220

tinhuy.dongthap.gov.vntinhuy.dongthap.gov.vn/lich.nsf/dd23b11aaaa057424725805f002ca02f...Khi xã hội loài người không ngừng phát triển, kiến thức con người được

  • Upload
    others

  • View
    12

  • Download
    0

Embed Size (px)

Citation preview

5

Lời Nhà xuất bản

Truyền thông là phương tiện gắn kết toàn bộ con người trên thế giới lại với nhau. Khi xã hội loài người không ngừng phát triển, kiến thức con người được nâng cao thì vai trò của truyền thông ngày càng lớn. Hiện nay ngành truyền thông có thể ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội.

Truyền thông cũng ảnh hưởng vô cùng to lớn đối với nhà nước, thông qua truyền thông, nhà nước có thể đưa ra các chính sách kinh tế, văn hóa, xã hội, luật pháp tiếp cận đến người dân một cách nhanh nhất. Ngoài ra, truyền thông cũng góp phần hỗ trợ cho doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, thu hút người tiêu dùng biết và sử dụng sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp...

Cuốn sách Truyền thông phát triển trong nền kinh tế nối kết của TS. Lê Thanh Hải giúp cho người đọc có được nhận thức khoa học về các quy luật hình thành, vận động của truyền thông mà tầm nhìn xa hơn là truyền thông phát triển. Với văn phong theo lối kể chuyện linh hoạt, tác giả chú trọng vào các mục tiêu phát triển dễ đạt được nhất, thông qua bài học kinh nghiệm rút ra từ một số nước, cũng như khảo sát trong quá trình hoạt động thực tiễn.

6

Tác giả đã lựa chọn cách tiếp cận vấn đề từ phía công chúng, với góc nhìn đa chiều, từ đó gợi mở rõ dần những ý tưởng về truyền thông phát triển và khẳng định: Văn hóa trong phát triển và phát triển về văn hóa chính là chìa khóa quan trọng cho phát triển bền vững về kinh tế. Mặc dù mới chỉ đưa ra những nhận xét có tính chất giả thuyết về sự tồn tại của các mô hình văn hóa, nhưng tác giả đã để ngỏ cho những nghiên cứu tiếp theo về vấn đề văn hóa qua cách nhìn của ngành truyền thông - những động lực xã hội có khả năng tác động qua lại với quá trình tái sản xuất xã hội và phát triển xã hội.

Cuốn sách được chia làm 3 phần:- Lý thuyết truyền thông- Kết nối phát triển- Khảo sát ứng dụng

Đây có thể coi là những kiến thức cơ bản về truyền thông phát triển, góp phần vào việc xây dựng một ngành học mới cho Việt Nam: ngành truyền thông phát triển. Trong tương lai, truyền thông phát triển chính là một trong những công cụ hữu hiệu cho các nhà lãnh đạo vận dụng để phát triển doanh nghiệp, đồng thời, góp phần phát triển nền kinh tế quốc gia.

Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc.

Tháng 9 năm 2017NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA SỰ THẬT

7

Muc luc

Lời Nhà xuất bản 5

Dẫn nhập 9

Phần 1 LÝ THUYẾT TRUYỀN THÔNG 19

1. Nhập môn truyền thông 21

2. Truyền tin giao tiếp 35

3. Lược sử công nghệ 48

4. Văn hóa chữ in 61

5. Thế giới hình ảnh 75

6. Cộng đồng âm thanh 89

Phần 2 KẾT NỐI PHÁT TRIỂN 103

7. Dự án truyền thông 105

8. Xã hội nối kết 119

9. Không gian văn hóa 133

8

Phần 3 KHẢO SÁT ỨNG DỤNG 145

10. Văn miếu Bắc Ninh và sức hút kết nối của di tích lịch sử văn hóa 147

11. Thư viện, nhà xuất bản và con đường tri thức 161

12. OPM, K-pop, Karaoke và sức lan tỏa của âm nhạc 175

13. Từ dự án bò sữa đến làng nông Thuận Thiên 188

14. Nhà truyền thông phát triển 201

Tài liệu tham khảo 213

Index 217

9

Dẫn nhập

Nội dung cuốn sách này bắt đầu được hình thành trong chuyến công tác khoa học của tác giả năm 2015, về Việt Nam đưa đoàn sinh viên và giảng viên Trường đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh sang thăm ba trường đại học quốc gia cùng Bộ Di sản văn hóa Philippines. Giáo sư Elena Pernia, Hiệu trưởng Trường Truyền thông đại chúng thuộc Đại học quốc gia Diliman ở quận Quezon của Thủ đô Manila giải thích rằng, đối với họ khi đã nói đến truyền thông tức là đồng nghĩa với hướng đi truyền thông phát triển.

Ngành học này đã đưa Philippines nhanh chóng phát triển cùng nhịp bước của thế giới, từ sau ngày được xây dựng trong thập niên 1960, khi nước này đón được ngọn gió viện trợ và phát triển nông nghiệp cùng những trung tâm tri thức nổi tiếng như Viện lúa quốc tế IRRI. Đến thăm cơ quan này cùng trại thử nghiệm lúa chịu hạn, nằm trong quần thể khu vực Đại học mở Los Banos, chúng tôi được cảm nhận một cách rõ ràng nhất về sự thành công của việc khuyến nông và cơ sở của nó cho ngành truyền thông phát triển ở Philippines. Tương tự vậy, cuộc gặp với Thứ trưởng

10

Bộ Di sản văn hóa cũng đem lại cảm nhận cực kỳ sát về sự thành công trong các ngành nghệ thuật, thể hiện rõ tính chất thực nghiệm cho một ngành học đang tiếp tục giữ vai trò không chỉ là hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á. Giáo sư Alexander Flor, Trưởng khoa Truyền thông phát triển thuộc Đại học mở Los Banos, cho biết nhu cầu đào tạo từ xa đang tiếp tục gia tăng, bao gồm cả các hợp đồng đào tạo cho sinh viên Trung Quốc qua các cơ sở đại học bên đó, một phần là vì mục tiêu Thiên niên kỷ lần hai của Liên hợp quốc tiếp tục nhấn mạnh đến vai trò của Truyền thông phát triển để phát triển bền vững. Thực vậy, chỉ cần một ý rất nhỏ trong chương trình đối phó biến đổi khí hậu tại Việt Nam của tổ chức quốc tế CCAFS mà sinh viên Khoa Truyền thông Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh đã được trợ cấp để xây dựng thành một sự kiện truyền thông cho sinh viên từ Thành phố Hồ Chí Minh và các trường đại học ở vùng đồng bằng sông Cửu Long về thăm nơi thí điểm là xã Trà Hất, tỉnh Bạc Liêu. Các vấn đề lý thuyết và kinh nghiệm từ một số nước trên thế giới đã được tác giả thử nghiệm trong thời gian thỉnh giảng để xây dựng chương trình đào tạo phù hợp.

Truyền thông phát triển, do đó, sẽ là một giáo trình phù hợp để sinh viên Việt Nam vừa tham gia thực tế vừa học kiến thức chuyên ngành để không ngơ ngác khi ra trường và có thể bắt tay ngay vào công việc vừa được tuyển mộ. Đây cũng là tính chất nổi bật trong các khoa Truyền thông phát triển như Học viện Kinh tế và Khoa học chính trị Luân Đôn (LSE) ở Anh và ở các trường đại học của Mỹ.

11

Đối tượng của cuốn sách này là sinh viên các ngành có liên quan tới truyền thông tại Việt Nam và những người đang làm các công việc có liên quan tới truyền thông muốn bổ sung kiến thức chuyên ngành. Do vậy, phạm vi nội dung có thể khái quát như một bộ môn liên ngành bao gồm truyền thông, quảng cáo, tiếp thị, quan hệ công chúng, quản trị phát triển, ngữ văn ứng dụng, xuất bản, truyền hình, truyền thông đa phương tiện, mạng xã hội, và văn hóa học. Cũng cần phải giải thích rằng mặc dù khá nhiều tài liệu giảng dạy, là quà tặng chúng tôi nhận được trong chuyến đi, từ các trường đại học của Philippines được giới thiệu trong cuốn sách này, nhưng con đường tư duy trong sách không phải là học lại những gì quốc gia láng giềng này đang làm, mà mang tính chất phê phán duy vật biện chứng để xây dựng một ngành học khác cho Việt Nam. Mục tiêu cuối cùng là trang bị cho độc giả khối kiến thức đủ để cạnh tranh trên thị trường lao động với chuyên gia Philippines, hiện đang tràn ngập trên thế giới và ngay cả trong ngành quảng cáo và tiếp thị ở Việt Nam, không chỉ qua mạng lưới của các tập đoàn quốc tế mà ngay cả sự lựa chọn của các công ty nội địa nữa, trong bối cảnh mở cửa thị trường lao động Đông Nam Á. Tương tự như vậy, khá nhiều giáo trình từ các nước phát triển cũng được giới thiệu trong sách, nhưng không phải là mô hình để theo, bởi lẽ đơn giản, đó là kiến thức và kỹ năng để dùng tại nước cấp viện trợ, tức là nơi huy động tiền của để giúp các nước nghèo, và quản lý việc chi trả ở đó. Việt Nam đã vượt qua được ngưỡng nghèo và mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình, và cần nỗ lực

12

đạt mục tiêu phát triển bền vững. Do vậy, tình hình cụ thể của Việt Nam đòi hỏi ngành truyền thông phát triển phải biết sử dụng hết nội lực của mình, và người làm truyền thông phát triển cần lượng kiến thức chọn lọc để áp dụng hiệu quả vào công việc hằng ngày của mình.

Cuốn sách này, do đó, dù bàn đến các vấn đề lý thuyết, nhưng đặt nặng tính thực nghiệm mà cụ thể là trong vận hành dự án phát triển. Một trong số những hệ thống lý thuyết được nhắc đến khá nhiều trong cuốn sách mỏng này là các công trình nghiên cứu truyền thông của các chuyên gia hàng đầu Ba Lan, mà tác giả có cơ hội được làm việc chung trong các chương trình nghiên cứu truyền thông và xã hội của Viện Hàn lâm khoa học Ba Lan. Vốn bắt đầu từ hệ thống báo chí tuyên truyền, rồi chuyển sang nền báo chí thị trường, song hành với truyền thống báo chí xã hội đã hình thành từ lâu đời trong tầng lớp trí thức, các nghiên cứu từ trường phái Ba Lan hàm chứa nhiều kinh nghiệm thực tiễn cho Việt Nam, đặc biệt là hệ tư tưởng mácxít trong nền kinh tế thị trường. Tương tự vậy, các giáo trình nghiên cứu truyền thông ở Anh mang nặng di sản tư tưởng xã hội mácxít - tư tưởng triết học đã được hình thành và lan tỏa từ chính đảo quốc này. Chiếc cầu nối tri thức cho lý luận mácxít đương đại vào thực tiễn Việt Nam, đang trong nền kinh tế nối kết, đã được tác giả cuốn sách này trình bày trong một nghiên cứu trước, mà độc giả quan tâm đặc biệt về triết học và lý thuyết có thể tìm đọc thêm1.

1. Xem TS. Lê Thanh Hải: Giá trị thặng dư trong nền kinh tế nối kết, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016.

13

Ở Việt Nam, khái niệm về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang được bàn đến rất nhiều, nhằm mô tả những diễn biến mới nhất trên thế giới theo sau cuộc cách mạng lần thứ ba về công nghệ thông tin. Một trong số những biểu hiện rõ nét nhất của biến chuyển này là kỹ thuật kết nối. Trong một khảo sát mới nhất ở London, người ta ước tính trên mỗi chuyến xe lửa nội thành chở hành khách gồm các nhân viên công sở vào khu trung tâm làm việc là khoảng 1 triệu bảng Anh nằm trong giá trị hàng hóa mà họ mang trên người: quần áo, giày dép, túi xách và điện thoại di động. Mỗi buổi sáng có cả trăm chuyến tàu như vậy, chở theo mỗi chuyến là gần 30 tỷ đồng tiền Việt Nam. Tính trên cá nhân mỗi người thì một nửa giá trị của số hành lý quy ra tiền đó là thiết bị liên lạc như điện thoại di động thế hệ mới hay máy tính bảng, trị giá trung bình là trên 500USD một người. Ở một nơi mà chiếc điện thoại chưa đủ để thể hiện đẳng cấp và mức độ giàu sang, thì việc chi tiêu cho chúng thể hiện rõ nhu cầu kết nối của cư dân ở khu đô thị được coi là một trong số những thủ đô của thế giới này. Người ta hiểu rằng việc hòa mạng là điều điện không thể thiếu để sống và làm việc trong nền kinh tế nối kết như hiện nay. Chính phủ Anh đang nhắm vào mục tiêu hòa mạng toàn quốc để internet trở thành hệ thống cơ sở hạ tầng phổ cập cũng giống như điện, nước hay khí đốt và điện thoại vậy. Nếu trước đây điện khí hóa là điều kiện cần để phát triển thì nay hệ thống kết nối là điều kiện bắt buộc phải có để duy trì sự có mặt trong nền kinh tế nối kết. Từ thập niên 1990, Chính phủ Hàn Quốc đã đầu tư xây dựng hệ thống đường truyền không dây Wifi trên các tuyến tàu điện ngầm, còn hôm nay các nước

14

thuộc Liên Xô (cũ) ở vùng biển Baltic đang đi đầu trên thế giới về chính sách phủ sóng Wifi cho toàn thành phố.

Trong điều kiện và những nỗ lực riêng của mình, Việt Nam đã hòa mạng cùng thế giới với giá cước dữ liệu cho thiết bị di động nằm trong khả năng chi trả của người dân. Đây chính là cơ hội để nhanh chóng hội nhập và phát triển. Sử dụng điện thoại với chức năng đơn giản là nghe và gọi, máy cũ chỉ vài chục ngàn đồng, nông dân trồng cà phê có thể nối điện từ loa ra công tắc tự động để đến giờ thì đang ngồi ở quán cà phê vẫn có thể gọi về bật máy tưới nước. Hòa mạng xã hội từ vườn trái cây nhà mình ở vùng sâu, vùng xa bằng máy tính bảng nối Wifi hay thậm chí điện thoại thông minh giá rẻ chưa đến một triệu đồng, bạn vẫn đủ điều kiện kỹ thuật để chụp ảnh và chào hàng, rồi nhận thanh toán qua ngân hàng điện tử và gửi sản phẩm qua xe khách với giá cước chỉ vài chục ngàn đồng đến tận tay người mua. Các văn phòng mua bán ở thành phố lớn bắt đầu dùng xe ôm để ship hàng với giờ giấc thuận tiện và giá thành rẻ cho khách, nhờ lên kế hoạch trước về tuyến đường và tính toán số giờ làm việc. Chỉ cần thêm một bước nhỏ nữa là những người đó, đang có sẵn điều kiện, nối kết với những hành khách đang ngồi trên xe lửa ở London hay những thành phố giàu có trên thế giới và bán sản phẩm của mình. Cách đây không lâu giới trẻ Việt Nam từng choáng ngợp với cậu bé thiết kế trò chơi, mà chỉ cần bán với giá một bảng Anh cho khách đi tàu chơi để giết thời gian, là đủ để kiếm cả chục ngàn khách hàng một cách dễ dàng. Chuẩn của Liên hợp quốc xác định nghèo là người kiếm dưới 1 USD một ngày, thì nối mạng để bán sản phẩm là một trong số những cách dễ dàng nhất để thoát nghèo.

15

Nhìn rộng ra, truyền thông phát triển trong nền kinh tế nối kết chính là một trong số những giải pháp để giúp một cộng đồng thay đổi theo chiều hướng tốt hơn. Hoàn tất mục tiêu Thiên niên kỷ lần thứ nhất về xóa đói, giảm nghèo, Liên hợp quốc tiếp tục đặt mục tiêu Thiên niên kỷ lần thứ hai, cho đến năm 2030, là phát triển bền vững, mà truyền thông phát triển được coi là phương tiện chủ đạo.

Trong bối cảnh đó, nội dung cuốn sách này sẽ không giới thiệu chung chung về truyền thông, tập trung vào những vấn đề trong ngành truyền thông mà tác giả nghĩ là cần thiết cho mục tiêu phát triển, và phù hợp với điều kiện hiện tại của Việt Nam, cả về cơ sở vật chất lẫn văn hóa ứng dụng. Tác giả cũng không bàn chung chung về phát triển, mà chú trọng vào các mục tiêu phát triển dễ đạt được nhất, qua bài học kinh nghiệm một số nước đã đi qua, cũng như khảo sát thực địa của bản thân trong hơn 15 năm trên khắp 64 tỉnh, thành phố và hải đảo. Sự phát triển cũng được hiểu không phải theo cách nghĩ đơn giản là kinh tế hay bộ mặt khang trang nơi đô thị, mà là khái niệm cho cả một ngành học quan trọng trên thế giới, từ kết luận sơ bộ của tác giả, thì vấn đề văn hóa trong phát triển và phát triển về văn hóa mới là chìa khóa quan trọng cho phát triển bền vững về kinh tế.

Cuốn sách này được chia thành ba phần: Lý thuyết truyền thông, Kết nối phát triển và Khảo sát ứng dụng, mỗi phần cũng như mỗi mục đều có thể đọc riêng biệt tùy theo các vấn đề mà độc giả đang quan tâm hay kiến thức và trải nghiệm sẵn có từ trước. Tuy vậy, người viết xây dựng hệ thống kiến thức cơ sở từ những dòng đầu tiên

16

của phần Dẫn nhập, và lần lượt nâng cao dần, để sinh viên không phải trong ngành truyền thông hay độc giả với trình độ phổ thông cũng có đủ điều kiện đọc và nghiên cứu ứng dụng, làm giàu nguồn vốn tri thức chung cho xã hội. Ấn tượng từ lối trình bày của Phan Ngọc1 và phản hồi tích cực của bạn đọc, tác giả tiếp tục cách viết giống như vậy trong hai quyển sách trước, tức là viết theo kiểu diễn giải, như trường phái của Giáo sư nhân học Clifford Geertz. Do đó, dù sách này cũng được dùng làm giáo trình giảng dạy ở bậc đại học và cao học, nhưng không phân chia các chương thành từng đề mục nhỏ và phát triển chi tiết như kiểu sách giáo khoa thường gặp, mà cố gắng sắp đặt các vấn đề thành một chuỗi liền lạc.

Phần 1: Lý thuyết truyền thông, gồm 6 mục mang tính giới thiệu các vấn đề đáng chú ý nhất trong hệ thống lý thuyết trong ngành truyền thông. Mục đầu tiên, có thể coi như là phần nhập môn, giới thiệu sơ lược mô thức tư duy trong ngành và một số khái niệm cơ bản. Mục thứ hai, quan tâm sâu vào vấn đề truyền tin như là một phương tiện để giao tiếp của con người, bắt đầu từ tầng cơ bản nhất là giữa các cá nhân với nhau cho đến truyền thông đại chúng. Mục thứ ba, điểm qua một số tiến bộ về công nghệ đã khiến cho con người ngày càng có khả năng truyền tin đi xa và rộng hơn, đến với nhiều người hơn, và đồng thời cũng có cơ hội bộc lộ được nhiều điều hơn về chính bản thân mình qua khả năng sử dụng công nghệ để khuếch đại những tín hiệu thầm kín.

1. Xem Phan Ngọc: Bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2001.

17

Mục thứ tư, tập trung vào những thay đổi mà công nghệ in ấn đã tạo ra trong văn hóa loài người, vốn thường được gọi là cuộc cách mạng của Gutenberg, người được coi là cha đẻ của ngành in. Mục thứ năm, đưa độc giả vào không gian của thời hiện đại, từ sau sự xuất hiện của máy chụp ảnh và kéo dài cho đến tận thời hiện tại của facebook - quyển album của những gương mặt. Mục thứ sáu, giới thiệu một vấn đề còn chưa được nghiên cứu kỹ tại Việt Nam là không gian của âm thanh mà đặc biệt là âm nhạc, trong mối quan hệ với sân khấu, điện ảnh, và những cuộc thi truyền hình, cũng như bước đường phát triển trước đây qua làn sóng điện từ trường của radio, và máy hát đĩa hay Sony walkman. Đó chính là một số khái niệm cơ bản về truyền thông mà người làm truyền thông phát triển cần phải nắm.

Phần 2: Kết nối phát triển, tập trung vào trình bày các vấn đề có liên quan tới phát triển, mà có thể tạm coi là phần liên ngành sang kinh tế, xã hội và quản trị, bao gồm cả ở tầng vĩ mô lẫn vi mô. Mục thứ bảy, trình bày sơ một số vấn đề cần nắm bắt khi xây dựng và chạy dự án truyền thông. Mục thứ tám, giới thiệu góc nhìn đương đại về thế giới như một xã hội nối kết, phần nào có thể coi là khái quát hóa một nhánh của ngành xã hội học khi nhìn vào xã hội loài người qua các liên kết truyền thông. Mục thứ chín, đề cập đến văn hóa qua cách nhìn của ngành truyền thông, là không gian do phương tiện truyền thông và nội dung truyền thông tạo nên. Lần lượt, ba mục vừa rồi tích hợp kiến thức liên ngành từ quản trị kinh doanh, xã hội học và nghiên cứu văn hóa vào khối kiến thức nền tảng truyền thông để xây dựng cơ sở lý thuyết cho người làm truyền thông phát triển.

18

Phần 3: Khảo sát ứng dụng, giới thiệu một số vận dụng thực tiễn từ hệ thống lý thuyết cơ sở cho ngành truyền thông, thực hiện qua dự án truyền thông phát triển, đúc kết lại thành kiến thức thực nghiệm. Mục thứ mười, dành trọn cho hoạt động của Ban quản lý di tích tỉnh ở Văn miếu Bắc Ninh, không chỉ hồi sinh lại hoạt động cho một quần thể kiến trúc nhiều năm bị du khách lãng quên, mà còn đem lại không khí hoàn toàn mới lạ cho một hướng phát triển toàn diện trong bối cảnh chung của khu vực và nền kinh tế toàn cầu. Một số ví dụ khác như mô hình du lịch phát triển mang tính cộng đồng cũng được lồng ghép vào để bổ sung cho hệ thống kinh nghiệm tích lũy được từ loại hình phát triển này. Mục mười một, trình bày các vấn đề có liên quan đến xuất bản và thư viện, mà nổi bật nhất là chương trình vận động sách hóa nông thôn. Mục mười hai, đúc kết kinh nghiệm từ các nước trong khu vực qua chính sách phát triển bằng chính ngành truyền thông giải trí, mà trọng tâm là âm nhạc. Mục mười ba, trình bày dự án truyền thông phát triển cho nông nghiệp do sinh viên Khoa Truyền thông Trường đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện, bắt đầu từ khu vực bò sữa ở Củ Chi và Bình Chánh với ngân sách tự có, sang đến mô hình thế giới về Làng nông Thuận Thiên, bằng ngân sách do các tổ chức quốc tế tài trợ. Mục mười bốn, đi sâu vào vấn đề phát triển cá nhân, mà cũng chính là trải nghiệm mà mỗi độc giả cần phải tư duy và đầu tư nghiên cứu để tự nâng cấp chính bản thân mình trở thành nhà truyền thông phát triển, cũng chính là mục tiêu của cuốn sách này.

19

Phần 1

LÝ THUYẾT TRUYỀN THÔNG

20

21

1. Nhập môn truyền thông

Hiện trên thế giới có khá nhiều giáo trình giảng dạy ở bậc đại học lẫn sách ở bậc phổ thông về truyền thông, đa phần tập trung vào cách hiểu truyền thông như là báo chí. Đây là cách diễn giải theo nghĩa tiếng Anh, tên của một ngành học nổi bật lên trong thập niên 1950 là mass communcation, tức là truyền thông đại chúng. Đối tượng nghiên cứu của ngành này là các thể loại phương tiện truyền đạt nhắm tới công chúng. Xét về số lượng khán giả thì đứng đầu mối quan tâm là truyền hình và trước đó là phát thanh, với các trạm phát sóng do nhà nước hoặc các tập đoàn truyền thông lớn xây dựng, và hệ thống các đơn vị làm chương trình. Do mối quan hệ đặc biệt về chính trị và kinh tế mà người ta chú ý nhiều tới quyền lực và sức ảnh hưởng của quảng cáo. Đi học về truyền thông có nghĩa là làm sao chuyển tải một cách hiệu quả nhất thông điệp từ người phát đến người nghe, nhất là chủ trương, chính sách của nhà nước, và nội dung chào hàng của nhà tài trợ. Công việc của người làm báo, do đó, như mô tả của một trong số những nhà tuyên truyền hàng đầu của Việt Nam

22

như Hữu Thọ1, là mang vị trí xung kích trên mặt trận tư tưởng, thể hiện qua thông tin, qua đối thoại và thuyết phục mà phát huy tính chỉ đạo và tinh thần cách mạng.

Một trong số những bộ giáo trình tiếng Anh đầy đủ và phổ biến nhất về truyền thông đại chúng là của Giáo sư Denis McQuail2. Giáo trình Mass Communication của ông thường xuyên được trích dẫn trong các chương trình đào tạo về truyền thông và liên tục được cập nhật để tái bản suốt 25 năm liền, bán ra hơn 125.000 bản trên toàn thế giới. Theo đó, phương tiện truyền thông đại chúng có thể được phân loại theo lịch sử phát triển như là từ sách, rồi báo, cho đến phim, phát thanh, truyền hình, và cả âm nhạc ghi vào thành băng đĩa, cùng các loại hình trò chơi hay phương tiện mới sử dụng công nghệ máy tính và kỹ thuật số. Về tầm mức ảnh hưởng, thì bên dưới truyền thông đại chúng ta còn có các loại truyền thông trong một đơn vị hoạt động như công ty và cơ quan, hay truyền thông trong nhóm, truyền thông mang tính giao tiếp giữa các cá nhân với nhau, hay thậm chí giao tiếp bên trong mỗi cá nhân. Như vậy, nếu chỉ xét riêng về phương tiện - media thì chưa đủ để hiểu hết về mức độ ảnh hưởng của thông điệp hay quá trình truyền thông đó. Ví dụ, khi đọc sách thì người ta có thể đối thoại với chính bản thân mình, mà thông điệp của nhà văn có khi chỉ đơn giản là một không gian để kích thích tư duy tự

1. Xem Hữu Thọ: Công việc của người viết báo, tái bản lần thứ ba, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2000.

2. Xem McQuail, Denis: Mass Communication, London, Sage, tái bản lần thứ 6, 2010.

23

do không bị dẫn dắt trong đầu của riêng từng bạn đọc một, theo con đường của chính bản thân họ. Nghiên cứu truyền thông khi đó không còn đơn giản là phân tích cú pháp hay tín hiệu được sử dụng trên phương tiện mà là quá trình tâm lý xã hội phức tạp trong mỗi đối tượng độc giả.

Do đó, giới nghiên cứu gần đây có xu hướng phân loại các phương tiện truyền thông - media thành truyền thống và các loại hình truyền thông mới - new media. Các phương tiện này1 chính là hiện tượng trong thế kỷ XX vừa qua, tạo điều kiện cho mạng lưới truyền thông xã hội hình thành và phát triển kéo dài sang tận thế kỷ XXI này. Đầu tiên hết có lẽ là hình ảnh như tranh vẽ và ảnh chụp, mà nay là hiện tượng selfie trong mạng xã hội, tức là bước đi mới nhất của hình ảnh kỹ thuật số. Từ khoảng giữa thế kỷ XVI họa sĩ đã lập phòng tối để vẽ chân dung người phản chiếu lên mặt tranh bằng ánh sáng xuyên qua thấu kính, mở đường cho kỹ thuật chụp ảnh sau này, sử dụng mặt phẳng phủ hóa chất bắt sáng thay cho công việc của người họa sĩ. Bức ảnh chụp đầu tiên được coi là của nhà sáng chế người Pháp Nicéphone Niépce vào năm 1826, còn công nghệ chụp ảnh bắt đầu được phổ biến là nhờ vào chiếc hộp chụp ảnh Kodak của George Eastman vào năm 1888, khách hàng chụp hết cuộn phim 100 tấm thì lại gửi máy về cho nhà sản xuất tráng rửa và thay cuộn mới. Song song với công nghệ ghi hình là công nghệ ghi âm, từ những chiếc máy phát ra âm thanh ngay tại chỗ cho đến phát thanh qua sóng điện từ

1. Xem Hopfinger, Maryla: Nowe media w komunikacji społecznej w XX wieku, Oficyna Naukowa, Warszawa, 2005.

24

trường truyền đi rất xa. Kỹ thuật làm phim mở đường cho truyền hình và video, ngày nay là DVD và youtube. Tất cả các loại hình truyền thông này song hành cùng bước phát triển của công nghệ thông tin tiếp tục tạo ra vô số loại hình phương tiện truyền thông mới, tùy theo góc nhìn nghiên cứu mà người ta có thể xếp thành một loại riêng hay ghép vào một nhóm phương tiện nào đó đã có sẵn trước đó. Ví dụ, như Karaoke có thể được coi là một phương tiện âm nhạc nhưng cũng có thể được coi là một thiết bị điện tử phục vụ vui chơi giải trí, với tầm tác động có thể chỉ đơn giản là một gia đình cùng hàng xóm xung quanh, nhưng cũng có thể là cả một thế hệ hay một tầng lớp xã hội.

Một phần do nhu cầu đào tạo kỹ năng làm việc với một số loại phương tiện truyền thông, mà các giáo trình truyền thông ở Việt Nam thiên về cách hiểu chữ này như là media, và hứng thú đặc biệt với hướng đi mới nhất của nó là truyền thông đa phương tiện - multimedia. Với sự trợ giúp của công nghệ thông tin, mà đặc biệt là kỹ thuật số - digital technology, người ta có thể vận hành hoặc mô phỏng cùng lúc nhiều loại hình phương tiện truyền thông khác nhau trên cùng một thiết bị điện tử. Ví dụ, điện thoại thông minh - smart phone có thể cùng lúc đảm trách nhiệm vụ gọi điện thoại lẫn tiếp nhận sóng ngắn để bật radio, và đón tín hiệu GPS từ vệ tinh định vị toàn cầu để dẫn đường trên bản đồ. Cũng vẫn chỉ là chức năng gọi điện thoại nhưng người ta có thể chọn nhiều băng tần khác nhau, ví dụ như không muốn mất tiền cho sóng điện thoại thì ta có thể nối kết Wifi miễn phí trong quán cà phê để gọi điện bằng Viber, Zalo, Messeger, Facebook... cho người bạn

25

thậm chí đang ở nước ngoài. Đón biết được độc giả sẽ tiếp nhận thông điệp hiệu quả hơn qua kênh dẫn nào chính là chìa khóa thành công trong thời toàn cầu, khi mỗi người có điều kiện nhận và truyền tin qua rất nhiều loại kênh dẫn khác nhau. Mỗi phương tiện đòi hỏi một kỹ năng sản xuất nội dung khác nhau, ví dụ như quảng cáo qua tin nhắn sẽ khác với giới thiệu dịch vụ qua email, và càng khác với cách rao hàng trên truyền hình hay bán tiền ảo trong trò chơi điện tử. Để phục vụ nhu cầu phát triển kinh doanh ở thị trường mới như Việt Nam, nhà đầu tư từ các nước tạo ra công nghệ sẽ yêu cầu nhân viên phải trang bị cho mình các loại kỹ năng khác nhau đó. Các cuộc bầu cử tổng thống ở Hoa Kỳ thường được dùng như là ví dụ để minh họa cho sự thay đổi về phương tiện truyền thông chủ đạo trong xã hội, như Kenedy chiến thắng nhờ biết sử dụng lợi thế của truyền hình, vượt qua ứng viên Nixon vốn già dặn và giàu kinh nghiệm nhưng chỉ sử dụng radio, hay kỹ năng sử dụng mạng xã hội và điện thoại Blackberry của Barack Obama, và gần đây là hiệu quả của thông điệp giới hạn trong vòng 140 từ của Donald Trump trên mạng Twitter.

Nhìn từ góc độ lợi ích quốc gia, thì để làm chủ không chỉ công nghệ mà còn cả tư duy sáng tạo ra công nghệ nữa, chương trình đào tạo ở bậc đại học cần phải trang bị không chỉ kỹ năng làm việc với phương tiện truyền thông - media, mà còn cả tư duy truyền thông nữa. Điều đó thể hiện rõ trong tên tiếng Anh của Khoa Truyền thông thuộc Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh: Faculty of media and communication. Ở Anh ngành này còn mở rộng ra

26

nghiên cứu toàn bộ nền văn hóa, như tên gọi của ngành học do Giáo sư Stuart Hall1 sáng lập: cultural studies. Bắt đầu phát triển từ khoảng thập niên 1970, nay giáo trình này đã được phổ cập xuống đến mức phổ thông, mà học sinh cấp hai đã được nghiên cứu các loại phương tiện truyền thông khác nhau như phim ảnh - film studies, và viết bài báo được coi là kỹ năng bắt buộc phải biết trong môn tập làm văn. Theo một cách hiểu cụ thể như là nghiên cứu phương tiện truyền thông - media studies, thì giáo trình được gọi tên là nghiên cứu văn hóa - cultural studies này cũng có thể diễn dịch sang tiếng Việt là ngành truyền thông.

Nhìn rộng ra hơn nữa, nghiên cứu truyền thông cũng chính là nghiên cứu xã hội loài người thời đương đại, bởi vì phương tiện truyền thông đã làm thay đổi về cơ bản thế giới mà chúng ta đang sống. Con người trong thế giới của tiếng trống tam-tam hay đám khói truyền tin và ngựa trạm hay anh hùng chạy marathon báo tin thắng trận khác xa với con người cùng lúc có thể tiếp cận đối phương bằng nhiều loại vũ khí khác nhau, tất cả đều là thiết bị không người lái điều khiển từ xa bằng trí tuệ nhân tạo do duy nhất một người chỉ huy cùng lúc điều phối bằng nhiều màn hình đặt trước mặt. Không gian đô thị ngày nay, như trình bày của Giáo sư Roger Silverstone2, là một đô thị của các phương tiện truyền thông - mediapolis. Nghiên cứu về truyền thông thực ra

1. Xem Hall, Stuart et al cb: Culture, Media, Language: Working Papers in Cultural Studies 1972-1979, Hutchin, London, 1980.

2. Xem Silverstone, Roger: Media and Morality - On the Rise of the Mediapolis, Polity Press, Cambridge, 2006.

27

cũng chính là nghiên cứu về hệ giá trị đạo đức được hình thành thông qua cơ sở hạ tầng đó và tập quán văn hóa sống của cư dân trong đó, tức là cấu trúc và hiện tượng xã hội. Khi đó, cũng giống như dự án thay đổi quy hoạch thành phố hay đầu tư thêm cơ sở hạ tầng, một sự thay đổi về truyền thông sẽ tạo ra sự phát triển cho cộng đồng dân cư trong xã hội. Ví dụ, dễ thấy nhất là chương trình đầu tư sóng Wifi trên tàu điện ngầm ở Thủ đô Seoul của Hàn Quốc những năm đầu thế kỷ XXI đã tạo ra bước đột phá trong ngành thiết bị truyền thông với các sản phẩm nổi tiếng của Samsung ngày hôm nay và không chỉ có vậy. Cả một ngành công nghệ giải trí của Hàn Quốc qua đó đã vươn mình trỗi dậy phát triển mạnh ra cả bên ngoài biên giới quốc gia và quay lại giúp sức cho các ngành công nghiệp khác trong xuất khẩu, bắt đầu từ sau quốc sách thu thuế bài hát trên máy karaoke rồi dùng tiền đó đầu tư vào cho K-pop. Ở đây, người ta không còn nghiên cứu chỉ riêng ảnh hưởng của truyền thông đối với xã hội theo cách hiểu trước đây, mà nghiên cứu chính sự thay đổi của truyền thông tác động như thế nào vào sự thay đổi của xã hội, một hướng đi rất mới trên thế giới.

Chúng ta đang sống trong một thời đại liên tục biến đổi và khi người ta chưa kịp định hình cái đã có thì nó đã thoái trào và bị cuộc sống lôi vào cái mới hơn. Ví dụ, như sự thành công của tập đoàn điện thoại cầm tay Nokia, bỗng nhiên chìm vào quên lãng và nhường chỗ cho các loại thiết bị điện thoại thông minh. Dù rằng là chức năng gọi điện và nhắn tin vẫn còn đó, nhưng đa số người dùng điện thoại thế hệ mới kết nối với nhau qua mạng xã hội, không còn ranh giới

28

không gian và thời gian nữa. Số thời gian chủ yếu mà điện thoại được dùng ngày hôm nay là để chơi games, để hát karaoke, để nhìn coi bạn bè đưa hình ảnh hay bình luận gì lên facebook, để chụp hình tự sướng, hay để quay phim làm bằng chứng một vụ tai nạn hay tranh chấp với cảnh sát giao thông. Với một số người điện thoại còn là hệ thống điều khiển máy móc tự tưới, tắt mở đèn và đồ đạc trong nhà, hay quản lý lịch công tác và doanh nghiệp. Nếu nhìn lại thì ta thấy mới cách đây không lâu sự hào hứng của loại hình kinh doanh điện thoại công cộng, và trước nữa là điện tín, bỗng biến mất hoặc tích hợp vào trong hoạt động của loại thiết bị thay thế. Con người ngày càng bị kéo xích lại gần nhau hơn do sự phát triển của công nghệ, dù không muốn chủ động kết nối vào thế giới mạng thì vẫn bị nối kết thụ động vào trong đó. Nền kinh tế nối kết khiến con người thay đổi không chỉ tập quán và lối sống mà còn biến chuyển về cơ bản những gì vẫn thường được coi là kỹ năng truyền thông đã được tự nhiên và xã hội trang bị cho mỗi cá nhân.

Nếu xét theo số lượng đầu dây thần kinh tập trung vào các giác quan, thì lưỡi và tay có nhiều nhất. Nhưng con người ngày nay không còn thử món ăn mới bằng lưỡi, hay nhận biết vật thể mới bằng tay, mà tất cả đều dùng mắt - do ảnh hưởng của văn hóa nghe nhìn do chính loài người tạo ra. Người ta nghĩ rằng món ăn nào đó ngon chủ yếu là do bức ảnh chụp đẹp mà người nấu đã khéo léo trình bày và sắp đặt ánh sáng rồi đưa lên facebook. Tương tự vậy, người ta cũng hâm mộ những hot-girl biết cách khoe hình ảnh trên mạng, kèm theo là một vài dòng ghi chú phù hợp.

29

Nếu ngày xưa chữ viết đẹp chỉ giúp người ta dễ đọc nội dung của một thông điệp, thì truyền thông ngày nay ước tính có đến một nửa hiệu quả đến từ hình ảnh, một phần tư là chất lượng âm thanh, và chỉ có một phần rất nhỏ là do sức mạnh của thông điệp được chuyển tải trong bưu kiện truyền thông đó. Con người trong nền kinh tế nối kết là đối tượng thụ động đã được lập trình trong xã hội tiêu thụ, mà nay người ta phải ép mình để học dùng sản phẩm mới thay vì như ngày xưa sản phẩm làm ra để phục vụ những yêu cầu đòi hỏi khó tính của người mua. Các nghiên cứu về truyền thông khiến cho một nhóm người có nhiều hiểu biết hơn trong kỹ năng dẫn dụ người khác và xã hội có thể bị lập trình theo kiểu khác để phục vụ cho lợi ích kinh tế của một nhóm nhỏ người nào đó, hay máy móc hóa một cách vô thức. Rất nhiều điều hay mới lạ đang chờ các nhà nghiên cứu trẻ quan sát, ghi nhận, phân tích, và xây dựng mô hình lý thuyết để diễn giải và tiếp theo là ứng dụng vào thực tế.

Từ khi bắt đầu quan tâm tới tầng thấp hơn của truyền thông là giao tiếp, người ta bắt đầu nhận thấy rằng ảnh hưởng của truyền thông đại chúng không phải lúc nào cũng hiệu quả bằng truyền thông trực tiếp giữa người với người hay trong một nhóm nhỏ - interpersonal (face to face) communication. Ví dụ, rõ nhất là chương trình kế hoạch hóa sinh đẻ ở Hàn Quốc năm 1968, thành công chủ yếu là nhờ vào 12.000 nhóm tuyên truyền hoạt động trong khắp các thôn, xóm. Các nghiên cứu sau này xác định được rằng truyền thông đại chúng và tuyên truyền viên là người đem thông tin đến với các lãnh đạo và chức sắc địa phương,

30

nhưng quá trình giao tiếp mới là chìa khóa quyết định trong việc tạo ra sự thay đổi trong xã hội, thuyết phục được số đông phụ nữ Hàn Quốc kế hoạch hóa gia đình. Khảo sát định lượng chỉ ra hai tham số chính, là mức độ quan hệ của người lãnh đạo điểm tuyên truyền vận động với những lưới quan hệ khác trong làng, và độ chồng lấp giữa mạng quan hệ này và các mạng quan hệ thường ngày trong làng giữa cư dân với nhau. Công tác kế hoạch hóa đạt kết quả tốt nhất ở nơi người phụ trách mạng lưới tuyên truyền tự mình nói chuyện với thật nhiều người, và những người phụ nữ trong làng cũng bàn tán với nhau về chuyện đó. Khi người ta bàn chính là lúc tạo ra thay đổi, tức là phát triển, từ xã hội kéo theo là kinh tế. Như vậy, từ góc độ của ngành truyền thông phát triển như mối quan tâm của chúng ta trong cuốn sách này, thì khái niệm truyền thông cần được hiểu cả như là truyền thông đại chúng, lẫn truyền thông tương tác giữa các cá nhân hay trong từng nhóm nhỏ.

Nếu độc giả từng có kinh nghiệm làm việc trong một công ty thì chắc đã hiểu rất rõ về tầm quan trọng của việc truyền thông bên trong một nhóm, tức là team work. Tôi xin chia sẻ một kinh nghiệm nhớ mãi, từ thời sinh viên làm báo cộng đồng cho người Việt ở Ba Lan. Sau một số bài báo tiếng Ba Lan tường thuật không tốt về người Việt ở đây, nhân một cuộc họp cộng đồng tôi quyết định mời nhà báo đó đến, và đã được những người tham gia giơ tay đồng ý. Thế nhưng một bạn trong nhóm làm nhiệm vụ tiếp khách ở bên ngoài, nghe những ý kiến không chính thức từ đầu buổi họp, quyết định không cho nhà báo nọ vào cửa, và những người còn lại

31

trong nhóm đó, dù một người có mặt lúc hội trường biểu quyết, thì không lên tiếng gì cả. Mọi người trong phòng họp cứ chờ và nghĩ rằng nhà báo nọ không muốn đến gặp những người Việt ở đây. Đứt gãy trong khâu truyền thông kéo theo chuyện lớn hơn là thiệt hại về sự giao tiếp giữa hai cộng đồng dân cư, mất tiếng nói trên truyền thông đại chúng, tạo ra thiệt thòi về các nguồn giúp đỡ phát triển trong xã hội. Tương tự như vậy, thiếu trao đổi trong gia đình có thể tạo ra rất nhiều thiệt hại về kinh tế, và không giãi bày hết mọi uẩn khúc sẽ khiến mâu thuẫn đối kháng kéo dài làm kiệt quệ về tinh thần và những người bị liên quan sẽ không còn đủ năng lượng để lo nghĩ đến những chuyện khác hay tương lai. Một giải pháp về truyền thông trong nội bộ sẽ không chỉ giảm giá thành sản phẩm, như Bill Gates từng trình bày về giải pháp email hóa quy trình nội bộ và giấy tờ sổ sách ở Microsoft, mà còn giúp tăng tốc độ làm việc, tức là tăng năng suất, có nghĩa là phát triển cho toàn xã hội. Dự án chính phủ điện tử, do vậy, cũng là một phần trong con đường phát triển, nhìn rộng hơn, của một quốc gia. Truyền thông cũng là cầu nối tương tác giữa các nhóm, từ mức nhỏ như giữa các gia đình, cho đến mức lớn như giữa các quốc gia và các nền văn minh, mà giải tỏa xung đột chính là điều kiện đầu tiên để phát triển, như vai trò của Con đường tơ lụa ngày xưa nối liền giữa châu Âu và châu Á, mà những ghi chép và mô tả do Marco Polo đem từ Trung Quốc về Venice đã tạo ra nhiều thay đổi. Cá nhân tác giả cuốn sách này cũng tự hào từng có đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng người Việt ở Ba Lan nhờ hoạt động báo chí mà đặc biệt là làm người dẫn cho một chương trình phóng sự đặc biệt trên kênh truyền hình

32

Ba Lan về cuộc sống của người Việt ở đây, xóa bớt rào cản và những lời đồn đại ác ý để gắn kết và giới thiệu doanh nghiệp Việt. Ở nơi khác, một sự kiện truyền thông như vậy có thể phải tốn kém rất nhiều, như ngân hàng Bank of China phải tài trợ rất nhiều để giới thiệu ngày Tết Trung Quốc ở thủ đô London, quảng bá doanh nghiệp Trung Quốc và khu phố Tàu - China Town ở thủ đô nước Anh.

Ngoài việc phân chia truyền thông theo các cấp độ cao thấp khác nhau tùy thuộc vào số lượng giao tiếp, người ta còn đặt phương tiện truyền thông vào vị trí trung tâm để nghiên cứu các mối quan hệ xã hội và ảnh hưởng văn hóa hay cá nhân. Đây chính là cách nhìn của Stephen Littlejohn1 về truyền thông nhân loại, mà sách giáo khoa của ông luôn nằm trong cơ cấu giáo trình của ngành truyền thông tại các trường lớn trên thế giới, phân chia các nghiên cứu về truyền thông thành 5 nhóm. Trước hết, phổ biến nhất là nhóm các nhà nghiên cứu chuyên về cấu trúc hay ngữ văn như Marshall McLuhan tập trung vào phân tích nội dung đang được các phương tiện truyền thông chuyển tải. Nhóm thứ hai cũng đang được rất nhiều trường đại học đi theo, sử dụng triết học Mác để phân tích mối quan hệ xã hội, lấy truyền thông là phương tiện hay thước đo, mà nổi bật là ảnh hưởng của Stuart Hall. Nhóm thứ ba quan tâm đến hiệu quả và thường gặp trong các nghiên cứu mang tính ứng dụng truyền thông, tập trung khai thác mối quan hệ giữa phương tiện truyền thông và khán giả, xây dựng sơ

1. Xem Littlejohn, Stephen W và Karen Foss: Theories of Human Communication, Cengage Learning, 2008.

33

đồ mạng, đo tác động của nội dung vào suy nghĩ của người xem, người đọc, hay người nghe. Theo sau mối quan hệ giữa truyền thông và xã hội là nhóm thứ tư, chuyên nghiên cứu và xây dựng lý thuyết chức năng hay văn hóa, khảo sát tác động của truyền thông đối với xã hội. Trong nhóm này có lý thuyết, như tổng hợp của Karl Erik Rosengren, quan tâm đến sự ảnh hưởng ngay tức thời hay trong vòng vài ba ngày của tin tức, và cũng có lý thuyết nghiên cứu sự ảnh hưởng diễn ra sau đó vài tuần, vài tháng, hay vài năm và một vài thế hệ. Giáo trình của Stephen Littlejohn thường được tham khảo ở bậc đại học do sự tổng hợp đầy đủ và hệ thống về các lý thuyết và nghiên cứu mới nhất trong ngành truyền thông. Nhóm thứ năm đang trở thành vấn đề được quan tâm rất nhiều gần đây, nghiên cứu ảnh hưởng của truyền thông không phải đối với đại chúng hay số đông người trong xã hội, mà là riêng biệt đối với từng cá nhân một trong bối cảnh cuộc sống không ai giống ai.

Truyền thông phát triển quan tâm tới sự thay đổi toàn diện trong xã hội và từng cá nhân, cho nên quan tâm hơn đến hai nhóm sau trong mô hình vừa trình bày. Điểm chung là nghiên cứu tác động của truyền thông, phân chia mối quan tâm ở cấp độ cá nhân và nhóm, hay số đông. Sắp xếp theo cách khác, các lý thuyết trong hai nhóm này có thể được phân chia tùy theo cấp độ về thời gian của ảnh hưởng. Trong vòng vài giờ và vài ngày thì người ta sẽ nghiên cứu mức độ lan tỏa của tin tức. Muốn xác định hiệu quả của thông điệp trong vài tuần và vài tháng, giới truyền thông thường chú ý đến biện pháp gọi là đặt ra tâm điểm khiến

34

khán giả quan tâm. Ở mức độ tin tức thì loan một tin nào đó, hay thông báo một điều gì đó sẽ nhằm mục tiêu khuyến dụ người nhận tin làm theo điều mình yêu cầu. Trong một không gian xã hội mà mỗi cá nhân có quyền tự chủ cao hơn, tự bản thân biết suy nghĩ và ra quyết định có làm theo mệnh lệnh hay không, thì việc thuyết phục cần phải được làm một cách khéo léo hơn, là nêu vấn đề rồi khuyến khích họ bàn về điều đó. Tuy nhiên, trong xã hội cũng có những người không muốn tiết lộ quan điểm, thì sự im lặng của họ cũng tạo ra một hiệu quả trong truyền thông mà người ta phải đo bằng tháng hay năm. Các nhà nghiên cứu có thể dành ra nhiều năm cho đến nhiều thập niên để khảo sát xã hội sẽ nhìn thấy hiện tượng mà giới chuyên gia gọi là được nuôi dưỡng trong một không gian truyền thông nhất định. Ví dụ, từ bé đến lớn chúng ta suốt ngày được xem truyền hình thì sẽ dần mường tượng ra thế giới loài người xung quanh theo kiểu như vậy. Truyền thông của mỗi quốc gia hay nền văn minh sẽ dần nuôi dưỡng và kiến tạo nên những con người trong tương lai của dân tộc hay văn hóa đó. Khi có đủ điều kiện để thu thập dữ liệu, lưu trữ và phân tích theo quãng thời gian dài hàng chục năm hay thậm chí vài thế kỷ, người ta sẽ khảo sát không gian công và sự thay đổi hay định hình của nó. Các nghiên cứu vừa kể về ảnh hưởng văn hóa phần nào có thể coi như là nghiên cứu về chức năng của ngành truyền thông, phát ra thông điệp gì, thuộc loại nào, cho đối tượng khán giả nào để nhằm đạt được điều gì và hiệu quả cuối cùng ra sao.

