31
Phần 1: Đứa con của bố Con phải đi. Ở đó, người ta nợ cả con và bố một cuộc đời tốt đẹp. Con hãy sống, hãy trưởng thành, hãy yêu thương như con muốn. Hãy giàu có, hãy sung túc, hãy cười, hãy ăn, hãy hưởng thụ. Hãy sống cuộc đời mà lẽ ra bố phải sống. Con hãy đi và sống cuộc đời đó. Nhưng hãy nhớ rằng, dù con có cố gắng đến như thế nào đi nữa, con vẫn là một căn nhà rỗng. Hoàn toàn rỗng không chẳng có gì. Con hãy thử yêu ai đó – nếu con thích vậy. Nhưng đừng quên, tận sâu trong lòng, căn nhà rỗng là con chẳng thể yêu ai, chẳng thể mở lòng với ai. Chính từ phút giây con ra đời, con từng ngày vô thức xây nên một bức tường thành dày cộp ngăn cách con với thế giới bên ngoài, mà con chẳng cách nào thoát ra. Con chẳng thể thay đổi được gì, đã thật may mắn vì con có bố. Bốn người chúng ta đã có những ngày tháng bên nhau vui vẻ và hạnh phúc. Sự cô độc của con bao trùm những ngày tháng ấy, bố biết. Bố đã cố hết sức để những cô độc ấy của con được sẻ chia nhiều nhất có thể. Như con thường nói, có vẻ như con sinh ra là đã cô độc trên đời. Một ngôi sao xa xăm cùng cực rọi chiếu ánh sáng đến trái đất như một lời cầu cứu, người đứng nhìn là bố chỉ thấy cái quá khứ mấy trăm năm trước của con, có cố gắng thế nào cũng không thể bắt kịp và nhìn thấu con. Bố xin lỗi vì điều đó, dù bố là bố con, hay chính là cái bản ngã trong con người con, là cuộc đời trước của con. Bố phải đi rồi. Bố đi để cho con được sống. Bố đến tìm con để cho con thêm sức mạnh mà sống, mà đi hết cái quãng đường cô độc mà người ta đã định cho con. Con hãy sống. Con hãy sống cho trọn từng ngày cuộc đời tươi đẹp mà người ta nợ bố. Con hãy sống cho hạnh phúc đong đầy sự cô độc. Con hãy sống từng ngày để mà chết. Bố. Tôi có một câu chuyện muốn kể, một câu chuyện cần phải kể. Khi con người ta chịu sự hàm ơn ai đó trong lúc khó khăn, người ta sẽ nhớ

Gấu Trắng

  • Upload
    kha-ai

  • View
    215

  • Download
    0

Embed Size (px)

DESCRIPTION

Câu chuyện của bốn người chúng tôi.

Citation preview

Phần 1: Đứa con của bố

Con phải đi. Ở đó, người ta nợ cả con và bố một cuộc đời tốt đẹp. Con hãy sống,

hãy trưởng thành, hãy yêu thương như con muốn. Hãy giàu có, hãy sung túc, hãy

cười, hãy ăn, hãy hưởng thụ. Hãy sống cuộc đời mà lẽ ra bố phải sống. Con hãy

đi và sống cuộc đời đó.

Nhưng hãy nhớ rằng, dù con có cố gắng đến như thế nào đi nữa, con vẫn là một

căn nhà rỗng. Hoàn toàn rỗng không chẳng có gì. Con hãy thử yêu ai đó – nếu

con thích vậy. Nhưng đừng quên, tận sâu trong lòng, căn nhà rỗng là con chẳng

thể yêu ai, chẳng thể mở lòng với ai. Chính từ phút giây con ra đời, con từng

ngày vô thức xây nên một bức tường thành dày cộp ngăn cách con với thế giới

bên ngoài, mà con chẳng cách nào thoát ra. Con chẳng thể thay đổi được gì, đã

thật may mắn vì con có bố. Bốn người chúng ta đã có những ngày tháng bên

nhau vui vẻ và hạnh phúc. Sự cô độc của con bao trùm những ngày tháng ấy, bố

biết. Bố đã cố hết sức để những cô độc ấy của con được sẻ chia nhiều nhất có

thể. Như con thường nói, có vẻ như con sinh ra là đã cô độc trên đời. Một ngôi

sao xa xăm cùng cực rọi chiếu ánh sáng đến trái đất như một lời cầu cứu, người

đứng nhìn là bố chỉ thấy cái quá khứ mấy trăm năm trước của con, có cố gắng

thế nào cũng không thể bắt kịp và nhìn thấu con. Bố xin lỗi vì điều đó, dù bố là

bố con, hay chính là cái bản ngã trong con người con, là cuộc đời trước của con.

