nào.

51

Sông yêu thương tất cả. Nó thưởng thức và phản chiếu bất cứ đám mây nào đi qua bầu trời. Khi mây bay xa, nó nói: “Tạm biệt mây nhé, gặp lại nay mai.” Và dòng sông thấy nhẹ lòng. Nó biết đám mây sẽ trở lại sau khi mây biến thành mưa hay tuyết.

Dòng sông được tự do. Hầu như nó cũng không còn thấy cần chảy ra ngoài biển nữa. Đêm đó trăng tròn và chiếu sáng cả lòng sông. Mặt trăng, dòng sông và nước đều thiền quán bên nhau. Dòng sông thưởng thức sự tự do nhiệm màu của giây phút hiện tại. Nó được giải thoát khỏi mọi đau buồn.

Khi chúng ta chạy đuổi theo một thứ gì, muốn nắm bắt nó, ta sẽ đau khổ. Khi không có gì để đuổi theo, ta cũng khổ đau. Nếu bạn đã là dòng sông. nếu bạn đã từng chạy theo mây, đau khổ, than khóc vì cảm thấy cô đơn,xin hãy nắm lấy tay một người bạn. Hãy quán chiếu thật sâu, bạn sẽ thấy rằng thứ mà bạn tìm kiếm kia vẫn thường hiện diện ngay đây, đó chính là bạn!

Bạn là thứ mà bạn muốn trở thành. Vậy thì tìm kiếm làm gì nữa? Bạn là một sự biểu hiện tuyệt diệu. Tất cả vũ trụ đều góp phần vào việc làm cho bạn hiển hiện. Không có gì không ở trong bạn cả. Vương quốc của Thượng đế, Niết bàn, Tịnh độ, Hạnh phúc và Tự do, tất cả đều trong bạn.

Cùng một thân hình?

Giả thử chúng ta có thể sản xuất vô tính (cloning): mỗi tế bào trong cơ thể ta đều tạo ra được một thân người mới. Như vậy, một cái tâm của ta có thể trở thành nhiều tâm khác? Một người thành ra nhiều người? Nhưng con người mới kia, họ giống hệt nhau hay khác nhau?

Khoa học đã tiến tới mức có thể tạo ra những con vật bằng phép sinh sản vô tính (cloning). Chuyện này cũng có thể xảy ra cho con người. Nếu tỷ như người ta lấy ba tế bào của tôi để làm thành ra

52

ba con người khác. Ba người đó với tôi là bốn, chúng tôi khác nhau hay giống nhau? Khi có sự sinh sản vô tính, tôi có thể đã khá già và ba người kia thì còn trẻ. Vậy thì tôi có giống mấy người kia không?

Khi chúng ta tu tập, chúng ta có thể nhìn sâu bằng năng lượng chánh niệm, với sự định tâm và trí tuệ lớn. Chúng ta nhìn được sự vật sâu hơn, rõ ràng hơn nhiều. Bụt đả thực tập như vậy, Ngài chia sẻ cái hiểu đó với chúng ta. Chúng ta cũng thực tập như Bụt và nếu cố gắng một chút, chúng ta có thể có trí tuệ như Ngài.

Trước hết chúng ta hãy nhìn sâu vào ý niệm giống nhau, khác nhau. Khi chúng ta hỏi Bụt: cơ thể này và ba cơ thể do sản sinh vô tính kia giống hay khác nhau?” Bụt sẽ trả lời: “chúng không giống nhau cũng không khác nhau.”

Vô thường nghĩa là luôn luôn thay đổi. Chúng ta nghĩ thân mình là thứ gì thường hằng.Thật ra sống chết diễn ra trên cơ thể chúng ta suốt ngày đêm. Bất kỳ lúc nào cũng có nhiều tế bào chết, và nhiều tế bào mới ra đời.

Chúng ta có ảo tưởng rằng thân mình luôn luôn như thế. Bạn là em bé khi ra đời. Mẹ có hình bạn khi còn là em bé. Nay bạn đã là một người nam hay nữ trưởng thành. Bạn nghĩ mình giống hay khác em bé kia?

Chúng ta thường nghĩ rằng cơ thể chúng ta lúc năm mươi tuổi cũng vẫn là cơ thể ta lúc năm tuổi. Nghĩ vậy không đúng. Nếu có cuốn hình gia đình, bạn sẽ nhìn thấy bạn ra sao khi được sáu tuổi, và ngày nay sáu mươi tuổi ra sao. Bạn sẽ thấy hai con người đó rất khác nhau. Nhưng nhìn cách khác, hai người đó không khác nhau. Nếu không có bé sáu tuổi kia thì cũng không có ông già sáu mươi tuổi này. Hai người đó không giống và cũng không khác nhau. Vô thường là giải đáp của sự lộn xộn này.

53

Sau một hơi thở vào hay hơi thở ra, chúng ta đã thành một con người khác rồi. Từ khi bắt đầu đọc cuốn sách này tới bây giờ, đã có biết bao thay đổi trong cơ thể và tâm thức chúng ta. Nhiều tế bào đã chết đi, nhiều cái mới được sinh ra. Tâm ta cũng vậy. Các ý nghĩ đến rồi đi, các cảm xúc sinh ra rồi hoại diệt. Biểu hiện, ngừng biểu hiện, liên tục tiếp nối nhau. Chúng ta không giống nhau trong hai thời điểm. Giòng sông, ngọn lửa, đám mây và bông hoa hướng dương kia cũng vậy.

Nhân duyên

Nhìn sâu vào một hộp quẹt, bạn có thể nhìn thấy lửa. Ngọn lửa chưa biểu hiện ra, nhưng là thiền giả bạn có thể nhìn thấy lửa. Mọi điều kiện đầy đủ cho lửa biểu hiện. Nào gỗ, diêm sinh, nào mặt phẳng gồ ghề, và bàn tay tôi. Vì thế khi ta quẹt cây diêm, thì lửa biểu hiện. Tôi không gọi là lửa sinh ra, mà nói đó là lửa biểu hiện ra.

Bụt dạy rằng khi có đủ nhân duyên thì bạn biểu hiện. Khi nhân duyên không đủ nữa, bạn sẽ ngưng hiện hữu để có thể xuất hiện dưới các hình tướng khác, trong những điều kiện khác.

Biểu hiện từ cái gì đó

Bạn nghĩ sinh ra nghĩa là gì? Đa số chúng ta nghĩ đó là sự bắt đầu hiện hữu của một sự vật mà trước đó nó không hiện hữu. Ta có nhận thức sinh là từ không bỗng nhiên trở thành có. Từ không là gì trở thành một con người. Đa số chúng ta định nghĩa chữ Sinh như vậy. Nhìn sâu, ta thấy định nghĩa đó không ổn. Từ không bạn không thể trở thành có, không thể thành một con người được.

Trước cái ngày bạn gọi là ngày sinh đó, bạn đã hiện hữu rồi, trong mẹ của bạn. Lúc ra đời chỉ là một sự tiếp nối. Hãy nhìn coi bạn có thể tìm được thời điểm nào từ không mà bạn trở thành có được

54

chăng? Đó là lúc mẹ bắt đầu thụ thai? Điều này cũng không đúng, vì trước đó có thể bạn đã có trong cha một nửa, trong mẹ một nửa. Cũng có thể 1/3 trong cha, 1/3 trong mẹ và 1/3 trong vũ trụ. Có rất nhiều thứ đã hiện hữu rồi. Vì chúng đã có đó, chúng không cần sinh ra. Khi mẹ đẻ con ra, lúc đó không thật sự là lúc con mới sinh ra đời. Đó chỉ là thời điểm bạn chui ra ngoài từ bụng mẹ.

Trong nhà thiền chúng tôi ưa hỏi “Trước khi bà ngoại hay bà nội ra đời, thì mặt mũi bạn ra sao?” Hãy tự hỏi câu này và bạn sẽ bắt đầu thấy được sự tiếp nối trong bạn. Bạn sẽ thấy mình đã luôn luôn có mặt đó. Giây phút bạn được thụ thai là giây phút bạn tiếp tục biểu hiện dưới một hình tướng khác. Tiếp tục nhìn như thế bạn sẽ thấy không có sinh không có diệt, chỉ có sự chuyển hóa tiếp tục mà thôi.

Lửa từ đâu tới?

Tôi có thể nói với ngọn lửa: “Lửa ơi, con biểu hiện ra đi.” Khi tôi bật que diêm, ngọn lửa sẽ xuất hiện. Tôi cũng có thể hỏi lửa: “Con từ đâu tới đây?” Ngọn lửa có thể trả lời: “Thưa Thầy, con không từ đâu tới và cũng không đi về đâu hết. Khi nhân duyên đầy đủ thì con biểu hiện, vậy thôi.” Đó là chân lý của bản chất không đến không đi.

Chúng ta hãy thực tập nhìn sâu vào bản chất của ngọn lửa của cây nến. Đó có phải cùng là ngọn lửa trên que diêm đã châm mồi cho nó hay không? Hay nó là ngọn lửa khác? Nếu để cho nến cháy một giờ đồng hồ, nó sẽ là ngọn lửa ở phần dưới cây nến. Nó có thể giống nhau, nhưng đó chỉ là nhận thức của ta. Thật ra, có rất nhiều ngọn lửa nối tiếp nhau trong từng giây phút. Nó cho ta cảm tưởng nó chỉ là một ngọn lửa nhưng không phải vậy. Nhiên liệu khác nhau, dưỡng khí khác nhau. Căn phòng cũng thay đổi, tức là các điều kiện không giống nhau. Vậy thì ngọn lửa không hoàn toàn giống khi trước.

55

Không cần nhiều thời gian để ngọn nến thay đổi vì chỉ trong một giây đồng hồ trước, phần trên ngọn nến đã được dưỡng khí và chất sáp nuôi dưỡng rồi. Giây sau, hai thứ nguyên liệu đó đã bị cháy tiêu, và lại có dưỡng khí cùng chất sáp mới nên nó tiếp tục cháy. Nguyên liệu không giống nên ngọn lửa cũng không phải là cùng một thứ. Khi ngọn nến ngắn lại, bạn nhìn thấy nó đã tiêu thụ bao nhiêu dưỡng khí và bao nhiêu sáp, bạn biết rằng ngọn lửa thay đổi hoài hoài. Vậy thì trong hai thời điểm liên tiếp, ngọn lửa không hoàn toàn giống nhau.

Chỉ nhìn vào ngọn lửa bạn đã thấy được bản chất không giống, không khác nhau. Bên dưới cảm tưởng hiện hữu bất biến, là bản chất của vô thường. Không có sự vật nào hiện hữu giống nhau trong hai thời điểm. Điều này áp dụng cho con người ta, cho đám mây hay cho bất cứ vật gì. Nếu bạn nói rằng ngọn lửa của cây nến trước đây mười phút cũng là ngọn lửa bạn đang nhìn thấy, thì không đúng. Nếu bạn nói rằng có hàng ngàn ngọn lửa khác nhau nối tiếp nhau, thì cũng không đúng luôn. Bản chất của lửa là không khác cũng không giống. Khi chúng ta có thể vượt qua được các ảo tưởng về giống nhau, khác nhau, ta có thể chuyển đổi được rất nhiều khổ đau thành ra niềm an lạc.

Cảm quan

Trong kinh điển có một thí dụ rất hay. Trong bóng tối, một người cầm cây đuốc khua thành vòng tròn. Người khác đứng phía xa có thể nhìn đó là một vòng lửa. Nhưng thực ra không có vòng lửa, đó chỉ là những đốm lửa nối tiếp nhau làm cho ta có cảm tưởng đó là vòng lửa tròn mà thôi. Ảo tưởng này cũng giống như ảo tưởng về một bản chất cố định, thường hằng. Vòng lửa chỉ là một ý tưởng. Nó không thể áp dụng vào thực tại, không thể diễn tả đó là chân lý. Nếu bạn phân tích vòng lửa đó bạn sẽ thấy hàng triệu đốm lửa di động, nối tiếp nhau khiến cho ta tưởng như nó là một vòng tròn.

56

Khi chúng ta quay phim một người đang nhảy múa, chúng ta đã chụp rất nhiều hình. Sau khi chụp, đem chiếu những hình ảnh đó lên một cách liên tục, ta sẽ thấy người kia nhảy múa rất mềm mại. Nhưng thực ra đó là hình ảnh của rất nhiều những tấm hình tĩnh chồng lên nhau một cách liên tiếp.

Khi nhìn vào một con người, ta thấy họ như có một bản chất riêng bất biến và thường hằng. Ta nghĩ rằng buổi sáng, ta nhìn thấy con người đó và buổi chiều ta cũng thấy như vậy. Nếu ta đi vắng mười năm, khi gặp lại người kia, ta cũng nhận ra họ. Nghĩ vậy là ảo tưởng.

Trong kinh có một câu chuyện rất tức cười. Một phụ nữ để một nồi sữa ở nhà hàng xóm và dặn: “Xin giữ dùm, tôi sẽ trở lại sau vài ngày.” Không có tủ lạnh nên sữa đóng váng và trở thành một thứ phó-mát (cheese). Khi bà kia trở lui, bà hỏi “sữa của tôi đâu? Tôi để sữa ở đây, đâu có để phó-mát. Đây không phải là sữa của tôi!” Bụt dạy rằng bà đó đã không hiểu được sự vô thường. Sữa sẽ biến thành phó-mát nếu bạn để nó đó trong ít ngày. Người phụ nữ kia chỉ muốn lấy lại thứ sữa bà đã để đó mấy ngày trước, mà không chịu lấy phó-mát.

Bạn nghĩ rằng sữa và phó mát là hai thứ giống nhau hay khác nhau? Thực ra nó không giống mà cũng không khác. Sữa mất mấy ngày để trở thành phó-mát. Với sự hiểu biết về vô thường, chúng ta có thể thấy được thực tại của vũ trụ và mọi sự vật, thấy được bản chất không giống mà cũng không khác nhau của chúng.

Chúng ta cứ tưởng như mọi sự mãi mãi như vậy, nhưng thực tế là không có sự vật gì giống hệt nhau trong hai thời điểm liên tiếp. Vì vậy ý tưởng sự vật bất biến cũng là một ảo tưởng, không thể áp dụng vào thực tại được. Khi một dòng sông biểu hiện, ta có thể gán cho nó một cái tên – như sông Missisipi chẳng hạn. Dù cho tên sông không đổi, nhưng nó thay đổi hoài. Bạn tưởng như dòng sông

57

luôn luôn có đó, nhưng nước sông thì không giống nhau dù chỉ trong hai giây phút liên tiếp.

Các triết gia nói rằng chúng ta không bao giờ có thể tắm hai lần trong cùng một dòng sông. Đó là bản chất của vô thường, không phải chỉ Bụt mới nói mà đức Khổng Tử và Heraclitus cùng nhiều hiền nhân khác cũng đều biết như thế, khi họ nhìn sâu vào bản chất của thực tại.

Thánh Francis và cây hạnh đào

Một ngày mùa Đông, trong khi đi thiền hành trong vườn, Thánh Fancis Assisi nhìn thấy một cây hạnh đào trụi lá. Ông tiến gần tới cây, và trong khi thực tập thở, ông xin cây hãy nói với ông về Thượng Đế. Bỗng nhiên hoa trên cây hạnh đào nở bừng lên. Tôi tin câu chuyện đó có thật vì khi có quán chiếu sâu sắc, ta có thể nhìn thấy chiều sâu thực tại. Ông thánh không cần chờ tới mùa Xuân ấm áp mới nhận thức được rằng hoa hạnh đào vẫn có đó.

Tôi mời bạn nhìn vào hộp diêm với con mắt của Thánh Francis, con mắt của Bụt. Bạn cũng có những con mắt như thế. Bạn có nhìn thấy ngọn lửa đã sẵn có trong hộp diêm không? Nó chưa biểu hiện nhưng nó có đâu đó rồi. Nhìn cho sâu bạn có thể thấy lửa. Mọi điều kiện đều có đó để ngọn lửa biểu hiện ra trừ một thứ, đó là cử động của ngón tay bạn. Bạn có thể đưa ra điều kiện chót đó và ngọn lửa sẽ hiện ra. Khi bạn bật quẹt, xin hãy làm việc đó một cách cẩn thận.

Quán sát mọi nhân duyên, bạn có thể hỏi: “Ngọn lửa nhỏ bé ơi, con từ đâu tới?” Khi bạn làm nó tắt hãy hỏi: “Lửa đi đâu vậy?” Chúng ta tưởng rằng ngọn lửa mới sinh ra lúc trước nay đã chết đi. Thật ra có sự chia cách nào giữa cái không gian của chúng ta đây với không gian mà ngọn lửa đi tới đó chăng? Tôi không nghĩ vậy.

58

Bụt dạy rằng không có gì tới, không có gì lui. Những câu hỏi trên nhiều triết gia đã hỏi nhiều lần và đã dùng bao nhiêu là giấy mực và nước bọt để ráng trả lời. Nhìn kỹ vào mắt Bụt, bạn sẽ có câu trả lời.

Chân Như

Chân lý thực tại được gọi là Chân như. Chân như nghĩa là “tự nó như thế.” Bạn không thể mô tả nó bằng các khái niệm, nhất là khái niệm sinh-tử, có hay không có, đến hay đi. Không có từ ngữ nào, không có điều kiện nào diễn tả được chân lý, được thực tại của cái bàn, bông hoa, cái nhà hay của một sinh vật.

Đôi khi bạn giận cha bạn và nói: “Tôi không dính dáng gì tới ông đó.” Thật là đại ngôn! Bạn không biết rằng bạn và cha cùng thuộc vào một thực tại. Bạn là sự tiếp nối của ổng. Bạn chính là ông ấy. Hãy nhìn coi bạn giống hay khác cha bạn. Chân như của ta là bản chất không giống cũng không khác. Bạn và cha bạn không giống nhau, cũng chẳng khác nhau.

Khi bạn giúp cho ngọn lửa biểu hiện bằng cách bật que diêm, nhìn sâu vào nó bạn sẽ thấy là nó không từ đâu tới mà cũng không đi tới đâu cả. Dùng lửa diêm để châm lên ngọn nến, lửa nến giống hay khác lửa diêm? Khi thắp lên một ngọn nến thứ nhì, bạn sẽ thấy ba ngọn lửa đó khác nhau hay giống nhau?

Nhìn vào ngọn lửa của một cây nến bạn cũng thấy ý niệm không giống, không khác có thể áp dụng không chỉ cho lửa nến mà cả lửa diêm nữa. Ngọn lửa đó cũng không giống hay khác với lửa lúc trước đây, mỗi thời điểm là một ngọn lửa duy nhất. Chỉ trong thời khắc tiếp theo là ngọn lửa đã biểu hiện một cách khác trước rồi.

Sự biểu hiện của một sự vật hay một con người không tùy thuộc vào một nhân duyên, mà tùy theo nhiều nhân duyên. Ý niệm cho

59

rằng một nhân duyên gây ra kết quả không đúng. Một điều kiện không bao giờ đủ để cho một sự vật biểu hiện.

Khi chúng ta ngắm ngọn lửa, ta không nhìn sâu đủ để nhìn thấy mọi nhân duyên. Chúng ta biết ngọn lửa được nuôi dưỡng bởi que diêm, gỗ và nhiên liệu. Chúng ta biết lửa được nuôi dưỡng bởi nhiều thứ: diêm, gỗ, và nhiên liệu. Tất nhiên không có gì tồn tại được khi không có nhiên liệu. Nhưng nhiên liệu chỉ là một yếu tố, một điều kiện mà thôi. Ngọn lửa chỉ biểu hiện ra được khi có đầy đủ các nhân duyên. Nếu không có dưỡng khí, lửa không biểu hiện được lâu. Ngọn lửa tùy thuộc vào gỗ, vào tim đèn cầy và vào dưỡng khí. Ngọn lửa có sẵn trong diêm, nó không cần xuất hiện. Nó chỉ biểu hiện ra khi các có đủ các điều kiện thôi.

Hiện nay chúng ta có thể chỉ là một em trai hay em gái mười hai tuổi, chưa hề sinh ra con. Nhưng trong chúng ta đã có tất cả các nhân duyên để cho con và cháu ta biểu hiện. Chỉ cần thời gian và một số các điều kiện khác nữa là đủ.

Tờ giấy

Không đến không đi Không sau không trước Tôi giữ người bên tôi Tôi buông người ra để được tự do Tôi ở trong người Người cũng đang có trong tôi. (Chân Đức)

Không đến không đi là bản thể chân thật của thực tại. Bạn không từ đâu tới, bạn cũng không đi về đâu. Bông hồng, đám mây, núi non, tinh tú, trái đất…mọi thứ đều như vậy. Bản chất đó là không tới không lui. Chết không có nghĩa là từ có trở thành không. Sinh ra không có nghĩa là từ không trở thành một con người nào đó. Chỉ có sự biểu hiện khi nhân duyên đầy đủ và sự biểu hiện ngừng lại khi không còn đầy đủ các điều kiện.

60

Tờ giấy ghi những dòng này có một lịch sử. Trang giấy bạn đang cầm trong tay đây được thành hình trong một thời điểm nào đó. Nhưng đó không phải là lúc nó ra đời. Nó đã có mặt trong tia sáng mặt trời, trong thân cây, trong đám mây và trong mặt đất. Khi nó được sản xuất ra trong nhà máy chỉ là lúc nó biểu hiện ra mà thôi.

Vậy chúng ta có thể hỏi: “Tờ giấy ơi, mi có đó trước khi mi được sinh ra không?” Tờ giấy sẽ trả lời: “Có chứ, trong hình hài của cái cây, ánh nắng, trong đám mây, trong mưa, trong các khoáng chất và trong đất. Giây phút trở thành tờ giấy chỉ là thời điểm tiếp tục hiện hữu. Tôi không phải từ không mà tới được, tôi từ vũ trụ mà tới. Tôi đã là cái cây, là đám mây, là ánh nắng, là đất đá vv…”

Nhìn sâu vào tờ giấy bạn vẫn có thể nhìn thấy cây cối, đám mây, và mặt trời. Bạn không cần trở lui quá khứ. Đó là lợi điểm của thiền quán, bạn không cần phải đi du lịch. Chỉ cần ngồi đó và nhìn sâu, bạn có thể nhìn thấy và nhận ra mọi sự. Tờ giấy chứa đựng mọi tin tức về vũ trụ, kể cả những gì liên quan tới cây cối, đám mây và ánh nắng, mặt đất. Nếu bạn đem một trong mấy thứ đó trả về chỗ của nó, tờ giấy sẽ không còn đó nữa. Nếu bạn trả ánh nắng cho mặt trời, thì sẽ không còn rừng, không còn tờ giấy. Vì thế ánh nắng mặt trời là tờ giấy. Khi bạn sờ vào tờ giấy là bạn chạm tới ánh nắng, đám mây, mưa, đất, bạn chạm tới tất cả vũ trụ. Một sự biểu hiện chứa đựng tất cả mọi thứ.

Khi bạn đưa ngón tay trên mặt giấy, bạn có thể cảm nhận đám mây trong đó. Không có mưa, do mây mà có, thì sẽ không có tờ giấy. Khi ngón tay tiếp xúc với tờ giấy, chúng cũng đang tiếp xúc với cây trong rừng. Ngón tay ta có thể tiếp xúc với mặt trời và tất cả các khoáng chất trong đất trên tờ giấy. Khi chúng ta tiếp xúc với tờ giấy bằng chánh niệm, chúng ta tiếp xúc được với tất cả các hiện hữu khác.

Khi chúng ta thực tập nhìn sâu vào tờ giấy, chúng ta có thể nhìn thấy rừng cây. Không có rừng thì không có cây và không có cây thì

61

không làm được giấy. Vậy tờ giấy này không phải tới từ số không, nó tới từ thứ gì đó, như cây cối chẳng hạn. Nhưng cây cối không đủ để tạo ra tờ giấy. Mặt trời nuôi dưỡng cây, nước tưới tẩm cây, đất đá và khoáng chất cùng vô số các hiện tượng khác giúp cho cây biểu hiện. Và còn cần người tiều phu đốn cây, người chủ quán bán bánh mì cho tiều phu ăn trưa, những người thành lập công ty trả lương cho người đốn cây nữa. Những thứ đó không hiện hữu bên ngoài mà là một với tờ giấy.

Bạn có thể nghĩ “làm sao tôi có thể đồng hóa tờ giấy với rừng cây được? rừng ở ngoài tờ giấy chứ?” Nếu bạn lấy yếu tố rừng hay đám mây ra khỏi tờ giấy, thì giấy sẽ biến mất. Nếu không có đám mây, không có mưa làm sao cây sống được? Làm sao ta làm được bột giấy để từ đó sản xuất ra giấy?

Tờ giấy không có ngày sinh và bạn cũng không có sinh nhật. Bạn đã có đó trước khi bạn ra đời. Lần sau khi ăn mừng sinh nhật bạn có thể đổi bài hát thành “Mừng ngày tiếp nối.” Nếu ngày sinh thực sự là một ngày tiếp nối thì ngày chết cũng vậy. Nếu bạn thực tập giỏi thì lúc lìa đời bạn cũng hát “Mừng ngày tiếp nối.”

Hãy ráng làm thành hư không

Bạn có thể ráng sức để làm cho tờ giấy trở thành không. Có thể được chăng? Hãy bật que diêm và đốt nó coi nó sẽ trở thành không hay trở thành thứ gì khác? Đây không phải chỉ là chuyện lý thuyết, mà là chuyện chúng ta có thể chứng minh được. Thở vào thở ra và bật quẹt lên. Hãy chứng kiến sự chuyển hóa của tờ giấy. Khi bạn châm que diêm, hãy nhớ rằng ngọn lửa không cần sinh ra. Khi điều kiện đầy đủ, nó chỉ biểu hiện ra cho chúng ta nhìn thấy nó mà thôi. Khi đốt tờ giấy, hãy nhìn khói. Sức nóng của lửa cũng đủ làm cho ngón tay ta bị phỏng. Tờ giấy bây ở đâu?

62

Khi bạn đốt một tờ giấy, nó không còn hình thái một tờ giấy nữa. Nếu nhìn nó với sự tỉnh thức, bạn sẽ thấy là tờ giấy tiếp tục ở những hình thái khác. Một hình thức là khói. Khói từ tờ giấy sẽ bốc lên cao, nhập vào với đám mây có sẵn ở trên đó. Tờ giấy nay trở thành mây, và ta có thể vẫy tay tạm biệt nó. Tạm biệt giấy, sẽ gặp lại gần đây. Ngày mai hoặc tháng sau sẽ có mưa và hạt mưa có thể sẽ rớt xuống đầu bạn. Giọt nước đó là tờ giấy của bạn.

Hình thức khác mà tờ giấy hiện ra là tro. Bạn có thể đổ tro xuống đất. Khi trở lại đất, đất là một tiếp nối của tờ giấy. Có thể năm sau, bạn sẽ nhìn thấy sự tiếp nối của tờ giấy nơi một đóa hoa nhỏ xíu hay một cọng cỏ. Đó là kiếp sau của tờ giấy.

Trong khi cháy, tờ giấy cũng biến thành nhiệt lượng. Cái nóng đó ngấm vào cơ thể bạn, dù cho bạn không ở gần ngọn lửa lắm. Bây giờ bạn mang tờ giấy trong người bạn. Sức nóng cũng thấm sâu vào vũ trụ. Nếu bạn là khoa học gia có dụng cụ rất tinh vi, bạn có thể đo được sức nóng đó, ngay cả ở những tinh cầu thật xa xôi. Các tinh tú đó nay là biểu hiện tiếp nối của tờ giấy nhỏ bé kia. Chúng ta không thể biết tờ giấy đi xa tới đâu.

Các nhà khoa học đã từng nói khi chúng ta vỗ tay, tiếng động có thể ảnh hưởng tới một vì sao. Những gì xảy ra cho ta có thể ảnh hưởng tới giải ngân hà xa tắp. Và các giải ngân hà xa xôi đó cũng có ảnh hưởng trên chúng ta. Mỗi thứ đều chịu ảnh hưởng của mọi thứ khác.

Không có gì mất đi

Thiền quán nghĩa là một cuộc hành trình để nhìn sâu, để tiếp xúc được với bản chất của thực tại và hiểu được rằng không có gì mất đi hết. Nhờ đó chúng ta sẽ hết sợ. Không sợ là tặng phẩm lớn nhất của thiền quán. Nhờ đó mà chúng ta sẽ vượt thoát được đau khổ và ưu phiền.

63

Chỉ có không mới trở thành không. Có không thể trở thành không và không cũng không thể trở thành có. Nếu sự vật đã có đó, nó không cần được sinh ra. Thời điểm nó ra đời chỉ là thời điểm nó tiếp tục. Bạn được coi là một em bé mới sinh và ai cũng nghĩ ngày bạn ra đời là bắt đầu hiện hữu. Nhưng bạn đã hiện hữu tự trước ngày đó rồi.

Chết theo quan niệm của chúng ta là từ có bỗng nhiên trở thành không. Đang là một con người bạn không còn là gì nữa. Đó là một ý tưởng kinh khủng và vô nghĩa lý. Nếu một thứ chưa từng sinh ra thì nó có thể nào chết đi chăng? Bạn có thể nào làm cho tờ giấy biến mất, trở thành hư không thật sự chăng?

Tôi có thể làm chứng là tờ giấy chưa từng được sinh ra, vì sinh nghĩa là từ không trở thành có. Ý tưởng đó không hợp với sự thật. Bản chất chân thật của bạn là vô sinh. Bản chất của tờ giấy cũng là vô sinh. Bạn đã có đó rồi, từ lâu, rất lâu.

Bạn luôn luôn có đó

Khi còn nhỏ bạn có lẽ cũng thích chơi với cái kinh vạn hoa. Mỗi khi động đậy ngón tay là bạn tạo ra được một hình đồ màu sắc kỳ diệu. Chỉ cần động đậy một chút là bạn thấy hình đồ kia thay đổi. Hình mới cũng đẹp nhưng khác hình cũ. Bạn có thể nói các hình đồ trong kính vạn hoa đó sống rồi chết, nhưng là em bé, bạn không hề đau buồn về sự sống chết đó. Trái lại, bạn tiếp tục vui sướng nhìn các hình sắc khác nhau.

Nếu chúng ta có thể tiếp xúc được với bản chất của sinh tử, bạn sẽ không còn sợ hãi. Đó là bản chất của chân hạnh phúc. Khi nào trong bạn còn có cái lo sợ thì hạnh phúc của bạn không được hoàn toàn. Bồ tát Quan Âm đã hiến tặng chúng ta Tâm Kinh. Trong kinh đó chúng ta học được rằng thực tại là chân như, không bị ảnh hưởng bởi sống-chết, tới-lui, có-không hay thêm-bớt, nhơ-sạch.

64

Chúng ta đầy những khái niệm như thế, vì vướng vào các khái niệm như thế nên chúng ta đau khổ. Ta sẽ được giải thoát thật sự khi không vướng mắc vào các khái niệm đó.

Khi bạn tới một trung tâm thiền tập, bạn hy vọng trút bỏ được một số những khổ đau. Bạn hy vọng được nhẹ nhàng hơn. Nhưng sự giải thoát lớn nhất mà bạn có thể đạt tới là tiếp xúc được với bản chất chân thật của bạn, với tính vô sinh bất diệt. Đó là bài học sâu sắc nhất mà Bụt tặng cho chúng ta.

Không sáng tạo

Hãy nhìn đóa hoa hướng dương trong vườn. Bông hoa đó nhờ vào bao nhiêu yếu tố để có thể biểu hiện ra được. Có đám mây trong hoa vì nếu không có mây thì không có mưa, và hoa không mọc được. Có mặt trời trong hoa hướng dương. Chúng ta biết rằng không có ánh nắng thì không cây gì lớn lên được, nên không thể có hoa hướng dương. Chúng ta nhìn đất, nhìn các khoáng chất, nhìn người nông phu, người làm vườn, chúng ta xem xét thời gian, không gian, các ý tưởng, ý muốn phát triển và nhiều yếu tố khác. Hoa hướng dương tùy thuộc vào nhiều điều kiện để có thể biểu hiện, chứ không chỉ cần một thứ.

Tôi thích dùng từ biểu hiện hơn là từ sinh ra. Tôi cũng thích dùng từ biểu hiện đó thay vì dùng từ sáng tạo. Trong trí óc ta, sáng tạo có nghĩa là từ không trở thành một vật gì đó. Người nông phu gieo hạt hướng dương không sáng tạo ra hoa hướng dương. Nếu nhìn cho sâu, bạn sẽ thấy người đó chỉ là một trong các điều kiện làm cho hoa hướng dương hiển lộ. Có hạt hướng dương trong kho, có cánh đồng để trồng cây hướng dương, có mây trên trời để làm ra mưa, có phân bón, có mặt trời giúp cho cây lớn lên. Là nông dân, bạn không phải là người sáng tạo ra cây hướng dương. Bạn chỉ là một trong nhiều điều kiện. Các điều kiện kia cũng vậy. Tất cả đều

65

quan trọng như nhau trong việc làm cây hướng dương biểu hiện ra.

Khi bạn tới Làng Mai vào tháng bảy, bạn sẽ thấy hoa hướng dương trên khắp các ngọn đồi bao quanh làng. Hàng trăm ngàn bông hoa quay về hướng đông, mỉm cười rực rỡ. Nếu bạn tới Làng vào tháng năm hay tháng tư, các ngọn đồi đó còn trống. Nhưng người nông phu đi qua các đồi đó thì họ đã nhìn thấy hoa hướng dương. Họ biết cây hướng dương đã được trồng và mọi điều kiện đều đầy đủ rồi. Họ đã gieo hạt, đã làm đất sẵn sàng. Chỉ còn thiếu một điều kiện là hơi ấm, sẽ tới vào tháng sáu tháng bảy mà thôi.

Bạn không thể nói một sự vật là có đó chỉ vì nó biểu lộ ra. Bạn cũng không thể nói một sự vật là không khi nó chưa biểu lộ hay ngừng sự biểu lộ. Có và không, hiện hữu hay không hiện hữu, không áp dụng được vào thực tại. Nhìn sâu, bạn sẽ thấy thực tại không phải là chuyện có-không, hiện hữu hay không hiện hữu.

Khi Paul Tillich nói: “Thượng đế là nền tảng của mọi hiện hữu,” ta nên hiểu chữ hiện hữu đó không có nghĩa trái ngược với “không hiện hữu.” Xin mời bạn nhìn sâu vào khái niệm hiện hữu để có thể được tự do, không vướng mắc vào đó.

66

-5-

Bắt đầu lại

Trước khi chúa Jesus sinh ra thì Ngài ở đâu? Tôi đã hỏi nhiều người bạn Thiên chúa giáo câu hỏi này từ nhiều năm. Nếu chúng ta muốn nhìn sâu vào câu hỏi đó, ta phải tìm hiểu về cuộc đời và cái chết của Jesus như là những biểu hiện. Chúa không sinh ra từ hư vô được. Không phải chỉ từ Bethlehem mà Jesus trở thành một con người. Ngày Chúa ra đời chỉ là một sự biểu hiện; Jesus đã hiện hữu trước giây phút mà ta gọi là Giáng sinh đó. Vậy thì ta không nên gọi đó là đản sinh. Thật sự đó không phải là sự ra đời mà đó chỉ là một sự biểu hiện. Nhìn sự biểu hiện đó với con mắt trí tuệ, ta có cơ hội nhìn sâu vào con người Chúa Jesus. Ta có thể khám phá được sự thật về tính cách bất tử của Chúa. Ta có thể khám phá được tính cách vô sinh bất tử của bản chất chân thực của chính mình.

Người Thiên chúa giáo nói rằng Thượng Đế đã gửi người con duy nhất của Ngài là Jesus xuống thế gian. Vì có Thượng Đế, vì Jesus là một phần của Thượng Đế và là con Ngài, Jesus đã hiện hữu sẵn rồi. Ngày Chúa ra đời, dịp Giáng Sinh, chỉ là ngày Ngài biểu hiện ra chứ không phải mới sinh ra. Đó chỉ là ngày có sự biểu hiện.

Jesus vẫn còn biểu hiện trong nhiều ngàn phương cách. Ngài có mặt chung quanh bạn. Chúng ta cần tỉnh thức để nhận diện ra các biểu hiện của Ngài. Nếu bạn không có chú tâm và tỉnh thức thì bạn sẽ không thấy được các biểu hiện của Ngài. Buổi sáng khi đi thiền hành bạn có thể thấy Ngài biểu hiện trong một bông hoa, một giọt sương, trong tiếng hót của một con chim hay tiếng trẻ nô đùa trên sân cỏ. Chúng ta phải rất cẩn thận để không bị thiếu những điều đó.

67

Theo giáo pháp và trong các lý giải Phật giáo, chúng ta đều có chung nhau bản chất vô sinh bất diệt. Không chỉ loài người mà các loài vật, cây cỏ và đất đá cũng có cùng bản thể đó. Cái lá và bông hoa có chung bản chất không sinh không diệt. Bông hoa, cái lá hay đám mây đều có sự biểu hiện. Trong mùa Đông chúng ta không thấy hoa hướng dương hay con chuồn chuồn nào xuất hiện, ta không nghe chim cúc-cu hót. Hầu như chúng không hiện hữu trong mùa Đông. Nhưng ta biết quan niệm này sai. Vào đầu mùa Xuân, tất cả các sinh vật đó lại biểu hiện ra. Mùa Đông chúng đã ở một chỗ nào đó, dưới một hình thức biểu hiện khác, đợi cho các điều kiện thuận lợi mới lại xuất hiện. Cho rằng chúng không hiện hữu vào mùa Đông là một quan niệm sai lầm.

Qua đời không có nghĩa là mất đi

Ta cũng cần hỏi: “Nếu Jesus không sinh ra thì làm sao Ngài chết đi được? Dù cho bị đóng đinh, nhưng Ngài có ngừng hiện hữu không? Và Jesus có cần phục sinh không?”

Có thể nào việc đóng đinh Chúa không phải là cái chết của Ngài? Có thể đó là một sự ẩn tàng thôi? Bản chất thật của Ngài là vô sinh bất diệt. Đó là sự thật không chỉ dành cho Jesus. Trong ý nghĩa đó, đám mây cũng vậy, hoa hướng dương và tôi hay bạn cũng có cùng bản chất đó. Chúng ta không được sinh ra mà cũng không chết đi. Vì Jesus không bị chuyện sinh diệt ảnh hưởng nên chúng ta gọi Ngài là Chúa ngàn đời.

Nhìn vào sự vật bằng quan niệm biểu hiện là một sự hiểu biết sâu xa và có thực. Nếu người thân của bạn đã qua đời mà bạn nghĩ họ không còn hiện hữu, là một lầm lỗi. Hư không không thể trở thành một thứ gì. Hư không chẳng thể sinh ra một người nào đó. Đang từ có bạn không thể thành không. Đó là chân lý. Nếu người thương không còn biểu hiện ở hình tướng bạn thường thấy, đó không phải

68

vì người kia không còn hiện hữu. Nếu nhìn cho kỹ, bạn có thể tiếp xúc được với người kia ở các biểu hiện khác.

Một ngày tôi cầm tay người cha vừa mới chôn cất đứa con trai nhỏ của ông. Tôi mời ông đi với tôi để tìm con trong các hình tướng mới. Cậu bé đã tới Làng Mai khi còn rất nhỏ, cậu được tu học và rất ưa ăn chay. Cậu bé đã lấy tiền túi ra để nhờ tôi mua mận trồng trong Làng. Cậu muốn tham dự vào việc giúp các trẻ em đói bằng cách trồng mận. Biết rằng mỗi cây mận sẽ ra nhiều trái, cậu cũng biết rằng chúng tôi có thể bán mận và gửi tiền cho trẻ em đói ở thế giới thứ ba. Cậu bé cũng học thiền hành, thiền tọa và nghe giảng Pháp rất giỏi. Khi cậu bé bị ốm, tôi tới nhà thương ở Bordeaux thăm cậu. Bé nói: “Sư Ông, con sẽ đi thiền hành cho Sư ông.” Cậu rất yếu nhưng ráng bước xuống giường và đi mấy bước rất đẹp. Sau đó ít bữa cậu bé chết. Trong ngày hỏa thiêu cậu, tôi rảy nước thiêng và tụng Tâm kinh cho cậu ta. Một tuần sau, tôi cầm tay cha cậu, đi thiền hành và chỉ cho ông những hình tướng mới của cậu bé. Chúng tôi cùng nhau đi thăm cây mận tôi đã trồng cho bé, và khi ngồi đó trong ánh chiều tà, chúng tôi nhìn thấy cậu vẫy chào chúng tôi từ các chồi nụ trên cây.

Nhìn sâu vào thực tại, bạn có thể thấy được nhiều điều. Bạn có thể vượt thoát được nhiều khổ đau và đối diện được với nhiều nhận thức sai lầm. Nếu chúng ta bước một cách êm ả vào bản môn, chúng ta sẽ không còn bị chìm đắm vào biển trầm luân của đau buồn, sợ hãi và tuyệt vọng nữa.

Tái biểu hiện

Trong bản môn (bình diện tuyệt đối), chúng ta chưa bao giờ sinh ra và cũng chưa từng bị diệt đi. Trong tích môn (bình diện tương đối), chúng ta sống trong thất niệm và hiếm khi chúng ta biết sống thật sự. Chúng ta sống như người chết.

69

Trong cuốn tiểu thuyết Kẻ Lạ (Stranger) của Albert Camus, nhân vật chính trong cơn tuyệt vọng và giận dữ đã bắn chết một người. Anh ta bị kết án tử hình vì tội đó. Một ngày nằm trên giường trong phòng giam, anh nhìn lên ô vuông có lắp kính trên trần. Bỗng nhiên anh ta có sự tỉnh thức và tiếp xúc được một cách sâu xa với bầu trời xanh phía trên. Anh chưa bao giờ nhìn trời như thế cả. Albert Camus gọi đó là giây phút lương tri, tức là giây phút tỉnh thức, có chánh niệm. Đối với người tử tù, đó là lần đầu tiên anh ta tiếp xúc được với bầu trời và thấy rõ sự mầu nhiệm.

Từ lúc đó, anh muốn duy trì tình trạng tỉnh thức sáng láng ấy. Anh ta tin rằng đó là loại năng lượng duy nhất có thể giúp anh sống còn. Anh chỉ còn ba ngày trước khi bị hành hình. Anh ta thực tập một mình trong tù để duy trì sự tỉnh thức, giữ cho chánh niệm sinh động. Anh mong ước sẽ sống từng giây phút còn lại một cách tròn đầy và tỉnh thức. Ngày cuối cùng, một linh mục tới thăm anh để làm nghi lễ lần chót cho anh. Người tù không muốn mất thì giờ và chánh niệm vì lễ lạc. Anh từ chối nhưng sau lại mở cửa mời vị linh mục vô. Khi ông Cha đi khỏi, người tù nhận ra là ông đã sống như người chết. Ông đó không có phẩm chất chánh niệm, tỉnh thức gì cả.

Nếu bạn sống mà không tỉnh thức thì cũng như bạn chết rồi vậy. Bạn không thể gọi đó là đời sống. Nhiều người trong chúng ta sống như người chết vì thiếu tỉnh thức. Chúng ta mang cái thây chết của mình đi tới đi lui khắp nơi. Chúng ta bị lôi về quá khứ hay kéo tới tương lai, và chúng ta bị kẹt trong các dự án hay các sân hận, tuyệt vọng. Chúng ta không thực sự sống, chúng ta không tỉnh thức để được hưởng sự mầu nhiệm của sự sống. Albert Camus chưa từng học Phật pháp, nhưng trong tiểu thuyết đó, ông đã nói về trái tim của sự thực tập trong đạo Bụt, giây phút có lương tri, có tỉnh thức sâu xa, nghĩa là có chánh niệm.

Sự thực tập phục sinh hay tái biểu hiện là chuyện khả dĩ có thể xảy ra cho tất cả chúng ta. Chúng ta thực tập thì có thể được phục

70

sinh, trở về được với thân tâm nhờ những hơi thở và bước chân chánh niệm. Nó sẽ tạo ra sự hiện diện thật sự của chúng ta ngay giờ phút này và ở đây. Và chúng ta được sống lại. Giống như người chết được tái sinh. Chúng ta không còn bị quá khứ và tương lai ràng buộc, chúng ta tự do thiết lập liên hệ với hiện tại và ngay ở đây. Chúng ta hiện diện toàn phần lúc này và tại nơi này, và chúng ta sống thật sự. Đó là phép thực tập căn bản của đạo Bụt. Khi bạn ăn, uống, thở, đi hay ngồi bạn đều có thể thực tập sự phục sinh. Luôn luôn làm cho bạn được ở trong hiện tại và ngay tại đây, thiết lập sự có mặt hoàn toàn và sống động. Đó là phép thực tập phục sinh đích thật.

Thời khắc duy nhất để sống

Đã về, đã tới Bây giờ, ở đây Vững chãi, thảnh thơi Quay về nương tựa.

Tôi không thể thưởng thức được đời sống nếu tôi dùng nhiều thì giờ để lo âu về những gì đã xảy ra hôm qua hoặc sẽ xảy ra ngày mai. Chúng ta lo lắng về tương lai vì chúng ta sợ hãi. Nếu chúng ta sợ hãi hoài thì chúng ta không thể biết giá trị của sự sống và hạnh phúc của hiện tại.

Trong đời sống hàng ngày, chúng ta có khuynh hướng cho rằng hạnh phúc chỉ có mặt trong tương lai. Chúng ta luôn luôn mong đợi những điều tốt đẹp hơn, những điều kiện tốt để làm cho ta hạnh phúc. Chúng ta bỏ qua những gì đang xảy ra trước mắt. Chúng ta cố gắng đi tìm những gì làm cho ta cảm thấy vững vàng hơn, an toàn hơn. Nhưng chúng ta cũng thường xuyên lo sợ về những gì tương lai sẽ đem tới. Chúng ta lo mất việc làm, mất của cải, và những người ta thương. Vậy nên chúng ta cứ chờ đợi cái giây phút huyền diệu kia, vào một thời điểm nào đó sau này, khi

71

mà mọi chuyện xảy ra đúng như ý ta mong muốn. Nhưng đời sống chỉ có trong giây phút hiện tại. Bụt dạy: “Chúng ta có thể sống hạnh phúc ngay trong hiện tại, đó là những giây phút duy nhất mà ta co.”

Khi bạn trở về với lúc này và ở đây, bạn sẽ nhận diện được rằng nhiều điều kiện của hạnh phúc đã có mặt. Thực tập chánh niệm là thực tập trở về với hiện tại, lúc này và ở đây, để có thể tiếp xúc sâu sắc với chúng ta, với đời sống. Chúng ta phải tập để có thể làm được chuyện này. Dù cho ta thông minh và hiểu biết ngay, chúng ta cũng cần được huấn luyện mới sống được như thế. Chúng ta phải luyện tập để thấy được rằng các điều kiện của hạnh phúc đã có mặt tại đây rồi.

Nhà của ta

Căn nhà thật sự của ta là bây giờ và ở đây. Quá khứ đã không còn và tương lai thì chưa tới. “Đã về nhà, đã tới nhà, bây giờ và ở đây.” Chúng ta thực tập như thế.

Bạn có thể đọc bài kệ đó trong khi thiền hành hay thiền tọa. Bạn có thể thực tập bài kệ khi lái xe tới sở làm. Bạn chưa tới sở nhưng trên đường đi, bạn đã tới căn nhà của bạn, chính là giờ phút hiện tại. Và khi tới sở, đó cũng là nhà, vì khi vô đó, bạn cũng đang sống với bây giờ và ở đây.