35

2. Truyền tin giao tiếp

Bất kể là truyền thông đại chúng có phải là sự phát triển hay nối dài của sự giao tiếp nội bộ giữa người với người hay không, trong thời đại của truyền thông đa phương tiện người truyền tin ít nhiều phải chú ý đến sự đón nhận tin tức của mỗi cá nhân đơn lẻ. Tức là, mỗi thông điệp truyền thông dù là nhắm đến đại chúng, nhưng cần phải là bài phát biểu đến từng cá nhân đơn lẻ trong từng hoàn cảnh xã hội và bối cảnh lịch sử cụ thể. Mỗi cá nhân đều có điều kiện trở thành một đài truyền hình để truyền thông điệp của mình đến một người cụ thể hay lạ mặt nào khác. Trong điều kiện công nghệ thông tin cho phép chuyển đi không chỉ là các loại ngôn ngữ mà cả tín hiệu cử chỉ, như là nét mặt qua màn ảnh video, hay thậm chí cả thiết bị giúp người ta có thể tiếp xúc với nhau từ xa, thì không chỉ nội dung bài phát biểu mà ngay cả những biểu hiện nhỏ nhất của vô thức cũng trở thành điều đáng được quan tâm đặc biệt. Từ sau phiên điều trần của Tổng thống Bill Clinton về vụ bê bối tình dục với cô Lewinsky, giới truyền hình bắt đầu quan tâm đặc biệt đến những biểu hiện trên cơ thể của các vị lãnh đạo khi lên truyền hình, như là gần đây về cách mà

36

các lãnh đạo thế giới đối phó với kiểu bắt tay rất đặc biệt của Tổng thống Donald Trump. Giao tiếp, do đó, là một bộ môn cần được quan tâm đặc biệt trong ngành truyền thông.

Từ góc độ lý thuyết, các chuyên gia muốn tìm ra đơn vị cơ bản nhất của truyền thông, mà như triết gia Ludwig Wittgenstein tin rằng điều mà chúng ta gọi là ý nghĩa bắt buộc phải có liên quan với thứ ngôn ngữ sơ đẳng nhất là cử chỉ. Phán đoán đó được trích dẫn để mở đầu chương sách trình bày nghiên cứu về sự giao tiếp của loài người - human communication, do Giáo sư người Mỹ Michael Tomasello1 thực hiện tại cơ sở nghiên cứu của Đức đang dẫn đầu thế giới trong ngành học này - phân khoa Nhân học tiến hóa của Viện Max Planck, và được giới thiệu trong bài giảng danh giá mang tên Jean Nicod ở Paris năm 2006, ảnh hưởng sâu rộng trong ngành truyền thông trên thế giới và nhiều ngành học khác. Lấy ví dụ từ hành động chỉ ngón tay vào một việc gì đó, Giáo sư Tomasello diễn giải rằng đây là hành vi giao tiếp phân biệt rõ giữa con người và các loài vật khác. Hành vi này chỉ có thể tồn tại trong điều kiện người phát tin và người nhận tin cùng có chung một cơ sở thông tin và đang cộng tác với nhau trong một hành động chung nào đó. Giống như ám hiệu bằng tay giữa các binh sĩ trong cùng một toán quân - sự thông hiểu dựa trên một tập hợp các ám hiệu đã được học thuộc, tập luyện nhuần nhuyễn, và phối hợp thuần thục - sự thông hiểu bằng cử chỉ ở mức giản đơn nhất có thể quan sát thấy trong giao tiếp của con người

1. Xem Tomasello, Michael: Origins of Human Communication MIT Press, 2008.

37

đến từ các nền văn hóa khác nhau. Giới chuyên gia tin rằng từ những giao tiếp nguyên thủy đó loài người bắt đầu phát triển dần lên thành 6.000 loại ngôn ngữ khác nhau hiện đang được sử dụng trên thế giới. Giao tiếp mang tính phối hợp ở loài người tạo ra cơ sở hạ tầng về tâm lý cho hợp tác.

Một số nhóm nghiên cứu còn đi xuống tầng thấp hơn nữa, phối hợp với sinh vật học, để tìm hiểu kết cấu truyền tin ở các loại động vật và thậm chí cả thực vật. Họ tin rằng những quy trình đó, qua quá trình tiến hóa, tiếp tục được duy trì một cách vô thức ở con người. Thực vậy, như cơ chế phản ứng hóa học được tích hợp lại ở khu vực tiếp nhận thức ăn của con người cho phép ta nếm được vị ngọt của đường - glucose, vị ngọt umami của thịt - protein hay vị đắng của kiềm, chua của acid, mùi thơm của hóa chất hữu cơ có cấu tạo vòng phenol, v.v., là các loại chất cần thiết để duy trì sự sống. Loài vật dùng mùi hương, âm thanh, và cử chỉ để tìm và chọn lựa bạn tình, đánh dấu lãnh thổ, cảnh báo về nguy hiểm hay phối hợp kiếm ăn. Tùy theo mức độ tiến hóa mà quy trình phát và nhận biết rồi phân tích tín hiệu có thể chỉ đơn giản như là phản ứng lý hóa, cho đến phức tạp như qua cơ chế xử lý của não, và qua quá trình luyện tập trong một cộng đồng giống như một xã hội thu nhỏ. Chỉ cần một điệu múa chú ong có thể báo cho cả đàn biết về vị trí vùng nhiều hoa để kéo tới hút mật. Với một lượng hóa chất rất nhỏ để phát mùi hương, loài cây ăn thịt sẽ tốn rất ít năng lượng cho việc phát tín hiệu dụ dỗ các loài côn trùng tới nộp mạng. Con người chúng ta một cách cố tình hay vô thức cũng dùng từ hương liệu trên nước hoa hay nước tắm và bột giặt, màu sắc trên quần áo

38

và trang điểm hay tóc và móng tay, cho đến dáng điệu cử chỉ như bước đi và điệu nhảy, ánh mắt, bờ môi, v.v., để làm những việc tương tự. Nghiên cứu ở sinh vật thường thấy ứng dụng vào quảng cáo hay thiết kế sản phẩm cho loài người, từ kiểu dáng cho đến màu sắc và cả mùi hương.

Từ góc độ của người làm truyền thông, chúng ta có thể quan tâm đến các nghiên cứu về hệ thống truyền tín hiệu giữa các loài vật, mà gần đây giới chuyên gia đặc biệt chú ý đến hiện tượng loài vật không chỉ truyền tin thông báo về tình hình thật của mình mà còn biết cách đưa tin sai lạc về thể trạng để đạt mục đích cá nhân. Hướng nghiên cứu này của Searcy & Nowicki1 coi giao tiếp là một mô hình truyền tín hiệu - signalling system từ một bên phát tín hiệu - signaler đến bên nhận tín hiệu - receiver. Nếu tính theo chi phí về năng lượng phải bỏ ra, một cuộc tấn công bằng sức lực sẽ hao tốn nhiều hơn một trận phô diễn về sức mạnh, tức là truyền đạt tín hiệu về sự hung bạo nhằm trấn áp tinh thần khiến đối thủ phải bỏ chạy. Nhưng nếu tín hiệu không đủ để làm lung lạc đối phương thì bản thân đã hao tổn mất một phần sức lực có thể sẽ không đủ để bảo đảm chiến thắng khi thực sự tấn công. Hoặc giả đằng nào cũng không đánh lại đối phương thì dồn sức vào mặt trận truyền thông sẽ là cơ hội duy nhất để phòng thủ. Những bài tính đơn giản như vậy ở loài vật cũng thường được ghi nhận trong các chiến lược quân sự mang tính phối hợp ở

1. Xem Searcy, William A. và Stephen Nowicki: The Evolution of Animal Communication - Reliability and Deception in Signalling System, 2005.

39

loài người. Nghiên cứu hệ thống truyền tin ở loài vật chính là sự soi chiếu cho môi trường truyền thông trong thế giới loài người. Một cô gái đẹp có thể cân nhắc khoản tiền đầu tư cho son phấn và quần áo hay đem đi cho và giúp đỡ người nghèo, và phản ứng từ đám đàn ông xung quanh cô sẽ quyết định kết quả cho bài toán này. Một đứa bé có thể theo bản năng mà giả vờ để được phụ huynh quan tâm nhiều hơn, và ngược lại, hành động nào của cha mẹ sẽ khuyến khích con nói dối. Đạo đức truyền thống như “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” có nên được duy trì trong bối cảnh xã hội lại cổ xúy cho việc dối trá để được lợi lớn? Nhà truyền thông nên nói thật, hay trình bày điều tạo dựng để phục vụ mục tiêu có thể là phục vụ cộng đồng? Trong giao tiếp, con người có thể trao cho nhau những lời nói dối vô hại để làm vui lòng nhau, hay nói ra sự thật mất lòng để giúp xã hội cùng tiến bộ? Nội dung trên truyền thông đại chúng thường được bắt đầu bằng những câu hỏi tưởng chừng như rất giản đơn nhưng lại chứa đựng đầy căn tính triết học kiểu như vậy.

Trước đây, các nhà sinh vật học theo xu hướng giải thích các tín hiệu của loài vật trên cơ sở giả thiết rằng chúng đang tương tác theo cách phối hợp với nhau, ví dụ như đàn chó sói cùng săn mồi, chim trống và mái cùng đẻ con. Thế nhưng bản chất của thế giới sinh vật còn có một quy luật khác là cạnh tranh sinh tồn, bao gồm cả sự ganh đua giữa đàn gà cùng một mẹ để thụ hưởng nhiều thức ăn và sự chăm sóc hơn, hay giữa người vợ và người chồng trong cùng một gia đình về cơ hội công việc, thu nhập và vị thế xã hội. Như vậy, bản chất của tín hiệu không hoàn toàn trung tính vô hại mà là kết quả của một ý đồ nào đó từ

40

bên phía phát tín hiệu nhằm tác động vào hành vi của bên nhận tín hiệu nhằm có lợi cho mình, như lý giải từ thập niên 1970 của Giáo sư sinh vật học nổi tiếng người Anh Richard Dawkins. Tức là, phần lớn thông tin do người phát tín hiệu cung cấp không phải là những gì người nhận mong đợi để xử lý và nhận biết hoàn cảnh, mà chỉ là một phần mà người phát cho rằng sẽ dẫn dụ người nhận hành xử theo toan tính của mình. Toan tính đó có thể có lợi cho cả người nhận tin, chứ lợi ích của người phát tin không nhất thiết lúc nào cũng phải đánh đổi bằng thiệt hại của người nhận tin. Bản thân người nhận tin có thể nhận ra sự thiệt thòi của mình, và chấp nhận duy trì mối quan hệ thiếu công bằng đó, bởi vì nếu không thì người đó đã tự rút ra khỏi mối quan hệ truyền thông này. Khi tín hiệu gửi đi không có người nhận thì mối quan hệ truyền thông mà ta đang khảo sát coi như là biến mất. Người nhận cũng có thể tiếp tục nhận tin nhưng bằng bộ lọc hay diễn dịch hoàn toàn khác, kiểu như đánh lừa người phát rằng mình vẫn tiếp tục lắng nghe, nhưng kín đáo không để lộ cho biết là mình không còn làm theo ý đồ của người phát nữa và xử lý thông tin này theo một cách hoàn toàn khác. Trong trường hợp đó mối quan hệ truyền thông đã thay đổi hoàn toàn tính chất và về cơ bản có thể nói rằng đã được thay thế bằng một mối quan hệ truyền thông khác.

Với sự phối hợp của lý thuyết trò chơi, một ngành toán học được giải Nobel kinh tế, các nghiên cứu tưởng chừng như khá nhàm chán và mất nhiều công sức trong thế giới loài vật đã nhanh chóng được ứng dụng vào thế giới loài người, và ngành học về truyền thông cũng được hưởng lợi.

41

Giới chuyên gia mô tả mối quan hệ giao tiếp bằng những mô hình tính toán đơn giản, ví dụ như trường hợp nổi tiếng về sự lựa chọn của tù nhân - prisoners’ dilemma. Phát triển từ một mô hình trước đó, Giáo sư người Canađa Albert Tucker đặt thành một bài toán chọn lựa. Hai kẻ trộm cùng bị bắt vào tù, nếu ai khai ra toàn bộ vụ việc sẽ được thả và người kia chịu án 3 năm tù. Nếu cả hai cùng không khai báo gì cả thì sẽ được thả sau 1 năm giam giữ. Trường hợp cả hai cùng phản bội đồng bọn thì sẽ cùng bị kết án 2 năm tù. Nếu thiếu phối hợp và không biết tính toán thì tên trộm sẽ khai để mong được thả và cả hai cùng ngồi tù, còn nếu được chuẩn bị tinh thần từ trước và thấu hiểu hoàn cảnh thì cả hai sẽ sớm được thả. Tình huống này rất thường gặp trong cuộc sống, từ cái giá phải trả cho những hành động của mình trong tập thể, cho đến cuộc chiến về giá cả hay cạnh tranh giữa các đối thủ kinh tế. Việc khái quát hóa mối quan hệ thành bài toán giao tiếp giúp các bên cùng hợp tác để cùng nhau có lợi, tức là tình huống win-win, trong mối quan hệ qua lại. Bài toán này khi được thay đổi tham số, thêm điều kiện phụ hay bổ sung về quy mô sẽ trở thành đối tượng nghiên cứu đầy lý thú trong ứng dụng. Một tình huống tương tự như hai chiếc xe đối đầu nhau trên cây cầu chỉ có một làn đường, thường được gọi là trò chơi đá gà hay Hawk-Dove. Khi đó, tùy thuộc vào quyết định của mỗi bên mà hành động của bên kia sẽ tạo ra kết quả khác nhau, cho nên không có công thức từ trước cho hành động của mỗi bên tham gia vào cuộc chơi.

Từ lâu, giới chuyên gia đã không tin vào mức độ trung thực trong lời nói của con người và cố gắng tìm đến những dấu hiệu đáng tin cậy nhất trên cơ thể bộc lộ những gì

42

người đó đang toan tính trong suy nghĩ. Bộ sách nổi tiếng nhất về ngôn ngữ của cử chỉ do chuyên gia Alan Pease1 đúc kết từ những năm tháng làm nghề bán xe và quan sát khách hàng để đạt doanh số cao nhất. Một người không được rèn luyện để kiểm soát hành động của mình như diễn viên sẽ dễ dàng bộc lộ hết những gì mình đang nghĩ, có thể ngược lại hoàn toàn với những gì mình đã nói ra với mục tiêu truyền đạt một thông điệp nhằm dẫn dụ người nghe. Một trong số các ví dụ đơn giản là kỹ năng kiểm tra người nói dối khi nói chuyện. Trước đó ta có thể kiểm tra đối tác bằng cách đặt câu hỏi về những gì họ đã làm trong quá khứ, vị dụ sáng nay ăn món gì. Khi lục lại trong ký ức, mắt thường có xu hướng nhướn sang trái. Còn lúc tính toán điều gì trong tương lai, ví dụ kế hoạch tối nay sẽ gặp ai, thì nhướn sang phải. Khi hỏi cung, nếu đối tượng cố gắng nhớ lại điều gì trong quá khứ, rồi toan tính xem nếu nói ra thì sẽ gặp điều gì trong tương lai, thì mắt sẽ láo liên như kẻ trộm lúc nói dối. Để xác định mức độ chính xác từ lời khai của đối tượng, ngành thẩm vấn đã nghiên cứu và đúc kết rất nhiều phương pháp để phân biệt lời nói dối, từ máy đo nhịp tim cho đến phản ứng của các đầu dây thần kinh. Tất nhiên, khi kiến thức được cập nhật đến đâu thì con người cũng nhanh chóng biết tạo ra kế sách mới đến đó. Chỉ đơn giản là thông tin sơ cấp giữa hai người đã đòi hỏi tư duy phải phân biệt rất rõ rằng ta biết rằng đối tượng biết rằng ta đang đọc được vị của họ. Giới chuyên gia về trí tuệ nhân tạo tin rằng để có được mức độ trí thông minh như của loài người thì có đến 9 vòng lặp

1. Xem Pease, Alan: Body Language: How to Read Others’ Thoughts by Their Gestures, SPCK Publishing, 1988.

43

như vậy, mà ở mỗi tầng thì ý nghĩa của tín hiệu mang giá trị đúng hay sai hoàn toàn khác nhau.

Khi người ở tầng cao hơn của nhận thức vẫn còn có thể dẫn dụ người ở tầng thấp hơn bằng cách sử dụng một số loại hình tín hiệu nào đó, thì ngành quảng cáo vẫn có thể nhanh chóng thuyết phục khách hàng bằng một đoạn phim ngắn thậm chí chỉ 10-15 giây hay chuẩn thường gặp là 30 giây mà thôi. Một bờ vai gợi cảm có thể khiến người ta yêu say đắm một món đồ trang sức mà giá thành sản xuất không đáng là bao, hay động tác thể hiện tình cảm mẹ con là đủ để khiến người xem chạy đi mua nhãn hiệu sữa vừa quảng cáo. Những tín hiệu tưởng chừng như vô thức lại là thứ nội dung truyền thông được đầu tư đặc biệt để dẫn dụ người xem. Mối quan hệ giữa người sản xuất hay người bán hàng với khách hàng được thay thế bằng giao tiếp giữa diễn viên và người xem, mặc nhiên tác động trực tiếp vào tiềm thức của khán giả. Đó cũng chính là lý do tại sao một số quảng cáo bị cấm chiếu trên kênh truyền hình cho trẻ em, hay trước giờ được coi là dành riêng cho người lớn như 9 và 11 giờ tối ở Anh. Giao tiếp giữa cá nhân được chính quyền can thiệp để bảo đảm quyền lợi cho kẻ yếu thế, ví dụ luật cấm bán rượu và thuốc lá cho người dưới 21 tuổi, kể cả là mua giúp cho người lớn trong nhà. Một tác phẩm văn chương có thể bị cấm hay kiểm duyệt và giới hạn lượng người đọc trong một nhóm nào đó khi nội dung có thể được diễn giải và áp dụng rất khác nhau ở các tầng nhận thức khác nhau trong xã hội. Ví dụ đơn giản như một bộ phim tuyên truyền được Hội đồng lập hiến thời Sa Hoàng thực hiện, quay cảnh những người đại diện cho dân chúng tranh cãi và đòi quyền lợi cho

44

các tầng lớp thấp cổ bé họng trong xã hội, nhưng khi được đem về chiếu ở các vùng làng quê thì tạo ra tâm lý căm ghét những kẻ ăn mặc đẹp, không tay lấm chân bùn, không làm việc gì cụ thể trong những tòa nhà cao sang. Người nông dân thiếu trình độ để hiểu nội dung cuộc nói chuyện sẽ tập trung quan sát và tin vào những gì mình nhìn thấy được bằng trình độ của mình là như vậy. Tương tự vậy, họ sẽ dễ dàng tin vào lời quảng cáo sản phẩm của diễn viên mà họ yêu thích, hơn là lắng nghe cuộc tranh luận về mức độ nguy hại của sản phẩm đó. Truyền thông tương tác đặc biệt chú ý đến đám đông ngoại lệ đó, vì họ mới chính là khách hàng đầy tiềm năng trong thế giới phẳng.

Thế giới của công nghệ phát triển cũng khiến con người thay đổi rất nhanh trong giao tiếp. Ví dụ đơn giản, trước kia khi chưa có điện thoại thì có mấy ai biết nói “alô” khi nhấc ống nghe lên kia chứ. Dần rồi thì người ta cũng không còn phân biệt xem chữ đó là từ tiếng Anh hay tiếng Pháp, dần trở thành tiếng Việt sau một thời gian thử du nhập chữ “wei” từ phim bộ Hồng Kông. Thời có điện thoại di động hễ đến chỗ nào hay là chị em gọi cho nhau kể, còn giờ hay đùa giỡn là trước khi ăn phải “cúng facebook”, tức là chụp ảnh cho lên mạng khoe luôn. Có những thứ thói quen liên lạc hầu như đã biến mất như viết thư bằng tay, hay gửi thiệp chúc Tết, từng là dịch vụ truyền thông rất ăn khách mới chỉ cách nay chừng 20 năm. Thậm chí bây giờ ngay cả hồ sơ xin việc cũng được điền trên mạng, không cần nhiều giấy tờ, và phỏng vấn tuyển sinh được thực hiện qua cầu truyền hình từ xa. Điện thoại di động thông minh trở thành cánh tay nối dài,

45

đến mức thậm chí có những nghiên cứu tích hợp cỗ máy đó vào cánh tay người hay thậm chí nối trực tiếp vào não để người ta có thể điều khiển trực tiếp bằng ý nghĩ không cần gián tiếp thông qua lời nói hay hành động bấm nút. Truyền thông thời tương tác được mô tả như là truyền thông của cá nhân trong không gian của truyền thông đại chúng self mass communication. Với thiết bị nối mạng một người có thể giao tiếp với tất cả mọi thành viên trong đó, tức là toàn bộ thế giới.

Trong những ngày điện thoại hỏng, bản thân tôi được trải nghiệm sự bực bội khi thói quen sống của mình bị đảo lộn như thế nào, không phải vì bị thiết bị công nghệ cao can thiệp, mà ngược lại, vì bị thiếu chiếc máy mà nhiều năm qua đã trở thành phần nối dài của không chỉ bàn tay mà cả tư duy của mình nữa. Thói quen đi đâu cũng chụp ảnh thay vì ghi nhớ, ví dụ như số tủ cất đồ, đoạn rẽ để quay lại, hay tra sẵn bản đồ tại chỗ, và cả sổ điện thoại, v.v. bỗng dưng biến mất sạch khiến bản thân ngơ ngác tìm biện pháp thay thế, tức là quay ngược lại ngày xưa. Giống như trường hợp một người bạn từ Mỹ sang chơi, chúng tôi hẹn gặp nhau theo kiểu của 20 năm trước, là đến đó thì đứng ở chỗ đó, chờ 15 phút không thấy nhau thì sang kế hoạch B là một địa điểm thay thế nào đó, chứ không như bây giờ thì gần đến nơi mới gọi nhau í ới xem đang ở đâu. Chắc quý độc giả cũng có những trải nghiệm tương tự. Nắm được tâm lý kiểu này của khách hàng, các công ty điện thoại luôn chuẩn bị sẵn hệ thống để chuyển ngay sổ điện thoại và hệ thống dữ liệu thường ngày sang máy mới, và lưu trữ dự phòng luôn ở một nơi nào đó trên mạng.

46

Không cần cứ phải thiết bị điện tử hiện đại, con người ta từ sau khi có máy chụp ảnh mà nhất là chi phí in ảnh vừa túi tiền thì mới có thói quen lưu ảnh kỷ niệm để khoe nhau khi khách đến nhà, sau khi có máy ghi âm mới hình thành thói quen nghe nhạc bằng máy đem theo người, và trước đó là phong trào vẽ tranh phong cảnh hay đem theo nhạc cụ để giải trí. Tương tự vậy với máy đánh chữ, hay máy in sắp chữ, hay giấy và bút tạo ra những thói quen dần được quy ước hóa trong xã hội. Nhìn theo hệ quy chiếu của nhân học văn hóa thì thiết bị giải trí chính là cỗ máy giúp tái tạo một không gian văn hóa mà con người có thể đem theo và dễ dàng mở ra như chiếc lều lò xo nhanh chóng tạo ra căn nhà di động. Thiết bị truyền thông cho phép dịch chuyển thậm chỉ toàn bộ cả một nền văn hóa, ví dụ chiếc máy tính bảng hay iPad đem lên hành tinh khác, chứa đủ cả một thư viện sách cùng phim ảnh và âm thanh cũng như liên lạc trực tiếp với xã hội loài người giống như là đang hiện diện ngay trong phòng bên cạnh. Thông qua thiết bị trợ giúp, sự giao tiếp giữa con người được nối dài cả theo chiều không gian - rút ngắn khoảng cách, lẫn chiều thời gian - thông điệp được lưu trữ tại một thời điểm sẽ được thế hệ sau tại một thời điểm khác nhận. Nền kinh tế nối kết cho phép chúng ta kết nối không chỉ với một cộng đồng người đang sống ở nơi khác mà còn cả trong một thời đại khác nữa, ví dụ như sự quay trở lại của một bài hát xưa nhờ công nghệ giúp đưa âm thanh từ đĩa nhựa hay hình ảnh từ băng video lên mạng youtube.

Cũng cần phải nhìn nhận thêm một điều, rằng mặc dù giao tiếp được thực hiện giữa hai cá nhân, nhưng dựa trên

47

những gì đã được toàn xã hội quy ước hóa. Một ví dụ đơn giản thôi, nếu ta gặp một người Hy Lạp, thì có thể sẽ gặp trục trặc trong giao tiếp khi văn hóa Hy Lạp gật đầu có nghĩa là lắc đầu và lắc đầu có nghĩa là đồng ý. Ở đây không cần phải ai lừa ai ta vẫn phải đoán mò xem anh bạn người Hy Lạp nọ lắc đầu theo thói quen thường ngày là đồng ý, hay lắc đầu theo ngôn ngữ mà anh ấy nghĩ rằng của ta là không đồng ý. Mà liệu anh bạn Hy Lạp đó có biết, nhìn vào mặt mũi màu da, ta có thể cũng là người đang sống trong văn hóa Hy Lạp hay không. Quy ước là một vấn đề cũng rất cần được chú ý trong truyền thông, khi một cử chỉ mang tính khen ngợi như ngón tay trỏ đưa lên thành hình chữ Like trong facebook có thể hàm ý chửi bậy trong một văn hóa nào khác. Cùng việc chỉ tay có thể hiểu như cảnh báo điều gì đó nhưng cũng có thể bị hiểu như là hành vi khiếm nhã. Quy ước thay đổi theo tọa độ không gian và cũng có thể biến đổi theo tọa độ thời gian, tức là chuyển biến theo dòng lịch sử. Nhiều quy ước, như ngữ pháp và chữ viết, cần được học trước khi con người có thể sử dụng thành thạo trong cuộc sống. Thậm chí, ngay cả việc đơn giản như xoay cái vặn nút chai, cũng đòi hỏi con người trước đó từng phải quan sát vòng quay của kim đồng hồ để biết vặn theo chiều nào, tức là đã có trải nghiệm trong một cộng đồng văn hóa trong cùng nền văn minh. Khác với loài vật, những tín hiệu được con người đưa ra trong giao tiếp là kết quả của một quá trình tiến hóa lâu dài mà rất nhiều phần trong đó thuộc về xã hội, tức là trong những cộng đồng văn hóa lịch sử cụ thể. Truyền tin giao tiếp cũng chính là bản lưu trữ sự tiến hóa đó tại một thời điểm cụ thể.

48

3. Lược sử công nghệ

Nhìn từ góc độ phát triển của xã hội loài người, thì truyền thông chính là phương tiện giao tiếp do con người phát minh ra và ngày càng hoàn thiện để mỗi cá nhân có thể truyền tin đi ngày càng xa, cả trong không gian lẫn thời gian. Như vậy, lịch sử phát triển của ngành truyền thông cũng chính là lịch sử phát triển của công nghệ. Từ trải nghiệm của cá nhân tác giả, nắm vững nguyên tắc vận hành của công nghệ mình đang sử dụng để truyền tin là chìa khóa để thành công khi làm công tác truyền thông, cũng như kiến thức về sự phát triển của công nghệ cho phép chúng ta có cái nhìn sâu rộng để sẵn sàng chuyển đổi khi cần thiết. Ngay cả những tập đoàn lớn như Nokia cũng mắc sai lầm khi chìm quá sâu vào công nghệ hiện có và chậm chuyển đổi sang dòng chảy chính của thị trường, thua cuộc và phải bán mình cho Microsoft trong cuộc chiến điện thoại thông minh.

Nếu quan sát những bức tranh thánh trong nhà thờ, ta có thể tin rằng chúng là một trong số những phương tiện truyền thông đại chúng đầu tiên trên thế giới. Trước Công

49

đồng Vaticano II vào thập niên 1960, các linh mục giảng Kinh thánh bằng tiếng Latinh, thứ ngôn ngữ mà người dân thường không ai hiểu cả. Những bức vẽ trên tường sẽ giúp họ dễ hiểu và nắm bắt các sự tích đã được trình bày, hay mường tượng về một nơi thiên đàng có bầu trời màu xanh biếc cùng các thiên thần đang bay lượn. Tương tự vậy, khi về miền Tây chúng ta vẫn còn thấy những bức tranh vẽ tích Phật trong chùa để minh họa cho những lời kinh bằng tiếng Phạn khó hiểu, bắt đầu từ câu chú mà ai cũng thuộc lòng: “Nam mô a di đà”. Để có được một bức tranh, người họa sĩ phải chế tác rất công phu, tạo ra họa phẩm từ bột màu trộn với trứng gà, tô từng chút một lên mảnh gỗ nhỏ được gọi là icon, mà người mộ đạo có thể chắt chiu dành dụm để mua đem về họ đạo của mình treo trong nhà nguyện. Công nghệ sản xuất bột màu là cả một quy trình chế biến tốn kém, từ mài vàng thành bột dát lên tranh cho đến phải trồng cả một cánh đồng rau chỉ để chắt ra được một ít màu lam để nhuộm vải, hay kể cả rẻ như chỉ cần mài đá màu thì cũng phải có người bỏ công vào núi đi tìm đem về bán. Sự phát triển của công nghệ sản xuất bột màu và quy mô tổ chức xưởng vẽ cho phép người họa sĩ chế tác ra những bức tranh lớn, trang trí cho những nhà thờ lớn. Bên cạnh tranh vẽ là tranh kính - nhờ công nghệ làm kính màu phát triển, hay tượng đá - nhờ công nghệ khai thác và vận chuyển đá phát triển, và sau này là những quyển sách có minh họa - nhờ công nghệ in phát triển.

Đến thời hiện đại, thêm một bước tiến của ngành hóa chất mà người ta có thể sản xuất bột màu với giá rẻ, đóng gói

50

vào những vật chứa dung tích nhỏ, bán đại trà và dễ vận chuyển đi xa cũng như bảo quản theo thời gian, tạo điều kiện cho người họa sĩ có thể đi vẽ ngoài trời và đưa nội dung tác phẩm của mình thoát ra khỏi điển tích tôn giáo, trở thành vật phẩm trang trí trong phòng khách của nhiều loại đối tượng khác nhau trong xã hội. Người ta treo những bức tranh vẽ thức ăn ngon và trái cây sang trọng để thể hiện hay mơ ước sự giàu sang, cũng giống như những bức tranh phong cảnh từ những nơi xa xôi cách trở mà phải nhiều tiền mới đến nơi được. Một mặt phẳng trang trí luôn trở thành tâm điểm kết tinh nội dung của sự kiện, như cách người ta thích túm tụm chụp ảnh lưu niệm trước tấm banner ghi lại ngày tháng của buổi họp mặt, sinh nhật, hay giao lưu. Công nghệ đồ họa trên máy tính và giá thành in khổ lớn giá rẻ là bước tiến mới nhất để duy trì những bức tranh thánh ngày xưa và thế tục hóa vào cuộc sống thường ngày. Icon giờ chuyển thành áp phích quảng cáo phim hay standee cho sự kiện và cũng được người ta sử dụng làm avatar, tức là tranh đại diện cho mình, trên các diễn đàn giao lưu.

Trải dài theo năm tháng, icon dần phát triển thành biểu tượng tượng trưng cho một cộng đồng, mà các lãnh chúa thời xưa thường phải thiết kế cho mình một tấm khiên để treo ở cửa vào lâu đài cho thần dân cúi đầu thần phục khi bước vào hay cầm ra chiến trận để hội tụ binh sĩ. Công nghệ dệt vải phát triển mở hướng cho tấm khiên đó trở thành lá cờ, và kỹ năng về cổ động dạy chúng ta biết cách sử dụng cờ và biểu ngữ để tuyên truyền cho thông điệp của

51

người cầm quyền. Băng rôn và khẩu hiệu cầm tay là tâm điểm được chú ý trong các cuộc biểu tình và tuần hành, vừa để thu hút và thuyết phục thêm người tham gia cũng vừa là thông điệp để gửi đến cho đối tượng của sự kiện. Thành công của một cuộc biểu tình luôn được đo bằng sức mạnh của thông điệp đòi quyền lợi. Thước đo thường gặp trong các chiến dịch truyền thông chính là số lượng người nhận và hiệu quả của nội dung được truyền đi. Cũng giống như bài toán năng lượng trong lý thuyết về hệ thống truyền tin đã trình bày trong mục trước, người làm truyền thông phải đưa thông điệp của mình đến với nhiều người nhất trong điều kiện giá thành thấp nhất, cả về tài chính lẫn công sức của lực lượng.

Vào thăm những tòa lâu đài ở châu Âu, chúng ta thường gặp những bức chân dung các vị chủ nhà qua nhiều thế hệ. Đó chính là cách mà người ta muốn gửi gắm lại một thông điệp về bản thân mình, theo chiều thời gian, cho thế hệ sau. Bên cạnh những bức chân dung thỉnh thoảng còn có những bức vẽ ghi lại cảnh sinh hoạt thường ngày hoặc các sự kiện đặc biệt. Mỗi cộng đồng quốc gia hay địa phương cũng thường lưu lại những đồ vật mà họ cảm thấy là quan trọng về thời đại của mình trong bảo tàng để lớp trẻ mới lớn lên có cơ hội tiếp xúc và tìm hiểu. Giới chuyên gia, đặc biệt là trong các ngành khảo cổ và lịch sử, luôn tìm ngược về quá khứ để phát hiện và giải mã những thông điệp mà người xưa cố tình hay vô thức để lại cho đời sau. Khi có điều kiện thì những gia đình bình thường cũng chụp ảnh chân dung hay ảnh lưu niệm để lưu lại cho con cháu, hay

52

chuyển tặng kỷ vật của dòng họ, thường là với những lời dặn dò nhắn nhủ. Công nghệ vẽ tranh nhanh chóng được thay thế bằng công nghệ chụp ảnh rồi tái hiện lên giấy ảnh hoặc phương tiện biểu thị ảnh bằng điện tử. Các họa sĩ là những người đầu tiên phát hiện ra sự lưu truyền hình ảnh qua thấu kính, để chép lại một cách khá chính xác đường nét của người mẫu lên khung tranh. Phát minh về phản ứng hóa học của ôxít bạc khi gặp ánh sáng mau chóng trở thành sản phẩm công nghệ là những tấm phim để tóm bắt không gian tại chỗ đem về nơi khác. Khi việc chế tạo phim dương bản, tức là màu sắc trên phim giống hệt như màu sắc trước ống kính, còn quá mắc thì người ta sử dụng phim âm bản, tức là màu sắc trên phim ngược lại với màu sắc trước ống kính, để ghi ảnh, rồi lại chiếu sáng phim tạo ra một âm bản của phim, tức là hình ảnh dương bản trên giấy ảnh. Khi công nghệ ảnh màu còn quá mắc, thì giới bình dân mua được phim và giấy ảnh đen trắng. Máy ảnh rẻ tiền và máy in ảnh rẻ tiền bùng nổ hồi thập niên 1970 cho phép ai cũng có thể chụp ảnh chân dung và ảnh sinh hoạt, tạo thói quen chụp ảnh phổ biến trong toàn xã hội. Cũng do không kịp chuyển đổi để bắt kịp với công nghệ mới khi thói quen của người tiêu dùng không còn muốn lưu trữ ảnh trên giấy mà chuyển thẳng lên mạng xã hội ngay sau khi chụp, mà tập đoàn Kodak cùng rất nhiều hãng sản xuất phim và máy đã phá sản, mới cách đây không lâu. Bản thân tôi để quên một cuộn phim màu trong máy chụp ảnh cơ, vậy mà giờ chạy khắp Thành phố Hồ Chí Minh cũng chưa tìm ra được nơi nào để tráng, nói chi đến rửa hình.

53

Công nghệ truyền thông không chỉ tạo ra loại phương tiện truyền thông mới, mà còn thay đổi cả thói quen, tức là quy ước diễn giải thông tin nữa. Trước đây người ta ngắm tranh vẽ bằng sự ước lệ và nội dung thể hiện, như những bức tranh Đông Hồ hay Hàng Trống, nay mỗi người đều có thể tự đánh giá theo thước đo như máy ảnh, tức là xem tranh vẽ có giống cảnh thực bên ngoài hay không. Máy ảnh đã làm thay đổi hệ quy chiếu giá trị trong hội họa, và người họa sĩ vẽ tranh truyền thần ngày hôm nay cũng nhanh chóng chuẩn bị khung tranh bằng cách in hẳn ảnh gốc lên trên đó rồi tô màu đè lên, bảo đảm giống như ảnh. Cách nay đúng một thế kỷ, Nguyễn Ái Quốc cùng nhóm người Việt yêu nước ở Paris cũng sống bằng nghề tô màu lên các bức ảnh chụp đen trắng để phục vụ nhu cầu của thị dân Pháp thời bấy giờ. Hôm nay, tranh nổi tiếng của các họa sĩ phương Tây được họa sĩ Việt ở Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh chép rồi bán lại cho du khách châu Âu mua mang về nước.

Cùng lúc với sự xuất hiện của máy ghi hình trong thập niên cuối thế kỷ XIX là sự phát triển của máy ghi âm. Vận dụng hiệu ứng ngược lại của loa kèn khi phát ra âm thanh, người ta chế tạo một cỗ máy cơ khí cho người hát vào phần mở rộng của loa, dồn nén sóng âm thanh vào đầu nhỏ để làm dao động hệ thống bánh răng truyền động điều khiển đầu kim ghi tín hiệu sóng thành vạch chạy dài quanh một chiếc ống, đang quay, làm bằng giấy phủ than, hay sáp và sau này là ống kim loại. Sau đó, đặt lại kim về từ đầu rồi quay ống thì loa sẽ phát ra âm thanh giống như là người

54

đã hát. Càng về sau hệ thống cơ khí càng được làm chuẩn xác hơn, và đến một lúc thì người ta bất ngờ tắt đèn rồi phát tiếp bài hát bằng máy đặt cạnh ca sĩ mà người nghe không hề nhận ra rằng ca sĩ đã thôi không còn hát nữa, thì có thể coi là trình độ ghi âm đã đạt đến mức giống hệt như nguyên gốc. Song song với việc phát triển công nghệ nhân bản đại trà ống hay sau này là đĩa thu thanh, nhà sản xuất cải tiến để cùng lúc ghi âm ca sĩ cùng nhạc đệm, bao gồm cả violin được thay hộp gỗ bằng loa sắt, hay đàn piano định hướng âm thanh. Sang đến nửa đầu của thế kỷ XX thì công nghệ điện cho phép ghi âm trên nhiều nhạc cụ cùng lúc, và những chiếc máy hát đĩa chạy điện trở nên phổ biến trong các hộ gia đình, kể cả ở những nước nghèo như Việt Nam với những bài nhạc Huế cùng làn điệu cải lương Nam Bộ và hát chèo truyền thống của miền Bắc. Công nghệ này cũng cho phép đưa âm thanh tiếng động thực sự vào phim câm, thay thế cho người chơi đàn và thuyết minh ở rạp như trước đây.

Giới bình dân thực sự có cơ hội sở hữu thiết bị nghe, nhìn khi công nghệ điện từ trường phát triển, cho phép chuyển tín hiệu âm thanh và hình ảnh qua cột anten phát sóng, hay ghi lại trên băng từ - băng cassette hay VHS làm bằng nhựa rẻ tiền phủ chất nhạy điện từ. Những chiếc máy nghe nhạc đeo trên người Walkman nổi tiếng của hãng Sony đã thay đổi hoàn toàn thói quen nghe nhạc của con người trên thế giới - ngay cả một đứa bé cũng có đủ điều kiện để sở hữu một kho nhạc riêng của mình, không còn giới hạn trong những thứ âm thanh truyền thống trong

55

không gian mình đang sống, mà vươn xa ra đến xứ xở Rock bên nước Mỹ xa xôi, hay điệu trống châu Phi dồn dập, lẫn nhạc hòa tấu phong cách Nhật Bản và làn điệu từ đâu đó ở Đông Nam Á như Thái Lan. Đầu máy video không chỉ tạo ra một đế chế phim bộ ở Hồng Kông, mà còn tạo ra một cuộc cách mạng xã hội ở ngay chính các nước phương Tây như Ba Lan, xóa bỏ ranh giới quốc gia hay ý thức hệ như người ta hay gọi là bức màn sắt thời Chiến tranh lạnh.

Sang đến thời của đĩa CD và DVD thì bước tiến công nghệ đã chuyển từ kỹ thuật analog sang digital. Một cách đơn giản, analog mà có lúc còn được gọi là tuyến tính là công nghệ biến đổi tín hiệu một cách trực tiếp. Sóng âm đi qua mạch điện tử bán dẫn biến thành dòng điện nếu đưa lên hệ quy chiếu thì vẫn là hai đường biểu diễn giống nhau. Tương tự vậy khi chuyển sang thành sóng điện từ trường. Thế nhưng, với sự can thiệp của công nghệ số, tức là digital, thì đường biểu diễn đó được chia nhỏ ra thành các tổ hợp số ghi lại giá trị của từng điểm trên hệ tọa độ. Giá trị đó chuyển thành số nhị phân có giá trị 0 và 1, nhưng trên thực tế có thể là dòng điện ở hai hiệu điện thế khác hay ngược nhau. Khi truyền đến thiết bị nhận thì một quy trình ngược lại được áp dụng để biến dãy số thành tín hiệu liền lạc như trước, nhưng sẽ không thể nào hoàn toàn thẳng như trước. Người ta từng ghi nhận trường hợp máy photocopy kỹ thuật số tự động thay đổi số trên văn bản gốc thành một số khác, bởi vì lỗi trong quy trình mã hóa rồi lại giải mã tín hiệu của máy scan và máy in, chứ không phải sao chép trực tiếp văn bản gốc xuống giấy như khi chụp

56

và in bằng phim và giấy ảnh. Tuy vậy, giới chuyên gia tin rằng bước phát triển của kỹ thuật mà đặc biệt là tốc độ xử lý tín hiệu sẽ giúp khắc phục được những lỗi hệ thống kiểu như vậy. Lợi ích lớn nhất khiến kỹ thuật số nhanh chóng bùng nổ là giá thành trong sản xuất và khả năng ứng dụng ngày càng rộng rãi trong nhiều ngành nghề. Cùng một bộ vi xử lý trung tâm có thể trước đó chạy thuật toán thiết kế đồ họa kiến trúc nhưng ngay sau đó có thể xử lý file nhạc để phát ra loa, đồng thời là hình ảnh nhận được từ đầu đằng kia để chạy chức năng cầu truyền hình. Với công nghệ truyền tin ngày càng tiến bộ như 2G, 3G, 4G và hiện là 5G thì lượng tín hiệu cùng lúc được truyền đi trên nhiều băng thông khác nhau ngày càng nhiều, cho phép cùng lúc tích hợp rất nhiều chức năng trên thiết bị điện tử kỹ thuật số. Ngày hôm nay, chiếc điện thoại thông minh cùng lúc là máy nghe nhạc lẫn đầu phát video, máy chụp hình và máy đánh chữ, lẫn thư viện và đầu điều khiển các thiết bị gia dụng trong nhà, máy mua và tính tiền cho các vật dụng cần thiết, từ sữa trong tủ lạnh hay xà bông cho máy giặt, cho đến gọi xe taxi và tường thuật trực tiếp một đám cưới. Nếu trước kia người ta có nhu cầu sử dụng rồi mới mua thiết bị chuyên dùng, như mua điện thoại và mua máy chơi game điện tử, thì nay chỉ cần mua một thiết bị cho một nhu cầu này đã có sẵn chức năng cho nhu cầu khác khi cần. Điện thoại thông minh mua về để gọi điện hay hòa mạng xã hội đã có sẵn phần mềm chơi games và soạn thảo văn bản, hay quản lý doanh nghiệp nhỏ và biên tập phim thời sự.

57

Bên cạnh công nghệ cao cũng phải kể đến những công nghệ tưởng chừng như đã bị lãng quên trong thế giới này, nhưng thực sự đã phát triển rất cao vì tích lũy được nhiều know-how trong ngành. Ví dụ đơn giản như không gian bày hàng và nhất là ánh sáng cùng mức độ phản ánh của tấm gương trong phòng thay đồ. Người ta có thói quen nghĩ rằng chiếc gương luôn phản chiếu hình ảnh thực của mình, nhưng nếu vào nhà cười thì ta sẽ hiểu ngay ra rằng chỉ cần thay đổi một chút độ cong hay chất liệu phủ trên bề mặt thì thân hình của ta sẽ thay đổi rất nhiều. Một cách đơn giản về chiều dọc hay chiều ngang, thân hình của chúng ta có thể to hơn một chút khiến có cảm giác béo, hay cao hơn một chút tạo cảm giác dễ nhìn trong xu hướng mốt thích như vậy. Không gian nơi cửa hàng chính là phương tiện truyền thông để người bán hàng thuyết phục khách mua mà chưa cần phải dùng đến lời nói, âm nhạc, hay phim ảnh quảng cáo. Kiến thức về hội họa, ánh sáng, hình ảnh, tâm lý được phối hợp với kiến thức về chất liệu, công nghệ chế tạo, đồ nội thất, v.v. được tích lũy thành know-how trong đầu của chuyên gia và thể hiện ra bên ngoài bằng khoản ngân sách cho phép nhằm dẫn dụ người mua. Giá trị của công nghệ này không nằm ở trong cụ thể một vật phẩm nào mà chính là khối kiến thức khó xác định đó. Tương tự vậy, trong thế giới nối mạng đã xuất hiện những tập đoàn taxi mà người chủ không cần bỏ vốn như Uber và Grab, những tập đoàn khách sạn mà chủ đầu tư không cần xây nhà như AirBnB, chỉ đơn giản là ý tưởng của họ trong việc kết nối hai bên trong một dịch vụ mua, bán.

58

Đó chính là cơ sở phát triển cho cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư này, khi người ta biết rõ là nó đang được thực hiện qua các thiết bị điện tử kỹ thuật số nối mạng được tạo ra từ cuộc cách mạng trước, nhưng chưa thể xác định rõ ràng cụ thể đơn vị đo đếm cho tư duy và kiến thức trong não người. Truyền thông là để phục vụ nhu cầu nối kết của con người, và một trong số những biểu hiện có thể đo đếm được là mức độ nối kết của một cá nhân, doanh nghiệp hay hệ thống trong nền kinh tế mới này.

Trong nền kinh tế nối kết, chìa khóa quyết định thành công chính là thiết bị trợ giúp cho sự kết nối. Ngày hôm nay còn mấy ai trong chúng ta nhớ đến, hay thậm chí biết đến sự tồn tại của chiếc máy fax, mà một thời là vật không thể thiếu trong văn phòng công ty. Không có máy fax thì không thể chuyển văn bản sang cho phía đối tác, nhưng đến một ngày thì giám đốc phải nhanh chóng học sử dụng email để biết chuyển chữ ký điện tử sang bên kia để còn kịp hoàn tất hợp đồng giao dịch. Khi công nghệ mới xuất hiện, sự cạnh tranh về kỹ thuật luôn khiến người sử dụng phải đau đầu cân nhắc xem sẽ đầu tư vào hệ thống nào. Ngày hôm nay sự khác biệt giữa người sử dụng iPhone và điện thoại Android không nhiều lắm ngoài cá tính và sở thích hoạt động, chứ còn có một thời sự khác biệt giữa thiết bị văn phòng của hãng Apple và máy tính chạy hệ điều hành DOS có chức năng đánh máy là cả hai hệ thống hoàn toàn khác nhau, chia rẽ người viết văn và nhà xuất bản với phòng bán vé máy bay hay mạng telex chuyển tiền của ngân hàng. Thế nhưng, khác biệt giữa cộng đồng Facebook

59

và Twitter tạo ra hai hệ thống nối kết hoàn toàn khác biệt và là hai thị trường đầy cạnh tranh cho các loại sản phẩm kết nối. Mới ngày nào thiết bị của Blackberry lên ngôi cùng thành công của Tổng thống Barack Obama nhưng hôm nay đã phải nhường thị phần lại cho một tay chơi mới nổi như Samsung, để lại khoảng trống khách hàng cho các liên kết mới. Như trình bày trong nghiên cứu trước1, mối quan hệ mua bán thực chất chính là sự liên kết xã hội và thông qua đó mà tạo thành tầng lớp và giai cấp trong xã hội. Người giàu luôn muốn đặt ra luật chơi riêng trong quan hệ bằng công nghệ mới và thiết bị đắt tiền nhưng người nghèo cũng có quyền khẳng định vị thế bằng việc chọn lựa công nghệ phổ biến dành cho thiết bị rẻ tiền mà vẫn đáp ứng được nhu cầu nối kết trong xã hội.

