22
SO SÁNH THIÊN CHÚA BA NGÔI VỚI TAM THÂN PHẬT Bài thi giữa học kỳ 7 năm thứ 4 MÔN TRIẾT HỌC TÔN GIÁO Sinh viên Nguyễn Quý Hoàng Mã số sinh viên DTTX 1087 GV hướng dẫn TT TS. Thích Giác Duyên HỌC VIỆN PHẬT GIÁO VIỆT NAM TẠI TP.HCM

So Sánh Thiên Chúa 3 Ngôi Với Tam Thân Phật

Embed Size (px)

DESCRIPTION

So sánh 3 ngôi và Tam Thân

Citation preview

Page 1: So Sánh Thiên Chúa 3 Ngôi Với Tam Thân Phật

SO SÁNH THIÊN CHÚA BA NGÔI VỚI TAM THÂN PHẬT

Bài thi giữa học kỳ 7 năm thứ 4

MÔN TRIẾT HỌC TÔN GIÁO

Sinh viên Nguyễn Quý Hoàng

Mã số sinh viên DTTX 1087

GV hướng dẫn TT TS. Thích Giác Duyên

HỌC VIỆN PHẬT GIÁO VIỆT NAM TẠI TP.HCM

2013

Page 2: So Sánh Thiên Chúa 3 Ngôi Với Tam Thân Phật

NHẬN XÉT CỦA GIẢNG VIÊN

Page 3: So Sánh Thiên Chúa 3 Ngôi Với Tam Thân Phật

Dàn bài

A. Dẫn nhập

1. Ý nghĩa & lý do chọn đề tài

2. Giới hạn đề tài và phương pháp nghiên cứu

3. Lịch sử nghiên cứu vấn đề

4. Cấu trúc bài viết

B. Nội dung

I. Thiên Chúa 3 ngôi

1. Khái niệm

2. Một số quan điểm triển khai

3. Vị trí và Ý nghĩa thực tiễn của tín điều Thiên Chúa 3 ngôi trong niềm tin của người Ki tô hữu.

II. Tam thân Phật

1. Khái niệm và lịch sử hình thành

2. Mối Liên quan giữa Ứng thân, Báo thân và Pháp thân

3. Ý nghĩa

III. Sự tương quan và khác biệt giữa Thiên Chúa 3 Ngôi và Tam Thân Phật

1. Khảo sát sự giống nhau

2. Khảo sát sự khác biệt

IV. Nhận xét đánh giá của người viết về sự khác biệt

1. Nhận xét về mối tương quan

2. Giá trị vận dụng trong tu tập của hai khái niệm

C. Kết luận

Tài liệu tham khảo

Page 4: So Sánh Thiên Chúa 3 Ngôi Với Tam Thân Phật

A. Dẫn nhập

1. Ý nghĩa và lý do chọn đề tài

Khái niệm Thiên chúa 3 ngôi (Trinity) đã bắt đầu được hình thành từ phong trào thần học đầu thế kỉ thứ 4 sau công nguyên tại Ai Cập, Syria và Tiểu Á, đây là những quốc gia thuộc đế quốc La mã chịu ảnh hưởng rất mạnh của Ki tô giáo. Christophe Colombus, một tín đồ Thiên Chúa giáo thuần thành, đã đặt tên cho hòn đảo ông đến đầu tiên là “Trinidad” (bắt nguồn từ chữ Trinity), tức là Chúa Ba Ngôi trong cuộc khởi hành lần thứ 3 của ông vào năm 1498.

Tam thân Phật (Trikāya) - một thuật ngữ Sanskrit thể hiện các mức độ biểu hiện và hoạt động của chư Phật xuất hiện cùng lúc với trường phái Nhất thiết hữu bộ sarvāstivādin vào khoảng 300 năm sau khi Phật nhập diệt.

Như vậy, tín điều Thiên Chúa Ba ngôi (Trinity) – nói về 3 mặt hoạt động của Thiên Chúa là một khái niệm thuộc thần học Thiên Chúa giáo, còn Học thuyết Tam thân Phật (Trikaya) – đề cập đến các mức độ thể hiện của Phật thân là quan niệm có nguồn gốc từ Phật giáo Đại thừa 1.

Giáo lý Tam Thân (Buddha’s Trikaya) đã được xem như là lý thuyết hiện thân (avatàra-incarnation), đã chấp nhận các Bồ Tát, thậm chí ngay cả Ðức Phật Gotama (Cù Ðàm), là một loại thần thánh2, chính vì điều này, giáo sư hướng dẫn đã đề nghị người viết làm công việc so sánh giữa 2 khái niệm cùng mang một ý nghĩa “thần” ở mức độ cơ bản nhất này.

2. Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp so sánh và phương pháp lịch sử sẽ được sử dụng chính để nghiên cứu đề tài, tuy nhiên, các phương pháp khác như phân tích, tổng hợp và chứng minh bằng văn bản Kinh Thánh cũng được sử dụng trong các đoạn văn cần thiết.

3. Lịch sử nghiên cứu vấn đề

Hiện chưa có bài nghiên cứu so sánh về đề tài này trong nước, tại nước ngoài thì thấy có một bài nghiên cứu của J.C. Cleary - Trikaya and Trinity, The Meditation of the Absolute đăng trên trang web http://www.jstor.org/discover.