Hãy cứ thực tập câu đầu tiên: “Tôi đã tới, tôi đã về nhà” là bạn đã có thể rất hạnh phúc rồi. Khi ngồi, khi đi hay khi tưới vườn rau, hay cho con ăn, lúc nào bạn cũng thực tập được “đã về, đã tới.” Tôi không còn chạy nữa. Tôi đã chạy suốt đời rồi và nay tôi quyết định dừng lại để thực sự sống cuộc đời mình.

72

Bạn chờ đợi gì nữa?

Người Pháp có bài hát “Người ta chờ điều gì để có hạnh phúc?” Khi tôi thực tập thở vào tôi đọc “đã về,” đó là một sự thành công. Bây giờ tôi hoàn toàn có mặt, tôi sống 100%. Giờ phút bây giờ trở thành ngôi nhà thật sự của tôi.

Khi thở ra tôi nói “đã tới nhà.” Nếu bạn không cảm thấy về tới, bạn sẽ tiếp tục chạy. Và bạn tiếp tục sợ hãi. Nhưng nếu bạn cảm thấy đã tới nhà, thì bạn sẽ cảm thấy không cần phải chạy nữa. Đó là chìa khóa bí mật của sự thực tập. Khi sống với hiện tại, ta có thể sống với hạnh phúc thật sự.

Thưởng thức mặt đất

Tôi kể chuyện này đã nhiều năm. Giả thử có hai phi hành gia lên mặt trăng. Khi tới nơi, họ bị tai nạn và họ biết chỉ còn đủ dưỡng khí cho hai ngày. Không hy vọng gì việc có người từ trái đất tới tiếp cứu. Họ chỉ còn hai ngày để sống. Nếu bạn hỏi họ lúc đó: “Bạn mong ước điều gì nhất?” Họ có thể trả lời: “Trở về nhà và được đi trên hành tinh trái đất.” Thế là đủ, họ sẽ không cần gì khác. Họ không cần là chủ nhân một công ty lớn, một người có tiếng tăm hoặc làm tổng thống Hoa Kỳ. Họ sẽ không muốn gì khác hơn là được trở về mặt đất, bước trên đó và thưởng thức từng bước chân, nghe các âm thanh của thiên nhiên và cầm tay người thương, nhìn ngắm mặt trăng.

Chúng ta nên sống mỗi ngày như những người được cứu thoát từ mặt trăng về. Chúng ta hiện đang sống trên mặt đất, nên ta cần biết thưởng thức từng bước chân trên mặt địa cầu quý giá, đẹp đẽ này. Thiền sư Lâm Tế đã dạy: “Phép lạ không phải là đi trên mặt nước mà là đi trên mặt đất.” Tôi rất quý lời dạy đó. Bước đi là hạnh phúc của tôi, dù đi tại những nơi đông người như phi trường hay ga xe lửa. Đi như thế, mỗi bước chân hôn lên mặt đất mẹ, chúng ta

73

có thể gây hứng khởi cho người khác làm theo. Chúng ta vui sống từng giây phút của cuộc đời.

74

-6-

Địa chỉ của hạnh phúc

Nếu bạn muốn biết Thượng Đế, chư Bụt và tất cả các vĩ nhân sống ở đâu thì tôi có thể chỉ cho bạn. Đây là địa chỉ: “Bây giờ và ở đây.” Có đủ thứ bạn muốn biết, kể cả khu bưu chính (zip code).

Nếu bạn có thể thở vào thở ra và bước đi với tinh thần “đã về – đã tới – bây giờ – ở đây” thì bạn sẽ thấy mình vững chãi và tự do hơn ngay lập tức. Bạn đã đứng vững được trong hiện tại, ngay tại địa chỉ chính thức của bạn. Không có gì thúc đẩy khiến bạn phải chạy hoặc sợ hãi. Bạn được giải phóng khỏi những lo âu quá khứ. Bạn cũng sẽ không còn bị bế tắc, nghĩ tới những gì chưa xảy ra và những gì bạn không kiểm soát được. Bạn được tự do, không còn mặc cảm phạm lỗi thời quá khứ và cũng không lo lắng về tương lai nữa.

Chỉ khi có tự do người ta mới có hạnh phúc. Số lượng hạnh phúc bạn có tùy thuộc vào số lượng tự do mà bạn có trong tâm. Đây không phải là tự do chính trị. Tự do là sự vượt thoát khỏi những tiếc nuối, sợ hãi, lo âu và buồn phiền. “Đã về, đã tới, bây giờ, ở đây.”

“Vững chãi, thảnh thơi” là những gì bạn cảm thấy, bạn trở thành, khi bạn tới được chỗ “bây giờ và ở đây.” Bạn không chỉ nói với mình như thế mà bạn sẽ thấy, sẽ cảm nhận được như thế. Làm vậy, bạn được bình an. Bạn sẽ chứng ngộ được Niết bàn, nước Chúa hoặc bất kỳ từ ngữ nào bạn muốn gọi nó. Ngay cả khi không âu lo, bạn cũng không thể có hạnh phúc nếu bạn không vững chải, thảnh thơi. Nuôi dưỡng sự vững chãi và thảnh thơi là món quà quý nhất chúng ta có thể tự cho mình.

75

An trú trong bản môn

“Tôi về an trú trong bản môn.” Bản môn là nền tảng của con người, là căn nguyên của chúng sinh. Bản môn, chân như hay Thượng đế, thần linh, không chia cách gì với chúng ta. Chúng ta luôn luôn ở trong đó. Bản môn không phải là một nơi nào cao tít mù khơi. Nhưng chúng ta phải về được căn nhà mình thì mới có thể an trú, mới sống được trong đó.

Giống như sóng và nước. Nếu nhìn một ngọn sóng ta sẽ thấy nó có khởi đầu và có chấm dứt. Ngọn sóng có thể cao hay thấp, nó có thể giống hay khác các ngọn sóng kia. Nhưng sóng luôn luôn được làm bằng nước. Nước là nền tảng của sóng. Sóng là sóng nhưng cũng là nước. Sóng có thể có bắt đầu, có kết thúc, có lớn, có nhỏ. Nhưng nước thì không có bắt đầu hay chấm dứt, không lên không xuống, không này không kia. Khi sóng nhận ra được chuyện này thì nó hết sợ hãi về chuyện khởi đầu, kết thúc, lên xuống, này kia.

Trong thế giới hiện tượng, chúng ta có thời gian và không gian, và những cặp đối đãi: đúng-sai; già-trẻ; nhơ-sạch. Chúng ta mong sự khởi đầu và sợ sự chấm dứt. Nhưng trong bình diện tuyệt đối không có những thứ đó, không có khởi đầu hay chấm dứt, không trước cũng không sau. Bình diện tuyệt đối là nền tảng của thế giới hiện tượng. Đó là nguồn gốc, là cỗi rễ liên tục của chúng sinh. Đó là Niết Bàn, là nước Chúa.

Nền tảng căn bản là Niết bàn, là bản thể tuyệt đối. Bạn cũng có thể được gọi là Thượng Đế hay là Vương quốc của Thượng Đế, là nước Chúa. Đó là nước. Bạn là sóng, đồng thời bạn cũng là nước. Bạn có bình diện tương đối và bạn cũng có bản thể tuyệt đối. Nếu chúng ta hiểu rằng bản chất thực sự của ta là vô sinh, bất diệt, không đến không đi, thì sự sợ hãi trong ta sẽ ra đi và những đau khổ sẽ biến mất.

Một con sóng không cần chết mới trở thành nước được. Nó chính là nước, ngay bây giờ và ở đây. Chúng ta cũng không cần chết mới

76

được vô nước Chúa. Nước Chúa chính là nền tảng bây giờ và ở đây của ta. Sự thực tập sâu sắc nhất của ta là làm sao nhìn thấy và tiếp xúc được với bình diện tuyệt đối trong ta mỗi ngày, với bản thể không sinh không diệt. Chỉ có sự thực tập đó mới giúp được ta hết hẳn lo sợ và đau khổ. Thay vì nói: “An trú trong bản môn,” bạn có lẽ sẽ thích hơn câu: “An trú trong nước Chúa” hay “An trú trong Tịnh độ.”

Buông bỏ buồn phiền

Giả thử có người chở bạn bằng máy bay phản lực tới nước Chúa hay Đất Tịnh của Phật. Khi tới đó, bạn sẽ đi đứng ra sao? Tới một nơi đẹp đẽ như thế, bạn có sẽ đi với các áp lực, chạy và lo lắng như bạn thường làm hay không? Hay bạn sẽ thưởng thức từng giây phút khi được ở Thiên đàng? Tại nước Chúa hay Tịnh Độ, người ta được tự do và biết hưởng cuộc sống từng giây phút. Vậy nên họ không đi đứng như chúng ta.

Tịnh độ không phải là nơi nào khác. Nó ngay tại đây, trong lúc này. Nó ở trong từng tế bào của ta. Khi chúng ta trốn chạy hiện tại, ta phá hủy vương quốc của Thượng đế. Nhưng nếu ta biết cách buông xả được những năng lượng của tập khí chạy nhanh, thì ta sẽ có hòa bình và tự do, và ta có thể bước đi như Bụt ở cõi tịnh độ vậy.

Hành lý ta mang theo sẽ quyết định cho ta được sống trong bình diện nào. Nếu bạn mang theo nhiều buồn phiền, sợ hãi và tham đắm, thì bạn đi tới đâu cũng chỉ gặp thế giới đau khổ như địa ngục mà thôi. Nếu bạn mang theo lòng từ bi, hiểu biết và thanh thản, thì đi đâu bạn cũng sẽ gặp được thế giới của Chân như, vương quốc của Thượng đế.

Người biết tu tập đi tới đâu, họ cũng biết chân họ được tiếp xúc với nước Chúa. Không có ngày nào tôi không bước trên vương

77

quốc của Thượng đế. Vì tôi thực tập từ bi và buông xả, chân tôi đi tới đâu cũng tiếp xúc được với vương quốc của Thượng đế, với bình diện tuyệt đối của mọi sự vật.

“Đã về, đã tới (nhà).” Nhà của sóng là nước. Nó ngay đó. Sóng không cần đi hàng ngàn hải lý để trở về nhà nó. Bài kệ trên rất giản dị và rất mạnh. Tôi mong bạn nhớ lấy bài kệ nhỏ đó để thực tập nhiều lần mỗi ngày. Như thế bạn sẽ tiếp xúc được với bản thể chân như và luôn luôn nhớ tới căn nhà thật sự của bạn.

Tập khí chạy đuổi

Chúng ta chạy đuổi ban ngày và chạy cả trong giấc ngủ. Chúng ta không biết cách ngừng lại. Chúng ta trước tiên thực tập để biết ngừng, sau đó là buông thư, bình tâm và định tâm lại. Khi ta có thể làm như vậy là ta trở về được bây giờ và ở đây. Và chúng ta sẽ vững chãi. Khi đã vững chãi, chúng ta có thể nhìn ra chung quanh. Ta có thể nhìn sâu vào lúc này, nhìn sâu vào bản chất của mình và khám phá ra bản thể chân như. Nhìn sâu ta sẽ thấy dù ta là sóng nhưng ta cũng là nước. Nhưng nếu ta không học để dừng lại được thì ta không thể định tâm và nhìn sâu. Chúng ta sẽ không buông bỏ được sợ hãi vì ta không đủ mạnh, không đủ vững chãi để nhìn ra chân lý không đến không đi.

Muốn thắng các tập khí của mình là chuyện rất khó khăn. Tiến sĩ Ambedkar nguyên nghị viên của quốc hội Ấn Độ, xưa thuộc giới bần cùng (Untouchable). Ông tranh đấu cho quyền lợi của giới này. Ông cảm thấy rất rõ rằng Phật giáo là niềm hy vọng để giúp cho giới bần cùng được an toàn và giữ được phẩm giá. Đạo Bụt không tin vào sự phân chia giai cấp. Vậy nên một hôm tại Bombay có năm trăm ngàn người Ấn cùng khổ tới để thọ Tam quy Ngũ giới với tiến sĩ Ambedkar. Tôi đã tới Ấn Độ để ủng hộ và giúp đỡ cộng đồng này. Chúng tôi nói pháp thoại và hướng dẫn những ngày thực tập chánh niệm.

78

Hãy tưởng tượng bạn lớn lên trong giai cấp bần cùng đó. Tưởng tượng mọi người chung quanh ai cũng bạc đãi bạn và bạn luôn lo sợ cho mạng sống của mình. Tưởng tượng bạn luôn luôn phải chiều lòng những người ở giai cấp cao hơn để được sống bình an. Bạn sẽ sống ra sao? Bạn có thảnh thơi và sống trong hiện tại được chăng? Hay là bạn lo lắng thường trực về tương lai. Tập khí lo lắng là thứ rất mạnh.

Người tổ chức chuyến đi Ấn Độ cho tôi cũng từ giai cấp cùng khổ. Anh ta sống ở New Delhi với vợ và ba con. Anh ta rất muốn làm cho chuyến đi của tôi thoải mái và thành công. Một buổi sáng chúng tôi ngồi trên xe buýt để đi tới một cộng đồng ở địa phương khác. Tôi thích thú ngắm cảnh qua khung cửa chỗ tôi ngồi. Khi quay lại nhìn anh bạn kia, tôi thấy anh rất căng thẳng. Tôi nói: “Anh bạn ơi, tôi biết anh rất muốn làm cho chuyến đi của tôi thoải mái và vui vẻ. Nhưng bạn biết không? Tôi đang hài lòng lắm ngay lúc này. Xin đừng lo âu nữa, hãy ngồi dựa lưng vô cho thoải mái.” Anh ta trả lời “dạ!” và có vẻ thoải mái hơn một chút. Rồi tôi lại quay ra cửa sổ, thực tập thở vào thở ra và thưởng thức những hàng cây cọ trong nắng sớm.

Tôi nghĩ tới những chiếc lá bối (lá cọ) ghi lại kinh điển của Bụt từ thời xa xưa. Lá bối dài và hẹp. Người ta dùng một mũi nhọn để ghi trên lá những lời dạy của Bụt. Họ giữ được hơn ngàn năm những bản kinh bằng lá đó. Tôi nhớ ở xứ Nepal người ta tìm ra được những bản kinh trên lá bối đã viết từ một ngàn năm trăm năm trước. Rồi tâm tôi lại hướng về anh bạn trẻ. Có lẽ chỉ hai phút sau, tôi quay lại và thấy anh ta lại trở nên cứng ngắc và căng thẳng rồi. Anh khó mà thảnh thơi được dù chỉ trong ít phút.

Là một người thuộc giai cấp cùng khổ, cả đời anh phải tranh đấu để sống. Bây giờ dù anh có một căn hộ xinh xắn tại ngay New Delhi và có việc làm tốt, tập khí luôn luôn tranh đấu của anh vẫn còn rất mạnh. Qua nhiều thế hệ, những người thuộc giai cấp bần cùng (untouchable) đó đã phải phấn đấu ngày đêm để sống còn. Tập

79

khí từ bao đời đó được truyền tới anh. Muốn chuyển hóa nó không phải là chuyện dễ. Anh ta cần thời gian và cần được huấn luyện. Với sự hỗ trợ của bạn cùng tu tập, trong vài tháng hay vài năm anh có thể chuyển hoá tập khí tranh đấu và căng thẳng đó được. Ai cũng có thể làm như vậy. Bạn có thể làm cho bạn thoải mái và thảnh thơi.

Nếu bạn muốn chuyển hóa tập khí chạy đuổi và căng thẳng, bạn cần nhận diện chúng ngay mỗi khi chúng ló đầu ra. Thở và mỉm cười, bạn nói: “Tập khí thân mến của ta ơi, ta biết em ở đó rồi!” Khi đó bạn sẽ được tự do. Bạn có thể tự nhắc nhở, tự huấn luyện mình. Bạn không thể có người bạn tâm linh nào suốt hai mươi bốn giờ mỗi ngày để nhắc nhở bạn. Tôi đã nhắc anh bạn kia và chỉ có hiệu quả được hai phút thôi. Anh ta phải tự làm. Ai cũng phải tự làm lấy. Bạn phải là người bạn của chính mình và sống trong môi trường nào mà có thể giúp được bạn.

Tập khí chạy rất mạnh trong chúng ta. Nó có thể đã được truyền qua nhiều thế hệ mới tới chúng ta. Nhưng bạn không cần trao truyền nó lại sau này. Bạn cần nói được với con cháu rằng bạn đã được bước đi trong vương quốc của Thượng đế. Bạn sẽ muốn nói với chúng như vậy, như tôi đã nói với các bạn tôi, rằng không ngày nào tôi không đi trong đó. Nếu bạn có thể làm như vậy, cuộc đời bạn sẽ là niềm hứng khởi cho nhiều người. Có lẽ bạn và con bạn sẽ luôn luôn được cùng bước đi trong Tịnh độ.

Buông bỏ hành lý

Ý muốn được đi trên đất tịnh hoài sẽ giúp ta buông bỏ được những chuyện ngăn cản không cho ta sống với hiện tại. Nó cũng sẽ giúp ta học được tánh xả bỏ những gì làm ta âu lo, để trở thành con số không. Khi nghĩ tới số không, ta thường nghĩ tới hư vô, không có gì cả. Ta nhìn thấy phía tiêu cực của nó. Nhưng số không cũng có thể rất tích cực. Nếu bạn mang một món nợ phải trả, đó là

80

số âm. Khi trả hết rồi thì tổng kết là zéro. Thật là kỳ diệu vì nay bạn được tự do rồi.

Trong thời Bụt tại thế, có một vị tăng tên là Baddhiya. Trước khi đi tu ông đã là một vị đứng đầu một tỉnh lỵ trong vương quốc Sakka, nơi Bụt ra đời. Sau khi giác ngộ, Bụt đã trở về quê hương để thăm gia đình. Nhiều người trẻ nhìn thấy hạnh phúc và thảnh thơi của Bụt, nên xin đi theo Ngài. Họ cũng muốn được tự do.

Trong nhóm người đó có Baddhiya. Trong ba tháng đầu tại tu viện, ông tu tập rất tiến bộ, nên nhìn sâu được nhiều điều. Một đêm khi thực tập trong rừng, ông mở miệng la lên: “Ôi hạnh phúc! Hạnh phúc của tôi!”

Khi làm tỉnh trưởng, Baddhiya đã ngủ trong những căn phòng đẹp đẽ, có nhiều lính canh gác. Ông ăn nhiều thứ mắc tiền và có nhiều người hầu hạ. Ngày nay ông ngồi dưới gốc cây, không có gì ngoài cái bát để khất thực và bộ áo nhà sư.

Một tăng sĩ khác ngồi gần Baddhiya nghe tiếng ông, lại tưởng ông này đang tiếc địa vị quyền thế và cuộc sống làm tỉnh trưởng ngày trước. Sớm hôm sau, vị tăng đó tới nói với Bụt những gì đã nghe. Bụt cho mời Baddhiya tới và trước tất cả tăng đoàn Bụt nói: “Này sư em Baddhiya, có phải đêm qua khi ngồi thiền Thầy đã nói câu ‘Ôi hạnh phúc! Hạnh phúc của tôi!’ phải thế không?” Baddhiya trả lời: “Dạ thưa Thế Tôn, đúng vậy.” Bụt hỏi: “Vì sao vậy? Thầy tiếc nuối điều gì chăng?” Baddhiya trả lời: “Trong khi ngồi thiền, con nhớ lại thời còn làm tỉnh trưởng, có bao nhiêu người hầu và người bảo vệ. Con luôn luôn thao thức vì sợ hãi. Con sợ người ta lấy cắp mất của cải, con sợ bị ám sát. Ngày nay ngồi thiền dưới gốc cây, con cảm thấy tự do quá. Bây giờ con không có gì để mất nữa, con hưởng được an lạc từng giây phút và cảm thấy chưa bao giờ sung sướng như bây giờ. Vì vậy mà con thốt lên “Ôi hạnh phúc! Hạnh phúc của tôi! Thưa Thế Tôn, nếu chuyện đó làm phiền tăng thân thì con xin sám hối.” Tới khi đó mọi người trong tăng đoàn

81

mới biết những lời nói của Baddhiya là để diễn tả hạnh phúc thật sự của ông.

Xin hãy lấy tờ giấy và cái bút. Tới một gốc cây ngồi xuống, hay ngồi ở bàn giấy của bạn, viết một danh sách tất cả những thứ làm cho bạn hạnh phúc ngay bây giờ và ở đây: đám mây trên trời, hoa trong vườn, trẻ nhỏ đang chơi đùa, sự việc bạn được gặp pháp môn thực tập tỉnh thức, người thương của bạn đang ngồi phòng kế bên và cặp mắt còn tốt của bạn. Danh sách dài vô tận. Bạn có đủ để có hạnh phúc ngay bây giờ. Bạn có đủ để buông bỏ được các ý niệm tới-lui, trên-dưới, sống-chết. Hãy nuôi dưỡng bạn bằng những điều mầu nhiệm mà đời sống cống hiến bạn. Hãy nuôi dưỡng bạn ngay lúc này. Hãy đi vào vương quốc của Thượng đế.

Chúng ta chạy theo cái gì?

Nếu chúng ta không có mặt thật sự và không sống cho chính ta hay cho người thân của ta thì chúng ta đang ở đâu? Chúng ta chạy, chạy đuổi, chạy theo, ngay cả khi ta ngủ nghỉ. Chúng ta chạy chỉ vì sợ mất những gì mà chúng ta đuổi theo kia. Thực tập phục sinh có thể giúp bạn.

Khi bạn trở về với chánh niệm hay tỉnh thức, khi năng lượng chánh niệm có mặt trong bạn, thì năng lượng Thánh linh có mặt. Thánh linh làm nên đời sống. Chúng ta thực tập để có mặt Thánh linh. Sống từng giây phút hiện tại với Thánh linh không phải là điều gì trừu tượng. Khi ăn cơm, ăn loại ngũ cốc trộn trái cây và hạt dẻ (Muesli) hay ăn đậu hũ, hãy ăn sao cho Thánh linh có mặt trong bạn. Khi đi, hãy làm sao cho Thánh linh đi với bạn.

Xin đừng chỉ thực tập theo hình thức. Mỗi lần đi thiền hành là một lần mới. Đi làm sao để bạn được mỗi bước chân nuôi dưỡng bạn. Mỗi bữa ăn là một bữa ăn mới, để bạn được nuôi dưỡng bằng

82

năng lượng Thánh linh hay năng lượng chánh niệm. Mỗi buổi thiền tọa cũng là một thời ngồi thiền mới mẻ.

Hãy ngồi cách nào để con người mới trong bạn biểu hiện ra được. Hãy thực tập với các bạn. Tăng thân đủ thông minh và bén nhạy để không bị mắc vào thói quen, và không còn đầu óc sáng tạo. Nhiều người trong chúng ta rất thông minh và có óc sáng tạo. Chúng ta nên dùng các khả năng đó để giữ cho sự thực tập sống động và đổi mới thường xuyên. Chúng ta có thể thực tập phép thiền quán này của đạo Bụt dù bạn là người Thiên chúa giáo, Hồi giáo, Ấn độ giáo hay Do thái giáo. Theo tôn giáo nào hay không có tôn giáo đều không phải là vấn đề.

Thực tập không phải là chỉ bắt chước về hình thức. Thực tập là phải dùng trí thông minh và tài khéo léo để nuôi dưỡng và chuyển hóa những con người chung quanh ta.

Bắt đầu lại

Khi bạn ăn bánh mì hay bánh bơ nướng (croissant) buổi sáng, hãy ăn cách nào để cái bánh trở thành đời sống. Hãy ăn như ăn bánh Thánh. Cảm thấy mình đang sống và đang tiếp xúc với tất cả vũ trụ. Nếu cái bánh là cơ thể chúa Jesus thì nó cũng là cơ thể của vũ trụ. Ta có thể nói: “Chiếc bánh này gồm tất cả vũ trụ.” Ăn với chánh niệm cho phép ta nhận diện được chiếc bánh như một phần của vũ trụ. Ăn như thế, bạn trở thành một con người mới. Hãy cho phép con người mới đó của bạn biểu hiện ra. Bạn có thể thực tập một mình hay với các anh chị em để giúp họ làm mới con người họ trong mỗi giây phút thực tập.

Khi chúng ta mới bắt đầu thực tập, ta có cái sơ tâm. Sơ tâm là một cái tâm rất đẹp. Bạn có hứng khởi muốn thực tập, muốn chuyển hóa tự thân, muốn có hòa bình an lạc. Niềm an vui đó sẽ lây sang người khác. Hãy làm bó đuốc và đem ngọn lửa của bạn châm cho

83

các bó đuốc khác. Thực tập như thế, bạn sẽ giúp cho hòa bình và an lạc trên thế giới lớn lên.

Mỗi người chúng ta nên thực tập phục sinh. Khi thành công ta sẽ giúp được người chung quanh. Đây là sự tu tập thực sự của một con người sinh động. Những gì chúng ta làm hàng ngày như đi, ngồi, ăn hay quét nhà, đều có mục tiêu làm cho chúng ta thực sự sống lại. Sống thực sự từng giờ từng phút, bạn tự đánh thức mình và sẽ đánh thức cả thế giới.

Tỉnh thức là bản chất của giáo pháp và thực tập. Bụt (Bud) có nghĩa là tỉnh thức. Người tỉnh thức là Buddha. Buddha (Bụt) là người dạy chúng ta giáo pháp và phép thực tập tỉnh thức. Mỗi chúng ta có thể chuyển hóa, biến mình thành một ngọn đèn, để giúp cho toàn thế giới thức tỉnh.

84

7

Tiếp tục biểu hiện

Bụt đã khuyên chúng ta không nên cho rằng giáo pháp là chân lý chỉ vì đó là lời giảng dạy của các vị thầy danh tiếng hoặc chỉ vì nó được ghi chép trong các kinh điển thiêng liêng. Kể cả các kinh điển Phật giáo. Chúng ta chỉ chấp nhận giáo pháp nào mà ta có thể đem ra thực tập, với sự tỉnh thức hiểu biết của chính ta, và thấy là mình thực chứng được các lời giảng đó. Bụt dạy bản chất của ta là vô sinh – bất diệt. Ta hãy coi lại xem điều này có đúng không.

Nếu bạn thắp một cây nến và để cho nó cháy tới hết, thì khi đó cây nến còn hay không? Bụt dạy không có hư vô. Chúng ta đã thấy điều này là đúng thật. Và ta cũng biết quan niệm thường hằng, còn mãi không đúng với mọi sự vật. Vậy thì chân lý là điều nằm đâu đó, ở giữa hai nhận thức này. Chúng ta cần nhìn cho sâu với tất cả định tâm của ta.

Bạn có nghĩ rằng ngọn lửa của cây nến chỉ đi xuống theo một chiều dọc mà thôi? Nếu nghĩ như vậy thì bạn đã nhìn ngọn lửa theo thời gian. Bạn có thể cũng nghĩ như thế về cuộc đời bạn: nó đi theo chiều dọc và một ngày nào nó sẽ chấm dứt. Bạn có thể nghĩ mình được sinh ra đời vào một điểm nào đó trên đường dọc, điểm mà bạn gọi là năm 1960. Bạn có thể nghĩ mình sẽ chết tại một điểm nào đó ở phía dưới của đường dọc đó, chẳng hạn năm 2040. Bạn chỉ nhìn thấy bạn di chuyển theo thời gian giống như ngọn nến kia. Nhưng bạn không chỉ đi theo một đường thẳng đâu.

Bạn có thể nghĩ là ngọn nến chỉ ngắn lại. Bạn có thể nghĩ ngọn nến sẽ chết. Thực ra ngọn lửa của nến đi theo nhiều hướng khác nhau. Nó tỏa ánh sáng ra khắp chung quanh: đông, tây, nam, bắc, đủ hướng hết. Nếu bạn có một dụng cụ khoa học tinh vi, bạn có

85

thể đo được sức nóng và ánh sáng mà ngọn nến đã gửi vào vũ trụ. Ngọn nến cũng đi vào trong bạn bằng hình ảnh, ánh sáng và hơi nóng.

Bạn cũng giống như ngọn nến. Bạn tưởng tượng mình cũng tỏa ánh sáng ra chung quanh. Tất cả các lời nói, tư tưởng và hành động của bạn đi theo đủ mọi hướng. Nếu bạn nói câu nào tử tế, những lời đó cũng đi theo nhiều hướng, và bạn cũng đi cùng với chúng.

Chúng ta chuyển hóa và tiếp tục biểu hiện ở những hình thái khác vào mọi lúc. Sáng nay bạn nói điều gì không dễ thương với con bạn. Với những lời lẽ khó thương đó, bạn đi vào trong con. Nay bạn hối tiếc những lời đó. Không phải là bạn không thể chuyển hóa những lời đó bằng cách nhận lỗi với con, nhưng nếu bạn không làm vậy thì những lời khó thương kia sẽ ở với con bạn một thời gian dài.

Ba bình diện

Lúc này tôi đang viết một cuốn sách Phật pháp. Đó là sự hiểu biết của tôi và sự tu tập của tôi. Khi tôi viết một cuốn sách Phật pháp, tôi không đi theo chiều thẳng. Tôi đi vào bạn, và tôi được hóa thân dưới nhiều hình thức khác nhau trong bạn. Trong đạo Bụt chúng ta nói tới ba bình diện: thân, khẩu và ý, trong bất cứ giây phút nào của đời sống. Xin ráng nhìn và hiểu điều này. Bạn không cần phải đợi tới lúc thân thể tan rã mới bắt đầu cuộc tái sinh.

Mỗi giây phút chúng ta đều được sinh ra và chết đi. Chúng ta tái sinh ra không chỉ trong một hình tướng mà trong nhiều hình tướng. Tôi tưởng tượng tới một cái pháo. Khi bạn đốt pháo nó không đi theo chiều dọc mà đi theo nhiều hướng, ánh sáng tóe lên theo đủ các phương. Vậy, không nên nghĩ rằng bạn chỉ đi theo một hướng thôi. Bạn cũng giống như cái pháo. Bạn đi vào trong con cái, bạn bè và tất cả thế giới.

86

Buổi sáng khi ngồi thiền, hai bên tôi đều là các vị tăng sĩ. Tôi đã tái sinh trong họ khi ngồi thiền chung với họ. Nếu bạn nhìn kỹ bạn sẽ thấy tôi trong họ. Tôi không đợi tới lúc chết mới tái sinh. Tôi đang được tái sinh ngay lúc này, và tôi mong được tái sinh theo hướng tốt đẹp. Tôi muốn truyền cho các đệ tử tại gia và xuất gia của tôi những gì tốt đẹp, hạnh phúc nhất của đời tôi, để họ có đời tái sinh tốt đẹp cho tôi và cho họ.

Si mê, hờn giận và tuyệt vọng không nên tái sinh. Khi chúng được tái sinh, chúng chỉ mang tới cho thế giới thêm khổ đau và đen tối hơn mà thôi. Càng nhiều tình thương và hạnh phúc tái sinh càng tốt, vì nó sẽ làm cho thế giới hạnh phúc hơn, tốt đẹp hơn, dễ thương hơn.

Một ngày kia khi thức giấc, tôi nhớ tới một câu hát dân ca: “Cha mẹ tôi đã để cho tôi bao phước đức.” Đó là tính rộng rãi bao dung, tình thương, hạnh hỷ xả và khả năng đem vui tới cho mọi người. Cha mẹ tôi đã để lại gia tài quý báu cho tôi. Con cái là sự tiếp nối của chúng ta. Chúng ta là con trẻ và trẻ con cũng là chúng ta. Nếu bạn có con, một hay nhiều đứa, là bạn đã tái sinh trong chúng rồi. Bạn có thể nhìn thấy sự tiếp nối của bạn nơi con cháu, nhưng bạn cũng nhìn thấy nhiều thân tiếp nối khác nữa. Sự tiếp nối xảy ra trong những người mà bạn tiếp cận. Và bạn không thể biết thân, khẩu và ý của bạn đã tiếp xúc được với bao nhiêu người.

Tặng hơi ấm và ánh sáng

Khi ngọn nến tỏa ánh sáng và hơi nóng ra chung quanh, thì ánh sáng và hơi nóng đó là tiếp nối của ngọn nến. Hai thứ đó đi ra ngoài nến theo chiều ngang. Muốn như vậy, ngọn nến phải cháy theo chiều dọc. Nếu không có chiều ngang thì không thể có chiều dọc, và nếu không có chiều dọc thì cũng không có chiều ngang.

87

Hãy tự hỏi: “Sau đây tôi sẽ đi tới đâu?” Hành động và lời nói mà chúng ta đang sản xuất ra lúc này đưa chúng ta đi trên một hướng thẳng. Nó cũng đưa ta đi theo chiều rộng khi nó tuôn chảy và có ảnh hưởng lên thế giới chung quanh ta. Chúng có thể làm cho thế giới tốt đẹp sáng sủa hơn. Sự tốt lành đó có thể đi vào tương lai. Chúng ta không nên chỉ nhìn con người chân thật của chúng ta theo chiều dọc mà thôi.

Khi tôi pha một bình trà ô-long, tôi bỏ lá trà vào ấm rồi đổ nước sôi lên. Năm phút sau là có trà để uống. Khi tôi uống, trà ô-long đi vào tôi. Tôi chế thêm nước sôi, làm ấm trà thứ hai và trà pha từ các lá trà kia tiếp tục đi vào trong tôi. Sau khi tôi lấy hết trà ra, còn lại trong ấm chỉ là bã trà. Những lá trà còn lại đó chỉ là một phần rất nhỏ của trà. Phần trà đi vào tôi lớn hơn nhiều, đó là phần tốt đẹp phong phú của trà.

Chúng ta cũng vậy. Tinh túy của chúng ta đã đi vào con cháu, bạn bè và tất cả vũ trụ. Chúng ta nên tìm mình trong những bình diện đó, đừng tìm trong bã trà. Tôi mời bạn nhìn vào những hóa sinh của bạn trong các hình tướng mà bạn nói không phải là bạn. Bạn phải nhìn thấy bạn trong những thân khác với thân bạn, gọi là ngoại thân.

Bạn không cần phải đợi tới khi lửa tắt mới tái sinh. Tôi được tái sinh nhiều lần trong ngày. Mỗi giây phút đều tái sinh. Sự tu tập của tôi là làm sao được tái sinh trong các biểu hiện mới, có thể mang tới ánh sáng, tự do và hạnh phúc cho thế giới. Trong phép tu tập, tôi không cho phép các hành động sai lầm được tái sinh. Nếu tôi có những ý nghĩ xấu hay nếu ngôn từ của tôi có sân hận trong đó, thì chúng sẽ tái sinh. Rất khó mà đuổi bắt chúng và cất chúng đi được. Chúng giống như ngựa phi. Chúng ta cần ngăn chặn không để cho thân, khẩu và ý đưa ta tới những hướng hành động, nói năng, và suy nghĩ bất thiện.

88

Vượt qua sinh tử

Nếu không có sinh diệt trong từng giây phút thì chúng ta không thể tiếp tục sống. Trong mọi lúc, nhiều tế bào trong cơ thể bạn phải chết đi để bạn tiếp tục sống. Không chỉ các tế bào mà tất cả các xúc cảm, tri giác, tâm hành trong dòng sông tâm thức đều sống chết mỗi phút giây.

Tôi nhớ có ngày một thân hữu đã mang tro của cha anh tới xóm thượng Làng mai. Anh xin được trải tro trên đường thiền hành và tôi đồng ý. Anh ta có thể nghĩ rằng cha anh chỉ để lại tro trên con đường đó. Nhưng thực ra, khi còn sống, ông đã đi thiền hành trên con đường này. Chúng tôi làm lễ trải tro. Sau đó tôi nói với cả nhóm: “Mỗi chúng ta đều đã để lại thân thể của mình trên đường thiền hành này, không chỉ có người mới chết đây mới để lại tro. Mỗi khi thực tập thiền hành trên con đường này, chúng ta đều để lại nhiều tế bào.”

Khi nào bạn bị xước da cũng đều có hàng ngàn tế bào da đã chết rơi xuống đất. Khi bạn đi thiền hành, không những bạn để lại các tế bào da mà còn để lại trên đường cả những cảm thọ, nhận thức, và các tâm hành nữa. Dù cho bạn tới Làng Mai một giờ hay một tuần, sau khi bạn rời làng, bạn cũng đã để lại nhiều dấu vết. Những tế bào của bạn trên đường thiền hành trở thành cỏ và hoa dại. Các tiếp nối của thân bạn vẫn có mặt tại Làng Mai. Nó cũng có trong con cháu bạn, trong mỗi phần của trái đất. Khi ngọn lửa của cây nến đi tới phần chót của tim nến và tắt đi, nó vẫn có đó. Bạn không thể tìm được nó nếu chỉ nhìn theo bề dọc. Bạn phải tìm nó theo bề rộng nữa.

Trong truyền thống Tây Tạng, khi một vị đại sư chết, các tăng sĩ đợi khoảng hai năm rồi đi tìm biểu hiện thân mới của vị Thầy mình. Hóa thân được gọi là Tulku, theo tiếng Tây Tạng. Vị đại sư có thể để lại một bài thơ lúc sắp mất, trong đó người ta cho rằng có những ẩn dụ để họ tìm được hóa thân của Ngài. Dùng bài thơ đó

89

các môn sinh của ông đi tìm một em bé có thể là đời sau của Thầy. Họ đi tới căn nhà đứa bé đang sống, mang theo nhiều vật dụng của Thầy họ vẫn dùng như chuông, tràng hạt, tách trà. Họ trộn lẫn các thứ đó với những đồ tương tự. Em bé phải lấy ra được những món đồ của vị Lạt Ma trước. Như vậy, em qua được thử thách và được coi như hóa thân của người chết. Các vị thầy tăng đồ đệ của vị Lạt Ma xưa, sẽ xin phép cha mẹ để mang em bé về tu viện để em sẽ trở thành Thầy của các thế hệ sau.

Truyền thống đó rất dễ thương. Các môn sinh thương quý ông thầy tới độ họ muốn giữ thầy lại với họ dù ông đã qua đời. Tôi thường nói với các bạn tôi tại Làng Mai rằng họ đừng chờ tới khi tôi chết mới đi tìm thân tiếp nối của tôi. Họ cần tìm tôi ngay lúc này vì tôi đã hóa thân ra thành nhiều thiếu nhi rồi. Nếu bạn đứng cạnh tôi bây giờ, bạn có nhìn thấy các em bé – những người con tinh thần của tôi bên cạnh đây không? Đó là các tiếp nối của tôi. Tôi có hàng trăm thân tiếp nối trong những người trẻ đang tiếp tục thực tập tỉnh thức. Nếu bạn nhìn bằng pháp nhãn, bạn sẽ thấy tôi đã tái sinh ra trong nhiều hình tướng.

Dù cho sách và Pháp thoại của tôi không được phép ấn hành tại Việt Nam, tôi vẫn có mặt. Các bài giảng của tôi vẫn được lưu hành rộng rãi, dù pháp luật không cho phép. Những người công an tịch thu sách tôi rồi đem về đọc lén. Người khác đem in chui. Tức là tôi tiếp tục ở Việt Nam. Có các tăng ni trẻ tu tập theo pháp môn tôi giảng dạy. Nếu bạn đi Việt Nam bạn sẽ thấy tôi ở đó. Cái thân tôi mà bạn nhìn thấy đây chỉ là một biểu hiện của tôi. Sự có mặt của tôi bên Việt Nam ảnh hưởng vào đời sống tinh thần, văn hóa và người trẻ bên đó. Ai nói rằng tôi không ở Việt Nam là người không có pháp nhãn.

Tôi đã giảng dạy trong nhà tù, và các cuốn sách của tôi được phát hành trong các trung tâm cải huấn Hoa Kỳ. Nhiều tù nhân đọc và thích thú. Một hôm tôi viếng thăm một nhà tù có mức độ canh chừng cao nhất Mỹ, ở Maryland. Họ canh phòng nghiêm mật tới

90

độ con kiến cũng khó lọt vô đó mà không bị phát hiện. Tôi dạy cho tù nhân cách sống tự do tại bất cứ nơi nào. Bài này đã được in thành tập sách mỏng. Nhiều bản in được phát cho tù nhân để họ có thể thực tập, mỉm cười và bớt đau khổ. Họ cố tìm niềm vui ngay cả trong đời sống tù tội. Và tôi biết nay tôi cũng đang ở trong nhà tù. Tất cả những tù nhân tiếp xúc được với giáo pháp của tôi đều là tiếp nối của thân tôi. Khi bạn nhìn tôi, xin đừng nhìn cái thân này mà nên nhìn ra ngoài.

Pháo bông

Nếu mỗi ngày bạn tập đi ra ngoài theo chiều rộng và tái sinh trong mỗi giây phút, thì bạn có thể tìm được bạn của tương lai trong bình diện rộng đó. Bạn giống như một cái pháo bông có thể tắt bất cứ lúc nào. Pháo bông tỏa vẻ đẹp của nó ra chung quanh. Với tư tưởng, lời nói và hành động, bạn có thể tỏa rạng vẻ đẹp ra ngoài. Vẻ đẹp và tính thiện đó sẽ đi vào bạn bè, con cháu bạn và đi vào thế giới. Nó không thể mất được, và bạn đi vào tương lai theo cách đó.

Nếu bạn nhìn vào mình theo phương pháp đó, bạn có thể thấy được tiếp nối của bạn trong tương lai. Bạn sẽ không bị vướng vào ý niệm bạn sẽ trở thành hư vô. Bạn sẽ không còn nghĩ rằng bạn không còn hiện hữu sau khi chết. Sự thật là bạn không còn hoài, nhưng bạn cũng không bị mất hết, trở thành hư vô.

Bạn có thể nhìn thấy bạn đã tái sinh trong từng phút giây thời quá khứ chăng? Tất cả tổ tiên đang tiếp tục sống trong bạn, và khi bạn chuyển hóa tập khí mà họ đã truyền cho bạn tức là bạn đã được tái sinh trong thời quá khứ rồi. Tỷ dụ như vì nhu cầu luôn luôn phải làm việc để sống còn, có thể tổ tiên của bạn đã có tập khí luôn luôn chạy. Họ không có thời gian để ngừng lại, thở và tiếp xúc với những mầu nhiệm mà cuộc sống dâng tặng. Bạn cũng thế, thường chạy như vậy. Nhưng nay bạn đã biết thực tập. Nay

91

bạn có thể dừng lại, thở và tiếp xúc với các mầu nhiệm của đời sống thay cho tổ tiên. Có lẽ tổ tiên huyết thống và tổ tiên tâm linh của bạn cũng có những nét đẹp mà cha mẹ và vị thầy tâm linh của bạn đời này đã không biểu hiện ra hết được. Nay bạn có thể khám phá lại được những nét đẹp đó trong mình, và bạn làm sống lại những gì tưởng như đã mất. Đó cũng là sự tái sinh trong quá khứ.

Tôi biết một anh cựu chiến binh Mỹ đã qua Việt Nam. Các du kích quân đã giết đồng đội của anh và anh quyết định trả thù những người dân trong làng mà bạn anh đã chết. Anh ta làm thuốc nổ bằng bánh mì kẹp nhân và để bánh ở đầu làng. Mấy đứa trẻ tới đó, nhìn thấy bánh mì liền lấy ăn. Mấy phút sau, chúng quằn quại rên la vì đau đớn. Cha mẹ chúng chạy tới nhưng đã quá trễ. Đó là một làng hẻo lánh không có xe cứu thương và phương tiện y tế, và trẻ không được chở tới nhà thương kịp thời. Cả năm đứa bé đều chết.

Sau khi trở về Mỹ, người lính kia không thể nào quên được tội lỗi của mình. Mẹ anh anh ủi: “Con ơi, đó là những chuyện xảy ra khi có chiến tranh. Con không nên khổ tâm về chuyện ấy.” Nhưng anh vẫn rất đau khổ. Khi nào gặp trẻ em trong một căn phòng là anh chịu hết nổi, anh phải chạy ngay ra ngoài.

Trong một chuyến đi Hoa Kỳ, các cựu chiến binh Mỹ tổ chức một khóa tu dành riêng cho họ. Tôi dạy họ cách đi, cách thở để chuyển hóa sợ hãi, mặc cảm tội lỗi, và đau khổ. Tôi nói với cựu chiến binh trên: “Anh đã giết năm đứa trẻ, đó là chuyện thật, nhưng anh có thể cứu mạng hàng trăm trẻ khác. Anh có biết rằng hàng ngày có tới mười ngàn trẻ em bị chết vì thiếu thuốc men và thực phẩm hay chăng? Anh có thể đem thức ăn và thuốc tới cho một số trẻ đó.” Anh ta thực tập như tôi dạy, con người đó – hai mươi năm trước đã giết năm em nhỏ – anh được tái sinh ngay lập tức trong quá khứ, trở thành con người cứu được hàng vài chục trẻ em.

92

Tập nhìn sâu như thế, những tiếc nuối, tự ty nơi bạn sẽ được chuyển hóa. Bạn sẽ có nguồn năng lượng mới, không chỉ tỏa sáng trong quá khứ mà còn tỏa sáng trong thời hiện tại và tương lai nữa.

93

-8-

Sợ hãi, chấp nhận và tha thứ

Nhiều người trong chúng ta thường hỏi rất nhiều lần câu hỏi “Vì sao tôi phải chết?” Câu hỏi quan trọng hơn bạn nên hỏi chính bạn là: “Chuyện gì xảy ra trước khi tôi lìa đời?” Bạn nên tới người thân yêu của bạn và hỏi: “Em (hay anh) yêu, em vẫn là người anh cưới ba mươi năm trước hay em là người khác? Vì sao em tới đây? Em sẽ đi về đâu? Vì sao anh lại phải khóc khi em chết đi?” Đó là những câu hỏi rất quan trọng mà nếu chỉ dùng trí khôn, thì ta không thể trả lời. Chúng ta cần điều gì sâu lắng và hoàn hảo hơn để trả lời những câu hỏi này.

Phép thực tập địa xúc (lạy xuống sát đất) có thể giúp ta tiếp xúc được với bản chất vô sinh bất diệt. Nếu ta thực tập địa xúc như Bụt đã thực tập thì ta có thể đạt tới trí tuệ thật sự.

Trong kinh nói rằng một ngày trước khi Bụt thành đạo, Ngài còn chút nghi ngờ về khả năng tỉnh thức tuyệt đối của mình. Ngài đã khá tự tin nhưng có điều gì đó khiến Ngài còn thắc mắc. Ngài bèn thực tập phép địa xúc. Ngài dùng hai bàn tay tiếp xúc với mặt đất để chuyển hóa mối nghi kia. Ngày hôm sau, hoàng tử Siddharta trở thành Bụt Thích Ca.

Trong các chùa tại Á Châu, bạn nhìn thấy các tượng Bụt để một tay chạm mặt đất. Địa xúc là phép thực tập rất sâu có thể giúp ta chuyển hóa sợ hãi, nghi ngờ, thiên kiến và giận dữ.

94

Tiếp xúc với cả hai bình diện

Bình diện tuyệt đối (bản môn) và bình diện tương đối (tích môn) là hai thực tại liên hệ hỗ tương nhau. Nếu bạn có thể tiếp xúc sâu sắc với một thì bạn cũng tiếp xúc được với bình diện kia. Chúa Jesus có thể được nói tới như là một người con của thường dân và cũng là con của Thượng đế. Là con người thường, Ngài thuộc vào tích môn và trong bản môn, Chúa là con Thượng đế.

Có một vị Bụt trong lịch sử và cũng có một vị Bụt vượt không gian và thời gian. Chúng ta tất cả đều như vậy. Chúng ta thuộc về tích môn, khi sống đời hàng ngày, nhưng ta cũng có một bình diện bản môn, khi ta tập sống về tâm linh. Nếu chúng ta có thể sống với bình diện tuyệt đối cùng lúc với bình diện tương đối thì ta sẽ không còn sợ hãi. Khi không sợ hãi nữa thì có chân hạnh phúc. Ngọn sóng có quyền sống như một ngọn sóng, nhưng nó cần học cách sống như nó là nước vì nó không phải chỉ là sóng mà thôi. Nó cũng là nước. Và nước thì sống mà không sợ hãi như sóng.