Bố phải đi rồi. Bố đi để cho con được sống. Bố đến tìm con để cho con thêm sức

mạnh mà sống, mà đi hết cái quãng đường cô độc mà người ta đã định cho con.

Con hãy sống. Con hãy sống cho trọn từng ngày cuộc đời tươi đẹp mà người ta

nợ bố. Con hãy sống cho hạnh phúc đong đầy sự cô độc. Con hãy sống từng

ngày để mà chết.

Bố.

Tôi có một câu chuyện muốn kể, một câu chuyện cần phải kể. Khi con người ta

chịu sự hàm ơn ai đó trong lúc khó khăn, người ta sẽ nhớ mọi lời đã hứa, và khi

có thể, người ta thực hiện nó một cách trọn vẹn, toàn tâm toàn ý. Câu chuyện

này là lời hứa đó. Câu chuyện này là tình yêu thương của tôi dành cho con người

đó.

1. Tôi có bố trên đời

Trước tiên, tôi xin giới thiệu về mình. Tôi mười bảy tuổi, là một cô gái với vẻ

ngoài bình thường. Thưở nhỏ, tôi sống trong một cô nhi viện tỉnh lẻ giữa rừng

núi. Ai đó để tôi trước cửa cô nhi viện, hành trang của tôi chỉ vẻn vẹn có bộ quần

áo rách rưới nhỏ xíu ôm lấy cái thân thể chẳng to lớn gì của tôi. Tôi cứ khóc mãi

cho đến khi người bảo vệ mở cửa và ôm tôi vào lòng. Nếu những đứa trẻ khác

còn có được cái tên, thì tôi chẳng có gì. Tôi được người ta quẳng đến thế giới

này rồi bỏ mặc tôi ở đấy, để tôi sinh ra là đã cô độc như đó là điều tự nhiên nhất

trên đời. Tuy vậy, nhờ sự yêu thương của mọi người, tôi vẫn là một đứa trẻ lớn

lên bình thường, tôi vui vẻ, lễ phép và rất chăm học. Tôi đã chẳng thấy cần phải

oán than gì bởi tất cả những đứa trẻ quanh tôi đều không có gia đình, chúng tôi

chia nhau tình yêu của những người “mẹ”, chúng tôi chia nhau nỗi thèm muốn

khi nhìn những đứa trẻ khác có gia đình. Từ lúc nhỏ đến khi tôi mười bảy tuổi,

tôi sống hồn nhiên và vô lo giữa bầu trời và rừng rậm. Chủ nhật cuối cùng của

mỗi tháng, chúng tôi được ngồi trên những chiếc xe buýt nhỏ nhắn xinh xinh chở

ra ngoài phố chơi. Thế giới bên ngoài rộng lớn và ồn ào ấy trái ngược hẳn với

khu rừng thân thuộc, tĩnh lặng của chúng tôi. Nên dù có háo hức khi được đi

chơi thế nào, mỗi đứa chúng tôi vẫn nhất trí với nhau ở rừng, ở cô nhi viện của

chúng tôi là thích nhất.

Nhưng có một chuyện xảy ra đã làm thay đổi cuộc đời tôi mãi mãi. Đến tận bây

giờ, dù đã nhiều lần cố nhưng vô vọng, tôi vẫn chẳng thể xoá hết kí ức về ngày

hôm ấy trong trí mình.