Mỗi khi công nghệ mới bị trục trặc, thì thường người ta có xu hướng tìm về những gì từng hoạt động tốt trước đó. Có lẽ cũng chính vì lý do này mà dù rằng ngày càng xuất hiện thêm nhiều trò chơi mới rất hấp dẫn nhưng các phiên bản chạy trên giao diện và hệ điều hành cũng như thiết bị mới của một trò chơi rất cổ là Tetris mà ta vẫn quen gọi là trò xếp gạch vẫn luôn nằm trong danh sách những games điện tử được ưa thích nhất. Sức sống của nó chính là tư duy đã tạo ra trò chơi này, cũng giống như phiên bản máy tính cho cờ vua vậy. Bàn cờ cũng là một giao diện truyền thông để người ta giao tiếp, gửi gắm cho nhau những điều

1. Xem TS. Lê Thanh Hải: Giá trị thặng dư trong nền kinh tế nối kết, sđd.

60

mà một không gian khác khó mà diễn tả. Có rất nhiều thứ kỹ thuật kiểu như vậy mà ngày nay người ta gọi là ngành công nghệ không khói, tức là ngành sân khấu, kịch nghệ, phim ảnh. Điều cốt lõi không phải là máy quay hiện đại hay sân khấu hoành tráng và thiết bị đồ sộ. Mọi chuyện đơn giản là bắt đầu từ khả năng diễn thuyết, kể chuyện, ngâm thơ, hay đặt câu đối. Chỉ cần biết vài câu ca hay nhạc đệm là ta đã có thể tái tạo một không gian vọng cổ hay nhạc tài tử để nhiều người cùng có cơ hội nếm trải văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, không cần chi phải dàn karaoke hiện đại. Chỉ cần kể một câu chuyện có duyên là ta đã tạo ra được giây phút giải trí sảng khoái trong bữa tiệc chứ chưa cần đến cả một chương trình đại nhạc hội đồ sộ. Những thứ tưởng chừng như là rẻ tiền của đại chúng nhưng thật sự lại có giá trị rất lớn vì được tôi luyện rất nhiều để có thể tồn tại theo thời gian, chỉ chờ ta phát hiện và trợ giúp để lên ngôi, cũng giống như món ốc hến thuở nghèo khó giờ trở thành đặc sản mắc tiền vậy.

61

4. Văn hóa chữ in

Trong khuôn viên Trường đại học Sư phạm kỹ thuật Thủ Đức, ngay bên cạnh Khoa Truyền thông và Công nghệ in là một bức tượng kim loại của một người đàn ông châu Âu, bán thân, đứng trên bệ cao hơn tầm đầu người một chút, bao quanh là cây và hoa, nhìn xuống khoảng sân nhỏ thường được sinh viên trong trường dùng làm nơi tập thể thao, sinh hoạt, hay hẹn hò trò chuyện trên ghế đá. Trước đó, người ta đã dựng một bức tượng thạch cao để làm khuôn đúc, nay ngồi ngang hàng với sinh viên trong một phòng học, im lặng suy tư về những gì mình đã làm ra khiến cả thế giới phải thay đổi. Đó chính là Johannes Gensfleisch zur Laden zum Gutenberg (~1398-1468), người được coi là ông tổ của ngành in trên thế giới, mà cuộc cách mạng in ấn do ông tạo ra được coi là đã kích nổ cho hết tất cả những gì mà nền văn minh nhân loại có được sau này, từ Khai sáng cho tới Cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên mở ra kỷ nguyên hiện đại.

Giới sử gia vẫn còn tranh cãi xem Gutenberg có thực sự là người đã phát minh ra ngành in ấn hồi thế kỷ XV,

62

hay chỉ sao chép lại kỹ thuật in sách đã manh nha ở châu Âu một thế kỷ trước đó, mà nhiều khả năng là du nhập hay cải tiến từ kỹ thuật in khắc gỗ như tranh Đông Hồ ở Việt Nam, hay sắp chữ in kinh Phật ở Trung Quốc, nơi tôn giáo này lan tỏa rộng dưới thời Võ Tắc Thiên vào thế kỷ VII. Thực ra thì người ta không được biết nhiều lắm về Gutenberg ngoài những công nhận của thời bấy giờ dành cho ông, và ngay cả chân dung cũng là do thời đó vẽ lại để vinh danh sau khi ông mất. Chỉ có duy nhất một điều chắc chắn là con chữ bằng kim loại - trở thành tên của kỹ thuật in typo - cùng chiếc máy ép giấy vào bản sắt đã lăn mực được cải tiến từ máy ép dầu thực vật trong nông nghiệp đã làm phương tiện chuyển tải cho truyền thông đại chúng suốt hàng trăm năm sau đó. Năm tôi vào đại học, thực tập ở khu nhà xưởng này, gần 30 năm trước, thì chúng tôi vẫn còn ngồi nhặt từng con chữ trong khay, sắp thành từng dòng ngay ngắn rồi thành từng trang giấy, để in quyển giáo trình cho chính mình, cũng trên một chiếc máy in ép bằng tay kiểu như vậy, chỉ khác là bằng kim loại thay cho bằng gỗ như thời Gutenberg. Hiện bây giờ những chiếc máy đó vẫn còn được dùng để in thiệp cưới, nếu khách hàng có nhiều tiền và muốn có một sản phẩm in đẹp truyền thống chứ không vô hồn như những dòng chữ trên tờ giấy chạy ra từ máy in laser.

Từ công nghệ sắp chữ typo, người ta dùng hiệu ứng quang học và công nghệ chế bản, tức là một kiểu chụp và in ảnh, để tạo ra bản kẽm dạng thấm mực chỉ một lớp mỏng thôi, gọi là off-set. Kết hợp với cải tiến dùng trục lăn quay tròn

63

in chữ lên giấy thay vì dập/rập mặt phẳng như trước kia, những hệ thống in hiện đại chạy rầm rập với số lượng lớn để giảm giá thành và rút ngắn thời gian sản xuất. Hộp chữ chì độc hại nay chỉ còn nằm trong một góc xưởng thành một không gian giống như là bảo tàng cho sinh viên chiêm ngưỡng, nhường chỗ trong phòng học cho cỗ máy chế bản off-set hiện đại đã được trường đầu tư để sinh viên có cơ hội tiếp xúc với công nghệ mới ngay từ khi còn đi học. Sự phát triển của công nghệ còn tích hợp toàn bộ quy trình này vào một phần mềm soạn thảo văn bản trên máy tính nối với chiếc máy in có khi chỉ nhỏ bằng một hộp đựng đồ trang sức mà chúng ta sử dụng hằng ngày: ống tròn lăn dòng chữ trên giấy, hay đầu in chạy từ trái sang phải tạo hình cho từng con chữ một.

Song song với in chữ, người ta cũng phát triển nhiều loại kỹ thuật in ảnh, rẻ tiền như in lưới - tạo chế bản trên lưới rồi thấm mực qua để in các loại nhãn hàng, cho đến mắc tiền như in ống đồng - dùng ảnh chụp tạo chế bản tranh và dùng sơn mỹ thuật để in những quyển catalog tranh có thể nói là giống hệt như bản gốc. Mục tiêu cuối cùng cho sự phát triển trong ngành in vẫn là phục vụ nhu cầu nhân bản hàng loạt một thông điệp nào đó đã được con người ký hiệu hóa thành văn bản. Bên cạnh bề mặt giấy hiện nay công nghệ mới cho phép in trên hầu hết mọi loại bề mặt khác nhau để tạo ra những sản phẩm bao bì đóng gói rất đẹp mắt, làm tăng giá trị cho sản phẩm. Đây cũng chính là ví dụ dễ hiểu nhất về hiệu quả của truyền thông phát triển, khi thay đổi về truyền thông sẽ giúp tăng giá trị của

64

hàng hóa lên ra sao. Một cái bánh mì kẹp thịt bình thường, nhưng đặt trong hộp giấy in nhãn hiệu McDonald sẽ bán với giá khác, cũng như lon nước ngọt in logo Coca-Cola. Rõ ràng nhất là 10kg gạo trong cái bao bình thường hay loại bao chuyên dụng có in đầy đủ từ nguồn gốc cho đến thông số chất lượng và nhãn hiệu sản phẩm. Bao bì chính là phương tiện truyền thông giúp cho sản phẩm cất lời chào hàng, giới thiệu bản thân để rao bán trước ánh mắt trước đó còn thờ ơ của khách hàng đi ngang qua. Nếu như người làm truyền thông có thể giúp được bao gạo vô tri vô giác giao tiếp được với khách hàng, thì tương tự như vậy cũng sẽ giúp được người nông dân giao tiếp được với thị trường, hay nơi cần tiếp cận được với cơ hội và phát triển.

Trước khi đi quá xa về hiệu ứng thị giác trên bao bì, cũng như đòi hỏi quá nhiều về công nghệ in ấn hiện đại, chúng ta cần bắt đầu từ những điều cơ bản mà cuộc cách mạng in ấn đã đem đến và làm thay đổi hoàn toàn rất nhiều điều trong cuộc sống hằng ngày của con người. Một trong số những chuyên gia đầu ngành là Giáo sư Marshall McLuhan tin rằng phương tiện truyền tải thông tin của mỗi giai đoạn lịch sử chính là tác nhân đã tạo ra những đặc điểm riêng biết cho thời kỳ đó. Ví dụ như khi người ta dùng những vật liệu bền chắc như khắc chữ trên đá để ghi lại thông điệp của mình như nền văn minh Ai Cập cổ đại, hay nhẹ hơn một chút là kiểu dùng đất sét nặn thành bánh hay ống rồi khắc chữ lên đó khi chưa kịp khô, hoặc tốn kém như là da cừu thường có thiên hướng được dùng để truyền đạt lại cho thế hệ sau, tức là truyền thông theo

65

chiều thời gian. Còn khi sử dụng giấy thì nhờ nhẹ và dễ dàng vận chuyển thì người ta dùng để truyền đạt thông điệp đến nơi khác, theo chiều không gian, để xây dựng đế chế quyền lực, hay lực lượng quốc phòng. Nếu dùng lời nói như là thơ ca hay chuyện kể, thì do cùng một thời điểm chỉ có thể phát được một âm, mà người ta sẽ phải sắp đặt thông tin theo một thứ tự nào đó, bên cạnh kiến thức về phương ngữ và từ thường dùng tại mỗi khu vực. Dùng chữ viết thì ngược lại, chính quyền trung ương có thể áp đặt toàn bộ lãnh thổ trong quyền kiểm soát của mình phải học để biết đọc loại chữ mà mình đang sử dụng. Trước đây các bộ lạc nghe thấy thông điệp tức là đã có đức tin, còn từ thời Gutenberg thì người ta nhận thức theo một cách hoàn toàn khác, phải tuyến tính, logic và mang tính phân loại. Điều quan trọng nhất, theo McLuhan, là con người ta bắt đầu suy nghĩ giống như là cách mà họ đọc, tức là phân biệt từng chữ cái một, từ trái sang phải, lần lượt từ trên xuống dưới. Khi văn bản trên giấy một lần nữa được thay bằng phương tiện điện tử để mà ngay lập tức sau khi bấm nút xuất bản thì những ai quan tâm dù ngồi ở bất kỳ nơi đâu, ngay cả trên máy bay hay ngoài vũ trụ, chỉ cần nối mạng là đọc được ngay trên iPad hay màn hình máy tính. Phương tiện truyền thông tạo ra sự thay đổi trong xã hội.

Nhìn sách in mà đặc biệt là tiểu thuyết trong không gian văn hóa, Giáo sư Benedict Anderson cho rằng công nghệ in đã tạo ra cơ sở để con người hình dung về một cộng đồng mường tượng mà mình đang tồn tại trong đó. Ví dụ, từ nhỏ sinh ra và lớn lên trên đảo Java nhưng đọc

66

tiểu thuyết thì chúng ta có thể hình dung ra được rằng có một thế giới khác cách nơi chúng ta sống nhiều giờ đi máy bay, trẻ con và người dân nơi đó sinh hoạt như thế nào, có những gì khác với cuộc sống hằng ngày ở đây. Tương tự như vậy, các thông tin xác thực hằng ngày trên báo chí, cũng là một sản phẩm của cuộc cách mạng in ấn, khiến chúng ta mường tượng ra rằng tất cả mọi người trên thế giới đang cùng sống chung một nhịp bước, theo những dòng thời sự được ghi nhận bằng sự kiện cụ thể hằng ngày trên báo chí, hay nay là hàng giờ trên tivi. Giới hạn tạo ra sự cách biệt giữa các không gian mường tượng đó là ngôn ngữ, mà một cộng đồng ngôn ngữ thường qua đó mà mường tượng về sự tồn tại của một quốc gia dân tộc. Một trong số những dẫn chứng được Benedict Anderson sử dụng để minh họa cho lý thuyết của mình chính là các bản in bằng tiếng Việt ở xứ Đông Dương thuộc Pháp cách đây một thế kỷ.

Nghiên cứu sách tiếng Việt xuất bản trong thời kỳ 1920-1940, Giáo sư Shawn McHall1 đặc biệt chú ý đến sự phát triển của Phong trào chấn hưng Phật pháp mà chìa khóa thành công chính là công nghệ in hiện đại theo kiểu Gutenberg thay cho bản in khắc gỗ trước kia, cho phép người ta nhanh chóng hoàn thiện kinh kệ và truyền bá nội dung được coi là tôn giáo chính thống. Nhiều khả năng là ảnh hưởng từ thời kỳ này đã để lại trong văn hóa của người Việt lòng tin không cần lập luận vào sách vở có in

1. Xem McHall, Shawn Frederich: Print and Power: Confuscianism, Communism, and Buddhism in the Making of Modern Vietnam, Nxb. Đại học Hawaii, Honolulu, 2004.

67

chữ Thánh hiền, coi bản in và nội dung truyền đạt trong đó hiển nhiên là đúng. Cũng trong giai đoạn này, in ấn đã giúp tạo ra một không gian công cho các luồng tư tưởng lúc bấy giờ cọ xát với nhau, còn có thể gọi là không gian diễn ngôn - discourse, giữa Phật giáo, Khổng giáo, và chủ nghĩa cộng sản. Theo diễn đạt của một triết gia thường nằm trong danh sách mà sinh viên ngành truyền thông phải đọc là Jurgen Habermas, thì không gian công - public sphere được hiểu như là một cơ chế chính trị nằm ngoài khuôn khổ truyền thống của chế độ cầm quyền, mà trong đó tầng lớp tri thức là những cá nhân riêng lẻ có thể giữ vai trò làm lực lượng chính trị để giám sát, phê phán, hay chuyển đổi xã hội và chế độ. Từ góc nhìn này, Philippne Peycam1 đã nghiên cứu làng báo Sài Gòn giai đoạn 1916-1930 và nhận thấy báo chí cùng các loại hình phương tiện truyền thông in ấn giữ vai trò trung tâm cho tập quán mới về chính trị lúc bấy giờ. Một điểm khá đặc biệt nữa của lịch sử báo chí Việt Nam là ngay từ đầu đã có những tờ báo như Nữ giới chung, Hội nữ công và đặc biệt Phụ nữ Tân Văn, phục vụ cho nhu cầu hiện đại của phụ nữ, vốn trước đó là thành phần câm lặng trong xã hội như đạo lý Khổng Tử.

Như vậy, nhìn lại, ở vào cái thời mà đi lại rất khó khăn, nhưng vận chuyển hàng hóa lại dễ dàng và nhanh chóng, thì tờ báo chính là phương tiện để chuyển tải không chỉ

1. Xem Peycam, Philippne M.F.: The Birth of Vietnamese Political Journalism: Saigon 1916-1930, New York: Nxb. Đại học Columbia, Trần Đức Tài dịch sang tiếng Việt, 2015, Làng báo Sài Gòn, Nxb. Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2012.

68

nội dung câu chữ mà là cả một không gian văn hóa vô cùng sống động nơi đô thành, tức là trung tâm của một vùng đất mà cũng là một phần của thế giới. Sách báo, tức là phương tiện truyền thông do ngành in ấn sản xuất ra, thực sự đã góp phần làm thay đổi xã hội Việt Nam trong nửa đầu thế kỷ XX, và tiếp tục tạo ra một cuộc thay đổi lớn không kém sau thời kỳ Đổi mới vào cuối thế kỷ đó. Sau giai đoạn du nhập máy tính cùng mạng internet, nay là thời đại của thiết bị liên lạc di động, thì văn hóa chữ in tiếp tục phát triển. Một điều cần chú ý là sự đứt gãy từ sau ngày chuyển sang sử dụng chữ Quốc ngữ khiến cho thế hệ sau không còn đọc được các văn bản in bằng chữ Nôm hay chữ Hán trước đây. Với sự trợ giúp của các phần mềm xử lý văn bản trên thiết bị nối kết internet, những ai quan tâm có thể tự mình tìm hiểu để kết nối trở lại với quá khứ lịch sử dân tộc. Điều đó phần nào đã tạo ra những thay đổi lớn trong không gian công, ví dụ như gần đây là thái độ đánh giá lại công tội của triều Nguyễn, hay vai trò của những nhà tri thức Việt thời Pháp thuộc như Petrus Ký, mà chắc chắn sẽ tiếp tục ảnh hưởng tích cực vào tư duy xã hội của cộng đồng.

Cũng cần chú ý thêm tới văn hóa do kỹ thuật in khắc gỗ trước đây tạo ra trong văn hóa của người Việt, được thay thế bằng văn hóa do kỹ thuật in hiện đại của phương Tây tạo ra. Sự khác biệt và chuyển biến đó dù chưa được nghiên cứu kỹ - sẽ là một đề tài rất quan trọng để các bạn sinh viên ngành truyền thông khảo sát - nhưng hệ quả từ việc được nối kết trở lại nhờ công nghệ hiện đại cho phép tích hợp và xử lý đồ họa, ví dụ như cả tranh Đông Hồ lẫn tranh vẽ theo công thức hội họa phương Tây, để tạo thành sản phẩm

69

treo trong ngày Tết con gà, có thể kéo theo một thay đổi lớn trong nhận thức xã hội và tư duy cộng đồng. Tôi từng được nghe một ví dụ tương tự như vậy thời còn học đại học, về một bức họa bằng thư pháp. Người họa sĩ Hà Nội lúc đó viết một chữ Hồ bằng tiếng Hán thật rộng với một chữ Ngư nằm lật ngược, bên cạnh chữ Sơn thật cao và chữ Điểu bé tí ở trên. Hai bên cạnh bức họa thư pháp là mấy chữ Xuân có một chữ được khoanh tròn, và mấy chữ Cảnh giống nhau kèm theo một chữ Cảnh bé hơn. Ngồi trong lớp học tiện nghi còn đơn sơ, cậu sinh viên non nớt là tôi bỗng được giác ngộ về một thế giới đẹp nằm ở đâu đó ngay bên kia tấm bảng đen, bức họa cũng chính là bài thơ mà người thầy chỉ đọc thoáng qua mà đến tận bây giờ tôi vẫn còn nhớ:

Ba xuân nho nhỏ một xuân tròn Bốn cảnh đều nhau một cảnh con Hồ rộng thênh thang ngư lộn ngược Núi cao chót vót điểu nằm ngang.

Ta có thể chụp hay vẽ một bức tranh như mô tả của bài thơ có cá nhảy trên mặt hồ và chim làm tổ trên núi cao, màu sắc mê hoặc người xem. Nhưng làm thế nào để thể hiện bề sâu không gian lắng đọng bên trong đó của một con người đã ở đây, hay đã ghé chốn này suốt mấy mùa xuân rồi, năm nào cũng cảnh vật đó, nhưng cũng có một cảnh không giống như những cảnh còn lại. Ngược lại, nếu chỉ là một bài thơ in bằng chữ cái từ trái sang phải, từ trên xuống dưới, thì cũng không thể nào kích thích nổi trí tưởng tượng của con người ta suy nghĩ và bước vào chiều sâu của triết học. Đó có lẽ cũng chính là lý do tại sao nghệ thuật

70

thư pháp được nhiều người đón nhận, không chỉ đơn giản là viết chữ đẹp cho một văn bản - như cách hiểu chữ caligraphy ở phương Tây - mà bắt trói một cái ý nào đó vào trong không gian giới hạn của câu chữ, để bất ngờ xổ lồng và bùng cháy khi gặp được đúng người thưởng ngoạn có đủ tầm nhận thức. Đây cũng là nét đặc sắc trong văn hóa Việt Nam, một dân tộc vừa có chữ viết bằng ký tự Latinh và lối viết chữ đẹp trên văn bản mà trẻ con đứa nào cũng phải luyện ở trường, cũng lại vừa có trong quá khứ chữ viết tượng hình bằng các bộ chữ Hán mà người lớn ai cũng biết võ vẽ vài nét như câu chuyện cười về thằng bé học viết số 1-2-3, hay hằng ngày vẫn phải tiếp xúc với di sản từ Hán - Việt.

Việt Nam còn thiếu rất nhiều nghiên cứu về văn hóa đọc, tức là các ghi nhận và phân tích từ ngay chính tầng cơ sở thấp nhất của quá trình tiếp nhận nội dung truyền thông. Cách đây không lâu người ta vẫn còn truyền tin bằng thơ ca, như tác phẩm Lục Vân Tiên nổi tiếng của Nguyễn Đình Chiểu và Truyện Kiều của Nguyễn Du, mà nay vẫn chiếm nhiều thời gian trong giáo trình phổ thông, bao gồm cả thơ Tố Hữu và Trần Đăng Khoa. Quyển tiểu thuyết đầu tiên trong văn hóa Việt, tức là lối trình bày bằng văn xuôi, chuyển sang văn hóa đọc, chỉ mới xuất hiện từ năm 1887: Thầy Lazaro Phiền của Nguyễn Trọng Quản. Trong bối cảnh nhiều nơi lên tiếng báo động về sự thoái trào của văn hóa đọc ở người Việt, tôi đã làm một khảo sát nhanh với trên dưới 100 em sinh viên năm thứ ba khoa Truyền thông, Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh thì chỉ khoảng 10% cho biết là có đọc sách, nhưng đáng tiếc hơn

71

là không em nào đọc sách chuyên ngành cả. Trước đây, cả một giai đoạn dài chúng ta thiếu giấy và thiếu cả mực in lẫn phụ tùng thay thế và điện để chạy máy in, đã để lại nhiều sự lệch lạc trong đào tạo đại học, nơi mà theo thông lệ trên thế giới, một phần ba thời gian cũng như là nội dung đào tạo sẽ được chuyển tải qua việc đọc sách.

Thiếu vắng kỹ năng đọc sách sau ngày tốt nghiệp đại học sẽ khiến một tầng lớp trong xã hội không đón nhận được thông tin và kiến thức qua kênh đọc sách như mặt bằng chung của các nước trong khu vực hay trên thế giới. Đây chính là điểm khác biệt rất lớn về môi trường sống mà khi áp dụng các phép đo hay công thức truyền thông từ nước ngoài đem về. Ví dụ cơ bản như các chương trình truyền hình mang tính thi đấu, mua bản quyền nước ngoài, hiện đa số chỉ là những trò vui chơi giải trí ở dạng đơn giản, thiếu vắng hoàn toàn những chương trình giải trí mang tính giáo dục ở bậc cao. Nếu so sánh với các giáo trình video cho sinh viên ở bậc đại học, phát đại trà trên truyền hình, như tài liệu giảng dạy của Open University (Đại học Mở) ở Anh, thì các chương trình truyền hình khoa giáo ở Việt Nam còn quá đơn giản và chủ yếu là dành cho bậc phổ thông và mang tính tuyên truyền giáo dục hơn là đào tạo. Có lẽ, thiếu kỹ năng đọc các loại sách không phải là sách văn học chính là một trong số những lỗ hổng cơ bản kéo theo hiện trạng như vừa mô tả. Chỗ trống này cần rất nhiều thời gian và công sức để lấp đầy, khởi đầu từ những việc rất nhỏ như thêm phần index trong in ấn và xuất bản các loại sách khoa học.

72

Việc tập trung quá nhiều vào dòng văn học hiện thực phê phán cũng phần nào bắt nguồn từ thực tế, và giúp duy trì cách suy nghĩ coi những gì đang được mô tả trong tiểu thuyết chính là sự thật, mà quên mất rằng đó chỉ là không gian trừu tượng do nhà văn xây dựng để chuyển tải một nội dung gì đó khác hơn là câu chuyện đang diễn ra. Ví dụ rõ nhất là có một giai đoạn quảng cáo khiến cho người ta tin rằng sữa bột cho trẻ em tốt hơn sữa mẹ, một điều hoàn toàn ngược lại với các nghiên cứu khoa học về vấn đề này trên thế giới. Đây thực sự cũng không phải là trường hợp cá biệt tại Việt Nam, tập đoàn Netslé từng bị phạt rất nặng trên thế giới vì các quảng cáo khiến cho những cộng đồng thiếu văn hóa suy luận khoa học bị dẫn dụ và tạo ra kiến thức dân gian phản khoa học. Trong nửa đầu thế kỷ XX, quảng cáo trên báo chí tiếng Việt từng hạ gục ngành nuôi bò sữa để cung cấp sữa tươi ở trong nước, tạo thị trường cho sữa đóng hộp nhập khẩu.

Rất nhiều vấn đề kiểu như vậy cần được người làm truyền thông ở Việt Nam chú ý khi vận dụng, và nghiên cứu sâu để xây dựng hệ thống lý thuyết ứng dụng cho riêng điều kiện Việt Nam trong quá trình tái hội nhập với thế giới. Truyền thông phát triển không chỉ đơn thuần là việc tuyên truyền, sử dụng những khẩu hiệu đơn giản nhất để ai cũng có thể nhớ và hành động làm theo. Truyền thông để thay đổi xã hội, như trình bày từ phần đầu, phải mất nhiều năm hay thậm chí cả đến một vài thế hệ. Truyền thông phát triển, đặc biệt là truyền thông để phát triển bền vững, là cả một hệ thống kiến thức cần được đưa vào trong suy nghĩ và sinh hoạt hằng ngày của cộng đồng, tức là cả một lượng sách mà

73

ít nhất phải nhiều bằng một thư viện gia đình. Trên dòng chảy chính của kiến thức trên thế giới, một khái niệm cần được trình bày bằng ít nhất là một quyển sách giáo khoa vài trăm trang mới đủ chỉ để tóm tắt nhiều luồng tư tưởng khác nhau ẩn chứa bên trong đó. Tập quán phổ biến ở Việt Nam thì vẫn chỉ giống như thói quen xấu được luyện tập ở bậc phổ thông là cố gắng nhồi nhét cho nhanh vào trí nhớ một vài dòng định nghĩa ngắn, không mở rộng tìm hiểu thêm trong sách và càng không tìm kiếm để quay về nguồn của khái niệm đó trong sách tiếng Anh hay tiếng Pháp và tiếng Đức nguyên gốc. Giải pháp thường gặp để giải quyết độ chênh đó trong một quãng thời gian ngắn thường là diễn giải khái niệm này một cách nôm na theo cái nghĩa vốn có của chữ tiếng Việt hay Hán - Việt được dùng để dịch, hoặc là tóm lấy chỉ duy nhất một ý đang được ứng dụng từ tập hợp rất nhiều nghĩa có liên quan tới khái niệm đó. Ví dụ dịch chữ dân chủ chỉ thể hiện được một góc cạnh của khái niệm gốc demo-cracy, là dân làm chủ, mà sau này khi dịch quyển sách cùng tên của chuyên gia Pháp Alexis de Tocqueville sang tiếng Việt hồi năm 2015, Nhà xuất bản Tri thức đã phải xây dựng một chữ mới là “dân trị” để thoát ra khỏi những rào cản về ngữ nghĩa mà quá trình sử dụng chữ cũ đã tạo ra. Người làm truyền thông chính là người phải đầu tư công sức để tạo ra những con chữ mới để chuyển tải khái niệm mới vào không gian tư duy, tạo nền cho sự phát triển.

Các nhà báo thường là người đầu tiên đặt ra chữ mới cho các khái niệm mới trên thế giới vào tiếng Việt, như chụp ảnh tự sướng để dịch chữ selfie, hay bàn phím cho keyboard,

74

và khẩu hiệu cho poster, có lúc chuyển từ nghĩa gốc sang, có khi lại diễn giải việc sử dụng, như xe đạp, xe máy, tủ lạnh, nồi cơm điện. Nhiều trường hợp đem luôn cả chữ gốc vào tiếng Việt như bơ, xích líp, xà lách, v.v.. Với những con chữ không có sẵn vật chất để liên tưởng mà chủ yếu là biểu hiện của tư duy, thì việc điều chỉnh sẽ khó hơn nhiều. Ví dụ thường gặp nhất trong ngành truyền thông là khái niệm discours, mà trước đây người ta thường nghe nói tới khi ai đó bị thầy giảng đítcua, tức một kiểu giáo huấn, dạy morát (một biến thể sai âm vào tiếng Việt của chữ luân lý đạo đức - moral). Ngày nay chữ này thường được dịch sang tiếng Việt là “diễn ngôn”, theo cách trình bày của Trần Đình Sử, ảnh hưởng nhiều từ Michel Foucault, tức là nói đến sự thể hiện ra bên ngoài bằng ngôn từ của một tư tưởng hay hiện tượng tư duy nào đó. Thế nhưng trước đây chữ discours đã được du nhập vào tiếng Việt qua một hệ tư tưởng khác trong ngành ngữ văn, và hiện nay trong ngành nghiên cứu truyền thông chịu ảnh hưởng từ trường phái mácxít Anh của Stuart Hall thì dùng chữ discours này với ý nghĩa khác hơn là diễn ngôn, phần nào có thể hiểu như là quá trình biện chứng hay đấu tranh giữa các mặt đối lập. Đưa một khái niệm mới vào một ngành nghề cụ thể, hay đưa một cấu trúc mới vào một cộng đồng cụ thể, nhiều khi sẽ là một công việc đầy gian nan kiểu như vậy, tức là phải truyền đạt bằng phương tiện truyền thông cổ điển nhất là chữ in và thư viện cho người dân đến đọc sách.

75

5. Thế giới hình ảnh

Sẵn điện thoại trên tay, đi tới đâu chúng ta đều có thói quen chụp ảnh rồi tiện facebook thì khoe luôn. Trước khi có công nghệ máy ảnh thì người ta chỉ biết kể lại bằng lời nói hay tiến bộ hơn là câu chữ trên sách. Trước đó nữa thì loài người có lẽ không có khái niệm gì về chia sẻ hình ảnh với nhau. Chúng ta đang sống trong một nền văn minh đặt nặng sự nhận biết của mình về thế giới xung quanh qua hình ảnh. Trong một mô hình thể hiện các đầu dây thần kinh cảm giác trên cơ thể người, thì số lượng thị giác không thể nào nhiều bằng xúc giác ở môi và bàn tay. Nếu so về tầm nhìn, thì không gian thị giác không thể nào xa bằng độ phát tán của mùi hương cảm nhận được bằng khứu giác, hay đường đi của âm thanh cảm nhận qua thính giác. Truyền hình và trước đó là ảnh chụp trên báo chí đã dần tạo ra một thế giới quan hình ảnh trong văn hóa loài người, cũng khiến người ta dễ dàng tin vào hình ảnh giống như là trước đây tin vào sách vở. Nhu cầu về hình ảnh khiến cho các nhà sản xuất điện thoại phải mau chóng đầu tư vào công nghệ tích hợp máy chụp ảnh như

76

ở Nhật Bản từ thập niên 1990, mà ngày hôm nay không thể nào thiếu trên bất kỳ chiếc máy điện thoại cầm tay nào, hay máy tính xách tay, máy tính bảng, và cả trên phương tiện giao thông như camera hành trình lắp sẵn trên xe ôtô và tháo lắp trên nón bảo hiểm xe môtô. Hình ảnh mà chúng ta nhìn thấy hằng ngày trong cuộc sống ảnh hưởng rất nhiều đến những gì ta suy nghĩ và hành động, tức chính là thế giới quan của mỗi con người.

Hình ảnh trở thành đối tượng nghiên cứu được quan tâm đặc biệt trong rất nhiều ngành khoa học xã hội và nhân văn trong khoảng vài thập niên trở lại đây, đặc biệt là khi công nghệ chụp và in ảnh nhờ giá thành rẻ mà trở nên phổ biến trong mọi xã hội. Hai ngành được coi là mũi nhọn trong hướng đi này là nhân học hình ảnh - photo anthropology và xã hội học hình ảnh - visual sociology cùng nhìn nhận rằng chúng ta đang sống trong một xã hội hình ảnh - photo society1, tức là một xã hội lấy hình ảnh làm trung tâm. Tất cả mọi quá trình của nền văn minh, từ tiến bộ kỹ thuật cho đến văn hóa và xã hội, cả nơi công cộng lẫn chốn riêng tư, đều xoay quanh hình ảnh mà tạo ra ý nghĩa và từ đó là quyền lực, như cách hiểu xã hội mà Max Weber đã đặt nền móng. Nhờ truyền thông theo cách hiểu là một quá trình giao tiếp mà người ta có thể xây dựng và duy trì các mối quan hệ xã hội, tạo uy tín và ảnh hưởng, cho đến kiểm soát xã hội, cũng như là hình thành

1. Xem Sztompki, Piotr và Malgorzata Boguni-Borowska: Fotospoleczenstwo - Antologia tekstow z socjologii wizualnej, Znak, Krakow, 2012.

77

phong tục, kiến thức, hay thể chế hóa. Giới nghiên cứu thường đặt hình ảnh trong bốn mối quan hệ chính để khảo sát, bắt đầu từ phương pháp luận theo chức năng như Émile Durkheim, tức là vai trò của hình ảnh trong việc tạo ra chuẩn mực xã hội. Ví dụ như hợp đồng hôn nhân được hình ảnh hóa bằng ảnh cưới, và từ phim về đám cưới xã hội sẽ được định chuẩn theo luân lý đạo đức đã được trình bày trong đó. Từ đó, hình ảnh có thể được đặt trong mối quan hệ xã hội thứ hai, là quá trình tạo dựng ra khuôn mẫu lý tưởng mà cộng đồng sẽ noi theo. Hai hướng nghiên cứu tiếp theo quan tâm tới kết cấu xã hội, được thể hiện qua lần lượt là mối quan hệ tương tác và lợi ích chung.

Xét đến bức ảnh trong vai trò của một phương tiện truyền thông để chuyển tải điều gì đó vào không gian và thời gian, điều đầu tiên cần chú ý là tính khách quan của bức ảnh đó. Trong tiếng Việt, khách quan thường được dùng theo nghĩa đối lại với chủ quan, tức là mô tả một cách nhìn trung thực và toàn diện hơn, không bị sai lạc do thiên kiến cá nhân. Thế nhưng, nếu chú ý kỹ ngữ nghĩa của từ Hán - Việt này, thì khách quan có nghĩa là nhìn từ bên ngoài vào, hay còn có thể nói là nhìn bằng mắt của người khác. Khái niệm khách quan trong ngôn ngữ phương Tây thường giống tiếng Anh là objective, có nghĩa là thấu kính của máy chụp ảnh hay trước đó là kính viễn vọng. Cấu trúc ngữ pháp thì gọi object là khách thể, hay là vị ngữ, tức là đối tượng của hành động từ phía chủ thể - subject. Do đó, trong tiếng Anh objective còn có nghĩa là mục tiêu cần đạt được khi lên kế hoạch hành động. Như vậy,

78

thoát khỏi cái nhìn có thể coi là ếch ngồi đáy giếng của bản thân, thì có thể bị sa vào cái nhìn chật hẹp của một người khác, hay giới hạn của thấu kính. Chúng ta thường có thói quen xem bức ảnh chụp là sự phản ánh trung thực của sự thật, nhưng nếu bạn chú ý kỹ vào những bức ảnh chụp bằng điện thoại, sử dụng thấu kính góc rộng, thì mặt người hay đồ vật ở bên ngoài rìa thường biến dạng, kéo dài hay rộng ra. Chỉ cần đứng gần máy chụp ảnh hơn một chút thôi, là người thấp sẽ cao bằng người đứng đằng sau. Chỉ cần người chụp ngồi thấp xuống một chút sẽ khiến nhân vật trong bức ảnh trông thật cao và oai vệ, và ngược lại, đứng cao hơn để chụp xuống sẽ thấy họ thấp bé và có vẻ như là hèn kém. Bức ảnh không chỉ làm sai lạc sự thật mà còn tạo ra hiệu ứng cảm xúc dẫn dắt người xem nhìn và đánh giá theo đúng ý đồ của người chụp.

Tương tự như vậy, mỗi bức ảnh kể cả gọi là toàn cảnh thì vẫn không thể nào ghi nhận được hết toàn bộ câu chuyện. Giả sử như đám đông có 100 người đang thể hiện cảm xúc của mình, mà người chụp ảnh chỉ chọn ra có 1 nhân vật để đặc tả thì chúng ta sẽ nghĩ rằng 99 người còn lại cũng như vậy mà không thực sự biết chắc rằng nhân vật đó có biểu hiện hoàn toàn ngược lại với 99 người kia hay không. Ngay cả những bức ảnh chụp toàn cảnh in trên khổ lớn bằng một người chụp ảnh có thể tạm coi là vô tư, thì trong tiềm thức người này vẫn tuân theo một số nguyên tắc nào đó về bố cục, hay là nhìn sự vật bên ngoài theo cách riêng của mình, đã định hình dần thành trường phái. Ngay cả với quy trình tráng và rửa ảnh tốt nhất thì độ tương phản

79

hay màu sắc cuối cùng cũng khó có thể nào giống hệt như trên ảnh gốc được, vì còn tùy thuộc vào màu sắc, mà còn gọi là độ nóng Kelvin của ánh sáng mặt trời tại thời điểm đó nữa. Muốn có ảnh chân dung đẹp người ta thường chụp vào sáng sớm khi ánh sáng mặt trời có đầy đủ màu sắc và hồng hào nhất, không chuyển sang tông gay gắt lúc giữa trưa, hay vàng vọt rồi đỏ tía lúc chiều tà. Nhìn một bức ảnh thì người xem sẽ khó lòng nhận biết hay tự mình phân tích thêm các thông tin kèm theo kiểu như vậy. Hay như bạn dụ dỗ trẻ con cười và nhìn vào ống kính, khiến người xem ảnh sẽ nghĩ rằng đứa bé đang nhìn họ cười. Điều đó có phải là sự thật hay không? Có xảy ra khi đứa bé thật sự gặp người đó ở ngoài đời hay không? Một đứa bé có thể cười theo nhiều cách khác nhau, nhưng tại sao ta lại chọn kiểu cười này để ghi lại và cho người khác xem? Mỗi bức ảnh ít nhiều đều là sự tạo dựng và ghi nhận có thể gọi là chủ quan về thế giới xung quanh.

Người chụp ảnh chuyên nghiệp thường hiểu rất rõ về độ biến dạng do ống kính mình đang sử dụng gây ra, và sử dụng sự biến dạng đó theo hướng tốt cho nghề nghiệp của mình. Ống kính góc hẹp - tele 100-125mm thường được dùng để chụp chân dung vì khi đó sẽ tạo ra được một gương mặt dễ nhìn nhất. Kính góc hẹp ngoài chức năng có thể chụp rõ đối tượng từ xa còn đồng thời loại bớt cảnh vật xung quanh đi, khiến cho nhân vật chính có vẻ cô đơn hơn, hay không bị những vật thể khác xung quanh ganh đua giành ánh mắt của người xem. Ngược lại, kính góc rộng - wide, ví dụ như loại 35mm thường được nhà sản xuất lắp cho điện thoại,

80

thì lấy thêm khá nhiều cảnh vật đằng sau nhân vật, khiến cho bức ảnh có thêm nhiều chi tiết và dường như là đầy đủ hơn. Kính 50mm được coi là bình thường - normal vì góc nhìn khá giống với góc nhìn của mắt người, nhưng lại bó hẹp không gian không thể bao quát được bằng độ rộng quan sát của mắt người. Các thông số về tiêu cự của thấu kính vừa nêu ở trên là công thức tính toán từng phổ biến một thời cho máy chụp ảnh dùng phim, còn nay người ta dùng đủ các loại kích cỡ khác nhau cho tấm cảm ứng ánh sáng - sensor thì các thông số này chỉ còn mang tính ước lệ. Các phần mềm ứng dụng trên điện thoại hay máy tính còn cho phép người ta xử lý bức ảnh chụp theo nhiều kiểu hiệu ứng khác nữa, sử dụng không chỉ là hiệu ứng quang học đã được số hóa thành các công thức tính toán, mà còn cả cắt ghép thay đổi hoàn toàn ảnh gốc. Hình ảnh ngày hôm nay, dù rằng đa số người ta vẫn còn tin vào chúng, không còn là hình ảnh trung thực và toàn diện của sự vật bên ngoài nữa.

Tương tự như vậy ta có thể nhìn kỹ hơn vào khả năng dẫn dụ tư duy con người đi theo đúng ý đồ của đạo diễn trên ảnh chạy - movie, tức là những hình ảnh được đặt nối tiếp nhau khiến người xem hình dung ra giống như là nhân vật đang hành động. Đơn giản như là quay cảnh diễn viên đấm thẳng vào ống kính rồi nối tiếp bằng cảnh một diễn viên khác bị ngã sưng mặt là ta đã tạo ra được một hiệu ứng đơn giản trong phim hành động, khiến khán giả nghĩ là họ đang đánh nhau. Ở Ấn Độ có những người chuyên mua các cuộn phim cũ bỏ đi, về cắt ghép rồi nối

81

lại với nhau thành một bộ phim mới phục vụ cho khán giả nghèo, xem phim bằng xe di động. Giải Oscar danh giá hằng năm luôn có một tượng vàng cho người làm công việc cắt dán phim trong hậu trường. Từng có trường hợp editor sử dụng cảnh đã quay theo kịch bản cũ của đạo diễn để lắp ghép lại thành một bộ phim khác hoàn toàn. Tức là, cùng những hành động hay sự kiện rời rạc trong cuộc sống, nếu ta lắp ghép lại theo một trình tự - chronology khác, thì sẽ tạo ra một câu chuyện hoàn toàn khác để dẫn dụ người xem đi theo hướng khác. Trong một ngày chúng ta thường làm rất nhiều việc, và chỉ cần chọn một nhóm công việc này hay nhóm công việc khác để đưa lên trang facebook là đủ để khiến người theo dõi nghĩ khác không chỉ về công việc mà còn cả tính cách của bản thân mỗi chúng ta. Khi tường thuật bằng hình ảnh hay làm phim để giới thiệu một gương điển hình về áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất, có thể do thiếu hiểu biết về kỹ năng xử lý hình ảnh mà ta sẽ khiến người xem ghi nhận một lượng thông tin hoàn toàn khác và kéo theo là có quan điểm hoàn toàn khác về kỹ thuật đó.

Phóng sự tường thuật hoàn toàn khách quan từ chủ ý của người sản xuất, do vậy, không phải lúc nào cũng khách quan. Ví dụ đơn giản nhất như là quần áo của người nông dân, vì muốn lên ảnh trông cho đẹp, mà có thể đã khiến người xem ngay lập tức mất lòng tin vào sự thật, vì nghĩ rằng họ đang diễn chứ không phải làm thật. Tương tự như vậy, khung cảnh thật nơi hiện trường không phải lúc nào cũng đầy đủ ánh sáng như trong phim trường, khiến cho

82

góc quay xấu, mà quay sang hướng khác thì cũng đã thay đổi góc nhìn của “khách quan” mất rồi. Có người làm rất giỏi nhưng lại nói rất kém, hay đơn giản là có người bị khớp trước ống kính vì không phải ai cũng có sẵn tố chất hay năng khiếu làm diễn viên. Thế giới thực được ghi lại qua hình ảnh là một sự bóp méo đầy giới hạn mà nhà truyền thông phải ý thức rất rõ và khắc phục một cách triệt để nhất trong quá trình tái dựng lại sự thật khi trình bày với người xem qua sản phẩm của mình.

Từ thập niên 1960, giới chuyên gia về ngôn ngữ như Roland Barthes bắt đầu quan tâm đến nội dung của những bức ảnh báo chí, cố gắng áp dụng các lý thuyết ngôn ngữ như của Ferdinand de Saussure vào đọc vị hình ảnh. Tuy nhiên, nỗ lực của họ cho thấy điểm khác biệt rất lớn giữa hình ảnh và ngôn ngữ là phương tiện này chuyển tải nội dung một cách trực tiếp, đem một tập hợp tín hiệu từ nơi ghi nhận vào không gian của người xem, được tự do diễn giải theo kiến thức và văn hóa của người xem, mà không có cơ hội giải thích hay trình bày cặn kẽ như các mô tả qua một bài viết bằng chữ. Các nghiên cứu đó, như công trình sau này của Erving Goffman, chỉ càng làm rõ hơn sự chủ quan trong tư duy do văn hóa đã tạo thành nơi nhà sản xuất trong quá trình chuẩn bị và ghi nhận hình ảnh, ví dụ như sự phân loại mặc nhiên của xã hội - stereotype thời bấy giờ xem thế nào là đàn ông và đàn bà cần được thể hiện trên ảnh chụp. Do đó, giới chuyên gia bắt đầu chuyển từ cách có thể tạm gọi là đọc ký tự trên ảnh sang đọc biểu tượng - symbol được thể hiện hay ghi nhận trên bức ảnh đó. Ví dụ

83

báo chí chụp ảnh một vị lãnh đạo chỉ đạo dọn dẹp lề đường thường thấy thể hiện nhân vật này trong tư thế chỉ tay ra lệnh cho máy móc hoạt động và con người mặc đồng phục thừa hành nhiệm vụ, nhằm gửi đến người xem thông điệp của chính quyền là sẽ kiên quyết và nặng tay thực hiện chủ trương, chính sách của mình. Tuy nhiên, cùng một bức ảnh đó có thể được người xem nhìn theo kiểu khác, ví dụ như nhận dạng nhãn hiệu điện thoại và đồng hồ, tức là không xem ảnh ở tầng biểu tượng mà chỉ đơn thuần là đọc những gì bản thân có thể đọc thấy từ các chi tiết trên bức ảnh, tức là xem ở tầng ký tự. Roland Barthes còn chỉ ra tiếp một tầng khác nữa mà có thể gọi là những điều không thể hiện ra được bằng ngôn ngữ cả văn nói lẫn văn viết, không có kết cấu rõ ràng và không phải lúc nào cũng hiện diện, không liền lạc, đầy cảm tính, mà cũng giống như thơ Haiku Nhật Bản, bỗng nhiên chui thẳng vào tư duy tạo ra ý nghĩ. Điều này chúng ta có thể tự mình nhận thấy qua những bức ảnh chụp, ví dụ như là thức ăn, khiến ta muốn ăn vì nhìn nó đẹp dưới ánh sáng đèn chiếu và ống kính ghi hình, hơn là vì ngon theo cái nghĩa thông thường của vị giác. Tuy nhiên, việc đi sâu hơn vào trình bày vượt quá mục tiêu của cuốn sách này, và độc giả có thể dễ dàng tìm thấy trong tác phẩm của Barthes chuyên về hình ảnh: La chambre claire - Note sur la photographie.

Nhìn từ góc độ của ngành triết học nhận thức, giới chuyên gia thường đưa ra ví dụ về các không gian thị giác đặc biệt do các họa sĩ hay nghệ sĩ theo trường phái ý niệm tạo ra. Ví dụ, họ xây dựng một khu tượng đài đặc biệt mà

84

người xem khi bước vào trong đó sẽ cảm giác khác về chiều thẳng đứng và tự mình điều chỉnh, khiến cho ai đó đứng bên ngoài nhìn vào sẽ thấy rõ là người này đang đứng nghiêng, siêu vẹo hẳn sang một bên. Một số công trình kiến trúc trên cao đặt kính chịu lực làm nền nhà, khiến không ít người sợ hãi không dám bước qua vì dưới chân mình là cả một hố sâu trống rỗng, dù rằng tư duy vẫn nhận biết rõ đó là sàn nhà làm bằng kính và đủ an toàn để bước qua. Những gì nhìn thấy được bằng mắt đã áp đảo tư duy và chặn hết những gì khác cũng nhìn thấy được bằng mắt. Tương tự như vậy ta dễ dàng có thể nhảy qua mương nước rộng 1 mét nhưng sẽ khó làm điều đó ở độ cao như sân thượng nhà cao tầng. Sự khác biệt về tư duy diễn giải trong không gian đọc ảnh cũng giống như vậy, khiến cho dù rằng nhà truyền thông dù có thuyết phục mấy rằng bước qua tấm kính sang bên kia là an toàn và một tương lai phát triển sẽ rộng mở, thì khán giả vẫn sợ hãi nghe theo trực giác và lì lợm bám vào chỗ cũ.