Lạy sát đất là một phương pháp dễ làm và có hiệu quả để tiếp xúc với bản môn. Thực tập phép này một ngày kia bạn sẽ tiếp xúc được với bản chất vô sinh bất diệt. Và từ lúc đó bạn sẽ dứt hẳn được các mối lo sợ. Bạn sẽ trở thành con người cưỡi trên sóng sinh tử một cách oai phong vì bạn không còn bị sợ hãi và phiền giận lay động nữa.

Tiếp xúc với đất trong tích môn

Hãy tưởng tượng thời gian như một đường thẳng dọc. Đặt mình vào một chỗ, như đang đứng trên trục thời gian đó, quá khứ phía trên và tương lai phía dưới. Coi các thế hệ tổ tiên đã tới trước bạn, trong đó trẻ nhất là cha mẹ của bạn. Tất cả đều ở trên cái trục thời gian. Dưới bạn, nhìn về con, cháu, chắt vv… và tất cả các thế hệ tương lai. Nếu không có con, bạn có thể coi con cháu là những

95

người tiếp nối của các nhân vật bạn đã tiếp xúc đời này, và tất cả những ai mà bạn đã ảnh hưởng đến họ.

Trong bạn có tổ tiên huyết thống và tổ tiên tâm linh. Bạn tiếp xúc với sự hiện diện của cha mẹ trong từng tế bào của cơ thể bạn. Họ thật sự có mặt tại đó, cũng như ông bà, cụ cố của bạn. Làm vậy bạn sẽ nhận thức được mình là tiếp nối của họ. Bạn có thể nghĩ tổ tiên không còn hiện hữu, nhưng ngay cả các khoa học gia cũng cho rằng tổ tiên bạn còn trong bạn, trong các “gien” (genes) di truyền, nghĩa là trong từng tế bào của bạn.

Đối với các thế hệ con cháu cũng vậy. Bạn sẽ hiện diện trong từng tế bào của chúng. Và bạn cũng hiện diện trong tâm thức của những người mà bạn đã tiếp xúc. Đây là sự thật, không phải chuyện tưởng tượng. Đây là cái lạy, là địa xúc thứ nhất.

Hạt và cây

Hãy nhìn cây mận. Trong mỗi trái mận trên cây có một cái hạt. Hạt đó chứa đựng cây mận và tất cả những thế hệ trước nó. Hạt mận chứa đựng hằng hà sa số cây mận. Trong hạt mận có sự hiểu biết thông minh là làm sao để trở thành một cây mận, làm sao để thành ra cành, lá, hoa và trái mận. Nó không thể tự mình làm như vậy được. Nó chỉ có thể làm được vậy khi nó đã tiếp nhận được kinh nghiệm và gia tài của bao thế hệ tổ tiên. Bạn cũng vậy. Bạn có trí tuệ và thông minh để trở thành một con người vì bạn đã thừa hưởng từ muôn đời trí tuệ không những của tổ tiên huyết thống mà còn của tổ tiên tâm linh nữa.

Tổ tiên tâm linh có trong bạn vì bản chất trời sinh của bạn và sự dưỡng dục bạn nhận được là hai thứ không thể tách rời. Dưỡng dục thay đổi bản chất di truyền. Tâm linh và sự tu học của bạn, là một phần của đời sống hàng ngày, cũng có mặt trong từng tế bào

96

của bạn. Vậy nên các vị thầy tâm linh cũng có trong mỗi tế bào của bạn. Bạn không thể chối bỏ sự hiện hữu của họ.

Bạn có những vị tổ mà bạn ngưỡng mộ. Bạn cũng có những vị tiền nhân với nhiều tính tiêu cực mà bạn không hãnh diện gì, nhưng họ vẫn là tổ tiên của bạn. Một số người trong chúng ta có cha mẹ tuyệt vời, những người khác có cha mẹ rất đau khổ và họ làm cả gia đình khổ theo. Bạn có thể có các thầy tâm linh không giúp gì bạn và gia đình bạn trong việc biết đạo và sống đạo. Bạn có thể không kính trọng họ, nhưng họ vẫn là tổ tiên của bạn.

Chấp nhận

Chúng ta cần quay về với chính mình và ôm lấy tổ tiên huyết thống cũng như tổ tiên tâm linh của mình. Chúng ta không thể bỏ lơ họ được. Họ là một thực tại và họ có đó. Họ là một phần thân thể và tâm hồn của chúng ta.

Khi bạn lạy xuống đất lần thứ nhất, hãy chấp nhận tất cả tổ tiên với bản chất của họ. Đây là điều quan trọng. Chấp nhận một cách vô điều kiện là bước đầu để mở được cánh cửa kỳ diệu của tha thứ. Jesus đã nói: “Xin hãy tha tội cho chúng con đã xâm phạm kẻ khác và cũng tha tội cho kẻ khác đã xâm phạm chúng con.” Chúa hiểu rằng bước đầu của sự tha thứ là chấp nhận người khác như họ đang là họ, dù họ có làm hại ta.

Muốn chấp nhận kẻ khác như bản chất của họ, chúng ta bắt đầu từ chính mình. Nếu chúng ta không thể chấp nhận được chúng ta như ta đang là ta, ta sẽ không bao giờ chấp nhận được người khác. Khi tôi nhìn lại tôi, tôi thấy những điều tốt đẹp, tích cực và có thể nói là đáng khen nữa. Nhưng tôi biết mình cũng có một phần tiêu cực trong người. Vậy, trước hết tôi cần nhận biết và chấp nhận chính tôi.

97

Khi nào thực tập địa xúc ta cũng thực tập thở có chánh niệm, dù là thực tập trước một tảng đá, ngọn núi, trước một bông hoa hay trước bàn thờ trong nhà. Thở vào thở ra, bạn quán tưởng hình ảnh của tổ tiên, bạn sẽ nhìn thấy các ưu điểm và nhược điểm của họ. Hãy quyết tâm chấp nhận tất cả đều là tổ tiên của mình, không ngần ngại gì hết. Sau đó, bạn lạy xuống, để hai đầu gối tiếp xúc với đất, rồi hai tay, và trán nữa. Giữ tư thế phủ phục đó trong khi quán tưởng hình ảnh họ:

“Thưa Chư Tổ, con là các Ngài với tất cả sức mạnh và yếu đuối của quý vị. Con nhìn thấy những hạt giống tiêu cực và tích cực trong quý vị. Con hiểu rằng các Ngài đã may mắn nên các hạt giống từ bi, vô úy đã được tưới tẩm. Con cũng hiểu rằng quý Ngài đã không may có các hạt giống xấu bị tưới tẩm như ghen tỵ, sợ hãi; nên hạt giống tốt không có cơ hội lớn lên.”

Nếu các hạt giống thiện được tưới tẩm trong cuộc đời một người nào, đó là do may mắn và một phần do cố gắng. Những cái duyên trong đời sống có thể giúp ta gặp cơ hội tưới tẩm những hạt giống kiên nhẫn, đại lượng, từ bi và yêu thương. Người chung quanh có thể giúp ta, và thực tập chánh niệm cũng giúp ta.

Nhưng nếu một người lớn lên trong chiến tranh, hoặc khi gia đình, cộng đồng của họ chịu nhiều khổ đau rồi, thì người đó có thể có nhiều sợ hãi và tuyệt vọng. Nếu cha mẹ họ đã khổ nhiều và sợ sệt người khác cũng như sợ cả thế giới, thì các vị đó có thể truyền sang con cháu những lo lắng và giận dữ của họ. Khi người kia được lớn lên trong tình thương yêu và sự an toàn, các hạt giống thiện trong họ lớn lên và họ có thể truyền các hạt giống tuyệt vời đó sang con cháu.

Nếu bạn có thể nhìn tổ tiên như thế, bạn sẽ hiểu rằng họ cũng là người đau khổ và đã cố gắng tối đa. Sự hiểu biết này sẽ làm tan đi tất cả hờn giận và chối bỏ nơi bạn. Chấp nhận tổ tiên với cả hai mặt

98

yếu và mạnh là điều rất quan trọng. Nó sẽ giúp cho bạn được bình an hơn và ít đi sự sợ hãi.

Bạn cũng có thể nhìn các anh chị mình như các vị tổ tiên trẻ tuổi, vì họ ra đời trước bạn. Họ có những yếu kém cũng như có tài năng mà bạn phải chấp nhận vì bạn nhận thức được rằng bạn cũng có khuyết điểm và tài năng. Bạn thực hiện được sự chấp nhận đó khi bạn lạy xuống đất. Nếu bạn muốn, có thể giữ tư thế lạy phủ phục đó trong 5 – 10 hay 15 phút để nhìn sâu và thực nghiệm sự chấp nhận đó.

Cái lạy thứ nhất có thể cần được lập đi lập lại mấy lần trước khi bạn có thể giải hòa với cha mẹ hay tổ tiên. Nó đòi hỏi phải thực tập nhiều, nhưng bạn cần làm vậy vì cha mẹ và tổ tiên hiện diện trong bạn. Hòa giải với họ nghĩa là bạn hòa giải với chính mình. Chối bỏ họ là chối bỏ chính mình. Nếu bạn có thể thấy được rằng bạn không thể chia cách với tổ tiên, đó là bạn đã tiến bộ nhiều rồi. Tôi tin chắc là bạn sẽ thành công sau một vài ngày hay một tuần lễ thực tập như vậy.

Bạn có thể thực tập thiền lạy hay địa xúc bất cứ tại đâu. Trước bàn thờ tổ tiên, trước một cái cây hay đám mây, ngọn núi hoặc bất kỳ chỗ nào bạn thích. Đứng trước tảng đá hay đám mây hay cái cây hoặc bông hoa trên bàn thờ, hình dung tất cả các vị tổ có mặt trong bạn. Điều này không khó vì thực tế bạn chính là họ. Bạn là tiếp nối của họ. Xin hãy thực tập với một trăm phần trăm con người của bạn.

Tiếp xúc với tương lai

Bước thứ hai trong phép địa xúc là nhìn xuống các hậu sinh của bạn – con, cháu ruột và cháu họ. Nếu bạn có khúc mắc với chúng, bạn nên hình dung như sau:

99

“Tôi không phải là một thực thể cách biệt với con tôi, vì tôi được tiếp nối nơi con cháu tôi. Chúng mang tôi vào tương lai. Con trai, con gái và học trò tôi là tôi.”

Trong các bản cáo phó tiếng Anh họ luôn luôn viết: “Ông X đã chết và còn tiếp tục sống trong con trai, con gái” (Mr. X has died and is survived by his sons and daughters). Ý nghĩa đó là con ông sẽ tiếp tục sống cho ông. Học trò tôi là tôi và tôi cần sống làm sao để mỗi ngày tôi có thể truyền cho họ con người tốt đẹp nhất của tôi vì họ sẽ mang tôi vào tương lai. Tôi vẫn nói với học trò tôi rằng họ phải ngắm mặt trời mọc cho tôi và tôi sẽ ngắm mặt trời lặn cho họ bằng những con mắt của họ. Tôi bất tử nhờ có các môn sinh.

Vì bạn nhìn thấy bạn trong người bạn đường và trong tổ tiên, bạn cũng nhìn thấy bạn trong con cái. Nhờ có cha mẹ mà bạn có đường đi tới Bụt và tất cả các vị tổ. Học trò tôi biết con đường đi tới Bụt và các thầy tổ là qua tôi. Nhờ con cái bạn có lối đi tới tương lai. Con cần cha để có lối về nguồn, cha cần con để có lối đi vào tương lai và về chốn vô cùng.

Đây là sự thực tập rất cụ thể mà bạn có thể làm một mình hoặc với vài người bạn để hỗ trợ nhau. Ban đầu cần người nào đó hướng dẫn bạn, nhưng sau bạn có thể tự hướng dẫn mình.

Nếu bạn gặp khó khăn với con trai hay con gái bạn, bạn có khuynh hướng nói rằng: “Mày không phải con gái tao, con tao không cư xử như vậy!… Mày không phải con trai tao, con trai tao sẽ không bao giờ làm như thế!” Nếu bạn nhìn sâu vào chính bạn, bạn sẽ thấy những hạt giống bất thiện kia cũng có ở trong bạn. Khi còn trẻ, bạn lầm lỗi và học từ những lỗi lầm đó. Khi con bạn làm sai, bạn cần giúp chúng hiểu ra để không làm lỗi thêm nữa. Khi bạn có thể nhìn được các khuyết điểm của mình, bạn có thể nói: “Mình là ai mà không chấp nhận được con mình?” Con trai bạn chính là bạn. Với phát kiến bất nhị đó, bạn có thể hòa giải với các con bạn. Thực tập lạy sát đất là con đường đưa tới sự hòa giải.

100

Chánh định

Chánh định là con đường thứ tám trong Bát Chánh Đạo Bụt đã dạy, tám con đường chính đáng để thực tập. Có chánh định trên vô ngã, vô thường và tương tức là điều ta có thể chứng nghiệm khi thực tập địa xúc. Không có chánh định thì không thể giác ngộ. Nếu bạn có thể nhìn vào bạn, nhìn cha mẹ, con cái trong ánh sáng vô thường, vô ngã và tương tức, thì sự hóa giải sẽ tới một cách tự nhiên.

Hãy cho bạn thì giờ để thực tập lễ lạy sát đất một hoặc hai lần mỗi ngày. Bạn có thể dùng các lời khấn sau đây để hướng dẫn phép quán tưởng: “Tiếp xúc với đất, con tiếp xúc với tổ tiên và con cháu của con trong cả hai dòng huyết thống và tâm linh.” Quán tưởng như thế khi bạn đứng trước một nơi nào bạn chọn, rồi lạy xuống sát đất.

Thầy tâm linh của tôi gồm cả Bụt, các vị Bồ tát và các vị môn đệ của Bụt. Trong đó có cả các vị thầy của tôi đang còn tại thế hay đã qua đời. Họ đang có mặt trong tôi vì họ đã truyền cho tôi những hạt giống bình an, trí tuệ, yêu thương và hạnh phúc. Họ đã làm thức dậy trong tôi nguồn tuệ giác và từ bi. Khi nhìn vào các vị tổ tiên tâm linh, tôi nhìn thấy các vị đã hoàn thành việc tu tập chánh niệm, có trí tuệ và từ bi; tôi cũng nhìn thấy các vị thầy còn khiếm khuyết. Tôi chấp nhận họ vì trong tôi cũng có những khiếm khuyết và yếu đuối.

Biết rằng sự thực tập tỉnh thức trong tôi không phải lúc nào cũng hoàn hảo, và tôi không phải lúc nào cũng có hiểu biết thương yêu, tôi mở rộng lòng chấp nhận tất cả các con cháu tôi. Một số con cháu sống cuộc đời khiến tôi tin tưởng và tôn trọng chúng, nhưng cũng có những đứa còn nhiều khó khăn và sự thực tập trồi sụt thất thường. Tôi mở rộng lòng thương và ôm chúng như nhau.

Cũng vậy, tôi chấp nhận tất cả các vị tổ tiên nội ngoại. Tôi chấp nhận các tính thiện và những hành động tốt họ đã làm, cũng như

101

các khiếm khuyết của họ. Tôi mở lòng chấp nhận con cháu với các tính thiện, các tài năng cũng như các tính bất thiện trong chúng.

Dù bạn theo truyền thống tâm linh nào chăng nữa, bạn cũng có thể kể các vị thầy bạn trong lời quán nguyện. Nếu bạn có gốc rễ Thiên chúa giáo, thì thầy tâm linh của bạn gồm cả chúa Jesus, các đồ đệ của Ngài và các vị thánh cùng các vị thầy đã chỉ dạy cho bạn. Nếu theo Do Thái giáo, bạn cũng có thể gồm các vị thầy tổ trong truyền thống (patriarchs – matriarchs) và các giáo sĩ (rabbis) vào đó.

Các vị tổ tiên tâm linh, tổ tiên huyết thống, các hậu duệ tinh thần và máu mủ của tôi đều là một phần trong tôi. Tôi là họ và họ là tôi. Tôi không có một tự tánh riêng biệt. Chúng ta hiện hữu như một dòng suối của đời sống kỳ diệu.

Thiền quán trong tích môn

Tích môn là bình diện tương đối, nơi có đi có tới, có sống có chết. Khi chúng ta bắt đầu tiếp xúc với tích môn, chúng ta thường trở nên sợ sệt. Ta sợ vì ta chưa hiểu rằng sinh tử là chuyện không có thật. Bụt dạy: “Cái gì sinh thì sẽ diệt.” Nếu có sinh thì sẽ có tử. Nếu có bên phải thì cũng có bên trái. Nếu có bắt đầu thì sẽ có chấm dứt. Đó là cách mọi sự vật hiện bày ra trong tích môn. Các tăng ni và Phật tử thời Bụt còn tại thế đã thực tập nhận diện sinh tử như những thực tại.

Để đối phó với nỗi sợ hãi trong ta thì thiền quán có thể giúp ta an tâm được một chút. Khởi đầu ta sẽ thực tập dễ hơn nếu được hướng dẫn. Hơi thở là phương tiện đưa ta vào định tâm. Nó hướng ta chú tâm vào đối tượng thiền quán. Ta bắt đầu bằng cách chú tâm vào hơi thở, để sau này khi muốn quán tưởng, ta có thể hướng dẫn được tâm ý mình.

102

Ta cố gắng hướng tâm vào sự nhận diện thực tại. Đây là bài kệ các tu viện Phật giáo tụng hàng ngày: “Thở vào thở ra, tôi có ý thức là bản thân tôi sẽ hoại diệt, tôi sẽ chết. Bản thân tôi sẽ già, và tôi sẽ bệnh. Vì tôi có cái thân, tôi không thể thoát được đau ốm. Tất cả những gì tôi yêu quý và giữ gìn, bám víu hôm nay, tôi sẽ bỏ lại một ngày nào đó. Điều duy nhất tôi mang theo được là kết quả của các hành động tôi làm, những lời tôi nói và các ý nghĩ trong tôi.”

Chúng ta cần nhận diện sự thực này và mỉm cười. Đây là phép thực tập đối diện với cái sợ của chính mình. Nỗi sợ đó luôn luôn hiện diện trong chúng ta: sợ ốm đau, sợ chết, sợ bị người thương bỏ rơi. Những lo sợ đó rất nhân bản.

Bụt không khuyên chúng ta nên đè nén các lo sợ. Bụt dạy ta nên mời các nỗi lo sợ đó lên tầng trên tâm thức để nhận diện và mỉm cười với chúng. Thời Bụt còn tại thế cũng như ngày nay, các tăng ni thực tập hàng ngày như thế. Mỗi khi cái sợ nổi lên, bạn lại nhận diện và mỉm cười với nó, cái lo sợ sẽ mất đi một phần sức mạnh của nó. Khi nó trở lại tiềm thức ta, nó trở thành một hạt giống nhỏ hơn trước. Vì vậy, ta cần thực tập mỗi ngày, nhất là khi thân tâm bạn còn khỏe mạnh.

Khi bạn thực tập, tâm trí bạn có thể vẫn chạy theo nhiều ý nghĩ. Nhưng hãy trở về với hơi thở vào, ra. Thở vào biết, thở ra biết; không cần phải kéo dài hơi thở thêm. Bạn không cần thay đổi gì cả, cứ để cho hơi thở ra vào tự nhiên, chỉ có ý thức về hơi thở của mình thôi. Thực tập như thế bạn sẽ được an tịnh.

Khi bạn thấy an tịnh đủ rồi, hãy dùng các lời hướng dẫn dưới đây để tập trung. Lần đầu, bạn hãy nghe hay đọc nguyên cả câu. Khi tiếp tục quán, bạn chỉ cần nhớ vài chữ quan trọng. Bạn không cần phải cố gắng quá. Hãy thư dãn và để cho hơi thở cùng các chữ đó giúp bạn.

103

Bài thực tập để nhìn sâu và hết sợ

Thở vào, tôi có ý thức là tôi đang thở vào Vào

Thở ra, tôi có ý thức là tôi đang thở ra Ra

Thở vào, tôi biết tôi sẽ già Già

Thở ra, tôi biết không thể thoát được tuổi già Không thoát

Thở vào, tôi biết tôi sẽ bệnh Bệnh

Thở ra, tôi biết không thể thoát được bệnh Không thoát

Thở vào, tôi biết tôi sẽ chết Chết

Thở ra, tôi biết không thể thoát chết Không thoát

Thở vào, tôi biết một ngày kia tôi sẽ bỏ lại tất cả những gì tôi trân quý

Bỏ hết

Thở ra, tôi biết không thể giữ được những gì tôi trân quý

Không giữ

Thở vào, tôi biết ba nghiệp thân khẩu ý là hành trang duy nhất tôi sẽ mang theo

Ba nghiệp mang theo

Thở ra, tôi biết không thể thoát được hậu quả của nghiệp đã làm

Không thoát được quả báo

Thở vào, tôi quyết tâm sẽ sống trong tỉnh thức

Sống tỉnh thức

Thở ra, tôi thấy niềm vui và hữu ích trong lối sống tỉnh thức

Vui và hữu ích

Thở vào, tôi nguyện mỗi ngày tặng niềm vui cho người thương

Tặng niềm vui

Thở ra, tôi nguyện mỗi ngày làm vơi bớt nỗi khổ cho người thương

Làm vơi khổ

104

Chấp nhận, tha thứ và đối diện với cái sợ là những kết quả sâu sắc nhất của việc tiếp xúc với đất ở bình diện tích môn. Dùng hơi thở theo phép đó, bạn có thể chữa lành các vết thương. Và bạn có thể học phép địa xúc thứ hai.

Tiếp xúc với đất qua không gian

Trong phép địa xúc thứ nhất, bạn hình dung bạn đứng trên trục dọc của thời gian. Bây giờ bạn hình dung trục ngang, tượng trưng cho không gian. Đường ngang tượng trưng cho không gian đó cắt ngang đường dọc tượng trưng cho thời gian trong bình diện tích môn.

Trong không gian chúng ta nhìn thấy các sinh vật khác trên trái đất: đàn ông, đàn bà, trẻ em, người già, súc vật và tất cả các loài, cây cối, đất đá. Khi nhìn một cái cây ta có thể nghĩ rằng nó ở ngoài ta. Nhưng khi nhìn kỹ hơn ta sẽ thấy cây đó cũng có trong ta nữa. Cây cối là phổi của bạn vì nếu không có cây cối thì bạn không thở được. Cây cối tạo ra dưỡng khí, nay đang là một phần trong thân tôi, và tôi tạo ra thán khí, nay đang là một phần trong cây. Chúng ta có hai lá phổi trong cơ thể, cây cũng thở cho ta và cũng có thể gọi cây là phổi của ta. Phổi trong thân chúng ta làm việc cùng với cây cối để giúp chúng ta hô hấp.

Chuyện tiền thân của Bụt kể những cuộc đời trước khi Ngài đắc đạo. Trong các truyện đó ta được biết Bụt đã từng là cây cối, là chim chóc, con rùa, hòn đá, đám mây, trước khi Ngài là người. Chúng ta cũng thế, trước khi biểu hiện làm người, chúng ta đã là cây, là một vi khuẩn có một tế bào thôi, hay là những con vật lớn xác, là đám mây, là cánh rừng hay hòn đá tảng. Với ánh sáng của khoa học tiến hóa thì không có gì khó hiểu. Vật chất không từng được sinh ra cũng như không hề bị hoại diệt. Nó có thể biến thành năng lượng, và năng lượng có thể trở thành vật chất, nhưng nó không hề bị hủy diệt.

105

Chúng ta đã luôn luôn là một phần tử của sự vật gì đó, và bất cứ sự vật gì cũng đã từng có trong ta. Tất cả chúng ta đã từng là cây cối. là bông hồng hay là súc vật. Chúng ta vẫn là cây trong giờ phút này. Nhìn mình cho sâu, bạn sẽ thấy cây, đám mây, hoa hồng và chú sóc trong bạn. Bạn không thể nào lấy hết chúng ra ngoài được. Bạn không thể lấy đám mây ra vì 70% cơ thể bạn làm bằng nước. Tiếp nối của mây chính là mưa. Tiếp nối của mưa là sông. Tiếp nối của sông là nước bạn uống để sống. Nếu bạn lấy dạng tiếp nối của mây ra khỏi bạn thì bạn không thể tiếp tục sống được.

Thiên thần ở mọi nơi

Nhìn sâu vào không gian ta cũng sẽ nhìn thấy tất cả các vị đã giác ngộ. Các hiền nhân, các vị Bồ tát. Ta sẽ thấy Thượng đế. Hãy nhìn kỹ, bạn sẽ thấy các Bồ tát ở bất cứ đâu. Bạn sẽ nhận ra những con người cả nam lẫn nữ, có lòng từ bi, đang làm mọi chuyện để giúp đỡ hay bảo vệ loài nguời. Tại Làng Mai chúng tôi thực tập niệm tên Bồ tát Quan Âm, vị Bồ tát biết lắng nghe; Bồ tát Phổ Hiền của hành động; Bồ tát Văn Thù của hiểu biết; và Bồ tát Địa Tạng luôn luôn đi tới những nơi tăm tối khổ đau tràn đầy để giúp các chúng sinh.

Có những Bồ tát mà chúng ta biết tới vì các chuyện về họ được truyền tới chúng ta. Cũng có vô số các vị Bồ tát vô danh tại mọi nơi đang làm các việc thể hiện lòng yêu thương, từ bi và trách nhiệm của họ đối với nhân lọai. Trái tim của quý vị đó tràn đầy tình thương và họ không muốn sống cuộc đời tiêu thụ. Họ ưa sống đơn giản để có thì giờ và năng lực giúp người khác. Họ có mặt khắp nơi. Tôi biết một người sống ở Hòa Lan. Bà tên là Hebe. Trong thế chiến thứ hai bà đã giúp hàng hai mươi ngàn người Do Thái tránh thoát được nạn diệt chủng Holocaust. Tôi không biết bà làm cách nào. Nhìn vào bà, bạn chỉ thấy một người phụ nữ rất nhỏ bé,

106

và cũng chỉ có hai bàn tay. Tôi đã gặp bà và làm việc chung khi bà giúp đỡ trẻ mồ côi Việt Nam.

Có những Bồ tát hình như ít hoạt động nhưng họ rất bình thản và tử tế, sự hiện diện của họ khiến chúng ta trở nên hiểu biết, thương yêu và bao dung hơn.

Có không biết bao nhiêu Bồ tát như thế trên thế giới. Chúng ta phải sống cách nào để có thì giờ nhận biết và tiếp xúc được với họ. Bồ tát không phải là thượng đế hay các nhân vật của thời xa xưa. Họ là những con người bằng xương bằng thịt chung quanh ta. Họ có rất nhiều năng lượng hiểu biết và thương yêu, và chúng ta sẽ được hưởng khi tới gần họ.

Không thể nhận diện các hiền nhân và Bồ tát bằng bề ngoài. Đôi khi họ là các em bé mang lại cho ta rất nhiều niềm vui. Con cái và bạn bè chúng ta cũng có thể là Bồ tát. Đôi khi họ làm cho ta đau khổ, nhưng họ cũng giúp cho tình thương và sự hiểu biết của ta lớn lên.

Bồ tát không bao giờ mệt mỏi hay bỏ cuộc vì các đau khổ chung quanh họ. Đó là những vị cho ta can đảm để sống. Đức Địa Tạng luôn luôn tới những nơi tăm tối nhất để giúp chúng sinh không phải chỉ là một vị. Ngài thị hiện ra bao nhiêu thân khác nhau, ta có thể tìm được Ngài ngay trong thế giới này.

Bồ tát Thường Bất Khinh nói rằng: “Tôi không bao giờ dám coi thường ai.” Ngài cũng có mặt mọi nơi. Đối với bất cứ người nào, Bồ tát cũng nghĩ rằng họ có khả năng tỉnh thức. Ngài giúp cho ta có tự tin và dẹp được mặc cảm yếu kém. Đó là loại mặc cảm làm tê liệt con người. Bồ tát Thường Bất Khinh có khả năng tiếp xúc và đánh thức được các hạt giống tỉnh thức và yêu thương nơi chúng ta. Đó không chỉ là Bồ tát trong kinh Pháp Hoa mà ta còn có thể tìm được Ngài ngay trong xã hội này dưới nhiều hình tướng khác nhau. Ta phải nhận diện cho được Bồ tát Thường Bất Khinh bằng xương bằng thịt chung quanh ta.

107

Bồ tát Văn Thù là vị Bồ tát trí tuệ. Người nào hiểu mình đều có thể làm cho chúng ta vô cùng sung sướng. Đức Văn Thù có thể nhìn thấy những khó khăn, đau khổ của ta và Ngài không bao giờ bắt lỗi hay trừng phạt ta. Ngài luôn có mặt bên ta để khuyến khích và soi đường cho ta. Văn Thù không phải là một nhân vật huyền thoại mà Ngài có mặt quanh ta dưới nhiều hình thức, đôi khi đó là một người anh, chị, em, hay cháu.

Chúng ta không thờ phượng những nhân vật thần thoại. Các vị Bồ tát không phải là những khuôn mặt của quá khứ, sống trên mây cao. Đó là những con người thật, tràn đầy tình thương và quyết tâm. Khi chúng ta có thể hiểu được nỗi đau của người khác và thương họ, là chúng ta tiếp xúc được với Bồ tát đại trí.

Bồ tát Quan Âm biết lắng nghe cũng ở quanh ta. Các nhà trị liệu tâm lý phải học cách lắng nghe của Bồ tát Quan Âm, vị Bồ tát biết hiểu sâu bằng đôi tai của Ngài. Khi chúng ta có thể lắng nghe con cái hay cha mẹ ta, đức Quan Âm đã có mặt trong lòng ta rồi.

Bồ tát Diệu Âm có thể dùng âm nhạc và bài hát để thức tỉnh mọi người. Nếu bạn là thi sĩ, văn sĩ hay nhạc sĩ, bạn có thể là vị Bồ tát đó. Các sáng tạo nghệ thuật của bạn không chỉ giúp cho người ta tạm thời quên đi những đau khổ, mà còn tưới tẩm được những hạt giống của hiểu biết và yêu thương. Giữa chúng ta có nhiều văn thi sĩ và nhạc sĩ đang dùng biển âm thanh để làm con đường hiểu và thương như một cánh cửa mở vào Phật pháp. Đó là ý nghĩa của nguyện vọng mà đức Phổ Hiền đã diễn tả:

“Tôi mong dùng biển âm thanh Để nói lên những từ ngữ tuyệt vời Ngợi ca biển đức của Thế Tôn Trong quá khứ, hiện tại và tương lai.”

Khi lạy xuống sát đất, bạn tiếp xúc với những vị hiền nhân vì họ là một phần của đất và một phần của bạn. Sống trong thế giới ngày nay, bạn rất dễ trở thành một nạn nhân của tuyệt vọng. Bạn cần

108

phải tự bảo vệ. Cách hay nhất là bạn tiếp xúc với các vị Bồ tát có hành động từ bi và thương yêu.

Chúng ta cần tiếp xúc với chư Bụt và Bồ tát hiện tại, ngay tại đây, chứ không chỉ thắp nhang và cầu nguyện họ mà thôi. Khi ta thực sự tiếp xúc được với các vị đó, ta sẽ có nhiều năng lượng vì ta thấy họ có mặt trong ta, và ta là tiếp nối của họ, trong thời gian và trong cả không gian. Ta là một cánh tay của Bồ tát. Cánh tay ta có thể vươn ra rất xa, hàng ngàn dặm. Cánh tay ta có thể vươn tới những chốn tối tăm nhất trên trái đất. Chúng ta có bằng hữu khắp nơi, đó là những cánh tay của ta, và ta cũng là cánh tay của họ.

Kinh Bát Đại Nhân Giác nói rằng: “Sự nghiệp duy nhất của Bồ tát là trí tuệ.” Các sự nghiệp khác đều không đáng theo đuổi. Không có danh vọng nào bằng dược tuệ giác ta đạt tới khi ta thực tập dừng lại và nhìn sâu vào bản chất của sự vật. Khi nhờ hiểu biết mà ta không còn giận dữ, đó là ta đã có hạt giống trí tuệ rồi. Hãy sống cách nào để cho các vị Bồ tát có thể biểu hiện ra trong ta được.

Hãy nói năng và hành xử như một Bồ tát ngay bây giờ. Đừng nghĩ rằng bạn sẽ là Bồ tát sau này. Vào buổi tối nay, hãy niệm danh hiệu các Bồ tát đại trí, đại bi, đại hạnh và đại nguyện. Tiếp xúc với các nguyện lớn của chư vị Bồ tát sẽ cho chúng ta năng lượng rất mạnh mà ta cần để có thể ôm lấy những con người đau khổ trên thế gian.

Trở thành hải tặc

Tiếp xúc với đất, chúng ta tiếp xúc được các vị Bồ tát và đồng thời cũng tiếp xúc được với tất cả những người đau khổ. Ta phải tiếp xúc với cả hai phía. Chúng ta cần nhớ rằng có những con người đang bị kẹt vào những khổ đau lớn như chiến tranh, đàn áp và bất công. Họ không có cách nào nói lên được những khổ đau và bất công mà họ phải gánh chịu. Có những hải tặc hãm hiếp các thiếu

109

nữ. Có những thương gia giàu có bán khí giới cho các nước nghèo, trong khi trẻ xứ đó không có thức ăn và không có trường để học. Có những chủ hãng dùng sức lao động của trẻ em. Có những người chết trong tù ngục và trại cải tạo. Trong trại cùi, có những trẻ em người lớn cụt hết cả chân tay, mù chữ và không có chút hy vọng nào! Các địa ngục đó cần Bồ tát vô cùng.

Khi chúng ta đứng trước ngọn núi hay bông hoa và quán tưởng trước khi lạy xuống lần thứ hai, ta thấy ta không chỉ là Bồ tát mà còn là nạn nhân của các áp bức, kỳ thị và bất công nữa. Với năng lượng của Bồ tát, ta ôm lấy các nạn nhân khắp nơi. Ta là hải tặc đã hãm hại em bé gái, và ta cũng là em bé gái bị hãm hiếp. Vì chúng ta không có tự tánh riêng biệt, tất cả chúng ta đều có tương quan và ta cũng là tất cả mọi người.

Lối sống của ta có ảnh hưởng trên mọi chuyện. Vậy chúng ta nên suy nghĩ. Chúng ta đã sống ra sao nên thanh niên Thái Lan kia mới trở thành kẻ hiếp dâm? Chúng ta chỉ biết quan tâm tới các nhu cầu vật chất của mình thôi. Gia đình của anh chàng kia bị kẹt vào cảnh nghèo khổ trong nhiều thế hệ. Cha hắn là một người đánh cá, chỉ biết quên sầu bằng cách uống rượu. Ông ta không biết cách dạy con và thường đánh đập chúng. Mẹ hắn không biết làm sao cho con đi học. Mười ba tuổi là hắn phải cùng cha đi tàu ra biển đánh cá rồi. Khi cha chết, hắn tiếp tục công việc thế cha. Hắn không biết hiểu và thương. Hắn muốn thành hải tặc vì chỉ một ngày là cướp được vàng bạc, khiến hắn có thể bớt nghèo – hắn đã sợ sẽ phải nghèo suốt đời. Trên biển không có Cảnh sát, hắn nghĩ: “vậy thì tại sao không theo mấy tên cướp kia mà hãm hiếp mấy cô bé trên chiếc thuyền vượt biên?”

Nếu chúng ta có súng mà bắn thì sẽ giết được anh chàng hải tặc. Nhưng nếu giúp hắn để hắn biết hiểu và thương thì có hơn chăng? Các chính trị gia, các nhà giáo dục và các viên chức chính phủ ở đâu mà không giúp hắn?

110

Đêm qua, trên bờ biển Thái, có hàng trăm em bé mới được sinh ra trong làng thuyền chài. Nếu chúng không được chăm sóc đủ, không được nuôi dưỡng và giáo dục, thì một số bé sẽ trở thành hải tặc. Đó là lỗi ai? Đó là lỗi của chúng ta: Các viên chức, nhà chính trị do dân bầu ra, các nhà giáo dục. Chúng ta không thể đổ lỗi cho người đánh cá mà thôi. Nếu tôi sinh ra là một em bé nghèo khổ không hề được học hành, có cha mẹ mù chữ, nghèo khổ suốt đời và không biết cách nuôi dạy tôi, tôi cũng có thể trở thành hải tặc. Nếu bạn bắn chết tôi, thì có giải quyết được gì không? Ai là hải tặc? Có thể là tôi, và em bé bị hãm hiếp cũng có thể là tôi!

Tất cả các khổ não của thế gian là của chúng ta. Chúng ta phải nhìn mình là họ và họ là mình. Khi ta nhìn thấy họ khổ đau, một mũi tên của hiểu biết và thương yêu xuyên vào tim ta. Ta có thể thương họ, ôm lấy họ và tìm cách giúp họ. Ta chỉ có thể làm vậy khi không bị tràn ngập bởi tuyệt vọng về tình trạng của người kia, hay của chính mình.

Đừng chìm lỉm vì tuyệt vọng

Khi bạn tiếp xúc với cái khổ trên thế giới, sự tuyệt vọng sẵn sàng trùm lên bạn. Nhưng đừng để vì thế mà bị chìm lỉm. Trong cuộc chiến tại Việt Nam, các thanh niên dễ sa vào tình trạng tuyệt vọng vì chiến tranh quá dài, hầu như sẽ không bao giờ chấm dứt. Nó giống như tình trạng tại Trung đông. Các thanh niên Do Thái và Palestine cảm thấy như chiến tranh sẽ không thể chấm dứt. Chúng tôi thực tập để bảo vệ trẻ em và chính chúng ta không bị tuyệt vọng. Bồ tát có thể đứng dậy và cưỡng lại sự tuyệt vọng nhờ khả năng lắng nghe, yêu thương và hiểu biết đủ để nhập cuộc. Khi lạy xuống đất lần thứ hai, chúng ta tiếp xúc với các Bồ tát lớn nhỏ khắp nơi, chúng ta cảm nhận được năng lượng của quý Ngài.

Súc vật, cây cỏ và đất đá cũng đau khổ vì lòng tham của con người. Đất, không khí và nước khổ đau vì chúng ta làm ô nhiễm

111

chúng. Cây cối khổ vì ta phá rừng để kiếm lời. Một số sinh vật bị tuyệt chùng vì sinh môi thiên nhiên bị phá hủy. Loài người cũng giết hại nhau và khai thác nhau. Theo Phật pháp, tất cả chúng sinh đều có khả năng tỉnh thức. Làm sao chúng ta có thể dừng lại, không bị chìm lỉm trong tuyệt vọng? Đó là nhờ sự hiện diện khắp nơi của chư Bụt và Bồ tát. Không phải họ ở trên thiên đường xa xôi đâu, khi chúng ta còn sống, còn chết thì họ còn ở ngay đây với chúng ta.

Lợi lạc cho tất cả mọi người

Lạy xuống đất giúp cho thân tâm ta được thanh tịnh. Nó giúp chúng ta có tuệ giác về vô thường, về tương liên và vô ngã. Bụt dạy ai nhìn thấy chúng sinh thì sẽ thấy Bụt. Khi lạy xuống đất, ta nhìn thấy Bụt trong ta và ta thấy ta trong Bụt. Chúng ta nhìn được tất cả chúng sinh đau khổ và nhìn thấy ta trong họ. Ở tư thế phủ phục xuống đất, biên giới giữa ta và người khác được xóa đi. Từ đó ta sẽ biết nên làm gì và không nên làm gì trong đời sống hàng ngày. Nhờ tuệ giác đó, chúng ta có thể làm được nhiều chuyện rất hữu ích.

Bạn đã làm gì với đời bạn? Bạn có thực sự tạo được phúc lợi cho bạn, cho người thương và cho các chúng sinh chưa?

Nguyện ước sâu xa của Bồ tát là làm vơi bớt khổ đau. Đó là sự dấn thân của Bụt, của con người giác ngộ. Khi chúng ta có hạnh nguyện của Bồ tát, chúng ta có thể bỏ qua được tất cả những chuyện vô nghĩa đã hấp dẫn ta trước đây. Ta có thể bỏ qua danh vọng và lợi lộc. Khi đã quyết tâm thì những chuyện đó rất dễ bỏ qua. Bụt có trong ta, ta có trong Bụt. Ta có thể trở thành Bụt, ta có thể giác ngộ được như Ngài.

112

Tự hướng dẫn mình

Hãy dùng các lời khấn sau để hướng dẫn bạn khi bắt đầu thực tập cái lạy thứ hai:

“Tiếp xúc với đất, con tiếp xúc được với tất cả mọi loài và mọi người hiện đang sinh hoạt trên trái đất này như con.” (Hãy đứng quán tưởng tại một nơi bạn ưa thích, trước khi lạy xuống đất.)

“Con là một với sự sống mầu nhiệm đang tuôn trào khắp mọi phương. Con nhìn thấy sự liên hệ giữa con và người khác, cả trong hạnh phúc lẫn trong khổ đau. Con là một với chư vị Bồ tát và các bậc đại nhân đã vượt thoát được ý niệm sinh tử, đã có thể nhìn vào các hình thức sinh tử một cách từ bi, không sợ hãi. Con là một với các vị Bồ tát đang có mặt khắp nơi trên trái đất này. Họ có an lạc, hiểu biết và thương yêu. Họ có thể tiếp xúc được với những gì mầu nhiệm, có khả năng nuôi dưỡng và chữa lành bệnh, và họ có thể mang những thứ đó tới cho người khác. Họ có khả năng bao trọn thế giới bằng trái tim thương yêu và bàn tay chăm sóc. Con cũng có đủ an lạc và thảnh thơi để có thể hiến tặng niềm vui và sự vô úy cho người ở gần bên. Con không cảm thấy cô đơn hay tuyệt vọng khi con cảm thấy tình thương và hạnh phúc của các Bồ tát hiện đang sống trên trái đất này. Nhìn nhận được tình thương của họ đối với các chúng sinh đau khổ khiến con sống được một cuộc đời có ý nghĩa với niềm an lạc, hạnh phúc thực sự.

“Sức mạnh của con được gia tăng nhờ các vị Bồ tát, con có thể thấy con là một với các chúng sinh đang khổ đau. Con là một với người tàn tật bẩm sinh hay do chiến tranh, tai nạn, bệnh hoạn. Con là một với những người bị kẹt trong tình trạng áp bức. Con là một với những người không có hạnh phúc trong gia đình, không có gốc rễ và an bình trong tâm, luôn khao khát được gặp và tin vào những gì tốt đẹp, hoàn hảo. Con là một với những người trước cái chết đã rất sợ hãi, không biết chuyện gì sẽ xảy ra và hoảng sợ sẽ bị hủy diệt. Con là em bé phải sống trong cảnh nghèo đói bệnh tật, chân

113

tay khẳng khiu như ống sậy, tương lai không thấy đâu. Con cũng là người chế ra đạn bom để bán cho các nước nghèo. Con là con ếch bơi trong hồ và cũng là con rắn nước muốn nuôi thân bằng con ếch. Con là con sâu cái kiến mà con chim đang săn mồi và con cũng là con chim đang tìm sâu bọ để ăn. Con là rừng cây bị đốn trụi. Con là những giòng sông bị ô nhiễm và con cũng là người thợ đốn gỗ, người làm dơ nước sông và ô nhiễm không khí. Con thấy con trong mọi chúng sinh và tất cả họ đều có trong con.”

Nhìn sâu vào sự không sinh không diệt

Khi chúng ta bắt đầu hiểu được rằng chúng ta là tất cả mọi sự vật thì cái sợ trong ta biến mất. Chúng ta đã tiếp xúc sâu xa được với các bình diện không gian và thời gian. Nhưng muốn thật sự vô úy, không còn chút sợ hãi nào, chúng ta phải nhìn sâu được vào bình diện tuyệt đối của bản môn không sinh không diệt. Chúng ta cần được giải phóng khỏi các quan niệm rằng ta là cái thân này, và ta sẽ chết. Đây là cái lạy thứ ba và sau đây là thiền quán giúp bạn sửa soạn điều đó:

Thở vào, tôi biết tôi đang thở vào Vào

Thở ra, tôi biết tôi đang thở ra Ra

Thở vào, tôi có ý thức về ngọn sóng trên đại dương

Sóng

Thở ra, tôi cười với ngọn sóng Cười

Thở vào, tôi biết có nước trong sóng Nước trong sóng

Thở ra, tôi cười với nước trong ngọn sóng Cười

Thở vào, tôi thấy sóng được sinh ra Sóng sinh ra

Thở ra, tôi cười với sóng mới sinh ra Cười

114

Thở vào, tôi thấy sóng chết đi Sóng chết đi

Thở ra, tôi cười với sóng đã chết Cười

Thở vào, tôi thấy bản chất vô sinh của nước Nước vô sinh

Thở ra, tôi cười với bản chất vô sinh của nước Cười

Thở vào, tôi thấy bản chất bất diệt của nước Nước bất diệt

Thở ra, tôi cười với sự bất diệt của nước Cười

Thở vào, tôi thấy thân tôi được sinh ra Thân tôi sinh

Thở ra, tôi cười với sự sinh Cười

Thở vào, tôi thấy thân tôi chết đi Thân tôi chết

Thở ra, tôi cười với cái chết của thân tôi Cười

Thở vào, tôi thấy bản chất không sinh của thân tôi

Bản chất không sinh

Thở ra, tôi cười với bản chất vô sinh của thân tôi

Cười

Thở vào, tôi thấy bản chất không chết của thân tôi

Bản chất không chết

Thở ra, tôi cười với bản chất bất diệt của thân tôi

Cười

Thở vào, tôi thấy bản chất không sinh của tâm thức tôi

Tâm thức vô sinh

Thở ra, tôi cười với bản chất vô sinh của tâm thức tôi

Cười

Thở vào, tôi chỉ có ý thức về hơi thở vào Vào

Thở ra, tôi chỉ có ý thức về hơi thở ra Ra

115

Tôi không phải là cái thân này

Khi còn là một chú tiểu tôi nghĩ rằng vượt thoát sinh tử là một chuyện gì rất xa xôi. Tôi nghĩ tôi sẽ không thể đạt tới trạng thái đó trong một kiếp người. Nhưng “Sinh Tử” thật ra chỉ là những quan niệm, chúng ta chỉ cần vượt qua được hai quan niệm đó thôi. Khi học điều đó tôi thấy sự sợ hãi là chuyện phải có vì hai quan niệm đó đã giam hãm chúng ta bao nhiêu năm dài.

Nay ta thấy rằng ta phong phú hơn cái thân này. Ta thấy ta không chỉ có cuộc đời này mà chúng ta vô cùng vô tận. Chúng ta thực nghiệm chuyện này trong thiền quán. Nếu chúng ta thành công trong cái lạy thứ nhất và thứ hai, thì cái lạy thứ ba chỉ là trò trẻ con. Đó là một vòng tròn bao cả hai đường dọc thời gian của cái lạy thứ nhất và đường ngang không gian của cái lạy thứ hai. Trong cái lạy đầu, ta thoát được quan niệm mình phân cách với tổ tiên và con cháu. Ta được thoát khỏi ý niệm về thời gian. Trong cái lạy thứ hai, ta vượt qua được quan niệm mình khác với Bụt, Bồ tát và các bậc đại nhân, những chúng sinh đau khổ, súc vật, cây cỏ và đất đá. Ta vượt thoát được ý niệm về không gian. Lần này ta lạy xuống và buông bỏ cái nhìn thân này là ta, ta là một chủ thể có sinh có diệt.

Bình thường ta nghĩ thân này là ta. Ta nghĩ khi thân diệt thì mình cũng bị hoại diệt. Bụt dạy rất rõ rằng thân này không phải là ta.