Đó là một buổi chiều tháng tám bình thường như tất cả những buổi chiều tôi đã

trải qua trong đời. Ít ra thì về quan cảnh trông nó là như vậy. Tôi vẫn tưởng như

mình nhìn thấy trước mắt khung cảnh êm đềm thơ mộng của khu rừng nhìn từ

cửa sổ thư viện tầng hai của khu đọc sách. Tôi đã ngồi ở đó suốt buổi chiều, mải

mê đọc Kafka bên bờ biển. Cuốn sách tôi đã đọc đến lần thứ mấy rồi tôi không

đếm, nhưng lần nào đọc tôi cũng bị cuốn theo nó một cách vô thức. Hôm đó là

thứ bảy, thư viện chỉ có mình tôi và cô thủ thư đang lim dim ngủ, gật gù theo

những điệu nhạc xưa lơ xưa lắc phát ra từ cái radio cũ kĩ đang phát chương trình

ca nhạc theo yêu cầu. “Sau đây là bài hát Riêng một góc trời, được chị A gửi đến

anh B với lời nhắn: Em rất nhớ anh, ngày rồi lại ngày những nỗi nhớ lại vơi đi,

rồi lại lấp đầy bởi những nỗi nhớ càng da diết hơn nữa. Em nhớ anh như em đã

từng nhớ, nhớ anh như nhớ về những điều tuyệt vời xưa cũ. Nhưng rồi em chỉ

thấy nỗi đau bao bọc ngày tháng của mình, nỗi đau do nỗi nhớ dài ngày tuyệt

vọng gây ra. Khi anh đi, có lẽ anh đã lấy hết tất cả của em rồi, chỉ để lại một thứ

duy nhất là nỗi nhớ”. Giọng phát thanh viên trầm trầm đều đều, nghe cứ như có

ai đó đang đứng cạnh và rù rì những lời ấy sát tai mình.

Cơn gió nhẹ thổi qua và đồng loạt cây rừng run run cành lá, tiếng xào xạt của lá

va vào nhau là thứ thanh âm quen thuộc đối với chúng tôi, chỉ sau tiếng kẻng

báo hiệu giờ học hay giờ ăn cơm. Cùng chung sống với nhau dưới sự bảo bọc của

khu rừng to lớn, chúng tôi được dạy dỗ phải biết yêu quý lấy khu rừng, và chấp

nhận mọi điều của nó. Người ta còn xây cả một khu thờ riêng biệt để thờ thần

rừng, và mỗi ngày đều có người vào để đốt nhang, quét dọn sạch sẽ. Lũ trẻ

chúng tôi vào những dịp đặc biệt như năm mới, cũng được vào đó để cúi đầu xin

thần rừng ban phước. Chúng tôi phải bảo vệ rừng, như là một cách để bảo vệ

cuộc sống của chúng tôi, và để thể hiện rằng chúng tôi tôn trọng quyền năng

của thần rừng, xin thần yêu thương và dang cánh tay bảo bọc lấy những đứa trẻ

bị bỏ rơi như chúng tôi.

Buổi chiều hôm ấy, nắng vàng nương mình trên tất cả những cành cây ngọn cỏ

trong lòng khu rừng. Tựa hồ như có ai đó đã lấy thứ nắng của đất trời, kì công tô

phết để khu rừng trở nên lấp lánh vàng. Khi có cơn gió thổi qua, thứ màu vàng

kì lạ ấy không hề bị cuốn đi, ngược lại, nó càng bám chặt hơn, để bất cứ cái lá

xanh nào nhìn cũng long lanh, hệt như là nước mắt. Đó là sau này khi nhớ về, tôi

nghĩ vậy. Chứ lúc ấy tôi chỉ đơn giản nghĩ là lá cây bị dát lên một thứ chất lỏng

vàng óng sóng sánh. Thứ chất lỏng kì diệu của đất trời. Nhìn mãi cũng chán, tôi

quay lại với cuốn sách trên tay mình. Tôi đã đọc đến đoạn Nakata chết, và giờ

đây tôi đang nghĩ về ý nghĩa cuộc đời của người đàn ông tội nghiệp ấy. Có lẽ ông

ấy sống là để sửa chữa những sai lầm của người khác, giải thoát người khác khỏi

sự bế tắc của chính họ, nhưng cả đời, ông vẫn không thể sửa chữa sai lầm của

người khác tác động lên ông, ông không thể giải thoát chính mình khỏi sự bế

tắc. Và cuối cùng cái chết trả lại ông con người ông đã mất.