Khi chuyển sang công nghệ số, những bức ảnh lưu niệm mang tính cá nhân trước đây bỗng nhiên trở thành phương tiện truyền thông đại chúng mang tính cá nhân. Người xem dõi theo những bức ảnh selfie của nhân vật mà họ hâm mộ để được trải nghiệm giống như vậy. Chỉ cần theo dõi một người đi xe máy và chụp ảnh bâng quơ trên mỗi đoạn đường thì ta đã có được khái niệm về việc bản thân mình sẽ chinh phục khoảng cách đó như thế nào. Một người chăm chỉ sẽ còn chụp cụ thể hơn tình trạng mặt đường, chỗ nghỉ chân, nơi sửa xe, loại xe đang dùng,

85

thời tiết, khí hậu, trang bị, v.v., giúp ta có thể sống trong trải nghiệm đó một cách mà ta nghĩ là trung thực và đầy đủ nhất, trên thực tế chỉ mất vài phút để xem ảnh chứ không cần phải bỏ ra cả ngày trời để đi trên đường. Những bức ảnh về cuộc sống dần trở thành một cuộc sống được ghi nhận bằng những bức ảnh. Thay vì sống cho riêng mình ta có thể dần dần sống để phục vụ nhu cầu xem ảnh của bạn bè hay những người đang theo dõi ta trên facebook. Thay vì giữ kín tâm trạng cho riêng mình ta có thể dễ dàng bộc lộ cho một người xa lạ biết qua một bức ảnh chụp đầy cảm xúc. Ngay cả trong các mối quan hệ riêng tư, giao tiếp bằng hình ảnh cũng dần thay thế ngôn ngữ. Ngày nay người ta chụp ảnh selfie rồi gửi cho nhau xem thay vì nhắn tin trên điện thoại cầm tay, hay trước đây là gọi điện chia sẻ, và trước nữa là viết thư mô tả và tâm sự. Phương tiện liên lạc hoàn toàn khác kéo theo, mà đồng thời cùng là biểu hiện cho một tư duy hoàn toàn khác trong văn hóa giao tiếp của loài người. Các nghiên cứu ở Nhật Bản cho thấy mối quan hệ qua hình ảnh dần thay thế truyền thống duy trì quan hệ bằng cách gặp mặt định kỳ, tức là kết cấu xã hội đã biến đổi hầu như là hoàn toàn về quyền lực gây ảnh hưởng.

Từ góc độ của người làm truyền thông phát triển, thì mối quan tâm hàng đầu về hình ảnh là cần phải tạo ra những bức ảnh hay đoạn video đẹp, ít nhất là thu hút được người xem từ góc độ nghệ thuật, và bảo đảm sao cho sức thuyết phục là cao nhất trong điều kiện hiện có. Đẹp là một khái niệm có thể hiểu như là một phạm trù của đạo đức,

86

tức là do xã hội tạo ra và duy trì. Để ứng dụng thì cách đơn giản nhất là xây dựng những bức ảnh đẹp theo quy chuẩn phổ biến - convention, tức là những gì mà đa số trong xã hội hay nhóm khán giả mục tiêu coi là đẹp. Thường các lớp dạy chụp ảnh hay quay phim cơ bản sẽ tập trung hướng dẫn xoay quanh các tiêu chuẩn này, trên mạng internet có sẵn rất nhiều tài liệu hay khóa học miễn phí, ví dụ như lớp dạy chụp ảnh và quay phim trên Youtube. Đầu tiên là bố cục, mà từ thời các họa sĩ thời Phục Hưng như Leonardo da Vinci đã tính toán và đưa ra những tỷ lệ hợp lý nhất cho tranh vẽ, ảnh hưởng sâu đậm vào phim ảnh sau này. Ví dụ như ta có thể chia bức ảnh thành ba phần và các góc hai phần ba được gọi là điểm vàng vì thu hút ánh mắt của người xem. Tương tự như vậy người đứng hay ngồi trong ảnh cũng nên theo tỷ lệ diện tích hay chiều dài là hai phần ba nội dung, nhìn thẳng thì đứng giữa, còn nhìn sang hướng nào thì phía bên đó cần cho thêm hậu cảnh - background để tạo ra góc nhìn tự nhiên cho khán giả. Trước kia người ta kỵ ảnh chụp bị cắt cổ cắt đầu nhưng nay xu hướng lấy cận cảnh - close up có thể cắt bỏ cả đầu lẫn cằm để đặc tả cặp mắt và đôi môi của nhân vậy, vẫn được đặt theo tỷ lệ đã thành công thức là ở các vị trí hai phần ba trên ảnh.

Sau các vấn đề về bố cục - composition như vừa kể là tiêu chí về độ tương phản, mà nếu ta chú ý thì chụp ngược sáng, tức là chụp theo hướng ánh sáng mặt trời chiếu thẳng vào ống kính, thì mặt người bị che tối có thể trở thành không nhìn thấy gì cả. Đó là trường hợp thường gặp nhất của

87

hiện tượng quang học khi độ tương phản trên bề mặt ảnh không giống nhau, nếu tập trung vào chỗ được chiếu sáng thì chỗ tối không còn phân biệt được gì, và ngược lại nếu tập trung vào chỗ tối thì bên phía sáng quá cũng sẽ không thể phân biệt được gì cả. Các loại máy iPhone ngày càng được trang bị thêm nhiều thuật toán thông minh để người chụp ảnh khỏi phải lo nghĩ quá nhiều về những điều như vậy, nhưng Sony lại cung cấp thiết bị cho khách hàng biết chụp ảnh bằng một nút bấm riêng biệt với hai cấp độ, cho phép người chụp lấy nét và chọn đặc tả hình ảnh theo một chế độ đặc biệt nào đó. Tương tự như vậy, các hãng cũng cạnh tranh nhau bằng tỷ lệ của bức ảnh, là ảnh vuông như các loại máy chụp lấy liền Polaroid, hay ảnh 9x16 như tỷ lệ thường gặp với phim và giấy ảnh truyền thống, và loại ảnh rộng giống như tivi thế hệ mới hay màn ảnh trong rạp chiếu phim. Khi ghi ảnh bằng dạng thức - format này rồi lại trình bày với khán giả trong dạng thức khác thông tin đã bị cắt xén và biến dạng ít nhiều, như chúng ta có thể thấy trong trường hợp xem phim màn ảnh rộng bị cắt mất hai bên trên máy bay.

Để chụp được một bức ảnh đẹp không cứ phải dùng máy to, và để quay được một đoạn phim tuyên truyền hay không đòi hỏi phải thuê máy quay phim chuyên dụng tốn kém. Tất nhiên là các nhà quảng cáo vẫn dùng thiết bị mắc tiền để trình diễn - demo trên các thiết bị rẻ tiền, nhưng trong điều kiện thực tế thì sử dụng ngay chính thiết bị đơn giản để làm ra sản phẩm truyền thông luôn là việc hiệu quả nhất. Khi xảy ra một vụ đánh bom hay

88

tai nạn giao thông, thì phát live từ hiện trường bằng điện thoại cầm tay sẽ giá trị gấp nhiều lần chờ cho tới khi xe phát sóng cùng máy quay chuyên dụng của đài truyền hình đến nơi tường thuật. Chỉ cần trang bị thêm một chân đứng - tripod cho điện thoại hoặc đặt máy vững trên một bức tường hay buộc thu chắc vào một cây cột, là đã bảo đảm được tiêu chí cơ bản nhất của một đoạn video dành cho đại chúng. Tương tự như vậy, nắm vững được tính năng chụp ảnh của điện thoại thì ta cũng có thể ghi lại được những bức ảnh mà với độ phân giải cao ngày hôm nay là đủ để in trên báo hay thậm chí trên các mặt phẳng có diện tích to hơn. Kiến thức đi kèm với kinh nghiệm và quá trình luyện tập sẽ giúp nhà truyền thông rút ngắn bớt khoảng cách do thiếu tài chính và thiết bị gây ra.

89

6. Cộng đồng âm thanh

Kể từ khi loài người sáng chế ra được vật phẩm để lưu giữ âm thanh rồi đem đến chỗ nào khác bật lên lại để nghe, như những chiếc ống Edison cho máy hát nhạc cơ khí vào khoảng năm 1896, thì nền văn minh nhân loại đã chuyển hoàn toàn sang một giai đoạn khác, nơi mà người ta có thể tóm bắt một không gian nào đó để đem theo mình. Nếu quí độc giả không thấy bị thuyết phục thì cứ thử hỏi chuyện một ai đó đang đeo tai nghe để xem coi họ nghĩ như thế nào. Rõ ràng là người ta đang ngồi cạnh bạn trên cùng một chuyến xe lửa, nhưng đầu óc không hề hiện diện trong không gian thực tại này, mà bay bổng ở đâu đó trong cái không gian âm thanh do nhạc ở trong tai họ tạo ra. Âm nhạc này có thể là từ bộ nhớ trong máy điện thoại, nhưng cũng có thể là được phát qua sóng điện từ trường từ một đài FM nào đó để cả ngàn người cùng dõi theo lời bình luận của một người dẫn chương trình nổi tiếng, để có cảm giác rằng mình đang cùng những người khác đang tham gia một sự kiện xã hội. Nhắc lại quan sát của Plato rằng phạm vi của một thành phố nằm trong giới hạn âm thanh

90

mà người ta có thể nghe thấy lời ông rao giảng, chuyên gia truyền thông McLuhan1 nhìn nhận thế giới chúng ta đang sống ngày hôm nay được radio liên kết lại thành cũng giống như vậy, một ngôi làng toàn cầu. Khác với phương tiện chữ viết đòi hỏi độc giả phải biết chữ, hay hình ảnh chỉ lôi kéo được người xem trong chốc lát, phương tiện truyền thông âm thanh dễ tạo ra liên kết sâu giữa con người với con người, mà chúng ta có thể gọi là cộng đồng âm thanh.

Nhìn từ góc độ của người làm truyền thông, thì radio thường được coi là phương tiện ít tốn kém nhất. Chỉ cần một cái microphone và vài cái loa là người ta đã có thể xây dựng xong một đài phát thanh phường, sáng sớm huy động cả làng dậy tập thể dục, rồi thông báo tình hình thời tiết, phân công nhiệm vụ trong ngày, tối đến lại tổng kết và kể cho nhau câu chuyện cảnh giác hay đọc truyện, hướng tới xây dựng một cộng đồng polis như phác thảo của Plato. Khi đi lấy tin, người làm radio cũng chỉ cần một chiếc máy ghi âm, mà nay có sẵn trên điện thoại cầm tay, rồi về phát lại cùng với nhạc hay âm thanh tiếng động là có được ngay lập tức một phóng sự truyền thanh, trong khi báo in cần phải có ảnh chụp, rồi giấy để in, và hệ thống phân phối để chở báo đến từng người đọc, thường phải theo quy trình tính bằng ngày. Truyền hình thì có thể đáp ứng nhu cầu thời sự như radio, nhưng trang thiết bị rất tốn kém và hiệu quả hình ảnh không phải lúc nào cũng được như

1. Xem Hopfinger, Maryla: Nowe media w komunikacji spolecznej w XX wieku, Oficyna Naukowa, Warszawa, 2005.

91

ý muốn. Do đó, phương tiện radio thường rất hay được sử dụng trong các dự án truyền thông phát triển, khi mà mỗi địa phương thường có sẵn mạng lưới phát thanh, và điều kiện thực hiện đơn giản, gọn nhẹ về nhân sự, giá thành thấp, mà hiệu quả về độ tương tác lại cao.

Các nghiên cứu về radio thường nhắc đến hiệu quả tâm lý của phương tiện âm thanh, sự khác biệt rõ ràng giữa âm thanh và chữ viết hay hình ảnh. Trên phương tiện giấy người ta có thể in chữ để đọc và in hình để xem, còn trên làn sóng radio người ta có thể phát tiếng nói để thông báo và đồng thời cũng có thể tạo dựng ra được một không gian âm thanh hay chính xác hơn là sân khấu truyền thanh để truyền đạt điều mình muốn. Chúng ta đang sống trong nền văn minh bị ảnh hưởng mạnh của chữ in mà quên mất rằng loài người từng sống trong nền văn minh tiếng nói, chưa có chữ viết và mọi điều chỉ có thể truyền đạt bằng cách nói với nhau trong các bộ lạc nguyên thủy. Nếu ngưng đọc hay ngừng xem thì chữ viết và hình ảnh vẫn còn đó, nhưng nếu ngưng nói hay không chú ý lắng nghe thì không có âm thanh nào được phát ra và không có tiếng động nào được chạy vào trong não. Văn minh đọc khiến con người ta không còn chú trọng nhiều vào việc phải nhanh chóng ghi nhớ tất cả những gì vừa nhận biết được, cũng không có nhu cầu phải phát ngôn điều đó ra. Âm thanh, khác với hình ảnh và chữ viết, thường chạy thẳng vào trong tầng sâu của tâm lý con người và tác động trực tiếp vào suy nghĩ của thính giả. Trong thời đại của thói quen tập trung xem tivi thì những ai muốn tìm không gian riêng của mình

92

thường được thấy tách ra lắng nghe chương trình radio mà mình yêu thích. Phương tiện để hát karaoke trong các xã hội nặng tính tập thể như Việt Nam tạo cơ hội để người ta thể hiện cá nhân, còn trong các xã hội đề cao tính cá nhân như nước Italia thì lại là thiết bị để người ta xây dựng các mối quan hệ cộng đồng làng xóm.

Vốn là một nước phát triển rất mạnh ngành radio, tự hào với kỹ thuật phát sóng tiên tiến nhất trước Chiến tranh thế giới thứ hai, Ba Lan có rất nhiều nghiên cứu lý thuyết và ứng dụng về sân khấu truyền thanh1. Không gian truyền thanh cho phép radio kết nối với văn chương và sân khấu để tiếp tục phát huy các tiến bộ đã đạt được trong hai ngành nghệ thuật đó. Khác với nhà hát tạo ra không gian nghệ thuật ở bên ngoài khán giả, sân khấu mường tượng do kịch truyền thanh tạo ra nằm ở bên trong đầu người nghe, một hình thức nhìn thấy bằng tai, và trực tiếp sống trong không gian cảm xúc của câu chuyện đang diễn ra. Các nhà nghiên cứu phương Tây như Martin Essin thì lại chú trọng đến nhịp điệu trong diễn biến và chỉ ra sự im lặng như là thành phần quan trọng nhất trong vở diễn. Sự im lặng không đơn giản là không có âm thanh nào được phát ra, mà chính là sự gián đoạn của một chuỗi liền lạc nào đó, tức là sự chờ đợi cho một âm thanh sắp được phát ra. Người ta cũng đặc biệt chú ý tới vai trò của microphone và hệ thống khuếch đại âm thanh, khiến cho

1. Xem Hopfinger, Maryla: Nowe media w komunikacji spolecznej w XX wieku, Oficyna Naukowa, Warszawa, 2005.

93

những tiếng động mà trước đây chỉ có thể nghe được trong hoàn cảnh rất gần gũi nhau như tiếng thở, rên, hay các tiếng động phụ và phổ của âm thanh, nay đều được cho lên sóng và tiếp cận trực tiếp với người nghe, có thể là cùng lúc ở nơi đông người. Giới làm nhạc cũng ghi nhận hiệu ứng từ kỹ thuật ghi âm, mà công nghệ cắt dán sửa chữa các đoạn chưa hoàn hảo đã làm nên tên tuổi cho ban nhạc The Beatles.

Âm nhạc trong cuộc sống hằng ngày được Giáo sư Tie deNora1 quan tâm đặc biệt, và nhận dạng tính năng của phương tiện này giống như một phần nối dài của cơ thể, và tác động vào hoạt động của xã hội. Ví dụ rõ ràng nhất của việc sử dụng âm nhạc để kiềm chế hoạt động của một nhóm người có thể thấy qua việc chọn lựa âm nhạc trên các chuyến bay, không được kích động hay tạo ra sự sợ hãi cho hành khách. Việt Nam nổi tiếng với dòng nhạc tuyên truyền mà vẫn thường được gọi là nhạc đỏ, do các chuyên gia từ Triều Tiên sang huấn luyện, như hồi ức của nhạc sĩ Tô Hải. Nhạc cổ động thông qua nhịp điệu sôi nổi và lời hát mang tính khẩu hiệu dễ dàng giúp con người ta lạc quan yêu đời trong bom đạn và vượt qua những năm tháng gian khó nhất của cuộc sống. Các nghiên cứu tâm lý còn mở ra hướng ứng dụng sử dụng nhạc trong trị liệu đối với trẻ chậm phát triển, thông qua phương tiện âm thanh mà giao tiếp với những người xung quanh.

1. Xem deNora, Tie: Music in Everyday Life, Cambridge University Press, 2004.

94

Âm nhạc, do đó, có sức mạnh ảnh hưởng đối với cá nhân, tập thể và xã hội. Được sự trợ giúp của kỹ thuật ghi âm và công nghệ truyền phát xa, sức mạnh này càng được khuếch đại và ảnh hưởng sâu rộng hơn.

Trong cuộc sống hằng ngày của người Việt âm nhạc hiện đại giữ vai trò quan trọng, đặc biệt là tình cảm và tinh thần. Tiến sĩ người Mỹ Jason Gibbs từng ấn tượng mạnh trước hiện tượng nhịp điệu bolero từ châu Mỹ Latinh qua phim ảnh du nhập vào Việt Nam đã trở thành khung sườn để các làn điệu dân ca biến thân vào dòng nhạc nhẹ đương đại qua các ca khúc đại chúng. Bộ trống jazz phương Tây được trang bị thêm mõ để tạo ra tiếng động giống như trong không gian chùa chiền, còn giọng hát của ca sĩ được chỉnh lệch đi chút ít như kiểu lên cao độ của Chế Linh, tương xứng với những cách lên dây đàn truyền thống, để phối hợp với nhau tạo ra những bản nhạc được gọi là sến đậm đà âm điệu bản địa. Phong cách đó cũng trở thành hướng đi cho rất nhiều thế hệ nhạc sĩ sau này, kể cả người chuyên viết nhạc giao hưởng và giảng dạy tại Liên Xô như nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam, mà tác phẩm giao hưởng đồ sộ nhất của ông được xây dựng từ một làn điệu mộc mạc đã in sâu vào tâm trí là tiếng rao “ai chè đậu xanh bột báng nước dừa” mà ông đã nghe từ thuở nhỏ dưới miệt vườn miền Tây. Nhạc sĩ Phạm Duy cũng kiến tạo tác phẩm trường ca Con đường cái quan theo công thức tương tự, sau công trình nghiên cứu thời kỳ đầu của nhạc Việt với các điệu khúc cũ được chuyển thành nhạc nhẹ. Rất nhiều bài hát mang âm điệu dân ca đã nhanh chóng trở thành ca khúc

95

được yêu thích nhất, bất kể đã được sáng tác trong dòng nhạc trữ tình miền Nam, hay âm nhạc cổ động miền Bắc. Khả năng lan tỏa và sức mạnh chuyển hóa của những làn điệu đó cũng chính là biểu hiện bên ngoài của những điều có thể coi là đặc trưng cho bản sắc của một dân tộc.

Đào sâu hơn nữa vào trong lòng di sản dân tộc, chúng ta còn một thứ nhạc khác mà dân gian thường hay gọi là hầu đồng. Chữ media mà chúng ta thường dịch vào tiếng Việt thành truyền thông là biến thể số nhiều của chữ medium, cũng thường được dùng để chỉ những người có khả năng kết nối được với thế giới tâm linh. Giáo sư người Anh Norton Barley1 khi nghiên cứu luận văn tiến sĩ đã đặc biệt quan tâm tới các thể loại nhạc dùng trong nghi lễ lên đồng, mà tên chính thức là chầu văn. Cũng giống như thanh niên phương Tây bị kích động khi nghe nhạc rock, Giáo sư Barley quan sát thấy người Việt Nam cũng bị lôi kéo vào trong tiếng trống, tiếng đàn và điệu hát chầu văn giống như vậy. Trong dân gian người ta cũng dùng chữ “lên đồng” để chỉ những người đang nhún nhảy theo làn điệu nhạc kích động trong vũ trường. Nhạc hầu đồng theo đúng trình tự của mình trở thành chiếc cầu nối để con người nơi dương thế bằng một cách nào đó liên lạc với thế giới tâm linh, trong một nghi thức rõ ràng là đã nối kết chính những người đang tham gia đó lại với nhau. Một cách nào đó, rõ ràng là nhạc chầu văn đã tạo ra không gian cộng đồng như

1. Xem Barley, Norton: Son for the Spirits - Music and Mediums in Modern Vietnam, University of Illinois Press, 2009.

96

cách nói của Plato cho khu vực địa phương mà tòa phủ đó là trung tâm. Một người lạ lạc vào không gian hầu đồng ngay lập tức bị tiếng nhạc và tiếng hát mê hoặc, rồi tham gia khi được con đồng tung cho mấy đồng tiền hay hoa quả, và dần dà tiến sâu thêm vào những hoạt động khác. Một phần nhỏ của thể loại âm nhạc này được pop-rock hóa thành những ca khúc nổi tiếng như Trên đỉnh Phù Vân hay đặc biệt là album Nhật thực của Ngọc Đại qua thử nghiệm của Trần Thu Hà, nhưng chỉ sử dụng riêng phần nhạc điệu chứ chưa phát huy được hết tính năng nối kết của phương tiện truyền thông cộng đồng này.

Tương tự như vậy, nhạc tài tử cũng tạo ra không gian kết nối mang tính thế tục, mở rộng không gian sinh hoạt ra khỏi khuôn viên của những địa điểm tâm linh như đền, miếu, mạo, phủ. Khi được quy chuẩn hóa thành 6 câu vọng cổ, thì một nhạc công lạ gặp ca sĩ lạ lần đầu tiên chỉ cần dạo nhạc chỉnh giọng là có thể giao hoán được với nhau trong một cuộc chơi âm nhạc mà mỗi khán giả đều có thể tham gia bằng nhạc cụ riêng của mình. Sức thu hút của loại nhạc này khiến cho các loại nhạc cụ phương Tây cũng phải được cải tiến để có thể tham gia, như guitar được khoét phím lõm để còn chơi được giống như đàn kìm hay đàn nguyệt, còn violon thì chỉ cần lên dây lại theo kiểu khác là thành giống như đàn cò. Từ khi có nút gạt để chỉnh cao độ của phím piano có thể dễ dàng thay đổi như đàn bầu thì keyboard (còn thường được gọi là đàn organ) cũng nhanh chóng tham gia vào ban nhạc tài tử. Cũng giống như chầu văn và ca trù, số lượng bài nhạc tài tử

97

trong kho di sản đồ sộ của dân tộc Việt Nam khiến giới chuyên gia nghiên cứu phải kinh ngạc, thể hiện bằng sự công nhận của Unesco, về khả năng sáng tạo quá sức tưởng tượng khi kết hợp chỉ một số lượng không nhiều điệu thức với thơ ca, mà nếu phân tích theo niêm luật tây phương thì thực sự là có khi chẳng ăn nhập gì với nhau. Người hát cứ hát, người chơi đàn cứ chơi, vậy mà lại khớp với nhau theo một kiểu gì đó rất lạ kỳ, chặt chẽ cả về nhịp điệu lẫn cao độ, cũng như nhạc jazz vậy. Đó cũng chính là chìa khóa để hiểu mối liên kết cộng đồng của dân tộc Việt, đang chờ được nghiên cứu thêm.

Bước vào thời hiện đại, văn hóa Việt Nam cũng nhanh chóng hấp thụ âm nhạc phương Tây, với lịch sử gần 100 năm âm nhạc hiện đại mà nay thường được gọi là nhạc nhẹ. Từ chuyển thể dân ca vào hệ thống nốt nhạc và đệm theo vòng hòa âm phương tây, các nhạc sĩ thời kỳ đầu mà nay còn thường được gọi là tiền chiến đã nhanh chóng tạo ra những ca khúc tuyệt đẹp cho ngôn ngữ tiếng Việt thể hiện trên nền nhạc đệm của nhạc cụ phương Tây. Nhạc nhẹ là cách mà trường nhạc ở Việt Nam dùng để gọi tất cả mọi thể loại nhạc không phải là giao hưởng và cũng không phải là nhạc dân tộc, tức bao gồm chủ yếu từ nhạc Pop-rock cho đến jazz hay blues. Chữ pop là viết gọn lại của popular, tức là phổ biến, phổ thông, mà tùy theo từng quốc gia người ta lại đặt tiếp là K-pop, tức là nhạc bình dân của Hàn Quốc, hay J-pop là của Nhật. Với tiền đầu tư bắt đầu đổ vào từ Hàn Quốc cho dòng nhạc này ở Việt Nam, có thể đến một ngày chúng ta sẽ có V-pop, VN-pop hay Vina-pop.

98

Về mặt bố cục, các bài nhạc nhẹ, như ví dụ dễ hiểu nhất là nhạc Trịnh Công Sơn, được viết ca từ trên một vòng hòa âm đơn giản theo công thức A-B, tức là lời ca, rồi đến điệp khúc. Lời ca có thể coi như là nội dung tạo nên bối cảnh câu chuyện, và điệp khúc là cao trào nhấn mạnh vào cái cảm xúc mà tác giả muốn để cho ca sĩ thể hiện bằng giọng hát của mình, có thể là lời nỉ non, lời kêu gào, lời thì thầm, hay lời nhiệt huyết. Tính từ thời tiền chiến cho đến nay, nhạc nhẹ Việt Nam đã thu nhận gần như là đầy đủ mọi biến chuyển từ dòng nhạc chính trên thế giới, từ cách viết vòng hòa âm phức tạp hơn, sử dụng các hợp âm và nhịp điệu của nhạc jazz-blues, kết hợp làn điệu dân tộc và hơi thở của cuộc sống đương đại.

Điện ảnh thường tạo ra sự thành công về mặt nổi tiếng cho các bài nhạc nào chứa sẵn nội dung mang tính triết lý cuộc sống sâu xa. Cũng cần chú ý rằng tiêu chí về bản quyền trên thế giới chú trọng vào lời nhạc, tức là giai điệu và người viết lời cho ca khúc, hơn là những gì liên quan tới hòa âm phối khí và nhịp điệu mà ban nhạc hay nhạc sĩ hòa âm đưa vào thêm cho ca khúc, dù rằng có thể chính nhịp điệu hay vòng hòa âm đó mới thực sự là lý do tạo ra cái đẹp cho ca từ. Tuy nhiên, một bài nhạc hay thường được sáng tác ca từ đi kèm hợp âm ngay từ đầu. Ví dụ như bài nhạc nổi tiếng trong bộ phim Walt Disney dành cho trẻ em, Let It Go, do đôi vợ chồng nhạc sĩ và ca sĩ Robert và Kristen Lopez sáng tác. Ca từ và âm điệu của bài nhạc mạnh đến nỗi khiến cho các nhà làm phim dù chỉ đến cuối giai đoạn sản xuất mới đặt viết nhạc đã phải sửa lại kịch bản và

99

dàn xếp cốt truyện rồi vẽ thêm để dành cho bài nhạc một cảnh phim xứng đáng nhất, để mô tả diễn biến tâm lý của nhân vật chính Elsa. Toàn bộ câu chuyện đã được người viết nhạc tóm tắt lại trong vòng thời gian 3 phút của một bài nhạc, khiến người xem sau cảnh chót vẫn còn lưu lại trong đầu giai điệu và ca từ ấn tượng. Tương tự như vậy với bài nhạc nổi tiếng trong bộ phim Pocahontas, chuyển tải không chỉ nội dung mà cả một triết lý sống mà loài người đã học được từ những năm tháng xâm chiếm thuộc địa, rằng với vũ khí người ta có thể chiếm được đất đai nhưng không thể nào chiếm được tình cảm của những con người hay thú vật và kể cả một hòn đá tưởng chừng như là vô tri vô giác trên mảnh đất ấy.

Mở rộng ra, âm thanh cũng có thể là chìa khóa giúp chúng ta hiểu được sự kết nối của con người trong thế giới của sân khấu và điện ảnh. Ngay cả kịch nói cũng cần đến tiếng động, và âm nhạc để chuyển cảnh, tạo không gian, hay tóm bắt cảm xúc của người xem. Công nghệ ghi âm trên băng nhựa đã tạo ra một giai đoạn hoàn toàn mới cho ngành điện ảnh, vượt qua giới hạn trước đây của những bộ phim câm cần nhạc công chơi đàn và người thuyết minh. Một trong số những người thầy nổi tiếng trong ngành sân khấu Việt Nam là Nguyễn Ngọc Bạch1 từng hồi tưởng lại những vở kịch mà đến đoạn cao trào là người xem hóa thân vào nhân vật trên sân khấu đến nỗi ném đá diễn viên đóng

1. Xem Nguyễn Ngọc Bạch: Một đời sân khấu, Nxb. Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2004.

100

vai kẻ xấu, hay thậm chí có lần còn nổ súng nhắm thẳng vào vai phản diện. Từ thời Plato, người ta đã biết xây dựng một vở kịch theo bố cục phát triển mâu thuẫn rồi gỡ nút, mà bây giờ các bộ phim Hollywood vẫn tiếp tục tuân theo. Trong không gian sân khấu mọi diễn biến không chỉ đơn thuần là quy ước trên mặt phẳng ba chiều, ví dụ giống như tuồng cổ cho nhân vật bước ra ở bên phải và chết vào bên trái, mà còn có cả không gian của âm thanh và âm nhạc, như là gam trưởng tạo ra không khí sôi động, còn gam thứ dành cho loại nhạc buồn, vòng hòa âm tiến thì vui, như quãng 4-5-7 dễ khiến người nghe hào hứng, còn lùi xuống thấp thì dễ làm tâm trạng chùng lại, mà sự biến thiên trong cung điệu vọng cổ là ví dụ minh họa dễ hiểu nhất. Chỉ cần ngồi một góc bàn nhậu ca ra bộ là người nghệ sĩ với chất giọng và điệu bộ của mình đủ để tái hiện không gian câu chuyện. Người nghệ sĩ, cũng giống như người lên đồng, tức là medium - người truyền thông, chính là phương tiện truyền thông tinh tế và tuyệt diệu nhất để chuyển tải thông điệp và nối kết cộng đồng khán giả. Do vậy, không có gì khó hiểu trước hiện tượng ca sĩ và diễn viên trở thành tâm điểm chú ý của fan hâm mộ và đủ sức vận động cả thế giới theo đuổi những mục tiêu nhân đạo, cứu rỗi nhân loại cả thế giới như nhóm danh ca Mỹ cùng Michael Jackson thu âm ca khúc We are the World, theo sau trào lưu Band Aid do ca sĩ người Anh Bob Geldof khởi xướng hồi thập niên 1980.

Trong một buổi trưa dừng chân nơi quán nước chè đối diện cổng thành Sơn Tây, tôi bất ngờ được nghe một

101

thầy giáo dạy vẽ thổi khúc sáo dọc với nhạc đệm từ chiếc máy iPad của anh, hoàn toàn gục ngã trước những âm điệu khiến cho rừng cọ đồi chè cứ như đang hiện ra ngay trước mắt mình, bất kể ánh nắng mặt trời gay gắt đang chiếu thẳng đứng vào đỉnh đầu, như bài thơ của Hoàng Minh Chính được Bùi Đình Thảo phổ nhạc: “cọ xòe ô che nắng, râm mát đường em đi”. Người thổi sáo đã dùng hơi thở, tâm hồn và tư duy của mình để dịch chuyển quá khứ vào tương lai, di dời không gian vào không gian, và nhất là đưa tình cảm vào tình cảm, mở cánh cửa tư duy khiến mỗi người nghe ngồi quanh chiếc điếu cày tùy theo trình độ thưởng thức của mình mà đưa dòng suy nghĩ đi xa. Nhạc cụ, xét từ một góc độ nhất định, có điều vượt qua khỏi giới hạn thể chất của con người. Tiếng sáo có lúc trong trẻo như giọng hát trẻ con, có khi lại trầm lắng thở dài tự sự như một con người đã đi gần hết cuộc đời mình, đem vui buồn sẻ chia kết nối anh xe ôm với người bán nước và gã tiến sĩ đi lang thang cùng đại gia và anh bộ đội như ngồi xích lại gần nhau hơn và sẵn sàng chia sẻ với nhau những bí mật của cuộc đời mình. Âm nhạc thoát khỏi sân khấu - điểm hội tụ do ngành công nghệ giải trí tạo ra - bước vào đời thường sẽ có cơ hội bộc lộ hết khả năng của mình, chờ người nghiên cứu ghi nhận và thưởng thức trong một tâm thức vô cùng riêng tư khó mà diễn tả lại bằng một phương tiện truyền thông nào khác như hình ảnh hay lời nói, và thậm chí kể cả bằng video cũng không được. Nhìn âm thanh từ góc độ của ngành truyền thông mở ra một thế giới đầy kỳ bí và nhiều màu sắc cho người nghiên cứu đã có chút ít kiến

102

thức cơ bản về âm nhạc, xã hội, và sân khấu. Những cuộc thi âm nhạc đang trở thành trào lưu xã hội ở Việt Nam chính là hiện tượng mà nhà truyền thông phát triển có thể bước vào để tìm hiểu tâm thức dân tộc và tác động vào bước tiến của quốc gia.

Như vậy, tổng kết lại, 6 chuyên mục vừa trình bày ở trên đã dẫn độc giả đi qua một số vấn đề cơ bản nhất trong hệ thống lý thuyết về truyền thông mà người làm dự án phát triển cần nắm bắt. Toàn bộ nội dung vừa trình bày chỉ mang tính nhập môn, tức là giới thiệu, hơn là giáo trình đầy đủ cho từng vấn đề một. Thông qua các từ khóa tiếng Anh và tên họ của chuyên gia đầu ngành cũng như sách giáo khoa chuyên ngành độc giả có thể tự nghiên cứu thêm, đặc biệt là sinh viên trong ngành truyền thông. Mỗi vấn đề gợi mở đều có thể là đề tài nghiên cứu để viết khóa luận cho bậc đại học và thạc sĩ, chờ đón các bạn sinh viên quan tâm đến. Phần tiếp theo của sách này liên ngành sang xã hội học, văn hóa học, kinh tế học và quản trị kinh doanh để trang bị thêm kiến thức cơ sở cho độc giả muốn xây dựng dự án truyền thông phát triển.

103

Phần 2

KẾT NỐI PHÁT TRIỂN

104

105

7. Dự án truyền thông

Sau khóa học về truyền thông phát triển, một sinh viên thuộc loại giỏi trong lớp đặt câu hỏi: vậy thì có thể coi đây như là phương pháp quảng cáo cho một ý tưởng để khiến xã hội thay đổi hay không? Chính xác là như vậy, bởi vì trong chương trình cũ tên môn học này là truyền thông thay đổi xã hội. Điểm khác biệt là chữ phát triển khiến người ta liên tưởng nhiều hơn đến góc cạnh kinh tế, dù rằng khái niệm phát triển bao gồm cả sự tiến bộ về văn hóa xã hội. Quảng cáo hay tuyên truyền cho một ý tưởng nào đó, ví dụ như trong các mục trước chúng ta đã trình bày về sự thay đổi do công nghệ in tạo ra, hay văn hóa loài người sau ngày phổ biến kỹ thuật chụp ảnh, và thế giới văn minh trong không gian mới của âm thanh, đó cũng chính là sự phát triển do truyền thông tạo ra. Một cách đơn giản, truyền thông phát triển theo cách hiểu của cuốn sách này là những kiến thức và kỹ năng cần thiết để sử dụng truyền thông tạo ra sự thay đổi mang tính tiến bộ trong xã hội, có thể là kinh tế mà cũng bao gồm cả văn hóa và cộng đồng. Giới chuyên gia tin rằng nâng cao trình độ học thức trong

106

khu vực sẽ giúp nâng cao năng suất lao động, và là chìa khóa để vượt qua bẫy thu nhập trung bình, tiếp tục phát triển bền vững.

Như vậy, truyền thông phát triển không phải là kế hoạch kinh tế hay cuộc cách mạng về văn hóa và xã hội, mà chỉ là chiến lược truyền thông nằm trong kế hoạch đó hay phương tiện tuyên truyền cho cuộc cách mạng đó. Trong khuôn khổ của giáo trình này, kiến thức và kỹ năng về truyền thông phát triển được giới hạn lại chỉ trong phạm vi của một dự án truyền thông, tức có thể hiểu nôm na đơn giản như khái quát của em sinh viên nọ, là một chiến dịch quảng cáo. Dự án quảng cáo có thể tạo ra sự phát triển cho một sản phẩm nào đó, hay sự lan tỏa cho một tư duy nào đó trong xã hội, mà từ góc độ học thuật thì kế hoạch thực hiện cũng không khác gì công việc của một cán bộ truyền thông cho dự án phát triển được Liên hợp quốc hay các tổ chức thiện nguyện tài trợ. Ngay chính công việc giao tiếp hằng ngày của một cán bộ truyền thông - communication officer, cũng giống như người làm PR tức là quan hệ công chúng cho doanh nghiệp - public relation, và người mẫu PG chuyên quảng bá cho nhãn hàng - promotion girls, đã là một phần của truyền thông phát triển rồi.

Như đã trình bày từ mục đầu, dự án truyền thông phát triển có thể bắt đầu từ đơn vị, một cá nhân, cho đến quy mô tập thể nhỏ như phát triển kỹ năng làm việc nhóm - team work, và tác động vào cộng đồng địa phương làng xã, hay quận, huyện, thành phố, và cấp tỉnh hoặc quốc gia. Mỗi cá nhân có thể dùng công thức SWOT để khảo sát

107

bản thân, và phát triển mạng lưới quan hệ, hay kỹ năng giao tiếp để tự nâng cao năng lực và giá trị cạnh tranh trên thị trường lao động. SWOT là một phương pháp phổ biến được giới thiệu trong nhiều ngành học mà độc giả có thể dễ dàng tra cứu trên mạng hoặc tìm sách đọc thêm, chú trọng vào hai cặp đối lập mà viết tắt lại tạo thành tên của phương pháp này, tức là thế mạnh và thế yếu của đối tượng Strength - Weakness, cùng thuận lợi và nguy cơ từ bên ngoài Opportunity - Threat. Trong thời gian giảng dạy môn truyền thông phát triển tác giả cuốn sách này cũng cố gắng hết mức để chỉ ra các điểm khiếm khuyết và hướng khắc phục cho sinh viên, nhưng mối quan tâm thực sự của môn học cũng như giáo trình này là truyền đạt khả năng làm việc nhóm để chạy dự án truyền thông và tạo ra sự phát triển cho một cộng đồng xã hội trong khuôn khổ một ngành nghề hay làng xã cụ thể.

Việc xây dựng dự án có thể được bắt đầu từ nhu cầu của người cấp ngân sách, hay từ phía bên kia là nhu cầu của người được hưởng lợi từ ngân sách. Tiền chi cho dự án có thể trực tiếp từ chính phủ trung ương hay chính quyền địa phương để nhằm tạo ra một sự thay đổi nào đó trong xã hội. Tiền cũng có thể đến từ các tổ chức thiện nguyện trên thế giới, chuyên trách một mục tiêu cụ thể nào đó. Cũng có rất nhiều tiền đến từ các nước cấp viện trợ, thông qua sứ quán của họ, nhằm tạo ra một sự thay đổi rõ ràng nào đó theo ý muốn của chương trình phát triển mà họ đang thực hiện. Ngân sách của Liên hợp quốc cũng dành rất nhiều tiền cho các dự án truyền thông phát triển hoạt động theo

108

tiêu chí đã định. Như vậy, nếu xuất phát từ nguồn tiền của người chi ngân sách cho dự án hoạt động, chúng ta cần nghiên cứu kỹ tiêu chí chi tiêu của các nguồn ngân quỹ này, rồi tìm xem xung quanh có khu vực nào có thể áp dụng tiêu chí và lập dự án để xin tiền hoạt động. Cách dễ làm nhất là áp dụng một mô hình dự án thành công ở nơi này vào nơi khác, thay đổi thông số kỹ thuật và điều kiện áp dụng. Trong trường hợp nếu bắt đầu xây dựng dự án từ nhu cầu cấp thiết của địa phương nơi ta đang hiểu rõ và có mối quan hệ mật thiết, thì cần nghiên cứu khảo sát khả thi - feasility study để hệ thống hóa rồi chọn ra biện pháp truyền thông tối ưu nhất mà thực hiện. Đây là bài tập nhóm được tác giả cuốn sách này khuyến khích sinh viên nghiên cứu và thực hiện trong thời gian học, trên cơ sở cho rằng nâng cấp kiến thức truyền thông cho lực lượng tri thức địa phương mới là hướng đầu tư hiệu quả hơn. Từ một chuyến khảo sát thực địa sinh viên sẽ cùng xây dựng một dự án trong khuôn khổ ngân sách giới hạn để tìm phương án tạo ra thay đổi, tức phát triển.

Đó chính là hoàn cảnh của độc giả đang đọc quyển sách này. Quí vị đang sống và làm việc trong không gian cộng đồng địa phương và nghề nghiệp của riêng mình, mà trong quá trình vận động đã có sẵn một vài giải pháp phát triển cần được giúp đỡ để phát huy tác dụng. Chúng ta có thể xuất phát từ nhu cầu đó, nghiên cứu khảo sát một vài hướng truyền thông, rồi chọn lọc ra và xây dựng dự án với mức độ và quy mô hoàn toàn tùy thuộc vào khả năng của bản thân và các mối quan hệ. Ví dụ, để xây dựng một

109

khu phố học tập chỉ cần mua tặng sách cho trẻ con, hay để tạo ra một không gian liên kết những người quan tâm đến thời sự chỉ cần mua tặng báo hằng ngày cho một địa điểm thường tập trung dân cư ngồi tán gẫu. Nếu có thêm tham vọng thì có thể đầu tư công sức vào mở lớp dạy học cho trẻ em, từ phương pháp tư duy khoa học như STEM, cho đến tiếng Anh, hay tổ chức điểm gặp gỡ dân cư thành câu lạc bộ văn hóa theo kiểu văn minh phương Tây, hay đình làng theo mô hình truyền thống. Từ những mối liên kết truyền thông này chúng ta có thể dễ dàng xin thêm tài trợ để đầu tư cho các dự án xã hội, từ tuyên truyền phòng chống HIV hay bình đẳng giới, cho đến phổ cập kiến thức nông nghiệp về giống cây trồng và thuyết phục các hộ kinh doanh thực phẩm tuân thủ quy định vệ sinh dịch tễ. Dự án truyền thông phát triển có thể tập trung vào các mối liên lạc giữa cá nhân với nhau, hay chỉ cần dừng lại ở mức thiết kế tờ rơi để phát cho nhiều người đọc, hoặc cũng có thể là một chương trình truyền hình hay truyền thanh công phu. Mỗi loại kênh truyền thông có điểm mạnh và điểm yếu riêng, cũng như đòi hỏi về ngân sách và mức độ phổ cập khác nhau, tùy thuộc vào sự lựa chọn của mỗi cá nhân hay nhóm, phù hợp khả năng. Dự án cũng không nhất thiết cứ phải chờ đợi vào một nguồn ngân sách nào đó hay tiền từ túi riêng và thời gian đóng góp của tình nguyện viên, mà có thể là một kế hoạch kinh doanh vừa có lợi cho xã hội vừa đem lại lợi nhuận cho nhà truyền thông, hay là một dự án mà chính nhà truyền thông là người hưởng lương cùng chi phí hoạt động. Ví dụ, muốn phát triển du lịch cho

110

một khu di tích, cá nhân bạn đọc có thể dành thời gian rảnh rỗi nghiên cứu kỹ năng viết kịch bản phim rồi giải trí bằng cách xây dựng một câu chuyện nhằm lôi kéo khán giả, và trả công cho chính mình bằng cách bán kịch bản đó cho nhà sản xuất.

Bất kể là quy mô như thế nào, dự án truyền thông phát triển cần phải là một dự án đúng nghĩa, tức là một bản kế hoạch rõ ràng. Đầu tiên là khảo sát tính khả thi để chọn ra một hướng hoạt động tối ưu nhất. Khi đó công việc phải được cụ thể hóa thành kế hoạch hoạt động, quy định rõ ràng về thời lượng, thời hạn, phạm vi, và đặc biệt nhất là ngân sách, bất kể là một chương trình từ thiện từ chính tiền túi riêng của mình hay dự án để đi xin ngân sách từ quỹ phát triển của các nước cấp viện trợ, hay tổ chức quốc tế. So sánh về hình thức thì dự án truyền thông phát triển cũng giống như kế hoạch kinh doanh, mà thời gian và chi phí là tiền đầu tư, chiến dịch truyền thông là sản phẩm, và mức độ tác động xã hội là hiệu quả kinh tế. Do vậy, ngay từ khi xây dựng dự án chúng ta đã phải chỉ định rõ các yếu tố để đánh giá mức độ thành công hay thất bại, cùng điều kiện rõ ràng như thế nào là đi sai hướng cần phải dừng ngay lập tức, và khi nào thì đã hoàn thành mục tiêu có thể ngưng dự án. Cũng giống như tiền ngân sách nên được kiểm toán độc lập, các tiêu chí đánh giá dự án cũng cần được để dành cho bên ngoài nhìn vào. Một điều cũng rất quan trọng không kém là xác định mức độ rủi ro trong thời gian chạy dự án. Nếu kế hoạch kinh doanh quan tâm hàng đầu đến rủi ro kinh tế, thì dự án truyền thông phát triển cần chú ý

111

nhiều hơn đến mức độ an toàn cho thiện nguyện viên, ví dụ như tai nạn giao thông, hay mâu thuẫn xã hội do ý tưởng mới có thể tạo ra, và các rắc rối về pháp luật, chính trị, và ảnh hưởng tâm lý do va chạm văn hóa.

Điểm khác biệt cơ bản giữa dự án truyền thông phát triển và kế hoạch kinh doanh là mức độ đầu tư về tư duy. Nếu trong kinh doanh người ta chú trọng đến những mô thức đã quen thuộc để giảm thiểu rủi ro, thì việc xây dựng dự án truyền thông cần rất nhiều tư duy sáng tạo. Có thể chỉ cần một vài ngày để thực hiện dự án, nhưng phải mất nhiều tháng để tư duy và một lượng thời gian tương tự để xây dựng liên kết. Dự án truyền thông về cơ bản cũng giống như cách tính toán của các loài động vật, phải làm sao sử dụng ít năng lượng nhất, tức là chọn phương tiện truyền tin phù hợp nhất, để lan tỏa thông điệp mà bản thân muốn phát tán. Chính tư duy sáng tạo sẽ mở ra con đường đi mới và nhờ phát hiện ra phương tiện mới sẽ giúp tăng hiệu quả truyền tin. Một trong số những phương pháp thường được dùng để tăng độ sáng tạo cho tư duy là brainstorm, tức là đề xuất vu vơ ra một vài từ khóa, rồi tìm cách kết hợp vấn đề ta đang tìm giải pháp, xong vẽ ra một phương án bất kỳ nào đó. Sau khi tìm ra được một vài hay rất nhiều phương án mới thì chuyển sang giai đoạn đánh giá để lọc lại xem phương án nào khả thi nhất. Ví dụ đơn giản như ta cần thật nhiều người nhớ tên một nhãn hàng mới, mà theo các phương pháp thông thường có thể như là quảng cáo trên tivi, dùng sự kiện, hay tiếp thị vào mạng lưới bán lẻ. Nhãn hàng này cũng có thể là một khẩu hiệu, hay logo của một

112

trào lưu mới nào đó cho xã hội. Khi brainstorm ta có thể lấy ý tưởng từ bất kỳ nơi nào, ví dụ như ngồi nhìn thấy chiếc xe đạp thì sẽ cố gắng kết nối xe đạp với logo đó và đưa ra một loạt các phương án mới ví dụ như là mua xe đạp tài trợ cho một trường học để tạo sự kiện quảng cáo, hay mua xe treo cờ logo tặng cho nhân viên yêu cầu đi làm bằng xe mỗi ngày để quảng cáo cho thương hiệu, hay mua đứt một hãng xe đạp rồi đổi tên thành nhãn hàng ta đang có, hoặc tìm xe đạp cũ sơn thành màu của logo rồi dựng ở khắp nơi, v.v.. Sau đó trong cuộc cà phê chém gió với bạn bè ta bỗng nghe thấy chữ chém và chữ gió, thì cũng có thể tìm cách kết hợp nhãn hàng này với hai chữ đó xem sao, ví dụ như tài trợ cho một bộ phim có tên là chém gió, hay một hoạt cảnh truyền hình lấy bối cảnh là nơi sản xuất hay tiêu thụ nhãn hàng này, hoặc tài trợ cho một cuộc đua thuyền buồm để logo bay phần phật trước gió trên cánh buồm căng, hoặc tài trợ cho một dự án truyền thông muốn xã hội bớt bạo lực học đường và chém giết nhau khi mâu thuẫn. Như hồi ký của doanh nhân người Nhật Bản đã thành công với ngành kinh doanh máy chơi điện tử Nitendo, thì trước đó ông đã vẽ ra và xây dựng chi tiết ít nhất là 300 kế hoạch khác nhau, từ đi bán báo cho đến xây bệnh viện, rồi cân nhắc và loại trừ dần để tập trung vào ngành kinh doanh hoàn toàn mới vào thời bấy giờ.