Tôi thường hỏi các bạn trẻ, tuổi chưa tới ba mươi rằng: “Con đang ở đâu, năm 1966, khi thầy mới rời Việt Nam?” Họ không nên trả lời rằng họ chưa hiện hữu. Họ phải thấy được rằng họ đã có mặt trong cha mẹ, ông bà họ.

Bạn có thể dùng câu sau đây để tự hướng dẫn bạn khi mới thực tập cái lạy thứ ba: “Tiếp xúc với đất, con loại bỏ ý nghĩ con là cái thân này và thọ mạng của con có giới hạn.” (Đứng trước nơi bạn ưa thích, quán tưởng trước khi lạy xuống).

116

“Con nhìn thấy cái thân này làm bằng tứ đại không thật sự là con và con không bị giới hạn vào trong thân ấy. Con là một phần của hai dòng sinh mạng huyết thống và truyền thống tâm linh đã hàng ngàn năm truyền tới ngày nay và còn truyền đi trong tương lai hàng ngàn năm nữa. Con là một với tổ tiên con, con là một với tất cả các chúng sinh, dù là họ đang an lạc, vô úy hay họ đang đau khổ sợ hãi. Trong phút này con đang có mặt khắp nơi trên thế giới. Con cũng đang có mặt trong quá khứ và tương lai. Sự tàn hoại của thân xác này không động được tới con, cũng như khi chùm hoa mận rơi rụng, thì không có nghĩa là cây mận chết.

“Con nhìn con như một ngọn sóng trên mặt đại dương. Bản chất của con là nước trong đại dương. Con nhìn thấy con trong tất cả các ngọn sóng khác và thấy các ngọn sóng đó cũng có trong con. Sự biến hiện của hình hài ngọn sóng không ảnh hưởng tới đại dương. Pháp thân và trí tuệ của con không sinh cũng không diệt. Con nhìn thấy con trước khi thân con thể hiện và sau khi thân con tan rã. Ngay giây phút này con cũng thấy con đang hiện diện bên ngoài thân này. Bảy mươi, tám mươi năm không phải là tất cả cuộc đời con. Thọ mạng của con cũng như của chiếc lá, của Bụt, không bị thời gian giới hạn. Con đã vượt qua được ý niệm cho rằng cái thân này là một thực thể riêng biệt với thời gian và không gian.”

Những ai trong các bạn đã tiếp xúc sâu sắc được với bản chất của thời gian và không gian thì có thể tiếp xúc được với bình diện tuyệt đối, với bản môn. Sau khi tiếp xúc với sóng, bạn học cách tiếp xúc với nước.

Không chia cách

Bụt dạy rằng bản chất chân thật của bạn là bản chất không sinh – không diệt, không tới – không lui, không giống – không khác, không có cũng không không. Giáo pháp này hình như trái ngược với giáo pháp dạy rằng cái gì sinh thì sẽ diệt, mọi chuyện đều có

117

thể tàn lụi và ta không thể tránh được cái chết, già lão và bệnh tật. Hãy tập nhìn cho sâu. Bạn sẽ thấy rằng sinh là một ý niệm, tử là một ý niệm, tới-lui, không-có cũng là những ý niệm. Chúng ta phải xả bỏ những ý niệm về thực tại đó. Và chúng ta sẽ tiếp xúc được với chân lý, hay chân như.

Chân như là một thuật ngữ. Nó có nghĩa rằng chân lý thực tại là như vậy. Bạn không thể nói gì về Chân như hay giải thích gì hết. Bạn có thể nói Thượng đế là một chân lý thực tại, và những gì diễn tả về Ngài đều sai. Bất kỳ ý niệm hay tư tưởng nào nói về Thượng đế đều không thể diễn tả được Ngài. Niết bàn cũng vậy. Niết bàn chỉ hiển lộ tự thân sau khi mọi ý nghĩ và quan niệm về Niết bàn được xả bỏ hết. Trong bình diện tương đối, khi quan sát một ngọn sóng ta có thể nói sóng sinh ra, sóng chết đi, sóng cao thấp hay đẹp xấu… ta có thể dùng đủ mọi tĩnh tự để miêu tả sóng vv… Nhưng trong bình diện tuyệt đối, sóng là nước, thì tất cả các tĩnh tự mô tả sóng nói trên đều không có giá trị gì nữa. Không còn sinh-diệt, tới-lui, cao-thấp, không còn xấu-đẹp. Sóng không cần chết mới trở thành nước. Nó lúc nào cũng là nước.

Bây giờ, tu tập như thế, bạn sẽ không còn thấy mình bị chia cách với người thương khi họ chết nữa. Khi có giác kiến sâu sắc, bạn sẽ không còn cảm thấy bơ vơ. Hàng ngày tôi thường nhìn sâu vào mọi thứ chung quanh tôi: cây cối, đồi núi, bạn bè. Tôi nhìn thấy tôi trong tất cả và tôi biết tôi sẽ không chết. Tôi sẽ tiếp tục sống dưới nhiều hình tướng khác. Khi bạn tôi nhìn tôi, họ cũng nên nhìn thấy tôi trong những hình tướng khác hơn là cái thân này. Thực tập như vậy hàng ngày sẽ giúp cho họ không phải than khóc một khi biểu hiện này của tôi biến mất. Vì khi sự biểu hiện này chấm dứt, nó sẽ nhường chỗ cho các biểu hiện khác có mặt.

118

-9-

Sống cạnh người hấp hối

Ông Cấp Cô Độc là một đệ tử rất thân cận v với Bụt. Ông là người xứ Koshala, phía bắc con sông Gangs, dưới chân rặng Hy Mã Lạp sơn. Ông Cấp Cô Độc là một thương gia thành công và được kính trọng. Mọi người thương quý ông vì ông có tấm lòng rất rộng rãi. Tên thật của ông là Sudatta, nhưng ông được gọi là ông Cấp Cô Độc, có nghĩa là ‘người chu cấp, thương tưởng tới những kẻ nghèo đói.’ Đây là một điều thể hiện sự kính trọng ông, vì ông luôn luôn giúp tất cả những người nghèo hay thất nghiệp và các trẻ mồ côi.

Khi ông mới ba mươi tuổi, một hôm ông đi tới vương quốc Magadha, nơi mà Bụt cũng mới tới. Ông đi thăm người em gái và em rể đang sống tại xứ đó. Ông khá ngạc nhiên thấy các em không đón tiếp ông long trọng ân cần như mọi khi. Khi hỏi cô em vì sao cô không có thì giờ với ông thì cô cho biết cả nhà đang rất bận rộn để sửa soạn đón tiếp Bụt, một vị thầy tuyệt hảo. Nghe tên Bụt, ông Cấp Cô Độc rất tò mò. Ông hỏi cô em: “Đó là ai vậy?” Cô liền trả lời ông với giọng rất tôn kính Bụt, khiến cho ông nóng lòng muốn tới thăm Bụt ngay.

Sớm hôm sau, ông Cấp Cô Độc đi tới tu viện Trúc lâm để nghe Bụt thuyết pháp. Bài giảng đã khiến ông rất xúc động. Ông Cấp Cô Độc lạy Bụt và thỉnh Ngài tới thuyết giảng tại quê ông để cho gia đình và bạn bè ông được nghe pháp.

Dù Bụt chỉ mới đi thuyết pháp ba năm, Ngài đã có một ngàn hai trăm đệ tử. Trong số các tăng sĩ cùng du hành với Bụt có Ngài Xá lợi Phất. Ngài đã nổi tiếng là một vị đại sư trước khi trở thành đệ tử của Bụt. Khi Thầy Xá Lợi Phất làm môn sinh của Bụt, các sư đệ và môn sinh của Ngài cũng đi theo Ngài.

119

Bụt nhận lời ông Cấp Cô Độc để tới Shravasti, thủ đô của vương quốc Koshala. Ông Cấp Cô Độc về đó trước để sửa soạn đón tiếp. Ông cần một tăng sĩ đi cùng. Bụt cử Thầy Xá Lợi Phất là người rất giỏi trong việc xây dựng tăng thân, đi cùng với ông Cấp Cô Độc. Hai vị, một tăng sĩ và một cư sĩ đó, chẳng bao lâu trở nên thân thiết với nhau.

Có người nghĩ rằng tu sĩ chỉ thân được với tu sĩ và cư sĩ cũng chỉ gần được cư sĩ thôi. Nhưng không phải vậy. Một khi cả hai cùng có ước vọng tu tập tỉnh thức và nhìn sâu, họ có thể trở thành bạn thân, người cộng sự và bạn đồng tu được. Không có sự phân biệt. Người tu sĩ hay cư sĩ đều có thể là người tốt và là bạn thân thiết của nhau.

Ông Cấp Cô Độc muốn tặng cho Bụt một miếng đất để xây tu viện tại Kosahala. Sau khi tìm kiếm nhiều nơi, ông biết chỉ có một khu đất kia là khá đẹp. Đó là một khu công viên xinh xắn của hoàng thân Kỳ Đà (Jeta). Ông Cấp Cô Độc rất giàu có, nên tin rằng ông có thể thuyết phục hoàng thân bán miếng đất ấy cho ông. Ông hoàng đã trồng nhiều thứ cây đẹp đẽ trên miếng đất nên nó đẹp như một cõi thiên đàng. Khi ông Cấp Cô Độc tới hỏi mua thì hoàng thân từ chối. Ông trả giá cao hơn nhưng vẫn bị từ chối. Cuối cùng ông Cấp Cô Độc hỏi: “Hoàng thân muốn bao nhiêu tiền, tôi cũng sẵn sàng trả.” Ông hoàng trả lời: “Nếu ông có thể phủ kín đất bằng cách trải vàng lá lên đó, thì tôi sẽ bán.” Ông Hoàng nói đùa như thế, không ngờ rằng ông Cấp Cô Độc lại nhận lời.

Ông Cấp Cô Độc mang vàng tới trải khắp khu vườn. Hoàng thân vẫn không muốn bán, nhưng các cố vấn của Ngài nói rằng: “Ngài là hoàng thân quốc thích, thuộc gia đình hoàng tộc, Ngài không thể nuốt lời hứa.”

Hoàng thân Kỳ Đà tự hỏi không hiểu vị thầy tâm linh kia có gì xuất chúng tới độ ông Cấp Cô Độc chịu trả giá cao như thế để mua đất cúng dường. Mọi người liền nói với Hoàng thân Kỳ Đà về Bụt,

120

một đạo sư trẻ tuổi nhưng hoàn toàn tỉnh thức, và các bài giảng cùng lòng từ bi của Ngài không người nào có thể so sánh được. Thấy được sự kính tín và ngưỡng mộ của ông Cấp Cô Độc, Hoàng thân Kỳ Đà bảo ông ngừng, không cần trải thêm vàng ra nữa và nói: “Ông trả như vậy là quá đủ để mua đất rồi. Tôi xin tặng Bụt tất cả cây cối tôi đã trồng, coi như tôi cúng dường Ngài.” Vì thế nên người ta gọi đó là vườn Kỳ Đà – Cấp Cô Độc. Vườn do ông Cấp Cô Độc và cây do Hoàng thân Kỳ Đà hiến tặng cho Bụt. Bụt rất thích khu vườn này và Ngài ở đó tới hai mươi mùa mưa an cư. Bạn có thể tới viếng khu này và nay vẫn còn thấy những dấu tích cổ của các tu viện cổ tại đó.

Trong suốt các năm sau khi gặp Bụt, ông Cấp Cô Độc vẫn tiếp tục công việc giúp người nghèo và hỗ trợ Bụt, Pháp và Tăng. Cả gia đình ông hàng tuần tới vườn Kỳ Đà nghe pháp và thực tập tỉnh thức. Ông thường dẫn các bạn cùng ngành thương mại tới nghe Bụt giảng dạy. Một lần ông dẫn tới hơn năm trăm thương gia để nghe Bụt dạy các cư sĩ thực tập chánh niệm. Đa số các bạn ông thọ nhận ngũ giới. Suốt cuộc đời, ông Cấp Cô Độc rất an lạc và hạnh phúc trong việc hỗ trợ Bụt, Pháp và Tăng. Dù có nhiều thành công, ông Cấp Cô Độc cũng đã gặp nhiều khó khăn trong cuộc đời. Có lần mất hết tài sản, sau nhờ các người cộng sự và bè bạn, ông lại trở nên giàu có.

Ba mươi lăm năm sau khi gặp Bụt lần đầu, ông Cấp Cô Độc bị đau nặng. Nghe tin ông bị ốm, Bụt tới thăm ông và nhắc ông thực tập thở khi nằm trên giường bệnh. Rồi Bụt cử Thầy Xá Lợi Phất chăm sóc cho người bạn thân của Thầy. Bụt bảo Thầy Xá Lợi Phất ở lại Koshala với ông Cấp Cô Độc để giúp ông chết một cách bình an.

Khi Thầy Xá Lợi Phất biết tin ông Cấp Cô Độc đang tiến dần tới cái chết, Ngài mời người sư đệ Ananda cùng đi thăm ông với Ngài. Ananda là anh em bà con của Bụt và là người nhớ hết tất cả những

121

bài giảng của Bụt. Ngài là cái duyên chính khiến chúng ta được học giáo pháp của Bụt ngày nay.

Sau buổi khất thực, hai Ngài tới thăm ông Cấp Cô Độc tại nhà ông. Khi hai vị tăng tới nơi, ông Cấp Cô Độc rất vui sướng được gặp hai người, vì ông cảm thấy rất cần gặp quý vị đó. Ông cố hết sức để ngồi dậy đón tiếp hai Thầy cho phải phép, nhưng ông quá yếu nên không thể ngồi lên.

Thầy Xá Lợi Phật nói: “Ông bạn ơi, đừng cố ngồi dậy làm gì. Hãy cứ nằm yên, chúng tôi sẽ mang ghế tới ngồi cạnh ông đây.” Rồi Thầy Xá Lợi Phất hỏi: “Ông bạn cảm thấy thế nào? Có đau lắm không? Cái đau nó tăng hay giảm?”

Ông Cấp Cô Độc trả lời: “Thưa Thầy, hình như cái đau trong thân tôi không giảm mà tăng lên hoài.”

Thầy Xá Lợi Phất liền nói: “Như vậy, tôi đề nghị ông thực tập thiền quán về Tam Bảo nhé.” Thầy giúp ông Cấp Cô Độc thiền quán về Bụt, Pháp và Tăng với sự trợ giúp của Thầy Ananda ngồi kế bên. Thầy Xá Lợi Phất được coi là vị đệ tử xuất sắc nhất của Bụt, như là cánh tay mặt của Bụt vậy. Ngài là sư huynh của hàng ngàn tăng ni. Ngài biết ông Cấp Cô Độc đã có nhiều năm hạnh phúc khi hỗ trợ Bụt, Pháp và Tăng. Ngài cũng biết rằng khi thiền quán về Tam bảo, ông Cấp Cô Độc sẽ tưới tẩm được các hạt giống hạnh phúc trong ông, ngay lúc khó khăn này.

Ngài cùng ông Cấp Cô Độc thiền quán nhớ tưởng tới bản chất huyền diệu của Bụt, Pháp và Tăng. Chỉ sau sáu phút cơn đau của ông Cấp Cô Độc đã đỡ nhiều vì hạt giống an lạc trong ông đã được tưới tẩm. Cơ thể ông được quân bình lại và ông Cấp Cô Độc mỉm cười.

Tưới tẩm những hạt giống của hạnh phúc là việc rất quan trọng cho người bệnh hay người sắp lìa đời. Tất cả chúng ta đều có những hạt giống hạnh phúc trong mình. Trong những lúc khó khăn như

122

đau ốm hay sắp chết, cần có bạn bè ngồi với ta để giúp ta tiếp xúc được với những hạt giống tốt đó. Nếu không các hạt giống sợ hãi, hối tiếc hay thất vọng sẽ xâm chiếm chúng ta dễ dàng.

Khi ông Cấp Cô Độc có thể mỉm cười, Thầy Xá Lợi Phất biết đã có sự quân bằng giữa cái đau và niềm vui. Ngài mời ông Cấp Cô Độc tiếp tục thiền quán theo Ngài hướng dẫn. “Bạn hãy thực tập theo tôi và Ananda như sau: Thở vào tôi thấy thân này không phải là tôi. Tôi không kẹt vào nơi thân này. Tôi là sự sống thênh thang. Tôi chưa bao giờ từng sinh cũng chưa bao giờ từng diệt.”

Khi bạn sắp chết, có lẽ bạn không tỉnh thức gì mấy về cái thân mình. Bạn có thể bị tê bại, và bạn bị kẹt vào ý niệm cái thân ấy là bạn. Bạn bị kẹt vào ý tưởng là khi thân đó chết thì bạn cũng bị diệt. Vì vậy mà bạn sợ hãi. Bạn sợ trở thành hư vô. Sự hoại diệt của cái thân người không thể đụng tới bản chất thật sự của người đó. Bạn cần giải thích cho người đó hiểu rằng anh ta có một đời sống không có giới hạn. Cái thân này chỉ là một biểu hiện, như đám mây. Khi đám mây không còn là mây nữa, nó cũng không mất đi đâu hết. Nó không trở thành hư không mà chỉ chuyển hóa ra thành mưa mà thôi. Vậy thì ta không nên đồng hóa ta với cái thân này. “Thân này không phải là tôi. Tôi không kẹt vào nơi thân ấy. Tôi là sự sống thênh thang.”

Thật vậy, ta cần bắt đầu thực tập với mắt, rồi mũi, tai, lưỡi, thân và ý. “Mắt này không phải là tôi. Tôi không kẹt vào đôi mắt này. Tôi là sự sống thênh thang. Tai này không phải là tôi. Tôi không kẹt vào đôi tai này. Tôi là sự sống thênh thang. Mũi này không phải là tôi. Tôi không kẹt vào cái mũi này. Tôi là sự sống thênh thang…”

Thực tập như vậy giúp ta không tự đồng hóa mình với cặp mắt, đôi tai, cái lưỡi, cái mũi hay cái thân mình. Ta khám phá ra các thức của những ngũ quan đó và thấy ta không phải chỉ là các giác quan. Ta phong phú hơn sự biểu hiện của các giác quan đó nhiều. Sự ngừng bặt của các biểu hiện kia không ảnh hưởng tới ta.

123

Chúng ta nhìn lại coi cái gì là tự tánh của ta. Trên cơ thể và giác quan, có ngũ uẩn sắc thọ tưởng hành và thức. Nhìn sâu vào từng uẩn, ta nói: “Những thứ đó không phải là ta.” Nhận thức, cảm thọ, tư tưởng tới rồi đi, đó không thể là ta được. Tâm thức cũng như vậy, chỉ là những biểu hiện. Khi các duyên đầy đủ thì chúng biểu hiện. Khi duyên không còn đầy đủ thì chúng không biểu hiện. Dù có biểu hiện ra hay không, những thứ đó cũng không phải là ta.

Thầy Xá Lợi Phất hướng dẫn ông Cấp Cô Độc qua các thức của giác quan và qua năm uẩn, và ông Cấp Cô Độc thấy chúng không phải là mình. Sau đó Thầy Xá Lợi Phất hướng dẫn ông thiền quán về tứ đại. Thầy nói với ông Cấp Cô Độc: “Bạn ơi, chúng ta hãy tiếp tục thiền quán. Đất không phải là tôi (đất đây nghĩa là tất cả các chất rắn như thịt, xương, các cơ quan, bắp thịt). Lửa hay hơi nóng để giữ cho thân ấm áp và tiêu thức ăn không phải là tôi. Tôi không kẹt vào yếu tố lửa hay hơi nóng đó. Chất nước trong tôi không phải là tôi. Có nước cùng khắp trong thân tôi, nhưng tôi không bị ràng buộc vào nó. Gió hay không khí trong tôi cũng không phải là tôi vì tôi không bị kiềm tỏa bởi biên giới nào hết.” Thầy Xá Lợi Phất tiếp tục như thế.

Cuối cùng ông Cấp Cô Độc được hướng dẫn thiền quán về sự tương duyên sinh: “Ông bạn thân, ta hãy nhìn sâu hơn nữa. Khi nhân duyên đầy đủ, cái thân ta tự nó biểu hiện. Nó không từ đâu tới, và sau khi hoại diệt nó cũng không đi tới đâu hết.” Khi một sự vật biểu hiện thật sự ta không thấy nó sinh ra. Khi nó ngừng biểu hiện ta cũng không thể gọi là nó chết đi. Chúng ta vượt thoát được các ý niệm tới-đi, có-không, sinh-diệt, giống nhau – khác nhau. Nó cũng giống hệt như bài giảng mà ta đã học quán chiếu về đám mây, ngọn lửa hay hoa hướng dương.

Khi thực tập tới đó, ông Cấp Cô Độc bắt đầu khóc. Thầy Ananda lấy làm ngạc nhiên. Thầy Ananda trẻ hơn Thầy Xá Lợi Phất nhiều nên Thầy không thấy được sự chuyển hoá và giải thoát của ông

124

Cấp Cô Độc vào lúc đó. Thầy nghĩ rằng ông Cấp Cô Độc khóc vì còn tiếc nuối chuyện gì đó hoặc ông đã thực tập không thành công.

Thầy Ananda hỏi: “Tại sao bạn lại khóc? Bạn có hối tiếc điều gì không?”

Ông Cấp Cô Độc trả lời: “Không, Thầy Ananda, tôi không có gì hối tiếc cả.”

Thầy Ananda lại hỏi: “Hay là bạn thực tập không thành công?”

Ông Cấp Cô Độc trả lời: “Không thưa Thầy Ananda, tôi thực tập rất thành công.”

Thầy Ananda: “Vậy tại sao bạn lại khóc?”

Ông Cấp Cô Độc ràn rụa nước mắt trả lời: “Thầy Ananda ơi, tôi khóc vì tôi sung sướng quá. Tôi đã phục vụ Bụt, Pháp và Tăng ba chục năm qua và tôi chưa bao giờ được giảng dạy và thực tập giáo pháp mầu nhiệm như bài Thầy Xá Lợi Phất mới dạy tôi ngày hôm nay. Tôi sung sướng quá, tôi thảnh thơi quá!”

Thầy Ananda liền nói với ông: “Bạn không biết rằng các tu sĩ chúng tôi được học giáo pháp này hàng ngày sao?”

Ông Cấp Cô Độc mỉm cười và nhỏ nhẹ nói với giọng yếu ớt: “Xin Thầy Ananda hãy trở về thưa với đức Thế Tôn là tôi hiểu bài giảng này. Có lẽ nhiều cư sĩ quá bận rộn nên không tiếp nhận và thực hành được giáo pháp này nhưng cũng có nhiều vị có đủ thảnh thơi và thì giờ để học hỏi và tu tập. Xin đức Thế Tôn hãy dạy giáo pháp này cho các cư sĩ nữa.”

Biết đây là lời yêu cầu cuối cùng của ông Cấp Cô Độc, Thầy Ananda nói: “Dĩ nhiên tôi sẽ làm như bạn yêu cầu, sẽ trình lên đức Thế Tôn ngay khi chúng tôi trở lại tu viện.” Sau khi hai thầy ra về ít lâu, ông Cấp Cô Độc đã chết một cách bình an và không đau đớn.

125

Câu chuyện này được ghi lại trong “Kinh Dành Cho Người Hấp Hối.” Tôi xin những ai có thể, đều nên học hỏi và hành trì kinh này. Xin đừng để tới lúc đụng chuyện sống chết mới học và hành kinh đó. Xin hãy tập nhìn sâu ngay bây giờ để có thể tiếp xúc được với bản chất không sinh – không diệt, không đến – không đi, không giống nhau – không khác nhau. Làm được như vậy bạn sẽ hết đau buồn, khổ não. Nếu bạn cố gắng thực tập cho tinh chuyên, bạn sẽ nuôi dưỡng được sự vô úy trong bạn. Bạn sẽ có thể chết một cách bình an và hạnh phúc.

Sống hạnh phúc, chết bình an là chuyện có thể làm được. Ta sẽ được như thế khi ta nhìn thấy mình tiếp tục biểu hiện trong các hình thái khác. Ta cũng có thể giúp người khác chết bình an nếu ta có những yếu tố vững chãi và vô úy trong ta. Bao nhiêu người trong chúng ta có cái sợ sẽ thành hư vô. Vì sợ hãi mà ta rất đau khổ. Vì vậy mà ta cần giúp người sắp chết hiểu được cái chân lý: “ta chỉ là sự tiếp nối trong nhiều biểu hiện.” Như vậy ta sẽ không bị chuyện sống chết làm cho ta hoảng sợ, vì ta hiểu đó chỉ là những khái niệm mà thôi. Đó là một cái nhìn rất quan trọng giúp cho ta hết sợ hãi.

Tôi đã lấy những lời lẽ của bài “Kinh Dành Cho Người Hấp Hối” (Anguttara Nikaya, Tăng chi bộ) để làm thành một bài hát. Đó là một điệu ru, có thể hát cho người sắp chết nghe, khi họ sắp thở hơi cuối cùng:

“Thân này không phải là tôi Tôi không kẹt vào nơi thân ấy Tôi là sự sống thênh thang Tôi chưa bao giờ từng sinh và cũng chưa bao giờ từng diệt Này kia biển rộng trời cao Muôn ngàn tinh tú lao xao Tất cả đều biểu hiện tôi, từ nguồn linh tâm thức Tự muôn đời tôi vẫn tự do Tử sinh là cửa ngõ ra vào

126

Tử sinh là trò chơi cút bắt Hãy cười cùng tôi Hãy nắm tay tôi Hãy vẫy tay chào để rồi tức thì gặp lại Gặp lại hôm nay Gặp lại ngày mai Chúng ta sẽ gặp nhau nơi suối nguồn Chúng ta sẽ gặp lại nhau trên muôn vàn nẻo sống.”

Hàng thứ nhất có thể được nhắc lại với các chữ: “Mắt này không phải là tôi, tôi không kẹt vào hai mắt đó… Mũi này… Tai này… Lưỡi này…Ý này… Các hình sắc này… Các âm thanh này…” thay vào chữ “Thân này.”

Khi hát hay đọc bài này cho người hấp hối nghe, ta sẽ giúp họ thoát được ý nghĩ họ có một tự tánh thường hằng dính liền với một phần nào đó trong thân thể của họ. Tất cả các hợp uẩn đều bị tan rã nhưng bản chất thực của ta sẽ không biến vào quên lãng. Việc hướng dẫn thiền quán này sẽ giúp ta không bị vướng vào ý niệm ta là cái thân này, ta là cảm xúc hoặc tư tưởng kia. Thật sự ta không phải là những thứ đó. Ta là sự sống thênh thang. Chúng ta không bị kẹt vào sinh, không bị kẹt vào tử, vào có hoặc vào không. Đó là chân lý của thực tại.

Vậy, xin hãy đừng quá bận rộn trong đời sống hàng ngày. Xin hãy dành thì giờ thực tập. Hãy học cách sống hạnh phúc, bình an và sung sướng ngay hôm nay. Hãy tập nhìn sâu để hiểu được bản chất thật của sinh tử, như vậy bạn sẽ được chết bình an, không sợ hãi. Đây là điều ai cũng có thể làm được.

Nếu bạn thực tập như vậy, không còn sợ hãi, thì khi có người thân quen sắp chết, bạn có thể giúp họ được. Bạn phải biết thực sự bạn muốn làm gì và không muốn làm gì. Bạn là người thông minh nên sẽ biết cách dùng thì giờ một cách khéo léo. Bạn không cần mất thì giờ để làm những chuyện vô ích và tầm thường. Bạn không cần

127

giàu có, không cần phải có danh vọng hay quyền hành. Điều bạn cần là tự do, vững chãi, bình an và hạnh phúc. Bạn cần có thì giờ và năng lực để có thể chia sẻ những thứ đó với người khác.

Hạnh phúc của chúng ta không tùy thuộc vào chuyện ta có nhiều tiền của hay danh vọng. Sự an toàn của chúng ta là do ta có thực tập chánh niệm hay không. Một khi chúng ta có thực tập tỉnh thức thì Bụt, Pháp và Tăng sẽ chăm sóc ta và chúng ta sẽ có hạnh phúc. Đôi mắt sáng, miệng cười tươi và bước chân ta vững chãi trên con đường thênh thang của cuộc sống tự do. Hạnh phúc của ta sẽ nở hoa trên những người sống bên cạnh. Chúng ta sẽ không dùng thì giờ vào những chuyện hời hợt. Ta dùng thì giờ cho sự tu học để làm cho đời sống ta có phẩm chất hơn. Đó là món quà quí nhất ta có thể tặng cho con cháu ta. Đó là những tinh túy ta có thể chia sẻ với bạn bè. Ta cần có thì giờ để tiếp nhận, học hỏi và thực hành những giáo pháp mầu nhiệm của Bụt, như bài dạy cho ông Cấp Cô Độc vào lúc ông hấp hối.

Nương tựa vào gia đình, bè bạn và cộng đồng, tăng thân, ta thay đổi cuộc đời mình. Ta phải sống an vui ngay được chứ không đợi tới mai sau. Ta phải bắt đầu ngay lúc này, tại đây, sống an lạc vui vẻ ngay bây giờ. Không có con đường dẫn tới hạnh phúc, hạnh phúc chính là con đường mình đi.

Bài giảng của Thầy Xá Lợi Phất có thể tặng cho bất cứ ai. Ông Cấp Cơ Độc rất may mắn nhận được giáo pháp đó vào lúc cuối đời. Mọi chuyện đều vô thường và ta không thể biết lúc nào ta sẽ thở hơi cuối cùng. Ta có thể sẽ không may mắn như ông Cấp Cô Độc, có người bạn tâm linh bên cạnh để hướng dẫn khi ta sắp chết. Vì vậy ta không nên để quá trễ. Ta nên thực tập ngay để có thể tự hướng dẫn mình.

Câu chuyện về cái chết thời nay Vào đầu thập niên 1990, trên đường tới trung tâm Omega thuộc

tiểu bang Nữu Ước để hướng dẫn một khóa tu, tôi nhận được tin

128

một người bạn cũ đang nằm hấp hối trong bệnh viện ở ngay phía bắc thành phố Nữu Ước. Ông ta tên là Alfred Hassler. Ông đã từng là giám đốc tổ chức Hòa Giải. Trong những năm 1966 – 1967, ông và tôi thường đồng hành trên nhiều quốc gia để cố gắng vận động chấm dứt chiến tranh Việt Nam.

Sau này khi tôi không được phép trở về xứ nữa, tôi đã nói cho thế giới biết về các hành động vi phạm nhân quyền của cả hai miền Nam Bắc Việt. Hassler đã thay tôi qua Việt Nam để điều hợp các công việc tại đó. Ông giúp các bạn tôi dựng những khu trại giúp nạn nhân chiến tranh. Chúng tôi cùng nhau nuôi khoảng 8 ngàn trẻ mồ côi. Khi tôi tới Mỹ vào năm 1966, hội Thân hữu Hòa Giải tổ chức các buổi nói chuyện cho tôi.

Khi cô Chân Không và tôi tới bệnh viện, Alfred đã hôn mê. Vợ ông Dorothy, và con gái Laura của ông có mặt bên ông. Laura là người làm việc tình nguyện cho phái đoàn Phật giáo Hòa Bình, khi cô còn rất trẻ.

Khi Dorothy và Laura nhìn thấy chúng tôi, họ rất sung sướng. Laura ráng gọi để cha cô tỉnh lại: “Ba ơi, Thầy tới này – Cô Chân Không có đây này!” Nhưng Alfred không tỉnh lại, ông vẫn chìm trong cơn mê. Tôi bảo cô Chân Không hát cho ông ta nghe. Người sắp chết vẫn có khả năng nghe, dù ta không thấy được điều đó. Cô Chân Không bắt đầu hát: “Thân này không phải là tôi. Tôi không kẹt vào nơi thân ấy. Tôi là sự sống thênh thang. Tôi chưa bao giờ từng sinh cũng chưa bao giờ từng diệt.” Cô hát lại lần thứ hai, lần thứ ba. Giữa bài lần sau này, Alfred tỉnh lại, mở mắt ra.

Laura rất sung sướng, cô bé gọi: “Ba, ba biết là Thầy có đây không? Ba có biết Sư cô Chân Không cũng có đây không?” Alfred không nói được tiếng nào. Nhìn vào mắt ông chúng tôi hiểu là ông biết chúng tôi đang có mặt. Cô Chân Không bắt đầu nói chuyện với ông về những kinh nghiệm hoạt động chung của chúng tôi cho hòa bình Việt Nam. “Alfred, ông nhớ thời gian ông ở Saigon và

129

ráng gặp Thầy Trí Quang hay không? Hoa Kỳ đã quyết định thả bom Hà Nội ngày hôm trước và Thầy Trí Quang giận quá nên nói là sẽ không gặp một người Tây phương nào nữa, dù họ là bồ câu hay diều hâu.”

“Khi ông tới, thầy không mở cửa. Alfred, ông có nhớ đã ngồi ngoài cửa viết một đoạn ngắn: ‘Tôi là bạn, không phải kẻ thù, tới để giúp cho cuộc chiến sớm chấm dứt trên xứ Thầy. Tôi sẽ không ăn hay uống gì hết cho tới khi Thầy mở cửa cho tôi.’ Ông đã đẩy thư qua khe cửa, Alfred, ông nhớ không? Ông đã nói sẽ ngồi đó cho tới khi cửa mở. Ông nhớ chứ? Chỉ mười lăm phút sau, Thầy Trí Quang mở cửa, miệng cười tươi để mời ông vô phòng… Alfred, ông có nhớ không? Khi ở La Mã, có một đêm không ngủ của ba trăm tu sĩ Thiên chúa giáo, mỗi người mang tên một vị sư Việt Nam đã bị tù vì không chịu gia nhập quân đội.”

Sư cô Chân Không tiếp tục nói với Alfred về những niềm vui mà chúng tôi đã cùng trải qua khi vận động hòa bình cho Việt Nam. Chuyện này có hiệu quả thật mầu nhiệm. Cô ráng làm như Thầy Xá Lợi Phất làm cho ông Cấp Cô Độc. Cô cố gắng tưới tẩm những hạt giống hạnh phúc cho Afred. Niềm vui của ông là lý tưởng phụng sự hòa bình và chấm dứt khổ đau cho người khác. Khi những hạt giống hạnh phúc được tưới tẩm, trong ông có sự thăng bằng về khổ và vui, nên ông tỏ ra bớt đau đớn.

Trong khi đó tôi thoa bóp chân Aflfred. Tôi nghĩ là một người hấp hối có thể không có ý thức gì mấy về cơ thể của họ vì nó đã bị tê. Laura hỏi: “Ba, ba có biết là Thầy đang thoa bóp chân cho ba không?” Ông ta không nói được nhưng nhìn vào mắt ông, chúng tôi biết ông có nhận ra là chúng tôi đang hiện diện. Bỗng nhiên ông mở miệng kêu lên: “Mầu nhiệm quá, mầu nhiệm quá!” Sau đó ông hôn mê lại và không bao giờ tỉnh nữa.

Đêm hôm đó tôi phải nói Pháp thoại hướng dẫn cho các thiền sinh tại Omega. Chúng tôi từ biệt họ và bảo Dorothy cùng Laura

130

hãy làm theo tôi và cô Chân Không, hãy nói chuyện và hát cho Alfred. Sớm hôm sau tôi được tin Alfred đã chết rất bình an vài giờ sau khi chúng tôi rời ông.

Những người bị hôn mê vẫn có cách để nghe chúng ta nếu ta thật sự có mặt một cách bình an bên cạnh họ. Mười năm trước đây có một sinh viên sống tại Bordeaux, bên Pháp, nghe tin mẹ anh đang hấp hối tại California, anh khóc thật nhiều. Anh không biết khi bay về tới California thì mẹ còn sống hay không. Sư cô Chân Không bảo anh bay ngay về và nếu thấy mẹ còn sống thì hãy làm giống như thầy Thầy Xá Lợi Phất đã làm cho ông Cấp Cô Độc. Cô bảo anh ta hãy nói về những kỷ niệm đẹp đẽ giữa hai mẹ con. Anh cũng nên nhắc tới thời mẹ mới lấy bố và những năm mẹ còn trẻ. Nói với mẹ như thế, anh sẽ gợi lại cho mẹ những điều làm mẹ vui, dù cho mẹ không còn tỉnh.

Khi anh đó tới nhà thương thì mẹ anh đã hôn mê. Dù không hoàn toàn tin rằng người mê man có thể nghe được nhưng anh ta đã làm những gì mà sư cô đã căn dặn. Bác sĩ cho anh biết bà mẹ đã mê cả tuần trước và không hy vọng gì bà sẽ tỉnh lại trước khi chết. Nhưng sau khi nói chuyện với mẹ khoảng một giờ rưỡi đồng hồ, bà tỉnh lại. Khi ngồi bên giường người hấp hối, nếu bạn bình tĩnh và thân tâm bạn hoàn toàn hiện diện tại đó, bạn có thể giúp được người đó chết một cách an nhiên.

Vài năm trước đây, Sư cô Chân Không tới thăm chị cô bị đau rất nặng sau khi thay gan. Sau hai năm cơ thể bà ta từ chối không nhận lá gan mới ghép đó nữa. Bà ấy rất đau đớn. Khi vô tới nhà thương, cô Chân Không thấy cả nhà ai cũng như đầu hàng, thấy không còn giúp gì cho bà ấy được. Dù hôn mê, người bệnh vẫn quằn quại, kêu rên và la hét vì quá đau đớn. Tất cả các con bà, kể cả người con bác sĩ đều cảm thấy bất lực.

Sư cô Chân Không đã mang tới nhà thương cái băng niệm Bồ tát Quan Thế Âm của tăng ni Làng Mai. Dù chị cô đã hôn mê, cô vẫn

131

để cho máy chạy, mắc ống nghe vào tai bà và mở cho âm thanh lớn gần tới tối đa. Năm sáu phút sau, điều kỳ diệu đã xảy ra: chị của sư cô nằm gần như yên lặng, không còn quằn quại kêu la gì nữa hết. Bà ta được bình an như vậy cho tới lúc lìa đời, khoảng năm ngày sau đó.

Trong năm ngày chót đó, chị của Sư cô đã liên tục nghe tiếng niệm Bồ tát. Bà ta đã tới chùa nhiều lần và thường nghe niệm như vậy. Nghe lại khi hấp hối, là tưới tẩm được các hạt giống quý báu và an lạc khi bà còn sống. Bà ta có đức tin và đã thấy được bình diện tâm linh trong cuộc đời, bà đã nghe tụng niệm và nghe Pháp thoại nhiều lần. Cái băng và giọng tụng niệm của tăng ni đã khơi dậy những hạt giống hạnh phúc, những hạt giống mà bác sĩ không biết làm sao tiếp xúc cho được. Ai cũng có thể làm như Sư cô Chân Không, nhưng không có ai nghĩ ra.

Tâm thức của chúng ta giống như cái máy truyền hình có nhiều đài. Khi ta bấm một cái nút, đài ta chọn sẽ hiện ra. Khi ta ngồi bên người hấp hối, ta phải biết nên chọn đài nào. Người thân với bệnh nhân là người tốt nhất để làm việc này. Nếu bạn ở cạnh người hấp hối, bạn nên dùng các hình ảnh và âm thanh có thể tưới tẩm những giờ phút hạnh phúc nhất của người đó. Trong tâm thức của ai cũng có những hạt giống của Tịnh độ hay Niết bàn, của vương quốc Thượng đế hay Thiên đàng.

Nếu chúng ta biết thực tập và thấm nhuần thực tại vô sinh bất diệt, nếu ta hiểu được rằng đến-đi, tới-lui chỉ là những ý niệm, và nếu ta hiện diện một cách vững chãi, bình an, thì ta có thể độ được người sắp chết. Ta có thể giúp họ bớt hẳn sợ hãi và đau khổ. Ta có thể giúp họ chết một cách bình an. Ta có thể giúp chính ta hiểu rằng không có sự chết, nghĩa là không có sợ hãi. Chỉ có sự tiếp tục mà thôi.

132

Pháp thí thắng mọi thí Sabbadānaṃ dhammadānaṃ jināti

SÁCH ẤN TỐNG KHÔNG BÁN

Thich Nhat Hanh National bestselling author of Anger and Living Buddha, Living Christ

no death)

Comtortlng Wisdom tor Lite

PRAISE FOR

Thich Nhat Hanh "He shows us the connection between personal, inner peace and peace on earth:' -His Holiness the Dalai Lama

"Thich Nhat Hanh is a holy man, for he is humble and devout!' -Martin Luther King, Jr., in nominating

Thich Nhat Hanh for the Nobel Peace Prize

"One of the greatest teachers of our time:'

"Thich Nhat Hanh is a real poet:'

-Robert Thurman

-Robert Lowell

"He has immense presence and both personal and Buddhist authority. If there is a candidate for 'Living Buddha' on earth today, it is Thich Nhat Hanh:' -Richard Baker

'Thich Nhat Hanh writes with the voice of the Buddha:' -Sogyal Rinpoche

"Thich Nhat Hanh is more my brother than many who are nearer to me in race and nationality, because he and I see things the exact same way:' -Thomas Merton

No Death) No Fear Chosen as One of the Best Spiritual Books of the Year

by Spirituality & Health

"[A] simple but profound message ... comforting words in a time and place when seeking happiness is often relegated to a 'to-do' list:'

-The Denver Post

"In this masterwork, [Thich Nhat HanhJ presents his understanding of death along with profound ancillary teachings on freedom, looking deeply, transforming grie£ practicing resurrection, touching the Earth, and accompanying the dying ... with the simplicity and clarity that 'are hallmarks of his writing. We come to see that we can be liberated from our notions of birth and death, coming and going, permanent selves and annihilation ... By living fully in the present, we can experience happiness and be freed from suffering and fear. Thich Nhat Hanh has rendered us an invaluable service by opening our hearts and minds to the wonderful becoming that is our joy and our destiny:'

-Spirituality & Health

continued . ..

"If you think there's nothing new to be said about Buddhism, then take a look at [No Death, No rear]. Buddhist luminary Thich Nhat Hanh con­fronts another heady topic ... through parables, stories and his own brand of faith:' -Body & Soul

"Zen master Nhat Hanh turns his hard-earned wisdom as a survivor of war, persecution, and exile to the age-old dilemma of what happens when one dies. If the greatest fear is, as he suggests, that one becomes nothing, then how is one to live with this threat of complete annihila­tion? Using Buddhist parables and anecdotes, Nhat Hanh offers an alternative perspective [that some readers may find] refreshing, espe­cially when it is expressed as calmly and matter-of-factly as Nhat Hanh expresses it:' -Book list

Anger Chosen as One of the Best Spiritual Books of the Year

by Spirituality & Health

"The Buddhist monk addresses the causes of anger and suggests prac­tical tools to embrace and heal it ... Reminding us that small spiritual matters are really large spiritual matters, the author offers wisdom and serenity to comfort readers as they work through anger to a place of 'being peace: " -Library Journal

"Americans would do well to cool down with the prolific Buddhist monk ... Hanh's suggestions cut refreshingly against the grain. Hanh reminds us that anger begins and ends with ourselves; we may feel that we are mad at our wife and son, but really we are the direct objects of our rage. Hanh doesn't limit his task to discussing anger between fami­lies and friends; he also deals with anger between citizens and govern­ments. That expansive vision is not surprising (Hanh, after all, is a Nobel Peace Prize nominee) but it is refreshing, uplifting this book out of the self-absorbed, self-help pile. Like Hanh's other books, this is not weighed down with Buddhist terminology. The appendices ... give it the specifically Buddhist spice that some readers will appreciate. The meat of the book, however, will be accessible to a broad, ecumenical audience:' -Publishers Weekry

Going Home: Jesus and Buddha as Brothers

"Explores the connections between Buddhism and Christianity ... a valuable addition to the growing literature on these two religious tradi­tions:' -Kirkus Reviews

"[A] beautiful and inspiring gift to all seeking a more meaningful spir­ituality:' -Library Journal

"His book speaks powerfully about the need for tolerance and love in overcoming differences:' -Publishers Weekry

Fragrant Palm Leaves: Journals 1962-l966

"One of the sweetest and most personally revealing of Thich Nhat Hanh's books, it shows the planting of his seeds of remarkable wis­dom:' -Jack Kornfield,

author of A Path with Heart

"Enlightening ... To read his thoughts is to understand the connection between public life and private life, and that such 'interbeing' makes for ecstatic joy:' -Maxine Hong Kingston

"In Fragrant Palm Leaves, the venerable poet emerges poignantly disclosing the essence of enlightenment, and also life itself' -Robert Thurman,

author of Inner Revolution

"Informative and inspiring." -Publishers Weekry

OTHER BOOKS

BY THICH NHAT HANH

Anger

Going Home

Living Buddha, Living Christ

Fragrant Palm Leaves

Being Peace

The Blooming of a Lotus

Breathe! You Are Alive

Call Me By My True Names

Cultivating the Mind of Love

For a Future to Be Possible

The Heart of the Buddha's Teaching

The Heart of Understanding

The Long Road Turns to Joy

Love in Action

The Miracle of Mindfulness

Old Path White Clouds

The Path of Emancipation

Peace Is Every Step

Present Moment, Wonderful Moment

The Sun My Heart

Touching Peace

Transformation and Healing

NO DEATH,

NO FEAR

Comforting Wisdom for Life

THICH NHAT HANH

RIVERHEAD BOOKS

NEW YORK

Most Riverhead Books are available at special quantity discounts for bulk purchases for sales promotions, premiums, fund-raising, or educational use. Special books, or book excerpts, can also be created to fit specific needs.

For details, write: Special Markets, The Berkley Publishing Group, 375 Hudson Street, New York, New York 10014.

While the author has made every effort to provide accurate telephone numbers and Internet addresses at the time of publication, neither the publisher nor the author assumes any responsibiliry for errors, or for changes that occur after publication.

Riverhead Books Published by The Berkley Publishing Group

A division of Penguin Group (USA) Inc.

375 Hudson Street New York, New York 10014

Copyright © 2002 by Unified Buddhist Church Cover design © 2002 Jess Morphew Book design by Gretchen Achilles

All rights reserved. This book, or parts thereof. may not be reproduced in any form without permission. The scanning, uploading, and distribution of this book via the Internet or via any other means without permission of the publisher is illegal and

punishable by law. Please purchase only authorized electronic editions, and do not participate in or encourage electronic piracy of copyrighted materials. Your support

of the author's rights is appreciated.

First Riverhead hardcover edition: August 2002 First Riverhead trade paperback edition: August 2003

Riverhead trade paperback ISBN: 1-57322-333-6

The Library of Congress has catalogued the Riverhead hardcover edition as follows:

Nhat Hanh, Thkh. No death, no fear: comforting wisdom for life / Thich Nhat Hanh.

p. cm.

ISBN 1-57322-221-6 I. Spiritual life-Buddhism. 2. Buddhism-Doctrines. I. Title

BQ4302 .N43 2002 2002021358

294·3'444--dC21

Printed in the United States of America

109 8 7 6

Contents

FOREWORD

IX

ONE

Where Do We Come From?

Where Do We Go?

TWO

The Real Fear

17

THREE

The Practice of Looking Deeply

37

FOUR

Transforming Grief and Fear

57

FIVE

New Beginnings

91

SIX

The Address oj Happiness

103

SEVEN

Continuing Manifestations

119

EIGHT

Fear, Acceptance and Forgiveness:

The Practice oj Touching the Earth

133

NINE

Accompanying the Dying

173

Foreword

One day, over lunch, my father said to me, ''The last time I

saw my father, he was in a basket in the living room." We

were sitting together at the outdoor dining area of a Mexican

restaurant in Key West, Florida. He looked up from his plate

of beans and rice, and continued. "My father was a working

man. He was a baker; he worked at the co-op in downtown

Fitchburg on Leominster Street."

"Tell me about your father's death," I said.

"I don't know anything," he replied.

"What did people say?"