Rồi tôi ngửi thấy mùi khói xộc vào mũi mình. Có tiếng người la hét đầy hoảng

loạn. Bây giờ, tất cả mọi người đều đang ở hội trường lớn nghe các “mẹ” giảng

về tình yêu thương với rừng và với mọi người. Tuần nào chúng tôi cũng phải

tham dự một buổi như vậy, điều đó là bắt buộc. Nhưng tôi đã lẻn ra ngoài và

trốn vào phòng đọc sách, tôi biết mình sẽ bị khiển trách khi người ta phát hiện

ra tôi không có mặt. Đó là lần đầu tiên tôi làm vậy, vì lý do gì tôi chọn hôm ấy

thì tôi cũng không rõ. Cũng như việc người ta quyết định tôi sẽ là trẻ mồ côi khi

bỏ lại tôi một mình trước cửa cô nhi viện, thì đây là việc mà các đấng bề trên, tôi

tin tưởng nhất là thần rừng, thần đã quyết định việc tôi phải như vậy. Việc đó

đồng nghĩa tôi đứng ở đó, trên tầng hai của khu đọc sách nhìn những người thân

thuộc bị chôn chân trong đám cháy. Tôi đứng ở ngoài, họ đứng ở trong. Lửa đã

làm khoảng cách chỉ vài bước chân của họ với thế giới bên ngoài trở thành vạn

dặm. Họ chỉ cần bước vài bước là thoát khỏi đó. Nhưng lửa lấp đầy các lối ra và

dồn họ lại trong vòng vây của riêng nó. Tôi đứng ở ngoài và nhìn họ đang hoảng

sợ, run rẩy và cầu nguyện. Họ không nhìn thấy tôi. Tôi không biết có nên vui

mừng vì điều này hay không. Họ đã chẳng phát hiện ra là có một đứa trẻ đã lẻn

ra ngoài, đã chơi gian trong cuộc đấu tranh giành quyền sống. Khi nhìn thấy tôi

ngoài này, họ sẽ nghĩ gì? Họ sẽ ghét tôi vì đã yêu thương và nuôi tôi lớn lên, dạy

tôi mọi điều, để khi bước vào cuộc đấu tranh thì tôi bỏ họ lại và giành lấy quyền

sống cho riêng mình. Hay họ cảm thấy thật oan ức vì không bỏ ra sớm hơn. Hay

chính tôi sẽ cảm thấy đau đớn và dằn vặt suốt cả cuộc đời vì đã sống, vì đã còn

hít thở trong khi họ chết rồi? Vậy có phải chết là món quà đối với họ và sống là

hình phạt đau đớn mà thần rừng đã dành cho tôi? Tôi không biết, lúc đó cũng

vậy, đến bây giờ cũng vậy.

Đám cháy ngày càng lớn hơn, lửa ngùn ngụt từng cơn giận dữ. Những đụn khói

dày đặc và xám ngoét màu của cái chết cứ được ống khói trút một cách tàn bạo

lên bầu trời. Tôi đã không còn nghe tiếng la hét của họ nữa, có lẽ họ đã không

còn đủ sức để mà la hét, cầu nguyện thành tiếng mà giữ lại trong lòng mình. Cái

chết đã đến gần họ như chỉ cách họ trong gang tấc, cái chết không thể tránh

khỏi được nữa. Hay có lẽ giờ đây họ đã trở thành những đụn khói đầy giận dữ

trên bầu trời kia rồi? Nghĩ đến đó, tôi chỉ biết gập người và quỳ xuống, miệng cứ

mãi lầm rầm những lời cầu nguyện vỡ lòng. Có giọt nước mắt chảy ra và rơi

xuống sàn. Cứ khóc cho thoả thích đi, đây chỉ mới là bắt đầu thôi. Rồi tôi cứ

khóc tiếp.