4. Cấu trúc của bài viết

Nội dung bài viết được chia thành 4 chương như sau:

- Thiên Chúa 3 ngôi

- Tam Thân Phật

- So sánh Thiên chúa 3 ngôi và Tam thân Phật

- Nhận xét đánh giá của người viết

1 J.C Cleary, Trikaya and Trinity- The Meditation of Absolute 1986 (http://www.jstor.org/discover)2 TT Thích Viên Trí- Khái niệm về Bồ tát Quán Thế âm (http://www.quangduc.com/botat/22quantheam7.html)

Page 5: So Sánh Thiên Chúa 3 Ngôi Với Tam Thân Phật

B. Nội dung

I. Thiên Chúa 3 ngôi (Trinity)

1. Khái niệm

Ba ngôi Thiên chúa được hiểu là đức Chúa cha, Chúa con (Jesus) và Chúa Thánh Thần, cả ba ngôi đều có cùng một bản tính Thiên chúa nhưng lại có 3 nguyên lý hành động khác biệt nhau, một bản tính và ba ngôi vị, chỉ có một bản tính chung cho 3 ngôi. Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm trọng tâm của đức tin Kitô hữu.

Ngôi thứ nhất- đức Chúa Cha, là đấng tạo dựng trời đất muôn loài muôn vật. Theo Cựu ước, Thiên Chúa không trực tiếp giao tiếp với con người mà thông qua các tổ phụ và thiên sứ như Moisen, Abraham, Jacob….

Đến thời kì Tân ước, Thiên Chúa sai con một đồng bản tính Thiên Chúa đến trực tiếp giao tiếp với con người, Đức Chúa Con (Chúa Giêsu) được xem như Ngôi thứ hai, Đấng cứu độ nhân loại, và đã Phục Sinh để khơi nguồn hy vọng mở lối về trời cho nhân loại

Ngôi Thứ ba, Đức Chúa Thánh Thần, Đấng kiện toàn và canh tân, Đấng soi sáng cho con người. Giống như trong vũ trụ có một năng lực không ngừng quy tụ và thăng tiến, Thần Khí Chúa Thánh Thần hiện diện và nội tại trong toàn thể của 3 ngôi tạo thành.

Tuy nhiên đã có sự tranh cãi về bản tính Thiên chúa của ngôi 2 nhập thể (Chúa Jesus) bắt đầu từ 3 thế kỉ đầu sau công nguyên, một số ý kiến cho rằng chỉ có Đức Chúa Cha là Chúa Trời thật, ngôi lời nhập thể Jesus là một loài thụ tạo như bao nhiêu con người khác nên không mang bản tính Thiên Chúa, một số quan điểm khác tỏ ra dung hòa hơn cho rằng Chúa Jesus cũng là Thiên Chúa vì Con có cùng bản tính với Cha, nhưng Chúa Cha có ngôi vị cao hơn Chúa Con, phong trào thần học bắt nguồn từ các tín đồ đã lan rộng đi khắp nơi. Nhưng đến năm 451 sau CN tại Công đồng Calcedonia giáo hội Thiên Chúa giáo đã khẳng định Đức Kitô có đồng bản tính Thiên Chúa như đức Chúa cha

Mầu nhiệm chúa 3 ngôi là một mầu nhiệm khó hiểu, cũng như con số 3 cũng là một con số gắn liền với cuộc đời chúa Jesus, Chúa sống 33 năm; bắt đầu rao giảng lúc 30 tuổi; và chỉ rao giảng có 3 năm, Chúa hấp hối đúng 3 giờ trên thập giá và 3 ngày sau khi chết, Chúa sống lại theo Kinh Thánh.

Kinh Thánh đã cung cấp vài dữ kiện về mạc khải mầu nhiệm Thiên Chúa:

- “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa (Đức Chúa Cha) sáng tạo trời đất. Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và Thần Khí Thiên Chúa (Chúa Thánh Thần) bay lượn trên mặt nước.” (St.1,1-2)

Page 6: So Sánh Thiên Chúa 3 Ngôi Với Tam Thân Phật

- “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời (Đức Chúa Cha). Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa. Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành.” (Ga.1,1-3)

- “ Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một (Chúa ngôi 2 Jesus), để ai tin vào Con của Người thì không phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga.3,16) 

- “Chúa Cha ở trong tôi (Jesus) và tôi ở trong Chúa Cha.”  (Ga 10,38), và “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha.” (Ga 14,9)

Từ các cơ sở Kinh Thánh nêu trên, giáo hội Thiên Chúa giáo đứng đầu bởi Đức giáo Hoàng La Mã đã công bố các vấn đề liên quan đến 3 ngôi Thiên Chúa trong các Công Đồng –là đại hội đại biểu các tu sĩ các nước trên thế giới như sau:

- Công Đồng thứ nhất Nicea Thuộc Tiểu Á vào năm 325, khẳng định rằng Chúa Con Jesus "đồng bản thể" với Chúa Cha.- Công Đồng Constantinopoli I năm 381 tuyên xưng về thiên tính của Chúa Thánh Thần.- Công Đồng Epheso vào năm 431, khẳng định lại giá trị của Công đồng Nicea.- Công Đồng Calcedonia năm 451 tuyên bố Đức Kitô một ngôi vị và hai bản tính, nhân tính và Thiên Chúa.- Công đồng Vatican II (1962-1965) đã trình bày giáo lý mặc khải của Thiên Chúa trong Hiến Chế tín lý mở đầu bằng hai chữ DEI VERBUM tiếng La Tinh nghĩa là Lời Thiên Chúa, khẳng định rằng Đức Jesus là Ngôi lời nhập thể “ Người được sai đến với loài người, phán dạy những lời của Thiên Chúa” (Jo 3,34) và hoàn tất công cuộc cứu rỗi mà chúa Cha đã giao Ngài thực hiện (cf Jo 5,36;17,4) 3

Và Kinh Tin Kính - công thức tuyên xưng ngắn gọn của các tín hữu Kitô , thể hiện niềm tin về 3 ngôi Thiên Chúa được hình thành như là kết quả của bốn công đồng chung Nicea, Constantinopoli, Epheso, và Calcedonia nêu trên.