"No one ever said anything. And I never asked." He re­

turned to the silence that I knew all too well.

Sacred Heart Church is two blocks from the house on

Sanborn Street in West Fitchburg, Massachusetts, where my

father said good-bye to the grandfather I never knew. This

was my family's spiritual center when I was growing up. It

was a refuge from the daily grind of factory work, arguing

spouses, unpaid bills and excess alcohol. This is where I was

baptized and where I was sent for my spiritual education.

IX

FOREWORD

Every Monday afternoon, after a full day at public school, I

reluctantly trudged up Water Street to this building for two

hours of catechism.

I still remember the first day, sitting next to my cousin

Patty, our fresh new catechism books in hand. As two nuns

stood in front of the class, we were told to open our books

to page one and to memorize three questions and their three

"Wh d ," "G d d ""Wh dOd answers. 0 ma e me. 0 ma e you. y 1

God make me?" "To love and serve him." "What happens

when I die?" "Y ou will live forever with God in Heaven."

For the fathers of the church there was no doubt: my soul is

eternal and I will live forever.

Reading The Boston Globe one Sunday, I was struck by an

article about a woman facing the possibility of terminal can­

cer. The story began, "A Young Life Interrupted ... Adriana

Jenkins doubts God exists. Or fate." "When we die," she

says, "we are gone 'ashes to ashes, dust to dust.''' But she

imagines death often-the pain, floating upward, looking

down on mourners around her hospital bed, a shimmer of

light and finally nothing: "off like a light switch." This has

become the main alternative for those to whom doubt itself

has become a faith; when we die we are gone, we are nothing.

The first funeral I ever attended was in 1968. It was for

my mother's father, my grandfather, Sam Rameau. Since

then, more than two dozen times, I have stood at the edge of

a freshly dug grave, confused, lost and wondering what to

x

FOREWORD

think and what to feel about death, asking myself, Are there

really only two options to consider, the belief in an eternal

soul, or annihilation?

Doubting the belief in an eternal life and dreading the

idea of oblivion, I have lived with a dull fear, a kind of cos­

mic background noise, throughout my life. Which one is

true, forever remaining as me or nothingness? Is there an

eternal soul and, if there is, will I be in heaven or in hell?

Bored forever or in bliss? Alone or with God?

During the Buddha's life, he was questioned many times

by scholars and theologians about the opposite philosophies

of eternalism and nihilism. When asked if there was an eter­

nal soul, the Buddha replied that there is no permanent self,

When asked if we were extinguished into oblivion upon our

death, the Buddha said that we are not annihilated. He re­

jected both of these ideas.

I have a dear friend who is a famous marine biologist.

Like many people he believes that when we die we are extin­

guished forever. He believes this not from a loss of faith or

from despair but because of his trust in science. His faith is

in the natural world, in the beauty of the unfolding universe

around him and in the ability of humans to understand and

gain knowledge of that universe.

Thich Nhat Hanh also has an abiding faith in the ability

of humans to gain understanding. But his goal is more than

Xl

FOREWORD

the accumulation of scientific knowledge; it is the attainment

of liberation and deep personal wisdom based on pure in­

quiry. Writing in these pages from his own experience,

Thich Nhat Hanh proposes a stunning alternative to the op­

posing philosophies of an eternal soul and nihilism. He tells

us: "Since before time you have been free. Birth and death are

only doors through which we pass, sacred thresholds on our

journey. Birth and death are a game of hide-and-seek. You

have never been born and you can never die" and "Our great­

est pain is caused by our notions of coming and going." Over

and over again, he invites us to practice looking deeply so we

can know for ourselves the freedom and joy of the middle

way between a permanent self and oblivion. As a poet, he ex­

plores the paradoxes of life and gently lifts the veil of illu­

sion, allowing us, maybe for the first time in our lives, to see

that our dread of dying is caused by our own misperceptions

and misunderstandings.

His insights into life and death are subtle and elegant,

and, like all things subtle, best appreciated slowly, in quiet

contemplation. Out of the deep wellspring of Thich Nhat

Hanh's humanity and compassion comes the balm to heal

our hearts.

PRITAM SINGH

xu

One

WHERE DO

WE COME FROM?

WHERE DO

WE GO?

I

I

I

I

I

I

In my hermitage in France there is a bush of japonica, Japan­

ese quince. The bush usually blossoms in the spring, but one

winter it had been quite warm and the flower buds had come

early. During the night a cold snap arrived and brought with

it frost. The next day while doing walking meditation, I no­

ticed that all the buds on the bush had died. I recognized this

and thought, This New Year we will not have enough flowers to decorate

the altar oj the Buddha.

A few weeks later the weather became warm again. As I

walked in my garden I saw new buds on the japonica mani­

festing another generation of flowers. I asked the japonica

flowers: "Are you the same as the flowers that died in the frost

or are you different flowers?" The flowers replied to me: "Thay,

we are not the same and we are not different. When condi­

tions are sufficient we manifest and when conditions are not

sufficient we go into hiding. It's as simple as that."

This is what the Buddha taught. When conditions are

sufficient things manifest. When conditions are no longer

sufficient things withdraw. They wait until the moment is

right for them to manifest again.

NO DEATH, NO FEAR

Before giving birth to me, my mother was pregnant with

another baby. She had a miscarriage, and that person wasn't

born. When I was young I used to ask the question: was that

my brother or was that me? Who was trying to manifest at

that time? If a baby has been lost it means that conditions

were not enough for him to manifest and the child has de­

cided to withdraw in order to wait for better conditions. "I

had better withdraw; I'll come back again soon, my dearest."

We have to respect his or her will. If you see the world with

eyes like this, you will suffer much less. Was it my brother

that my mother lost? Or maybe I was about to come out but

instead I said, "It isn't time yet," so I withdrew.

Becoming Nothing

Our greatest fear is that when we die we 'will become nothing.

Many of us believe that our entire existence is only a life span

beginning the moment we are born or conceived and ending

the moment we die. We believe that we are born from noth­

ing and that when we die we become nothing. And so we are

filled with fear of annihilation.

The Buddha has a very different understanding of our

existence. It is the understanding that birth and death are no­

tions. They are not real. The fact that we think they are true

makes a powerful illusion that causes our suffering. The

4

WHERE DO WE COME FROM? WHERE DO WE GO?

Buddha taught that there is no birth, there is no death; there

is no coming, there is no going; there is no same, there is no

different; there is no permanent self, there is no annihilation.

We only think there is. When we understand that we cannot

be destroyed, we are liberated from fear. It is a great relief,

We can enjoy life and appreciate it in a new way.

Finding a Lost Loved One

The same thing happens when we lose any of our beloved

oQes. When conditions are not right to support life, they

withdraw. When I lost my mother I suffered a lot. When we

are only seven or eight years old it is difficult to think that

one day we will lose our mother. Eventually we grow up and

we all lose our mothers, but if you know how to practice,

when the time comes for the separation you will not suffer

too much. You will very quickly realize that your mother is

always alive within you.

The day my mother died, I wrote in my journal, "A seri­

ous misfortune of my life has arrived." I suffered for more

than one year after the passing away of my mother. But one

night, in the highlands of Vietnam, I was sleeping in the hut

in my hermitage. I dreamed of my mother. I saw myself sit­

ting with her, and we were having a wonderfUl talk. She

looked young and beautifUl, her hair flowing down. It was so

NO DEATH. NO FEAR

pleasant to sit there and talk to her as if she had never died.

When I woke up it was about two in the morning. and I felt

very strongly that I had never lost my mother. The impres­

sion that my mother was still with me was very clear. I un­

derstood then that the idea of having lost my mother was

just an idea. It was obvious in that moment that my mother

is always alive in me.

l opened the door and went outside. The entire hillside

was bathed in moonlight. It was a hill covered with tea

plants. and my hut was set behind the temple halfway up.

Walking slowly in the moonlight through the rows of tea

plants. I noticed my mother was still with me. She was the

moonlight caressing me as she had done so often. very ten­

der. very sweet ... wonderful! Each time my feet touched the

earth I knew my mother was there with me. I knew this body

was not mine alone but a living continuation of my mother

and my father and my grandparents and great-grandparents.

Of all my ancestors. These feet that I saw as "my" feet were

actually "our" feet. Together my mother and I were leaving

footprints in the damp soil.

From that moment on. the idea that I had lost my

mother no longer existed. All I had to do was look at the

palm of my hand. feel the breeze on my face or the earth

under my feet to remember that my mother is always with

me. available at any time.

6

WHERE DO WE COME FROM? WHERE DO WE GO?

When you lose a loved one, you suffer. But if you know

how to look deeply, you have a chance to realize that his or

her nature is truly the nature of no birth, no death. There is

manifestation and there is the cessation of manifestation in

order to have another manifestation. You have to be very

keen and very alert in order to recognize the new manifesta­

tions of just one person. But with the practice and with ef­

fort you can do it.

So, taking the hand of someone who knows the practice,

together do walking meditation. Pay attention to all the leaves,

the flowers, the birds and the dewdrops. If you can stop and

look deeply, you will be able to recognize your beloved one

manifesting again and again in many forms. You will again

embrace the joy oflife.

Nothing Is Born, Nothing Dies

A French scientist, whose name is Lavoisier, declared, "Rim

ne se cree, rim ne se perd." "Nothing is born, nothing dies." Al­

though he did not practice as a Buddhist but as a scientist, he

found the same truth the Buddha discovered.

Our true nature is the nature of no birth and no death.

Only when we touch our true nature can we transcend the

fear of non-being, the fear of annihilation.

7

NO DEATH, NO FEAR

The Buddha said that when conditions are sufficient

something manifests and we say it exists. When one or two

conditions fail and the thing does not manifest in the same

way, we then say it does not exist. According to the Buddha,

to qualify something as existing or not existing is wrong. In

reality, there is no such thing as totally existing or totally not

existing.

We can see this very easily with television and radio. We

may be in a room that has no television or radio. And while

we are in that room, we may think that television programs

and radio programs do not exist in that room. But all of us

know that the space in the room is full of signals. The signals

of these programs are filling the air everywhere. We need only

one more condition, a radio or a television set, and many

forms, colors and sounds will appear. It would have been

wrong to say that the signals do not exist because we did not

have a radio or television to receive and manifest them. They

only seemed not to exist because the causes and conditions

were not enough to make the television program manifest. So

at that moment, in that room, we say they do not exist. Just

because we do not perceive something, it is not correct to say

it does not exist. It is only our notion of being and non-being

that makes us confused. It is our notion of being and non­

being that makes us think something exists or something

doesn't exist. Notions of being and non-being cannot be ap­

plied to reality.

8

WHERE DO WE COME FROM? WHERE DO WE GO?

No Above) No Below

It is like the notion of above and below. To say they exist is

also wrong. What is below for us is above for someone else

somewhere else. Weare sitting here and we say that above is

the direction over our head and we think that the opposite

direction is below.

People practicing sitting meditation on the other side of

the world would not agree that what we call above is above

because for them it is below. They are not sitting on their

heads. The ideas of above and below always mean to be above

something or to be below something, and the ideas of below

and above cannot be applied to the reality of the cosmos.

These are only concepts to help us relate to our environment.

They are concepts that give us a point of reference, but they

are not real. Reality is free from all concepts and ideas.

Trapped by a Notion

The Buddha offered an interesting parable concerning ideas

and notions. A young tradesman came home and saw that his

house had been robbed and burned by bandits. Right outside

what was left of the house, there was a small, charred body.

He thought the body belonged to his little boy. He did not

9

NO DEATH, NO FEAR

know that his child was still alive. He did not know that

after having burned the house, the bandits had taken the lit­

tle boy away with them. In his state of confusion, the trades­

man believed the body he saw was his son. So he cried, he

beat his chest and pulled out his hair in grie£ Then he began

the cremation ceremony.

This man loved his little boy so much. His son was the

raison d'etre of his life. He longed for his little boy so much

that he could not abandon the little boy's ashes even for one

moment. He made a velvet bag and put the ashes inside. He

carried the bag with him day and night, and whether he was

working or resting, he was never separated from the bag of

ashes. One night his son escaped from the robbers. He came

to the new house built by his father. He knocked excitedly

on the door at two o'clock in the morning. His father called

out as he wept, still holding the bag of ashes. "Who is there?"

"It's me, your son!" the boy answered through the door.

"You naughty person, you are not my boy. My child

died three months ago. I have his ashes with me right here."

The little boy continued to beat on the door and cried and

cried. He begged over and over again to come in, but his fa­

ther continued to refuse him entry. The man held firm to the

notion that his little boy was already dead and that this other

child was some heartless person who had come to torment

him. Finally, the boy left and the father lost his son forever.

The Buddha said that if you get caught in one idea and

10

WHERE DO WE COME FROM? WHERE DO WE GO?

consider it to be "the truth," then you miss the chance to

know the truth. Even if the truth comes in person and knocks

at your door, you will refuse to open your mind. So if you are

committed to an idea about truth or to an idea about the con­

ditions necessary for your happiness, be careful. The first

Mindfulness Training is about freedom from views:

Aware if the s1iffering created by janaticism and intolerance,

we are determined not to be idolatrous about or bound to any

doctrine, theory or ideology, even Buddhist ones. Buddhist

teachings are guiding means to help us learn to look deeply and

to develop our understanding and compassion. They are not

doctrines to fight, kill or die jor.

This is a practice to help free us from the tendency to be

dogmatic. Our world suffers so much from dogmatic atti­

tudes. The first mindfulness training is important to help us

remain free people. Freedom is above all else freedom from

our own notions and concepts. If we get caught in our no­

tions and concepts, we can make ourselves suffer and we can

also make those we love suffer.

II

NO DEATH, NO FEAR

No Coming, No Going

For many of us, our greatest pain is caused by our notions of

coming and going. We think that the person we loved came

to us from somewhere and has now gone away somewhere.

But our true nature is the nature of no coming, no going. We

have not come from anywhere, we shall not go anywhere.

When conditions are sufficient, we manifest. When condi­

tions are no longer sufficient, we no longer manifest. It does

not mean that we do not exist. Like radio waves without a

radio, we do not manifest.

Not only do the notions of coming and going not ex­

press reality, neither do the notions of being and non-being.

We hear these words in the Prajnaparamita Sutra: "Listen

Shariputra, all dharmas [phenomena] are marked by empti- .

ness, they are neither produced nor destroyed, neither in­

creasing nor decreasing."

The meaning of emptiness here is very important; it

means first of all to be empty of a separate sel£ Nothing has a

separate self, and nothing exists by itsel£ If we examine things

carefully we will see that all phenomena, including ourselves,

are composites. Weare made up of other parts. Weare made

of our mother and father, our grandmothers and grandfathers,

our body, our feelings, our perceptions, our mental forma­

tions, the earth, the sun and innumerable non-self elements.

12

WHERE DO WE COME FROM? WHERE DO WE GO?

All these parts depend on causes and conditions. We see that

all that has existed, exists or will exist is interconnected and

interdependent. All that we see has only manifested because it

is a part of something else, of other conditions that make it

possible to manifest. All phenomena are neither produced

nor destroyed, because they are in a constant process of man­

ifesting.

We may be intelligent enough to understand this, but to

understand it intellectually is not enough. To really under­

stand this is to be free from fear. It is to become enlightened.

It is to live in inter-being.

We have to practice looking deeply like this to nourish

our awakened understanding of no birth and no death in our

daily lives. In this way we can realize the wonderful gift of

non-fear.

If we just talk about inter-being as a theory, it will not

help us. We should ask: "Piece of paper, where do you come

from? Who are you? What did you come here to do? Where

are you going to go?" We can ask the flame: "Flame, where

do you come from and where will you go?" Listen to the

reply closely. The flame, the piece of paper, is replying by its

presence. We only have to look deeply and we can hear it

reply. The flame is saying: "I do not come from anywhere."

That would be the answer of the japonica flowers also.

They were not the same and not different. They did not

come from anywhere and they did not go anywhere. If there

NO DEATH. NO FEAR

is a baby who is lost, we should not be sad. It is because there

were not sufficient causes and conditions for it to arrive at

that time. It will come again.

Sadness Lies in Ignorance

The Great Being Avalokiteshvara was a disciple of the Bud­

dha. One day, when he was concentrating in the course of

deep understanding, he suddenly saw that everything is with­

out a separate sel£ Seeing this, he overcame all ignorance,

which means he overcame all his suffering.

Looking deeply, we should also see that there is no birth,

there is no death; there is no coming, there is no going; there

is no being, there is no non-being; there is no same, there is

no different.

If we don't learn this practice, it is a terrible waste. We

can learn many practices to lessen our sadness and our suf­

fering, but the cream of enlightened wisdom is the insight of

no birth, no death. When we have this insight we will have

no more fear. We can then enjoy the immense inheritance

our ancestors have handed down to us. We should make

time to practice these deep and wonderful teachings in our

daily lives.

WHERE DO WE COME FROM? WHERE DO WE GO?

Respecting Our Manifestations

If you look at a friend with the eyes of a meditator, you will

see in him or her all generations of their ancestors. You will

be very respectful to them and to your own body because

you will see their body and your body as the sacred home of

all our ancestors.

You will also see that our bodies are the source of all fu­

ture generations. We will not damage our bodies, because

that wouldn't be kind to our descendants. We do not use

drugs and we do not eat or drink things that have toxins or

that will harm our bodies. This is because our insight of

manifestation helps us to live in a healthy way, with clarity

and responsibility.

The ideas of inside and outside are also like this. If we

say that the Buddha is in us, our parents are in us, our parents

are outside of us, or the Buddha is outside of us, these ideas

of inside and outside are not applicable. Weare caught in

ideas, especially ideas of coming and going and being and not

being. Only when we rid ourselves of all these ideas can real­

ity appear, the reality of nirvana. When all ideas of is and is

not have been extinguished, then reality will manifest itselE

15

NO DEATH, NO FEAR

There Is Nothing Like Experience

We can use an example that is easy to understand, of a tan­

gerine or a durian fruit. If there is a person who has never

eaten a tangerine or a durian fruit, however many images or

metaphors you give him, you cannot describe to him the real­

ity of those fruits. You can only do one thing: give him a

direct experience. You cannot say: "Well, the durian is a lit­

tle bit like the jackfruit or like a papaya." You cannot say

anything that will describe the experience of a durian fruit.

The durian fruit goes beyond all ideas and notions. The

same is true of a tangerine. If you have never eaten a tanger­

ine, however much the other person loves you and wants to

help you understand what a tangerine tastes like, they will

never succeed by describing it. The reality of the tangerine

goes beyond ideas. Nirvana is the same; it is the reality that

goes beyond ideas. It is because we have ideas about nirvana

that we suffer. Direct experience is the only way.

16

Two

THE R.EAL FEAR.

I

I

I

I

I

I

I

I

We are afraid of death, we are afraid of separation, and we

are afraid of nothingness. In the West, people are very afraid

of nothingness. When they hear about emptiness, people are

also very afraid, but emptiness just means the extinction of

ideas. Emptiness is not the opposite of existence. It is not

nothingness or annihilation. The idea of existence has to be

removed and so does the idea of nonexistence. Emptiness is a

tool to help us.

Reality has nothing to do with existence and nonexis­

tence. When Shakespeare says: "To be, or not to be-that is

the question," the Buddha answers: "To be or not to be is

not the question." To be and not to be are just two ideas op­

posing each other. But they are not reality, and they do not

describe reality.

Not only does awakened insight remove the notion of

permanence, but it also removes the notion of imperma­

nence. The notion of emptiness is the same. Emptiness is an

instrument, and if you are caught in the notion of emptiness

you are lost. The Buddha said in the Ratnakuta Sutra: "If you

are caught by the notion of being and non-being, then the

NO DEATH, NO FEAR

notion of emptiness can help you to get free. But if you are

caught by the notion of emptiness, there's no hope." The

teaching on emptiness is a tool helping you to get the real in­

sight of emptiness, but if you consider the tool as the insight,

you just get caught in an idea.

If you have a notion about nirvana, that notion should

be removed. Nirvana is empty of all notions, including the

notion of nirvana. If you are caught in the notion of nirvana,

you have not touched nirvana yet. This deep insight and dis­

covery of the Buddha took him beyond fear, beyond anxiety

and suffering and beyond birth and death.

Burning Our Notions

When you have a match, you have the condition to make a

fire. If the flame you make with the match lasts long enough,

it will also burn up the match. The match gives rise to the

fire, but the fire itself burns up the match; the teaching of

impermanence is the same. It helps us to have the awakened

understanding of impermanence, and the insight of imper­

manence is what will burn up our idea of impermanence.

We have to go beyond the idea of permanence, but we

also have to go beyond the idea of impermanence. Then we

can be in touch with nirvana. The same is true of no self No

self is the match; it helps to give rise to the fire of the insight

20

THE REAL FEAR

of no selE It is the awakened understanding of no self that

will burn up the match of no selE

To practice is not to store up a lot of ideas about no self,

impermanence, nirvana or anything else; that is just the work

of a cassette recorder. To speak about and distribute ideas is

not the study or practice of Buddhism. We can go to a uni­

versity to study Buddhism, but we will learn only theories

and ideas. We want to go beyond ideas to have real insight,

which will burn up all our ideas and help us to be free.

Where Is Nirvana?

Look at a quarter. One side of it is called heads, the other

side is called tails; they cannot exist without each other. The

metal from which they are made contains them both. With­

out the metal the two sides would not exist. The three ele­

ments, heads, tails and metal, inter-are. The metal we could

describe as something like nirvana, and the heads and tails as

something like the manifestation of impermanence and no

selE Through the appearance of either the tails or the heads,

you can touch and recognize the presence of the metal. Simi­

larly by looking deeply into the nature of impermanence and

no self, you can also touch the nature of nirvana.

The ultimate dimension of nirvana cannot be separated

from the historical dimension. When you touch deeply the

21

NO DEATH, NO FEAR

historical dimension, you also touch the ultimate dimension.

The ultimate dimension is always in you. For a practitioner

it's very important to touch his or her own nature of imper­

manence and non-self. If he is successfUl he will touch the

nature of nirvana and attain non-fear. Now he can ride on

the waves of birth and death, smiling serenely.

The Historical and Ultimate Dimensions

We look upon reality in our daily lives through the historical

dimension, but we can also look upon the same reality in the ul­

timate dimension. Reality can be manifested in the historical

dimension, or it can be manifested in the ultimate dimension.

Weare similar. We have our daily and historical concerns, but

each of us also has our ultimate concerns.

When we look for God or nirvana or the deepest kind of

peace, we are concerned about the ultimate. Weare not only

concerned with the facts of daily life-fame, profit, or our

position in society and our projects-but we are also con­

cerned about our true nature. To meditate deeply is to begin

to fUlfill our ultimate concern.

22

THE REAL FEAR

Waves A re Water

When you look at the surface of the ocean, you can see

waves coming up and going down. You can describe these

waves in terms of high or low, big or small, more vigorous or

less vigorous, more beautiful or less beautiful. You can de­

scribe a wave in terms of beginning and end, birth and death.

That can be compared to the historical dimension. In the

historical dimension, we are concerned with birth and death,

more powerful, less powerful, more beautiful, less beautiful,

beginning and end and so on.

Looking deeply, we can also see that the waves are at the

same time water. A wave may like to seek its own true nature.

The wave might suffer from fear, from complexes. A wave

may say, "I am not as big as the other waves," "I am op­

pressed," "I am not as beautiful as the other waves," "I have

been born and I have to die." The wave may suffer from

these things, these ideas. But if the wave bends down and

touches her true nature she will realize that she is water.

Then her fear and complexes will disappear.

Water is free from the birth and death of a wave. Water

is free from high and low, more beautiful and less beautiful.

You can talk in terms of more beautiful or less beautiful,

high or low, only in terms of waves. As far as water is con­

cerned, all these concepts are invalid.

NO DEATH. NO FEAR

Our true nature is the nature of no birth and no death.

We do not have to go anywhere in order to touch our true

nature. The wave does not have to look for water because she

is water. We do not have to look for God, we do not have to

look for our ultimate dimension or nirvana, because we are

nirvana, we are God.

You are what you are looking for. You are already what

you want to become. You can say to the wave, "My dearest

wave, you are water. You don't have to go and seek water.

Your nature is the nature of nondiscrimination, of no birth,

of no death, of no being and of no non-being."

Practice like a wave. Take the time to look deeply into

yourself and recognize that your nature is the nature of no­

birth and no-death. You can break through to freedom and

fearlessness this way. This method of practice will help us to

live without fear, and it will help us to die peacefUlly without

regret.

If you carry within yourself deep grief, if you have lost a

loved one, if you are inhabited by fear of death, oblivion and

annihilation, please take up this teaching and begin to prac­

tice it. If you practice well, you will be capable of looking at

the cloud, the rose, the pebble or your child with the kind of

eyes the Buddha has transmitted to us. You will touch the no­

birth, no-death, no-coming, no-going nature of reality. This

can liberate you from your fear, from your anxiety and your

sorrow. Then you can truly have the kind of peace that will

THE REAL FEAR

make you strong and stable, smiling as events happen. Living

this way will allow you to help many people around you.

Where Were You Before You Were Born?

Sometimes people ask you: "When is your birthday?" But

you might ask yourself a more interesting question: "Before

that day which is called my birthday, where was I?"

Ask a cloud: "What is your date of birth? Before you

were born, where were you?"

If you ask the cloud, "How old are you? Can you give

me your date of birth?" you can listen deeply and you may

hear a reply. You can imagine the cloud being born. Before

being born it was the water on the ocean's surface. Or it was

in the river and then it became vapor. It was also the sun be­

cause the sun makes the vapor. The wind is there too, help­

ing the water to become a cloud. The cloud does not come

from nothing; there has been only a change in form. It is not

a birth of something out of nothing.

Sooner or later the cloud will change into rain or snow

or ice. If you look deeply into the rain, you can see the cloud.

The cloud is not lost; it is transformed into rain, and the rain

is transformed into grass and the grass into cows and then to

milk and then into the ice cream you eat. Today if you eat an

ice cream, give yourself time to look at the ice cream and say:

NO DEATH, NO FEAR

"Hello, cloud! I recognize you." By doing that, you have in­

sight and understanding into the real nature of the ice cream

and the cloud. You can also see the ocean, the river, the heat,

the sun, the grass and the cow in the ice cream.

Looking deeply, you do not see a real date of birth and

you do not see a real date of death for the cloud. All that hap­

pens is that the cloud transfonus into rain or snow. There is

no real death because there is always a continuation. A cloud

continues the ocean, the river and the heat of the sun, and the

rain continues the cloud.

Before it was born, the cloud was already there, so today,

when you drink a glass of milk or a cup of tea or eat an ice

cream, please follow your breathing. Look into the tea or the

ice cream and say hello to the cloud.

The Buddha took the time to look deeply and so can we.

The Buddha was not a God; he was a human being like

us. He suffered, but he practiced, and that is why he over­

came his suffering. He had deep understanding, wisdom and

compassion. That is why we say he is our teacher and our

brother.

If we are afraid of death it is because we have not under­

stood that things do not really die. People say that the Bud­

dha is dead, but it is not true. The Buddha is still alive. If we

look around us we can see the Buddha in many fonus. The

Buddha is in you because you have been able to look deeply

and see that things are not really born and that they do not

26

THE REAL FEAR

die. We can say that you are a new fonn of the Buddha, a

continuation of the Buddha. Do not underestimate yoursel£

Look around you a little bit and you will see continuations

of the Buddha everywhere.

Am I Yesterday's Me?

I have a photograph of myself when I was a boy of sixteen. Is

it a photograph of me? I am not really sure. Who is this boy

in the photograph? Is it the same person as me or is it an­

other person? Look deeply before you reply.

There are many people who say that the boy in the pho­

tograph and I are the same. If that boy is the same as I am,

why does he look so different? Is that boy still alive or has he

died? He is not the same as I am and he is also not different.

Some people look at that photograph and think the young

boy there is no longer around.

A person is made of body, feelings, perceptions, mental

fonnations and consciousness, and all of these have changed in

me since that photograph was taken. The body of the boy

in the photograph is not the same as my body, now that I am

in my seventies. The feelings are different, and the perceptions

are very different. It is just as if! am a completely different per­

son from that boy, but if the boy in the photograph did not

exist, then I would not exist either.

27

NO DEATH, NO FEAR

I am a continuation like the rain is the continuation of

the cloud. When you look deeply into the photograph, you

can see me already as an old man. You do not have to wait

fifty-five years. When the lemon tree is in flower, you may

not see any fruit, but if you look deeply you can see that the

fruit is already there. You just need one more condition to

bring forth the lemons: time. Lemons are already there in the

lemon tree. Look at the tree and you only see branches,

leaves and flowers. But if the lemon tree has time it will ex­

press itself in lemons.

Sunflowers in April

If you come to France in April, you will not see any sunflow­

ers. But in July the area around Plum Village has so many

sunflowers. Where are the sunflowers in April? If you come

to Plum Village in April and look deeply, you will see sun­

flowers. The farmers have ploughed the land and sown the

seed, and the flowers are just waiting for one more condition

to show themselves. They are waiting for the warmth of May

and June. The sunflowers are there, but they have not fully

manifested.

Look deeply at a box of matches. Do you see a flame in

it? If you do, you are already enlightened. When we look

THE REAL FEAR

deeply at a box of matches, we see that the flame is there. It

needs only the movement of someone's fingers to manifest.

We say: "Dear flame, I know you are there. Now I shall help

you express yourself."

The flame has always been in the box of matches and

also in the air. If there were no oxygen, the flame could not

express itself. If you lit a candle and then covered the flame

with something, the flame would go out for lack of oxygen.

The survival of the flame depends on oxygen. We cannot say

that the flame is inside the box of matches or that the flame

is outside the box of matches. The flame is everywhere in

space, time and consciousness. The flame is everywhere, wait­

ing to manifest itself. and we are one of the conditions that

will help the flame to manifest. However, if we blow on the

flame we shall help the flame stop showing itself. Our breath,

when we blow on the flame, is a condition that stops the

manifestation of the flame in its flame form.

We can light two candles from the match and then blow

out the flame on the match. Do you think the flame from the

match has died? The flame is not of the nature to be born or

to die. The question is, is the flame on the two candles the

same flame or two different flames? It is not the same and it

is not different. Now another question: is the flame of the

match dead? It is both dead and not dead. Its nature is not to

die and not to be born. If we leave the candle burning for an

NO DEATH, NO FEAR

hour, will the flame remain the same or become another

flame? The wick, the wax and the oxygen are always chang­

ing. The part of the wick and the wax that is burning is al­

ways transforming. If these things transform, the flame must

change too. So the flame is not the same, but it also is not

different.

Being Is Not the Opposite oj Annihilation

We have an idea of being that it is the opposite of not

being. These ideas are no more solid than ideas of right

and left. Look at a pen. Can we remove totally its right­

hand side? If we use a knife and cut away half of the pen,

the part that remains still has a right-hand side. Political

parties of the right and the left are immortal-they cannot

be removed. As long as there is a right wing, there will be a

left wing.

Therefore those on the left of the political spectrum

should desire the eternal presence of those on the right. If

we remove the right, we have to remove the left at the same

time. The Buddha said: "This is because that is. This mani­

fests because that has manifested." This is the Buddha's

teaching concerning the creation of the world. It is called

the teaching on co-arising. The flame is there because the

THE REAL FEAR

matches are there. If the matches were not there, the flame

would not be there.

The Answer Lies Within

Where does the flame come from? What is its origin? We

should look deeply into this question. Do you need to sit in

the lotus position to find the answer? I am sure that the an­

swer is already in you. It is just waiting for one more condi­

tion to manifest itself. The Buddha said that everyone has

Buddha nature in them. Buddha nature is the ability to un­

derstand and touch our real nature. The answer is already in

you. A teacher cannot give you the answer. A teacher can

help you be in touch with the awakened nature, the great un­

derstanding and compassion in you. The Buddha invites you

to be in touch with the wisdom that is already in you.

Many of us ask: "Where do you go when you die? What

happens when you die?" We have friends who have lost

someone they love and they ask: "Where is my beloved one

now? Where has she gone now?" Philosophers ask: "Where

does man come from? Where does the cosmos or the world

come from?"

When we look deeply, we see that when all the condi­

tions are sufficient something will manifest. What manifests

NO DEATH, NO FEAR

does not come from anywhere. And when a manifestation

ceases, it does not go anywhere.

Creation

"To create" seems to mean that from nothing you suddenly

have something. I prefer the use of the expression "manifes­

tation" to the word "creation." Look deeply, and you can

understand creation in terms of manifestation. Just as we can

understand a cloud as a manifestation of something that has

always been there, and rain as the end of the cloud manifesta­

tion, we can understand human beings, and even everything

around us, as a manifestation that has come from somewhere

and will go nowhere. Manifestation is not the opposite of

destruction. It simply changes form. Understanding our lives

and the cosmos as a manifestation can bring us tremendous

peace. If you are grieving over the loss of a loved one, this is

an invitation to look deeply and to heal your pain.

There are theologians who have said that God is the

ground of being, but what being? It is not the being that is

opposed to non-being. If it is the notion of being as opposed

to non-being, then that is not God. God transcends all no­

tions, including the notions of creation and destruction. If

you look deeply at the notion of creation with the insight of

THE REAL FEAR

manifestation in mind, you will discover the depth of the

teaching on creation. You will discover that nothing is born

and nothing dies. There is only manifestation.

Finding Relief

We come to spiritual practice, to a church, a synagogue, a

mosque or a meditation center, to find relief from pain and

sorrow. But the greatest relief can only be obtained when we

are capable of touching the ultimate dimension. In Judaism

and in Christianity you may call that dimension God. God is

our true nature, the true nature of no birth, no death. That is

why if you know how to trust God, to trust your true nature,

you will lose your fear and sorrow.

In the beginning you might think of God as a person,

but a person is the opposite of a non-person. If you think of

God in terms of notions and concepts, you have not yet dis­

covered the reality of God. God transcends all our notions.

God is neither a person nor a non-person. A wave in her ig­

norance is subject to the fear of birth, death, high, low, more

or less beautiful, and the jealousy of others. But if a wave is

able to touch her true nature, the nature of water, and know

that she is water, then all her fear and jealousy will vanish.

Water doesn't undergo birth and death, high and low.

H

NO DEATH. NO FEAR

Causes

When we look at things like a flower, a table or a house, we

think that a house has to be made by someone and a table

has to be made by someone in order to be there. Our ten­

dency is to look for a cause that has given birth to the house,

a cause that has given birth to the table. We come to the

conclusion that the cause of the house must be the house

builder: the mason or the carpenter. What is the cause of the

table? Who created the table? A carpenter. Who is the cre­

ator of the flower? Is it the earth or the farmer or the

gardener?

In our minds we think very simply in terms of cause. We

think that one cause is enough to bring about what is there.

With the practice of looking deeply we find out that one

cause can never be enough in order to bring about an effect.

The carpenter is not the only cause of the table. If the car­

penter does not have things like nails, saw, wood, time and

space, food to eat, a father and mother who brought him to

life and a multitude of conditions, he would not be able to

bring the table into being. The causes are actually infinite.

When we look at the flower we see the same thing. The

gardener is only one of the causes. There must be the soil,

the sunshine, the cloud, the compost, the seed and many,

many other things. If you look deeply, you will see that the

34

THE REAL FEAR

whole cosmos has come together in order to help the flower

to manifest. If you look deeply into a piece of carrot that you

eat at lunch, you will see that the whole cosmos has come to­

gether in order to help manifest that piece of carrot.

If we continue to look deeply, we see that a cause is at

the same time an effect. The gardener is one of the causes

that has helped to manifest the flower, but the gardener is

also an effect. The gardener has manifested because of other

causes: ancestors, father, mother, teacher, job, society, food,

medicine and shelter. Like the carpenter, he is not only a

cause, he is also an effect.

Looking deeply, we find that every cause is at the same

time an effect. There cannot be something that we can call

"pure cause." There are many things we can discover with

the practice of looking deeply, and if we are not bound to any

dogma or concept we will be free to make our discoveries.

No Pure Cause

When the Buddha was asked, "What is the cause of every­

thing?" he answered with very simple words. He said, "This

is, because that is." It means that everything relies on every­

thing else in order to manifest. A flower has to rely on non­

flower elements in order to manifest. If you look deeply into

the flower, you can recognize non-flower elements. Looking

35

NO DEATH, NO FEAR

into the flower, you recognize the element sunshine; that is a

non-flower element. Without sunshine, a flower cannot man­

ifest. Looking at the flower, you recognize the element cloud;

that is a non-flower element. Without clouds, the flower can­

not manifest. Other elements are essential, such as minerals,

soil, the farmer and so on; a multitude of non-flower elements

has come together in order to help the flower manifest.

This is why I prefer the expression "manifestation" to the

word" creation." This does not mean that we should not use

the word "creation." Of course we can do so, but we should

understand that creation does not mean making something

out of nothing. Creation is not something that is destroyed

and can become nothing. I very much like the term "W on­

derful Becoming." It is close to the true meaning of creation.

Three

THE PRACTICE

OF LOOK.INC

DEEPLY

An authentic practices of the Buddha carry within them­

selves three essential teachings called the Dharma Seals. These

three teachings of the Buddha are impermanence, no self and

nirvana. Just as all-important legal documents have the mark

or signature of a witness, all genuine practices of the Buddha

bear the mark of these three teachings.

If we look into the first Dharma Seal, impermanence, we

see that it doesn't just mean that everything changes. By

looking into the nature of things, we can see that nothing

remains the same for even two consecutive moments. Be­

cause nothing remains unchanged from moment to moment,

it therefore has no fixed identity or permanent sel£ So in

the teaching of impermanence we always see the lack of an

unchanging sel£ We call this "no sel£" It is because things

are always transforming and have no self that freedom is

possible.

The third Dharma Seal is nirvana. This means solidity

and freedom, freedom from all ideas and notions. The word

"nirvana" literally means "the extinction of all concepts."

Looking deeply into impermanence leads to the discovery of

39

NO DEATH. NO FEAR

no sel£ The discovery of no self leads to nirvana. Nirvana is

the Kingdom of God.

Impermanence

The practice and understanding of impermanence is not just

another description of reality. It is a tool that helps us in our

transformation, healing and emancipation.

Impermanence means that everything changes and that

nothing remains the same in any consecutive moments. And

although things change every moment, they still cannot be

accurately described as the same or as different from what

they were a moment ago.

When we bathe in the river today that we bathed in yes­

terday, is it the same river? Heraclitus said that we couldn't

step into the same river twice. He was right. The water in the

river today is completely different from the water we bathed

in yesterday. Yet it is the same river. When Confucius was

standing on the bank of a river watching it flow by, he said:

"Oh, it flows like that day and night, never ending."

The insight of impermanence helps us to go beyond all

concepts. It helps us to go beyond same and different and

coming and going. It helps us to see that the river is not the

same river but is also not different either. It shows us that the

THE PRACTICE OF LOOKING DEEPLY

flame we lit on our bedside candle before we went to bed is not

the same flame that is burning the next morning. The flame on

the table is not two flames, but it is not one flame either.

Impermanence Makes Everything Possible

Weare often sad and suffer a lot when things change, but

change and impermanence have a positive side. Thanks to

impermanence, everything is possible. Life itself is possible.

If a grain of com is not impermanent, it can never be trans­

formed into a stalk of com. If the stalk were not imperma­

nent, it could never provide us with the ear of com we eat. If

your daughter is not impermanent, she cannot grow up to

become a woman. Then your grandchildren would never

manifest. So instead of complaining about impermanence,

we should say, "Warm welcome and long live imperma­

nence." We should be happy. When we can see the miracle

of impermanence, our sadness and suffering will pass.

Impermanence should also be understood in the light of

inter-being. Because all things inter-are, they are constantly

influencing one another. It is said that a butterfly's wings

flapping on one side of the planet can affect the weather on

the other side. Things cannot stay the same because they are

influenced by everything else, everything that is not itsel£

NO DEATH, NO FEAR

Practicing Impermanence

All of us can understand impermanence with our intellect,

but this is not yet true understanding. Our intellect alone

will not lead us to freedom. It will not lead us to enlighten­

ment. When we are solid and we concentrate, we can practice

looking deeply. And when we look deeply and see the nature

of impermanence, we can then be concentrated on this deep

insight. This is how the insight of impermanence becomes

part of our being. It becomes our daily experience. We have

to maintain the insight of impermanence in order to be able

to see and live impermanence all the time. If we can use im­

permanence as an object of our meditation, we will nourish

the understanding of impermanence in such a way that it will

live in us every day. With this practice, impermanence be­

comes a key that opens the door of reality.

We also cannot uncover the insight into impermanence

for only a moment and then cover it up and see everything as

permanent again. Most of the time we behave with our chil­

dren as though they will always be at home with us. We

never think that in three or four years' time they will leave us

to marry and have their own families. Therefore we do not

value the moments our children are with us.

I know many parents whose children, when they are

eighteen or nineteen years old, leave home and live on their

THE PRACTICE OF LOOKING DEEPLY

own. The parents lose their children and feel very sorry for

themselves. Yet the parents did not value the moments they

had with their children. The same is true of husbands and

wives. You think that your spouse will be there for the whole

of your life, but how can you be so sure? We really have no

idea where our partners will be in twenty or thirty years' time

or even tomorrow. It is very important to remember every

day the practice of impermanence.

Seeing Emotions Through the Eyes

oj Impermanence

When somebody says something that makes you angry and

you wish they would go away, please look deeply with the

eyes of impermanence. If he or she were gone, what would

you really feel? Would you be happy or would you weep?

Practicing this insight can be very helpful. There is a gatha, or

poem, that we can use to help us:

Angry in the ultimate dimension

I close my eyes and look deeply.

Three hundred years from now

Where will you be and where shall I be?

When we are angry, what do we usually do? We shout,

scream, and try to blame someone else for our problems. But

43

NO DEATH, NO FEAR

looking at anger with the eyes of impermanence, we can stop

and breathe. Angry at each other in the ultimate dimension,

we close our eyes and look deeply. We try to see three hun­

dred years into the future. What will you be like? What will

I be like? Where will you be? Where will I be? We need only

to breathe in and out, look at our future and at the other per­

son's future. We do not need to look as far as three hundred

years. It could be fifty or sixty years from now when we have

both passed away.

Looking at the future, we see that the other person is

very precious to us. When we know we can lose them at any

moment, we are no longer angry. We want to embrace her or

him and say: "How wonderful, you are still alive. I am so

happy. How could I be angry with you? Both of us have to

die someday, and while we are still alive and together it is

foolish to be angry at each other."

The reason we are foolish enough to make ourselves suf­

fer and make the other person suffer is that we forget that we

and the other person are impermanent. Someday when we

die we will lose all our possessions, our power, our family,

everything. Our freedom, peace and joy in the present mo­

ment is the most important thing we have. But without an

awakened understanding of impermanence, it is not possible

to be happy.

Some people do not even want to look at a person when

44

THE PRACTICE OF LOOKING DEEPLY

the person is alive, but when the person dies they write elo­

quent obituaries and make offerings of flowers. At that point

the person has died and cannot really enjoy the fragrance of

the flowers anymore. If we really understood and remem­

bered that life was impermanent, we would do everything we

could to make the other person happy right here and right

now. If we spend twenty-four hours being angry at our

beloved, it is because we are ignorant of impermanence.

"Angry in the ultimate dimension/I close my eyes." I

close my eyes in order to practice visualization of my beloved

one hundred or three hundred years from now. When you

visualize yourself and your beloved in three hundred years'

time, you just feel so happy that you are alive today and that

your dearest is alive today. You open your eyes and all your

anger has gone. You open your arms to embrace the other

person and you practice: "Breathing in you are alive, breath­

ing out I am so happy." When you close your eyes to visual­

ize yourself and the other person in three hundred years'

time, you are practicing the meditation on impermanence. In

the ultimate dimension, anger does not exist.

Hatred is also impermanent. Although we may be con­

sumed with hatred at this moment, if we know that hatred is

impermanent, we can do something to change it. A practi­

tioner can take resentment and hatred and help it to disappear.

Just like with anger, we close our eyes and think, Where will we

45

NO DEATH. NO FEAR

be in three hundred years? With the understanding of hatred in the

ultimate dimension, it can evaporate in an instant.

Let Impermanence Nurture Love

Because we are ignorant and forget about impermanence, we

don't nurture our love properly. When we first married, our

love was great. We thought that if we did not have each

other we would not be able to live one more day. Because we

did not know how to practice impermanence, after one or

two years our love changed to frustration and anger. Now we

wonder how we can survive one more day if we have to re­

main with the person we once loved so much. We decide

there is no alternative: we want a divorce. If we live with the

understanding of impermanence, we will cultivate and nur­

ture our love. Only then will it last. You have to nourish and

look after your love for it to grow.

No Self

Impermanence is looking at reality from the point of view of

time. No self is looking at reality from the point of view of

space. They are two sides of reality. No self is a manifesta-

THE PRACTICE OF LOOKING DEEPLY

tion of impermanence, and impermanence is a manifestation

of no self. If things are impermanent, they are without a sep­

arate selE If things are without a separate self, they are imper­

manent. Impermanence means being transformed at every

moment. This is reality. And since there is nothing unchang­

ing, how can there be a permanent self, a separate self? When

we say "self," we mean something that is always itself, un­

changing day after day. But nothing is like that. Our body is

impermanent, our emotions are impermanent and our per­

ceptions are impermanent. Our anger, our sadness, our love,

our hatred and our consciousness are also impermanent.

So what permanent thing is there that we can call a self?

The piece of paper on which these words are written does

not have a separate selE It can only be present when the

clouds, the forest, the sun, the earth, the people who make

the paper, and the machines are present. If those things are

not present, the paper cannot be present. And if we bum the

paper, where is the self of paper?

Nothing can exist by itself alone. It has to depend on

every other thing. That is called inter-being. To be means to

inter-be. The paper inter-is with the sunshine and with the

forest. The flower cannot exist by itself alone; it has to inter­

be with soil, rain, weeds and insects. There is no being; there

is only inter-being.

Looking deeply into a flower, we see that the flower is

47

NO DEATH, NO FEAR

made of non-flower elements. We can describe the flower as

being fUll of everything. There is nothing that is not present

in the flower. We see sunshine, we see the rain, we see clouds,

we see the earth, and we also see time and space in the flower.

A flower, like everything else, is made entirely of non-flower

elements. The whole cosmos has come together in order to

help the flower manifest herself, The flower is fUll of every­

thing except one thing: a separate self, a separate identity.

The flower cannot be by herself alone. The flower has to

inter-be with the sunshine, the cloud and everything in the

cosmos. If we understand being in terms of inter-being, then

we are much closer to the truth. Inter-being is not being and

it is not non-being. Inter-being means being empty of a sepa­

rate identity, empty of a separate self,

No self also means emptiness, a technical term in Bud­

dhism that means the absence of a separate self, Weare of

the nature of no self, but that does not mean that we are not

here. It does not mean that nothing exists. A glass can be

empty or fUll of tea, but in order to be either empty or full,

the glass has to be there. So emptiness does not mean non­

being, and it does not mean being either. It transcends all

concepts. If you touch deeply the nature of impermanence,

no self and inter-being, you touch the ultimate dimension,

the nature of nirvana.

THE PRACTICE OF LOOKING DEEPLY

Who Are We?

We think of our body as our self or belonging to our selE We

think of our body as me or mine. But if you look deeply, you

see that your body is also the body of your ancestors, of your

parents, of your children and of their children. So it is not a

"me," it is not a "mine." Your body is fUll of everything else­

limitless non-body elements-except one thing: a separate

existence.

Impermanence has to be seen in the light of emptiness,

of inter-being and of non-selE These things are not negative.

Emptiness is wonderful. Nagarjuna, the famous Buddhist

teacher of the second century, said, "Thanks to emptiness,

everything is possible."