Dự án truyền thông không nhất thiết lúc nào cũng phải theo một chiều duy nhất như cột ăng ten phát sóng tỏa ra khắp nơi, mà có thể là điểm hội tụ để người cần thông tin tìm về, như điểm thông tin hay trang web trên mạng cho

113

ai cần đến thì vào truy cập. Cơ chế phát tin có thể giống như loài hoa dùng mùi hương hay màu sắc để quảng cáo nhưng hình dạng kết cấu lại tiến hóa theo thời gian để chọn lọc đối tượng nào mới được vào hút mật. Tương tự như vậy, dự án truyền thông phát triển cần phải nghiên cứu kỹ về nhóm đối tượng cần hướng đến để tác động vào xã hội, ví dụ như người bán nhà biết rất rõ trong đôi vợ chồng khách hàng thì ai là người sẽ chi tiền và nguyên tắc tín dụng còn ai là người cần thông tin về nội thất và bố trí máy móc trong bếp, cũng như rằng cả hai người đều muốn mua nhà trong khu này lại là do tác động từ một kênh hoàn toàn khác, ví dụ như sự nổi tiếng của hàng xóm tương lai, hay sự ngưỡng mộ mà dư luận hiện tại đang dành cho khu vực này. Như vậy, ngay trong kế hoạch truyền thông để quảng cáo cho căn hộ đã phải chia thành nhiều dự án nhỏ khác nhau và nhắm vào các loại đối tượng khác nhau: bài báo phỏng vấn người nổi tiếng đang sống ở đây, quảng cáo thuyết phục đại chúng về uy tín của nhà đầu tư, tài liệu hướng dẫn sơ đồ tín dụng và mẫu thiết kế nội thất có sẵn, v.v.. Khi xây dựng dự án truyền thông phát triển thì tùy theo khả năng và tầm vóc mà chúng ta sẽ chọn lựa nhóm đối tượng và mục tiêu tuyên truyền phù hợp nhất, mà không phải lúc nào cũng tốn kém nhiều tiền bạc và công sức. Mạng lưới truyền thông phần nào cũng hoạt động giống như kênh đào dẫn nước, mà kênh truyền hình cũng được gọi là chanel, dẫn dắt thông tin đến đúng đối tượng cần xem. Đối với dòng nước thì chúng ta có thể xây đập ở hồ Dầu Tiếng để ngăn bớt dòng chảy tự nhiên

114

của sông Sài Gòn, rồi cho nước sang kênh Đông để rửa phèn cho Củ Chi, biến nơi đây thành những cánh đồng lúa và trang trại, xóa đói giảm nghèo, giúp xã hội phát triển. Công sức đầu tư chủ yếu chỉ là vào giai đoạn đầu để xây đập và đào kênh, sau này chỉ cần chú ý bảo trì bảo dưỡng, còn lại thì hệ thống tự vận hành do thế nước chảy tự nhiên từ trên cao xuống, tùy người sử dụng muốn đưa vào để tưới tiêu hay chảy tràn đồng để rửa phèn hay nuôi vịt. Công sức lao động trí óc của nhà truyền thông khi xây dựng dự án cũng giống như vậy, tức là tìm ra được một khu vực thích hợp để lập hồ chứa rồi đào kênh dẫn thông tin, hoặc là chỉ lắp đặt sơ sài ống dẫn nước rồi sau này tốn kém rất nhiều tiền để bơm liên tục lên cao. Nếu thông tin thực sự là có giá trị và cần thiết cho người nhận thì người ta sẵn sàng bỏ tiền ra để mua, giống như mua nước uống hay mua bản quyền truyền hình, và nhà truyền thông có thể kinh doanh bằng kênh dẫn của mình, chứ không nhất thiết dự án truyền thông phát triển cứ phải là món hàng viện trợ vừa tốn tiền mua vừa tốn công đem đi cho, như cách hiểu phiến diện của nhiều sinh viên trong lớp. Như vậy, công việc của nhà truyền thông phát triển có thể tóm gọn lại giống như là người đắp đập, đào kênh, và vận hành điều phối nguồn thông tin. Nguồn nước có thể lấy từ trên cao xuống, dịch chuyển dòng chảy, nhưng có thể chỉ đơn giản là lợi dụng thủy triều như một máy bơm tự nhiên mà giữ nước lại ở độ cao bằng đập chắn, rồi từ từ xả xuống theo hướng khác bằng hệ thống ống dẫn. Kiến thức khoa học về truyền thông, phương tiện truyền thông, và kỹ thuật

115

thông tin chính là nền tảng cơ bản để chúng ta thiết kế cho dự án của mình một hệ thống cấp phối kiểu như vậy.

Về cơ bản, công việc của người làm truyền thông phát triển chính là điều phối các mối quan hệ và xử lý công việc trong nhóm - team work. Kỹ năng này được gọi chung là quản trị nhân sự - personel management hay rộng hơn là quản trị nguồn nhân lực - human resources management, là các môn học có sẵn giáo trình tiếng Việt trong các ngành quản lý, quản trị, cũng như sách phổ thông để chúng ta nghiên cứu thêm. Một lần nữa, kỹ năng giao tiếp thể hiện rất rõ là điều kiện rất cần mà mỗi sinh viên phải biết tự trang bị cho mình từ trước, để sau này dễ dàng tiếp cận các nguồn lực cho dự án, từ tình nguyện viên cho đến mối quan hệ với nguồn tin và đối tác ngân sách. Kỹ năng làm việc nhóm giúp ta mau chóng thích nghi với môi trường làm việc và phối hợp hiệu quả hơn, dễ dàng tập trung vào mục tiêu và nhanh chóng tìm được giải pháp xử lý tình huống. Đối với người làm truyền thông, tức là có trình độ hơn người khác về kỹ năng truyền đạt, phân tích và thu thập thông tin, tầm nhìn hệ thống, thì càng phải thể hiện ra bên ngoài qua từng hoạt động giao tiếp với cá nhân và truyền tin trong nhóm. Bảo đảm thông suốt thông tin giữa các cá nhân và tổ chức chính là một trong số những đòi hỏi quan trọng nhất trong công việc, bất kể là kinh doanh, sản xuất, dịch vụ, chính trị, xã hội, hay đặc biệt hơn nữa là trong ngành truyền thông. Về cơ bản, quản trị nguồn nhân lực là kỹ năng nhận biết sớm các tín hiệu thay đổi mà đối tác hay cộng sự phát ra một cách vô thức hay cố gắng

116

truyền đạt, xử lý và gửi trả tín hiệu phản hồi - feedback để điều chỉnh hành vi của bản thân hoặc người phía bên kia. Tùy theo hệ tư tưởng, bản sắc văn hóa và hoàn cảnh hiện tại của mỗi cá nhân, mà sự tác động có thể là lời phê bình chân thành, hay lời khen khuyến khích, hoặc định chế kỷ luật, mà người làm công tác nhân sự đã được huấn luyện đầy đủ. Đối với dự án truyền thông ở quy mô nhỏ, thì chỉ cần đọc hết quyển sách nổi tiếng của Dale Carnegie về đối nhân xử thế, là quyển Đắc nhân tâm, được học giả Nguyễn Hiến Lê dịch sang tiếng Việt, là đủ.

Khi đã thành công với dự án nhỏ, chuyển tiếp sang thành dự án lớn hơn, một trong số các lỗi hệ thống thường gặp là quy trình xử lý thông tin nội bộ để phục vụ quản lý và ứng phó với tình huống mới. Các nghiên cứu trong ngành nhân sự ghi nhận rằng con người ta chỉ có thể quán xuyến được một số lượng mối quan hệ nhất định, thường chỉ giới hạn trong khoảng vài trăm người, còn nếu xét về mức độ chặt chẽ thì chỉ vỏn vẹn trên dưới 6 người mà thôi. Nếu hằng ngày phải lo cho vợ, mẹ, con cái, thì tính ra chỉ có thể bao quát được thêm một vài đồng sự hoặc nhân viên cấp dưới mà thôi. Người được đào tạo về quản lý sẽ biết cách sắp xếp thời gian và trí óc để ghi nhận và xử lý số lượng mối quan hệ nhiều hơn người bình thường, nhưng vẫn có giới hạn. Khi đã thành công với một số lượng quan hệ trong dự án cũ, bỗng nhiên phải mở rộng thêm ra trong dự án mới với quy mô lớn hơn, thì sẽ không thể nào bắt kịp nếu thiếu chuẩn bị và sắp xếp lại về nhân sự. Một ví dụ đơn giản, khi còn là công ty nhỏ, thì các lãnh đạo đều

117

gặp nhau hằng ngày trong cùng một văn phòng nhỏ, thỉnh thoảng cùng ăn trưa và thậm chí còn đi nhờ xe nhau trên đường về nhà. Thế nhưng khi phát triển thành công ty lớn thì ngay cả chuyện tình cờ gặp nhau trong thang máy cũng rất hãn hữu, và nếu mở thêm chi nhánh ở tòa nhà bên cạnh, chưa nói gì đến ở tỉnh khác, thì việc rủ nhau đi ăn trưa cũng tốn vài phút gọi điện hay nhắn tin hẹn hò. Rào cản xã hội tự động biến thành rào cản trong công việc và không khí làm việc trong nhóm không còn dễ dàng nhanh chóng, thông tin gọn lẹ như trước nữa. Với một tổ vài người chỉ cần nhập chung vào một danh sách email hay chat room (phòng trao đổi trên mạng), chỉ cần nói một lần là tất cả đều biết, nhưng nếu dự án do vài chục người cùng thực hiện thì chỉ riêng việc đọc email ý kiến của từng người gửi ra chưa chắc chúng ta đã theo sát nổi. Đó là chưa kể đến những vấn đề lớn hơn như chế độ chính sách, khó khăn bất ngờ do hoàn cảnh riêng gây ra, sự khác biệt về văn hóa, tập quán hay thói quen... Dân văn phòng người Hàn Quốc có một tập quán rất hay để khắc phục sự thay đổi về khoảng cách không gian, đó là thời gian 30 phút cuối ngày làm việc, người ta thường gọi cho nhau để hẹn hò mà không bị coi là “ăn cắp” giờ làm việc.

Cũng cần chú ý rằng không phải lúc nào đông người là công việc sẽ tốt hơn. Nhóm 10 người chưa chắc đã hoàn thành nổi lượng công việc nhiều gấp 10 lần 1 người. Các khảo sát về nhân sự cho thấy chỉ thường 20% người trong nhóm hoàn thành đến 80% lượng công việc của tập thể, cho nên khuyến khích trưởng nhóm - team leader chỉ nên

118

tập trung thời gian và mối quan hệ mật thiết với nhóm người đó. Tương tự vậy, nếu chia thành các công việc nhỏ thì thường là 20% lượng việc sẽ tạo ra đến 80% kết quả mong đợi. Nguyên tắc này do kinh tế gia Pareto phát hiện và quân đội Mỹ đã áp dụng rất thành công trong Chiến tranh thế giới thứ hai với cách diễn giải đơn giản là hãy chia nhỏ mục tiêu ra thành nhiều hạng mục công việc và chọn ra 3 việc quan trọng nhất để giải quyết đầu tiên, nên còn gọi là nguyên tắc ABC. Một phát hiện khác về nhân sự trở thành bí quyết thành công cho tập đoàn xe Ford khi chuyển cùng số lượng nhân công đó thành làm việc trên dây chuyền, như chúng ta hay gặp ngày hôm nay trong các xưởng may ở Việt Nam. Trước đó, hãng sản xuất đồ trang sức ở Anh thử nghiệm bằng cách thay vì để cho mỗi công nhân tự tạo ra sản phẩm từ đầu đến cuối, nay mỗi người chỉ chuyên thực hiện một công đoạn mà thôi, thì kết quả là năng suất tăng lên gấp 2000 lần so với sản xuất không theo dây chuyền. Như vậy, nếu nhà truyền thông có kỹ năng về quản trị kinh doanh sẽ giúp công việc hiệu quả hơn rất nhiều, hoặc tùy theo mô hình hoạt động mà có thể rèn luyện thêm về vai trò lãnh đạo mang ý nghĩa dẫn dắt nhóm cộng sự bằng tư tưởng - leadership, hay giống như trong vai một huấn luyện viên giúp cầu thủ trẻ trong đội bóng tự lột xác - coaching. Khi đó, dự án truyền thông làm thay đổi xã hội nhìn hẹp lại chính là sự phát triển trong chính nhóm truyền thông và từng thành viên trong đó. Tất nhiên, trước khi thay đổi được xã hội thì mỗi chúng ta phải tự biết cách làm thay đổi chính mình và cộng đồng nhỏ xung quanh mình.

119

8. Xã hội nối kết

Có một thời gian ở Ba Lan tất cả người Việt đều dùng sim điện thoại của hãng Heya, đơn giản là vì các cuộc gọi nội mạng được miễn phí. Tất nhiên là lựa chọn đó bắt đầu từ những người có thu nhập kém hơn và muốn tiết kiệm khoản tiền dùng cho giao tiếp điện thoại, nhưng nhu cầu liên lạc khiến cho những người giàu hơn cũng phải dùng loại sim miễn phí này. Ví dụ đơn giản, khi lựa chọn giữa hai người giàu là hai chủ hàng, nếu người nào có số Heya thì đối tác phân phối, thu nhập còn kém cần phải tiết kiệm, sẽ thích gọi và thường liên lạc hơn. Vốn đã có một điện thoại thông minh mắc tiền dùng số thuê bao, nhưng người giàu vẫn phải cầm thêm một điện thoại cục gạch để dùng số miễn phí. Số cũ dùng cả chục năm mọi người đã quen số, có khi cả năm gặp việc gì đó mới liên hệ, còn số mới thì hầu như không ai nhớ, nhưng lại thường xuyên sử dụng nhất. Có lẽ vì nhu cầu này mà điện thoại ở Nhật Bản và Trung Quốc thường bán loại cùng lúc lắp được 2 sim, kết nối cả hai mạng khác nhau vào cùng một thiết bị. Ví dụ vừa rồi là minh họa rõ nhất về sự kết nối giữa các tầng lớp người

120

khác nhau, mà các hãng điện thoại tập trung khai thác để phát triển hệ thống, nhanh chóng tạo sự cạnh tranh cho các hãng mới lập so với các hãng đã hoạt động lâu đời.

Ở Anh, Công ty GiffGaff cũng dùng chiêu trò tương tự, và nhanh chóng bị tập đoàn O2 mua lại để vẫn cạnh tranh nhưng thâu tóm được đối thủ và tận dụng hiệu quả sử dụng mạng thiết bị phát sóng đã đầu tư từ trước. GiffGaff còn phát huy thêm nhiều chiêu trò nối kết nữa, ví dụ như tạo ra mạng liên kết nội bộ giữa khách hàng với nhau để bán cho nhau điện thoại đã qua sử dụng, hay cung cấp ý tưởng kinh doanh và tiết kiệm ngân sách trong cuộc sống. Từ một công ty kinh doanh tín hiệu điện thoại, GiffGaff trở thành một cộng đồng mạng bảo đảm liên kết giữa các khách hàng với nhau. Hầu hết các công ty kinh doanh tại thời điểm này đều phải có hướng hoạt động nhằm duy trì mối liên kết giữa khách hàng với nhau, là chức năng phụ hay thậm chí được tích hợp luôn vào làm một trong số các chức năng chính trong hoạt động của công ty. Văn hóa nối kết - hệ quả từ cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư - đã làm thay đổi bộ mặt và tính chất trên thị trường. Sự thay đổi này không chỉ bó hẹp trong biên giới quốc gia, mà ví dụ như mạng điện thoại Lycamobile được nhiều người Việt ưa thích không chỉ vì miễn phí gọi nội mạng, mà khi đi từ nước này sang nước khác còn dễ dàng được tặng trước, hay tặng ngay cửa ra, thẻ sim có sẵn một ít tiền để hạ cánh là dùng luôn.

Quá trình nối kết trên thế giới đã bắt đầu từ rất lâu rồi, mà đến ngày hôm nay khi điều kiện kết nối đơn giản và

121

rẻ tiền thì mới bộc lộ rõ ràng ngay trước mắt chúng ta. Từ xưa những người dân trên các hòn đảo Thái Bình Dương đã biết dùng bè để đi lại gặp nhau, gửi gắm cho nhau những vật bảo chứng, và các câu chuyện kể trở thành truyền thống cho đến tận ngày hôm nay. Con đường Tơ Lụa nối liền giữa vùng Địa Trung Hải và Trung Quốc đã giúp cho hàng hóa và gia vị được lưu thông, mà sau này được nâng cấp về số lượng bằng những chuyến tàu biển và thuật đo đạc định vị của nền văn minh Hồi giáo. Sang thời đế quốc và những chiếc máy định vị vệ tinh GPS như ngày nay, người ta vẫn tiếp tục dùng các bài tính cơ bản đã được loài người sáng tạo ra từ thời đó. Bắt đầu bằng những tờ giấy có mệnh giá và những người chuyên làm nghề bảo chứng cho các chuyến hàng, ngồi trên bờ sông, mà thế giới có được hệ thống ngân hàng - cái tên vẫn còn giữ nguyên địa điểm nguyên thủy - bank (bờ sông). Những chiếc máy telex giúp bảo đảm giao dịch giữa các ngân hàng nhanh chóng phát triển thành hệ thống nối kết internet cho phép người ta có thể rút tiền từ những chiếc máy ATM gắn trong tường, hay bây giờ là thanh toán bằng ngay chính tín hiệu trên điện thoại cầm tay. Kỹ thuật và công nghệ tạo điều kiện cho phương tiện nối kết được thể hiện ngày càng dễ dàng, đại chúng, tiện lợi và rẻ tiền. Từ những tảng đá nặng hay vỏ sò thành đồng xu kim loại cho đến tiền giấy và nhất là thậm chí còn không hiện hữu bằng vật chất thật như thanh toán điện tử, mối quan hệ giữa con người thông qua trao đổi mua bán đã phát triển từng bước lên thành một cấp rất cao. Vài thập niên trước người ta còn bàn tán về

122

mối quan hệ tự động giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp B2B (Business to Business) thì nay việc thanh toán tự động giữa các thiết bị đại diện cho con người đang bắt đầu phổ biến D2D (Device to Device). Chiếc xe được trang bị hệ thống nối kết chỉ cần bị người chủ lái vượt đèn đỏ là tự động liên lạc với thiết bị điện tử điều khiển đèn để viết giấy phạt và trừ thẳng tiền từ tài khoản người đăng ký, hay phát hiện thấy tai nạn là tự động chụp ảnh hiện trường và báo về cho trung tâm cấp cứu và cảnh sát.

Xã hội nối kết nhìn từ góc độ kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội đã được tác giả quyển sách này bàn kỹ trong một nghiên cứu trước, do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản: Giá trị thặng dư trong nền kinh tế nối kết, phát triển từ lý thuyết xã hội của Karl Marx. Quý vị độc giả quan tâm nhiều đến mối quan hệ này xin mời tìm đọc quyển sách đó, cũng là một hệ thống kiến thức cơ bản giúp hiểu sâu hơn những vấn đề đang được trình bày trong cuốn sách này. Ở đây, mục này chỉ bàn tiếp về những nối kết đương đại mà người làm truyền thông có thể tận dụng, như thế nước để khơi thông dòng chảy với chi phí vận hành thấp nhất. Tức là, cần phải nhìn vào xã hội qua các mạng lưới nối kết đang ngày càng chằng chịt. Đây cũng chính là hướng đi mới trong ngành nhân sự để tạo ra sự phát triển trong các doanh nghiệp sáng tạo - innovative. Người ta phát hiện thấy rằng mối quan hệ theo cơ cấu tổ chức, tức là chia thành phòng ban, và truyền tin theo cấp bậc thứ hạng, chỉ là một trong số rất nhiều mối quan hệ đang nối kết con người trong một công ty. Giữa các nhân viên với nhau còn

123

có các mối quan hệ khác như là ăn trưa chung trong cùng một quán, hay chơi chung cùng một môn thể thao, bạn học cũ, liên kết họ hàng, mối quan tâm giải trí, v.v.. Khi cần giải quyết một vấn đề, ví dụ như sự cố kỹ thuật trong bản thiết kế, nhiều lúc sự gặp mặt trao đổi bâng quơ giữa hai nhân viên ở hai bộ phận mới chính là chìa khóa gỡ nút, hơn là quy trình đề đạt từ cấp dưới lên cấp trưởng phòng rồi sau đó là cuộc họp giữa các trưởng phòng và lại tiếp tục chuyển ngược xuống cấp dưới. Đó cũng là lý do tại sao nhiều công ty sẵn sàng chi thêm tiền ăn trưa miễn phí, hay xây dựng khu sinh hoạt thể thao cho nhân viên, ngoài việc thu hút thêm giờ làm việc còn có mục tiêu là để tăng cường các mối quan hệ bên ngoài cơ chế.

Trong xã hội cũng như vậy, có khi chỉ cần một mối liên kết trực tiếp giữa hai điểm đầu là giúp tạo ra một sự phát triển mà không tốn kém quá nhiều. Đơn cử như chiến dịch giải cứu dưa hấu của Trần Hữu Như Anh. Theo quy trình cũ, người nông dân trồng dưa sẽ bán cho thương lái, rồi hệ thống mua bán sẽ chuyển sang cho bên tiêu thụ để đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng. Nếu hệ thống mua bán giữa các thương lái bị trục trặc thì ngành trồng dưa sẽ lao đao. Khi đó, chỉ cần một người đứng ra tạo liên kết giữa người nông dân trực tiếp đến với người tiêu dùng, thì bế tắc được giải tỏa, và lâu ngày có thể tạo thành đà phát triển cho cả đôi bên. Đây cũng chính là nguyên tắc hoạt động của hợp tác xã, một mô hình được xây dựng ở nước Anh từ khá lâu mà nay vẫn còn tiếp tục được duy trì qua tập đoàn Co-openrative. Người làm truyền thông trong dự án này sẽ

124

là người kết nối giữa hai điểm, có thể đơn giản là cung cấp thông tin giữa người mua và người bán, tự kinh doanh tin tức như cò nhà đất, hay tìm ra một nhà trung gian đáng tin cậy tức là đơn vị có thể đảm nhiệm vị trí của một sàn giao dịch, bảo chứng bằng tiền cho các thương vụ mua bán. Nếu nghiên cứu kỹ hơn nữa, người làm truyền thông có thể tận dụng các mối liên hệ có sẵn để nối kết cho một sản phẩm mới, ví dụ như trường hợp tập đoàn taxi VinaSun tạo thêm thu nhập cho tài xế bằng sáng kiến bán bưởi và tiến tới là các loại nông sản khác nữa. Trước đây, tờ báo Sài Gòn tiếp thị cũng từng thành công với dự án giới thiệu nông sản đến với độc giả bằng chính cửa hàng mở ngay bên dưới tòa soạn. Hoa quả trái mùa cũng là cách kinh doanh nhắm vào mối quan hệ nối kết trong tâm lý của người tiêu thụ với một loại sản phẩm nào đó, tận dụng tối đa các mối quan hệ xã hội sẵn có mà trong trường hợp này là mạng lưới phân phối. Tập đoàn Daewoo từng quyết định mua nhà máy xe hơi FSO thua lỗ của Ba Lan vì nhìn ra được giá trị của mạng lưới tiêu thụ và bảo trì của hãng này trên toàn quốc. Mối quan hệ trở thành một thứ vật chất có giá trị, là điều có lẽ không cần phải chứng minh đối với độc giả là người Việt Nam. Chưa cần phải làm điều gì lớn lao, chỉ cần dùng chính những mối quan hệ sẵn có của mình, giới thiệu người này với người kia, là chúng ta đã có thể giúp xã hội phát triển lên rất nhiều.

Mỗi con người với vị trí của mình trong cộng đồng và xã hội luôn gắn với một cái thế nhất định, như trong dân gian người ta hay hỏi xách mé nhau “mày là cái thớ gì mà đòi

125

như vậy”. Với vị thế của mình, người ta có khi chỉ cần nói một câu là được việc trong khi người khác cần phải tặng rất nhiều quà hay trả rất nhiều tiền mới có thể đạt được điều tương tự, không nhất thiết cứ phải là chuyện xin xỏ nơi công quyền hay hối lộ. Đơn cử như khi can ngăn một vụ đánh nhau, có khi đem cảnh sát cơ động tới lại càng khiến mâu thuẫn giữa các bên căng thẳng hơn, nhưng chỉ cần một bà già không tấc sắc trong tay, ốm yếu, nói một câu là cả đám đông côn đồ tự động giải tán. Nhiệm vụ của người làm truyền thông là biết phân tích để xác định vị thế của từng người trong mỗi cộng đồng để mà truyền đạt điều mình muốn. Một số bạn làm trong các chương trình phòng chống HIV chia sẻ rằng kiến thức về an toàn tình dục trong giới mãi dâm thường cao hơn rất nhiều so với chính những cô gái làm văn phòng có bằng cấp đại học, và mức độ lây lan giữa những đôi tình nhân đã có vợ, có chồng trong khu vực này mới là nguy hiểm vì các mối quan hệ không rõ ràng rành mạch như mua bán dâm. Mỗi con người, do vị thế của mình, đều có những rào cản để ngăn chặn việc tiếp nhận thông tin mới, mà trong trường hợp này thì chính quan niệm xã hội đã tạo ra rào cản đó. Người làm truyền thông phát triển cũng giống như người làm công tác tuyên truyền ở chỗ phải tìm cho ra một kênh dẫn phù hợp để chuyển tải thông điệp vượt qua rào cản đó và làm thay đổi quan niệm của xã hội. Ví dụ đơn giản như là thói quen tiêu xài của người nông dân, hết rồi lại có vì mùa sau đồng ruộng sẽ cung cấp tiếp cho ta, nhưng nếu đã bán đất để xây thành khu đô thị thì số tiền đó sau khi đã hết sẽ không

126

kiếm lại được nữa. Tệ nạn và các vấn đề xã hội hình thành trong quá trình đô thị hóa có thể được ngăn chặn bắt đầu từ những việc rất nhỏ như là cung cấp thông tin nhằm trang bị kiến thức cho người nông dân về một cuộc sống mới nơi đô thị. Sự thay đổi trong cộng đồng và xã hội cùng kéo theo sự thay đổi về vị thế của con người ta, cho nên nhiều trường hợp nhận thức mới sẽ khiến chính những đầu mối truyền tin đó ngăn chặn không cho dòng nước được chảy tiếp tục sang những cánh đồng bên dưới để tiếp tục hưởng lợi nhiều hơn, hoặc ngăn chặn nguy cơ người khác sẽ chiếm được vị thế cao hơn nhờ lợi ích có được từ nguồn kiến thức mới.

Có thể nói rằng một phần nào chính vì cái vị thế của mình trong xã hội mà người ta sẽ phát triển, nhìn theo chiều tiến bộ, tức là đi theo hướng chung của đám đông, hoặc ngược lại. Tiếng Việt có câu tục ngữ khái quát hóa minh triết này là “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Sự gần gũi, tức là mối liên hệ trong nhóm khiến con người ta vô thức hoặc tích cực thay đổi. Cũng giống như mốt khiến người ta chạy theo “cho bằng chị bằng em”, một hình mẫu mới do truyền thông đưa ra sẽ khiến đám đông bắt chước, cũng giống như sự thay đổi về quan niệm thế nào là đẹp, hay thế nào là giá trị đạo đức được xã hội tôn vinh. Giới chuyên gia trong ngành như Giáo sư Roger Silverstone1 còn cảnh báo người làm truyền thông cần phải biết giữ khoảng cách đối với xã hội, vì khoảng cách chính là đạo đức.

1. Xem Silverstone, Roger: Media and Morality - On the Rise of the Mediapolis, Polity Press, Cambridge, 2006.

127

Nói một cách đơn giản, truyền thông giữ quan hệ cả với thành phần bị coi là xấu lẫn thành phần được coi là tốt trong cộng đồng, và khoảng cách phù hợp với hai đối tượng này chính là thước đo vị thế của người làm truyền thông. Truyền thông phát triển có thể coi như là vị trí thân cận hơn với nhóm tiến bộ hơn để dẫn dắt nhóm bị coi là kém phát triển đi theo. Phát triển có nghĩa là rút ngắn khoảng cách giữa nhóm bị coi là tụt hậu với nhóm được coi là tiến bộ trong xã hội. Mục tiêu thiên niên kỷ hiện nay của Liên hợp quốc, tính cho đến năm 2030 là phát triển bền vững, tức là duy trì sự phát triển một cách liên tục và liền lạc, để khoảng cách này ngày càng ngắn hơn, tạo ra sự bình đẳng trong xã hội loài người.

Cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư đã làm cho khoảng cách giữa mọi người trong xã hội rút ngắn thông qua thế giới mạng. Nếu ở ngoài đời chúng ta cần đi xe vào thành phố rồi qua cổng bảo vệ, xếp hàng chờ đợi đến lượt gặp công chức chuyên trách vụ việc của mình, thì qua hệ thống chính phủ trên mạng như của nước Anh ở địa chỉ www.gov.uk có thể giải quyết được hết mọi việc, chỉ cần điền vào mẫu hồ sơ rồi bấm nút, có thể vào lúc nửa đêm khi đang đệm êm chiếu ấm trong nhà mình. Tương tự vậy bà nội đang sống ở Việt Nam có thể nhìn thấy và trò chuyện với mấy đứa cháu đang sống ở Anh bất cứ lúc nào nếu hai bên cắm camera mạng và nối kết với điện thoại, để chế độ thường trực 24/24. Ở ngoài đời rất khó gặp ca sĩ nổi tiếng hay chủ doanh nghiệp lớn nhưng trên facebook cơ hội đó là rất cao. Cuộc sống và bí quyết phát triển của các

128

cộng đồng người tiến bộ trên thế giới tự do phơi bày trên thế giới mạng, chờ được người từ các cộng đồng kém phát triển truy cập vào và tiếp nhận. Kỹ thuật và công nghệ kết nối mở ra rất nhiều khả năng nâng cấp cuộc sống và giảm chi phí sản xuất. Chiếc điện thoại cầm tay loại đơn giản cho phép người lao động nghèo có cơ hội liên lạc với nguồn việc dễ dàng hơn, cắt giảm thời gian và chi phí phải bỏ ra cho chợ lao động, trực tiếp giao dịch với người tuyển dụng. Công nghệ đang dần thay thế các thói quen và tập tục trong xã hội. Ví dụ như người Nhật Bản rất trọng văn hóa gặp mặt để duy trì các mối quan hệ, nhưng nay dần thay thế điều đó bằng các cuộc gặp qua video trên điện thoại, tiết kiệm bớt được thời gian và tiền bạc phải di chuyển để đến địa điểm gặp nhau, mà khi cần thì có thể tăng số lượng cuộc gặp để vun đắp cho một mối quan hệ đặc biệt nào đó. Tuy nhiên, khoảng cách được rút ngắn qua mạng có thể khiến cho khoảng cách ngoài đời bị kéo dài, ví dụ như đứa con có thể rút kín vào trong phòng riêng chơi games, liên tục chat với đám bạn trên mạng, mà nhiều tuần lễ không hề trò chuyện với người mẹ ở trong bếp lấy một câu. Nhìn từ góc độ xã hội, thì cơn sóng nối kết đem đến cả cơ hội phát triển, lẫn cơ nguy thoái trào, cũng giống như trò chơi games trên mạng đã bất ngờ cướp mất đứa con của bà mẹ thiếu chuẩn bị trước sự thay đổi của thế giới. Giải pháp trước đây là ngăn chặn các nối kết nguy hiểm, nhưng giải pháp toàn diện nhất cho người làm truyền thông là tạo thêm nối kết mang tính hỗ trợ cho những người yếu thế trong xã hội như trường hợp bà mẹ nọ. Sự hiện diện của

129

bà mẹ trong thế giới mạng cũng có tác động tình cảm và tâm lý với người con giống như sự xuất hiện của bà mẹ ở chỗ mà người con đang đàn đúm với đám bạn xấu. Để tránh con thân cận với kẻ xấu thì người mẹ phải cố gắng rút ngắn khoảng cách giữa mình và con.

Sự kết nối sẽ ngăn cản hoặc tự động làm lan tỏa những thay đổi mới được đưa vào trong cộng đồng hay xã hội, giống như vết dầu loang trên mặt nước, hoặc những mét khối đầu tiên chưa đủ làm thấm đất để có thể chảy đi tiếp về xuôi. Cũng giống như nước ngập trong kênh đào tạo ra nguy cơ chưa có trước đó là khiến trẻ em chơi đùa hai bên bờ chết đuối khi ngã xuống, sự thay đổi mang tính phát triển có thể đồng thời tạo ra nguy cơ gây hại cho cộng đồng. Dự án truyền thông phát triển ban đầu có thể chỉ đặt mục tiêu là xuất bản một ấn bản khoa học cho ngành toán như tạp chí Pi của Giáo sư Ngô Bảo Châu, nhưng trong thời gian hoạt động lại phải xử lý tiếp trở ngại trong hệ thống bưu điện làm thất lạc bưu phẩm. Mạng lưới độc giả vốn đã sẵn nối kết với mạng lưới của ngành bưu điện và nhà truyền thông phải cân nhắc việc sử dụng mạng lưới chuyển phát bưu phẩm tốn kém hơn để bảo đảm nhưng lại làm tăng giá thành ấn phẩm, hay chuyển sang một loại hình phương tiện truyền thông nào khác. Tương tự như vậy, nối kết mạng có thể rẻ tiền và bảo đảm, nhưng tính chất và hiệu quả đối với độc giả sẽ khác. Cũng cần nhớ rằng người làm truyền thông phát triển khi tham gia vào dự án tức là đã tự động đưa mình vào mối quan hệ ràng buộc với nhà tài trợ và đối tượng hoạt động, và do vậy cũng sẽ thay đổi dần

130

dưới tác động của các liên kết đó. Cũng cần nhớ rằng không phải cứ ta là người làm truyền thông là giỏi hơn đối tượng được tuyên truyền, mà nhiều khi ngược lại, chính ta mới là người cần phải học hỏi từ địa bàn mình đang làm việc.

Đối với người dân bình thường trở thành đối tượng của dự án cũng cần có dự phòng để giúp họ tránh hoặc vượt qua cú sốc khi bất ngờ đón nhận được quá nhiều thông tin hay trở thành đối tượng được truyền thông khai thác, giống như hình ảnh thường được mô tả như là một cơn bão mạng. Một vụ đánh nhau nhỏ là hiện tượng quen thuộc trong một địa phương bất ngờ trở thành nổi tiếng do được đưa lên mạng để ngăn chặn nạn bạo hành nơi trường học, có thể kéo theo luồng dư luận gây chấn động tâm lý cho tất cả mọi học sinh có mặt trong đoạn video đó, dễ dàng nối tiếp bằng một hành động nông nổi đáng tiếc nào đó của các em. Được đưa vào không gian hoạt động của dự án truyền thông phát triển cũng có nghĩa là người dân bỗng nhiên phải xử lý thêm một số mối quan hệ mới, mà với những người không quen xử lý nhiều mối quan hệ xã hội, thì có thể là nguy cơ tạo ra trục trặc, rắc rối cho cuộc sống hằng ngày, mà trách nhiệm đầu tiên chính là do nhà truyền thông thiếu tính đến trong quá trình xây dựng dự án. Nguồn tài trợ dễ dàng có thể xin từ các doanh nghiệp có ngân sách quảng cáo lớn, nhưng đồng thời lại đưa người dân vào thế chịu ảnh hưởng từ chiến dịch quảng cáo đó.

Suy cho cùng, thì truyền thông thực sự ra chính là phương tiện do con người sáng tạo để nâng cấp và mở rộng khả năng kết nối của bản thân, nối dài cánh tay để kết

131

bạn với người đang sống ở thành phố khác, lắp thêm cặp mắt từ xa để theo dõi chiến sự đâu đó qua màn ảnh truyền hình, khuếch đại âm thanh để có thể đưa giọng nói của mình vượt đại dương tán tỉnh bạn gái, hay dò tìm trên mạng để tìm sự cộng hưởng cho tiếng nói của tâm hồn và tư duy. Các nhà xã hội học ghi nhận đặc tính của loài người là bầy đoàn, tức là tồn tại trong mạng lưới của các mối liên hệ xã hội. Người ta có thể chán ghét đám đông và bỏ đi nơi khác để tránh lời đàm tiếu dị nghị, nhưng rồi lại bắt đầu xây dựng lại các mối quan hệ ở nơi mới, và không thể nào chịu nổi nỗi cô đơn trống vắng khi thiếu mất các mối quan hệ cộng đồng như bản thân muốn có. Mối quan hệ xã hội không nhất thiết cứ phải là quen biết nhau, mà chỉ đơn giản là nhìn thấy nhau ở ngoài đường, hay ý thức được rằng mình phải ăn mặc đẹp hay lịch sự để cho người khác nhìn thấy. Nhu cầu được nói cũng mạnh giống như nhu cầu được nghe thấy ai đó nói điều gì đó, và hiểu được người ta nói gì, cũng như truyền đạt điều mình muốn nói. Phát triển trong xã hội nối kết thực sự ra chính là sự rút ngắn khoảng cách giữa nhóm người đã đi nhanh về một hướng với các nhóm còn lại, bắt đầu từ việc cơ bản nhất là thiết lập một đường dây liên lạc thông tin để người đi cuối biết rằng khoảng cách giữa mình và người đi đầu đã tăng lên, và ngược lại. Chỉ riêng việc thiết lập được kênh truyền thông đó đã là điều tiến bộ mang tính phát triển rồi. Bản thân người làm truyền thông phát triển có thể dễ dàng nhận lãnh chức năng đó, chưa cần phải lập dự án xin ngân sách từ đâu cả.

132

Sự tiến bộ, hay những điều được coi là phát triển ở con người, có lẽ đều là để nhằm mục tiêu thỏa mãn các mối quan hệ và giá trị trong các mối quan hệ đó giữa con người với nhau. Chúng ta muốn giàu hơn, phần nào là để không cảm thấy thua kém khi so sánh với bạn bè, để có đủ điều kiện hưởng thụ các loại tiện nghi có thể mua sắm bằng tiền. Chúng ta muốn giỏi hơn, muốn cộng đồng của mình văn minh hơn, muốn môi trường sống phát triển hơn, cũng một phần là vì không muốn tụt hậu trong mối quan hệ so sánh với các cộng đồng khác. Mối quan hệ liên kết truyền thông mới đem lại trật tự xã hội mới, tức là điểm định hướng và cân bằng mới, khiến cho xã hội phải dịch chuyển để điều chỉnh, và mỗi cá nhân phải chuyển động theo để giữ yên cho mình vị thế ngang bằng như trước đây, đó chính là hướng xây dựng dự án khéo léo và ít tốn ngân sách nhất.

133

9. Không gian văn hóa

Trong công trình nghiên cứu có nhiều ảnh hưởng vào các ngành học đương đại, Giáo sư Samuel Huntington1 phân chia thế giới ra thành khoảng 10 nền văn minh mà riêng nước Nhật đủ sức để duy trì riêng một nền văn minh cạnh tranh với các khu vực khác như ảnh hưởng của Trung Quốc và các nước phương Tây. Các nghiên cứu về Việt Nam cũng phân chia quốc gia thành nhiều khu vực văn hóa vùng miền hay địa phương khác nhau2. Các công ty quảng cáo là người hiểu rõ nhất sự khác biệt về văn hóa sẽ khiến cho hiệu quả truyền thông ở mỗi nơi sẽ khác nhau đến như thế nào. Trong vai trò người xây dựng và chạy dự án truyền thông phát triển, vấn đề khác biệt về văn hóa càng cần phải được quan tâm chú ý nhiều hơn nữa. Trí tuệ về văn hóa - cultural intelligence đang là một trong số ba yêu cầu bên cạnh trí tuệ về cảm xúc và

1. Xem Huntington, Samuel: The Clash of Civilizations and the Remaking of World Order, Simon & Schulter, 1996.

2. Xem Trần Quốc Vượng: Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2010.

134

trước đây là trí tuệ khoa học - IQ trong các vị trí công việc thời nay, chú trọng đến sự sáng tạo và nhanh chóng thích nghi với môi trường làm việc toàn cầu.

Nhìn từ góc độ của ngành truyền thông, thì văn hóa là những gì thể hiện ra thông qua các phương tiện truyền thông, và không gian trừu tượng do truyền thông tạo ra. Một cách dễ hiểu, văn hóa, đầu tiên hết, như cách diễn giải vào tiếng Việt qua chữ Hán, là những gì được biến vào thành chữ, tức là những gì được thể hiện qua phương tiện truyền thông là chữ in và sách. Văn hóa của một dân tộc là kho tàng sách vở của dân tộc đó. Văn hóa của một địa phương là toàn bộ những gì thể hiện ra bên ngoài ở nơi đó như panô quảng cáo, băng rôn khẩu hiệu treo ngang đường, mái cong đình chùa, kiến trúc nhà thờ, quy hoạch đô thị, nội dung loa truyền thanh và đài truyền hình cùng báo chí hằng ngày, và sách được nhiều người đọc trong thư viện. Còn nếu xét văn hóa như một không gian trừu tượng do truyền thông tạo ra, thì cũng giống như đã trình bày trong mục bàn về âm thanh qua sóng điện từ trường và băng đĩa nhạc, đây chính là một cộng đồng nối kết trong xã hội do loại hình phương tiện truyền thông đó tạo ra. Ví dụ đơn giản như không gian văn hóa do một cuộc thi nhạc trên truyền hình tạo ra, bao gồm cả những người từng nghe các bài hát này trong quá khứ lẫn các bạn trẻ ngày hôm nay đang hâm mộ một ứng viên, liên kết lại với nhau trong một mối quan hệ cộng đồng rất đặc biệt, nối liền các thế hệ khác nhau, các tầng lớp khác nhau trong xã hội, cả trong mối quan hệ cùng một nhóm hay thông qua các nhóm đối nghịch và cạnh tranh. Văn hóa,

135

nhìn từ góc cạnh của người làm truyền thông, chính là tập hợp của tất cả những điều vừa kể.

Góc nhìn như vậy cho phép lý giải khác hơn cách nhìn theo kiểu kinh tế chính trị khi phân tích hiện tượng truyền thông, ví dụ như tại sao ở Việt Nam mạng xã hội Facebook lại phổ biến hơn Twitter. Liên kết với văn hóa truyền thống của người Việt trọng hình dáng, ví dụ “trông mặt mà bắt hình dong”, “sĩ diện”, “mất mặt”, “chọn mặt gửi vàng”, v.v. mà có thể nhìn thấy điểm tương đồng đó với “quyển sách mặt” - cách dịch nguyên nghĩa của chữ facebook, cũng chính là tiêu chí hoạt động của mạng xã hội này. Trong khi đó Twitter lại chú trọng và sự cô đọng của câu chữ, như tin nhắn trên điện thoại cầm tay, phù hợp với văn hóa nhanh gọn và truyền thông ngắn gọn như hàng tít chạy trên báo hay máy truyền tin telex, chỉ giới hạn sức lan tỏa trên bảng điện một thời từng chạy liên tục ở một góc đối diện với chợ Bến Thành ở Thành phố Hồ Chí Minh mà không phải ai cũng chú ý. Văn hóa chụp ảnh bản thân tại sự kiện - selfie được chuyển dịch nhanh chóng sang tiếng Việt là “tự sướng”, tức là mô tả sự thỏa mãn của người chụp khi ghi lại “bộ mặt” hay “dáng điệu” của mình ở nơi chốn đó hay bên cạnh người nổi tiếng đó và bối cảnh xung quanh đó. Văn hóa tạm gọi là lười đọc sách khiến người ta dễ tin vào những câu chuyện đơn giản nhưng mang cốt truyện thuyết phục, khiến độc giả dễ tin vào các câu chuyện lan truyền trên mạng xã hội hơn tự mình kiểm chứng lại trên báo chí chính thống và cơ sở khoa học. Rào cản văn hóa sẽ ngăn cản sự du nhập của

136

một ý tưởng nào đó qua phương tiện truyền thông không phù hợp, trong khi sự tương đồng văn hóa có thể giúp cho một chiến dịch quảng cáo thành công vượt quá sự mong đợi. Nhưng đặc biệt nhất cần chú ý là hiện tượng khúc xạ văn hóa1 khiến cho ý tưởng từ một nền văn hóa văn minh này bị biến dạng khi được du nhập vào một nền văn hóa văn minh khác. Điều này đặc biệt nguy hiểm khi một hệ tư tưởng bị hiểu sai và thực hiện sai kéo theo nhiều hệ lụy mà xã hội phải mất nhiều thế hệ mới có cơ hội khắc phục hậu quả. Trong phạm vi của một dự án truyền thông phát triển, lan truyền rộng rãi một cách phát âm sai hay hiểu sai trong chương trình dạy tiếng Anh có thể khiến cả một nhóm học sinh gặp khó khăn trong giao tiếp sau này nếu không còn cơ hội để sửa chữa.

Nhìn theo chiều thời gian, thì văn hóa có thể chia thành một nhóm rất ít biến đổi như bản sắc truyền thống và nhóm kia nhanh chóng được thay thế giống như là mốt quần áo hay gu tiêu xài. Bản thân truyền thông cũng tham gia vào quá trình này, ví dụ như tập trung duy trì một thói quen trong khi lại nỗ lực xóa bỏ một thói quen khác trong xã hội. Cùng là một thói quen trong quá khứ được khái quát hóa thành nét riêng cho một dân tộc như tục lệ đập hết chén đĩa sau bữa tiệc cho trọn cuộc vui của người Hy Lạp, nhưng sau khi được đưa lên màn ảnh Hollywood đã khiến chính quyền mở chiến dịch cấm và tuyên truyền khiến ngày nay ngay chính người Hy Lạp cũng không nhận đó là phong tục

1. Xem Phan Ngọc: Bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2001.

137

của mình1. Tương tự vậy với sự thăng trầm của áo dài Việt Nam. Cùng là quốc phục nhưng áo dài phụ nữ được phục hồi cuối thập niên 1980 và liên tục được cách điệu để song hành với các cuộc thi hoa hậu, còn áo dài của đàn ông thì biến mất khỏi danh mục lễ phục quốc gia, chỉ thi thoảng xuất hiện trong đám cưới hay hoạt cảnh cần tái tạo hình ảnh của quá khứ. Giống như một bài hát được phát nhiều sẽ dễ nổi tiếng, hay một bài hát từng nổi tiếng trong quá khứ được một ban nhạc nổi tiếng dựng lại - remix sẽ có cơ hội kéo dài sức sống qua năm tháng, truyền thông có thể giữ vai trò quan trọng trong việc duy trì sự tồn tại của một nét văn hóa nào đó, hoặc thô bạo can thiệp để xóa bỏ một nét văn hóa nào khác. Tuy nhiên, chính truyền thông cũng có thể tự mình tạo ra một không gian văn hóa hoàn toàn khác biệt với đời thực, giống như nhiều ý kiến về một xã hội không tưởng nhằm đáp ứng ước mơ của các bà nội trợ hơn là giải quyết các vấn đề cho xã hội hiện thực như kịch bản phim bộ Hàn Quốc. Tương tự vậy không gian văn hóa “truyện chưởng” của Kim Dung tạo dựng ra một xã hội hoàn toàn ảo, nhưng dần có ảnh hưởng vào ứng xử trong đời thường với các giá trị được tác giả gán cho các nhân vật của mình như nhân nghĩa, trung thành, anh dũng, cứu nhân độ thế, v.v.. Do vậy, thế hệ những người từng xem phim bộ Hồng Kông thời trẻ suy nghĩ hoàn toàn khác với thế hệ những người trẻ xem phim bộ Hàn Quốc, thể hiện rõ nét văn hóa có thể bị truyền thông biến đổi nhanh đến mức như thế nào.