Kế hoạch cứu độ là công trình chung của Ba Ngôi Thiên Chúa, bởi vì bản tính Thiên Chúa là một, nên Ba Ngôi chỉ có cùng một hoạt động. Nhưng đồng thời sự duy nhất không được làm lu mờ căn tính riêng biệt của từng ngôi vị.

2. Một số quan điểm triển khai về Thiên Chúa 3 ngôi

Thánh Phaolo tông đồ được xem là người xác lập đức tin Kitô Giáo. Đức tin này hoàn toàn dựa trên cái gọi là "sự mặc khải (revelation) và vượt ra ngoài mọi sự lý luận. Đức tin Kitô Giáo của Paul có thể được tóm tắt như sau: Chúa Jesus là con Thiên Chúa, đã xuống thế gian làm người, chịu nạn chịu chết để chuộc tội tổ tông. Ba ngày sau, Ngài đã đã sống lại và lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha.

3 LM Latourelle s.j Chúa Kyto dấu chỉ mặc khải, trong Tuyển tập Thần học số 1 năm 1968, Giáo Hoàng học viện Pio X

Page 7: So Sánh Thiên Chúa 3 Ngôi Với Tam Thân Phật

Trong khi đó, Thánh Gioan đã đưa ra quan niệm Chúa Con là Ngôi Lời, vì người là ý tưởng của Chúa Cha, do đó ngang hàng với Chúa Cha. Chúa Thánh Thần là một Ngôi Vị phát sinh từ tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con. Như vậy Ba Ngôi vị đều là Thiên Chúa; đều có cùng bản tính Thiên Chúa; đều cực thánh, toàn năng. Trong Tin Mừng Gioan (Ga 1, 1) đưa ra một hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, với bản thể huy hoàng và rực rỡ.

Đến thời kì các giáo phụ, thánh Augustino (254-330) là một khuôn mặt nổi bật khi ông đưa triết học vào thần học Thiên Chúa giáo, trong cuốn luận đề về Chúa 3 ngôi (De Trinitate) Augustine so sánh đời sống tinh thần của con người có 3 đặc tính là sự hiểu biết, ký ức và ý chí giống như Ba ngôi Thiên Chúa. Ông đưa ra một định nghĩa: Thiên Chúa không phải là một thực tế khách quan mà là sự hiện hữu thuộc tinh thần trong chiều sâu phức tạp của bản thân Ngài. Ông cũng cho rằng, Chúa Cha là một Thiên Chúa khắc nghiệt, Chúa Con là một Á thánh, Chúa Thánh Thần là Tình Yêu cao vời nối kết Chúa Cha và Chúa Con, và nối kết chúng ta với các Ngài. Triết học Hy Lạp ít nhấn mạnh đến khía cạnh này hơn, nhưng cũng gặp gỡ triết học La Tinh, khi bàn đến Thánh Thần như là cùng đích, là sự hoàn tất trong Ba Ngôi.

Sau đó, Thánh Thomas Aquinas (1225-1274) giải thích sự "tương giao" như là nguồn gốc của sự phân biệt giữa Ba Ngôi; và đã xác định rõ rệt hơn khái niệm triết học về "ngôi vị". Khi nói đến tác động ngoại tại của Ba Ngôi, Thánh Thomas dựa vào Tân Ước để nói đến sứ mạng: Chúa Con được Cha sai đến thế gian, Thánh Thần được Chúa Cha và Chúa Con sai đi. Ngài cũng cho rằng có sự hiện diện của Ba Ngôi trong tâm hồn của các tín hữu sống trong ơn nghĩa Chúa.

Và mặc dù, các Thánh đã cố gắng triển khai mọi mặt của 3 ngôi Thiên Chúa nhưng vẫn gây ra sự đau đầu cho các tín đồ muốn tìm hiểu về mầu nhiệm này, cuối cùng đã phải tuyên bố Thiên Chúa Ba Ngôi là một sự huyền nhiệm tuyệt đối chỉ có thể chấp nhận bằng đức tin và hiểu được qua sự mạc khải của Thiên Chúa chứ không thể nhận ra bằng lý trí bình thường của con người. Phật giáo cũng rất chú trọng đến điều này và cho rằng chân lý nằm ngoài sự diễn đạt của các ngôn từ, ngôn từ qui định chỉ nằm trên bình diện tục đế, chân lý trên bình diện chân đế chỉ có thể được hiểu thông qua “trí tuệ” bát nhã.