Trời tối, sau khi đã thoả thuê với cơn giận dữ của mình, đám cháy gần như tắt

hẳn. Chỉ còn lại vài đốm lửa bập bùng như những con mắt của quỷ dữ trong

bóng đêm. Những con mắt ấy đang chú mục vào tôi, chú mục vào kẻ còn sống

đầy tội lỗi là tôi. Tôi không phải là người duy nhất còn sống, vẫn còn cô thủ thư

đang ngồi ngủ gục trên ghế kia. Đầu cô ngoẹo sang một bên, mắt cô nhắm

nghiền, miệng cô hơi mở ra, cái kính gọng tròn trễ xuống đến tận mũi. Cô cứ

ngồi im ở đó không nhúc nhích, nếu không thấy cánh mũi cô đang phập phồng

hít thở, tôi cứ tưởng là cô đã chết rồi. Nhưng cô đã ngủ như thế suốt từ chiều

đến giờ, tôi không biết có ai có thể ngủ gục ngon lành và say sưa như vậy hay

không. Cô làm tôi thấy thật đơn độc và sợ hãi trước màn đêm phủ trùm khu

rừng, và những con mắt của quỷ dữ cứ bập bùng, dường như chúng có thể xông

ra bất cứ lúc nào để tấn công tôi.

Khi tôi nhớ lại toàn bộ cuộc đời mình, thật sự là một thiếu sót lớn nếu không kể

đến ba người. Thêm tôi nữa là bốn – tôi thường gọi là bốn người chúng tôi. Họ

đến gặp tôi, giúp đỡ tôi trong lúc khó khăn và rồi ở lại. Họ thấy ở tôi sự cô độc

hoàn hảo hứa hẹn là một nơi tốt để lẩn trốn vào. Mỗi con người đến theo một

cách riêng biệt, nhưng giữa họ có một điểm chung: bọn họ đều đã từng bị tổn

thương nặng nề, đồng loạt khép mình trước mọi thứ, có người còn ở trong tình

trạng hoảng loạn tột độ. Còn một điểm chung nữa, bọn họ đều không còn sống.

Con người đầu tiên đến với tôi, trong lúc tôi hoảng sợ, đơn độc và cần giúp đỡ

nhất, là bố. Bố không phải là người bố đã sinh ra tôi, bởi tôi là trẻ mồ côi và có

lẽ những người sinh ra tôi cũng không có nhu cầu tìm lại đứa trẻ họ đã bỏ rơi.

Gọi bố cũng không phải vì tên là Bố. Bố là cuộc đời trước của tôi, là bản ngã của

chính tôi trong mọi kiếp đời. Hay nói cách khác, bố chính là tôi. Nhưng bố muốn

tôi gọi như vậy, và cũng vì đó là tiếng gọi mà tôi khao khát được nói mỗi ngày,

nên tôi rất vui lòng. Thế là kể từ ngày hôm đó, tôi biết mình có bố trên đời.

Bố có dáng người thấp bé, tôi không phải là cao, nhưng còn cao hơn bố. Bố mặc

một cái áo choàng dài phủ xuống tới gối dày cộp, hai tay đút vào túi áo choàng.

Gương mặt bố tròn, có hàm ria mép đặc trưng, bố có đôi mắt đầy kiên định. Khi

bố đột ngột xuất hiện, tôi đã thấy rất sợ hãi. Tôi tưởng như những con quỷ dữ với

đôi mắt lửa ấy đã thực sự xông ra rồi. Nhưng bố nhẹ nhàng tiến đến gần tôi,

người bố có mùi của gỗ. Bố chìa tay ra và nở nụ cười trước vẻ mặt hoảng loạn

của tôi, đợi một lúc không thấy tôi nắm lấy tay mình, bố nắm lấy bàn tay đang

run rẩy của tôi, nắm thật chặt.

“Chào con,” bố lên tiếng, giọng trầm nhẹ hẫng.

“Xin chào,” tôi rụt rè đáp lại.

“Hãy gọi tôi là bố,” bố mỉm cười rồi càng siết lấy bàn tay đang run rẩy của tôi.

“Vậy ra ông là bố tôi?”

“Không, không phải. Tôi không phải là bố của con.”

“Vậy ông tên là Bố?”