1. Xem Herzfeld, Michael: Cultural Intimacy: Social Poetics in the Nation-State, Psychology Press, 1997.

138

Xét theo trục không gian thì chúng ta có thể chia văn hóa thành khu vực trung tâm gần với nguồn phát, và vùng ven, nơi văn hóa dễ pha trộn với ảnh hưởng đến từ các nguồn phát khác. Ngày xưa, văn hóa dân tộc Việt Nam được hình thành ở nơi kinh thành, một phần có thể vì vậy mà được gọi là dân tộc Kinh, đối nghịch lại với nhóm người Mường hay các kiểu đặt tên mang tính miệt thị hơn như man, di, mọi, rợ, v.v.. Hiện nay, sự khác biệt giữa người dân sống ở khu trung tâm thành phố lớn với dân cư ngoại ô và nông thôn vẫn còn được ghi nhận, dù khoảng cách không còn rõ ràng cho lắm. Truyền thông đã làm cầu nối để rút ngắn hay chính xác hơn là vượt qua khoảng cách trong không gian. Báo, tạp chí và sách được chuyển phát nhanh còn truyền hình và mạng internet thì đến nơi ngay tức thời. Thế giới ngày càng phẳng, nhìn từ nơi được coi là trung tâm như nhà báo Thomas Friedman từng trình bày trong tác phẩm nổi tiếng. Người ở xa dễ dàng tiếp nhận văn hóa từ nơi trung tâm qua trình bày của truyền thông. Tuy nhiên, người ta không thể nào thu nhận hoàn toàn và không biến dạng, bởi vì truyền thông chỉ truyền đạt một góc cạnh của vấn đề mà thôi. Nguyên tắc của truyền thông là phải diễn đạt câu chuyện một cách đơn giản và nhanh chóng nhất, cho nên tự động gạt bỏ những hiện thực khác, mà người xem đang sống trong một nền văn hóa văn minh khác chắc chắn sẽ diễn giải - decode sai lệch hoặc thiếu. Khi xem truyền hình và phóng viên tường thuật về từ các giải bóng đá quốc tế, chúng ta biết được rất nhiều về thói quen và cuộc sống của người dân ở đó, nhưng chắc chắn không thể nào hình dung ra được toàn bộ. Khán giả dễ dàng

139

nghĩ rằng ở Anh ai cũng yêu thích bóng đá vì truyền hình chỉ tập trung vào quay phim họ, mà không biết rằng trong các quán rượu ở nước Anh vào giờ đá bóng vẫn có các màn ảnh tivi khác để phục vụ người thích xem tennis, đua ngựa, bóng rổ hay golf và đua xe. Cũng cần phải ghi nhận thêm một xu hướng thay đổi về lý thuyết, khi trước đây người ta cho rằng văn hóa được phát tán từ một trung tâm ra các vùng biên, kiểu như từ một nước đế quốc truyền bá đến cho các nước thuộc địa, nhưng ngày nay nhiều lý thuyết gia về văn hóa cho rằng bản sắc được tạo dựng chính ra là từ chính các vùng biên, nơi các luồng văn hóa khác nhau có cơ hội được cọ xát và khẳng định bản thân, trong khi ở trung tâm chỉ là văn hóa chết, không liên tục tái tạo mà chỉ nhân bản vô tính với nhiều sai sót và biến dạng sau mỗi phiên bản. Từ góc nhìn ứng dụng của người làm truyền thông phát triển, cần phải ý thức được rằng không phải lúc nào xu hướng “văn minh hóa” nhóm kém phát triển hơn ở vùng ven cũng là quy luật tất yếu trong khu vực văn hóa mà chúng ta đang quan tâm, mà dư luận tùy theo điều kiện lịch sử có thể lại ủng hộ hướng đi ngược lại, “khai sáng” cho chính người đi khai hóa. Mà trên thực tế thì truyền thông chính là kênh dẫn hai chiều, không chỉ truyền bá kiến thức và thông tin cho người nhận mà còn cần phải nhận cả tín hiệu phản hồi từ khán giả, nếu muốn duy trì hoạt động lâu dài. Khi bơm nước qua đường ống từ dưới lên cao thì cũng chính đường ống đó sẽ là kênh dẫn tự nhiên làm thoát hết toàn bộ nước từ trên cao xuống nếu thiết kế không đặt ra chế độ ngắt cho hệ thống khi máy bơm ngừng hoạt động.

140

Bản thân truyền thông cũng làm thay đổi tâm điểm văn hóa, khi các chương trình thời sự tự động đặt ra mối quan tâm hằng ngày cho người dân. Khi nổ ra vụ tấn công khủng bố ở Luân Đôn, truyền hình tường thuật trực tiếp khiến cho người ta không còn quan tâm mấy đến vụ tai nạn giao thông làm chết người ngay gần nhà. Một sự kiện văn hóa như giải thưởng Oscar ở Mỹ có thể biến kinh đô điện ảnh trở thành thủ đô của thế giới trong vòng vài giờ trình diễn cho cả thế giới nhìn ngắm. Cùng là tai nạn giao thông, nhưng các vụ tai nạn máy bay luôn được nhiều người biết đến và quan tâm bàn tán hơn cùng số lượng người chết trên xe đò, hay tổng số người chết trong ngày vì tai nạn xe máy cộng lại. Một người có thể bỏ quên cuộc sống ban ngày ở Hải Phòng để sống vào nửa đêm cùng giải ngoại hạng Anh. Tâm điểm của thế giới liên tục dịch chuyển và không phải lúc nào cũng dễ nhận ra khi thế giới còn chia đôi thành hai cực trong cuộc chiến tranh Lạnh. Như vậy, dự án truyền thông phát triển không nhất thiết lúc nào cũng phải suy nghĩ theo chiều cao thấp như trước đây mà bản thân môi trường có thể sẽ thay đổi hoàn toàn sau ngày lắp đặt hệ thống ống dẫn và vì một lý do gì đó nước sẽ chảy từ chỗ trước đây bị coi là thấp sang chỗ trước đây vẫn coi là cao, vì trục lộ đã thay đổi sau khi tâm điểm truyền thông đã di dời sang vị trí mới, giống như mặt trăng sẽ tự động hút nước lên cao theo quy luật thủy triều. Ánh sáng mặt trời chiếu từ phía này sang phía kia có thể trở thành nguồn sáng phụ nếu sử dụng gương phản chiếu từ bên kia sang bên này để làm nguồn sáng chính.

141

Theo hệ tọa độ của xã hội học, thì văn hóa còn được phân chia thành loại văn hóa đại chúng - pop culture hay văn hóa cao của số ít thành viên thuộc về tầng lớp cao trong xã hội - elite mà có thể hiểu là tri thức hay tầng lớp trí thức - intelligentzia. Đặc tính này được dùng để chia thị trường thành nhiều phân khúc khác nhau để mỗi kênh truyền thông đặt mục tiêu riêng mà khai thác. Do xã hội và văn hóa liên tục thay đổi mà ranh giới giữa các nhóm cũng dao động liên tục, ví dụ như là thành công của ngôi sao hát nhạc opera người Italia Pavaroti khi đem dòng nhạc cổ điển chuyên phục vụ cho khán giả thuộc nhóm văn hóa cao hòa vào dòng nhạc pop đại chúng, mở đường cho một loạt các ngôi sao sau này như Andrea Boceli và ban nam ca Il Divo. Các bộ phim hoạt họa Walt Disney cũng tạo ra được hiện tượng tương tự nhằm giáo dục âm nhạc cho trẻ em từ rất sớm. Vấn đề mà người làm truyền thông cần chú ý về độ chênh văn hóa giữa các nhóm khán giả khác nhau, khi cùng một quảng cáo ở nước này có thể là quá cao so với ở nước khác. Tương tự vậy trong trường hợp người xây dựng dự án truyền thông từng sống và học ở nước ngoài, hoặc ở nơi thành phố đem về nơi thôn quê để hoạt động. Trong điều kiện Việt Nam còn thêm một kiểu phân biệt nữa là truyền thông chính thống và truyền thông vỉa hè. Vì truyền thống kiểm duyệt qua nhiều giai đoạn lịch sử, và sự quản lý của nhà nước về báo chí, mà có những câu chuyện người ta dễ dàng nghe theo một tin đồn nào đó, dù rằng bài báo giới thiệu trên truyền thông chính thức vẫn tiếp tục là ước mơ của người làm PR. Với hệ thống báo chí mang tính chỉ đạo trong nền kinh tế thị trường, thước đo

142

đánh giá và các chỉ số hoạt động cho truyền thông ở Việt Nam vẫn còn đang là câu hỏi chưa có lời giải rõ ràng. Tất cả mọi bước đi vẫn còn đang trong quá trình thử nghiệm và loại trừ những vận dụng không thành công - try and error, khi kỹ năng báo chí thực sự ra là hệ quả thành công trong ngành truyền thông ở nước ngoài, được áp dụng và thử nghiệm hiệu quả vào thị trường Việt Nam, giống như là dò tìm xem kênh dẫn nào sẽ cộng hưởng với văn hóa Việt.

Người ta hay dùng khái niệm ngôn ngữ truyền thông để mô tả độ tương thích của một biện pháp truyền thông nào đó trong cơ cấu văn hóa Việt, như khi mua bản quyền và khai thác một chương trình truyền hình hay phim bộ nhiều tập. Sự tiếp nhận tích cực của thị trường có nghĩa là ngôn ngữ truyền thông được dùng để thể hiện chương trình đó là tương thích và hiểu được trong thị trường Việt Nam. Cũng có trường hợp sự hiểu sai vẫn kéo theo sự tiếp nhận của thị trường. Một trong số các phương pháp phân tích thường được sử dụng nhất trong ngành truyền thông là lý thuyết về mã hóa và giải mã do chuyên gia mácxít Stuart Hall xây dựng từ thập niên 1970, mà nay phổ biến ở Anh và khá nhiều nước nói tiếng Anh khác. Tức là, nội dung cần chuyển tải sẽ được nhà sản xuất gói ghém và thể hiện bằng ngôn ngữ của phương tiện mà họ sử dụng, ví dụ như mối quan hệ tình cảm trình bày bằng nụ hôn trên màn ảnh, hay niềm vui bằng ký hiệu mặt cười trên tin nhắn điện thoại, và sự tán thưởng bằng ký hiệu ngón tay cái - like trên trang facebook. Đó là quá trình được gọi là mã hóa - encoding, mà khi đến người nhận sẽ tùy theo văn hóa

143

và điều kiện riêng sẽ được giải mã - decoding và diễn giải theo cách riêng. Không phải nền văn hóa nào cũng coi hôn nhau là tình cảm mà lúc ban đầu có thể ghê sợ chuyện người ta mút mồm nhau hay ngửi nước bọt của nhau. Không phải ai cũng tự nhiên biết hai ký tự là dấu hai chấm và ngoặc đơn đặt cạnh nhau có nghĩa là mặt cười :) hay ngược lại là mặt buồn :(. Không phải nền văn hóa nào cũng coi ngón tay cái đưa lên là sự khen ngợi mà có thể là ngược lại, sự thách thức. Do vậy, mỗi cá nhân tùy theo cao độ văn hóa của mình, tùy theo vị trí của mình trong không gian văn hóa, tùy theo tiến trình văn hóa của mình trên trục thời gian, tùy theo khả năng dao động riêng về văn hóa, cũng như tùy theo mức độ khúc xạ khi tiếp biến văn hóa, như đã trình bày ở trên, mà sẽ diễn giải thông điệp truyền thông theo cách riêng của mình. Nếu nhà báo thường chỉ được rèn luyện kỹ năng mã hóa để chuyển thông điệp truyền thông vào thành nội dung chương trình, thì người làm truyền thông còn phải mở rộng kiến thức đó ra thêm để hiểu nội dung chương trình sẽ được diễn giải như thế nào nơi người nhận, và tác động như thế nào vào sự thay đổi của cộng đồng và xã hội. Làm truyền thông phát triển chính là tạo ra sự thay đổi về văn hóa trong cộng đồng bằng phương tiện và nội dung truyền thông.

Sự thay đổi đó có thể được thực hiện bằng cách dẫn một dòng chảy văn hóa khác vào, hoặc đơn giản nhất là thay đổi cơ cấu của chính không gian văn hóa hiện tại, sắp xếp và hệ thống lại bằng các mối liên kết mới. Khi đó thì dự án truyền thông tập trung vào quá trình kết nối và những liên kết có

144

thể nhanh chóng được tạo thành nhờ phương tiện truyền thông mới, hay cơ cấu tổ chức mới trong xã hội. Ví dụ đơn giản có thể như là chuyển việc tuyên truyền không hút thuốc lá cạnh trẻ em, thay vì tổ chức theo kiểu nhàm chán như nói chuyện trong buổi họp tổ dân phố, có thể kết hợp thành một tiểu phẩm kịch nói trong buổi hội làng, tức là chỉ đơn giản là thay đổi phương tiện - từ nói chuyện tuyên truyền thành sân khấu tuyên truyền, và điểm hội tụ - từ nhà của tổ trưởng tổ dân phố thành sân đình hay hội quán của tổ dân phố. Văn hóa họp hành được đưa vào Việt Nam cách đây không lâu và phù hợp với cơ chế hành chính, nhưng khó có thể trở thành phong tục truyền thống nơi làng xã, và càng khó để trở thành kênh dẫn hiệu quả để tuyên truyền. Trong nhiều trường hợp, không phải nội dung truyền thông mà ngay chính cơ cấu tổ chức của liên kết truyền thông tạo ra sự thay đổi vì đã tạo ra một kênh dẫn hoàn toàn mới cho hệ thống cũ trước đó. Người làm truyền thông, trong hoàn cảnh đó, có thể phải cân nhắc xem có nên chuyển vị trí từ người làm truyền thông sang thành người làm dự án phát triển, tức là hoạt động kinh doanh hay kinh tế xã hội, theo yêu cầu cấp thiết trong không gian mới. Có những trường hợp cái được người này coi là phát triển lại bị người kia coi là suy đồi, mà người làm truyền thông có thể bị một bên kết án là làm tay sai cho bên kia để phát tán điều xấu. Khi đó chính bản thân nhà truyền thông phải xác định lại bản sắc của mình, tức là khoảng cách đạo đức của mình với các đối tượng khác nhau trong xã hội.

145

Phần 3

KHẢO SÁT ỨNG DỤNG

147

10. Văn miếu Bắc Ninh và sức hút kết nối của di tích lịch sử văn hóa

Mục này lấy Văn miếu Bắc Ninh làm ví dụ cụ thể để bàn chuyện dự án truyền thông phát triển cho một di tích lịch sử văn hóa, mà đồng thời cũng là thông qua điểm nút đó làm truyền thông phát triển cho khu vực. Kinh nghiệm mà tác giả ghi nhận được từ những nơi khác với hoàn cảnh tương tự cũng sẽ được tích hợp và trường hợp - case study này để giúp độc giả mở rộng phạm vi tư duy. Văn miếu Bắc Ninh được chọn làm đối tượng chính để trình bày vì sự thay đổi nhanh chóng, và cũng là dự án được tác giả tư vấn gần đây nhất, vẫn đang tiếp tục xây dựng và thực hiện các bước tiếp theo. Cơ duyên đưa tôi đến với di tích này là chuyến khảo sát một địa điểm lịch sử khác ở Đáp Cầu, có liên quan đến quyển hồi ký về Việt Nam cách nay 100 năm của quan ba lính Lê dương Pháp gốc Ba Lan Władysław Jagniątkowski. Trên đường quay trở về Hà Nội, tiện đường và sẵn bản đồ trên điện thoại nên tôi ghé vào xem cho biết, và 5 phút trong kế hoạch ban đầu được kéo dài thành khoảng 45 phút gặp gỡ với nhóm cán bộ cởi mở và tích cực

148

từ Ban quản lý di tích tỉnh Bắc Ninh, và sau đó nhiều giờ tư vấn qua mạng và được mời tham gia nhóm điều hành trang facebook của di tích.

Lý do mà tôi dành thời gian cho di tích cũng tương tự như cách suy nghĩ của các nhà tài trợ, đặc biệt là từ các tổ chức khoa học nước ngoài, chính là phát hiện thấy nội lực từ chính cơ sở này. Phương pháp đơn giản nhất để đánh giá là phân tích SWOT, tìm ra điểm mạnh và điểm yếu của di tích cùng cơ hội phát triển và nguy cơ bị tổn hại. Hai chữ cái đầu tiên trong cái tên của phương pháp này là viết tắt của chữ tiếng Anh Strenght và Weakness, tức là tìm ra điểm mạnh và điểm yếu, mà nếu ta phát huy được thế mạnh và khắc phục được điểm yếu thì đã giúp cho di tích phát triển thêm một bước rồi. Cũng cần chú ý rằng ở đây di tích đang được tập trung phân tích theo góc nhìn phát triển và truyền thông. Như vậy, điểm yếu đầu tiên của Văn miếu Bắc Ninh chính là không được nhiều người biết đến, kể cả ngay chính người dân đang sống ở địa phương này. Trong khi đó, điểm mạnh thì di tích này nằm trên ngọn đồi cao có đường cho xe ô tô và xe máy vào tận nơi, đầy đủ giá trị lịch sử và đã nhiều lần được chính quyền địa phương sửa chữa và tôn tạo. Chỉ cần giải quyết được khâu giới thiệu là đã thu hút được rất nhiều du khách từ chính địa phương, mà đặc biệt là các em học sinh trong tỉnh, đến tham quan và hiểu rõ hơn về truyền thống của địa phương và đất nước mình. Giải pháp cho điều này rất đơn giản, chỉ cần mở một trang giới thiệu trên facebook với vài dòng diễn giải và hai bức ảnh chụp, cùng địa chỉ và

149

số điện thoại, là chỉ vài tuần sau các đoàn du khách bắt đầu kéo về ngày càng đông. Đa số các thầy cô giáo và học sinh hay kể cả các đoàn sinh viên về đây cũng chia sẻ sự ngạc nhiên, trước đó không biết rằng ngay trong tỉnh, chỉ trong phạm vi của thành phố Bắc Ninh, mà lại có một di tích đẹp và giá trị đến như vậy. Tương tự vậy, một khu du lịch rất đẹp nằm bên bờ đập thủy điện và thủy lợi ở Hà Giang trước đó hoàn toàn trống vắng, dù nằm ngay cạnh đường quốc lộ số 2, chỉ chạy vào trong vài cây số. Giải pháp truyền thông ở đây chỉ đơn giản là tặng vài trăm ngàn - thời giá lúc bấy giờ - cho ban quản lý để lắp đặt một bảng quảng cáo, lôi kéo và chỉ đường cho khách đi từ bên ngoài vào trong xem thử.

Khi phát hiện thấy điểm yếu của di tích là ít người biết đến, thì sẽ dễ dàng tùy thuộc vào điều kiện kinh tế mà xây dựng chiến dịch quảng bá. Tấm biển quảng cáo trên trục giao thông nhiều người qua lại chính là tín hiệu truyền thông hiệu quả nhất, chỉ cần kích thước vừa đủ, nhưng cần được đầu tư công sức thiết kế để đạt hiệu quả cao nhất. Trong khi đó, trang mạng trên facebook cần phải được truyền bá nhanh chóng đến với đối tượng cần tiếp cận, mà các chức năng như chia sẻ trên trang bạn bè rồi nhờ bạn share tiếp sẽ giúp tiết kiệm tiền phải trả để quảng cáo. Nếu có được một bức hình chụp người đến thăm di tích rồi đánh dấu - tag tên họ vào trong đó thì cũng có tác dụng tương tự, thậm chí tạo ra sự tò mò của những người khác cũng muốn đến xem cho biết. Đây chính là lý do mà các nhà hàng, khách sạn và cửa hàng thường khuyến khích

150

du khách khoe với facebook rằng mình đã đến đây rồi, qua nút bấm check-in. Tuy nhiên, thông tin trên facebook chỉ hiện ra tức thời rồi biến mất sau vài giờ, còn bảng quảng cáo thì vẫn còn nằm nguyên đó theo năm tháng, ngày qua ngày, ghi sâu vào tâm trí của người qua đường rằng ở chỗ đó có một địa điểm như thế, chờ cơ hội được đón tiếp. Mỗi phương tiện truyền thông có thế mạnh thế yếu riêng của mình. Việc đưa Văn miếu Bắc Ninh vào danh sách tour du lịch cho du khách đến đây, thì cũng là cách để duy trì sự hiện hữu trên các phương tiện truyền thông khác, ví dụ như là sách hướng dẫn du lịch cho người nước ngoài, hay bản đồ hướng dẫn du lịch trên điện thoại và máy tính bảng. Chỉ cần một vài tờ rơi đặt đâu đó trong khách sạn cho Tây ba lô ở Hà Nội cũng giá trị ngang với một bài viết cầu kỳ tốn kém trên tạp chí hàng không. Về hiệu quả truyền thông, thì được nhắc tên trên một diễn đàn sinh viên có khi giá trị hơn là bài phóng sự truyền thanh trên báo tỉnh. Từ lúc xác định thế mạnh thế yếu của di tích cho đến kế hoạch truyền thông là cả một quá trình tính toán chi tiết và công sức thực hiện. Cùng là bức ảnh chụp cho facebook nhưng hai góc chụp khác nhau sẽ tạo ra ấn tượng và cảm nghĩ khác nhau về di tích.

Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tức thời, còn để di tích có thể phát triển bền vững và trở thành đầu mối giúp địa phương phát triển thì cần phải có giải pháp dài hạn, tức là dự án chiến lược. Hai chữ cái sau trong tên của phương pháp SWOT là Opportunity và Threat, tức là cơ hội và cơ nguy. Ví dụ rõ nhất ở Văn miếu Bắc Ninh là trước đây

151

không có nơi giữ xe, khách đến và ngay cả cán bộ quản lý cũng tự dựng xe ở bên ngoài. So với Văn miếu Hải Dương thì trong khuôn viên thiếu nhà vệ sinh cho du khách để bảo đảm trở thành điểm dừng chân tiện nghi và thoải mái1. Không chỉ chuyện giữ xe hay trang bị bên trong, mà khung cảnh bên ngoài di tích cũng trở thành mối đe dọa đối với sự phát triển bền vững. Cách đó không xa là Đền bà Chúa Kho, dù rằng bên trong có chỗ giữ xe máy, nhưng các hàng quán ở bên ngoài vẫn chèo kéo, tạo cảm giác khó chịu cho du khách. Nếu điều tương tự xảy ra ở Văn miếu, là nơi mà du khách chủ yếu là người có văn hóa, thì chắc chắn sẽ làm mất đi toàn bộ thiện cảm mà người ta trước đó đã dành cho nơi này. Khi đó, dự án truyền thông phát triển không còn đơn giản là chuyện quảng cáo hay truyền tin, mà là quá trình giao tiếp với người dân sinh sống xung quanh di tích, chia sẻ các giá trị cộng đồng và cùng đóng góp vào cho sự phát triển của di tích, đôi bên cùng có lợi. Nếu có hộ kinh doanh nào nhanh nhạy thì sẽ biết cách sản xuất hay bán vật phẩm lưu niệm, ăn theo sự nổi tiếng của di tích. Tuy nhiên, khi các quán nước ở dưới chân Đền Hùng ở Phú Thọ kiếm tiền chủ yếu bằng cách bán các loại thẻ bài tiếng Hoa thì sớm muộn gì cũng sẽ làm thay đổi tính chất tâm linh của di tích, thay vì bán bánh tày để giới thiệu cho du khách về nguồn gốc của chiếc bánh chưng.

1. Hiện Ban Quản lý di tích tỉnh đã xây dựng một nhà vệ sinh nhỏ vừa đủ tiện nghi mà không làm ảnh hưởng đến khuôn viên văn hóa.

152

Do đó, cũng cần nhắc đến một điểm mạnh của Văn miếu Bắc Ninh là đội ngũ cán bộ quản lý có hiểu biết và chịu khó. Một trong số những lý do khiến tôi muốn bỏ công sức ra giúp cho di tích này là vì nhìn thấy một cô gái làm nhiệm vụ thuyết minh trong giờ rảnh rỗi đã ra cuốc đất dưới gốc cây để trồng hoa, tu bổ thêm cho vẻ đẹp của di tích lịch sử trong khuôn viên cây lá sẵn có xung quanh. Công việc phát triển di tích cũng giống như vậy, phải chăm bẵm rất lâu mới mong có ngày nở hoa kết trái như việc trồng cây. Tuy nhiên, khi nghiệp vụ và thời gian có hạn, thì không thể cùng lúc trông coi quá nhiều di tích trong khu vực mình đang phụ trách được. Khi đó có thể dùng đến biện pháp 20/80 để tập trung thời gian và công sức cho những nơi trọng điểm, còn số còn lại tùy thuộc vào địa phương hay tình nguyện viên. Ở đây, một lần nữa, bài toán truyền thông mạng lại có thể phát huy tác dụng. Mỗi nơi đều có những người tri thức về hưu nhưng vẫn còn muốn tiếp tục đóng góp cho xã hội. Họ có thể trước đây là công chức hay quan chức, giáo viên, hay có khi chỉ là một người lao động bình thường về già muốn nghiên cứu thêm về lịch sử và văn hóa. Đó chính là những cán bộ quản lý không ăn lương, mà khi phát triển thành mạng lưới, thì có thể giúp chúng ta quán xuyến hết 80% các điểm không quan trọng còn lại. Trang theo dõi trên mạng facebook là phương tiện giúp bảo đảm liên lạc thông suốt và tiết kiệm thời gian cũng như là công sức đi lại, giống như kinh nghiệm của người Nhật Bản dùng điện thoại video để duy trì các mối quan hệ trong xã hội.

153

Quy tụ tri thức về hưu bằng di tích văn hóa lịch sử là hiện tượng rất thường gặp trong lịch sử Việt Nam, khi chính họ là người xây dựng rồi quản lý đền, phủ, miếu, mạo. Di tích cũng chính là nơi tụ hội tự nhiên cho cộng đồng dân cư. Ở Thủ đô Warszawa của Ba Lan một nhóm doanh nhân có văn hóa đã cùng nhau xây dựng chùa Thiên Việt trong khuôn viên một khu kho hàng, cũng giống như chùa Việt ở cạnh Trung tâm mua bán Sapa thuộc Thủ đô Praha của Cộng hòa Séc, hay chùa ở quận Lichtenberg thuộc Thủ đô Berlin của Đức và chùa ở Trung tâm thương mại Thăng Long thuộc Thủ đô Budapest của Hungary. Khi chuyển chùa ở Warszawa về gần khu trung tâm mua bán mới của người Việt ở Raszyn, chuyển tên thành Thiên Phúc, nhóm tài trợ đã có ý thức xây thêm phủ thờ Mẫu để làm chỗ quy tụ cho người hầu đồng, hay khu vực Đền Hùng để cúng giỗ tổ ngày 10 tháng Ba âm lịch. Ở Việt Nam, xu thế về nguồn kéo theo rất nhiều trí thức về hưu bắt đầu tìm hiểu kỹ Kinh dịch hay Đạo giáo và các tín ngưỡng bản địa, mà nếu khuyến khích được họ gắn bó với lịch sử một di tích trên địa bàn khu dân cư sẽ là một điều lợi rất lớn cho cả di tích lẫn cộng đồng địa phương và chính nhu cầu tìm hiểu của cá nhân người tri thức đó. Người ta cũng có thể kết hợp các mối quan tâm gần nhau vào với nhau, ví dụ có thể chơi chim trong đình làng xưa, hay thưởng thức hoa lan trong ngôi miếu cổ, triển lãm và hội thảo khoa học trong không gian văn miếu, v.v.. Từ mạng lưới nối kết của tri thức, vốn xã hội và vốn văn hóa của cộng đồng được gia tăng và có thể được hoán chuyển ngay thành vốn kinh tế,

154

hay lực đẩy phát triển cho xã hội. Khi đó, di tích lịch sử văn hóa còn trở thành cầu nối cho nguồn lực từ bên ngoài vào tiếp cận và đầu tư để phát triển bền vững.

Trong trường hợp của Văn miếu Bắc Ninh, trước mắt các hoạt động như tặng chữ thư pháp vào thứ Tư hằng tuần, hay kế hoạch sau này là lớp học vào cuối tuần, giúp duy trì hoạt động đời thường cho di tích mang tính chất bảo tàng lịch sử. Du khách không chỉ vào đây một lần duy nhất để xem, mà còn quay lại nhiều lần để tham gia nhiều hoạt động văn hóa khác. Nhìn từ góc độ của ngành nhân học, thì không gian vật thể là nơi thể hiện của nhiều không gian khác trong tư tưởng, mà tâm linh như cách gọi phổ thông là một trong số đó. Khi một nhóm có tổ chức đến thắp hương, có thể là một sự kết nối lỏng lẻo như đám bạn sinh viên đi chơi với nhau, hay chặt chẽ như một đoàn thể mặc đồng phục, thì sự kiện này và không gian này trở thành một điểm mốc quan trọng trong lịch sử hoạt động của đoàn thể đó, cũng như cá nhân người đó. Cũng giống như bức ảnh chụp Bác Hồ trò chuyện cùng bộ đội trên bậc thềm Đền Hùng và câu nói sau này đã đi vào lịch sử, một buổi nghe giảng về truyền thống hiếu học và tiếp xúc với tấm bia tiến sĩ chắc chắn sẽ để lại trong tâm trí của các em học sinh được thầy cô giáo đưa đến đây một vài suy nghĩ về tương lai và thái độ học tập. Tương tự vậy về nghi thức cầu khấn đỗ đạt, có thể là biểu hiện của mê tín dị đoan, nhưng cũng có thể là nghi lễ thêm sức, giúp cá nhân và tập thể có thêm lòng tin trước kỳ thi sắp tới. Không gian Văn miếu chính là nơi hội tụ, hóa giải, và giúp cho tất cả

155

mọi luồng tư tưởng được thăng hoa. Và ngược lại, mỗi du khách cũng chính là một phần đóng góp trong sự phát triển của Văn miếu, cũng giống như quyết định của tác giả vào thăm và giúp làm cố vấn vậy. Di tích lịch sử là bảo tàng sống, vừa phát tán bớt các giá trị mình đang lưu giữ, mà cũng đồng thời tích lũy thêm các giá trị mới, trong một quy trình hay chiều nào đó trong không gian văn hóa theo trục thời gian. Duy trì hoạt động cho di tích vừa giúp khai thác một cách tốt nhất mà đồng thời cũng là để quy tụ thêm rất nhiều giá trị mới. Trong môi trường văn hóa Việt Nam, miếu thờ Khổng Tử tiếp biến từ nền văn minh Trung Hoa cổ đại đã trở thành ngôi miếu thờ văn - temple of literature1, tức là thờ chữ và những người Việt Nam đã sáng tạo ra thêm chữ, được lịch sử ghi lại trên bia đá. Như vậy, dựng thêm bia đá để ghi thêm các vị tiến sĩ thời đương đại, và đặt thêm kệ sách để giới thiệu các công trình khoa học của tri thức trong tỉnh sẽ là một sự tiếp nối tự nhiên, cũng giống như cách làm hội thơ ở Văn miếu Hà Nội. Ở Văn miếu Bắc Ninh các cá nhân và tổ chức đã cùng nhau tổ chức những buổi tặng chữ, mời trầu têm cánh phượng, và hát quan họ để giới thiệu thêm về văn hóa địa phương mình.

Một vấn đề khác cũng cần được quan tâm là sự kết nối giữa các văn miếu với nhau. Ở miền Bắc vây quanh Văn miếu Hà Nội còn có Bắc Ninh, Hải Dương, và Hưng Yên,

1. Xem Nguyễn Quang Khải, Nguyễn Quang Khánh (Chủ biên): Văn miếu Bắc Ninh - kỷ yếu hội thảo, Ủy ban nhân dân thị xã Bắc Ninh, Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Bắc Ninh, 1999.

156

cùng nhiều Văn Thánh miếu ở các tỉnh miền Nam. Nếu Văn miếu Hà Nội đã trở thành một khu nhà nhỏ giữa thủ đô tấp nập, thì Văn miếu Hải Dương vẫn còn giữ nguyên vẻ bề thế với đất ruộng xung quanh, hồ nước trong khuôn viên, và mở cửa cùng đường lớn to rộng hướng thẳng ra quốc lộ 5. Trong khi đó, Văn miếu Hưng Yên và Bắc Ninh lại mang dáng vẻ riêng dựa vào độ cao của ngọn đồi, tạo cảm giác hoàn toàn khác biệt cho người vào thăm. Chỉ riêng đối với khách du lịch đến từ các nước có ảnh hưởng của văn hóa Khổng giáo như Nhật Bản và Hàn Quốc thì chuyến hành hương thăm đủ các văn miếu, hay ít nhất là đến Văn miếu Bắc Ninh sau Văn miếu Hà Nội để có sự so sánh, chính là điều tạo ra giá trị rất lớn cho bản thân họ từ chuyến sang thăm Việt Nam. Có khi một điểm tương đồng nào đó tại Văn miếu Bắc Ninh sẽ kéo theo một quyết định đầu tư của một ai đó khác nữa vào tỉnh này, tạo ra sự phát triển kinh tế nhờ vào sự tin cậy về văn hóa và lịch sử. Lòng tin chính là điều cơ bản tạo ra vốn xã hội - yếu tố quan trọng giúp duy trì phát triển bền vững. Ở đây, việc khai thác và phát triển mối quan hệ giữa các văn miếu sẽ là một dự án kéo dài và tốn nhiều công sức hơn những gì dễ làm đã được trình bày ở trên. Dự án này đòi hỏi sự kết nối liên tỉnh, và sau đó là liên quốc gia - kết hợp với các di tích và bảo tàng tương tự ở nước ngoài, để tạo ra sự kiện chung, không chỉ là thăm viếng, mà còn cả hội thảo và trưng bày qua lại.

Hoạt động của di tích có thể được kết hợp với các hoạt động khác trong xã hội, ví dụ như đền, miếu có thể là

157

điểm tuyên truyền vệ sinh dịch tễ, sinh đẻ có kế hoạch, hay con giống mới và kỹ thuật canh tác trong điều kiện biến đổi khí hậu toàn cầu. Bản thân không gian di tích theo dòng thời gian và trong không gian văn hóa có vị trí giống như là vùng trũng để mọi người đổ về, không chỉ trong ngày lễ hội, mà còn hương khói quanh năm, cho nên sẽ là địa điểm tốt nhất cho loại hình tuyên truyền hội tụ, chờ đón người thích hợp đến nhận thông tin họ cần biết. Di tích nằm trong hệ thống nối kết của Sở văn hóa, thể thao và du lịch cho nên việc kết hợp này cũng hoàn toàn nằm trong phạm vi chức năng sẵn có. Thay vì thu tiền vào cửa thì có thể dùng ngân sách hoặc nguồn tài trợ cho một dự án phát triển để duy trì hoạt động cho di tích. Ví dụ như có ngôi chùa ở vùng đồng bằng sông Cửu Long đồng thời cũng là điểm y tế xã, hay phòng sơ chế và điểm cung cấp thuốc nam cho cộng đồng. Nhà thờ hay chùa cũng là địa điểm tự nhiên cho các lớp học, không chỉ xóa nạn mù chữ mà còn dạy nhạc hay họa cho trẻ em, tư vấn hôn nhân và gia đình cho người lớn. Rất nhiều loại hình hoạt động khác nhau tùy thuộc vào khả năng và quy mô của người làm dự án truyền thông phát triển muốn khai thác. Mỗi hoạt động phụ trội, đổi lại, cũng là kết nối phụ trội gắn kết di tích với xã hội và gia tăng số vốn văn hóa cho cộng đồng. Ngay cả như nơi kinh doanh du lịch cũng có thể được gắn kết với dự án giáo dục về môi trường hay biến đổi khí hậu, mà phụ huynh sẵn sàng chi tiêu để kết hợp vừa giải trí cùng gia đình, vừa giúp con học thêm nhiều điều mới lạ. Khu tập thể thao thu tiền có thể đóng góp thêm cho địa phương

158

thay vì quảng cáo bằng cách mở lớp miễn phí để hướng dẫn vài tư thế võ tự vệ cho phụ nữ, còn cửa hàng bán xe có thể tổ chức lớp tuyên truyền về an toàn giao thông cho trẻ em khi đi bộ hay xe đạp đến trường. Vô số điều mới lạ đang chờ nhà truyền thông kết nối và bố trí xây dựng thành dự án phát triển cộng đồng.

Những điều vừa trình bày thực ra chẳng phải là sáng kiến gì mới, mà là những gì đã được thực hiện với di tích ở các nước phát triển, mà tác giả có cơ hội tiếp cận. Tác phong được rèn luyện cho các bé từ thuở còn là học sinh sẽ trở thành thói quen và phong tục cho toàn xã hội. Nếu muốn xóa đi những hành vi đang bị phê phán như kẹp tiền lẻ vào khắp nơi, hay chụp ảnh trong tư thế đáng trách với tượng thần, thì điều cần phải làm trước hết là dạy cho từng em bé cách đi lễ và tìm hiểu lịch sử văn hóa, mà người thuyết minh có tâm huyết chắc chắn sẽ là tấm gương tuyệt vời nhất. Chỉ cần khêu gợi trí tò mò nơi các em, tìm hiểu xem nhân vật được khắc tượng ngồi ở đó là ai, có quan hệ gì với địa phương mình đang sống, hay thậm chí gia đình dòng họ mình, là có thể khởi động được cả một sự nghiệp nghiên cứu văn hóa và lịch sử, giúp học sinh hào hứng với bộ môn đang bị coi nhẹ. Trong các bảo tàng ở nước Anh luôn có một số gian phòng dành riêng cho trẻ con chơi đùa với hiện vật, với người hướng dẫn, trở thành giờ học ngoại khóa cho các trường phổ thông trong khu vực. Hình ảnh các em bé mặc kệ du khách, tập trung vào ngồi vẽ, ghi chép và nghiên cứu vấn đề mình đang quan tâm trong bảo tàng không phải là điều gì quá lạ lùng ở các nước phương Tây,

159

đặc biệt là nước Anh. Với cách tiếp cận quá khứ theo kiểu nghiên cứu khoa học, con người ta sẽ tránh được kiểu a dua theo những hành vi quái lạ, đi ngược lại với tiêu chuẩn đẹp của xã hội văn minh. Theo ghi nhận của Giáo sư nhân học hàng đầu thế giới Michael Herzfeld, thì tâm thức người châu Á thường duy trì mối quan hệ với di tích bằng cách tôn tạo, ví dụ như ngôi chùa gỗ ở Nhật Bản cứ 20 năm lại được tháo ra xây lại từ đầu. Việc dung hòa giữa tôn tạo và bảo tồn di tích cổ cũng là một nhu cầu cấp thiết cho các hướng làm dự án truyền thông, đặc biệt là sau vụ phá bỏ để xây mới ngôi nhà thờ đã đứng vững cả trăm năm nay ở Trà Cổ. Nhận thức được điều này, một số nhóm ở Việt Nam đang kinh doanh du lịch phát triển, như các điểm đến do nhà báo Đỗ Quang Tuấn Hoàng xây dựng cùng nhà tài trợ tư nhân người Nhật Bản ở Hà Giang và Lâm Đồng.

Bản thân di tích là không gian công, có thể hiểu theo nghĩa là nơi sắp xếp lại trật tự quyền lực như cách nhìn của Habermas về truyền thông xã hội, cũng như là biểu hiện bên ngoài của những dòng tư tưởng dịch chuyển bên trong cộng đồng như cách nhìn của Malinowski trong ngành nhân học. Phát triển hoạt động của Văn miếu Bắc Ninh sau một giai đoạn trống vắng thực sự chính là công việc cần mẫn kết nối lại các liên kết truyền thống vốn có từ trước đó rất lâu giữa di tích và cộng đồng khu vực, tạo điều kiện cho nguồn vốn văn hóa ngay chính tại trung tâm kinh tế chính trị của tỉnh luân chuyển và tạo ra giá trị thặng dư cho xã hội. Đây không chỉ đơn giản là tác động một chiều do Ban quản lý di tích tạo ra, mà còn là phần

160

công việc chìm lắng ở phía sau nhằm đáp ứng và khuyến khích cư dân và du khách đóng góp tạo hướng hoạt động cho di tích theo đúng nhu cầu và quyền lợi của họ. Thông qua việc chấn chỉnh và tập trung khai thác hoạt động của một di tích, người làm truyền thông có thể xây dựng một dự án phát triển mang tầm văn hóa, xã hội và kéo theo là kinh tế cho toàn bộ khu vực. Đó sẽ là một công việc kéo dài trong nhiều năm mà hy vọng độc giả của cuốn sách này sẽ tiếp tục theo dõi để cập nhật từ báo chí hay khảo sát tại chỗ. Ngay trong địa bàn mà quý vị độc giả đang làm việc hay sinh sống luôn có sẵn những điểm hội tụ giống như trường hợp đã trình bày, đang chờ chúng ta xây dựng dự án truyền thông phát triển. Hiện kinh nghiệm phát triển của Văn miếu Bắc Ninh đã được giới thiệu đến một số di tích khác trong tỉnh để tìm cách vận dụng vào điều kiện của riêng mình. Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh cũng bắt đầu khởi sắc với nhiều hoạt động thu hút học sinh trong tỉnh, mà có trường cách xa 20km đã tổ chức cho học sinh đi bằng xe buýt về tham gia.

161

11. Thư viện, nhà xuất bản và con đường tri thức

Ở các nước phát triển, thư viện được coi là điểm hội tụ cho dòng tri thức luân chuyển trong xã hội. Thư viện công cộng là các tòa nhà được giới nhà giàu nước Anh xây tặng cho thị trấn, theo truyền thống được tạo dựng từ thời cách mạng công nghiệp, nay tiếp tục do ngân sách địa phương duy trì hoạt động. Gần đây, khi nhận thấy có nhiều trẻ em ở Luân Đôn ít đọc sách, các tổ chức từ thiện đã nhanh chóng tặng sách và tài trợ cho hoạt động trong thư viện ở các khu nghèo để khuyến khích các em chăm đọc sách hơn. Thư viện cũng tổ chức bán sách thải hồi với giá rẻ mạt để người đọc đem về nhà giữ trên kệ sách riêng. Ở Việt Nam hiện đang có khá nhiều cá nhân và tổ chức tin vào cơ hội phát triển do thư viện tạo ra, và xây dựng thư viện ở nhiều nơi. Đó chính là những dự án truyền thông phát triển mà chuyên mục này tập trung phân tích để rút ra các bài học kinh nghiệm và tinh chiết kiến thức cho các trường hợp tương tự.

Nổi tiếng nhất trong các nhóm vận động để phát triển thư viện tại Việt Nam là anh Nguyễn Quang Thạch với

162

hành động đi bộ, được UNESCO trao tặng giải thưởng đặc biệt, giúp thông điệp của anh được lan tỏa rộng khắp hơn, qua các bài báo giới thiệu. Bản thân là người có lý tưởng muốn truyền bá sự đọc sách đến với người Việt, anh Thạch bắt đầu bằng việc hỗ trợ cho các dự án thư viện rồi chuyển hẳn sang làm tình nguyện viên và dành toàn bộ thời gian cho việc này thông qua hoạt động của quỹ khuyến đọc. Chương trình Sách hóa Nông thôn được anh làm truyền thông bằng cách đi bộ dọc quốc lộ 1A mà chặng cuối cùng khi sức khỏe không cho phép thì rất nhiều tình nguyện viên khác đã xông vào giúp. Bản thân tôi trong đợt về dạy ở Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh đã dành hai ngày cuối tuần để đi tiếp một đoạn từ Thành phố Hồ Chí Minh qua Long An về Tiền Giang. Đi bộ để quảng bá vốn là phương tiện truyền thông thuộc loại cổ điển nhất trong lịch sử loài người. Ngày xưa người vận động viên Hy Lạp đã bỏ mạng sau hàng chục cây số chạy marathon về báo tin chiến thắng. Lãnh tụ tinh thần của người Ấn Độ Mahatma Gandhi đã đi bộ để quy tụ quần chúng và tạo ra sức mạnh chính trị làm thay đổi chế độ áp bức bóc lột của thực dân Anh. Ở Việt Nam, nhà hoạt động Nguyễn An Ninh đã đi bộ bán dầu cù là để truyền bá tư tưởng văn minh tiến bộ cho đồng bào. Bộ phim Forrest Gump nổi tiếng của Hollywood được Giải Oscar do Tom Hanks thủ vai chính cũng khắc họa câu chuyện một người lính phản chiến chạy từ đầu này tới đầu kia của nước Mỹ và tạo ra xung quanh mình vầng hào quang truyền thông. Trước đó nữa thì có Kinh thánh kể lại câu chuyện của Chúa Giêsu đi giảng đạo, cũng giống

163

như việc làm trước đó nữa của các triết gia hay người kể chuyện, đem thông tin và cuộc sống từ nơi này truyền bá đến nơi khác, như Herodotus cách đây trên 2.500 năm đã viết ra quyển sách nổi tiếng có tên là Lịch sử - Historia. Chỉ riêng chuyện đi bộ của anh Nguyễn Quang Thạch đã đủ để tạo ra mối quan tâm đặc biệt cho xã hội, và các nhà báo đã tường thuật về chuyện này qua các chặng đường của anh, giúp mục tiêu Sách hóa Nông thôn được giới thiệu dần đến với những ai có quan tâm.

Sức mạnh thuyết phục từ hành động cá nhân tiếp tục được anh Thạch chuyển giao cho những người mà anh có cơ hội tiếp xúc, như trường học, nhà thờ, chùa và các cá nhân có tâm huyết. Mỗi người đều cảm nhận được sự kết nối của mình vào trong một dự án lớn nhằm thay đổi xã hội, đem lại lợi ích cho trẻ em, và tự hành động trong điều kiện hoàn cảnh riêng của mình. Doanh nhân tặng sách, hiệu trưởng lập thư viện, và bộ trưởng thì ký quyết định để phát triển mô hình thư viện trong các trường học. Giới chuyên gia trong ngành truyền thông thường dùng khái niệm vòng xoáy - spin để mô tả phương pháp sử dụng nối kết và truyền thông để khuấy động dư luận đặc biệt quan tâm về một vấn đề đặc biệt nào đó, càng xoay càng cuốn theo được nhiều người tham gia và tạo ra đủ lực đẩy để thay đổi xã hội. Trên đường đi, anh Thạch phỏng vấn các em nhỏ tình cờ gặp gỡ, rồi tặng sách, và giới thiệu về chương trình Sách hóa Nông thôn. Thông tin đó sẽ tiếp tục được các em và phụ huynh chuyển tải đến với trường học và địa phương, mà khi gặp được môi trường thuận lợi

164

sẽ biến thành thư viện cho học sinh. Đây chính là điểm rất đặc biệt tạo nên tính chất khác biệt cho dự án truyền thông phát triển, so với dự án phát triển. Nếu tin rằng việc đọc sách và thư viện tạo ra đà phát triển cho xã hội, thì người làm dự án phát triển sẽ huy động ngân sách để xây thư viện, còn người chạy dự án truyền thông phát triển sẽ tập trung vào việc làm sao để dùng truyền thông mà khuyến khích xã hội vận hành dự án phát triển. Nguyễn Quang Thạch trở thành đầu mối tư vấn cho các tổ chức thiện nguyện và cá nhân xây dựng thư viện và tài trợ sách cho địa phương họ. Trong chuyến đi Pháp để nhận giải thưởng của UNESCO, anh đã ghé Ba Lan và tạo ra phong trào của Hội đồng hương Nghệ Tĩnh xây dựng thư viện cho các trường học ở quê mình. Kiên nhẫn thực hiện từng hạng mục trong mục tiêu và liên tục thay đổi phương pháp cho phù hợp với diễn biến hiện tại, anh Thạch đã rất thành công trong dự án truyền thông của mình, tạo ra được mối quan tâm rộng rãi không chỉ ở trong mà còn ngoài nước, bao gồm cả các cá nhân và tổ chức lẫn chính phủ tham gia.

Một nhóm khác của bạn Trần Thiện Tùng thì quan tâm hơn đến chiều sâu của thư viện, qua dự án Không gian đọc. Họ quan tâm đến nội dung sách, và nhu cầu đọc sách cụ thể của từng địa điểm trong mạng lưới. Sau thời gian hoạt động có những điểm đọc sách trong khu dân cư đóng cửa, và có những điểm mới được mở ra. Mối quan tâm ở đây là sự liên kết giữa các điểm đọc sách và luồng tri thức được chuyển tải về đó. Nguồn thông tin và tri thức chứa đựng trong sách được các nhà tài trợ hiến tặng, và do chính các

165

tình nguyện viên mua bằng tiền của mình từ các nguồn sách rẻ để chuyển đi các nơi. Bản thân tôi cũng thử trải nghiệm trong một lần về quê ở Thái Bình bằng cách tặng riêng một số tiền cho hai con của một đôi vợ chồng trẻ mở quán ăn ở góc đường, dù bận việc vẫn quan sát việc học của con sau lớp cửa kính cách âm, trên bộ bàn học tử tế còn thiếu vài quyển sách. Đưa tiền cho bố mẹ trước mặt con, và điều kiện đặt ra là các cháu được mua bất kể loại sách gì mình thích, truyện tranh hay vở tô màu đều được, chắc chắn sẽ để lại ấn tượng rất lâu về đọc sách cho các em. Các tổ chức thiện nguyện ở Anh có chương trình tương tự như vậy từ rất lâu rồi, tặng sách cho mọi trẻ em, không phân biệt nguồn gốc giấy tờ và điều kiện cư trú, để khuyến khích các em đọc sách và đến thư viện sinh hoạt. Từ một hộ gia đình có quan tâm tới con cái và có điều kiện về không gian cho các cháu đọc sách, với vài quyển sách ban đầu, cùng mối liên hệ để cập nhật hoạt động theo thời gian, là đủ điều kiện để phát triển thành không gian đọc cho khu dân cư, bên cạnh thư viện sách ở trường. Bản thân tôi cũng rất chăm mua sách rẻ của thư viện ở Anh thải ra, nhiều quyển hầu như còn mới nguyên, để đem về Việt Nam tặng cho trẻ em bất kể thân quen hay xa lạ, chỉ cần các bé thích đọc, để có cơ hội tiếp xúc với tiếng Anh từ rất sớm. Thông qua những trải nghiệm như vậy tôi thường học thêm được nhiều bài học để chia sẻ với sinh viên và độc giả trong cuốn sách này. Trong một dự án ở trường, các em sinh viên trong lớp đã tham gia một chương trình vận động mở thư viện cho tù nhân ở Xuân Lộc, mà chỉ riêng việc xuất hiện

166

tin tức trên trang facebook chỉ có vài trăm bạn của tôi đã ngay lập tức có một bạn ở Anh gửi 100 bảng về ủng hộ. Vấn đề cho một dự án sinh viên không phải là số tiền bao nhiêu, số lượng người ủng hộ là bao nhiêu, mà là các bạn học được gì qua dự án này, để sau này tự tin xây dựng và vận hành dự án truyền thông ở nơi làm việc, biết tận dụng hết tất cả mọi kết nối hiện có, cũng như kiến thức khoa học và thực tiễn.