3. Vị trí và Ý nghĩa của tín điều Thiên Chúa 3 ngôi

Thứ nhất giáo huấn về mầu nhiệm chúa 3 ngôi chủ yếu được triển khai trong mục một của kinh Tin kính Thiên Chúa giáo:

-"Tôi tin kính Đức Trời là Cha phép tắc vô cùng, dựng nên trời đất"-“Tôi tin kính Đức Chúa Giêsu Kitô là Con Một Thiên Chúa, sinh bởi Ðức Chúa Cha từ trước muôn đời”-“Tôi tin kính Ðức Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và là Ðấng ban sự sống, Người bởi Ðức Chúa Cha và Ðức Chúa Con mà ra”

Page 8: So Sánh Thiên Chúa 3 Ngôi Với Tam Thân Phật

Thứ hai, Thiên Chúa 3 ngôi được thể hiện trong khi làm dấu Thánh giá của các tín đồ Thiên Chúa giáo, bắt đầu từ trán (Chúa cha) xuống ngực (Chúa con) và 2 bên vai ( Chúa Thánh thần).

Tuy nhiên đó là cách tiếp cận mầu nhiệm 3 ngôi theo niềm tin thuần túy, nhưng ngày nay người ta thích tiếp cận mầu nhiệm Thiên Chúa dưới khía cạnh lịch sử cứu độ hơn. Có nghĩa là nhận biết Thiên Chúa qua các công trình Người thực hiện trong vũ trụ vật chất, cách riêng trong việc nhập thể của Chúa Con và sứ mạng của Chúa Thánh Thần, hay vai trò của Ba Đấng trong chương trình cứu độ con người.

Ý nghĩa

Giáo huấn về Thiên Chúa Ba Ngôi gắn chặt với niềm tin của người Ki Tô hữu vì nó liên hệ đến đời sống của Thiên Chúa mà loài thụ tạo được mời gọi tham dự vào. Nói rõ hơn, giáo huấn này luôn hướng tín đồ Thiên Chúa đến một một phương cách nhận định điều Thiên Chúa dự tính trong kế hoạch cứu độ của Người. Đời sống của người Kitô hữu bao hàm việc nhận biết, yêu mến và phụng thờ Thiên Chúa được mặc khải trong Đức Kitô và hành động phù hợp với mặc khải này.

Các bí tích đưa chúng ta vào gia đình Thiên Chúa và sát nhập chúng ta vào đời sống của Thiên Chúa. Nhờ bí tích rửa tội, các tín đồ Thiên Chúa giáo được "mặc lấy Đức Kitô" (Rm 13,14), đồng hóa với Người. Trong bí tích Thánh Thể, đã có một mầu nhiệm hiệp thông các ngôi vị vừa thần linh vừa nhân loại. Tất cả ý nghĩa của phép Thánh Thể có thể được gồm tóm trong từ "hiệp thông" -hiệp thông với Ba Ngôi Thiên Chúa và hiệp thông với nhau.

Đời sống luân lý Kitô giáo đã thể hiện giáo huấn về Thiên Chúa Ba Ngôi. Một trong những khẳng định cơ bản của giáo lý về Thiên Chúa là con người đã được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa là Đấng đời đời hiện hữu trong sự hiệp thông giữa con người.

Sau hết, đời sống thuộc linh kitô giáo là thể hiện điều chúng ta tin và cách chúng ta cầu nguyện.Chúa Thánh Thần là Đấng thánh hóa chúng ta và dẫn đưa chúng ta vào đời sống của Thiên Chúa.

Hệ quả của giáo lý Thiên Chúa 3 ngôi

Nếu chỉ dựa vào đức tin thì không có gì để nói nhưng nếu phân tích một cách khoa học thì giáo lý này sẽ dẫn tới hiểu lầm rằng Thiên Chúa giáo là một tôn giáo đa thần chứ không phải độc thần4, tuy rằng các nhà Thần học Thiên Chúa có thể giải thích 3 ngôi đóng 3 vai trò khác nhau của một bản thể duy nhất, nhưng luận điểm này cũng không được thuyết phục.

4 Charlie Nguyễn Thiên Chúa Ba Ngôi của Đạo Ki tô (The Trinity God or The Christian God)- http://home.earthlink.net/~charlienguyen/thien_chua_ba_ngoi.htm

Page 9: So Sánh Thiên Chúa 3 Ngôi Với Tam Thân Phật

Theo quan điểm của người viết thì mục đích của việc hình thành lên mầu nhiệm 3 ngôi là để hợp thức hóa thần tính của ngôi 2 Thiên Chúa Jesus mà đã có nhiều quan điểm phủ nhận điều này, nếu không như vậy thì chúa Jesus cũng sẽ chỉ là một con người như bao nhiêu con người bình thường khác, học thuyết 3 ngôi Thiên Chúa này đã gây rối rắm và tạo ra những cuộc tranh cãi thần học không cần thiết trong cộng đồng các tín đồ và tu sĩ Thiên Chúa giáo trong 3 thế kỉ đầu sau công nguyên.