“Càng không phải,” bố cười với tôi nụ cười thật hiền. “Bố là cuộc đời trước của

con, là kiếp trước của con. Bố đến tìm con, vì con đang cần giúp đỡ, con đang

trong khoảng thời gian khó khăn và cô độc trên đời. Còn bây giờ đừng hoang

mang nữa và hãy đi với bố, chúng ta cần rời khỏi đây trước khi trời sáng. Đường

đi sẽ rất dài và con sẽ rất mệt, nhưng không sao cả, bố sẽ cõng con. Nhưng bố

không phải là người có sức mạnh dẻo dai lắm, nên khi nào con thấy thật mệt hãy

để bố cõng nhé. Bằng không, con sẽ là người phải cõng bố,” bố cười với tôi nụ

cười ấm áp, rồi cởi cái áo khoác dày cộp mình đang mặc choàng lên vai tôi, bố

nắm lấy tay và dẫn tôi đi theo bố.

Lúc đó tôi không biết bố là ai, nhưng so với nơi này, so với cái tối đen đầy âm u

và sợ hãi, cùng với cô thủ thư cứ ngủ gật như không bao giờ có thể tỉnh lại kia,

bố có vẻ an toàn hơn cả. Nên tôi rụt rè kéo phẹcmơtuya áo choàng bố choàng

cho tôi lên đến tận cổ, rồi siết lấy bàn tay bố, đi theo từng bước chân của con

người thấp bé ấy. Khi tôi đi bước qua nơi đã từng là hội trường, chứa đầy những

kí ức tuổi thơ vui vẻ của mình, giờ đây chỉ còn là một đống đổ nát đầy tro bụi, tôi

biết cuộc đời mình từ đây sẽ khác. Sẽ vĩnh viễn tôi không thể sống cuộc đời hồn

nhiên vui vẻ trước đây của mình, tôi đã đánh mất nó như tôi đánh mất tất cả

những con người thân thuộc – đã thua trong cuộc đấu tranh giành quyền sống

mà tôi nhờ chơi gian đã chiến thắng.

Chúng tôi cứ đi trong đêm tối của khu rừng, tôi không biết bố nhìn thấy bất kì

con đường hay dấu hiệu gì để biết là bố đi đúng hướng trong khi chẳng cần đèn,

bản đồ hay bó đuốc nào. Tôi muốn cất tiếng hỏi nhưng không dám. Chúng tôi cứ

xăm xăm dấn thân vào bóng đêm mịt mù như những hình nhân mờ ảo, càng đi,

tôi càng có cảm giác mình đang tham dự vào một nghi thức biến cơ thể này

thành hư không. Càng đi vào đêm tối, tôi càng mất cảm giác với chính cơ thể

mình. Nhưng có một điều tôi không bao giờ có thể quên, đó là có một bàn tay

ấm áp, rắn chắc đang nắm lấy tay mình. Bố luôn nắm chặt lấy tay tôi, kể cả khi

tay tôi có mỏi mà buông ra không siết lấy tay bố. Những lúc ấy, bố càng siết

chặt hơn nữa. Chúng tôi cứ đi cứ đi như vậy. Tôi cứ nhắm mắt rồi mở mắt, có lần

tôi tỉnh dậy trên vai bố. Tôi chỉ lờ mờ cảm thấy mình đang di chuyển, bởi xung

quanh chỉ toàn là bóng đêm mịt mù, không có trăng và không có cả một vì sao,

chỉ có tiếng lá cây xào xạc, tiếng gió rít qua các tầng cây khu rừng, tôi mở mắt

để nhận thấy vài điều như vậy, rồi lại ngủ thiếp đi, trên vai bố. Điều này thì tôi

chắc chắn.

Chúng tôi đến bìa rừng khi trời hửng sáng. Bố lay tôi dậy khi còn mấy bước nữa

là hoàn toàn rời khỏi khu rừng. Rời khỏi vai bố và đứng xuống đất, phải mất cả

một lúc tôi mới nhận ra mình đang ở đâu. Cảm giác sợ hãi bỗng lan toả khắp

người tôi, khiến tôi cứ đứng trơ ra ở đó, miệng há hốc, tay cố gắng siết thành

nắm để không run rẩy. Bố quay lại nhìn tôi bằng một ánh mắt dò hỏi.