You can see non-self in impermanence, and imperma­

nence in non-selE You can say that impermanence is non-self

seen from the angle of time, and non-self is impermanence seen

from the angle of space. They are the same thing. That is

why impermanence and non-self inter-are. If you do not see

impermanence in non-self, that is not non-selE If you do not

see non-self in impermanence, that's not really imperma­

nence. But that is not all. You have to see nirvana in imper­

manence and you have to see nirvana in non-selE If I draw a

line, on one side there will be impermanence and non-self, on

the other side there will be nirvana. That line may be helpful,

49

NO DEATH. NO FEAR

although it could also be misleading. Nirvana means going

beyond all concepts, even the concepts of no self and imper­

manence. If we have nirvana in no self and in impermanence

it means that we are not caught in no self and impermanence

as ideas.

Clones: No Permanent Self

If you take three cells from my body to make clones and

make three children from these cells, all of them will have the

genetic inheritance of my blood family and myself.

But we all have one more inheritance. The body we in­

herit from our family is nature. We also have an inheritance

from our environment. That is nurture. So imagine that we

put these three clones into three different environments. If

one of the children is put into an environment of drugs and

gambling, he will probably become a person who enjoys

drugs and gambling. He will not be a Buddhist monk like I

am now. If you put another cloned child into an environ­

ment of business and send him to a business school, he will

probably become a businessman. This would occur even

though the clones will all have the same genetic inheritance

as I do. But I have been penetrated by the Buddha dharma.

The teachings of the Buddha and the practice will not be wa­

tered by business school. The seeds of selling, buying and

50

THE PRACTICE OF LOOKING DEEPLY

business will be watered. That clone may become a business­

man. Although the eyes, nose and ears will look just like me,

this clone will be nothing like me.

Let us say that we allow the third clone to become a

monk. We put him in the Deer Park Monastery to be brought

up by monks and nuns. Every day he hears the sutras and does

walking meditation. That child will be more like the monk I

am today.

Nurture is extremely important. If you make three clones

or three thousand clones, the particular manifestation of the

clone depends on the conditions that nurture that clone; the

thinking, the love, the hate, the studying and the work that

surround him or her. Imagine if there are people who are

afraid to let me go and they say: "Please give us a cell for us

to clone." If I were to agree, I would also have to say: "Well,

please let that clone be in a monastery like the Deer Park

Monastery in California, or Maple Forest Monastery in V er­

mont; otherwise, he will suffer."

Nirvana

Impermanence and no self are not rules to follow given to us

by the Buddha. They are keys to open the door of reality.

The idea of permanence is wrong, so the teaching on imper­

manence helps us correct our view of permanence. If we get

NO DEATH, NO FEAR

caught in the idea of impermanence, we have not realized

nirvana. The idea of self is wrong, so we use the idea of non­

self to cure it. If we are caught in the idea of non-self, then

that is not good for us either. Impermanence and no self are

keys to the practice. They are not absolute truths. We do not

die for them or kill for them.

In Buddhism there are no ideas or prejudices that we kill

for. We do not kill people simply because they do not accept

our religion. The teachings of the Buddha are skillful means;

they are not absolute truth. So we have to say that imperma­

nence and no self are skillful means to help us come toward

the truth; they are not absolute truth. The Buddha said: "My

teachings are a finger pointing to the moon. Do not get

caught in thinking that the finger is the moon. It is because

of the finger that you can see the moon."

No self and impermanence are means to understand the

truth; they are not the truth itself. They are instruments; they

are not the ultimate truth. Impermanence is not a doctrine

that you should feel you have to die for. You would never

. put someone in prison because they contradict you. You are

not using one concept against another concept. These means

are to lead us to the ultimate truth. Buddhism is a skillful

path to help us; it is not a path of fanatics. Buddhists can

never go to war, shedding blood and killing thousands of

people on behalf of religion.

Because impermanence contains within herself the nature

THE PRACTICE OF LOOKING DEEPLY

of nirvana, you are safe from being caught in an idea. When

you study and practice this teaching, you free yourself from

notions and concepts, including the concept of permanence

and impermanence. This way, we arrive at freedom from suf­

fering and fear. This is nirvana, the kingdom of God.

Exti ncti on oj Concept

Weare scared because of our notions of birth and death, in­

creasing and decreasing, being and non-being. Nirvana means

extinction of all notions and ideas. If we can become free from

these notions, we can to.uch the peace of our true nature.

There are eight basic concepts that serve to fuel our fear.

They are the notions of birth and death, coming and going,

the same and different, being and non-being. These notions

keep us from being happy. The teaching given to counteract

these notions is called "the eight no's," which are no birth,

no death, no coming, no going, not the same, not different,

no being, no non-being.

Ending Notions oj Happiness

Each of us has a notion of how we can be happy. It would be

very helpful if we took the time to reconsider our notions of

53

NO DEATH, NO FEAR

happiness. We could make a list of what we think we need to

be happy: "I can only be happy if ... " Write down the things

you want and the things you do not want. Where did these

ideas come from? Are they reality? Or are they only your no­

tions? If you are committed to a particular notion of happi­

ness, you do not have much chance to be happy.

Happiness arrives from many directions. If you have a no­

tion that it comes only from one direction, you will miss all of

these other opportunities because you want happiness to

come only from the direction you want. You say, "I would

rather die than marry anyone but her. I would rather die than

lose my job, my reputation. I cannot be happy if I don't get

that degree or that promotion or that house." You have put

many conditions on your happiness. And then, even if you do

have all your conditions met, you still won't be happy. You

will just keep creating new conditions for your happiness.

You will still want the higher degree, the better job and the

more beautifUl house.

A government can also believe that they know the only

way to make a nation prosper and be happy. That govern­

ment and nation may commit itself to that ideology for one

hundred years or more. During that time its citizens can suf­

fer so much. Anyone who disagrees or dares to speak against

the government's ideas will be locked up. They might even

be considered insane. You can transform your nation into a

prison because you are committed to an ideology.

54

THE PRACTICE OF LOOKING DEEPLY

Please remember that your notions of happiness may be

very dangerous. The Buddha said happiness can only be pos­

sible in the here and now. So go back and examine deeply

your notions and ideas of happiness. You may recognize that

the conditions of happiness that are already there in your life

are enough. Then happiness can be instantly yours.

55

Four

TRANSFORMING

GRIEF AND

FEAR

THE CLOUD

As a free person I can always come and go,

Not caught in ideas oj is and is not.

Not caught in ideas oj being and non-being

Let your steps be leisurely.

Waxing or waning the moon is always the moon

The wind is still flying. Can you feel it my dear?

Bringing the rain from '!far to nourish the nearby cloud

Drops oj sunshine fall from on high to earth below

And the lap oj earth touches the clear vault oj the sky.

- THICH NHA THANH

On a beautiful sunny day, you look up into the sky and

see a nice, puffy cloud floating through. You admire its

shape, the way the light faIls upon its many folds and the

shadow it casts on the green field. You fall in love with this

cloud. You want it to stay with you and keep you happy. But

then the shape and color change. More clouds join with it,

the sky becomes dark, and it begins to rain. The cloud is no

59

NO DEATH, NO FEAR

longer apparent to you. It has become rain. You begin to cry

for the return of your beloved cloud.

You would not cry if you knew that by looking deeply

into the rain you would still see the cloud.

In Buddhism there is the teaching of signlessness (ani­

mitta). "Sign" means the outer form or appearance of things.

The practice of signIessness is the practice of not being fooled

by the outer form or the appearance of things. When we un­

derstand animitta, we understand that appearance is not all of

reality.

When a cloud transforms itself into rain you can look

deeply into the rain and see that the cloud is still there,

laughing and smiling at you. This makes you happy, and you

are able to stop crying because you are no longer attached to

the appearance of the cloud. If you are struck down by your

grief and you continue to cry for a long time, it is because

you have been left behind, caught in the form or sign of the

cloud. You are caught in an appearance from the past and

you are not able to see the new form. You have not been able

to follow the cloud as it transforms into rain or snow.

If you have lost someone and if you have cried so very

much, please accept the invitation of the Buddha. Look

deeply and recognize that the nature of your beloved is the

nature of no birth, no death, no coming, no going. This is

the teaching of the Buddha concerning our true nature.

60

TRANSFORMING GRIEF AND FEAR

Transformation

Let us look into the birth of a cloud. You can visualize the

heat, you can see the vapor, you can see the fonnation of the

cloud in the sky. You know where the cloud has come from.

We can understand the conditions that have helped the

cloud to manifest in the sky. Our observation and our prac­

tice of looking deeply can help. Science can also tell us about

the fonnation of a cloud, the journey of a cloud and the ad­

venture of a cloud.

If you were to love a cloud, with this insight you would

know that the cloud is impennanent. If you love a human

being you can also know that he or she is impennanent. If

you were to become attached to a cloud you would have to

be very careful. You know that, according to the law of im­

pennanence, very soon the cloud will become something else.

It might become rain.

You might say to the cloud, "Darling cloud, I know you

are there and I also know that one day you will die. I also

must die. You will become something else, someone else. I

know you will continue your journey, but I shall have to look

deeply in order to recognize your continuation so that I will

not suffer so much."

If you forget about impennanence and are attached to

the cloud, when the time comes for the cloud to be trans-

61

NO DEATH, NO FEAR

formed into rain, you will cry, "Oh dear, my cloud is no

longer there. How can I survive without her?"

But if you practice looking deeply, you can see the cloud

in new forms like the mist or the rain. The rain is smiling,

singing, falling down, full oflife, full of beauty. Yet because of

your forgetfulness you are not capable of recognizing the

presence of the cloud in this new manifestation. You are

caught in grief You keep crying and crying and meanwhile the

rain is calling you, "Darling, darling, I am here, recognize me!"

But you ignore the rain while all the time the rain is the con­

tinuation of the cloud. In fact the rain is the cloud herself

When you look at the cloud, you might like to be like a

cloud floating freely in the sky. How wonderful it would be

to be a cloud floating in the sky! You would have such a feel­

ing of freedom. When you look at the rain falling, singing

and making music, you might also long to be the rain. The

rain is nourishing all the vegetation and the lives of innumer­

able beings. How wonderful it is to be the rain.

Do you think the rain and the cloud are the same or dif­

ferent? The snow on the top of a mountain is so white, so

immaculate, so beautiful. It is so enchanting that you might

like to see yourself as being like the snow. Sometimes when

you look at the water flowing in the creek, you see the stream

so crystal pure and beautiful that you may like to be like the

water, always flowing. Cloud, rain, snow and water. Are they

TRANSFORMING GRIEF AND FEAR

four different things? Or are they really the same reality,

sharing the same ground of being?

No Fear

In chemistry we would call the ground of being of water H 20:

two hydrogen atoms and an oxygen atom. From this ground

of being, a molecule, many things can manifest: clouds, rain,

snow, water. It is wonderful to be a cloud, but it is also won­

derful to be the rain. It is also wonderful to be the snow or

water. If the cloud remembers this, then when the cloud is

about to transform and continue in the form of rain, it will

not be so frightened. It will remember that to be a cloud is

wonderful, but to be the rain falling down is also wonderful.

When the cloud is not caught in the idea of birth and

death, or being and non-being, there is no fear. By learning

from the cloud, we can nurture our non-fear. Non-fear is the

ground of true well-being. As long as fear is in us, happiness

cannot be perfect.

When you practice looking deeply, you see your true na­

ture of no birth, no death; no being, no non-being; no coming,

no going; no same, no different. When you see this, you are

free from fear. You are free from craving and free from jeal­

ousy. No fear is the ultimate joy. When you have the insight

NO DEATH, NO FEAR

of no fear, you are free. And like the great beings, you ride

serenely on the waves of birth and death.

Manifesting and Hiding

The true nature of all things is not to be born, not to die, not

to arrive and not to depart. My true nature is the nature of no

coming and no going. When there are sufficient conditions, I

manifest, and when the conditions are no longer sufficient, I

hide. I do not go anywhere. Where would I go? I simply hide.

If your dear one has just died, you may have a difficult

time overcoming your loss. You may be crying all the time.

But look deeply. There is a divine medicine to help you over­

come your pain, to see that your dear one is not born and

does not die, does not come and does not go.

It is only because of our misunderstanding that we think

the person we love no longer exists after they "pass away."

This is because we are attached to one of the forms, one of

the many manifestations of that person. When that form is

gone, we suffer and feel sad.

The person we love is still there. He is around us, within

us and smiling at us. In our delusion we cannot recognize him,

and we say: "He no longer is." We ask over and over, "Where

are you? Why did you leave me all alone?" Our pain is great

because of our misunderstanding. But the cloud is not lost.

TRANSFORMING GRIEF AND FEAR

Our beloved is not lost. The cloud is manifesting in a differ­

ent form. Our beloved is manifesting in a different form. If we

can understand this, then we will suffer much less.

Taking New Forms

When we lose someone we love, we should remember that

the person has not become nothing. "Something" cannot be­

come "nothing," and "nothing" cannot become "something."

Science can help us understand this, because matter cannot

be destroyed-it can become energy. And energy can be­

come matter, but it cannot be destroyed. In the same way, our

beloved was not destroyed; she has just taken on another

form. That form may be a cloud, a child or the breeze. We

can see our loved one in everything. And smiling, we can say,

"Dear one, I know you are there very close to me. I know that

your nature is the nature of no birth and no death. I know

that I have not lost you; you are always with me."

If you look deeply at every moment of your daily life,

you will see that person. Practicing like this, you will be able

to overcome your grie£ The same is true with your mother

or your father. Their true nature is the nature of not born,

not dying, not arriving and not departing. In reality, you have

not lost anyone who has died.

NO DEATH, NO FEAR

The Story oj the River and the Clouds

There is a story I like to tell about a river that followed the

clouds. There is a little stream that comes from a mountain

spring. It is very small and young and wants to reach the sea

as quickly as possible. It does not know how to dwell peace­

fully in the present moment. It is in a hurry because it is so

young. It has not realized the practice of HI am home, I have

arrived," so it flows down the mountain, reaches the plains

and becomes a river.

As a river it has to go more slowly. This is irritating be­

cause it is afraid that it will never get to the sea. But since it is

forced to go more slowly, its waters become more still. Its

surface begins to reflect the clouds in the sky-pink clouds,

silver clouds, white clouds. There are so many wonderful

shapes. All day it follows the clouds. It becomes attached to

the beautiful clouds. So the river suffers because the clouds

are impermanent. They are always moving with the wind,

leaving the river to go off somewhere else. How the river suf­

fers! The river tries over and over to hold on to the clouds. It

is sad that the clouds will not stay with it and stand still.

One day a stormy wind blew all the clouds away. The

vault of the sky was very clear blue and empty. How the river

despaired. It no longer had a cloud to follow. There was not

a cloud in the sky. The vast expanse of blue brought despair

66

TRANSFORMING GRIEF AND FEAR

into the river's heart. "What is there to live for without the

clouds? What is there to live for without my beloved one?"

The river wanted to die, but how could a river kill itself? All

night long it wept.

That night the river had a chance to listen to itself crying.

The sound of its weeping was the sound of its own waves lap­

ping on the shore. When it was able to come back to itself and

hear its own crying, it had a very wonderful insight. It realized

that its own nature was also the nature of the cloud. It was the

cloud. The cloud lay in the depths of its own being. Just like

the river, the cloud was grounded in water. The cloud was

made of water. So why, the river thought, do I need to run 1ter the

cloud? I only need to run 1ter the cloud if I am not the cloud.

That night of utter loneliness and depression helped the

river to wake up and see that it was also the cloud. That

morning the blue emptiness of the sky, which had made the

river feel so lonely, was now something new and very won­

derful, clear and bright. The blueness of the sky was reflect­

ing the newfound freedom and innocence of the river. It

knew that the vault of the sky was the home of all the clouds

and no cloud could exist outside the vault of the sky. The

river understood that the nature of the cloud was not to ar­

rive and not to depart, so why should the river cry? Why

should it weep as if it had been torn from the cloud?

The river had another insight that morning. It saw the

no-birth, no-death nature of the sky. This made the river

NO DEATH, NO FEAR

very peaceful and quiet. It began to welcome and reflect the

sky. Before that, it had not reflected the sky, it had only re­

flected the clouds. Now the sky was always there for the

river, day and night. Before, the river had not wanted to be in

touch with the true nature of things. It had only wanted to

be in touch with change, with birth and death. Now that it

had been in touch with the vault of the sky, it became very

peaceful and quiet. It had never felt so much peace.

That afternoon when the clouds came back, the river was

no longer attached to any particular one of them. There was

no cloud it felt to be its own special cloud. It smiled at every

cloud as it passed. It welcomed and loved every cloud.

Now the river felt the special joy of equanimity. It was

not partial to any particular cloud or in the grip of any par­

ticular cloud. It loved them all. It could enjoy being with and

reflecting every cloud that came through the sky. When a

cloud left it, the river said, "Good-bye. See you again soon,"

and it felt very light at heart. It knew that the cloud would

return to it after it became rain or snow.

The river was free. It did not feel it even needed to run

to the sea anymore. That night a full moon rose and shone

into the depths of the river. The moon, the river and the

water practiced meditation together. The river enjoyed the

present moment in freedom. It was liberated from all sorrow.

When we chase an object, trying to grab it, we suffer.

And when there is no object to run after, we also suffer. If

68

TRANSFORMING GRIEF AND FEAR

you have been a river, if you have run after the clouds, suf­

fered, cried and been lonely, please hold the hand of a friend.

Looking deeply together, you can see that what you were

looking for has always been there. In fact it is you, yourself.

You are what you want to become. Why search any­

more? You are a wonderful manifestation. The whole uni­

verse has come together to make your existence possible.

There is nothing that is not you. The kingdom of God, the

Pure Land, nirvana, happiness and liberation are all you.

The Same Body?

Suppose we practice cloning, and every cell in our body is

made into a new body. Does that mean that one soul can be­

come many souls? One person can become many people? Are

all those new people the same or different?

Science has already advanced to the point where it can

perform cloning of animals. It is possible that this can be

done with human beings also. If, for example, we take three

cells from my body and we make three clones, will those

three clones plus myself make four people or one person?

When the clones are made, I might already be quite old and

the three clones would be very young. So am I and those

three people the same or different?

If we practice meditation, we can look deeply with the

NO DEATH, NO FEAR

power of mindfulness, the energy of concentration and the

energy of insight. Then we are able to see things much more

deeply and clearly. The Buddha is someone who practiced

like that, and he shared the insight he had with us. We also

practice like the Buddha, and with a little effort we will have

insight like the Buddha had.

First we should look deeply into the idea of the same

and different. When we ask the Buddha: "Are this body and

the other three clones the same or different?" the Buddha

will say, "They are not the same and they are not different."

Impermanence means something is always changing. We

think that our body is permanent. In fact, birth and death are

taking place in our body all the time. At every moment many

cells are dying and many cells are being born.

We have the illusion that our bodies are always our bod­

ies. You were born a baby. Your mother took a picture of

you when you were small, and now you have grown into a

man or woman. Do you think you are the same person as

that tiny baby, or are you different?

We think that at five years old it is our bodies and at

fifty years old it is our bodies. But it is wrong to think that it

is the same body. If you have a family photo album, please

look at it and you will see what you looked like when you

were six years old and what you look like now at sixty. You

will see that those two people look very different. They are

different. But in another sense they are not different. If there

7 0

TRANSFORMING GRIEF AND FEAR

were not the six-year-old, there would not be the sixty-year­

old. They are not the same and they are not different. Imper­

manence is the explanation for this puzzle.

After one in- and out-breath we have already become a

different person. From the moment we began reading this

book until this moment, there have been many changes within

our bodies and within our consciousnesses. Many cells have

died; many new cells have been born. The same is true of our

consciousness. Thoughts come and go, feelings are born and

die. Manifestation and the cessation of manifestation are con­

stantly taking place. We do not remain the same in two con­

secutive moments. The same is true of the river, the flame, the

cloud or the sunflower.

Conditions

Looking deeply into a box of matches, you can see the flame.

The flame has not manifested, but as a meditator you can see

the flame. All the conditions are sufficient for the flame to

manifest. There is wood, sulfur, a rough surface and my

hands. So when I strike the match and the flame appears I

would not call that the birth of a flame. I would call it a man­

ifestation of a flame.

The Buddha said that when conditions are sufficient you

manifest yourself. When conditions are no longer sufficient,

71

NO DEATH, NO FEAR

you stop the manifestation in order to manifest mother

forms, with other conditions.

Manifesting from Something

What do you think birth is? Most of us think birth means

that something begins to exist where something didn't exist

before. In our mind we have the concept that birth means

that from nothing you suddenly become something; from no

one you suddenly become someone. Most of us would define

birth like that. Looking deeply, we see that this definition is

not sound. From nothing, you cannot become something.

From no one, you can never become someone.

Before your so-called birthday, you were already there, in

your mother. So that moment of childbirth is only a moment

of continuation. Look and see if you can find the moment

that you became something from nothing. Was it at the mo­

ment of conception in the womb of your mother? That is

not correct either, because before that there had been some­

thing else, maybe half in your father, half in your mother;

maybe one third in your father, one third in your mother,

one third in the cosmos. There were many" somethings" that

were already there. If something existed already, it does not

need to be born. The time when a mother is in labor and

72

TRANSFORMING GRIEF AND FEAR

then gives birth is not really the moment of birth; it is just a

moment of the coming into the world from the womb.

In Zen we like to ask the question, "What did your face

look like before your grandmother was born?" Ask yourself

this question and you will begin to see your own continua­

tion. You will see that you have always been there. The mo­

ment of your conception is a moment of continuation, of

manifesting in another form. If you keep looking you will see

that instead of birth and death, there is only continuing

transformation.

Where Does the Flame Come From?

I can say to the flame, "Dear flame, please manifest yourself."

As I strike the match, the flame complies. But I would also

like to ask her, "Where have you come from?"

The flame would say this: "Dear Thay, I come from

nowhere and I go nowhere. When conditions are sufficient, I

manifest." That is the truth of the nature of no coming, no

gomg.

Let us practice looking deeply into the nature of the

flame of a candle. Is it the same flame as the flame of the

match that lit it? Or is it a different flame? If we maintain

this flame for one hour, the flame will bum lower on the

73

NO DEATH, NO FEAR

candle. It may appear to be the same flame, but that is only

our perception. In fact there are multitudes of flames suc­

ceeding one another in every instant. They give the impres­

sion that it is always the same flame, but it is not. The fuel is

different, the oxygen is different. The room has changed, and

so the conditions are different. Therefore the flame is not ex­

actly the same.

It does not take much time for the flame to change be­

cause in one second the flame is nourished by the wax and

oxygen in the first part of the candle. The next moment, the

oxygen and the wax are being burned away and new fuel, new

wax and oxygen, are now burning. It is not the same fuel, so

it is not the same flame. When the candle becomes shorter,

you see that it has consumed this much wax and that much

oxygen, so you know that the flame is changing all the time.

Just like us, the flame does not remain the same in two con­

secutive moments.

Looking at just one flame you see already the nature of

being neither the same nor different. Underneath our impres­

sion of being the same, there is the nature of impermanence.

Nothing can remain the same in two consecutive moments.

This applies to a human being, a cloud, to everything. If you

say that the flame burning on the candle ten minutes ago is the

same as the flame you see now, this is not correct. If you say

there are one thousand different flames succeeding each other,

this is not correct either. The true nature of the flame is the

74

TRANSFORMING GRIEF AND FEAR

nature of neither the same nor different. If we can move

through the illusion of same and different, we can change a lot

of suffering into joy.

Impressions

In the sutras there is an excellent example. In the darkness

one person holds a torch and draws a circle of fire. Another

person, standing a little bit away, has the impression that

there is a fire circle. But there is no circle, there are only dots

of fire that succeed each other and give the impression of a

fire circle. This is like the illusion of fixed identity and the il­

lusion of permanence. The fire circle is an idea. It cannot be

applied to reality, and it cannot describe the true reality. If

you analyze the fire circle you will see that there are millions

of instances moving in quick succession that give the impres­

sion that there is a fire circle.

When we film someone dancing, we are taking many pic­

tures of that person dancing. We take so many pictures and

then when we project these frames one after another, we have

the impression that there is fluid movement. But in fact these

are only innumerable still pictures, one succeeding another.

When we look at someone, we have the impression that

there is a permanent self or entity. We think that this morn­

ing I recognized this identity and this evening, when I look, I

75

NO DEATH, NO FEAR

will recognize that same entity. If! travel somewhere else and

come back ten years later I will also recognize the same en­

tity. That is an illusion.

There's a very funny story in the sutras. A woman left a

saucepan of milk with her neighbor, saying: "Please keep it

for me; I shall come back in two or three days." There was

no refrigeration, so the milk curdled and became a kind of

cheese. When the woman came back she said: "Where's my

milk? I left milk behind, not cheese, so this is not my milk

here." The Buddha said that this person had not understood

impermanence. Milk will become yogurt or cheese if you

leave it for a few days. The person wanted only the milk of

five days ago and refused to take the cheese. Do you think

that milk and cheese are the same or different? They are nei­

ther the same nor different, but it takes several days for the

milk to become cheese. With the insight of impermanence

we can see the truth about the universe and all phenomena,

the true nature of being neither the same nor different.

We presume that things remain the same forever, but in

reality nothing remains the same in two consecutive mo­

ments. That is why the notion of a fixed identity is also an il­

lusion, an idea that cannot be applied to reality. There is a

stream of manifestation, yes, and you can assign to it a name,

like the Mississippi River. Although the name does not

change, the reality does. You have the impression that the

river is always there for you, but the water in it is not the

TRANSFORMING GRIEF AND FEAR

same even after just one moment. Philosophers have said that

you can never bathe twice in the same river. This is the na­

ture of impermanence confirmed, not only by the Buddha,

but by Confucius and Herachtus and many other wise people

who knew how to look deeply into the nature of reality.

St. Francis and the Almond Tree

One day, while doing walking meditation during winter in his

garden, St. Francis of Assisi saw a bare almond tree. He ap­

proached the almond tree and, as he practiced breathing in

and out, asked the almond tree to tell him about God. Sud­

denly the almond tree was covered with blossoms. I believe

the story to be true because such a contemplative could see

into the depth of reality. He did not need to have the warmth

of spring in order to realize that the almond blossoms were al­

ready there.

I invite you to look at a box of matches with the eyes of

St. Francis, the eyes of the Buddha. You do have those eyes.

Can you see the flame already in the box of matches? It has

not manifested but it is there somewhere. Looking deeply,

you can already see the flame. All conditions are there for

the flame to manifest, except one-a movement of your fin­

gers. You can furnish that last condition and see the flame

manifesting.

77

NO DEATH, NO FEAR

When you strike a match, please do it very mindfully.

Observe all the conditions. Ask the flame, "Dear little flame,

where have you come from?" When you extinguish it, ask,

"Where have you gone to?" We think the flame, which was

born a moment ago, is now going to die. Is there any place

separate from us in space that the flame has gone to? I don't

think so.

The Buddha said that there is no coming; there is no

going. These are questions philosophers have asked many

times and have used so much paper, ink and saliva to try to

answer. Looking deeply with your Buddha eyes, you can find

the answer.

Suchness

Reality, as it is, is called suchness. Suchness means, "it is like

that." You cannot describe it in terms of notions, especially

notions of birth and death, being and non-being, coming and

going. No word, no idea, no notion can describe reality: the

reality of a table, the reality of a flower, the reality of a house,

the reality of a living being.

Sometimes you are angry with your father and you say,

"I don't want anything to do with him!" What a declaration!

You don't know that you and your father belong to the same

reality; you are his continuation, you are he. Look into

TRANSFORMING GRIEF AND FEAR

whether you are the same as your father or different from

him. Our true nature is the nature of not the same, not dif­

ferent. You and your father are not the same; and you are not

different.

When you help the flame to manifest by striking the

match, look deeply and you can see that it comes from no­

where, and it goes nowhere. Use the flame on the match to

light a candle. Is the flame of the candle the same as the flame

of the match or different? If you have a second candle and

light it too, you can ask if the three flames are the same or dif­

ferent.

Looking into a flame of one candle, we can see in this

very flame that the idea of "neither the same nor different"

applies not only to the flames of the two different candles

but also to the one flame that lit them both. This flame is not

the same and is not different because each moment of that

flame is unique. The moment that comes next is a moment

when the flame manifests itself in a different way.

The manifestation of something or someone does not

rely on one condition alone; it relies on many conditions. So,

the idea that one cause can bring about the effect is not cor­

rect. One cause is never enough to help something manifest.

While we were contemplating the flame we did not look

deeply enough to see all the conditions. We know that the

flame is nourished by the matchstick, by the wood and by

fueL It is true that nothing can survive without fuel, but the

79

NO DEATH, NO FEAR

fuel is only one element, one condition. The flame can mani­

fest itself only when all the elements are there. If there is no

oxygen in the air, the flame cannot appear for very long. The

flame relies on the wood, on the wick, on oxygen. The flame

is already there in the matchbox. It does not need to be born,

it only needs to manifest when the conditions are right.

We may only be a boy or a girl of twelve years old and

do not now have children of our own. But in our person, all

the causes and conditions for the manifestation of children

and grandchildren are there. It's just a matter of time and

conditions.

A SHEET OF PAPER

No coming, no going,

No after, no bifore,

I hold you close,

I release you to be free;

I am inyou

And you are in me.

No coming, no going is the true nature of reality. You

have come from nowhere; you will go nowhere. The rose, the

cloud, the mountains, the stars, the planet Earth-everything

is like that. Their nature is the nature of no coming, no

going. To die does not mean that from something you be-

80

TRANSFORMING GRIEF AND FEAR

come nothing. To be born does not mean that from no one

you suddenly become someone. There is only manifestation

based on sufficient conditions, and the cessation of manifes­

tation, based on the lack of proper conditions.

The sheet of paper on which these words are written has

a history. This page in the book that you are holding in your

hands took its form in a single moment. That does not mean

that it was the moment of its birth. It was already there as the

light of the sun, as the trunk of a tree, as the cloud and the

earth. The moment when it came from the factory was just

its moment of manifestation.

So we should ask, "Dear little sheet of paper, were you

there before you were born?" The sheet of paper will answer,

"Yes, in the form of a tree, in the form of the sunshine, in

the form of a cloud and the rain, in the form of minerals and

the earth. The moment of becoming a sheet of paper was a

moment of continuation. I have not come from nothing. I

have come from the cosmos. I have been a tree, I have been a

cloud, I have been sunshine, soil and so on."

Looking deeply into the sheet of paper, you can still see

the trees, the cloud, and the sunshine. You do not have to go

to the past. That is the advantage of being a meditator; you do

not have to travel. You just sit there and look deeply, and you

can see and recognize everything. The sheet of paper contains

all the information about the cosmos, including information

concerning the cloud, the sunshine, the trees, the earth. If you

81

NO DEATH, NO FEAR

return one of these elements to its origin, the sheet of paper

will no longer be there. If you returned the sunshine to the

sun, there would be no forest, and no paper. That is why the

sunshine is in the paper. When you touch the sheet of paper,

you touch the sunshine, you touch the cloud, you touch the

rain, you touch the earth, you touch the whole cosmos. One

manifestation contains all.

If you run your fingers over the paper, you can feel the

cloud in it. Without the rain, which comes from the cloud,

there would be no paper. When you are running your fingers

over the piece of paper, you are running your fingers over the

trees in the forest. With our fingers we can touch the sun and

all the minerals of the earth in the paper. All these conditions

lie in the paper. When we can be in touch with the paper

with our awakened understanding, we are in touch with the

whole of existence.

When we practice looking deeply into this sheet of pa­

per, we can see the forest. Without the forest there would be

no tree, without the trees we cannot make paper. So this

sheet of paper has not come from nothing; it has come from

something like the trees. But the trees are not enough to

make the sheet of paper. The sunshine nourishes the trees;

the clouds water the trees; the soil, the minerals and a multi­

tude of other phenomena help the sheet of paper to manifest.

And then there has to be a logger who cuts the tree, and the

deli worker that made the sandwich for the logger's lunch,

TRANSFORMING GRIEF AND FEAR

and the people who formed the company that pays the log­

gers. These things do not exist outside the sheet of paper.

They are one with the paper.

You may think, How can I identify this sheet oj paper with the

forest? The forest is outside the paper. If you remove the forest or the

cloud from the sheet of paper, the sheet of paper will fly

apart. If there were no clouds, and no rain from the clouds,

how could trees grow? How could we make paper paste in

order to produce a sheet of paper?

The sheet of paper has no birthday, and you have no

birthday. You were there before you were born. The next

time you celebrate your birthday, you might like to change

the song to "Happy Continuation Day." If it is true that the

birthday is a continuation day, then what you call the day of

death is also a continuation day. If your practice is strong,

at the moment of dying you will sing a song of happy con­

tinuation.

Try to Make Nothing

You can try to make a sheet of paper into nothing. Is it pos­

sible? Strike a match and bum it to see whether it becomes

nothing, or whether it becomes something else. This is not

just a theory-it is something we can prove. Breathe in and

out as you strike the match. Witness the transformation of a

NO DEATH, NO FEAR

sheet of paper. As you light the match, be aware that the

flame does not need to be born. With the right conditions, it

only has to manifest for us to see it. As you bum the paper,

see the smoke. The heat is enough to bum your fingers.

Where is the paper now?

When you bum a sheet of paper, it is no longer in the

form of paper. If you follow it with your mindfulness, you

will see that the sheet of paper continues in other forms. One

of its forms will be smoke. The smoke from the piece of

paper rises and will join one or two of the clouds already ex­

isting in the sky. It is now participating in a cloud, and we

can wave good-bye to it. Good-bye piece of paper, see you

again very soon. Tomorrow, next month, there will be rain

and a drop of water can fall on your forehead. That drop of

water is your sheet of paper.

Another form the paper takes on is ash. You can give

the ash back to the soil. When it is returned to the soil, the

earth becomes a continuation of the sheet of paper. Maybe

next year you will see the continuation of the paper in a tiny

flower or a blade of grass. That is the afterlife of a sheet of

paper.

During the process of being burned, the piece of paper

also became heat. That heat penetrates into our bodies, even

if you are not very close to the flame. Now you carry the

sheet of paper in you. The heat penetrates deeply into the

cosmos. If you are a scientist and have very sophisticated in-

TRANSFORMING GRIEF AND FEAR

struments, you can measure the effects of that heat even in

distant planets and stars. They then become a manifestation,

a continuation of the little sheet of paper. We cannot know

how far the sheet of paper will go.

Scientists say that if you clap your hands it may have an

impact on a distant star. What is happening with us can af­

fect a galaxy far away. And the galaxy far away can affect us.

Everything is under the influence of everything else.

Nothing Is Lost

To meditate means to be invited on a journey of looking

deeply in order to touch our true nature and to recognize

that nothing is lost. Because of this we can overcome fear.

Non-fear is the greatest gift of meditation. With it we can

overcome grief and our sorrow.

Only nothing can come from nothing. Something cannot

come from nothing and nothing cannot come from some­

thing. If something is already there, it does not need to be

born. The moment of birth is only a moment of continuation.

You can be perceived as a baby the day of your so-called birth

and everyone thinks of you as now existing. But you already

existed before that day.

To die in our notion of death means that from some­

thing you suddenly become nothing. From someone you

NO DEATH, NO FEAR

suddenly become no one-that is a horrible idea and makes

no sense. If something has not been born, will that some­

thing have to die sometime? Can you reduce the sheet of

paper into non-being, nothing?

I can testify that a sheet of paper has never been born,

because to be born means from nothing you suddenly be­

come something, from no one you suddenly become some­

one. That idea is not compatible with reality. Your true

nature is the nature of no birth; the nature of the sheet of

paper is also the nature of no birth. You have never been

born; you have been there for a long, long time.

You Have Always Been There

When you were a child you may have liked to play with a

kaleidoscope. Every movement of your fingers created a won­

derful pattern of colors. If you moved it a little bit, then what

you see would change. It was also beautiful, but it would be

different. You might say that the different patterns within the

kaleidoscope were being born or dying, but as a child you did

not mourn that kind of birth and death. Instead, you contin­

ued to delight in seeing different forms and colors.

If we are able to touch our ground of no birth and no

death, we will have no fear. That is the base of our true hap­

piness. As long as fear is still in you, your happiness cannot be

86

TRANSFORMING GRIEF AND FEAR

perfect. The bodhisattva Avalokiteshvara has offered us the

Heart Sutra. In that sutra we learn that reality is as it is, not

conditioned by birth, death, coming, going, being, non-being,

increasing, decreasing, being defiled or immaculate. Weare

full of all these notions, and we suffer because we are caught

in these notions. Our true liberation is the liberation from

notions.

When you come to a practice center, you hope to allevi­

ate some of your suffering. You hope for some relief, but the

greatest relief of all can be obtained only by touching your

true nature, the nature of no birth and no death. That is the

deepest teaching the Buddha offered to us.

No Creation

Look at the sunflower growing in the garden. The sunflower

relies on so many elements in order to manifest itself. There

is a cloud inside of the flower because if there were no cloud

there would be no rain, and no sunflower could grow. There

is the sunshine in the sunflower. We know that without sun­

shine nothing can grow; there would be no sunflower. We

see the earth, we see the minerals, we see the farmer, we see

the gardener, and we see time, space, ideas, the willingness to

grow and many other elements. So, sunflowers depend on

many conditions in order to manifest, not just one.

NO DEATH. NO FEAR

I like to use the word "manifestation" instead of "birth,"

and I also like to use it instead of "creation." In our minds,

"to create" also means from nothing something is brought

forth. The farmer who grows sunflowers does not create the

sunflowers. If you look deeply, you see that the farmer is

only one of the conditions that can bring sunflowers into

being. There are seeds of sunflowers stored in the bam, there

are fields outside where you can plant sunflowers, there are

clouds in the sky to make rain, there are fertilizers, there is

the sunshine to help the sunflower to grow. You, the farmer,

are not really the creator of the sunflower. You are just one

of the conditions. Without you the sunflowers cannot mani­

fest. But the same is true of the other conditions. All are

equally important to the manifestation of the sunflower.

When you come to Plum Village in the month of July,

you will see many sunflowers on the surrounding hills. Hun­

dreds of thousands of sunflowers all tum toward the east,

smiling and bright. If you come in the month of Mayor

April, the hills are bare. But when the farmers walk through

their fields, they can already see the sunflowers. They know

that the sunflowers have been planted, that every condition is

sufficient. The farmers have sown the seeds; the soil has been

prepared. Only one condition is missing-the warmth that

will come in June and July.

It is not because something manifests that you can de­

scribe it as being. It is not because it has not manifested or

88

TRANSFORMING GRIEF AND FEAR

has ceased its manifestation that you can call it non-being.

"Being" and "non-being" cannot apply to reality. By looking

deeply, you realize that reality is not subject to birth and

death, to being and non-being.

When Paul Tillich said, "God is the ground of being,"

that being should not be confounded with the being that is

opposed to non-being. You are invited to look deeply into

the notion of being in order to be free from it.

89

Five

NEW

BEGINNINGS

Where was Jesus before he was born? Over the years I have

asked many of my Christian friends this question. If we want

to look into this question deeply, we must explore the life and

the death of Jesus in terms of manifestation. Jesus Christ was

not no one before his birth. It was not in Bethlehem that Jesus

came into being. The event of the nativity was only an occa­

sion of manifestation; Jesus did exist before the moment of

so-called birth or nativity. So we should not really call it a

birth. It's not really the nativity. It's really only a manifesta­

tion. By looking with the insight of manifestation, we have an

opportunity to see deeply into the person of Jesus. We can

discover the truth of his immortality. We can discover the

truth of our own nature of no birth and no death.

It is said by Christians that God sent his only son, Jesus,

to earth. Since God was there, and Jesus is a part of God, and

Jesus is the Son of God, Jesus was already there. The day of

Christ's birth, Christmas, is a manifestation day, not a nativ­

ity day. This day was only the time when the manifestation

took place.

Jesus Christ is still manifesting himself in many thou-

93

NO DEATH. NO FEAR

sands of ways. He is manifesting himself all around you. We

need to be alert in order to recognize his manifestations. If

you are not mindful or attentive, you will miss him because

you will miss his manifestations. In the morning when you

practice walking meditation, you may recognize his manifes­

tation as a flower, as a drop of water, as a bird song or as a

child playing in the grass. We have to be very careful not to

miss these things.

In the teaching and understanding of the Buddha, we all

share the nature of no birth and no death. Not only humans,

but also animals, plants and minerals share the nature of no

birth and no death. A leaf and a flower share the same ground

of no birth and no death. There is a manifestation of a flower

or a leaf or a cloud. During the winter we do not see any sun­

flowers or dragonflies, and we do not hear the cuckoo bird

sing. It seems that they do not exist in winter, but we know

that this idea is wrong. In the beginning of spring, all of these

beings will manifest themselves again. They have just been

somewhere else during the winter, in another manifestation,

waiting until conditions are favorable in order to manifest

themselves again. To qualify them as non-existing in winter is

a wrong perception.

94

NEW BEGINNINGS

((Passed Away" Does Not Mean ((Gone"

We must also ask the question, If Jesus was not born then

how could he die? Though he was crucified, did he cease to

exist? And did Jesus need to be resurrected?

Is it possible that his crucifixion was not a death? Is it pos­

sible it was a hiding? His true nature is the nature of no birth

and no death. This is true not just of Jesus. In this sense a cloud

is the same, a sunflower is the same, and you and I are the same.

Weare not born and we do not die. And since Jesus Christ is

not affected by birth and death, we call him the Living Christ.

It is real and deep wisdom to learn to look at things in

terms of manifestation. If someone who is very close to you

has passed away and you define him or her as non-existing,

you are mistaken. From nothing cannot be born something.

From no one cannot be born someone. From something you

cannot become nothing. From someone you cannot become

no one. That is the truth. If the person who is close to you

does not manifest in the form that you are used to seeing or

perceiving, that does not mean that he is non-existing. It does

not mean that he is no longer there. If you look deeply, you

can touch his or her presence in other forms of manifestation.

One day I took the hand of a young father who had just

buried his little son. I invited him to walk with me to dis­

cover his son in other forms.

95

NO DEATH, NO FEAR

His son had come to Plum Village when he was very

young and learned to enjoy vegetarian food. He gave me his

allowance and extra pocket money and asked me to buy a

plum tree and plant it for him. He wanted to participate in

the work of supporting hungry children in the world by

planting a fruit tree in Plum Village. He knew that a plum

tree gives a lot of fruit. He knew that we could sell the fruit

and send the money to hungry children in the third world.

He learned to do walking and sitting meditation, and he

practiced the dharma very well. When he was sick I went to

Bordeaux and visited him in the hospital. He said to me,

"Grandpa monk, I will do walking meditation for you." He

got down from his bed, although he was quite weak, and

walked beautifully for me. Shortly afrer my visit, he died.

The day of his cremation, I sprinkled the consecrated water

and chanted the Heart Sutra for him. A week later I took the

hand of his father during a walking meditation and showed

him many other manifestations of his little boy. Together we

visited the plum tree I planted for his son, and as we sat in

the afternoon light, we saw his little boy waving to us from

every bud and branch.

Looking deeply into reality, you can discover many

things. You can surmount so much suffering and counter

many wrong perceptions. If we can abide peacefully in the

ultimate dimension, we will not drown in the ocean of suf­

fering, grief, fear and despair.

NEW BEGINNINGS

Re-Manifesting Ourselves

In the ultimate dimension, we have never been born and we

will never die. In the historical dimension, we live in forget­

fUlness and we are rarely truly alive. We live like dead people.

In Albert Camus' novel The Stranger, the main character,

out of despair and rage, shoots and kills someone. He re­

ceives the death sentence for his crime. One day, while lying

on the bed in his prison cell, he looks up at the square­

shaped skylight over him. Suddenly he becomes aware of and

deeply in touch with the blue sky above. He has never seen

the sky in that way before. Camus called this a moment of

consciousness, which is a moment of awareness or of mind­

fUlness. For the condemned man, it was the first time in his

life that he really came into touch with the sky and realized

what a miracle it was.

From that moment on, he wants to maintain that kind of

shining awareness. He believes this was the only kind of energy

that can keep him alive. He has only three days left before his

execution. He practices all alone in the prison to maintain that

awareness, to keep his mindfUlness alive. He vows to live every

minute of the three days left to him fully and in mindfUlness.

On his final day a priest comes to visit him to perform the last

rites. The condemned man does not want to waste his time

of awareness in receiving the sacrament. At first he resists, but

97

NO DEATH, NO FEAR

finally he opens the door for the priest to come in. When the

priest departs, the prisoner remarks to himself that the priest

lives like a dead person. He has seen no qualities of awareness

or mindfulness in the priest.

If you live without awareness it is the same as being

dead. You cannot call that kind of existence being alive.

Many of us live like dead people because we live without

awareness. We carry our dead bodies with us and circulate

throughout the world. Weare pulled into the past or we are

pulled forward into the future or we are caught by our proj­

ects or our despair and anger. We are not truly alive; we are

not inhabited by awareness of the miracle of being alive. Al­

bert Camus never studied Buddhism, but in his novel he

speaks about a core practice of Buddhism, the" moment de con­

science," the moment of deep awareness or awakening.

The practice of resurrection, or re-manifestation, is pos­

sible for all of us. Our practice is always to resurrect our

selves, going back to the mind and the body with the help of

mindful breathing and walking. This will produce our true

presence in the here and the now. Then we can become alive

again. We will be like dead people reborn. Weare free from

the past, we are free from the future, we are capable of estab­

lishing ourselves in the here and now. Weare fully present in

the here and now, and we are truly alive. That is the basic

practice of Buddhism. Whether you eat or drink or breathe

or walk or sit, you can practice resurrection. Always allow

NEW BEGINNINGS

yourself to be established in the here and now-fully pres­

ent, fully alive. That is the real practice of resurrection.

The Only Moment We Can Be Alive

I have arrived, I am home

In the here, In the now

I am solid, I am free

In the ultimate, I dwell

We cannot enjoy life if we spend a lot of time worrying

about what happened yesterday and what will happen tomor­

row. We worry about tomorrow because we are afraid. If we

are afraid all the time, we cannot appreciate that we are alive

and can be happy now.

In our daily life, we tend to believe that happiness is only

possible in the future. Weare always looking for better

things, the right conditions to make us happy. We run away

from what is happening right in front of us. We try to find

things that make us feel more solid, more safe and secure.

But we are afraid all the time of what the future will bring.

We are afraid we'll lose our jobs, our possessions, the people

around us whom we love. So we wait for the magical mo­

ment-sometime in the future-when everything will be as

we like, as we want it to be.

99

NO DEATH, NO FEAR

But life is available only in the present moment. The

Buddha said, "It is possible to live happily in the present mo­

ment. It is the only moment we have."

When you come back to the here and the now, you will

recognize the many conditions of happiness that already

exist. The practice of mindfulness is the practice of coming

back to the here and the now to be in touch deeply with our­

selves, with life. We have to train ourselves in order to do

this. Even if we are very intelligent and we understand it

right away, we still have to train ourselves to live this way.

We have to train ourselves to recognize that the conditions

for happiness are already here.

True Home

Our true home is in the here and the now. The past is al­

ready gone and the future is not yet here. "I have arrived, I

am home, in the here, in the now." This is our practice.

You can recite this gatha, or poem, during walking medi­

tation or sitting meditation. You can practice this poem

when you drive to your office. You may not have arrived at

your office, but even while driving you have already arrived

at your true home, the present moment. And when you arrive

at your office, this is also your true home. When you are in

your office, you are also in the here and the now.

100

NEW BEGINNINGS

Just practicing the first line of the poem "I have arrived, I

am home" can make you very happy. Whether you are sit­

ting, whether you are walking, whether you are watering the

vegetables in the garden, or whether you are feeding your

child, it is always possible to practice "I have arrived, I am

home." I am not running anymore; I have run all my life;

now I am determined to stop and to really live my life.

What Are You Waiting For?