II. Tam Thân Phật (Trikaya)

1. Khái niệm và Lịch sử hình thành Tam Thân Phật

Theo quan điểm của truyền thống Theravada, Đức Phật là một con người lịch sử bình thường, đạt được Phật quả tại Bồ-đề-đạo-tràng (Bodhgayā) do kết quả của việc tu tập. Nhưng đến thời kì phân chia bộ phái thì Đại chúng bộ (mahāsāṅghika) lại không tán thành quan điểm này, họ cho rằng sự xuất hiện của ngài trong thế giới trần gian chỉ là một sự thị hiện để chỉ ra con đường giải thoát cho thế giới (lokadhātu) khi đã thành tựu đủ các ba-la-mật trong những kiếp quá khứ. Kế thừa tư tưởng của Đại Chúng bộ, các nhà tư tưởng Đại thừa như Long Thọ (Nāgārjuna), Vô Trước (asaṅgavà )Thế Thân (Vasubandhu) đã đưa ra quan điểm về sắc thân (Rūpa-kāya) và Pháp thân (Dharma-kāya)-thân do con người giác ngộ thành Phật, sau đó trường phái Du già (Yogācārin) đã đưa ra khái niệm nữa là Báo thân, thân này được các nhà Đại thừa tiếp tục triển khai sau này qua các bản kinh Hoa Nghiêm và Pháp Hoa, tóm lại có 3 thân Phật như sau:

Pháp thân (dharmakaya) là thân xác hoàn toàn thanh tịnh, tinh khiết như là kết quả của quả vị Phật sau một quá trình dài tu tập nhiều kiếp của thái tử Cồ Đàm.

Báo thân (sambhogakaya) là thân do thiện nghiệp và sự giác ngộ của các Bồ Tát mà hoá hiện cho thấy, thuật ngữ saṃbhogakāya được ghép từ chữ saṃbhoga và kāya, là thân kết tinh của trí tuệ và công đức phước báu mà Ðức Phật đã tu tập và thành tựu hạnh nguyện Bồ-tát trong vô số kiếp, là thân vô lượng sắc tướng, vô lượng công đức trang nghiêm không giới hạn mà hàng Bồ-tát Tam hiền, Thập địa mới thấy được. Báo thân là thân thể hiện 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp của Phật.

Ứng thân (nirmanakaya) thuật ngữ nirmāṇakāya được ghép từ chữ nirmāṇa và kāya. Ứng thân còn gọi là hóa thân hay sắc thân (rupa kaya) là cái thân xác theo cơ duyên mà thị hiện.

2. Mối liên hệ Tam thân

Thân thường trụ của Đức Phật gọi là pháp thân có đặc tính vô tướng và vô sắc, đó là nền tảng cho sự hiện diện của báo thân và ứng thân. Trong cuộc đời Ðức Phật, Ngài thị hiện bằng Ứng thân và Báo thân, tu tập để thành tựu Pháp thân, hay nói đúng hơn là trở về với Pháp thân thanh tịnh, với bản thể Chân như.

Page 10: So Sánh Thiên Chúa 3 Ngôi Với Tam Thân Phật

Ứng thân của Đức Phật có thể được thấy xuất hiện trong hai thân khác là báo thân và pháp thân. Báo thân là thân thọ hưởng công đức trí tuệ của vô lượng đức hạnh tu tập 5. Không có Báo thân và Ứng thân thì Pháp thân khó thể hiểu nổi. Ðức Phật đã sử dụng Báo thân của mình thông qua Ứng thân để chỉ đường cho chúng sinh về bến giác, mở ra muôn ngàn cánh cửa phương tiện hóa độ chúng sinh

Sau khi Phật nhập Niết-bàn, nghĩa là Ứng thân chấm dứt nhưng Pháp thân của Ngài vẫn thường còn, luôn hiển hiện bên chúng ta, được biểu hiện qua tinh thần từ bi, trí tuệ và bình đẳng, biểu hiện qua đường lối tu tập giác ngộ giải thoát, đời sống đạo đức thánh thiện được các thế hệ tiếp nối và kế thừa.

Bậc giác ngộ trong ứng thân của Đức Phật lịch sử vẫn là một thân với Pháp thân vô tướng và Ứng thân không thể thấy được

3. Ý nghĩa

Đại-thừa đặt thành phương trình Pháp thân là đồng với Tánh-không. Đây là chân lý và trí tuệ đó là hoàn hảo. Nhận thức đúng đắn rằng Tánh-không không phải là trạng thái phủ định hoặc tĩnh lặng, mà Tánh-không là hoạt động tích cực và diệu dụng liên tục liên quan đến chân lý (Pháp). Không có một sự vật, hiện tượng nào rời bản thể Chân như, và bản thể Chân như luôn luôn biểu hiện qua sự vật hiện tượng, vì thế mà kinh điển gọi Pháp thân hay bản thể Chân như là Tỳ-lô-giá-na, Biến nhất thiết xứ. Vì thế mà nói ai thấy Pháp là thấy Phật.

Điều này cho thấy quan điểm Phật thân của Đại-thừa rằng Đức Phật là đồng với chân lý tuyệt đối hay Tánh-không. Như ở trên Như lai đã nói: "Ai thấy pháp là thấy Ta" và pháp là đồng với Tánh-không, chân lý tuyệt đối, trí tuệ của Tánh-không không thể nhận thức được hay là trí tuệ Ba-la-mật. Và Đại-thừa nhấn mạnh rằng pháp thân, thực thể vô tận của tuệ giác là siêu việt hơn sắc thân (Ứng thân) của Đức Phật6

Có quan điểm cho rằng tất cả các đệ tử Phật ở khắp năm châu hành đạo theo pháp Phật đều tiêu biểu cho Hóa thân của Phật7, các Đức Phật vào Niết bàn, bỏ thân tứ đại ngũ uẩn, chì còn Như Lai thân, hay Bồ tát Pháp thân thì không nói được cho chúng sinh nên cần phải xuất hiện bằng Ứng Thân để cứu độ chúng sinh.