Bên cạnh thư viện thì nhà xuất bản cũng là đầu mối truyền thông quan trọng để đưa tri thức vào cộng đồng quốc gia sử dụng chung ngôn ngữ là tiếng Việt. Ngay từ giai đoạn đầu tiên trong quá trình hoạt động, một số nhà xuất bản và mạng lưới cộng tác viên cùng mạnh thường quân đã tích cực đi theo hướng này, như Nhà xuất bản Tri thức của Giáo sư Chu Hảo và Alpha Books của anh Nguyễn Cảnh Bình. Với khẩu hiệu tri thức là sức mạnh - knowledge is power, Alpha Books trở thành thương hiệu nổi tiếng đằng sau các ấn bản giáo dục. Là một phần trong tòa nhà của hội trí thức Việt Nam, Nhà xuất bản Tri thức là tên tuổi gắn liền với các bộ sách dịch và chuyển tải các dòng tư tưởng lớn trên thế giới vào tiếng Việt. Dự án truyền thông phát triển, như trong hai ví dụ này, không nhất thiết lúc nào cũng phải là tốn tiền mà còn là cơ hội để kinh doanh. Mỗi cá nhân một người tri thức đều có thể chạy riêng một dự án tri thức, khi viết sách, liên kết với nhà xuất bản để in ấn và phát hành với số vốn đầu tư vào khoảng 20 triệu, mà nếu bán hết sách thì còn dư ra thêm được tiền để đầu tư vào các dự án sách tiếp theo. Sự phối hợp chặt chẽ

167

giữa tác giả, nhà xuất bản, nhà phát hành và nhà báo hay người làm truyền thông trên mạng bản thân cũng chính là một kênh liên kết quan trọng để tạo ra sự thay đổi trong xã hội, ví dụ như trường hợp nhà báo Thu Hà và loạt sách về nuôi dạy con, cùng các sự kiện tương tự với sự góp mặt của các chuyên gia đầu ngành. Nếu bản thân chưa có điều kiện để viết và xuất bản sách, thì người làm truyền thông có thể đóng góp bằng cách viết bài giới thiệu hay phê bình, và chia sẻ ngay chính trên trang facebook của mình, hay giúp tác giả lập trang để nội dung sách được giao lưu với độc giả. Người viết sách không nhất thiết phải là người đã nắm được hết mọi kỹ năng truyền thông, đặc biệt là trong thế giới xã hội mạng như hiện nay. Các nhà xuất bản lớn trên thế giới hiện cũng chú ý nhiều đến hiện tượng thiết kế bìa sách kích thước nhỏ để cạnh tranh trên thị trường sách điện tử - đó cũng là một hướng mới cần chúng ta nghiên cứu thêm. Từng cá nhân phụ huynh có thể tham gia vào mạng nối kết này bằng cách đọc sách cho con mình nghe, rồi cùng con đọc để luyện tập kỹ năng và thói quen đọc sách cho các bé, và liên kết thành nhóm chia sẻ sách với nhau để tổ chức các buổi gặp mặt bàn về nội dung sách, mở rộng thành một dự án truyền thông trong phạm vi các hoạt động liên quan đến đọc và giới thiệu sách.

Sách - như trình bày trong mục trước về loại hình phương tiện truyền thông này - là phương tiện truyền thống để chuyển tải tri thức khoa học vào cộng đồng, mà hiệu quả không nhất thiết cứ phải đo bằng số lượng ấn bản hay lời khen của người đọc. Có những quyển sách,

168

ngay cả trong tiếng Anh, chỉ cần đặt mục tiêu trình bày duy nhất một khái niệm vào trong một nền văn hóa là đủ. Trong các ngành khoa học xã hội và nhân văn có rất nhiều ví dụ về chuyện chậm dịch một quyển sách quan trọng từ tiếng Pháp vào tiếng Anh khiến cho tư duy trong tiếng Anh bị chậm bước như thế nào. Thường thì người dịch một tư tưởng vào ngôn ngữ nước mình cũng sẽ trở thành chuyên gia đầu ngành trong hệ triết học đó, một điều đang còn thiếu vắng tại Việt Nam. Trong phạm vi bài tập lý thuyết cho sinh viên Khoa Truyền thông ở Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, tôi đã thử chọn ra một nhóm các em giỏi tiếng Anh nhất để dịch một chương sách mang tính giáo khoa, và ghi nhận được nhiều bài học quan trọng cho bản thân. Đa số các em thiếu kỹ năng đọc sách khoa học, và hầu như trước đó chưa hề đọc sách giáo khoa hay sách chuyên ngành bằng tiếng Anh. Trong quá trình dịch, một phần do bản thân tôi là giảng viên thiếu trải nghiệm về khả năng đọc và dịch của các em, mà một phần cũng là do muốn các em được trải nghiệm không khí làm việc căng thẳng và phải hoàn thành khối công việc đồ sộ trước hạn chót - deadlines sau này khi đi làm, nên đã giao việc quá sức. Có em xoay sở bằng cách dịch trên máy google translate rồi chép nguyên vào bài nộp, hoặc có em cố gắng hy sinh hết thời gian còn lại cho những việc khác để hoàn tất bài tập. Tất nhiên toàn bộ nhóm đều được điểm cao và mỗi em rút ra được riêng cho mình một bài học đáng nhớ, nhưng mục tiêu quan trọng nhất mà bản thân tôi trong vai trò giảng viên muốn truyền đạt đến với các em qua bài tập

169

này là chút ít ấn tượng về quy trình học đại học ở các nước phương Tây, nơi ít nhất một phần ba thời lượng của sinh viên là dành để đọc sách, mà dịch là cách đọc sách tiếng nước ngoài hiệu quả nhất. Việc dịch bao gồm quá trình đọc hiểu, rồi diễn giải lại bằng ngôn ngữ hằng ngày của mình, tự xây dựng hệ thống khái niệm riêng để trình bày vấn đề, rồi thông qua tương tác nhóm mà phối hợp lại để xây dựng thành một hệ thống khái niệm chung cho chuyên ngành và sau đó là xã hội. Việc dịch sách của nhóm sinh viên, do đó, sẽ còn hiệu quả hơn việc dịch sách do một dịch giả thực hiện, xét từ góc độ truyền thông tri thức. Giảng viên cần đọc nhiều để tìm chọn ra một tác phẩm hay một chương sách phù hợp với không gian tri thức sẵn có, rồi chia thời lượng phù hợp để cá nhân từng em đọc và dịch, rồi sinh hoạt nhóm theo kiểu workshop hoặc seminar, để tổng hợp lại thành giáo trình cho các khóa sau lại tiếp tục xây dựng các bậc thang cao hơn, và sau đó là sách để phổ biến rộng hơn. Các lý thuyết ở phần đầu quyển sách này cũng chính là hệ quả thu được từ công sức lao động tri thức của các học viên mà tác giả có cơ hội hợp tác để truyền đạt tri thức.

Giảng dạy, do đó, cũng là một kênh dẫn quan trọng cho tri thức, mà hiện nay ở Việt Nam đang có nhiều chương trình nổi bật theo mô hình STEM cho trẻ cấp tiểu học và các mô hình giáo dục sớm cho trẻ ở độ tuổi mầm non và mẫu giáo. Các cơ sở giáo dục ngoại khóa được mạnh thường quân tài trợ hoặc trong vai trò doanh nghiệp giáo dục giữ vai trò cầu nối về truyền thông để đưa tri thức mới vào cho thế hệ trẻ, và gián tiếp là phụ huynh của các em và

170

cộng đồng khu dân cư. Nếu ở Việt Nam các chương trình hiện chỉ giới hạn ở mức nâng cao trình độ cho học sinh thì ở các nước phát triển việc giáo dục còn nhằm vào các mục tiêu xa hơn cho nhân loại. Ở Anh, chương trình ngoại khóa thường được gắn kết với giờ học chính thức, khuyến khích học sinh không chỉ tìm hiểu các tiến bộ mới nhất của khoa học - kỹ thuật mà còn ý thức được về quyền của trẻ em do công ước quốc tế ghi nhận bằng hoạt động của UNICEF. Ở các nước nghèo, mục tiêu xóa đói, giảm nghèo có thể bắt đầu từ chiến dịch nhằm giảm bớt số lượng học sinh nghèo bỏ học sớm. Những hành động thiết thực có thể bắt đầu từ động tác đơn giản như Vinamilk nhận người mẹ thất nghiệp phải đi nhặt ve chai nhưng biết dạy con ngăn nắp ngoan ngoãn như đoạn kết có hậu cho một câu chuyện được lan truyền trên mạng xã hội facebook cách đây không lâu. Chương trình giáo dục không nhất thiết cứ phải được chuyển tải qua giảng đường mà có thể bằng nhiều kênh liên lạc khác nhau, như Đài truyền hình ở Anh vào lúc nửa đêm thường xuyên phát chương trình đào đạo của Đại học Mở - Open University, đã được chuyển thành kịch bản video. Khá nhiều giáo trình đại học của các trường lớn trên thế giới được chuyển tải miễn phí lên mạng cho sinh viên và giảng viên từ các nước tự do tham khảo.

Ở tỉnh Đồng Nai cũng có một dự án nhỏ, do một cô giáo đang làm nhân viên văn phòng, nhưng nhận thức được về mức độ quan trọng của tiếng Anh trên con đường tiến thân sau này, cô mở lớp kèm tiếng Anh vào cuối tuần cho các em bé trong xóm. Nhìn gương mặt của các em sáng lên khi

171

lần đầu tiên được thoải mái chơi đùa với những quyển truyện tranh tiếng Anh dành cho trẻ em ở Luân Đôn mà tôi đem về tặng, chúng ta có thể tin chắc vào tương lai của các em trong thế giới toàn cầu này. Tương tự vậy, mỗi chúng ta đều có thể mở một lớp học nho nhỏ trong khu dân cư của mình, kể cả dạy những điều đơn giản nhất như cách dùng dao, nĩa hay thắt cravat, là đủ để tạo thành những dự án truyền thông nhằm phát triển cộng đồng. Rất nhiều ý tưởng sẵn có để chúng ta vừa có thời gian giải trí, vừa giúp các em bé phát triển toàn diện, như cùng các em chơi trò lắp ghép, làm xưởng thủ công mỹ nghệ, cắt dán - collage hay xếp giấy - origami. Bản thân tôi luôn khuyến khích các em bé mình quen biết chơi với kính hiển vi - món đồ chơi từng tạo ra cuộc cách mạng khoa học cho nước Anh cách nay hơn 100 năm trước. Ở nhà vào cuối tuần tôi cũng mở lớp dạy đàn cho trẻ em trong khu xóm nghèo ở nước Anh, để chia sẻ niềm vui của phụ huynh các em khi thấy con mình bắt đầu biết sử dụng không chỉ một mà nhiều loại nhạc cụ khác nhau, và bắt đầu thể hiện khả năng tiếp thu kiến thức vượt trội ở trường học. Mỗi địa phương và hoàn cảnh có khác nhau cho nên mỗi dự án truyền thông phát triển cần phải được xây dựng và thực hiện một cách phù hợp. Có thể vì lý do khuyến học mà phải tổ chức chương trình từ thiện giống như Cơm có thịt để vận động trẻ em tiếp tục đến trường, tùy thuộc vào điều kiện cụ thể tại chỗ. Ở nơi có điều kiện như các trường phổ thông trung học trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, theo báo cáo khoa học mới đây của

172

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Lê Hoa Tranh1, giáo viên cũng đã bắt đầu áp dụng nhiều phương pháp giảng dạy mới mang nội dung truyền thông phát triển, mở rộng các hoạt động ngoại khóa bên ngoài giờ giảng trên lớp. Từ thập niên 1960, giới chuyên gia đã nhận thấy người đọc không chỉ đón nhận văn bản một cách thụ động mà tự mình vận động tạo ra một diễn giải văn bản không nhất thiết phải đúng với ý đồ của tác giả - response reading. Mở rộng thêm các kênh giao tiếp cho học sinh khi tiếp xúc với tác phẩm văn học giúp các em tiếp nhận kiến thức nhiều và đầy đủ hơn. Từ nội dung hội thảo về môn Ngữ văn cho học sinh phổ thông trung học được Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức cuối tháng 4 năm 2017 có thể thấy rõ một thay đổi rất quan trọng, là môn học này bắt đầu được dùng để trang bị kỹ năng giao tiếp bằng ngôn từ.

Ngạn ngữ của người Anh thường nói rằng mỗi con người cần phải làm ba việc trong đời mình là trồng cây, sinh con, và viết một cuốn sách. Nội dung của cả ba việc này đều là đóng góp công sức cho xã hội, mà sách là một viên gạch cho kho tàng tri thức của loài người. Viết sách cũng chính là một dự án mang nội dung truyền thông phát triển. Chúng ta có thể thử sức với tiểu thuyết, dịch và sách khoa học trong ngành nghề chuyên môn của mình, hay đơn giản là

1. Xem Trần Lê Hoa Tranh: Những đổi mới trong hoạt động ngoại khóa môn văn ở các trường phổ thông trung học trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, Hội thảo nghiên cứu và dạy học ngữ văn trong nhà trường - từ truyền thống đến hiện đại, Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 28-4-2017.

173

sách du ký để ghi lại những gì quan sát được trên đường đi sau chuyến du lịch hay công tác. Du ký của Marco Polo về Trung Quốc đã làm thay đổi thủ phủ Venice và đem rất nhiều cải tiến cho cuộc sống và kinh tế phương Tây. Trước đó nữa rất lâu, quyển du ký mang tên Historia của Herodotus đã mở đường cho cả hai ngành khoa học đương thời là nhân học và lịch sử. Ngay cả tiểu thuyết là loại hình câu chuyện tưởng tượng nhưng vẫn đem lại nhiều bài học lớn cho độc giả, từ kiến thức kinh tế kế toán như deFoe đã làm với tác phẩm Robinson một mình trên hoang đảo, cho đến những kiến thức khoa học được Jules Verne trình bày trong các tác phẩm khoa học giả tưởng của ông, mà nhiều thứ nay đã trở thành hiện thực như là tàu ngầm và tên lửa lên mặt trăng. Các nhà văn khoa học giả tưởng đã đi trước con người và mở đường cho thế giới văn minh, giống như là chữ robot mà ta hay dịch là người máy, vốn ban đầu là sản phẩm từ trí tưởng tượng của nhà văn người Séc Karel Capek. Chỉ cần dịch một truyện ngắn hay bài báo là đủ để đem cả một luồng tư tưởng mới từ dòng chảy văn minh trên thế giới vào văn hóa Việt, như nỗ lực trước đây của hai tờ tạp chí nổi tiếng là Kiến thức ngày nay và Thế giới mới, từng làm cầu nối khoa học và soi sáng tư duy cho nhiều thế hệ học sinh. Trong khuôn khổ của một khoa hay một trường đại học, các ấn bản kiểu như vậy để cập nhật nội dung khoa học mới nhất trên thế giới là điều vô cùng cần thiết, trước khi chúng ta muốn vươn lên nâng trình độ bài viết đủ sức được đăng trên các tạp chí khoa học danh tiếng trên thế giới. Từ góc độ phát triển cho ngành giáo dục

174

và đào tạo Việt Nam, thì tiêu chí thường gặp ở các đại học hàng đầu thế giới đó chưa cần thiết lắm mà điều quan trọng là kênh dẫn để giảng viên và sinh viên trong nước có cơ hội tiếp cận và nếu không đọc nổi tiếng Anh thì có được bài dịch hay diễn giải từ các tạp chí đó. Sinh viên trong một học trình chỉ cần được tiếp cận ít nhất một bài báo kiểu như vậy và làm bài tập dịch sang tiếng Việt là quá đủ trong hoàn cảnh hiện tại. Kiến thức từ khóa này diễn dịch trở thành nấc thang để khóa sau đi tiếp và trở thành chìa khóa để phát triển tri thức cho quốc gia nếu các khoa khác ở các trường đại học khác cũng làm giống như vậy. Đó cũng là lý do tại sao quyển sách này được viết như một giáo trình mở để giảng viên nào cũng có thể tham khảo và sử dụng và sinh viên nào cũng có thể phát triển tiếp cả về phần dự án thực tế lẫn nghiên cứu lý thuyết. Truyền thông phát triển không đơn thuần là một môn học mà chính là cánh cửa đầu tiên tạo ra dòng chảy phát triển cho xã hội. Kết cấu và nội dung quyển sách mỏng này có thể coi như là phác thảo mang tính sơ đồ hay bản đồ sơ lược cho sự phát triển của xã hội Việt Nam, mang tính bền vững, và bắt đầu từ con đường do truyền thông phát triển khai phá. Cũng cần nhắc với quý độc giả rằng con đường trình bày trong cuốn sách này không phải là duy nhất, mà còn rất nhiều giáo trình khác nhau đã được trình bày bằng tiếng Anh, dễ dàng truy cập và tải về từ trên mạng internet, hay thông qua các mối quan hệ liên kết với các trường đại học trong khu vực hay trên thế giới.

175

12. OPM, K-pop, Karaoke và sức lan tỏa của âm nhạc

Nếu độc giả là người có quan tâm tới âm nhạc, đặc biệt là giọng ca của đôi vợ chồng Cẩm Vân - Khắc Triệu, thì chắc chắn đều biết bài Con yêu. Đây là bài nhạc rock của Philippines do nhạc sĩ Freddie Aguilar viết rồi hát ở Thủ đô Manila vào năm 1977, sau đó nhanh chóng lan tỏa nhờ một liên hoan ca khúc thanh niên, được dịch ra 26 thứ tiếng khác trên thế giới, phát hành ở 56 quốc gia, bán trên 30 triệu bản, hai tuần liên tiếp chiếm hạng nhất trên danh sách Billboard ở Mỹ, trở thành bài nhạc được nhiều người yêu thích ở Pháp, Đức và các nước Bắc Âu. Tất cả bắt đầu từ một chính sách của Chính phủ Philippines: tập trung dạy nhạc cho trẻ em từ bậc phổ thông và quy định tỷ lệ bài hát tiếng Pinoy so với bài hát ngoại nhập. Dòng nhạc OPM - Orinigal Pinoy Music, tức là âm nhạc hát bằng tiếng Pinoy được chắp cánh bằng làn điệu quốc tế mà phổ biến là rock cùng hòa âm phối khí hiện đại đã nhanh chóng sánh ngang tầm thế giới và chỉ cần chờ cơ hội là vượt khỏi biên giới quốc gia, như đại diện mới nhất là nữ

176

ca sĩ Yeng Konstantino với bài Ikaw. Nhìn vào vòng hòa âm cũng như là phong cách sáng tác - ca sĩ cũng chính là người viết nhạc cho mình, thì có thể cảm nhận được phần nào bề sâu của kiến thức âm nhạc phổ thông, ít nhất là từ nhu cầu của người nghe, ở Philippines, đất nước nổi tiếng với những chiếc máy karaoke mà bất cứ lúc nào chúng ta cũng có thể bắt gặp ở đâu đó trong hàng quán, góc phố đêm, hay trung tâm vui chơi giải trí. Một trong số những nhạc sĩ có thể đại diện cho hiện tượng này là Mr C Ryan Cayabyab, một tên tuổi không phai nhòa qua năm tháng với bài nhạc đỉnh cao Kailan, mà nay tiếp tục duy trì với ngôi trường mang tên ông để đào tạo các thế hệ kế tiếp.

Đó là những trải nghiệm mà tôi đã thu nhận được trong hai năm chơi nhạc trong một ban nhạc của người Pinoy ở nước Anh, và chuyến công tác sang Phillippines với đỉnh điểm là cuộc gặp ở Bộ Di sản văn hóa, mà văn phòng cũng chính là nhà hát đồ sộ ở trung tâm Thủ đô Manila. Bên cạnh các ban đồng ca nhà thờ, học sinh ở trường được học nhạc và các gia đình có điều kiện đầu tư thêm cho con cái. Rất nhiều ca sĩ Pinoy nổi tiếng ở Anh nhờ tham gia vào các chương trình thi nhạc trên truyền hình, với trình độ thanh nhạc đủ sức đưa họ vào vòng trong. Một cộng đồng chỉ khoảng 100.000 dân nhưng có cả chục ban nhạc lưu diễn vòng quanh, hằng năm có giải thưởng để bình chọn ra những nhân vật xuất sắc nhất. Âm nhạc không chỉ đơn giản là một thứ giải trí mà được coi là kiến thức cần phải có khi gia đình có điều kiện, thể hiện triết lý toán học của Pytagoras thời Hy Lạp cổ đại, rằng có thể mô tả thế giới

177

bằng phép toán, mà âm nhạc chính là một trong số những biến hình của toán. Đúng vậy, nếu chúng ta chú ý, thì các nốt nhạc chính là những phép chia dây đàn, ví dụ như quãng 8 là chia đôi, bất kể là từ đồ lên đố, hay là lên lá. Hợp âm là sự hòa trộn phù hợp của các phép chia, còn vòng hòa âm là bước đi lên đi xuống của các chuỗi số. Các khảo sát gần đây cho thấy não bộ của người học piano hoạt động khác hoàn toàn với những người còn lại, tư duy toàn diện và nhiều chiều hơn, có lẽ phần nào nhờ đã giải các bài toán số học và hình học bằng nốt nhạc, hay tạo dựng không gian bằng nhịp điệu.

Chính sách OPM có thể coi là một ví dụ thành công của truyền thông phát triển, khi duy trì bản sắc dân tộc không phải bằng cách áp đặt truyền thống, mà mở cửa cho truyền thống hội nhập và phát triển bằng phương tiện đương đại và quốc tế. Cũng giống như những bài nhạc Việt mang âm hưởng dân ca, hay làn điệu âm nhạc trong cuộc sống đời thường được chuyển tải bằng điệu thứ bolero du nhập qua phim ảnh, bản sắc dân tộc Pinoy tự chuyển biến để bước vào tương lai qua dòng nhạc OPM. Sự thành công của các ca sĩ OPM tiếp theo đó khuyến khích giới trẻ học nhạc và các gia đình đầu tư vào sự nghiệp âm nhạc cho con cái, giống như trường hợp ca sĩ nhạc kịch nổi tiếng Lea Salonga cùng một loạt các nghệ sĩ Philippines khác đã bước vào dòng chính thế giới qua vở Miss Saigon. Phải đến 30 năm sau mới có một ca sĩ Việt Nam đầu tiên được chọn vào vai diễn người Việt này, là em Nguyễn Thanh Hiền ở Hunggary, cũng là một gương mặt nổi lên từ các cuộc thi

178

âm nhạc truyền hình ở nước này, với sự đầu tư của gia đình. Tuy nhiên, sau vài chục năm thành công và chưa kịp định hướng cho các bước tiếp theo, thì ngành công nghệ giải trí của Philippines dường như đang tạm phải nhường một phần sân nhà cho làn sóng Hàn - hallyu, khi các ban nhạc Hàn Quốc như J-Morning trở thành ngôi sao trên truyền hình Philippines với các bài nhạc OPM, trở thành đại sứ văn hóa cho Hàn Quốc và người quảng cáo cho các nhãn hiệu Hàn Quốc, không chỉ là điện thoại và các thiết bị điện tử mà còn là đồ gia dụng và xe hơi nữa, chưa kể đến phong cách sống và mỹ phẩm, hay dịch vụ.

Nhìn vào khu vực Đông Á, thì thế kỷ XX ghi nhận những cơn sóng văn hóa xuất phát từ một khu vực trung tâm rồi lan truyền ra ngoài, vượt khỏi các biên giới quốc gia. Đây là hiện tượng thường gặp trong lan tỏa văn hóa đi kèm với các loại phương tiện truyền thông mới - new media trên thế giới mà đặc biệt là phim ảnh và âm nhạc, kéo theo là phong cách sống như kiểu tóc và trang phục, cho đến ẩm thực và thói quen giao tiếp hằng ngày. Các phim trường ở Hollywood được coi như là ví dụ điển hình nhất của một trung tâm tỏa ra các cơn sóng văn hóa kiểu như vậy, và Bollywood ở Ấn Độ cũng được coi là tương đương với số lượng ấn bản, cũng như Venezuela. Ngay cả các nước lớn ở châu Âu cũng phải có chính sách riêng cho văn hóa nghệ thuật để phần nào đối phó với các cơn sóng đó. Gần Việt Nam cách đây không lâu là cơn sóng phim bộ Hongkong, mà trước đó là phim bộ Đài Loan, và sau đó là đoạn cuối của phim bộ Nhật Bản.

179

Làn sóng Hàn Quốc đạt tới đỉnh cao ở Việt Nam với các ban nhạc do các công ty truyền hình giải trí ở Hàn Quốc đầu tư vào, nhưng nó đã bắt đầu từ hàng chục năm trước đó khi Hàn Quốc đưa người sang các nước phương Tây để học nhạc, mà điển hình là ngôi sao Piano Yiruma, cũng giống như chính sách của Nhật Bản trước đây với ngôi sao Mayumi Itsuwa cùng ca khúc Koibito Yo mà nhiều người Việt biết đến qua giọng ca Ngọc Tân với chuyển thể tiếng Việt Sayonara - Người yêu dấu ơi. Nếu trước đó chuyển thể các bài hát của Nhật cùng phim ảnh như bộ phim Osin nổi tiếng đã giúp thương hiệu máy lạnh Toshiba tràn ngập châu Á, thì chính phủ Hàn Quốc nay tính ra rằng hễ bán được 1USD tiền sản phẩm giải trí như phim ảnh và âm nhạc, thì sẽ bán được thêm gấp bốn lần như vậy tiền các loại sản phẩm khác mang thương hiệu Hàn Quốc. Do đó, tính chất của làn sóng Hàn Quốc đã hoàn toàn khác với các cơn sóng văn hóa trước đó, tạo ra giá trị thặng dư cho một thương hiệu quốc gia, mà nhà tài trợ sẵn sàng bỏ ra vì minh chứng được lợi ích kinh tế rõ ràng, chứ không còn chung chung như là thể diện quốc gia hay bản sắc dân tộc nữa. Làn sóng Hàn sẵn sàng, từ K-pop tức là dòng nhạc Pop đậm đà bản sắc Hàn Quốc, khi đầu tư vào Indonesia, chuyển thành Indo-pop, tức là chỉ còn tiền đầu tư và thương hiệu cùng lợi nhuận cho Hàn Quốc, còn thì nội dung mang đậm chất liệu bản địa, giống như ban nhạc J-Morning toàn người Hàn, sống ở Seoul nhưng chỉ chuyên hát các bài nhạc bằng tiếng Philippines rồi phát live trên mạng youtube cho các fan hâm mộ ở Manila coi.

180

Ở Việt Nam hiện đang có cả hai trào lưu, khi các nhà kinh doanh show business vừa nuôi dưỡng các nhóm fan hâm mộ các ban nhạc Hàn Quốc và tạo ra những cuộc đón tiếp đầy ấn tượng ở sân bay, mà cũng vừa đầu tư vào các ban nhạc người bản địa. Thông thường, một hợp đồng khai thác sẽ được ký tối thiểu là 8 năm, với nửa đầu là thời gian luyện tập và nửa sau là giai đoạn biểu diễn để thu lại lợi nhuận cho nhà đầu tư. Khi nghệ thuật đã trở thành công nghệ, thì nhà đầu tư sẵn sàng lắp ghép cả chục loại nhạc khác nhau vào cùng một bài nhạc, như thường thấy trong các bản nhạc K-pop nổi tiếng, mà thậm chí mỗi nhạc sĩ ngồi ở một nước khác nhau viết rồi mix lại gửi về, và tất nhiên không thể thiếu một vài chữ tiếng Anh ở phần điệp khúc để người không biết tiếng Hàn vẫn hiểu và cảm nhận đầy đủ, bên cạnh công nghệ xây dựng video clip ấn tượng. Tất cả những điều đó đều là kỹ thuật đã được tích lũy lại từ ngành truyền thông thương mại, mà Hàn Quốc đã dày công nghiên cứu và ứng dụng. Chính sách của nước này đã giúp sức cho K-pop bằng khoản thuế đánh vào bài hát trên máy karaoke, và khoản ngân sách đầu tư xây dựng nhà hát riêng cho dòng nhạc K-pop. Thế nhưng, chính sách đó chưa đủ để tạo ra sự thành công cho làn sóng Hàn, như một cơn khủng hoảng trong ngành, mà lối thoát ngoạn mục cuối cùng lại là lượng người mua nhạc qua thiết bị viễn thông, mà sau này tập đoàn Apple của Mỹ nhanh chóng đi theo để phát triển dịch vụ iTune bán nhạc cho các máy iPhone và iPad. Sự thành công của K-pop đi kèm với sự phát triển của hệ thống liên lạc không dây mà Hàn Quốc là nước đầu tiên lắp đặt Wifi miễn phí trên tàu điện ngầm, đầu tư cho máy

181

điện thoại thế hệ mới có thể xem phim từ hàng chục năm trước, khi mà điện thoại ở Âu Mỹ vẫn còn dùng sóng GSM tốc độ đường truyền chậm.

Như vậy, điểm khác biệt của sự thành công cho làn sóng Hàn so với các cơn sóng trước không phải là ở chính sách ưu đãi cho phát triển hay tài lực đầu tư vào cho khu vực giải trí, mà chính là phương tiện truyền thông phù hợp. Phương tiện phù hợp sẽ được xã hội lựa chọn và dễ dàng vượt khỏi biên giới quốc gia và du nhập vào các nền văn hóa khác, ví dụ như trường hợp của những chiếc máy karaoke. Vốn như tên gốc tiếng Nhật, đây là giải pháp sử dụng máy để đệm nhạc tự động, tiết kiệm nhạc công trên sân khấu, người ta nhanh chóng kinh doanh đánh vào tâm lý ai cũng muốn thể hiện tài ca hát, và chuyển thành những chiếc máy hợp túi tiền, tiện dụng, đại trà, dễ sử dụng trong gia đình. Hôm nay, ở Việt Nam có đủ mọi loại hình karaoke phổ biến trên thế giới, từ phòng hát riêng như phong cách karaoke-bang ở Hàn Quốc, cho đến máy hát trong khu phố hay quán bia lề đường giống như thùng Videoke bên Philippines, hát cùng nhau trong quán để giao lưu giữa các bàn khách lạ mặt như kiểu thi hát trong quán rượu ở Anh, và văn nghệ tập thể như trên bãi biển và khu vui chơi ở Italia. Cùng một phương tiện là chiếc máy đệm nhạc tự động, nhưng trong mỗi nền văn hóa Đông Tây lại được sử dụng theo nhiều phong cách khác nhau.

Từ những chiếc máy nghe nhạc trong gia đình, dùng đĩa hay băng rồi là bộ nhớ kỹ thuật số, sang đến những chiếc máy nghe nhạc đón tín hiệu sóng điện từ trường như radio

182

đường truyền internet, và tiếp theo là những chiếc máy cho phép người sử dụng cũng có thể cất tiếng hát, rồi tham gia các cuộc thi truyền hình, v.v. đó là cả một ngành công nghệ siêu lợi nhuận mà chính bản thân phương tiện truyền thông là phương tiện để phát triển kinh tế và kéo theo là văn hóa có sức mạnh lan tỏa sang cả các nền văn hóa khác. Tương tự như vậy, nếu coi bài hát là một phương tiện truyền thông, thì viết ra được một bài hát có sức mạnh lan tỏa cũng là một công việc mà nhà truyền thông có thể thực hiện. Các nhà sản xuất chương trình truyền thông - producer thường nhắc đến một công thức mà kinh nghiệm cho thấy là có ích lợi cho xã hội, là cần bảo đảm thỏa mãn cả ba mục tiêu: giải trí, giáo dục và thông tin. Đơn giản như chương trình thi ca nhạc ngoài các yếu tố giải trí như giọng hát hay và tình huống tạo ra cảm xúc, thì nhà sản xuất có thể lồng ghép thêm thông tin về bài nhạc, hay một góc cạnh xã hội có liên quan tới thí sinh, cũng như giáo dục thêm cho khán thính giả về kỹ thuật thanh nhạc hay kiến thức âm nhạc, và một ít nội dung lịch sử xã hội có liên quan. Ở Việt Nam hiện đang có đầy đủ mọi phương tiện kỹ thuật và know-how như vừa trình bày để phát triển ngành công nghệ giải trí, mà hiện một số ca sĩ hay danh hài đã thành công trong việc kiếm rất nhiều tiền, cũng như một số diễn viên đang tạo ra rất nhiều giá trị văn hóa cho cộng đồng nhỏ mà họ đang xây dựng và phục vụ. Nếu có được chính sách rõ ràng về truyền thông phát triển từ phía nhà quản lý, như kinh nghiệm của Philippines và Hàn Quốc, thì nền kinh tế và xã hội sẽ còn tiếp tục nhận được thêm nhiều lợi nhuận.

183

Thế nhưng, việc phát triển bằng ngành giải trí, trước khi đòi hỏi chính sách từ phía nhà quản lý, thì người làm truyền thông, mà trong trường hợp này là nhà sản xuất hay người tổ chức biểu diễn - event maker cần phải tự trang bị kỹ năng hoàn hảo trước, để đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp từ các nước có trình độ cao hơn trong ngành công nghiệp giải trí. Một ví dụ rất đơn giản có thể lấy ngay từ khóa học do tác giả tổ chức cho sinh viên Khoa Truyền thông Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh. Một nhóm các em có năng khiếu về biểu diễn như múa hát và cũng đã có kinh nghiệm tham gia các buổi biểu diễn không chỉ ở trong trường mà còn trong các show ngoài xã hội, tự tổ chức một buổi đón tiếp và trao đổi kinh nghiệm với ca sĩ, nhạc sĩ Tú Minh từ Hoa Kỳ trong thời gian về Việt Nam thăm gia đình. Các em đã rất cố gắng tìm địa điểm, lên kế hoạch, chuẩn bị câu chuyện, nhưng cuối cùng đêm sự kiện đã thất bại hoàn toàn vì khách mời đã không đến được. Mặc dù đã có số điện thoại và facebook để liên hệ từ trước, nhưng việc liên lạc với khách mời đã không được quán xuyến cẩn thận, khiến cho người được mời không biết phải đi từ nhà ở quận Tân Bình đến điểm hẹn ở quận 2 như thế nào. Giải pháp thay thế là gọi giúp xe taxi cũng không giúp được gì vì tài xế không liên lạc được với khách, nhà ở trong hẻm, xe không vào được, dù chỉ cách mặt đường khoảng 5m. Giảng viên hoàn toàn không can thiệp vào công việc của các em, để sinh viên tự xử lý trong tình huống thực, đặt mình vào địa vị của người làm truyền thông, tức là nhà sản xuất, chứ không phải là diễn viên múa và ca sĩ như trước. Khi xảy ra sự cố thì toàn bộ nhóm không ai biết việc gì, vì người lo

184

đón ca sĩ cũng không hề báo cho người đang chuẩn bị khán phòng và đón những người khách khác ở bên trong. Toàn bộ sai lầm có thể được khắc phục nếu từ trước nhóm cử riêng ra một người đến tận nơi đón ca sĩ, vì ngân sách cho toàn bộ chương trình đã được ứng từ trước. Đặt trường hợp nhà sản xuất là một người mới từ nước ngoài về, không có sẵn nhiều tiền Việt trong túi, không biết lắm về đường sá hay sợ taxi lừa, chưa nói đến bản thân là một nghệ sĩ nổi tiếng, thì không có người đưa đón cẩn thận là lý do đơn giản nhất để làm hỏng cả một chương trình lớn. Hy vọng các em đã rút được một bài học kinh nghiệm cho sự nghiệp tổ chức biểu diễn sau này. Tất nhiên, điểm cho bài tập này vẫn cao vì dựa trên những gì các em học được chứ không phải là sự thành công hay thất bại của chương trình. Tuy nhiên, điểm về kỹ năng làm việc nhóm sẽ rất thấp.

Về cơ bản, các chuyên gia trong ngành nhân sự thường phân chia loại hình làm việc nhóm thành hai loại, giống như một đội banh hay giống như một ban nhạc trên sân khấu. Nếu đội banh phải có kế hoạch từ trước và phối hợp nhịp nhàng để tạo ra bàn thắng, thì ban nhạc trên sân khấu thường chơi một cách ngẫu hứng, lắng nghe nhau để tạo ra các đoạn cao trào nâng cảm xúc cho khán giả. Do vậy, kỹ năng phối hợp trong một nhóm nghệ sĩ luôn là điều cần phải chú ý đặc biệt. Tuy nhiên, trong bóng đá vẫn có những ngôi sao đủ mạnh để một mình dắt bóng ghi bàn như Maradona, và trong các thể loại ban nhạc vẫn có kiểu chơi chặt chẽ với bài ký âm từ trước như dàn nhạc giao hưởng. Kỹ năng làm việc nhóm ngoài những lý thuyết đã được học thì còn cần phải thích ứng với điều kiện

185

thực tế và phát huy sáng kiến để tạo ra một lối chơi và làm việc riêng. Cùng một tập đoàn đa quốc gia với kỹ năng làm việc chung nhưng khi áp dụng cho mỗi quốc gia lại có thể biến đổi khác đi. Một ngân hàng quốc tế khi mở chi nhánh tại Việt Nam, do số lượng nhân viên ít, và thiếu chặt chẽ trong quá trình tuyển dụng, mà tạo ra cơ cấu của mối quan hệ gia đình và kéo theo là bè phái. Một văn phòng khác linh động dành riêng hai phòng cho nhân viên ngủ trưa để tránh cảnh ngủ trên bàn làm việc hay nhân viên mệt mỏi vì không được ngủ trưa, khác hoàn toàn với kiểu làm việc thông tầm như ở các nước khác. Karaoke là loại hình sinh hoạt thường được nhân viên văn phòng ở Nhật Bản sử dụng để tăng cường sự kết nối nội bộ, nhưng ở Hàn Quốc loại chuyển thành kênh liên lạc để cán bộ văn phòng mở quan hệ ra bên ngoài, thậm chí có thể là với công ty đối thủ. Ở Việt Nam, thường karaoke chỉ tạo được không khí kết nối, hơn là những mối quan hệ thực sự chặt chẽ để tạo ra giá trị thặng dư từ các mối quan hệ đó, mà quán nhậu vỉa hè mới thực sự là không gian tiện lợi hơn. Từ góc độ của người làm truyền thông phát triển, chỉ riêng việc nghiên cứu để tìm ra một mô hình giải trí phù hợp cho công nhân và cán bộ trong khu dân cư, giúp trai gái dễ tìm bạn tình, giúp các đối tác xa lạ dễ tìm gặp nhau, đã là một bước rất lớn trong dự án truyền thông phát triển. Những cuộc thi ca hát hay thể thao giữa các đơn vị là cơ hội tốt để giao lưu, nhưng tỷ lệ thời gian giữa thi đấu cũng như mục tiêu chính trị và thời gian giao lưu cá nhân mới là yếu tố quyết định trong giá trị của các mối quan hệ.

186

Show business, tức là ngành công nghệ giải trí bằng cách tổ chức sự kiện và biểu diễn, không chỉ là ngành kinh doanh mới bắt đầu phát triển gần đây, mà đã có ở nước Anh từ thời Shakespeare vào thế kỷ XVII, hay thậm chí từ trước đây rất lâu, qua những đội múa hát trong cung đình và kịch nghệ thời sân khấu Hy Lạp - La Mã cách nay trên 2000 năm. Sự phát triển của nghệ thuật sân khấu không chỉ đơn giản là lợi nhuận trong kinh doanh, mà còn là sự phát triển về văn hóa cho toàn xã hội, bắt đầu từ giáo dục cho mỗi cá nhân khán giả. Chỉ cần biết vỗ tay đúng lúc đúng chỗ đã tạo ra điểm khác biệt giữa một khán giả có giáo dục về nhạc thính phòng so với người không biết gì cả. Tương tự như vậy, đám đông biết chăm chú nghe chèo hay cải lương và tuồng cổ rồi đánh trống và ném tiền khen thưởng khác hẳn về đẳng cấp so với đám đông xem kịch tuyên truyền mà bị kích động nổ súng hay ném đá vào diễn viên. Xã hội muốn phát triển không chỉ cần đến tiền bạc và của cải, mà cả những giá trị của nền văn minh mà dòng chảy chính trên thế giới đang liên tục xây dựng thêm. Cùng một chương trình truyền hình giải trí mua bản quyền của nước ngoài, nhưng nếu người dàn dựng biết cách bản địa hóa và chen thêm giá trị giáo dục cũng như thông tin, thì sẽ trở thành không chỉ là món ăn tinh thần bổ ích mà còn là động lực để phát triển cho toàn xã hội. Chỉ là một chương trình ca nhạc, nhưng với sự điều động của Sir Bob Geldof thì Band Aid đủ để trở thành cả một chiến dịch cứu đói cho châu Phi, liên tục kéo dài từ suốt năm 1984.

Điểm khác biệt tạo ra giá trị đặc trưng cho truyền thông phát triển - DevComm được chuyên gia đầu ngành người

187

Philippines là Giáo sư Alexander Flor1 tóm lược thành ba tính chất cơ bản: Thứ nhất, DevComm là loại hình giao tiếp thông tin - communication có mục tiêu - purposive, tức là người truyền thông luôn phải ghi nhớ rằng mục tiêu mình sản xuất ra chương trình truyền thông đó để làm gì. Chương trình làm ra không phải chỉ để cung cấp thông tin hay thời gian giải trí cho người xem, mà mục tiêu cuối cùng là thay đổi hành vi của khán giả và kéo theo là cộng đồng xã hội. Thứ hai, DevComm đề cao giá trị thực tiễn - pragmatic, tức là cần phải được đánh giá dựa trên hiệu quả tuyên truyền. Thứ ba, truyền thông phát triển chú trọng vào từng nội dung nhỏ nhất trong thông điệp được sản xuất ra - value laden, luôn nỗ lực gắn kết thông điệp vào mọi chi tiết ở đầu ra, bất kể là sản phẩm chính là chương trình truyền thông, hay là sản phẩm phụ như hàng hóa thương hiệu, hay những việc tưởng chừng như không đáng kể như là giới thiệu quảng cáo hay phỏng vấn câu chuyện và kể cả hành vi hằng ngày trong cuộc sống. Khi đã nắm bắt và làm chủ được những nguyên tắc lý thuyết như vừa kể, chỉ cần một sự kiện như phần văn nghệ trong đám cưới, hay một đêm karaoke cho lễ hội trong làng, là đủ quy mô để nhà truyền thông phát triển xây dựng chương trình và chuyển tải thông điệp mình muốn đến với khán giả và thay đổi hành vi ứng xử trong cộng đồng, ví dụ như nhận thức về thị trường và kế hoạch canh tác cũng như lịch thu hoạch và đối tác phân phối sản phẩm.

1. Xem Flor, Alexander G.: Introduction to Development Communication, University of the Philippines Open University, 2006.

188

13. Từ dự án bò sữa đến làng nông Thuận Thiên

Trong phạm vi môn học Truyền thông phát triển ở bậc đại học, tôi luôn đặt yêu cầu một phần ba điểm số dành cho bài tập dự án. Khác hẳn với điều mà các sinh viên có cơ hội tiếp xúc cho là thông lệ, điểm dự án không được đánh giá theo barem của một đồ án mẫu nào đó. Sinh viên của tôi được cho điểm dựa vào những gì các bạn đã trải nghiệm và học được trong thời gian xây dựng và vận hành dự án, tức là lỗi sai không bị trừ điểm mà số điểm được cộng thêm tùy thuộc vào chuyện các bạn đã học được gì từ lỗi sai đó, theo đúng tinh thần của phương pháp học từ lỗi sai - try and error. Tất nhiên là giảng viên có trách nhiệm ngăn chặn lỗi sai vượt quá khả năng xử lý của sinh viên, và giúp các em vượt qua để tích lũy thêm kinh nghiệm. Yêu cầu như vậy sẽ tạo ra sức ép và khối lượng công việc rất lớn cho giảng viên khi lớp đông và chia nhỏ lẻ thành nhiều loại dự án khác nhau, có dự án của cá nhân bên cạnh dự án theo nhóm. Cách xử lý của tôi là hướng dẫn các em vào thành nhóm dự án và cùng sửa các lỗi chung, có thêm thời gian

189

để góp ý các lỗi riêng. Mục tiêu cuối cùng của dự án trong môn học chưa phải là công trình hoàn chỉnh như đề tài tốt nghiệp, mà chỉ mới là trải nghiệm để học thêm từ chính thực tế công việc. Kết quả cho thấy sinh viên nào vượt qua được chính bản thân mình trong giai đoạn này đều vững vàng trên thị trường lao động sau ngày tốt nghiệp hay vận hành một dự án thực sự.

Đề tài cho dự án nhóm có thể lấy từ những câu chuyện thời sự của xã hội, mà tại thời điểm khóa học năm 2016 là phát biểu của tân Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng về lối thoát cho bò sữa ở Củ Chi. Sinh viên nào chịu bỏ vài chục ngàn tiền túi ra mua vé xe buýt để đi Củ Chi thăm trại bò sẽ được giảng viên đãi bữa tối ở quán bò lụi nổi tiếng ở khu này, trước khi tự đi xe buýt về. Vấn đề đặt ra là tìm hướng xây dựng giải pháp truyền thông để phát triển ngành bò sữa ở đây, cũng như tuyến đường du lịch có sẵn xe buýt nối tiếp từ Củ Chi lên tận hồ Dầu Tiếng với cảnh sắc đẹp ít người biết đến trên núi Cậu. Vấn đề du lịch có vẻ như không phải là mối quan tâm hứng thú của số đông sinh viên tự nguyện tham gia chương trình này, mà khá nhiều em xuất thân từ nông thôn muốn thử làm điều gì đó cho ngành nông nghiệp. Đặc biệt, có em gia đình ở Bình Chánh cũng nuôi bò sữa, và nay qua dự án này thì muốn quan tâm hơn đến đề tài có liên quan mật thiết đến cuộc sống hằng ngày của mình. Sự tích cực của sinh viên đã kéo theo mối quan tâm giúp đỡ từ giới chuyên gia mà đặc biệt là những người từng đóng góp vào thành công cho ngành sữa Việt Nam và Vinamilk,

190

tham gia buổi học ở lớp để nhận xét và chia sẻ kiến thức chuyên môn.

Đa số lỗi lầm thường gặp ở các em là chỉ biết đến dự án phát triển, chứ chưa hình dung ra đủ về dự án truyền thông phát triển. Điều này khá dễ hiểu vì vấn đề phát triển kinh tế và dự án phát triển kinh tế thường được nhắc đến trên truyền thông đại chúng, trong khi nội dung và ý tưởng về truyền thông phát triển các em mới chỉ được tiếp xúc qua môn học mới mẻ này. Ngay cả sinh viên khá giỏi phải một thời gian sau khóa học mới đủ tự tin và mạnh dạn trao đổi với giảng viên về nhận thức của mình về môn học này. Bài tập dự án là cơ hội để các em tiếp xúc và tích lũy kinh nghiệm. Các khách mời là những người đã chạy thành công các dự án lớn đều có chung nhận xét về nhận thức còn mỏng, điều thường gặp ở sinh viên mới ra trường mà họ nhận vào công ty thì phải đào tạo một thời gian mới có thể làm việc được. Để đủ sức xây dựng và chạy dự án truyền thông phát triển, như bố cục nội dung của cuốn sách này, cần phải có đủ kiến thức cơ bản về truyền thông, và sau đó là kinh tế, quản trị, văn hóa, chính trị và xã hội, cùng kinh nghiệm thực tế. Ít nhất ra ở đây trong thời gian và không gian của một lớp học, các em đã có cơ hội học được rất nhiều.