The French have a song called: ((~'est-ce qu'on Attend Pour Etre

Heureux?" (What are you waiting for to be happy?). When I

practice breathing in and I say, "I have arrived," that is an

achievement. Now I am fUlly present, one hundred percent

alive. The present moment has become my true home.

When I breathe out I say, "I am home." If you do not

feel you are home, you will continue to run. And you will

continue to be afraid. But if you feel you are already home,

then you do not need to run anymore. This is the secret of

the practice. When we live in the present moment, it is possi­

ble to live in true happiness.

101

NO DEATH, NO FEAR

Appreciating Earth

For many years I have told this story. Suppose two astro­

nauts go to the moon. When they arrive, they have an acci­

dent and find out that they have only enough oxygen for two

days. There is no hope of someone coming from Earth in

time to rescue them. They have only two days to live. If you

asked them at that moment, "What is your deepest wish?"

they would answer, "To be back home walking on the beau­

tiful planet Earth." That would be enough for them; they

would not want anything else. They would not want to be

the head of a large corporation, a big celebrity or president of

the United States. They would not want anything except to

be back on Earth-to be walking on Earth, enjoying every

step, listening to the sounds of nature and holding the hand

of their beloved while contemplating the moon.

We should live every day like people who have just been

rescued from the moon. We are on Earth now, and we need

to enjoy walking on this precious, beautiful planet. The Zen

master Lin Chi said, "The miracle is not to walk on water

but to walk on the Earth." I cherish that teaching. I enjoy

just walking, even in busy places like airports and railway sta­

tions. In walking like that, with each step caressing our

Mother Earth, we can inspire other people to do the same.

We can enjoy every minute of our lives.

!OZ

Six

THE

ADDRESS OF

HAPPINESS

If you want to know where God, the Buddhas and all the

great beings live, I can tell you. Here is their address: in

the here and now. It has everything you need, including the

zip code.

If you can breathe in and out and walk in the spirit of "I

have arrived, I am home, in the here, in the now," then you

will notice that you are becoming more solid and more free

immediately. You have established yourself in the present

moment, at your true address. Nothing can push you to run

anymore, or make you so afraid. You are free from worrying

about the past. You are not stuck, thinking about what has

not happened yet and what you cannot control. You are free

from guilt concerning the past and you are free from your

worries about the future.

Only a free person can be a happy person. The amount

of happiness that you have depends on the amount of free­

dom that you have in your heart. Freedom here is not politi­

cal freedom. Freedom here is freedom from regret, freedom

from fear, from anxiety and sorrow. "I have arrived, I am

home, in the here, in the now."

105

NO DEATH, NO FEAR

"I am solid, I am free." This is what you feel, what you

become, when you arrive in the here and now. You're not

just telling yourself this-you will see it; you will feel it. And

when you do, you will be at peace. You will experience nir­

vana, or the kingdom of God, or whatever you may like to

call it. Even if you are not caught by a lot of worries, if you

are not solid and free, how can you be happy? To cultivate

solidity and freedom in the present moment is the greatest

gift we can give ourselves.

Dwelling in the Ultimate

"In the ultimate I dwell." The ultimate is the foundation of

our being, the ground of being. The ultimate, or God, or the

divine, is not separate from us. Weare in it all the time. It is

not somewhere up there beyond the sky. But we have to live

in our true home in order to dwell in the ultimate, in order

to live in the ultimate.

It is like the wave and water. If we look into a wave, we see

that a wave can have a beginning and an end. A wave can be

high or low. A wave can be like other waves, or it can be dif­

ferent. But the wave is always made of water. Water is the

foundation of the wave. A wave is a wave, but it is also water.

The wave may have a beginning and an end, it may be big or

106

THE ADDRESS OF HAPPINESS

small, but with water there is no beginning, no end, no up, no

down, no this, no that. When the wave realizes and under­

stands this, it is free from the fear of beginning and end, up

and down, big and small, this and that.

In the historical dimension, we have time and space, and

pairs of opposites: right and wrong, young and old, coming

and going, pure and impure. We look forward to beginning

and we are afraid of ending. But the ultimate dimension does

not have any of these things. There is no beginning or end,

no before or after. The ultimate is the ground that makes the

historical dimension possible. It is the original, continuing

source of being. It is nirvana. It is the kingdom of God.

Our foundation is nirvana, the ultimate reality. You can

call it God or the kingdom of God. This is the water in

which we live. You are a wave, but at the same time you are

also water. You have a historical dimension and you also

have an ultimate dimension. If we understand that our true

nature is of no birth, no death, no coming, no going, then

our fear will depart and our pain and suffering will vanish.

A wave does not have to die in order to become water.

She is water right here and now. We also do not have to die

in order to enter the kingdom of God. The kingdom of God

is our very foundation here and now. Our deepest practice is

to see and touch the ultimate dimension in ourselves every

day, the reality of no birth and no death. Only this practice

107

NO DEATH, NO FEAR

can remove our fear and suffering entirely. Rather than say­

ing, "In the ultimate I dwell," you may like to say, "In the

kingdom of God I dwell" or "In the Buddha land I dwell."

Releasing Sorrow

Suppose someone was able to transport you by jet to the king­

dom of God or the Pure Land of the Buddha. When you ar­

rived, how would you walk? In such a beautiful place, would

you walk under pressure, running and anxious like we do so

much of the time? Or would you enjoy every moment of being

in paradise? In the kingdom of God, or the Pure Land, people

are free and they enjoy every moment. So they do not walk

like we do.

The Pure Land is not somewhere else; it is right here, in

the present. It is in every cell of our bodies. When we run

away from the present, we destroy the kingdom of God. But

if we know how to free ourselves from our habit energy of

running, then we will have peace and freedom and we will all

walk like a Buddha in paradise.

What we carry with us determines in which dimension

we dwell. If you carry a lot of sorrow, fear and craving with

you, then wherever you go you will always touch the world

of suffering and hell. If you carry with you compassion, un-

ro8

THE ADDRESS OF HAPPINESS

derstanding and freedom, then wherever you go you will

touch the ultimate dimension, the kingdom of God.

Wherever the practitioner goes, she knows she is touch­

ing the kingdom of God under her feet. There is not one day

when I do not walk in the kingdom of God. Because I prac­

tice freedom and compassion wherever I go, my feet touch

the kingdom of God, the ultimate dimension everywhere. If

we cultivate this kind of touching, then the important ele­

ments of solidity and freedom will be available to us twenty­

four hours every day.

"I have arrived, I am home." The home of the wave is

water. It's right there. She does not have to travel thousands

of miles in order to arrive at her true home. It's so simple and

so powerful. I would like to invite you to memorize this little

poem and to practice and remember it many times a day. In

this way you will touch the ultimate dimension and always

remember your true home.

Habit Energy oj Running

We run during the daytime and we run during our sleep. We

do not know how to stop. Our practice is first of all to stop,

then to relax, to calm down and to concentrate. When we

can do this, then we are in the here and now. Then we be-

109

NO DEATH. NO FEAR

come solid. And when we are solid, we can look around. We

can look deeply into the present moment, we can look deeply

into our true nature, and we can discover the ultimate dimen­

sion. By looking deeply, we can see that though we are waves,

we are also water. But if we have not stopped, if we have not

learned to concentrate, then we cannot look deeply. We will

not free ourselves from fear because we will not be strong

enough or stable enough to see the reality of no coming and

no gomg.

It is very hard to fight against the habits we have devel­

oped. Dr. Ambedkar was a member of Indian parliament

who came from the ranks of the Untouchables. He fought

for the rights of the Untouchables. He felt very strongly that

their hope for dignity and safety was in Buddhism. The Bud­

dha did not believe in the caste system. So, one day in the

city of Bombay, five hundred thousand Untouchables came

together and Dr. Ambedkar delivered the Three Refuges and

the Five Mindfulness Trainings of the Buddha. I went to

India to offer my support and assistance to this community

of Untouchables. We gave dharma talks and held days of

mindfulness.

Imagine that you grew up as an Untouchable. Imagine

that everyone around you treated you badly and made you

afraid for your life. Imagine that you had to please all those

of higher rank in order to stay safe. How would you live?

Would you be relaxed and in the present moment? Or in

llO

THE ADDRESS OF HAPPINESS

constant worry about the future? The habit energy of anxiety

would be very strong.

The friend who organized my trip came from the Un­

touchable community. He lived in New Delhi with his wife

and three children. He very much wanted to make my trip

pleasant and successful. One morning, we were sitting on a

bus together, traveling to another community. I was enjoying

the landscape of India from my window seat. When I turned

to look at my friend, I noticed that he was very tense. I said,

"My dear friend, I know that you very much want to make

my trip pleasant and happy, but you know, I am very happy

right now! Please, don't worry. Sit back and relax!" He said,

"Yes!" He relaxed a bit, so I turned to the window again and

I practiced breathing in and out. I enjoyed the palm trees in

the morning sun.

I thought about the palm leaves on which the scriptures

of the Buddha have been written since ancient times. The

leaves are long and slender. A sharp point was used to in­

scribe the teaching of the Buddha on the leaves. They can be

preserved for a thousand years or more. I remembered that

some fifteen-hundred-year-old Buddhist texts had been dis­

covered in Nepal written on these leaves. Then my mind re­

turned to my friend. This took perhaps two minutes. I

turned to him and saw that he was becoming stiff and tense

again. It was difficult for him to relax for even a few minutes.

As an Untouchable, he had struggled all of his life. Now,

III

NO DEATH, NO FEAR

even though he had a nice apartment in New Delhi and a good

job, the habit energy in him to struggle all the time was still

very strong. Throughout many generations, the Untouchables

have been struggling hard day and night to survive. That kind

of habit energy had been transmitted to him from many gen­

erations. It would be difficult for anyone to transform it

quickly. He needed some time and some training. With the

support of friends in the practice, in a few months or a few

years he could transform his energy of struggling and being

tense. It is possible for anyone to do. You can allow yourself

to relax and be free.

If you want to transform your habit energy of running

and struggling, you have to recognize it every time it shows

its head. Breathing in and out and smiling, you say, "Oh, my

dear little habit energy, I know you are there!" At that mo­

ment you are free. You can remind yourself. You can teach

yoursel£ You cannot have a spiritual friend twenty-four

hours a day with you to remind you. I reminded my friend

one time, and it worked only for two minutes. He has to do

it himsel£ Everyone has to do it for themselves. You must

become your own spiritual friend and live in an environment

that helps you.

The habit energy of running is strong in us. It may have

been transmitted to us by many generations. But you don't

need to pass that habit energy along. You should be able to

tell your children that you have walked in the kingdom of

lIZ

THE ADDRESS OF HAPPINESS

God. You may like to tell them, as I have told my friends,

that there is not one day when I do not walk in the kingdom

of God. If you can do this, your life will become an inspira­

tion to many people. Perhaps you and your children will

. walk in the Pure Land all the time.

Releasing Our Baggage

If we want to walk in the Pure Land all the time, it helps us

to let go of the things that keep us from being in the present.

It helps us to learn to let go of what makes us worry, to get

to zero. When we think of zero, we think of it as nothing­

ness. We see it as something negative. But zero can be very

positive. If you have a debt to pay, that is negative. When

you pay it back, your balance returns to zero. That is won­

derful because then you are free.

At the time of the Buddha, there was a monk whose

name was Baddhiya. Before becoming a monk he had been

governor of a province in the kingdom of Sakka where the

Buddha was born. After his enlightenment the Buddha had

come back to the kingdom of his birth and visited his family.

When many young people saw the great happiness and lib­

erty of the Buddha, they wanted to follow him. They wanted

to be free.

Among them was Baddhiya. During the first three months

NO DEATH, NO FEAR

of his monastic life he practiced so diligently that he could see

many things deeply. One night while practicing meditation in

the forest, he opened his mouth and said, "Oh my happiness!

Oh my happiness!"

As governor, Baddhiya had slept in beautiful rooms. He

was guarded by many soldiers. He had expensive things to

eat and many servants. Now he sat at the foot of a tree, with

nothing but his begging bowl and monk's robe.

A monk who was sitting close to Baddhiya heard his ex­

clamation. He thought Baddhiya regretted losing his former

positions of power. He thought Baddhiya must be regretting

losing his former life as a governor. In the early morning of

the next day the monk went to the Buddha and told him

what he had heard. The Buddha summoned Baddhiya and in

the presence of the entire community of monks the Buddha

said, "Brother Baddhiya, is it true that last night during sit­

ting meditation you opened your mouth and pronounced the

words, "Oh my happiness! Oh my happiness?" Baddhiya

replied, "Yes, that is true, Lord Buddha."

The Buddha asked, "Why? Did you regret something?"

Baddhiya answered, "During sitting meditation, I re­

membered the time when I was governor, attended by so

many servants and protected by bodyguards. I always lay

awake with fear. I was afraid that people would steal my

wealth from me. I was afraid of being assassinated. Now, sit­

ting at the foot of a tree and meditating, I felt so free. Now I

THE ADDRESS OF HAPPINESS

have nothing to lose. I enjoy deeply every moment, and I

have never been as happy as I am now. That is why I said,

'Oh my happiness! Oh my happiness!' Noble Teacher, if I

disturbed my brothers, I apologize." Only then did everyone

in the sangha understand that Baddhiya's words were an ex­

pression of his real happiness.

Please take a pen and a sheet of paper. Go to the foot of

a tree or to your writing desk, and make a list of all the things

that can make you happy right now: the clouds in the sky, the

flowers in the garden, the children playing, the fact that you

have met the practice of mindfulness, your beloved ones sit­

ting in the next room, your two eyes in good condition. The

list is endless. You have enough already to be happy now.

You have enough to be free from coming and going, up and

down, birth and death. Nourish yourself every day with the

wonderful things that life has to offer you. Nourish yourself

in the present moment. Walk in the kingdom of God.

What Are We Running Ajter?

If we are not fully present and not alive, either for our loved

ones or ourselves, where are we? Weare running, running,

running, even during our sleep. We run because our fear of

losing everything is chasing us. The practice of resurrection

can help us.

NO DEATH, NO FEAR

When you come back to mindfulness and awareness,

when the energy of mindfulness is present in you, the energy

of the Holy Spirit is present in you. The Holy Spirit makes

life possible: To be inhabited by the Holy Spirit is our prac­

tice. To live every moment in the presence of the Holy Spirit

is not something abstract. It can be done when you drink

your juice or your tea. Drink in such a way that the Holy

Spirit is present in you. When you eat some muesli, some

rice or some tofu, eat it in such a way that the Holy Spirit is

present in you. When you walk you should allow the Holy

Spirit to be walking in you.

Please do not practice only for the sake of form. Every

walking meditation session is a new walking meditation ses­

sion. Walk in such a way that you will be nourished with

every step you make. Every meal should be a new meal where

you can nourish yourself with the energy of the Holy Spirit,

the energy of mindfulness. Every sitting session should be a

new sitting session.

Sit in such a way that allows your new being to manifest.

Let us practice with friends. The sangha is intelligent enough,

is smart enough not to fall into the trap of doing the practice

as a routine and not as something creative. Many of us are in­

telligent and creative. We should use our intelligence and our

creativity in order to keep the practice alive and constantly re­

newed. It is perfectly possible to practice this kind of Bud­

dhist meditation as a Christian, as a Muslim, as a Hindu or as

Il6

THE ADDRESS OF HAPPINESS

a Jew. It doesn't matter what religion you practice, or even if

you practice no religion at all.

To practice does not mean to imitate the form. To prac­

tice means to use our intelligence and our skills to make

nourishment and transformation possible in our self, en­

gendering nourishment and transformation in the people

around us.

New Beginnings

When you eat your bread or your croissant in the morning,

eat in such a way that the bread becomes life. Celebrate the

Eucharist every morning while breaking the bread or biting

into your croissant. Feel alive; feel that you are in touch with

the whole cosmos. If the piece of bread is the body of Jesus,

it is also the body of the cosmos. "This piece of bread is the

body of the cosmos," we can say. Eating with mindfulness al­

lows you to recognize the piece of bread as the body of the

cosmos. When you eat like this, you are a new person. Allow

the new being to manifest in you. You can do this practice

by yoursel£ You can also practice this with others in order to

help your brothers and sisters renew themselves every mo­

ment of their daily practice.

When we begin the practice, we have the gift of begin­

ner's mind. Beginner's mind is a beautiful mind. You are mo-

117

NO DEATH, NO FEAR

,tivated by the desire to practice, to transfonn yourself, to

bring peace and joy into yourself. and that peace and joy be­

'.comes contagious. Allow yourself to be a torch, and allow

the flame of your torch to be transmitted to other torches.

Practicing like that, you can help peace and joy grow in the

entire world.

The practice of resurrection should be taken up by each

of us. When we practice it with success we will also help

other people around us. This is the true practice of being

alive. Whatever we do in our daily practice-walking, sit­

ting, eating or sweeping the floor-the purpose of all these

things is to help us become alive again. Be alive in every mo­

ment, and by waking up yourself, you will wake up the

world.

Waking up is the very nature of the teaching and the

practice. "Budh" means to wake up. We call the one who is

awake a Buddha. The Buddha is someone who dispenses the

teachings and the practice of awakening. Each of us can

transfonn his- or herself into a lamp that can help the entire

world awaken.

lIS

- -----------

Seven

CONTINUING

MANIFESTATIONS

The Buddha has advised us that we should not accept any

teachings as true just because a famous master teaches them

or because they are found in holy books. This also includes

the Buddhist canon. We can only accept teachings that we

have put into practice with our own awakened understanding

and that we can see with our own experience to be true. The

Buddha said our true nature is the nature of no birth and no

death. Let us look again and see if this is true.

If you light a candle and the flame keeps burning until

the whole candle is finished, is the candle still there or not?

The Buddha says there is no annihilation. We have seen that

this is true. And also we have seen that the concept of perma­

nence is not applicable to things as they are. So the truth lies

somewhere in between. Here, we must look deeply with all

our concentration.

Do you think that the flame on the candle is going down

only in a vertical direction? If you think so, then you are fol­

lowing the flame in time. You may also think in this way

about your own life span: that it is going in a linear direction

and that one day it will end. You may think that you were

!2!

NO DEATH, NO FEAR

born on a point on a vertical line, a point you may call 1960.

You may think that you will die on a point somewhere far­

ther down on that line, which you may call 2040. All you can

see is yourself moving in time like the candle. But you are not

just moving in a linear direction.

You might think that the flame is just going down. You

might think that the candle will die. In fact the flame is going

out in many other directions. It is giving out light all around

itself to the north, south, east and west. If you had a very sen­

sitive scientific instrument, you would be able to measure the

heat and light that the candle is sending out into the uni­

verse. The candle is going into you as an image, as light and

as heat.

You are like a candle. Imagine you are sending light out

around you. All your words, thoughts and actions are going

in many directions. If you say something kind, your kind

words go in many directions, and you yourself go with them.

Weare transforming and continuing in a different form

at every moment. This morning you said something unkind

to your child. With those unkind words you went into her

heart. Now you are regretting what you said. It does not

mean that you cannot transform what you have said by

admitting your mistake to your child, but if you fail to do

so, those unkind words may stay with your child for a long

time.

122

CONTINUING MANIFESTATIONS

Three Dimensions

Now I am writing a dharma book. It is made of my under­

standing and my practice. When I write a dharma book, I am

not going in a linear direction. I am going out into you, and I

am being reborn in different forms in you. In Buddhism we

talk of the three actions, the three dimensions-the dimen­

sions of body, speech and mind-at every moment of our

lives. Try to see this and understand this truth; you do not

need to wait until your body disintegrates to go on the jour­

ney of rebirth.

At this very moment we are being born and we are dying.

Weare being reborn not in one single form but in many

forms. I would like you to imagine a firecracker. When you

light a firework it does not go down in a vertical direction. It

goes out in many dimensions, and the sparks go out in all di­

rections. So do not think that you go in only one direction.

You are like fireworks. You go out into your children, your

friends, your society and the whole world.

In the morning when I do sitting meditation, to my left

and to my right are monks. I have been reborn in them by

sitting with them. If you look carefully you will see me in

them. I am not waiting to be reborn after I die. I am being re­

born in this moment, and I want to be reborn in a good di­

rection. I want to hand on to my lay and monastic friends

123

NO DEATH, NO FEAR

the most beautiful and happy things of my life so that they

can have a good rebirth for me and for themselves.

Our ignorance, anger and despair should not be reborn.

When they are reborn they bring more darkness and suffer­

ing into the world. The more happiness and love that can be

reborn the better, because it will make this world more beau­

tiful and kind. Therefore you and I should be living our

weeks, days and hours in order to be reborn constantly as

happiness, love and kindness.

One day as I woke up I remembered the words of a folk

song, "My father and mother have given me much merit."

Their merit is my generosity, love, forgiveness and capacity

to offer joy and happiness to others. They have given me this

precious inheritance. Our children are our continuation. We

are our children and our children are us. If you have one or

more children, you have already been reborn in them. You

can see your continuation body in your son or your daughter,

but you have many more continuation bodies as well. They

are in everyone you have touched. And you cannot know how

many people your words, actions and thoughts have touched.

Giving Our Heat and Light

When the flame of the candle has given its light and its heat

all around it, that light and heat are the continuation of the

CONTINUING MANIFESTATIONS

candle. That light and heat go out in a horizontal plane. In

order to give the light and heat in a horizontal plane, it

must also burn in a vertical direction. Without the horizon­

tal dimension, there cannot be a vertical dimension. And

without the vertical dimension, there can be no horizontal

dimension.

Ask yourself, "Where shall I go after this?" Our actions

and our words, which are being produced at this moment,

take us in a linear direction. But they also take us in a lateral

direction as they flow into and influence the world around

us. They can make the world more beautifUl and bright. That

beauty and brightness can go into the future. We should not

look for our real selves in just one vertical direction.

When I make a pot of oolong tea, I put tea leaves into

the pot and pour boiling water on them. Five minutes later

there is tea to drink. When I drink it, oolong tea is going

into me. If I put in more hot water, making a second pot of

tea, the tea from those leaves continues to go into me. After I

have poured out all the tea, what will be left in the pot is just

the spent tea leaves. The leaves that remain are only a very

small part of the tea. The tea that goes into me is a much

bigger part of the tea. It is the richest part.

Weare the same; our essence has gone into our chil­

dren, our friends and the entire universe. We have to find

ourselves in those directions and not in the spent tea leaves.

I invite you to see yourself reborn in forms that you say are

NO DEATH, NO FEAR

not yoursel£ You have to see your body in what is not your

body. This is called your body outside of your body.

You do not have to wait until the flame has gone out to

be reborn. I am reborn many times every day. Every moment

is a moment of rebirth. My practice is to be reborn in such a

way that my new forms of manifestation will bring light,

freedom and happiness into the world. My practice is not to

allow wrong actions to be reborn. If I have a cruel thought or

if my words carry hatred in them, then those thoughts and

words will be reborn. It will be difficult to catch them and

pull them back. They are like a runaway horse. We should

try not to allow our actions of body, speech and mind to

take us in the direction of wrong action, wrong speech and

wrong thinking.

Living Through Birth and Death

If there were not birth and death in every moment, we could

not continue to live. In every moment, many cells in your

body have to die so that you can continue to live. Not only

the cells of your body but all the feelings, perceptions and

mental formations in the river of consciousness in you are

born and die in every moment.

I remember the day a friend brought the ashes of his fa-

126

CONTINUING MANIFESTATIONS

ther, who had been cremated, to the Upper Hamlet of Plum

Village. He asked to be allowed to sprinkle this ash by the

walking meditation path, and I agreed. He may have thought

that the only thing his father had left behind on the walking

meditation path was his ash. But when his father was alive, he

had walked on that path where his ashes were now sprinkled.

We performed the ceremony of sprinkling the ashes. After­

ward, I turned to the group and said, "Each of us has left our

body on this walking meditation path, not only this person

who has died, but each of us. Every time we practice walking

on this path we leave behind cells from our body."

Whenever you scratch yourself, thousands of dead skin

cells fall to the ground. When you walk on the meditation

path, you not only leave behind the skin cells of your body,

you also leave behind your feelings, perceptions and mental

formations. Whether you spend an hour or a week in Plum

Village, after you have gone, you leave behind many traces of

yourself. The cells that you leave behind on the path become

grass and wild flowers. Your continuation body is still there

in Plum Village. It is in your children and grandchildren also.

It is in every part of the world. When the flame of the candle

reaches the end of the wick and goes out, it is still there. You

cannot find it by looking only in a linear direction. You have

to find it also in the horizontal direction.

In the Tibetan tradition, whenever a high lama dies, fellow

127

NO DEATH. NO FEAR

monks wait a few years and then go and look for the continu­

ation body of that person. The continuation is called a tulku in

Tibetan. The high lama may have left a poem toward the end

of this life, which is thought to contain clues about where his

continuation body might be found. Using this poem, his dis­

ciples go looking for a young child who would be a suitable

candidate. They go to the house of that child, bringing with

them some instruments such as a bell, rosary or teacup that

their teacher had used. They mix them in with similar items

that he had not used. The young child has to pick out from

this assortment the instruments of the high lama who has

passed away. If he does this, then, after passing other exami­

nations, he is proclaimed as the continuation of the deceased

teacher. The monastic disciples of the former high lama ask

the parents to give permission to take the child to the

monastery so that he can continue to be their teacher for the

next generation.

There is something very appealing about this tradition.

The disciples have so much love and respect for their teacher

that they want to keep their teacher with them after he has

passed away. I have often said to my friends in Plum Village

that they should not wait for me to pass away in order to

look for my continuation body. They have to look for me

now because I have already been reborn in many young chil­

dren. If you were standing with me now, would you see my

spiritual children beside me? They are all my continuation. I

128

CONTINUING MANIFESTATIONS

have hundreds of thousands of continuations in young peo­

ple who continue the practice of mindfulness. If you look

with dharma eyes, you will see me reborn in many forms.

Although my books and my dharma talks are not al­

lowed to be published in Vietnam, I am there. My teachings

are still circulated widely, although they are not legally al­

lowed. The security police confiscate my books and secretly

read them. Others print and publish them underground. So I

continue in Vietnam. There are young monks and nuns in

Vietnam who are practicing the dharma doors that I teach. If

you go to Vietnam you will see me there. The body that you

see here is just one manifestation of myself. My presence in

Vietnam influences the spiritual life, the culture and the young

people of Vietnam. Someone who says I am not in Vietnam

does not have dharma eyes.

I have taught in prisons, and my books have been dis­

tributed in correctional facilities throughout the United

States. Many prisoners have read and enjoyed them. One

time I was able to visit a maximum-security prison in Mary­

land. It was so strict that not even an ant could find its way

in without being stopped. I taught the prisoners on the sub­

ject of being free wherever you are. This teaching has been

transcribed and published as a book.* Many copies have been

given to prisons so that prisoners can practice and smile,

* Be Free Where You Are by Thich Nhat Hanh. published by Parallax Press.

NO DEATH, NO FEAR

and can suffer less. They manage to find real joy even in

prison life, so I know that I am now in prison. Those prison­

ers who have practiced help other prisoners. All the prisoners

who come into touch with my teachings are my continuation

body. When you look for me, do not look at this body.

Look outside this body.

Fireworks

If you learn to see yourself every day going out in a lateral di­

rection and being reborn at every moment, you will be able

to find yourself in the future by looking in that lateral dimen­

sion. You are just like a firework going off in every moment.

The firework diffuses its beauty around itself. With your

thoughts, words and actions you can diffuse your beauty.

That beauty and goodness goes into your friends, into your

children and grandchildren and into the world. It is not lost,

and you go into the future in that way.

If you look for yourself like that, you will be able to see

your continuation in the future. You will not be caught in

the idea that you will be annihilated. You will not be caught

in the notion that you will not exist anymore when you die.

The truth is that you are not permanent, but neither are you

annihilated.

Can you see yourself being reborn every moment of the

130

CONTINUING MANIFESTATIONS

past? All your ancestors continue in you, and when you

transform the habit energies that they have transmitted to

you, you are being reborn in the past. For instance, maybe

your ancestors had the habit of always running, needing to be

working or doing something to survive. They did not have

the time to stop, breathe and be in touch with the wonderful

things that life has to offer. You, too, used to be like that,

but you have now met the practice. Now you can stop, you

can breathe and be in touch with the wonderful things of life

for your ancestors. Maybe your genetic or spiritual ancestors

had beautiful traits that your parents or the spiritual teachers

you met during your life have failed to manifest fully. Now

you can rediscover those things in yourself, and you can re­

vive what seemed to have been lost. That is also being reborn

in the past.

There was an American Vietnam veteran I knew. The

guerrillas had killed his comrades, and he was determined to

take revenge on the people of the village where his comrades

had died. He made sandwiches of bread with explosives in

the filling and left them at the entrance of the village. Some

children came and found the sandwiches and began to eat

them. Soon they were writhing and howling in pain. Their

parents ran to the scene, but it was too late. The area was re­

mote, without ambulances and medical equipment, and the

children could not be brought to the hospital quickly enough.

All five of them died.

NO DEATH, NO FEAR

After he returned to the United States, the soldier could

not overcome his guilt. His mother tried to comfort him.

She said, "My son, those things happen in war. There is

nothing to feel bad about." But still, he suffered so much.

Whenever he found himself in a room with children, he

could not bear it. He had to run out.

During one of my tours in the United States, a retreat

was organized for war veterans. I taught them how to walk

and breathe in order to transform their fear, guilt and suffer­

ing. I said to this veteran, "You have killed five children; that

is true. But you can save the lives of hundreds of children.

Do you know that every day, tens of thousands of children

die for want of food and medicine? You can bring food and

medicine to some of them." He practiced as I advised, and

that person who, twenty years ago, had killed five children

was immediately reborn in the past as someone who saved

the lives of twenty children.

Learn to look deeply like this, and your regrets and your

lack of confidence will be transformed. You will have new

energy, which will not only sparkle in the past but will also

shine in the present and the future.

Eight

FEAR, ACCEPTANCE

AND FORGIVENESS:

THE PRACTICE

OF TOUCHING

THE EARTH

Many of us spend a lot of time asking the question: "Why

do I have to die?" The more important question to ask our­

selves is: "What happens before I die?" You must go to your

beloved one and ask: "Darling, who are you? Are you the

same person as the one I married thirty years ago or are you

different? Why have you come here? Where will you go?

Why shall I have to weep one day when you die?" These are

very important questions that cannot be answered by our in­

tellect alone. We need something deeper and more complete.

The practice ofT ouching the Earth can help us touch our

true nature of no birth and no death. If we practice Touching

the Earth as the Buddha practiced, it can help us to achieve

real insight.

It is written in the sutras that the day before Prince Sid­

dhartha became the Buddha, the Enlightened One, he had a

little doubt about his ability to become fully awake. He had

been quite confident, but then something made him question

it. So he practiced Touching the Earth. He used his hand to

touch the earth in order to transform that doubt. The next

day, Prince Siddhartha became Buddha.

NO DEATH. NO FEAR

In Buddhist temples throughout Asia, you will see statues

of the Buddha touching the Earth with his hand. Touching

the Earth is a very deep practice that can help us transform

our fears, doubts, prejudice and anger.

Touching Both Dimensions

The historical dimension and the ultimate dimension of real­

ity are related to each other. If you can deeply touch one, you

can touch the other. Jesus Christ can be referred to as both

the Son of Man and the Son of God. As Son of Man, he be­

longs to the historical dimension. As Son of God, he belongs

to the ultimate dimension.

There is the historical Buddha but there is also the Bud­

dha who is not limited by space and time. Weare all like

that. We have a historical dimension, which we live every

day, but we also have an ultimate dimension, which we try to

live using our spiritual practice. If we can live in the ultimate

dimension at the same time as we function in the historical,

we will have no more fear. When there is no more fear, there

is true happiness. A wave has a right to live her life as a wave,

but she must also learn to live her life as water because she is

not only a wave. She is also water. And water lives without

the fear carried by the wave.

FEAR, ACCEPTANCE AND FORGIVENESS

Touching the Earth is an easy and effective way to touch

our ultimate dimension. If you do this practice, one day you

will touch your true nature of no birth and no death. At that

time, you will be liberated from fear. You can become some­

one who rides majestically on the waves of birth and death

because you are no longer agitated by fear or anger.

Touching the Earth:

The Historical Dimension

Imagine the dimension of time as a vertical line. Place your­

self standing in the present on that line with the past above

you and the future below you. Establish yourself in time. See

all your ancestors that have come before you. The youngest

generation of your ancestors is your parents. All of them are

above you on this line of time. Then below you, see all your

descendants, your children, your grandchildren and all their

future generations. If you have no children, your descendants

are the people you have touched in your life, and all the peo­

ple they in turn influence.

In you are both your blood ancestors and your spiritual

ancestors. You touch the presence of your father and mother

in each cell of your body. They are truly present in you, along

with your grandparents and great-grandparents. Doing this,

NO DEATH, NO FEAR

you realize you are their continuation. You may have thought

that your ancestors no longer existed, but even scientists will

say that they are present in you, in your genetic heritage,

which is in every cell of your body.

The same is true for your descendants. You will be pres­

ent in every cell of their bodies. And you are present in the

consciousness of everyone you have touched. This is real, not

imagined.

This is the first touching of the earth.

Pits and Trees

Look into a plum tree. In each plum on the tree there is a pit.

That pit contains the plum tree and all previous generations

of plum tree. The plum pit contains an eternity of plum

trees. Inside the pit is an intelligence and wisdom that knows

how to become a plum tree, how to produce branches, leaves,

flowers and plums. It cannot do this on its own. It can only

do this because it has received the experience ~d heritage of

so many generations of ancestors. You are the same. You

possess the wisdom and intelligence of how to become a full

human being because you inherited an eternity of wisdom

not only from your blood ancestors but from your spiritual

ancestors, too.

Your spiritual ancestors are in you because what you are

13 8

FEAR, ACCEPTANCE AND FORGIVENESS

by nature and what you are by nurture cannot be separated.

Nurturing transforms your inherited nature. Your spiritual­

ity and your practice, which are parts of your daily life, are

also in every cell of your body. So your spiritual ancestors are

in every cell of your body. You cannot deny their presence.

You have ancestors whom you admire and of whom you

are proud. You also have ancestors who had many negative

traits and of whom you are not proud, but they are still your

ancestors. Some of us have wonderful parents; others have

parents who suffered a lot and made their spouses and their

children suffer. Or you may have had spiritual ancestors who

did not help you to appreciate the religion practiced by your

family and your community. You may not have respect for

them now, but they are still your ancestors.

Acceptance

We need to return to ourselves and embrace our blood and

our spiritual ancestors. We cannot get rid of them. They are

a fact and they are there. They are part of our bodies and

our souls.

When you touch the earth the first time, practice accept­

ing all your ancestors just as they are. This is very important.

Unconditional acceptance is the first step in opening the

door to the miracle of forgiveness. Jesus said, "Forgive us our

139

NO DEATH, NO FEAR

trespasses as we forgive those who have trespassed against us."

He understood that the first step of forgiveness is to accept

other people just as they are, even if they have harmed us.

To accept others as they are, we must begin with our­

selves. If we cannot accept ourselves as we are, we will never

be able to accept others. When I look at myself, I see posi­

tive, admirable and even remarkable things, but I also know

that there are negative parts of me. So first I recognize and

accept mysel£

Wherever you are standing to practice Touching the

Earth-before a rock, or mountain, or flower or altar in

your home-practice conscious breathing. Breathing in and

breathing out, you visualize your ancestors, and you see all

their positive and negative points. Be determined to accept

them all as your ancestors without hesitation. After that, you

prostrate, touching the earth with your knees, your hands

and your forehead. Stay in that position while you continue

the visualization:

"Dear ancestors, I am you, with all your strengths and

weaknesses. I see you have negative and positive seeds. I un­

derstand that you have been lucky and that good seeds like

kindness, compassion and fearlessness were watered in you. I

also understand that if you were not lucky and negative seeds

like greed, jealousy and fear were watered in you, then the

positive seeds did not have a chance to grow."

If positive seeds are watered in a person's life, it is partly

FEAR, ACCEPTANCE AND FORGIVENESS

because of luck and partly because of effort. The circum­

stances of our lives can help us water the seeds of patience, gen­

erosity, compassion and love. The people around us can help

us water these seeds, and so can the practice of mindfulness.

But if a person grew up in a time of war, or in a family

and community with great suffering, then that person may be

full of despair and fear. If they had parents who had suffered

a lot and were afraid of the world and other people, then

they would transmit this fear and anger to their children. If

they grew up embraced by security and love, the good seeds

nurtured in them would grow, and these wonderful seeds

would be transmitted.

If you can look like that at your ancestors, you will un­

derstand that they are human beings who have suffered and

have tried their best. That understanding will remove all re­

jection and anger. It is very important to be able to accept all

your ancestors with both their strengths and weaknesses. It

will help you to become more peaceful and less afraid.

You can also see your elder brothers and sisters as your

very young ancestors because they were born before you.

They too have weaknesses as well as talents, which you have

to accept because you realize that you yourself have weak­

nesses and talents. This kind of acceptance is what you real­

ize as you touch the earth. If you need to, you can maintain

the prostrate position for five, ten or fifteen minutes to look

deeply and realize this acceptance.

NO DEATH, NO FEAR

The first Touching of the Earth may have to be repeated

several times before you can become reconciled with your

parents and your ancestors. It takes a lot of practice, but it is

important to do because, since your parents and your ances­

tors are in you, to reconcile with them is to reconcile with

yourself. To deny your ancestors is to deny yoursel£ If you

can see that you are not separate from your ancestors, that is

great progress. I am sure you can be successful after a few

days or a week of this practice.

You can do the practice of Touching the Earth any­

where, before your ancestral altar, before a tree, a cloud, a

mountain or anywhere else you like. Standing before a rock

or a cloud or a tree or a flower on your altar, visualize the

presence of all your ancestors in you. It is not difficult, be­

cause you are in fact them. You are their continuation. Please

practice with one hundred percent of your being.

Touching the Future

The next step in the practice ofT ouching the Earth is to look

at your descendants-your children, grandchildren, nieces

and nephews. If you have difficulties with them you should

visualize as follows:

"I am not an entity separate from my children, because I

FEAR, ACCEPTANCE AND FORGIVENESS

am continued by my children. They carry me into the fUture.

My son, daughter, friend or disciple is me."

In the obituary notices they always write, "Mister X has

died and is survived by his sons and daughters." The idea

here is that the children continue to live for the father. My

disciples are me and I live every day in such a way as to be

able to transmit the best of myself to them because they are

going to carry me into the fUture. I have told my disciples

that they should watch the sunrise for me and I will watch

the sunset and the stars for them with their eyes. I am im­

mortal because of my disciples.

Just as you see yourself in your parents and your ances­

tors, so you can see yourself in your son and daughter. Thanks

to your parents you have access to your source in all your an­

cestors. My disciples have access to the Buddha and ancestral

teachers through me. Thanks to your children you have access

to the fUture. The son needs his father to have access to his

source, and the father needs his son to have access to the fu­

ture and the infinite.

This is a very concrete practice that you can do alone or

with one or two friends for mutual support. In the beginning

someone can help you by guiding your practice as you do it.

But later on you can guide yoursel£

143

NO DEATH, NO FEAR

Trying to Separate

If you have difficulties with your son or daughter, you may

have the tendency to say: "You are not my daughter. My

daughter would not behave like that" or "Y ou are not my

son. My son would never do things like that." If you look

deeply at yourself, you will see that these negative seeds are in

you also. When you were young you made mistakes and you

learned from your suffering. When your child makes mis­

takes, you need to help him understand so he will not do it

again. When you can see your own weaknesses, you can say:

"Who am I not to accept my son?" Your son is you. With

this insight into non-duality, you can reconcile with your

children. The practice of Touching the Earth is a path to

reconciliation.

Right Concentration

The Noble Eightfold Path, the path of the eight right prac­

tices taught by the Buddha, has as its last component Right

Concentration. The concentration on no self, impermanence

and interconnectedness is what we realize when we touch the

earth. Without this concentration there will be no insight. If

FEAR, ACCEPTANCE AND FORGIVENESS

you can see yourself, your parents and your children in the

light of impermanence, no self and interconnectedness, then

reconciliation will come very naturally.

Give yourself time to practice Touching the Earth once a

day or even twice. You can use the following words to guide

your visualization: "Touching the earth, I connect with my

ancestors and all descendants of my spiritual and blood fam­

ilies." (Visualize this Jor a short time standing bifore your priferred object,

and then touch the earth).

My spiritual ancestors include the Buddha, the bod­

hisattvas and the Buddha's disciples. They include my own

spiritual teachers, those still alive and those who have already

passed away. They are present in me because they have trans­

mitted to me seeds of peace, wisdom, love and happiness.

They have woken up in me my own resource of understand­

ing and compassion. When I look at my spiritual ancestors, I

see those who are perfect in the practice of the mindfulness

trainings, understanding and compassion, and those who are

imperfect. I accept them all because I see within myself

shortcomings and weaknesses also.

Aware that my practice of the mindfulness trainings is not

always perfect, and that I am not always understanding and

compassionate, I open my heart and accept all my spiritual de­

scendants. Some of my descendants live in such a way as to in­

vite my confidence and respect, but there are those who have

145

NO DEATH, NO FEAR

many difficulties and are subject to ups and downs in their

practice. I open my heart and embrace them all equally.

In the same way, I accept all my ancestors on my mo­

ther's side and my father's side of the family. I accept all their

good qualities, all the virtuous things they have done, and I

also accept all their weaknesses. I open my heart and accept

all my blood descendants with their good qualities, their tal­

ents and also their weaknesses.

Whatever tradition your spiritual roots are in, you can

include teachers from that tradition. If you have Christian

roots your spiritual ancestors include Christ, Christ's disci­

ples, the saints and the Christian teachers who have touched

your life. If you have Jewish roots you may want to include

the patriarchs and matriarchs and the great rabbis.

My spiritual ancestors, blood ancestors, spiritual descen­

dants and blood descendants are all part of me. I am they

and they are me. I do not have a separate self. We all exist as

part of a wonderful stream of life.

Meditation on the Historical Dimension

The historical dimension is the dimension of coming and

going, birth and death. When we begin to touch the historical

dimension, often we can become afraid. Weare afraid because

we do not yet understand that birth and death are not real.

- -- ---------------------

FEAR, ACCEPTANCE AND FORGIVENESS

The Buddha said, "Anything that is born must die." If there

is birth, then there must be death also. If the right is there the

left must be there also. If there is a beginning, then there must

be an end. That is the way things appear to be in the histori­

cal dimension. The monks, the nuns and the laypeople in the

time of the Buddha practiced recognizing birth and death as

realities.

In order to face our fear, it helps to stabilize the mind a

little bit through meditation and contemplation. At first, it

is easier to practice when we are guided. Breathing is the

vehicle that carries concentration. It directs your mind to the

object of your meditation. We begin through the awareness

of breathing, so that later, when we need to contemplate, we

will be able to direct the mind.

We try to direct the mind toward recognizing reality.

This is a chant that is recited daily in Buddhist monasteries:

"Breathing in and out, I am aware of the fact that I am of the

nature to die; I cannot escape dying. I am of the nature to

grow old; I cannot escape old age. I am of the nature to get

sick. Because I have a body, I cannot avoid sickness. Every­

thing I cherish, treasure and cling to today, I will have to

abandon one day. The only thing I can carry with me is the

fruit of my own action. I cannot bring along with me any­

thing else except the fruit of my actions in terms of thought,

speech and bodily acts."

We have to recognize this reality and smile. This is the

147

NO DEATH, NO FEAR

practice of facing our own fear. Fear is always there within

us-the fear of getting old, the fear of getting sick, the fear

of dying, the fear of being abandoned by our loved ones. It is

very human to be fearful and to worry about it.

The Buddha did not advise us to suppress these fears.

The Buddha advised us to invite these fears to the upper level

of our consciousness, recognize them and smile at them. To

do so was a daily practice for monks and nuns in the time of

the Buddha as it is for monks and nuns now. Every time your

fear is invited up, every time you recognize it and smile at it,

your fear will lose some of its strength. When it returns to

the depth of your consciousness, it returns as a smaller seed.

That is why the practice should be done every day, especially

when you are feeling mentally and physically strong.

When you try to practice, your mind may be running

after many thoughts. But just come back to the awareness of

when you are breathing in and when you are breathing out.

Just be aware of it-you do not need to make your breath

longer or deeper. You do not need to change anything. Al­

low your breath to be just as it wants to be. Keep your mind

with the breath in awareness. After practicing like that, the

quality of your breathing will calm itself.

When you feel calm enough, use the words of the guided

meditation below to help you concentrate. The first time,

you may like to hear or say to yourself the whole sentence.

As you continue, you can just remember a few key words.

FEAR. ACCEPTANCE AND FORGIVENESS

You do not need to make a big effort. Just relax and let your

breath and the words be your support.

EXERCISE TO HELP US LOOK DEEPLY

AND HEAL OUR FEAR

Breathing in, I am aware of my in-breath.

Breathing out, I am aware of my out­

breath.

Breathing in, I am aware that I grow old.

Breathing out, I know I cannot escape

old age.

Breathing in, I am aware of my nature to

have ill health.

Breathing out, I know I cannot escape

ill health.

Breathing in, I know I shall die.

Breathing out, I know I cannot escape

death.

Breathing in, I know that one day I shall

have to abandon all I love and cherish.

149

In

Out

Old age

No escape

III health

No escape

Death

No escape

Abandon

all I cherish

NO DEATH, NO FEAR

Breathing out, I know I cannot escape

abandoning all I cherish.

Breathing in, I know that my actions of

body, speech and mind are my only

true belongings.

Breathing out, I know I cannot escape the

consequences of my actions.

Breathing in, I determine to live my days

deeply in mindfulness.

Breathing out, I see the joy and benefit

of living in the present moment.

Breathing in, I vow to offer joy each day

to my beloved.

Breathing out, I vow to ease the pain of

my beloved.

No escape

Actions true

belongings

No escaping

consequences

Living

minc!fully

Joy and

benefit

Offering joy

Easing pain

Acceptance, forgiveness and facing fear are the deepest

results of Touching the Earth in the historical dimension.

Using the breath this way, we can begin to heal. Then we can

look at the next Touching of the Earth.

FEAR, ACCEPTANCE AND FORGIVENESS

Touching the Earth: Space

In the first Touching of the Earth, you practice while visual­

izing standing on the vertical line of time. Now visualize a

horizontal line, which represents the dimension of space.

This line representing space crosses the vertical line repre­

senting time, the historical dimension.

In space we see other living beings on the planet Earth:

men, women, children, elderly people, animals of every species,

trees, plants, minerals. When we look at a tree we may think

that the tree is outside of us. But if we look more deeply we

shall see that the tree is also within us. The trees are your lungs

because without the trees you could not breathe. The trees cre­

ate the oxygen, which is now part of my body, and I create the

carbon dioxide, which is now part of the tree. We have lungs

in our body, but the trees breathe for us too and can also be

called our lungs. Our own lungs are working with the trees to

help us breathe.

The Jataka Tales are stories about the lives the Buddha lived

before he became enlightened. In those stories we hear how

the Buddha was a tree, a bird, a tortoise, a rock, a cloud be­

fore he was a human. We too, before manifesting in human

form, were trees, one-celled animals, large animals, clouds,

forests, rocks. It is not difficult to see in the light of scientific

evolution. Matter is neither created nor destroyed. It can

NO DEATH, NO FEAR

change into energy, and energy can change back into matter,

but it won't be destroyed.

We have always been a part of everything else, and every­

thing else has always been a part of us. We have all been

trees, roses and animals. We still are trees at this moment.

Look deeply at yourself and you see the tree, the cloud, the

rose and the squirrel in you. You cannot take them out of

yoursel£ You cannot take the cloud out of you because you

are made of seventy percent water. The continuation of the

cloud is rain. The continuation of rain is the river. The con­

tinuation of the river is the water you drink in order to sur­

vive. If you take the continuation of the cloud out of you,

you cannot continue.