III. Sự tương quan giữa Tam Thân Phật và Thiên Chúa 3 ngôi

1. Khảo sát sự giống nhau

5 Thiện Tài- Tam Thân Phật (http://www.giacngo.vn/phathoc/luockhao/2012/05/19/365052/)6 Thích Nữ Giới Hương- Bồ Tát và Tánh Không trong kinh tạng Pali và Đại Thừa (http://www.thuvienhoasen.org)7 Ý Nghĩa Hóa Thân Phật Thuyết Pháp (http://www.daotrangphaphoa.net)

Page 11: So Sánh Thiên Chúa 3 Ngôi Với Tam Thân Phật

- Về mặt con số: cả 2 khái niệm Tam Thân Phật và Thiên Chúa 3 ngôi đều là 3 mặt của một bản thể. Một bên là 3 ngôi vị có cùng một bản thể Thiên Chúa, bên kia là 3 thân của một vị Phật.

- Cả 2 học thuyết đều mang tính chức năng hoạt động. Ba ngôi Thiên Chúa thể hiện 3 chức năng khác nhau trong công trình sáng tạo và cứu chuộc con người. Báo Thân và Ứng Thân tùy cơ duyên mà thị hiện cũng mang một chức năng hóa độ chúng sinh. Ứng thân (Nirmakaya) thị hiện theo cơ duyên để hóa độ chúng sinh có thể xem giống như ngôi 3 Thiên chúa Thánh thần, đấng soi sáng giúp đỡ cho con người khi cần thiết. Báo thân (sambhogakaya) được xem như tương tự như đức chúa con Jesus.

- Xét về bản thể, so sánh một cách tương đối thì Pháp thân cũng gần tương tự Đúc chúa Cha, đó là bản thể chân như bất sinh bất diệt, vô thủy vô chung.

2. Khảo sát sự khác biệt

- Về mặt Quyền năng: 3 ngôi Thiên chúa được xem như đầy quyền năng, đấng sang tạo ra thế giới, Tam Thân Phật dù ở thân nào cũng chỉ mang tính toàn giác không mang tính toàn năng.

- Về mặt Số lượng: Tam thân của 1 vị Phật duy nhất sẽ khác với 3 ngôi khác biệt và độc lập lẫn nhau – Chúa Cha, Chúa con và Chúa Thánh Thần

- Về tính Phổ quát: Thuyết Tam thân Phật xuất phát từ Phật giáo Phát triển ( Đại thừa), khái niệm này không được công nhận bởi Phật giáo Nguyên thủy ( Tiểu thừa). Trong khi đó, học thuyết ba ngôi Thiên Chúa được toàn thể giáo hội Công giáo trên thế giới chấp nhận, ngay cả những chi nhánh khác như Tin Lành, Chính Thống giáo cũng đồng tình.

- Về Thời gian tính: Thiên Chúa giáo là một tôn giáo hữu thần, 3 ngôi Thiên Chúa là một khái niệm tồn tại vĩnh cửu, trong khi đó Báo thân và Ứng Thân Phật chỉ xuất hiện trong một thời gian nào đó khi có cơ duyên nhằm hóa độ chúng sinh.

- Về Siêu hình tính: Nói đến Thiên Chúa 3 ngôi là muốn nói đến thần tính, hay bản tính Thiên Chúa mang tính vô hình trong khi đề cập đến Báo Thân hay Ứng Thân là đề cập đến khía cạnh vật chất hữu hình ( thân- body). Kinh Thánh ghi nhận rằng: Thiên Chúa là vô hình, “Chưa bao giờ có ai thấy cả” (Ga 1,18)8, cũng chẳng có người nào sờ mó được.

- Về Liên tục tính: Khái niệm Thiên Chúa 3 ngôi là một khái niệm mang tính liên tục, cùng tồn tại song song đó là thần tính của 3 ngôi có cùng một bản thể thiên chúa trong khi đó học thuyết Tam Thân không mang tính liên tục, khi Phật nhập Niết bàn thì chỉ còn có Pháp thân hằng chuyển.

- Về Nhân quả tính: Báo thân với 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp là kết quả mang lại từ quá trình tu tập và chứng ngộ của một vị Phật. Khái niệm nhân quả này

8 LM Nguyễn thế Thuấn -Kinh thánh Tân ước, tin mừng thánh Gioan (Ga 1,18)

Page 12: So Sánh Thiên Chúa 3 Ngôi Với Tam Thân Phật

không xuất hiện trong 3 ngôi Thiên Chúa, 3 ngôi tồn tại song song và ngang bằng từ khởi thủy, ngôi này không phải là kết quả của ngôi kia.

- Về mặt tính chất: 3 ngôi Thiên Chúa, trong đó Chúa cha có lúc phẫn nộ với con người, Chúa Jesus nguyền rủa cây vả9 (Ông Moisen cố làm cho nét mặt ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ông, dịu lại. Ông thưa: "Lạy ĐỨC CHÚA, tại sao Ngài lại bừng bừng nổi giận với dân Ngài, dân mà Ngài đã giơ cánh tay mạnh mẽ uy quyền đưa ra khỏi đất Ai-cập?10) , còn Phật chưa bao giờ nổi cơn thịnh nộ với con người.