Khá nhiều em than thở nhưng cũng cố gắng vượt qua được sức ép của thời hạn và khối lượng công việc. Đó thực sự chính là những gì mà sinh viên sẽ gặp sau ngày ra trường và tham gia thị trường lao động. Vỏn vẹn chỉ một giờ đồng hồ trước buổi gặp và trình bày dự án cho chuyên gia

191

nhận xét, một nhóm làm dự án cho vùng trồng dứa (thơm, khóm) bất ngờ bị yêu cầu hãy chuyển toàn bộ nội dung sang cho ngành bò sữa. Đây là điều rất bình thường khi đi tìm nguồn tài trợ cho dự án phát triển, nhóm làm dự án phải xoay chuyển theo tiêu chí chi tiền của cơ quan cấp viện trợ, và chỉ tình cờ được biết đến hạn chót nộp dự án vào sát ngày. Khi đó, cách hay nhất là sử dụng toàn bộ kế hoạch mình đã xây dựng, chuyển sang cho ngành nghề mới. Các em sinh viên đã làm rất giỏi, vừa lắng nghe các nhóm khác trình bày để thu thập thông tin về ngành nghề mà trước đó mình không biết, vừa xoay chuyển kế hoạch sử dụng facebook như phương tiện truyền thông để tạo ra kênh tiêu thụ mới cho sản phẩm khác. Suy cho kỹ, thì hệ thống truyền thông mới là mục tiêu cho bài tập dự án trong môn học này, chứ không phải kế hoạch phát triển kinh tế cho một ngành nghề, sẽ là mục tiêu cho bài tập dự án trong môn kinh tế học hay quản trị kinh doanh. Các nhóm còn lại nhận thức được rất rõ về giới hạn thời gian và tài chính cho nên dồn sức vào thực hiện những mô hình truyền thông đơn giản nhất như là tờ rơi giới thiệu. Những kỹ năng đã học được qua bài tập dự án đã được các em nhanh chóng vận dụng vào bài tập tiếp theo khi được yêu cầu dịch sách giáo khoa tiếng Anh thành giáo trình môn học cho khóa sau. Kỹ năng truyền thông ở nhóm này đã tăng vượt bậc chỉ sau vài buổi học theo kiểu tự định hướng, so với nhóm còn lại chỉ đặt mục tiêu học thụ động như thường lệ.

Bản thân lớp học thử nghiệm này, đối với giảng viên, cũng là một dự án truyền thông phát triển, thay đổi

192

phương pháp dạy và cơ cấu nội dung để truyền đạt khối lượng kiến thức nhiều hơn cho sinh viên. Phần lớn thời gian lên lớp là khách mời từ những dự án truyền thông lớn đến nói chuyện, mà đặc biệt là đại diện của EuroCharm trao đổi trực tiếp bằng tiếng Anh, tạo ra cú hích khiến sinh viên phải tự xoay sở để tiếp nhận kiến thức bằng ngoại ngữ, và tự tin trong giao tiếp với các tổ chức nước ngoài. Xét cho cùng, thì nguồn tiền cho các dự án truyền thông phát triển đa số là đến từ các nước cấp viện trợ và các tổ chức của Liên hợp quốc, đều sử dụng ngoại ngữ trong giao tiếp. Dạy bằng khách mời là cách để sinh viên tự chắt lọc lấy kiến thức từ thực tế trên cơ sở kết cấu khung khái niệm mà giảng viên đã giới thiệu cùng tài liệu tham khảo từ đầu khóa học. Sinh viên phải biết tự mình đối chiếu và xây dựng hệ thống kiến thức cho riêng mình từ lượng thông tin đã nhận được. Như vậy, kiến thức cuối cùng là không gian hoàn toàn mở, bởi vì mục tiêu của khóa học không đặt nặng khối lượng nội dung mà sinh viên cần phải nhớ, mà chú trọng đến việc sinh viên phải nắm bắt được những từ khóa và tư duy phổ quát đang được sử dụng trong ngành, cả từ tài liệu lý thuyết lẫn trong thực tế ứng dụng tại Việt Nam. Tức là, điều quan trọng ở đây là khả năng tự suy luận, lập luận trong trao đổi, và tư duy hệ thống. Đây cũng là tiêu chí thường gặp trong giáo trình đại học ở các nước phát triển, nhưng còn khá lạ lẫm ở Việt Nam, mà bản thân tôi đã được trải nghiệm và tích lũy được khá nhiều kiến thức trong quá trình thử nghiệm với sinh viên. Đó cũng chính là sức ỳ của khá nhiều doanh nghiệp mà tôi cũng có

193

cơ hội đến tập huấn gặp phải, mà còn khó sửa hơn khi các bạn nhân viên đã có công việc làm và gia đình ổn định, tự tin với vị thế của mình, không dễ thuyết phục và uốn nắn như thời gian còn ngồi trên giảng đường đại học, vẫn còn sợ điểm số mà cố gắng, và vẫn còn sức bật của tuổi trẻ muốn tìm hiểu và làm chủ kiến thức. Tuy vậy, học qua một dự án cụ thể, có thể là thực tế hoặc giả tưởng, là phương pháp chuyển giao kiến thức khá hiệu quả trong trường hợp tái đào tạo tại doanh nghiệp, nhưng đòi hỏi giảng viên phải nhanh nhạy và mềm dẻo về giáo trình, đủ kinh nghiệm và kiến thức để thuyết phục học viên, đồng thời cũng quản lý được thời gian và khối lượng kiến thức cần truyền đạt.

Khóa sinh viên từ Khoa Truyền thông Trường đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2016 còn đủ sức vượt xa những đòi hỏi bình thường ở trường lớp, với hoạt động của mô hình câu lạc bộ chuyên môn Media Lab đủ sức nhận thầu chạy dự án truyền thông phát triển cho Chương trình biến đổi khí hậu CCAFS và tổ chức nghiên cứu lúa gạo quốc tế IRRI. Nhóm trưởng Phạm Bảo Châu đã trực tiếp liên lạc với đại diện của các tổ chức này tại Việt Nam, rồi tiếp theo là các chương trình giải ngân do chuyên gia người Việt phụ trách, để chạy một dự án về làng nông Thuận Thiên ở Trà Hất, Bạc Liêu. Đây là một nghiên cứu để nội địa hóa các giải pháp đang được nghiên cứu trên thế giới nhằm giúp nông dân thích ứng dần với việc khí hậu biến đổi, ấm nóng toàn cầu khiến nước biển dâng cao tạo ra ngập mặn và nguồn nước ngọt bị giảm bớt cả trên mặt đất lẫn dưới mực nước ngầm. Dự án ban đầu

194

định tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh và mời chuyên gia từ địa phương lên giới thiệu theo kiểu sự kiện hội thảo, nhưng sau được nhà tài trợ gợi ý nên tổ chức ngay tại địa bàn và đặt mục tiêu sản xuất phim ngắn để quảng bá. Trong khuôn khổ một dự án sinh viên, nhóm trưởng đã rất thành công khi học được nhiều điều từ thực tế thực sự, chứ không phải một bài tập giả tưởng nào đó. Các kỹ năng nắm được từ bài tập trước đã được vận dụng tối đa vào dự án thực tế với số tiền tài trợ có thực từ tổ chức quốc tế. Trải nghiệm này chắc chắn là yếu tố quyết định trong hồ sơ xin việc, đồng thời cũng là cơ sở để sinh viên các khóa sau xin tài trợ cho dự án với quy mô và ngân sách lớn hơn. Ở Khoa Truyền thông phát triển thuộc Đại học quốc gia Los Banos ở Philippines dự án của trường đủ thuyết phục để các nơi tặng hệ thống máy tính với cấu hình đủ mạnh để xử lý hình ảnh, cùng studio truyền thanh và hiện nay là một studio truyền hình, còn dự án của sinh viên đủ để được cấp tiền mua xe ô tô bán tải trang bị thành phòng tuyên truyền lưu động. Kênh truyền thanh của Khoa Truyền thông thuộc Đại học quốc gia Dileman ở Thủ đô Manila trở thành làn sóng quen thuộc cho người dân trong khu vực. Thời gian học đại học chính là cơ hội để sinh viên không chỉ luyện tập mà còn dần trở thành chuyên gia trong nghề nghiệp của mình.

Như vậy, các em sinh viên cần ý thức được rằng dự án của mình không kết thúc ngay sau ngày nộp báo cáo cho giảng viên, mà còn tiếp tục vận hành bất kể là các em có còn tham gia hay không. Đó cũng là thái độ của người làm

195

công tác phát triển cho các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, rằng dự án có thời hạn về ngân sách, nhưng mối quan hệ và quá trình vận hành vẫn còn tiếp tục hoạt động tạo ra thay đổi trong xã hội. Nhìn từ góc độ học thuật, thì từ một dự án là bài tập trong một môn học có thể phát triển lên thành luận văn tốt nghiệp cho cả khóa học, hay sau đó là luận án thạc sĩ và kể cả nghiên cứu tiến sĩ, với mức độ dữ liệu, quy mô ảnh hưởng, và lượng kiến thức nền tảng gia tăng. Từ một sự kiện nhỏ cho giải pháp làng nông Thuận Thiên ở Bạc Liêu các bạn sinh viên có thể tự mở cánh cửa ra cho mình bước ra thế giới, ví dụ như đi theo các chương trình nghiên cứu giải pháp truyền thông cho nông, lâm nghiệp để xin học bổng đang đổ về cho ngành này ở các nước Đông Nam Á, rồi chuyển sang làm việc ở các khu vực khác trên thế giới. Từ một câu chuyện bò sữa ở Củ Chi có thể xây dựng thành kinh nghiệm để xin việc trong các công ty sữa lớn ở Việt Nam hay chi nhánh quốc gia của các tập đoàn quốc tế, và rồi cũng tự mở ra con đường mới cho mình trong thế giới toàn cầu địa phương này.

Từ một bài tập nhỏ trong môn học, các em tích lũy được những kỹ năng nhỏ nhặt nhất về truyền thông và giao tiếp, ví dụ như là cách liên lạc với cơ sở để tham quan và tìm hiểu, thông tin liên lạc trong nhóm để tự tổ chức chuyến đi, di chuyển qua lại và lên lịch để thực hiện kế hoạch đã chuẩn bị, cũng như cách trình bày những khám phá và phát hiện của mình. Giới nhà báo Thành phố Hồ Chí Minh hay kể với nhau câu chuyện về một sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc, được nhận về thử việc ở một tòa soạn,

196

sau một buổi sáng đi phỏng vấn nhân vật đã quay về tay không với lời giải thích là không tìm ra được lối vào tòa nhà đã hẹn với người ta, mà cũng không biết gọi điện thoại để hỏi lại, hay cũng không biết báo cáo với sếp trong giờ ăn trưa, để đến chiều tòa soạn thiếu bài. Kiến thức và kỹ năng bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt như vậy đó, trước khi chúng ta có thể bàn đến những điều cao siêu hơn như là dự án truyền thông để phục vụ phát triển bền vững. Dự án truyền thông phát triển cho ngành bò sữa trong một khu vực nhiều khi bắt đầu từ một điều nhỏ nhặt nhất là tạo ra được mối quan hệ giữa các trang trại với nhau, thay đổi quy mô từ cá thể thành mô hình tập thể như là hợp tác xã, hay cộng đồng thông tin. Chính mối quan hệ đó, như trình bày của Karl Marx, tạo ra giá trị thặng dư cho xã hội, tức là động lực để cộng đồng kinh tế phát triển. Đây chính là ý tưởng nằm đằng sau các dự án truyền thông phát triển mà các định chế quốc tế tài trợ để giúp cho các nước kém phát triển. Tạo ra sự liên lạc để chuyển giao kinh nghiệm giữa các nhóm nghề nghiệp sẽ tạo ra mạng lưới và cộng đồng nghề để nhanh chóng vận dụng các bước tiến về khoa học và kinh nghiệm ở nơi khác, đưa tiến bộ nhanh chóng vượt khỏi ranh giới địa phương và quốc gia để đến được nơi đang cần. Thời của những cỗ máy sử dụng dòng chảy để bơm nước lên cao, hay sức gió để xay bột, loài người mất cả trăm năm để đem công nghệ đó lan tỏa từ quốc gia này sang quốc gia khác. Đến thời của sáng kiến cho nước vào trong chai nhựa plastic đã dùng, đục lỗ chôn xuống đất cùng cây con mới trồng, chỉ cần một

197

đoạn phim đưa lên internet là chỉ cần vài tháng hay thậm chí vài ngày là đủ để lan truyền từ châu lục này sang châu lục khác, nhanh chóng chuyển giao giải pháp có sẵn cho các nơi đang gặp khó khăn.

Từ góc độ của truyền thông, thông tin khoa học và kiến thức không nhất thiết phải tràn ngập dư thừa trong điều kiện kinh tế và ngân sách giới hạn, mà chỉ cần tìm được mối nối quan trọng nhất giữa tâm điểm của sự chú ý và mấu chốt cần thiết để lan tỏa. Đây chính là kỹ năng lựa chọn chủ đề và tổ chức hội thảo khoa học, kèm theo là tạp chí chuyên đề, và các sự kiện có liên quan. Bắt đầu từ những hoạt động nhỏ nhất như trao đổi nghiệp vụ - workshop, tọa đàm - seminar, cho đến thỉnh giảng - guest lecture và tham gia hội thảo quốc tế, mỗi giáo viên, mỗi khoa và bộ môn đều có thể nhanh chóng rút ngắn khoảng cách chuyên môn với đồng nghiệp trên thế giới, không nhất thiết cứ phải đi theo con đường truyền thống và mất thời gian là đưa giảng viên trẻ ra nước ngoài học cao học hay làm tiến sĩ, mà con đường quay trở về nước cũng xa vời và khó khăn giống như con đường đi ra vậy, ít nhất là hai cú sốc văn hóa - cultural shock. Như vậy, kiến thức về truyền thông phát triển đã trình bày trong cuốn sách này cũng cần thiết cho từng giảng viên, từng lãnh đạo khoa và lãnh đạo trường đại học hay viện nghiên cứu để phát triển chuyên môn và ngành nghề của mình. Bản thân tác giả từng sử dụng kiến thức và kinh nghiệm của mình trong nghề báo, đặc biệt là thể loại phóng sự khoa học để hướng dẫn cho chính các giáo sư của mình cách trả lời phỏng vấn

198

báo chí. Trong khi kiến thức khoa học cần trình bày lớp lang hệ thống, thì phóng viên trong chương trình thời sự chỉ dành cho nhà khoa học 30 giây cho đến vài phút để trình bày, và nếu không hiểu gì thì sẽ cắt ở đoạn không đúng với ý chính mà nhà khoa học muốn trình bày. Do đó, kiến thức và trải nghiệm thực hành sẽ giúp nhà khoa học trình bày hết các vấn đề mình cần nêu trong giới hạn thời gian, hay câu chữ mà trang báo cho phép. Đó là một kiến thức và kỹ năng hoàn toàn khác cần bổ sung thêm.

Người làm truyền thông là người làm cầu nối giữa các bên: giữa nhà khoa học và thính giả không có trình độ chuyên môn, và phải bảo đảm để người nghe hiểu được nhà khoa học nói gì, và ngược lại, cũng phải nhắc nhở để nhà khoa học nói sao cho người nghe hiểu và nắm bắt vấn đề. Đó chính là công việc của người dung hòa lợi ích của các bên, mà trong dự án phát triển thì ngoài tuyên truyền tiến bộ khoa học còn là chuyển giao công nghệ know-how hay kỹ năng kinh doanh, và cả tranh chấp xã hội hay xung đột chính trị có liên quan đến việc phát triển ngành nghề nữa. Ví dụ sản xuất thủ công khi được cơ giới hóa và tăng quy mô luôn kéo theo vấn đề xử lý rác thải và đặc biệt là ô nhiễm môi trường, khi số lượng sản phẩm phụ và chất thải gia tăng đột biến. Khi người nuôi bò tăng số lượng thì phân bò trở thành vấn nạn và kéo theo nhu cầu phải chế biến và tiêu thụ phân bón cho nơi khác, mà vận tải nếu bảo đảm vệ sinh thì vẫn tạo ra khí thải nhà kính, hay tắc nghẽn giao thông và tai nạn giao thông, hư hỏng cầu đường, khiến cho khu dân cư ở nơi khác bị ảnh hưởng và

199

bức xúc có thể tạo thành hành động chặn đường cản phá, đình trệ phát triển, bất ổn xã hội. Người làm dự án truyền thông phát triển cho một cộng đồng nuôi bò không còn chỉ giới hạn công việc của mình trong phạm vi kỹ thuật nuôi bò mà phải mở rộng ra các vấn đề khác mà tầm vóc là toàn xã hội, bao gồm cả những tiêu chí phát triển của thế giới, nơi có rất nhiều cộng đồng quốc gia khác nhau cùng chung sống. Đó chính là những hiểu biết mà nhóm sinh viên tích cực tham gia dự án trong khóa học của tôi đã học được từ chính bài tập của họ và sẵn sàng cho công việc sau này. Từ một dự án rất nhỏ, vừa học vừa chơi kiểu như vậy, với số lượng kiến thức lý thuyết và thực tế tích lũy được, các em có thể đi sâu vào con đường khoa học, như các đề tài nghiên cứu ở bậc tiến sĩ mà các tổ chức trong khu vực như SEARCA đang tài trợ học bổng.

Từ một quốc gia mà có đến 95% dân số là nông nghiệp, nay hầu như cứ mỗi tháng bản đồ hành chính lại có thêm một thành phố, cơ cấu kinh tế nhanh chóng dồn trọng tâm vào các khu công nghiệp chủ yếu trong ngành lắp ráp, chế biến và dây chuyền nhân công, truyền thông phát triển phục vụ khu vực nông nghiệp do vậy đang là nhu cầu vô cùng cấp thiết. Diện tích canh tác bị thu hẹp và thay bằng khu đô thị tạo ra một loạt các sức ép không chỉ về xã hội và kinh tế mà còn cả về chính trị và quốc phòng. Chỉ riêng việc tạo ra kênh liên lạc để đối thoại và kéo theo là đàm phán giữa các nhóm lợi ích khác nhau trong cộng đồng đã đủ để làm một dự án truyền thông phát triển không dễ gì thực hiện. Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghệ

200

lần thứ tư, với giá trị thặng dư được tiếp tục tạo ra từ các phương thức sản xuất mới trong nền kinh tế nối kết, vị trí, vai trò và trách nhiệm của chính quyền đã hoàn toàn thay đổi. Nếu trước kia với mục tiêu điện khí hóa chính phủ giữ vai trò đầu tàu để thay đổi hệ thống cơ sở hạ tầng, thì nay với mục tiêu phát triển bền vững chính quyền lại phải đảm nhiệm vai trò nối kết hợp lý giữa các nhóm lợi ích khác nhau cùng cạnh tranh để thích ứng với biến đổi của môi trường sống, bao gồm cả quá trình biến đổi khí hậu lẫn trào lưu toàn cầu địa phương hóa. Nhìn một cách khái quát, thì phương hướng hoạt động của chính phủ trong cuộc cách mạng này cũng chính là một dự án truyền thông phát triển với quy mô đồ sộ và chi tiết hơn.

201

14. Nhà truyền thông phát triển

Điểm lại, từng mục trong cuốn sách này lần lượt trình bày đến với quí vị độc giả về hệ thống lý thuyết cơ bản, một số định hướng, và kinh nghiệm từ các dự án cụ thể trong ngành truyền thông phát triển. Trong một thế giới nối kết toàn cầu và công việc ngày càng đòi hỏi thêm các yếu tố liên ngành, thì kiến thức này là cần thiết cho rất nhiều ngành nghề có liên quan, từ nhà sản xuất muốn mở rộng thị trường cho đến người làm dịch vụ như trong ngành y tế hay hành chính muốn nâng cấp chất lượng và độ tin cậy từ phía khách hàng. Đối với riêng bản thân từng bạn sinh viên trong ngành truyền thông thì câu hỏi lớn nhất vẫn là sẽ tham gia vào phân khúc nào trong thị trường lao động để phát triển hết mức lượng kiến thức đã học được. Mở rộng ra, thì mỗi độc giả đã đọc qua cuốn sách này đều đã ít nhiều nắm bắt được hệ thống kiến thức cơ bản nhất về truyền thông phát triển, và mặc nhiên sẽ tác động vào sự thay đổi của xã hội, một cách có chủ ý hay vô thức. Tức là, mỗi chúng ta sẽ phải lựa chọn cho mình một vị trí phù hợp trong không gian truyền thông trong xã hội.

202

Có khá nhiều thuật ngữ tiếng Anh để mô tả các vị trí quan trọng trong không gian này. Ở các nước phương Tây, nơi ngành truyền thông đang là một môn học lựa chọn trong trường phổ thông, phổ biến với tên gọi tạm dịch là nghiên cứu truyền thông - media studies, thì các em được hướng tư duy theo kiểu người nghiên cứu truyền thông - media researcher. Người nghiên cứu trước hết là tiếp xúc truyền thông để tích lũy thêm kiến thức cho bản thân về góc nhìn này trong thế giới, giống như người học toán để biết làm phép tính mà mua bán trao đổi hàng hóa, người học vật lý để hiểu sự chuyển động của xe cộ và thiết bị, người học hóa để hiểu sự chuyển đổi về trạng thái của vật chất. Ngành nghiên cứu truyền thông trang bị cho học viên những kiến thức cơ bản nhất về tác động của truyền thông đối với xã hội, cùng những quy luật và tác nhân ở trong đó, giống như lực đẩy và công thức về gia tốc trong môn vật lý vậy. Phần đầu của cuốn sách này đã trình bày khái quát những vấn đề đó, cho nên quý vị độc giả có thể yên tâm tin rằng bản thân mình đã là một nhà nghiên cứu truyền thông, mạnh dạn tiếp xúc và suy nghĩ về những trải nghiệm tiếp theo của bản thân mình và tiếp tục rút ra nhiều bài học mới cho bản thân.

Khá nhiều người tìm đến sách về truyền thông là để nâng cao trình độ báo chí, theo cách hiểu của chữ media. Trên thực tế người ta có nhiều cách đặt tên khác nhau cho nhà báo. Chữ thường gặp nhất là Press, đơn giản chỉ là người kinh doanh cái máy in. Ở châu Âu cách đây vài trăm năm, người có máy in là chủ một doanh nghiệp

203

chuyên in ấn các loại giấy tờ quảng cáo để người đặt in có thể mau chóng thông báo điều gì đó, như thiệp cưới, phim sắp chiếu, vở kịch sắp công diễn, lô hàng sắp nhập về, v.v.. Tương tự vậy, người cầm thẻ Press, tức là thẻ nhà báo, là người đến dự sự kiện để về xưởng in sắp xếp lại thành câu chữ, dàn trang, và in ra với số lượng nhiều. Vai trò của người chủ xưởng in, do đó, tách ra khỏi quyền lợi của người cung cấp tin, đứng giữa nguồn tin và người nhận tin. Bỏ qua những giao dịch trực tiếp trong cuộc sống hằng ngày, nhìn rộng ra toàn xã hội thì người chủ xưởng in chính là người duy trì nhịp sống và sự liên kết cho một cộng đồng, thường là thị trấn cùng khu vực làng quê bao xung quanh. Xã hội phát triển tạo ra nhu cầu quan tâm đến tin tức, tức là những gì đang xảy ra xung quanh mà độc giả không có thời gian để chạy theo coi hết tất cả, mà đặc biệt là diễn biến đầy kịch tính trong các phòng xử án. Những người ghi lại mọi diễn biến hằng ngày rồi trình bày cho mọi người biết trên số báo ra vào sáng sớm hôm sau được gọi là người ghi nhật ký xã hội, hay người tạo nội dung cho tờ nhật trình đó - journalist. Ở đây, một lần nữa, vai trò trung lập một cách tương đối của nhà báo được nhấn mạnh, cùng nhiệm vụ tường thuật, tức là bảo đảm tin tức được liên tục và thông suốt, được đề cao hơn cả.

Cùng với sự phát triển của kỹ thuật truyền thông, người ta có thêm vị trí người phát thanh - broadcaster, hay xướng ngôn viên - presenter, giờ đây tập trung hơn vào mô tả công việc của người đó là trình bày một thông điệp, mà thường là, gắn liền với thể chế xã hội trong

204

giai đoạn này, ý muốn của chính quyền. Để khẳng định rõ vai trò độc lập, không phải là cái loa cho nguồn tin, mà một số nhà báo nêu rõ mình là người bình luận - commentator, hay người giữ một quan điểm xuyên suốt trên cột báo bên ngoài sự kiện - columnist. Chữ media cũng được mở rộng để mô tả người thương lượng - mediator, như trong trường hợp cần thương thuyết để giải thoát con tin bên Mỹ, hay thu xếp hợp đồng ly hôn như bên Anh. Chữ này cũng được dùng để chỉ người hầu đồng trong văn hóa Việt Nam. Ở đây, vai trò của người làm trung gian thực ra thì cuối cùng vẫn đi theo một hướng nhất định, có lợi cho một nhóm nào đó hay một xu hướng nào đó trong xã hội, hơn là thực sự chỉ gói gọn lại trong mối quan hệ giao dịch giữa hai bên được thương lượng. Khi làm chủ phương tiện kết nối, ví dụ như trong trường hợp nhập hồn, thì người gọi hồn có thể di chuyển nội dung hay diễn giải thông điệp theo hướng có lợi cho một bên nào đó, cả vô thức lẫn có chủ ý. Người làm truyền thông có trong tay quyền lực mềm, mà người ta hay gọi là quyền lực thứ tư, để dẫn dắt xã hội.

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, người ta bắt đầu nghiên cứu sâu và sử dụng thế mạnh này, đặt nhà báo trong vai trò người đi tuyên truyền - propagandist. Sứ mệnh tuyên truyền và giáo dục được thu gom vào tay chính quyền để tạo động lực cho xã hội phát triển. Trong cơ chế của một tập đoàn tư nhân thì vai trò đó được dành cho người đi tiếp thị - marketing, tức là xây dựng mối quan hệ mạng lưới với các đại lý phân phối, và rộng hơn, là quan hệ với khách hàng - public relation và tiếp xúc với

205

báo chí - media consultant. Người giữ nhiệm vụ nối kết một cơ quan với xã hội thông qua báo chí có thể đảm nhiệm vai trò phát ngôn đại diện - speaker, hoặc tổ chức sự kiện để báo chí tường thuật - event maker. Tùy theo công việc cụ thể mà người ta còn chia nhỏ ra như người quay phim - camera man, người thu âm - sound man, người mẫu tiếp thị - promotion girls (PG) hay nhà sản xuất - producer và đạo diễn - director hay biên tập chương trình - editor. Cùng với các phương tiện truyền thông mới còn có thêm các vai trò cụ thể như người viết quảng cáo - copy writer, người phụ trách diễn đàn - moderator hay người làm nội dung - content manager, hay diễn viên - actor và nhiều vị trí khác trong phim trường và sân khấu, hay người sáng tác - composer và ca sĩ - singer trong ngành âm nhạc, hay họa sĩ - artist chia thành các nhánh mới như người biểu diễn - performer và sắp đặt - instalation. Phương tiện truyền thông - media tùy theo đặc tính, thiết bị, nội dung mà được phân khúc thành từng đơn vị công việc cụ thể cho từng vai trò cụ thể với tên gọi riêng biệt.

Tất cả các vai trò vừa kể đều có thể xếp vào chung một nhóm là những người có tham gia vào hệ thống truyền thông và gọi là người làm công tác truyền thông - communicator. Nội dung cuốn sách này, như đã trình bày từ đầu, coi người làm truyền thông cũng chính là người có thể tác động vào nội dung văn hóa hay cấu trúc cộng đồng mà khiến cho xã hội thay đổi, tức cũng chính là người làm truyền thông phát triển, một cách vô thức hoặc có chủ ý. Sau khi đã đọc sách và có đủ kiến thức để nghiên cứu truyền thông và

206

các dự án truyền thông một cách khoa học, thì mỗi độc giả cũng đồng thời đã trở thành nhà truyền thông phát triển, không nhất thiết cứ phải đang làm trong một khâu nào đó của truyền thông, mà chính các mối quan hệ hằng ngày của quí vị trong cộng đồng đã mang tác động truyền thông làm thay đổi xã hội. Như đã trình bày ở phần đầu, truyền thông chỉ là phương tiện để khuếch đại tín hiệu mà một cá nhân, hay như ở loài người, là một nhóm, muốn truyền đạt đến số đông còn lại. Ở mức độ cá nhân, và trong thời đại của nối kết toàn cầu, nơi mỗi cá nhân đều có cơ hội để trở thành cơ quan truyền thông một người đến đại chúng - self mass communication, thì mọi kỹ năng truyền thông đều có thể phát huy tối đa tác dụng. Nâng cao kỹ năng giao tiếp có thể giúp giải tỏa trước hết là rất nhiều trục trặc trong mối quan hệ cá nhân và gia đình, ví dụ như xung khắc giữa anh chị em và bố mẹ, hay vợ chồng, nuôi dạy con cái, và huấn luyện người giúp việc. Mở rộng ra, kỹ năng giao tiếp - communication skills là một trong số những tiêu chí được chú trọng khi tuyển dụng và làm việc cho các công ty lớn, đặc biệt là các tập đoàn toàn cầu.

Trước hết, với kiến thức về nghiên cứu truyền thông, mỗi chúng ta có thể khảo sát chính các giao tiếp của bản thân để giúp mình nâng cấp. Một loạt các câu hỏi có thể đặt ra, như thường gặp trong các bảng biểu hay cẩm nang về giao tiếp, như giọng nói như vậy đã ổn chưa, có cần thay đổi cách phát âm? Có thường to tiếng? Có biết cách phê bình người khác mà không làm phật lòng hay khiến người ta tức giận, hoặc cảm thấy bị chê bai căm ghét? Có biết

207

cách dùng từ ngữ chính xác và hợp lý để mô tả tình hình và đàm phán để người khác hiểu được vị trí và tình huống của họ, kéo theo là thay đổi và hợp tác? Có biết cách trang điểm và ăn mặc để gửi đúng tín hiệu mình muốn trong cuộc hẹn đầu tiên? Khác với đám đông làm theo những lời khuyên hay định chuẩn xã hội về hành vi cá nhân, nhà truyền thông nhận thức được rằng đó chỉ là một hệ quy chuẩn trong cộng đồng, mà để tìm ra đối tác phù hợp có thể phải hành động khác đi, cùng trong hệ quy chiếu phổ biến đó. Kỹ năng giao tiếp phù hợp, tức là hành vi có ý thức về truyền thông sẽ khiến một ứng viên xin việc tỏa sáng và vượt xa hẳn so với các ứng viên khác cũng cùng hoàn cảnh và điều kiện. Cùng làm công việc tiếp thị hay quảng bá sản phẩm, nhưng người có kỹ năng truyền thông sẽ nhanh hơn trong quá trình tiếp xúc với đối tác, và mất ít thời gian hơn để có được tiếng nói chung và mối quan hệ bạn hàng lâu dài. Người có kỹ năng giao tiếp, kể cả không ngồi ở vị trí lãnh đạo, vẫn là nhân vật quan trọng trong tổ chức, và là nhân tố quyết định thành công cho nhóm. Được trang bị kiến thức về truyền thông, chúng ta sẽ nhanh chóng cảm nhận được đâu là nguồn tin đáng tin cậy để sớm có quyết định về mối quan hệ của mình với cộng đồng trong không gian đó, kéo theo là chiến lược hợp lý về kết nối.

Sự thay đổi của nhà truyền thông sẽ kéo theo sự phát triển tự nhiên trong mạng lưới quan hệ của họ, bắt đầu từ lực tương tác đơn giản nhất là nhu cầu thể hiện của con người trong xã hội. Động tác thể hiện thường gặp nhất là hành động bắt chước nhau theo một trào lưu nào đó, ví dụ

208

như khi một người trong nhóm có giày đẹp thì những người còn lại cũng nhanh chóng muốn từ bỏ đôi dép Lào hai quai mà có thể vài thập niên trước đó từng là niềm mơ ước trong lớp học. Nhu cầu thể hiện khi bão hòa bắt đầu chuyển biến theo các quy trình mỹ học xã hội phức tạp và tinh vi hơn, như là đường nét quần áo, mũi giày, kiểu tóc, hình dáng xe cộ và túi xách. Người sống ở nơi dùng phương tiện đi lại cá nhân sẽ chăm chút vào chiếc xe hơi hay xe máy của mình như ở Mỹ và Việt Nam, còn người sống ở nơi không có điều kiện thể hiện kiểu như vậy vì tất cả đều sử dụng phương tiện công cộng như tàu điện ngầm thì sẽ thể hiện đẳng cấp bằng cách khác. Ở Nhật Bản người ta sử dụng cặp da hay túi xách giá hàng trăm cho đến hàng ngàn USD, còn ở Anh một khảo sát gần đây cho thấy trung bình mỗi người đem theo lượng thiết bị điện tử trị giá khoảng 1000 USD. Chỉ cần một cá nhân thay đổi hành vi và tạo thành chiến dịch truyền thông thì sẽ tạo ra thay đổi rất lớn, ví dụ như phong trào tắt máy xe khi dừng đèn đỏ ở Hà Nội khoảng 10 năm trước nay trở thành tính năng tự động tắt máy trên các dòng xe mới. Sự thay đổi trong ứng xử của cha mẹ sẽ tạo ra sự phát triển cho con cái, và tương tự như vậy ở thầy cô sẽ mở cánh cửa tiến bộ cho nhiều lứa học sinh sinh viên. Trong mô hình tổ chức xã hội truyền thống chính các vị chức sắc trong làng là người chuyển đi thông điệp về sự thay đổi, nhưng điểm nguy hiểm trong mô hình truyền thông này là vai trò trung gian của mõ làng, nếu không được lựa chọn phù hợp sẽ chuyển tải nội dung ngược lại với ý muốn của lãnh đạo, qua thái độ tiêu cực hoặc sai lệch

209

nội dung gốc. Người làm truyền thông phát triển cũng vậy, sau khi đã hoàn thiện bản thân cần tiếp tục chú ý đến sự hoàn thiện của mắt xích tiếp theo trên chuỗi truyền thông, giảm thiểu sai lệch hay độ chậm trễ và sức ỳ trên toàn tuyến. Từ một cá nhân tiến bộ có hoạt động giúp xã hội phát triển, từng thành viên trong nhóm sẽ dần trở thành nhà truyền thông phát triển và tiếp tục mở rộng sức lan tỏa của sự phát triển ra toàn xã hội.

Truyền thông phát triển, do vậy, không chỉ đơn giản là tuyên truyền cho sự phát triển hay quảng bá các phương pháp sản xuất mới để phát triển về kinh tế, hay cổ động cho lối sống mới để phát triển theo chiều văn hóa văn minh. Ở những nơi mà khái niệm mang tính khoa học về truyền thông còn quá xa vời không chỉ đối với đa số dân chúng mà ngay cả với rất nhiều người đang làm trong ngành truyền thông như ở Việt Nam, thì dự án truyền thông phát triển trước hết cần phải nâng cao nhận thức của cộng đồng về truyền thông - empower, như mục tiêu phổ biến hiện nay của các tổ chức quốc tế và các nước cấp viện trợ. Như chuyên gia đầu ngành là Giáo sư người Philippines Alexander Flor1 khái quát hóa về những điều đang bị hiểu sai về truyền thông phát triển, rằng cứ điều phối thông tin là quản lý được bước tiến về kiến thức, hay chỉ cần xây dựng cơ sở hạ tầng truyền thông là mọi chuyện còn lại sẽ được tự thân sắp đặt theo ý chúng ta muốn, hoặc là chỉ cần lắp một cái máy tính cho nông dân là kinh tế sẽ

1. Xem Flor, Alexander G.: Introduction to Development Communication, University of the Philippines Open University, 2006.

210

phát triển, v.v.. Những gì đã được tác giả trình bày trong cuốn sách này chỉ là một vài nội dung sơ lược mang tính nhập môn để độc giả có thể tự mình soi sáng trong công việc hằng ngày, và đi sâu vào không gian kiến thức của một ngành học đầy mới mẻ ở Việt Nam nhưng các nước láng giềng như Philippines và Thái Lan đã đi trước hàng chục năm. Ở những nơi khác như Hàn Quốc và Singapore thì thậm chí yếu tố “phát triển” còn không cần thiết phải nêu ra vì đã mặc nhiên được liên kết từ trước trong cách hiểu về truyền thông. Đây là một khoảng cách rất xa mà mỗi sinh viên Việt Nam nếu có ý định đi sâu vào con đường nghiên cứu khoa học cần phải lường trước và định hướng cho bản thân.

Giáo trình truyền thông của Giáo sư Littlejohn1 dành riêng một chương để bàn với độc giả coi sinh viên truyền thông là như thế nào. Trước hết, phương pháp giáo dục khai phóng - liberal arts được coi là nền tảng cơ bản, tức là chú trọng đến việc học viên tích lũy kiến thức nhiều chiều từ nhiều lĩnh vực khác nhau, tự nâng cao trình độ mà giảng viên chỉ là người hướng dẫn hơn là dạy dỗ. Theo đó, bằng cử nhân là cột mốc để xác định trình độ về nhân sinh quan và tư duy sáng tạo, dù có trọng tâm chính nhưng bao gồm thêm nhiều ngành nghề khác nhau, từ nghệ thuật, công nghệ, văn học cho đến khoa học nhân văn và ngôn ngữ, lịch sử, tư duy phê phán. Đây cũng chính là sự phát triển của cá nhân để đạt đến mức có khả năng thấu hiểu

1. Xem Littlejohn, Stephen W. và Karen Foss: Theories of Human Communication, Cengage Learning, 2008.

211

trải nghiệm của mình, tăng năng suất, biết giải quyết vấn đề bằng phương pháp phân tích để điều chỉnh các thay đổi trong cuộc sống. Bất kể độc giả đang là sinh viên chuyên ngành truyền thông, hay từ ngành khác muốn đọc thêm để mở rộng kiến thức, thì yêu cầu lớn nhất về thời gian là học viên cần phải dành để quan sát và nghiên cứu sự tương tác xã hội của con người, nhìn trực tiếp vào các mối quan hệ, hay phương tiện để truyền đạt các mối quan hệ đó, hoặc qua ngôn ngữ và ký hiệu. Khi đó chúng ta sẽ nhận thấy rằng giao tiếp là vấn đề quan trọng trong cuộc sống xã hội và chính trị hằng ngày, mà tiếp theo đó là các nghề nghiệp phù hợp cho bản thân mình trong đó. Cách tốt nhất để tự đánh giá trình độ bản thân sau khóa học hay cuốn sách này là khả năng đánh giá các mối quan hệ tương tác trong cuộc sống hằng ngày, hiểu được rằng cá tính và nhân cách của mình đã được hình thành như thế nào qua các mối quan hệ với những người khác. Từ đó chúng ta có thể khái quát lên thành các quy luật tác động trong xã hội, cũng như thay đổi cách sử dụng ngôn từ hay biểu tượng và diễn đạt để tạo ra ảnh hưởng, và nhận biết tác động của mình lên cá nhân và nhóm như thế nào. Ở mức cao hơn, đó chính là nhận thức về vị trí và hiệu ứng của phương tiện truyền thông trong xã hội và cơ cấu chính trị. Giáo trình này đã cung cấp cho chúng ta một số công cụ đơn giản để thấu hiểu những điều như là giới hạn và quyền lực của loại hình truyền thông cụ thể, cũng như các loại hình khán giả, để từ đó xác định ra loại hoạt động phù hợp nhất cho tiêu chí và khả năng của bản thân. Tùy thuộc vào hệ tư tưởng cụ thể mà nhà truyền thông sẽ chú trọng vào một khía cạnh

212

nào đó nhiều hơn các góc cạnh còn lại để mà tư duy và vận động trong không gian thực tiễn.

Đối với riêng bản thân mỗi chúng ta, theo trình bày của chuyên gia trong ngành PR Andy Green1, thì suy nghĩ của ta sẽ điều khiển toàn bộ các hoạt động giao tiếp - communication. Khi suy nghĩ được nâng cấp thì hoạt động giao tiếp cũng tăng hiệu quả theo, tức là sức mạnh truyền thông của cá nhân cũng được gia tăng và lan tỏa nhanh trong mạng xã hội - hiện tượng đang được ghi nhận trong giai đoạn hiện nay. Như vậy, để tăng hiệu quả cho chiến lược tiếp thị hay quảng cáo và dẫn dụ khách hàng, điều cần thiết nhất không đơn thuần là học kỹ năng truyền thông, mà chính là nâng cấp trình độ tư duy truyền thông cho chính bản thân mỗi chúng ta. Một con số để chúng ta có thể so sánh là mỗi phút não của chúng ta có thể xử lý được 500 bits thông tin có ý thức, nhưng đến 2 triệu bits vô thức, tức là cơ thể chỉ có thể xử lý được một lượng rất nhỏ thông tin và cũng chỉ kiểm soát được một lượng rất nhỏ các loại tín hiệu do cơ thể phát ra. Chỉ cần luyện tập để gia tăng khả năng xử lý thông tin và điều động tín hiệu của cơ thể là chúng ta đã trang bị thêm được cho mình một khả năng dẫn dụ người khác, tức vận dụng hiệu quả lý thuyết vừa học được từ cuốn sách này về truyền thông phát triển vào cuộc sống, cho bản thân, và cho mọi người, nhằm giúp xã hội thêm tiến bộ.

1. Xem Green, Andy: Effective Personal Communication Skills for Public Relations, CIPR, Kogan Page, London, 2006.

213

TÀI LIỆU THAM KHẢO

A- TIẾNG VIỆT:

1. Nguyễn Ngọc Bạch: Một đời sân khấu, Nxb. Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2004.

2. Đặng Vân Chi: Vấn đề phụ nữ trên báo chí tiếng Việt trước năm 1945, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2008.

3. Nguyễn Quang Khải, Nguyễn Quang Khánh (Chủ biên): Văn miếu Bắc Ninh - kỷ yếu hội thảo, Ủy ban nhân dân thị xã Bắc Ninh, Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Bắc Ninh, 1999.

4. TS. Lê Thanh Hải: Giá trị thặng dư trong nền kinh tế nối kết, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016.

5. Thái Thu Hoài: Văn hóa - Những góc nhìn đa diện, Nxb. Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, 2016.

6. Phan Ngọc: Bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2001.

7. Hữu Thọ: Công việc của người viết báo, tái bản lần thứ ba, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2000.

8. Trần Lê Hoa Tranh: Những đổi mới trong hoạt động ngoại khóa môn văn ở các trường phổ thông trung học trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, Hội thảo nghiên cứu và dạy học

214

ngữ văn trong nhà trường - từ truyền thống đến hiện đại, Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 28-4-2017.

9. Trần Quốc Vượng: Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2010.

B- TIẾNG NƯỚC NGOÀI:

1. BBC: Editorial Guidelines, British Broadcasting Cooperation, bản cập nhật miễn phí trên mạng ở địa chỉ www.bbc.co.uk/editorialguidelines

2. deNora, Tie: Music in Everyday Life, Cambridge University Press, 2004.

3. Goban-Klas, Tomasz: Media I komunikowanie masowe - Teorie i annalizy prasy, radia, telewizji i Internetu, PWN, Warszawa, 2000.

4. Hopfinger, Maryla: Nowe media w komunikacji społecznej w XX wieku, Oficyna Naukowa, Warszawa, 2005.

5. McQuail, Denis: Mass Communication, London, Sage, tái bản lần thứ 6, 2010.

6. Hall, Stuart et al cb: Culture, Media, Language: Working Papers in Cultural Studies 1972-1979, Hutchin, London, 1980.

7. Silverstone, Roger: Media and Morality - On the Rise of the Mediapolis, Polity Press, Cambridge, 2006.

8. McHall, Shawn Frederich: Print and Power: Confuscianism, Communism, and Buddhism in the Making of Modern Vietnam, Nxb. Đại học Hawaii, Honolulu, 2004.

9. Tomasello, Michael: Origins of Human Communication, MIT Press, 2008.

215

10. Littlejohn, Stephen W và Karen Foss: Theories of Human Communication, Cengage Learning, 2008.

11. Searcy, William A. và Stephen Nowicki: The Evolution of Animal Communication - Reliability and Deception in Signalling System, 2005.

12: Pease, Alan: Body Language: How to Read Others’ Thoughts by Their Gestures, SPCK Publishing, 1988.

13. Peycam, Philippne M.F: The Birth of Vietnamese Political Journalism: Saigon 1916-1930, New York: Nxb. Đại học Columbia, Trần Đức Tài dịch sang tiếng Việt 2015, Làng báo Sài Gòn, Nxb. Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2012.

14. Sztompki, Piotr và Malgorzata Boguni-Borowska: Fotospoleczenstwo - Antologia tekstow z socjologii wizualnej, Znak, Krakow, 2012.

15. Olechnicki, Krzystof: Antropologia obrazu, Oficyna Naukowa, Warszawa, 2003.

16. Barley, Norton: Son for the Spirits - Music and Mediums in Modern Vietnam, University of Illinois Press, 2009.

17. Herzfeld, Michael: Cultural Intimacy: Social Poetics in the Nation-State, Psychology Press, 1997.

18. Huntington, Samuel: The Clash of Civilizations and the Remaking of World Order, Simon & Schulter, 1996.

19. Mefalopulos, Paolo: Development Communication Sourcebook - Broadening the Boundaries of Communication, The World Bank, Washington DC, 2008.

20. McCall, Elizabeth: Communication for Development - Strengthening the effectiveness of the United Nation, UNDP, 2011.

216

21. Mitsui, Toru & Shuhei Hosokawa chủ biên: Karaoke around the world - Global technology, local singing, Routhledge, 1998.

22. Flor, Alexander G.: Introduction to Development Communication, University of the Philippines Open University, 2006.

23. Flor, Alexander G: Development Communication Praxis, University of the Philippines Open University, 2007.

24. Green, Andy: Effective Personal Communication Skills for Public Relations, CIPR, Kogan Page, London, 2006.

25. Castells M: [Xã hội mạng] Społeczeństwo sieci, PWN Warszawa, 2010.

217

Index

Symbols20/80 152

AAndy Green 212

CCông nghệ truyền thông 53Cultural studies 26, 214

DDenis McQuail 22Diễn ngôn 67, 74

HHữu Thọ 22, 213

IIcon 50

KKaraoke 8, 24, 175, 185, 216Khách quan 77, 81, 82

218

Không gian công 34, 67, 68, 159Kinh tế nối kết 5, 12, 13, 15, 28, 29, 46, 58, 59, 122, 200, 213K-pop 8, 27, 97, 175, 179, 180, 218Kỹ năng giao tiếp 207

LLý thuyết trò chơi 40

MMarshall McLuhan 32, 64

NNguyễn Quang Thạch 161, 163, 164Nhà sản xuất 23, 54, 75, 79, 82, 110, 142, 182, 183, 184, 201, 205Nối kết 5, 7, 12, 13, 14, 15, 17, 24, 28, 29, 46, 58, 59, 68, 95, 96, 100, 119, 120, 121, 122, 124, 127, 128, 129, 131, 134, 153, 157, 163, 167, 200, 201, 205, 206, 213

PPhan Ngọc 16, 136, 213Phát triển 41, 127, 131, 159Philippines 9, 11, 175, 176, 177, 178, 179, 181, 182, 187, 194, 209, 210, 216

RRichard Dawkins 40Roger Silverstone 26, 126

219

SSamuel Huntington 133Shawn McHall 66Stephen Littlejohn 32, 33SWOT 106, 107, 148, 150

TTín hiệu 17, 23, 24, 35, 37, 38, 39, 40, 43, 47, 53, 54, 55, 56, 82, 115, 116, 120, 121, 139, 149, 181, 206, 207, 212Tổ chức biểu diễn 183, 184Truyền thông 5, 6, 9, 10, 18, 21, 25, 31, 33, 34, 44, 45, 58, 61, 70, 72, 127, 138, 168, 174, 183, 188, 193, 194, 209Truyền thông đại chúng 9Truyền thông đa phương tiện 11, 24, 35Truyền thông phát triển 5, 10, 33, 72, 127, 174, 188, 194, 209Truyền thông xã hội 23, 159

VVốn văn hóa 153, 157, 159Vốn xã hội 153, 156

220

Chịu trách nhiệm xuất bảnQ. GIÁM ĐỐC - TỔNG BIÊN TẬP

PHẠM CHÍ THÀNH

Chịu trách nhiệm nội dungPHÓ GIÁM ĐỐC - PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

PGS. TS. VŨ TRỌNG LÂM

Biên tập nội dung: NGUYỄN ĐỨC BÌNHTrình bày bìa: NGUYỄN ĐOÀNChế bản vi tính: NGỌC NAMSửa bản in: CHI NHÁNH TP. HỒ CHÍ MINHĐọc sách mẫu: PHÒNG BIÊN TẬP KỸ THUẬT

In 700 cuốn, khổ 14,5 x 20,5cm, tại Xí nghiệp in FAHASA, địa chỉ: 774 Trường Chinh, phường 15, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh. Số đăng ký xuất bản 3255-2017/CXBIPH/15-128/CTQG. Quyết định xuất bản số 2129-QĐ/NXBCTQG ngày 28-9-2017. In xong và nộp lưu chiểu tháng 11-2017.

Mã số ISBN: 978-604-57-3526-8.