Angels Everywhere

Looking deeply into the dimension of space, we will also see

all the enlightened beings. All the great beings, the bod­

hisattvas. We will see God. Look hard and you will see bod­

hisattvas everywhere. You will see men and women who have

compassion and who do everything they can to help and pro­

tect humanity. In Plum Village we practice evoking the names

of bodhisattvas such as A valokiteshvara, the bodhisattva of

deep listening; Samantabhadra, the bodhisattva of great ac-

FEAR, ACCEPTANCE AND FORGIVENESS

tion; Manjushri, the bodhisattva of great understanding;

Kshitigarbha, the bodhisattva who always goes to the darkest

places, where suffering is unbearable, to help all people.

These are the bodhisattvas we know about because their

stories have been passed down to us. There are also countless

unknown bodhisattvas everywhere whose work expresses their

love, compassion and deep commitment to the world. Their

hearts are full of love, and they are not interested in consum­

ing many things. They want to live simply in order to have

time and energy to support others. They are everywhere. I

know a bodhisattva who lives in Holland. Her name is Hebe.

During World War II she helped twenty thousand Jews es­

cape the Holocaust. I do not know how she did it. Looking

at her you see that she is very small and she only has two

hands. I met her and worked with her when she was helping

with Vietnamese war orphans.

There are also bodhisattvas who do not seem to be very

active, but they are very calm and kind and their presence in­

spires us with love, understanding and tolerance.

There are countless bodhisattvas like that in the world.

We should live so that we have time to recognize and touch

their presence. Bodhisattvas are not gods or figures from the

past. They are living around you in flesh and blood. They

have much energy, understanding and compassl')fl, and we

can benefit from being near them.

153

NO DEATH, NO FEAR

Great Beings, bodhisattvas, cannot be recognized by their

outer appearance. Sometimes they are small children who

bring us much joy. Our own children and our friends are bod­

hisattvas. Sometimes they make us suffer, but they also help

us to grow in love and understanding.

The bodhisattvas never grow weary of the suffering

around them and never give up. They are the ones who give

us the courage to live. Kshitigarbha, who goes into the dark­

est places to help all beings, is not just one person. He has so

many manifestations in all the different hell realms, which we

can find right in this world.

Sadaparibhuta, the bodhisattva who says, "I would never

dare to despise anyone," is also everywhere. Even if someone

does not seem to have the ability to be awakened, he sees that

within everyone there is that capacity. Sadaparibhuta helps

everyone to have self-confidence and remove any feelings of

inferiority. This kind of complex paralyzes people. Sadapari­

bhuta's specialty is to be in touch with and water the seeds of

the awakened mind or the mind oflove in us. This bodhisattva

is not just a person in the Lotus Sutra but can be found right

here in our society in many different guises. We have to rec­

ognize the bodhisattva Sadaparibhuta, who is around us in

flesh and bones.

Manjushri is the bodhisattva who has understanding­

someone who can understand us can make us infinitely

154

----"-----------------

FEAR, ACCEPTANCE AND FORGIVENESS

happy. Manjushri is able to see our suffering and our diffi­

culties and never blames or punishes us. He is always beside

us to encourage us and shine light on us. Manjushri is not a

legendary figure but is present around us in many guises,

sometimes as a younger sister or brother or nephew or niece.

We do not worship imaginary or mythological figures.

Bodhisattvas are not figures from the past living up in the

clouds. The bodhisattvas are real people who are filled with

love and detennination. When we can understand someone

else's suffering and feel love for him or her, we are in touch

with the bodhisattva of great understanding.

The bodhisattva of deep listening, Avalokiteshvara, 1S

also around us. Psychotherapists have to learn the art of lis­

tening as deeply as bodhisattva A valokiteshvara, the one

who looks deeply with her ears. When we can listen deeply

to our children or our parents, A valokiteshvara is already in

our hearts.

The bodhisattva of wonderful sound, Gadgadashvara,

can use music, writings and sound to awaken people. If you

are a poet, a writer or a composer you can be that bod­

hisattva. Your artistic creations are not just to help people

forget their pain momentarily but to water the seeds of

awakened understanding and compassion in others. Among

us are many writers, poets and composers who are using the

wonderful ocean of sound to serve the way of understanding

155

NO DEATH, NO FEAR

and love by making the dhanna doors, which the Buddha

taught, more accessible. That is the meaning of one of the as­

pirations of Samantabhadra:

I aspire to use the Great ocean oj Sound,

Giving rise to words oj wondeiful iffect,

That praises the Buddha's ocean oj virtues,

In the past, the present and the future, -\I'

When you touch the earth you connect with the great

beings because they are a part of the earth and a part of you.

Living in today's world, it is easy to become the victim of

despair. You must protect yoursel£ The best way is to be

in touch with bodhisattvas that are active in compassion

and love.

We should be in touch with Buddhas and bodhisattvas

here today, in the present moment, and not just light incense

and pray to them. When we are truly in touch with them we

have much energy by seeing that they are in us and that we are

their continuation, not only in time but also in space. We

are one of the arms of these bodhisattvas. Our ann can

stretch very far, over thousands of miles. Our anns can reach

the darkest places on Earth. We have friends everywhere who

are our arms, and we can be their arms also.

* Ibid., 288, or the last chapter of the Flower Ornament Sutra, translated by Thomas Cleary.

FEAR, ACCEPTANCE AND FORGIVENESS

"Awakened understanding is the practitioner's only ca­

reer" is a quotation from the sutra on the Eight Realizations

of Great Beings.* All other careers are not really worth fol­

lowing. No honors or fame can be compared with the awak­

ened understanding that we have when we practice stopping

and looking deeply into the nature of things. When through

understanding we cease to be angry, we are already manifest­

ing the seed of great understanding from within us. Let us

live in such a way that bodhisattvas may manifest within us.

Let us be bodhisattvas right now by the way we speak

and act. Do not think that you will be a bodhisattva later on

this evening. Evoking the names of the bodhisattvas of deep

listening, great understanding, great action and great aspira­

tion and being in touch with the qualities of these bod­

hisattvas will give us the infinite energy we need to embrace

beings who are suffering in the world.

Becoming the Pirate

In touching the earth, we touch the great beings, and we also

touch all the suffering beings. We must be in touch with

both. We must remember that there are beings caught in the

deepest kind of suffering, like war, oppression and injustice.

* Ibid., 286.

157

NO DEATH, NO FEAR

They have no way to speak out about the suffering and injus­

tice that they have to bear. There are pirates who are raping

young girls. There are rich merchants selling arms to poor

nations where children do not have food to eat or schools to

attend. There are factory owners who use children as their

workforce. There are people who are dying in prisons and

reeducation camps. In leprosy camps there are children and

adults without limbs, illiterate and without hope. These hell

realms need bodhisattvas.

When we stand before the mountain or flower and visu­

alize just before we touch the earth the second time, we see

that we are not only bodhisattvas but we are also the victims

of oppression, discrimination and injustice. With the energy

of the bodhisattvas we embrace victims everywhere. Weare

the pirate about to rape the young girl and we are the young

girl who is about to be raped. Because we have no separate

selves, we are all interconnected and we are with all of them.

How we live our life affects everything. So we must

think, How have we lived our life so that that young man in Thailand has

been able to become a rapist? We have only looked to our own ma­

terial needs. The family into which that young man was born

has been stuck in miserable poverty for many generations.

His father was a fisherman who only knew one way to forget

his troubles and that was by drinking. He did not know how

to bring up his sons, and he beat them often. His mother did

not know how to provide education for her children. At thir-

FEAR, ACCEPTANCE AND FORGIVENESS

teen years old he had to accompany his father on the boat

and learn to be a fisherman. When his father died he contin­

ued in his father's place. He had no resources of understand­

ing and love. He was tempted to become a pirate because in

just one day a pirate can have real gold, which could lift him

out of his miserable state that he feared would go on forever.

On the ocean there was no police force, so why not follow

the example of the other pirates and rape the young girls on

the boat they plundered?

If we had a gun we could shoot that young man, and he

would die, but would it not have been better to help him to un­

derstand and to love? Where were the politicians, the states­

men and the educators to help him?

Last night on the shores of Thailand hundreds of babies

were born to fishing families. If those children are not prop­

erly cared for, brought up and educated, some of them will

become pirates. Whose fault is that? It is our fault: states­

men, politicians, the electorate who puts them in power and

the educators. We cannot blame only that young man. If I

had been born a poor child who was never educated, who

had a mother and a father who were illiterate, who had been

poor all their lives and did not know how to bring me up, I

could have become a pirate. If you were to shoot me dead,

would it solve anything? Who is that pirate? He could be me,

and the child he raped could also be me.

All the suffering of living beings is our own suffering.

159

NO DEATH, NO FEAR

We have to see that we are they and they are us. When we

see their suffering, an arrow of compassion and love enters

our hearts. We can love them, embrace them and find a way

to help. Only then are we not overwhelmed by despair at

their situation. Or our own.

Don't Drown in Despair

When you are in touch with the suffering in the world, it is so

easy for despair to overwhelm you. But we do not need to be

drowned by despair. Throughout the war in Vietnam young

people easily became the victims of despair because the war

went on for so long and it seemed it would never end. It is the

same with the situation in the Middle East. Young Israelis

and Palestinians feel that the heavy atmosphere of war will

never end. We have to practice to protect our children and

ourselves from despair. Bodhisattvas can stand up and resist

despair by their ability to listen deeply, to love, to understand

and to be deeply committed. As we touch the Earth the second

time we are in contact with great and small bodhisattvas

everywhere, and we feel their energy.

Animals, plants and minerals also suffer because of the

greed of human beings. The earth, the water and the air are

suffering because we have polluted them. The trees suffer be­

cause we destroy the forests for our own profit. Some species

160

FEAR, ACCEPTANCE AND FORGIVENESS

have become extinct because of the destruction of the natural

environment. Humans also destroy and exploit one another.

According to the teachings of Buddhism, all beings have the

capacity of awakened nature. How can we stop ourselves

from collapsing in despair? It is because Buddhas and bod­

hisattvas are present in the world. They are not somewhere

else in a faraway paradise. Whether we are living or dying,

they are here, with us.

Benefiting Everyone

Touching the Earth helps us to purify our bodies and our

minds. It helps us to maintain the awakened understanding of

impermanence, interconnectedness and no self, The Buddha

has said that whoever sees inter-being sees the Buddha. So as

we touch the earth we see Buddhas in us and we see ourselves

in the Buddhas. We see all suffering beings in us and we see

ourselves in them. As we keep the prostrate position, the

boundary between self and other is removed. Then we know

what we should do and should not do in our daily lives. Be­

cause of this insight, we can do many things of great benefit.

What have you done with your life? Has what you have

done been of real benefit to yourself, your loved ones and all

beings?

The deep commitment of the bodhisattva is to relieve

161

NO DEATH, NO FEAR

suffering. It is to make a career out of becoming an Awak­

ened One, a Buddha. When we make the decision to have

our career be that of the bodhisattva, we can let go of all the

meaningless things that had attracted us before. We can let

go of fame, we can let go of having a lot of money. When we

make the decision, those things are easy to let go of.

The Buddhas are in us; we are in the Buddhas. We can

become Buddhas. We can become enlightened.

GUiding Ourselves

Use the following words to guide you in the beginning of

your practice of the second touching:

"Touching the earth, I connect with all people and all

species that are alive at this moment in this world with me."

(Visualize for a short time standing bifore your priferred object, bifore you

touch the earth,)

I am one with the wonderful pattern of life that radiates

out in all directions. I see the close connection between oth­

ers and myself, how our happiness and suffering is intercon­

nected. I am one with those bodhisattvas and great beings

who have overcome the ideas of birth and death and are able

to look compassionately at the different forms of birth and

death without fear. I am one with those bodhisattvas who

can be found in many places on this planet. They have peace

162

FEAR, ACCEPTANCE AND FORGIVENESS

of mind, understanding and love. They are able to touch

what is wonderful, nourishing and healing, and bring it to

others. They have the capacity to embrace the world with a

heart of love and arms of caring action. I too am someone

who has enough peace, joy and freedom to be able to offer

fearlessness and joy to those around me. I do not feelloneli­

ness or despair when I feel the love and the happiness of

bodhisattvas presently alive on this earth. Seeing their love

and seeing the suffering of all beings helps me to live in a

meaningful way with true peace and happiness.

Strengthened by the love of bod hi sattv as, I am able to see

myself in all the beings who suffer. I am one with those who

were born disabled or who have become disabled because of

war, accident or illness. I am one with those who are caught

in a situation of war or oppression. I am one with those who

find no happiness in family life, who have no roots or peace

of mind, who are hungry for something beautiful and whole­

some to embrace and to believe in. I am someone at the point

of death who is very afraid, who does not know what is going

to happen and fears being destroyed. I am a child who lives in

a place where there is miserable poverty and disease, whose

legs and arms are like sticks, and who has no future. I am also

the manufacturer of bombs, which are sold to poor countries.

I am the frog swimming in the pond and I am also the snake

who needs the body of the frog to nourish its own body. I am

the caterpillar or the ant that the bird is looking for to eat, but

NO DEATH, NO FEAR

I am also the bird that is looking for the insect to eat. I am the

forest that is being cut down. I am the rivers that are being

polluted, and I am the person who cuts down the forest and

pollutes the rivers and the air. I see myself in all beings and I

see all beings in me.

Looking Deeply at No Birth and No Death

When we begin to understand that we are everything, our

fear begins to disappear. We have deeply touched the dimen­

sions of space and time. But to really be free of fear, we must

look deeply into the ultimate dimension of no birth, no

death. We need to free ourselves from these ideas that we are

our body, and that we die. This is where we will discover the

place of no fear. This is the third Touching of the Earth.

Here is a guided meditation to help you prepare for it.

Breathing in, I know that I am

breathing in.

Breathing out, I know that I am

breathing out.

Breathing in, I am aware of a wave on

the ocean.

In

Out

FEAR, ACCEPTANCE AND FORGIVENESS

Breathing out, I smile to the wave on

the ocean.

Breathing in, I am aware of the water in

the wave.

Breathing out, I smile to the water in

the wave.

Breathing in, I see the birth of the wave.

Breathing out, I smile to the birth of

the wave.

Breathing in, I see the death of the wave.

Breathing out, I smile to the death of

the wave.

Breathing in, I see the birthless nature

of the water.

Breathing out, I smile to the birthless

nature of the wave.

Breathing in, I see the deathless nature of

the water.

I smile

Wtzter

in wave

I smile

Birth if wave

I smile

Death

if wave

I smile

Wtzter

not born

I smile

Wtzter

deathless

NO DEATH, NO FEAR

Breathing out, I smile to the deathless

nature of the water.

Breathing in, I see the birth of my body.

Breathing out, I smile to the birth of my

body.

Breathing in, I see the death of my body.

Breathing out, I smile to the death of

my body.

Breathing in, I see the birthless nature of

my body.

Breathing out, I smile to the birthless

nature of my body.

Breathing in, I see the deathless nature of

my body.

Breathing out, I smile to the deathless

nature of my body.

166

I smile

Birth oj

my body

I smile

My body

dies

I smile

Birthless

nature

oj body

I smile

Deathless

nature

oj body

I smile

FEAR, ACCEPTANCE AND FORGIVENESS

Breathing in, I see the birthless nature

of my consciousness.

Breathing out, I smile to the birthless

nature of consciousness.

Breathing in, I am only aware of my

in-breath.

Breathing out, I am only aware of my

out-breath.

I Am Not My Body

Consciousness

not born

I smile

In

Out

When I was a novice I thought that the business of going be­

yond birth and death was something very remote. I thought I

would never be able to realize it in one lifetime. But birth

and death are just ideas. All we need to do is overcome these

ideas. When I learned that, I saw that such a feat was not im­

possible. These two ideas have imprisoned us for so many

lifetimes.

Now we see that we are more than our bodies. Now we

see that we have no life spans. We have no limits. We experi­

ence this in meditation. If we have been successful in the first

and second Touching of the Earth, this third touching is as

simple as a child's game.

NO DEATH, NO FEAR

The third Touching of the Earth is like a circle placed

around the vertical line of time in the first touching and the

horizontal line of space in the second touching. In the first

touching, we were released from the view that we are separate

from our ancestors and separate from our descendants. We

were released from our notion of time. In the second touch­

ing, we were released from the view that we are separate from

the Buddhas, the bodhisattvas, the Great Beings, the suffering

beings, the animals, the plants, everything. We were released

from our notion of space. This time we touch the earth and

are released from the view that we are our body, and that we

are subject to birth and death.

Generally, we think that we are our bodies. We think

that when our bodies disintegrate, we disintegrate. The Bud­

dha taught clearly that we are not this body.

I ofren ask my young friends who are not yet thirty years

old, "Where were you in 1966 when I left Vietnam?" They

should not reply that they did not yet exist. They have to see

that they were around, in their parents and their grandparents.

You can use the following words to guide you in your

initial practice of the third touching: "Touching the Earth, I

let go of the idea that I am this body and my life span is lim­

ited." (Standing bifore your priferred object, visualize jor a short time be­

jore you touch the Earth.)

I see that this body, made up of the four elements, is not

168

FEAR, ACCEPTANCE AND FORGIVENESS

really me and I am not limited by this body. I am part of a

stream of life of spiritual and blood ancestors that for thou­

sands of years has been flowing into the present and for thou­

sands of years flows on into the future. I am one with my

ancestors. I am one with all people and all beings, whether

they are peaceful and fearless or suffering and afraid. At this

moment I am present everywhere on this planet. I am also

present in the past and in the future. The disintegration of

this body does not touch me, just as when the plum blossom

falls it does not mean the end of the plum tree. I see myself as

a wave on the surface of the ocean. My nature is the ocean

water. I see myself in all the other waves and all the other

waves in me. The appearance and disappearance of the form

of the wave does not affect the ocean. My dharma body and

wisdom life are not subject to birth and death. I see the pres­

ence of myself before my body manifested and after my body

has disintegrated. Even in this moment I see how I exist else­

where than in this body. Seventy or eighty years is not my life

span. My life span, like the life span of a leaf or of a Buddha,

is limitless. I have gone beyond the idea that I am a body that

is separated in space and time.

Those of you who have touched things deeply in the di­

mension of space and time will be able to touch this ultimate

dimension. After you have touched the wave, you learn to

touch the water.

NO DEATH, NO FEAR

No Separation

The Buddha said the nature of your reality is the nature of

no birth and no death; no coming, no going; no being, no

non-being; no same, no different. This teaching sounds as

though it contradicts the teaching that everything that is

born must die, the teaching that we cannot escape death,

sickness and old age. Practice looking deeply. You will real­

ize that birth is a notion, death is a notion, coming is a no­

tion, going is a notion, being is a notion and non-being is

also a notion. We have to remove all notions concerning re­

ality. Then we touch the ultimate reality, or suchness.

Suchness is a technical term. It means that reality is as it

is. You cannot say anything about it; you cannot describe it.

You can say that God is the ultimate reality and anything

that can be said about God is wrong. Any notion, any idea

concerning God cannot describe God. Nirvana is the same.

Nirvana is the removal of all notions and concepts so that re­

ality can reveal herself fUlly to you. In the historical dimen­

sion, observing a wave, we can talk about the birth of the

wave, the death of the wave, the wave as being high or low,

more or less beautifUl, this wave and that wave, and so on.

Concerning the ultimate dimension, water, all the adjectives,

all the ideas that you use to describe the wave, are no longer

valid. There is no birth, no death; no this, no that; no high,

170

FEAR, ACCEPTANCE AND FORGIVENESS

no low; no more beautiful, no less beautifuL The wave does

not have to die in order to become water. The wave is water

in this very moment.

Practice this now so that you do not feel separated from

your loved one when she dies. If you have deep insight, you

will not feel abandoned. Every day I look deeply at every­

thing around me: the trees, the hills, my friends. I see myself

in them all and I know I shall not die. I will continue in

many other forms. When my friends look at me they should

see me in forms other than this visible body. This daily prac­

tice will help them not to cry when the moment comes for

my present manifestation to disappear. For when this mani­

festation disappears, it will leave room for other manifesta­

tions.

171

I

I

Nine

ACCOMPANYING

THE DYING

I

I

I

I

I

I

I

I

I

I

I

I

I

I

I

I

I

I

I

I

I I

I

I

Anathapindika was a very dear lay disciple of the Buddha. He

was from the kingdom of Koshala, north of the Ganga River

in the foothills of the Himalayan Mountains. Anathapindika

was a successful and respected merchant and businessman. He

was beloved by his countrymen for his generous heart. His real

name was Sudatta, but he was given the honorary title

Anathapindika, meaning, "the one who takes care of the des­

titute." This was in appreciation for his tireless efforts in sup­

porting poor people, orphans and the homeless.

One day when he was about thirty years old, he traveled

on business to the kingdom of Magadha, where the Buddha

also happened to be staying. When he arrived in Magadha, he

went first to visit his younger sister and her husband, who were

living there at the time. He was surprised when he was not

greeted with the customary ceremony and attention. When he

asked his sister why she was not spendihg any time with him,

she replied that the entire household was busy preparing to re­

ceive a wonderful teacher who was called the Buddha. Upon

hearing the name of the Buddha, he was very curious. He asked

his sister, "Who is that?" She answered by speaking so re-

175

NO DEATH, NO FEAR

spectfully about the Buddha that it inspired him to want to go

and see the Buddha as soon as possible.

Early the next day Anathapindika went to the Bamboo

Grove Monastery, where the Buddha was speaking. The talk

moved him deeply. Bowing to the Earth, Anathapindika in­

vited the Buddha to come to his hometown to share the

teaching and practice with his friends and family.

Although this was only the third year of the Buddha's min­

istry, he already had more than one thousand two hundred

monastic disciples. Among the monks traveling with the Bud­

dha was the Venerable Shariputra. Shariputra had already been

a well-known spiritual teacher before he became a student of

the Buddha. When Shariputra became a disciple of the Buddha,

all his younger dharma brothers and students joined him.

The Buddha accepted Anathapindika's invitation to go

to Shravasti, which was the capital city of the kingdom of

Koshala. Anathapindika went ahead to prepare for the Bud­

dha's visit. He needed a monk to accompany him home to

help. The Buddha asked the Venerable Shariputra, who

was very talented in building community, to go with him.

Shariputra and Anathapindika, one monk and one layperson,

soon became very close friends.

Some people think that only monastics can be close to

monastics and that only laypeople can be close to laypeople.

But this is not so. If both monastics and laypeople are moti­

vated by a deep desire to practice the mindfulness trainings

ACCOMPANYING THE DYING

and to look deeply, they can be very intimate friends, co­

workers and co practitioners. There is no discrimination. A

monk can be a good monk, a layperson can be a good layper­

son, and they can also be close friends.

Anathapindika wanted to offer the Buddha a piece of pro­

perty on which to build a monastery in Koshala. Afrer looking

extensively, he felt there was only one place beautifUl enough. It

was a lovely park belonging to a member of the royal family of

Koshala, the Prince Jeta. Since Anathapindika was very wealthy,

he thought he could convince the prince to sell him this prop­

erty. The prince had planted many beautifUl trees on the prop­

erty, so it was much more than a piece of land-it was like a

paradise. When Anathapindika came to the prince and asked to

buy the land, the prince refused. Anathapindika offered more

money, and still the prince refused. In the end Anathapindika

said: "How much do you want for it? I am ready to pay any

amount." The prince replied, "If you can cover all the land with

gold leaf, then I will sell it to you." When the prince said this,

he was actually joking. He never believed that Anathapindika

would accept his proposal, but he did.

Anathapindika soon brought enough gold leaf to cover

the whole area of land. The prince still did not want to sell

it, but his advisors said: "Y ou must sell it. You are a prince

of the royal family. You've already given your word and you

cannot break it."

Prince J eta found it difficult to understand that a spiritual

177

NO DEATH, NO FEAR

teacher could be so extraordinary and that Anathapindika could

respect and love him so much that he would pay such a huge

sum to buy a piece ofland as a gift. People told the prince that

the Buddha, who was still a young teacher, was fully awakened

and that his teachings and his compassion were beyond com­

pare. Seeing the great faith and admiration of Anathapindika,

Prince Jeta stopped him just before he had covered all of the

land and said: "You've given me so much gold already. That's

enough. I want to offer to the Buddha the trees I have planted

on the land as a gift &om myself to the Buddha." That is why

the place is called the Anathapindika J eta Grove. It was land

purchased and given to the Buddha by Anathapindika, but the

trees were given by Prince J eta. The Buddha loved this park

very much and spent twenty consecutive annual rainy-season

retreats there. You can visit the park still and see the archaeo­

logical remains of ancient Buddhist monasteries.

All during the years following his meeting with the Bud­

dha, Anathapindika continued his work helping the poor and

supporting the Buddha, the dharma and the sangha. He was

the Buddha's good friend as was the king of Koshala.

Anathapindika had a lovely family, and his wife and two

children also became students of the Buddha. The entire fam­

ily came every week to the J eta Grove to hear dharma talks

and enjoy the practice of mindfulness. Often Anathapindika

would bring fellow businessmen to meet the Buddha and re­

ceive his teachings. On one famous occasion, he brought more

ACCOMPANYING THE DYING

than five hundred businessmen to the Jeta Grove, where the

Buddha gave a dharma talk on practice of mindfulness for

laypeople. Most of the friends of Anathapindika accepted

the five mindfulness trainings. Throughout his life, Anatha­

pindika took a great deal of pleasure and happiness in sup­

porting the Buddha, the dharma and the sangha.

Although throughout his life he experienced many suc­

cesses, there were also many difficult moments in his life.

One time he lost his entire fortune, but with the help of his

employees and friends he was able to rebuild his business and

his wealth.

Thirty-five years after his first meeting with the Buddha, he

fell very ill. Hearing of his sickness, the Buddha came to visit

him and urged him to practice mindful breathing while lying in

bed. Then the Buddha charged the Venerable Shariputra with

taking good care of his old friend. The Buddha asked Sharipu­

tra to remain in Koshala with Anathapindika and to help him

die peacefully.

When Shariputra learned that Anathapindika was fast

approaching death, he asked his younger brother in the

dharma, the Venerable Ananda, to go with him to see his old

friend. Ananda was a cousin of the Buddha and had memo­

rized all the Buddha's dharma talks. He is one of the main

reasons we have the teachings of the Buddha today.

After finishing their daily alms round, the two of them

went to the house of Anathapindika. When the two monks

179

NO DEATH. NO FEAR

arrived, Anathapindika, who needed them very much in this

difficult moment, was happy to see them. He tried his best to

sit up and greet them in a proper manner, but he could not

because he was so weak.

Shariputra said to him, "My dear friend, don't try to sit

up; just lie down and we will bring two chairs and sit close to

you." Then, Shariputra asked, "Dear friend, how do you feel

in your body? Do you feel pain? If so, is it increasing or is it

decreasing?"

Anathapindika answered, "Dear friend, it does not seem

that the pain in my body is decreasing. It seems it is increas­

ing all the time."

Shariputra then said, "In that case, I suggest we practice a

guided meditation on the Three Jewels." He began to offer a

meditation on the Buddha, the dharma and the sangha, with the

support of the Venerable Ananda sitting beside him. Sharipu­

tra was considered to be one of the most brilliant monastic

disciples of the Buddha. He was like the right arm of the Bud­

dha. He was the elder brother to thousands of monks and nuns.

He knew that Anathapindika had gotten a great deal of plea­

sure over the years serving the Buddha, the dharma and the

sangha. He also knew that for Anathapindika this meditation

would water seeds of happiness in him at that difficult moment.

He shared with Anathapindika the practice of recollect­

ing the wonderful nature of the Buddha, the dharma and the

sangha. In just five or six minutes the pain that Anathapindika

180

ACCOMPANYING THE DYING

felt throughout his body lessened as the seeds of happiness in

him were watered. His balance was restored. Anathapindika

smiled.

Watering the seeds of happiness is a very important prac­

tice for the sick or dying. All of us have seeds of happiness

inside us, and in difficult moments when we are sick or when

we are dying, there should be a friend sitting with us to help

us touch the seeds of happiness within. Otherwise seeds of

fear, of regret or of despair can easily overwhelm us.

When Anathapindika was able to smile, Shariputra knew

that the balance between the joy and pain in him had been re­

stored. He invited Anathapindika to continue the guided med­

itation. He said, "Dear friend, please practice together with

Ananda and myself as follows. Breathing in, I see that this body

is not me. Breathing out, I am not caught in this body. I am life

without limit. I have never been born and I will never die."

When you are about to die, you may not be very aware

of your body. You may experience some numbness, and yet

you are caught in the idea that this body is you. You are . .

caught in the notion that the disintegration of this body is

your own disintegration. That is why you are fearful. You

are afraid you are becoming nothing. The disintegration of

his body cannot affect the dying person's true nature. You

have to explain to him that he is life without limit. This

body is just a manifestation, like a cloud. When a cloud is no

longer a cloud, it is not lost. It has not become nothing; it

lSI

NO DEATH, NO FEAR

has transformed; it has become rain. Therefore we should

not identify our self with our body. This body is not me. I am not

caught in this body. I am life without limit.

In fact, we have to begin this practice with our eyes,

nose, ears, tongue, body and mind: "These eyes are not me. I

am not caught in these eyes. I am life without boundaries.

These ears are not me. I am not caught in these ears. I am life

without limit. This nose is not me, I am not caught in this

nose and I am life without boundaries." This practice helps

us not to identify ourselves with our eyes, ears, nose, tongue

and body. We explore each sense consciousness and each

sense organ so that we can see that we are not them. We are

much more than the manifestation of our sense organs. The

cessation of the manifestations does not affect us.

Then we look at and see what else we might think is our

identity. Beyond the body and the senses are the five aggre­

gates of form, feelings, perceptions, mental formations and

consciousness. We have to look deeply at each one and say,

"These things are not me." Perceptions, feelings, ideas come

and go. They cannot be me. Consciousness, just like percep­

tions, feelings and mental formations, is just a manifestation.

When conditions are sufficient, these manifestations are pres­

ent. When conditions are no longer sufficient, these manifes­

tations are no longer present. Present or not present, these

manifestations are not me.

Shariputra guided Anathapindika through the sense con-

182

ACCOMPANYING THE DYING

sciousnesses and the five aggregates, and Anathapindika saw

that they were not him. So Shariputra began the guided med­

itation on the Four Elements. He said to Anathapindika,

"Dear friend, let us continue our meditation. The element

earth in me is not me. (Here 'earth' means everything that is

solid: flesh, bones, muscles and organs.) The fire element or

the heat to keep warm and digest food is not me. I am not

caught in the fire element or the heat in me. The water ele­

ment in me is not me. There is water everywhere in and

around me. I am free of the element water. The air element

in me is not me because I am life without boundaries."

Shariputra continued like that.

Finally, Anathapindika was guided in the meditation on

Interdependent Origination. "Dear friend, let us look more

deeply. When conditions are sufficient, my body manifests

itselE It does not come from anywhere, and after disintegra­

tion it does not go anywhere." When things manifest, we

cannot really call them being. When things stop their mani­

festation, we cannot really describe them as non-being. We

are free from notions of coming, going, being, non-being,

birth, death, same and different. It was exactly the kind of

practice and teaching that we understand when we contem­

plate a cloud, a flame or the sunflowers.

When he had practiced to that point, Anathapindika·

began to cry. Ananda was surprised. Venerable Ananda was

much younger than Shariputra, and he was not able to see

NO DEATH, NO FEAR

the transfonnation and liberation Anathapindika had under­

gone in those few moments. He thought Anathapindika was

crying because he regretted something or did not succeed in

his meditation. Ananda asked, "Dear friend, why are you cry­

ing? Do you regret anything?"

Anathapindika said, "No, Venerable Ananda, I don't re­

gret anything."

Ananda then asked, "Maybe your practice was not suc­

cessful?"

Anathapindika replied, "No Venerable Ananda, it was

very successful."

Ananda asked, 'Then why are you crying?"

Anathapindika answered with tears in his eyes, "Venera­

ble Ananda, I am crying because I am so moved. I have

served the sangha, the dhanna and the Buddha for thirty-five

years and yet I have never received and practiced such won­

derful teachings as these the Venerable Shariputra has given

me today. I am so happy! I am so freel"

Ananda then said to him, "Dear friend, you may not

know it, but we monks and nuns receive this kind of teaching

almost every day."

Anathapindika smiled and in his feeble voice said quietly,

"Dear Venerable Ananda, please go back to the monastery and

tell the Lord Buddha that I do understand that many laypeo­

pIe are so busy and that they will not make the time to receive

and practice this kind of teaching. But there are many of us

ACCOMPANYING THE DYING

who are free enough and are available enough to receive this

teaching and this practice. Please ask the Lord Buddha to dis­

pense this teaching and this practice to us, the laypeople also."

Knowing that this was the last request of Anathapindika,

the Venerable Ananda answered him, "Of course I will do as

you ask. I will tell the Lord Buddha as soon as I return to the

Jeta Grove." Shortly after the visit of the two monks, Anatha­

pindika died peacefully and without pain.

This story is recorded in a discourse called "The T each­

ings to be Given to the Dying."* I would like to advise anyone

who is able to please study the discourse and to practice it.

Please do not wait until you have to face the problem of dying

in order to study and practice it. Please practice looking deeply

now in order to touch your nature of no birth, no death; no

coming, no going; no same, no different. If you do so, you will

. stop your grief and suffering. If you do this practice with dili­

gence and effort, you will nurture the element of non-fear in

you. You will be able to die happily and peacefully.

It is very possible to live happily and to die peacefully. We

do this by seeing that we continue our manifestation in other

forms. It is also possible to help others to die peacefully if we

have the elements of solidity and non-fear in us. So many of us

are afraid of non-being. Because of this fear, we suffer a lot.

That is why the reality that we are a manifestation and a con-

• Ibid., 267.

NO DEATH, NO FEAR

tinuation of many manifestations should be revealed to the

dying person. Weare then not affected by the fear of birth and

death, because we understand that these are just notions. This

is a very important insight that can liberate us from fear.

I have taken the words and teachings from the sutra to

be "Given to the Dying" in the Anguttara Nikaya and made

them into a song. It is a lullaby song that can be sung to the

person who is nearing their last breath:

This body is not me; I am not caught in this body,

I am life without boundaries,

I have never been born and I have never died.

Over there the wide ocean and the sky with many galaxies

All manifests from the basis oj consciousness.

Since beginningless time I have always been free.

Birth and death are only a door through which we go in and out.

Birth and death are only a game oj hide-and-seek.

So smile to me and take my hand and wave good-bye,

Tomorrow we shall meet again or even bifore,

We shall always be meeting again at the true source,

Always meeting again on the myriad paths oj life.

The first line can be repeated with These eyes . .. These ears, ..

This nose . .. This tongue. . . This mind . .. These forms . .. These sounds . ..

etc. instead of This body (e.g., These eyes are not me; I am not caught in

these eyes .. )

186

ACCOMPANYING THE DYING

Singing this song to a dying person can help them be free

from thinking that they have a permanent identity that is con­

nected to any part of the body or mind. All things that are com­

posite decompose, but our true selves do not disappear into

oblivion. This kind of guided meditation helps us to avoid

being caught in the idea that we are this body, we are this

thought, and we are this emotion. Weare actually not these

things. Weare life without limit. Weare not caught in birth,

we are not caught in death, we are not caught in being, and we

are not caught in non-being. This is the truth of reality.

So please do not be too busy in your daily life. Please

take time to practice. Learn how to live happily, peacefully

and joyfully today. Please learn the practice of looking

deeply and understanding the true nature of birth and death

so you can die peacefully and without fear. This is something

everyone can do.

If you can practice so that you have no fear, when one of

your friends or dear ones is dying, you will be able to help

them. You have to know what you really need to do and what

you really do not need to do. You are intelligent enough to be

able to use your time skillfully. You do not need to waste your

time doing those things that are unnecessary and trifling. You

do not have to be rich. You do not need to seek fame or power.

What you need is freedom, solidity, peace and joy. You need

the time and energy to be able to share these things with others.

Our happiness does not rely on our having a lot of money

NO DEATH, NO FEAR

or fame. Our security comes from whether we practice and

keep the mindfUlness trainings. Once we have the mindfulness

trainings and the Buddha, the dharma and the sangha looking

after us, we are happy. Our two eyes are bright, our smile is

fresh, and our steps are solidly on the path of a free life. Our

happiness flows over to those around us. We do not give our

time to things that are superficial. We use our time to practice

so that the quality of our lives will be better. This is the most

precious gift any of us can leave our children or our grand­

children. This is the best that we can share with our friends.

We need time to receive, practice and learn about the wonder­

ful teachings of the Buddha, like those taught to Anathapin­

dika at the time of his death.

Taking refuge in our family, friends and community, in

the sangha, we change our way of life. We have to live with

peace and joy right away and not wait for the future to do it.

We have to be well right now, right here, peaceful and joy­

ful in the present moment. There is no way to happiness­

happiness is the way.

The teaching given by Shariputra should be given to

everyone early on in life. Anathapindika was very lucky to re­

ceive the teaching at the last moment. Things are imperma­

nent and we do not know in advance when we shall breathe

our last. We may not be as lucky as Anathapindika to have

good spiritual friends by our side to guide us in meditation

at the time of our death. That is why we should not leave it

188

ACCOMPANYING THE DYING

until it is too late. We should learn the practice right now so

that we will be able to guide ourselves.

A New Story oj Dying

In the early 1990S I was on my way to the Omega Institute in

upstate New York to lead a retreat when I learned that an

old friend of ours was dying in a hospital just north of New

York City. His name was Alfred Hassler. He had been direc­

tor of the Fellowship of Reconciliation. In 1966 and 1967, he

and I had traveled together to many countries, organizing ef­

forts to end the war in Vietnam.

Later, I was no longer allowed to go back to Vietnam be­

cause I had spoken out in the West against the violation of

human rights by both warring parties, North and South. Al­

fred went to Vietnam in my place to help coordinate the

peace work there. He helped support our friends in setting up

camps to take care of refugees and victims of the war. We to­

gether sponsored more than eight thousand orphans. When I

came to the United States in 1966, it was the Fellowship of

Reconciliation that organized my first speaking tour. On that

tour, I called for an end to the war in Vietnam.

When Sister Chan Khong and I arrived at the hospital,

Alfred was already in a coma. Dorothy, his wife, and Laura,

his daughter, were there with him. Laura Hassler had volun-

NO DEATH. NO FEAR

teered with us at the office of the Vietnamese Buddhist Peace

Delegation in Paris when she was very young.

When Dorothy and Laura saw us, they were very happy.

Laura tried her best to call Alfred back from his coma.

"Daddy, Daddy, Thay is here! Sister Chan Khong is here,"

she said. But Alfred didn't come back; he was in a very deep

coma. I asked Sister Chan Khong to sing to him. A dying

person has the capacity to hear, even though we may not re­

alize it. So Sister Chan Khong sang the song that begins,

"This body is not me, I am not caught in this body, I am life

without boundaries, I have never been born, I will never die."

She sang it a second time and again for a third time. In the

middle of the third time, Alfred awoke and opened his eyes.

Laura was so happy! She said, "Daddy, do you know

that Thay is here? Do you know that Sister Chan Khong is

here?" Alfred could not say anything. Looking into his eyes,

we felt that he knew we where there. Sister Chan Khong be­

gan to talk to him about the experiences we had working to­

gether for peace in Vietnam: "Alfred, remember the time you

were in Saigon trying to see the monk T ri Quang? The U.S.

had decided to bomb Hanoi the day before, and the Venera­

ble T ri Quang was so angry that he vowed not to see any

Westerners, either doves or hawks.

"When you arrived he refused to open the door. Alfred,

do you remember that you sat there and wrote a note that

said, 'I have come as a friend to help stop the war in your

ACCOMPANYING THE DYING

country, and not as an enemy. I will not eat anything or drink

anything until you open the door for me!' You slipped the

note under the door. You remember that? You said, 'I will sit

here until you open the door.' Do you remember? Just fifteen

minutes later he opened the door. He smiled with a broad

smile and invited you in. Alfred, remember the time you were

in Rome, and there was a vigil conducted by three hundred

Catholic priests, each one bearing the name of a Buddhist

monk who had been imprisoned in Saigon for refusing the

draft?" Sister Chan Khong continued to talk to him about the

happiness we experienced during the time we were working

for peace. It had a wonderful effect. She tried to do exactly

what Shariputra did for Anathapindika. She was watering the

seeds of happiness in him. Alfred's happiness was made of his

intention to serve peace and to end suffering for others. When

those seeds of happiness were watered, it restored a balance

between the joy and the pain in him. He suffered much less.

At that time I was massaging his feet. I was thinking that

when a person is dying he might not be very aware of his

body because the body is somehow numb. Laura asked,

"Daddy, do you know that Thay is massaging your feet?" He

didn't say anything but looking into his eyes we were sure

that he knew we were there. Suddenly he opened his mouth

and said, "Wonderful, wonderfUl!" After that he sank into a

coma again and never came back.

That night I had to give an orientation talk to the re-

NO DEATH, NO FEAR

treatants at Omega. We said good-bye and told Dorothy and

Laura that they should do as Sister Chan Khong and I had

been doing: talking and singing to Alfred. The next morning

I received a message &om Dorothy telling us that Alfred had

died quite peacefully a few hours after we left.

Those who are unconscious have a way to hear us if we

are truly present and peaceful as we sit by their bedside. Ten

years ago a university student living in Bordeaux heard that his

mother was dying in California, and he cried a lot. He did not

know if when he arrived home in California his mother would

still be alive. Sister Chan Khong told him to fly to California

immediately and that if his mother was still alive when he ar­

rived, he should practice just as Shariputra had practiced with

Anathapindika. She told him that he should speak about the

happy experiences mother and son had shared together. He

was to recount stories from her early married life and her

youthful years. He should tell her these stories because they

would bring her joy, even if she were not conscious.

When he arrived in the hospital, she was already uncon­

scious. Although he did not wholly believe that an unconscious

person could hear, he nevertheless did as Sister Chan Khong

had instructed him. The doctors told him that his mother had

been unconscious for a week and they had no hope that she

would regain consciousness before she died. After he had

talked to her lovingly for one and a half hours, she woke up.

When you sit by the bedside of a dying person and you are

ACCOMPANYING THE DYING

calm and totally present in body, mind and soul, you will be

successful in helping that person pass away in freedom.

A few years ago, Sister Chan Khong had to visit her elder

sister in the hospital after a complication from a liver trans­

plant. After two years, her body was rejecting the liver. She

was in terrible pain. When Sister Chan Khong walked into

the hospital, she saw that everyone in the family had given up

all hope of being able to do anything. Although her sister

was unconscious, she was still writhing, groaning and scream­

ing in terrible pain. All her children, even her daughter who

was a doctor, felt powerless.

Sister Chan Khong arrived at the hospital with a cassette

tape of the monks and nuns of Plum Village chanting the

name of the bodhisattva A valokiteshvara, the bodhisattva of

great compassion. Although her sister was unconscious, Sister

Chan Khong put the cassette tape in the tape player next to

the bed and, after putting the headphones on her sister's ears,

turned the volume near maximum. Five or six minutes later,

something amazing happened. Her sister lay completely quiet.

She was no longer writhing, groaning or screaming. She stayed

peaceful like that until she passed away five days later.

Throughout those five days, Sister Chan Khong's sister

continued to listen to the recitation of the name of the bod­

hisattva. She had visited Buddhist temples many times and

had heard the recitation of the name of the bodhisattva of

compassion often. Hearing it again on her deathbed watered

NO DEATH. NO FEAR

the seeds in her of that which was most precious and joyful

while she was alive. She had a spiritual dimension to her life

and she had faith. She had heard sutra recitations and listened

to teachings of the dharma many times. The cassette tape

playing the chanting of the monks and nuns had reached

those seeds of happiness. They were seeds that the doctors did

not know how to touch. Anyone could have done what Sister

Chan Khong did, but no one had thought to do it.

Our consciousness is like a television with many chan­

nels. When we push the button on the remote control, the

channel we choose appears. When we sit by the bedside of a

dying person, we have to know which channel to call up.

Those who are closest to the dying person are in the best po­

sition to do this. If you are accompanying someone who is

dying, use those sounds and images from the life of the per­

son that will water the seeds of their greatest happiness. In

the consciousness of everyone are the seeds of the Pure Land

and of nirvana, of the kingdom of God and of paradise.

If we know how to practice and penetrate the reality of no

birth and no death, if we realize that coming and going are just

ideas, and if our presence is solid and peaceful, we can help the

dying person. We can help the person not be scared and not to

suffer much. We can help the person die peacefUlly. We can

help ourselves live without fear and die peacefUlly. We can help

ourselves to understand that there is no dying. To see that there

is no death and there is no fear. There is only continuation.

194

THICH NHA THANH has lived an extraordinary life in an extra­

ordinary time. Since the age of sixteen, he has been a Buddhist monk, a

peace activist and a seeker of the way. He has survived persecution, three

wars, and more than thirty years of exile. He is the master of a temple in

Vietnam, the lineage of which goes back more than two thousand years

and, indeed, is traceable to the Buddha himself. The author of more than

one hundred books of poetry, fiction and philosophy, Thich Nhat Hanh

has founded universities and social service organizations, and has rescued

boat people. He led the Vietnamese Buddhist delegation at the Paris

Peace Talks; and he was nominated for the Nobel Peace Prize by the

Reverend Martin Luther King, Jr. He makes his homes in France and

Vermont.

Thich Nhat Hanh has retreat communities III southwestern France

(Plum Village), Vennont (Green Mountain Dhanna Center), and Cali­

fornia (Deer Park Monastery), where monks, nuns, laymen, and lay­

women practice the art of mindful living. Visitors are invited to join the

practice for at least one week. For infonnation, please write to:

Plum Village

13 Martineau

33580 Dieulivol

France

[email protected] (jor women) [email protected] (jor women)

[email protected] (jor men)

www.plumvillage.org

For information about our monasteries, mindfulness practice centers, and

retreats in the United States, please contact:

Green Mountain Dhanna Center

P.O. Box 182

Hartland Four Corners, VT 05049

Tel: (802) 436-1103

Fax: (802) 436-110l

[email protected]

www.plumvillage.org

Deer Park Monastery

2499 Melru Lane

Escondido, CA 92026

Tel: (76o) 291-10°3

Fax: (760) 291-1172

[email protected]

SPIRITUALITY/RELIGION

"Our greatest fear is that when we die we will become nothing. We believe that we are born from nothing and that when we die we become nothing. And so we are filled with the fear of annihilation. The Buddha has a very different understanding, that birth and death are notions. They are not real. "

-from No Death, No Fear

With hard-won wisdom and refreshing insight. Thich Nhat Ranh confronts a subject that has been contemplated by Buddhist monks and nuns for twenty-five-hundred years-and a question that has been pondered by almost anyone who has ever lived: What is death? In No Death, No Fear, the acclaimed teacher and poet examines our concepts of death, fear, and the very nature of existence. Through Zen parables, guided meditations, and personal stories, he explodes traditional myths of how we live and die. Thich Nhat Ranh shows us a way to live a life unfettered by fear.

"At some point in their lives, most people are haunted by the ques­tion 'What happens after death?' Beloved teacher, poet, and activist Thich Nhat Ranh takes this question to heart in his latest book about how to understand death and stop fearing life .... Ris advice is found­ed on personal examples, and guided meditations help readers grap­ple with the loss of a loved one, confront their mortality, and live each day to its fullest." -Tricycle

"Simple but profound." -The Denver Post

"[AJ masterwork ... Thich Nhat Ranh has rendered us an invaluable service by opening our hearts and minds ... "

-Spirituality & Health Journal

Chosen as one of the Best Spiritual Books of the Year by Spirituality & Health

ISBN 1-57322-333- 6 5 1 400 >

www.penguin.com

9 781573 223331