- Học thuyết 3 ngôi Thiên Chúa vừa mang tính thần học vừa mang tính vũ trụ luận- nêu lên sự sáng tạo ra thế giới, trong khi học thuyết về Tam thân Phật thì không mang tính giải thích sự hình thành vũ trụ.

IV. Nhận xét đánh giá của người viết về sự tương quan

1. Nhận xét về mối tương quan

Sự so sánh Thiên Chúa 3 ngôi và Tam Thân Phật chỉ mang một ý nghĩa tương đối vì 2 nền tảng của Phật giáo và Thiên Chúa giáo hoàn toàn khác nhau, Thiên Chúa giáo là một tôn giáo hữu thần, mọi sinh vật là loài thụ tạo phải quy phục và thờ phượng một đấng tối cao là Thiên Chúa 3 ngôi, còn Phật giáo không công nhận ảnh hưởng của thần thánh lên con người, con người phải chịu trách nhiệm về những hành động do mình tạo ra, muốn có đầy đủ Tam Thân thì con người phải nỗ lực tu hành để đạt được Phật quả.

Tuy nhiên, một cách tương đối, có thể so sánh 2 khái niệm trên về mặt chức năng hoạt động, sự phân chia 3 ngôi Thiên Chúa nhằm phục vụ cho chương trình cứu độ con người, Ứng Thân Phật xuất hiện nhằm cứu giúp chúng sinh.

Xét về mặt thực tiễn, khái niệm ngôi 2 (Jesus) nhập thể làm người nhằm cứu độ con người khỏi cảnh đau khổ của tội tổ tông, nhưng sau khi Chúa xuống thế cứu chuộc con người thì khổ đau vẫn hoành hành và tiếp diễn trên thế giới này, con người không những không thoát khổ mà còn chịu đau khổ nhiều hơn vì chiến tranh, đói kém vì kinh tế suy thoái. Học thuyết 3 ngôi Thiên Chúa đòi hỏi một niềm tin tuyệt đối trong khi học thuyết về Tam Thân Phật đòi hỏi con người phải nỗ lực tu tập để đạt được quả vị Phật, đạt được quả vị Phật thì sẽ có được Báo Thân và Ứng thân tốt đẹp, Đây không phải là một niềm tin mà là một quy luật, một quá trình mang tính nhân quả, nhân tốt sẽ dẫn đến quả tốt. Thái tử Cồ Đàm với 32 tướng tốt 80 mươi vẻ đẹp là một minh chứng thuyết phục cho quy luật này, nó hoàn toàn có giá trị thực tiễn trong đời sống của con người. Hay nói cách khác thuyết Tam Thân Phật có giá trị thực tiễn cao hơn thuyết Thiên Chúa 3 ngôi.

9 LM Nguyễn Thế Thuấn, Kinh thánh Tân ước Tin mừng theo thánh Marco (Mc 11: 12-14)10 Kinh Thánh Cựu ước, chương 32 xuất hành (http://www.dongcong.net/LoiChua-SuyNiem/SuyNiemNamC/NguyenVanNoi/tn24c.htm)

Page 13: So Sánh Thiên Chúa 3 Ngôi Với Tam Thân Phật

Hơn nữa, vì Ba ngôi Thiên Chúa là một khái niệm vô hình nên mỗi người có thể mô tả Thiên Chúa theo ý riêng, điều này gây ra một sự lệch lạc trong việc nhận thức về Thiên Chúa, Ba ngôi Thiên Chúa thực sự khác với Thiên Chúa mà con người vẽ ra để thờ phượng. Đã là vô hình thì không thể có mặt, mũi và chân tay, mà nếu không có mặt mũi chân tay thì là gì có chuyện “ ghé mắt nhìn”, hay “ra tay cứu độ” như Kinh Thánh Cựu ước vẫn mô tả? vì thế khi nói rằng “ Chúa phán” điều này hay điều nọ thì đó cũng chỉ là những ý tưởng chủ quan của con người mà thôi. Khái niệm “Chúa ở trong Tâm trí con người” sẽ tương đồng với Pháp thân của Phật, trong Tâm con người có Pháp, có Phật. Đây có thể nói là điểm tương đồng được người viết suy luận giữa khái niệm Ba ngôi Thiên Chúa vô hình với Pháp thân của Phật. Bản thể của Đạo đều tại Tâm, bất kì ai ngộ được Chân Tâm thì đều thấy được Đạo.

2. Suy nghĩ về hướng vận dụng trong tu tập

Thiên Chúa Ba ngôi vô hình sẽ dẫn đến một hệ quả là có rất nhiều hình ảnh về Thiên Chúa do con người tạo ra, mỗi dân tộc, mỗi khu vực đều có một hình ảnh Thiên Chúa cho riêng mình, dẫn đến tình trạng phi thực tế của huyền nhiệm Ba ngôi. Con người nhiều khi lại thờ phượng phóng ảnh của chính mình, ích kỉ, thù hận, ganh tị vẫn không hề suy giảm trong đời sống tu đức, việc vận dụng mầu nhiệm Chúa 3 ngôi trong tu đức vẫn còn bị hạn chế. Hơn nữa, mầu nhiệm này lại chủ yếu đặt nền tảng trên niềm tin, mà niềm tin con người là một phạm trù tâm lý, dễ dàng thay đổi theo thời gian.

Trái lại, với khái niệm Phật thân, hình ảnh tốt đẹp của Phật- một con người lịch sử luôn là đối tượng thực tế cho Phật tử chiêm ngưỡng và kính bái. Người học Phật cần phải nỗ lực tu tập để cải tạo bản thân, tu hành để thoát khổ. Muốn có vẻ đẹp của thân xác thì trước hết phải có vẻ đẹp của tinh thần, muốn có vẻ đẹp tinh thần thì phải thực hành nghiêm ngặt Giới Định Tuệ, một lộ trình tu tập rất có hiệu quả của Phật giáo

Tu là sửa, bất kì một giáo lí tôn giáo nào cũng có thể được phân tích, mổ xẻ để áp dụng vào đời sống thực tế, Thần học Thiên Chúa giáo xét cho cùng cũng chỉ là ngón tay chỉ mặt trăng mà thôi. Trong giáo hội Thiên Chúa đã có rất nhiều những nhà Thần học trứ danh như thánh Thomas Aquinas (1224-1274), ngay trong chương mở đầu bộ Tổng luận Thần học tiếng La Tinh (Summa theological) đã nêu rằng “De Deo non possimus scire quid est” (Ia.q1a.1, ad primum) (Về Thiên Chúa chúng ta không thể biết Người là gì), hóa ra Thánh Thoma cũng mù mờ về Thiên Chúa vô hình như bao nhiêu con người khác11. Như thế, lý thuyết không đóng một vai trò quan trọng gì trong tu tập mà vấn đề là phải quán tưởng sâu về các khái niệm, các giáo lý, chỉ khi người tư tưởng và đối tượng tư tưởng hòa lại thành một, lúc đó Pháp hay Phật thân hay Thiên Chúa sẽ hiển bày.

11 LM Thiện Cẩm,OP- Thiên Chúa khác, Nguyệt san Công giáo và dân tộc số 133 năm 2006 trang 12

Page 14: So Sánh Thiên Chúa 3 Ngôi Với Tam Thân Phật

Người viết cho rằng việc so sánh chỉ là giai đoạn đầu (Văn, Tư), quan trọng là phải Tu lấy đó làm đề tài quán tưởng cho đến khi trực ngộ được Phật thân hay Thiên Chúa, có như vậy, việc học sẽ trở nên hữu ích theo đúng quy luật Học, Hành, Thành.

C. Kết luận

Qua phân tích trên có thể thấy rằng có một sự khác biệt rất lớn giữa tín điều Thiên Chúa Ba ngôi và khái niệm Tam Thân Phật của Phật giáo phát triển (Đại thừa), một bên được đặt cơ sở trên niềm tin (Thiên Chúa) , một bên thì dựa vào lý nhân quả (Phật thân). Việc so sánh giữa 2 khái niệm chỉ mang tính tương đối để có thể hiểu rõ hơn bản chất của khái niệm, nêu ra sự khác biệt cũng như sự giống nhau, trong đó người viết thấy rằng Pháp thân tương đồng với bản tính Thiên Chúa, chỉ có thể hiểu được bằng trạng thái trực ngộ, trực chỉ nhân tâm kiến tánh thành Phật. Thiên Chúa giáo dùng từ “mặc khải”, tín đồ trong trạng thái xuất thần do “chiêm niệm” về mầu nhiệm Ba Ngôi, trạng thái này tương đương với trạng thái “Thiền Quán” của Phật giáo nhằm mục đích thấy “Pháp” thấy “Phật”.

Người viết cũng nghĩ rằng, bản chất của Đạo sẽ là như nhau ở cấp độ cao nhất, cấp độ mà mọi tư tưởng, thành kiến đều phải vắng bóng để chân lý được hiển lộ, lúc đó người ta muốn gọi nó là “Pháp Thân” hay gọi là “Thiên Chúa”, người viết cho rằng đều không sai khác.

Page 15: So Sánh Thiên Chúa 3 Ngôi Với Tam Thân Phật

Tài liệu tham khảo

1. J.C. Cleary Trikaya and Trinity - The Meditation of the Absolute 1986 (http://www.jstor.org/discover)

2. Andrew Skilton, tỳ kheo Thiện Minh chuyển dịch- Đại Cương Lịch sử Phật giáo thế giới ( A consise History of Buddhism ) (http://buddhanet.net/budsas/uni/u-lichsupg/lspg04.htm)

3. Thích Nữ Giới Hương- Bồ Tát và Tánh Không trong kinh tạng Pali và Đại Thừa

4. Thiện Tài- Tam Thân Phật (http://www.giacngo.vn/phathoc/luockhao/2012/05/19/365052/)

5. TT Thích Viên Trí- Khái niệm về Bồ tát Quán Thế âm (http://www.quangduc.com/botat/22quantheam7.html)

6. Charlie Nguyễn -Thiên Chúa Ba Ngôi của Đạo Ki tô (The Trinity God or The Christian God)- http://home.earthlink.net/~charlienguyen/thien_chua_ba_ngoi.htm

7. Nguyễn Thế Thuấn, Kinh Thánh (Tân Cựu ước)

8. LM Thiện Cẩm Thiên Chúa khác, Nguyệt san Công giáo và dân tộc số 133

9. Tuyển tập Thần học số 1 năm 1968, Giáo Hoàng học viện thánh Pio X