“Không, tôi không thể đi được. Tôi không thể đi với “bố” được,” tôi hơi ngượng

khi nhắc đến từ bố, đó là lần đầu tiên trong đời tôi có ai đó để gọi như vậy.

“Ngoài kia là một thế giới nguy hiểm và đáng sợ. Chúng ta hãy ở trong rừng

thôi, được không? Tôi biết cách để tìm thức ăn và chúng ta có thể sống mà

không cần lo gì cả. Hãy đừng rời khỏi khu rừng.”

Bố khẽ siết lấy tay tôi, thở dài. Trán ông nhíu lại nhiều đến mức khiến hai lông

mày ông tạo thành hình chữ V. Rồi bố buông tay tôi ra và dùng tay mình chỉ về

phía khu rừng.

“Hãy trở lại đó, trở lại cái nơi chết chóc tối tăm đó rồi sống cả đời mà nhớ lại cái

khoảnh khắc con đứng đó và bỏ mọi người chết trong biển lửa. Rừng là một nơi

để lưu giữ kí ức, nếu con ở lại đây, con sẽ không bao giờ có thể thoát khỏi cảm

giác tội lỗi và cô độc đến đau đớn. Rời khỏi đây, bước ra thế giới ngoài kia có thể

là một việc đáng sợ, nhưng bố hứa sẽ luôn ở bên con, bố sẽ không bao giờ bỏ

con lại một mình. Bố sẽ không bao giờ để con có cảm giác mình cô độc trên đời,

nên con đừng sợ hãi vì con đã có bố ở đây rồi. Con hãy tin tưởng và đi cùng với

bố, được chứ?”

Tôi quay người và nhìn lại khu rừng của tôi, tuổi thơ và đoạn đời tươi đẹp của

tôi, giờ chỉ còn là một đống ngổn ngang của kí ức và nỗi đau, còn lớn hơn cả

chính bản thân tôi nữa. Rồi tôi quay lại nhìn bố. Bố đang đứng ở đó và mải nhìn

lên bầu trời. Bố nhìn chăm chú như thể bố đọc được điều gì trong cái màu xanh

của bầu trời, màu trắng bềnh bồng của những gợn mây. Tôi có ngẩng lên và

nhìn theo bố, nhưng tôi chịu không thể hiểu có gì để bố nhìn chăm chú vậy.

Được một lúc, bố nhìn tôi. Trong mắt bố có gì đó của hi vọng. Bố đưa tay mình

ra cho tôi nắm lấy, một cách rụt rè, tay tôi đặt lên tay bố, bố mỉm cười và siết

chặt lấy tay tôi, dẫn tôi đi ra khỏi khu rừng. Lúc ấy tôi cứ nghĩ rồi có một ngày

nào đó tôi sẽ trở lại, thật trưởng thành và đường hoàng để đối diện với khoảng kí

ức đen tối mà không cần phải trốn tránh nữa, nhưng tôi đã lầm. Lần quay lại

nhìn đó là lần cuối cùng tôi thấy khu rừng đầy yêu thương của mình. Cho đến

khi tôi chết, tôi đã không hề trở lại đó một lần nào nữa.

Bố dẫn tôi ra đến một ngã tư, vẫy một chiếc xe taxi đưa chúng tôi đến một khu

toàn những ngôi nhà đồ sộ, những ngôi nhà kiểu người ta chỉ thấy trong những

tạp chí về nội thất, những ngôi nhà mà một đứa trẻ như tôi chỉ dám nhìn và

ngưỡng mộ, không bao giờ có thể nghĩ về cái ngày có ai đó dẫn tôi vào một

trong những ngôi nhà đồ sộ ấy. Bố dẫn tôi vào một ngôi nhà không phải là to

nhất, nhưng trông vừa vặn và hài hoà nhất. Bố mở cửa, tiếng chìa khoá tra vào ổ

đánh cạch một tiếng gọn lỏn khô khốc, bố đẩy cánh cửa gỗ to lớn, rồi mở đèn.

Bố mở ra trước mắt tôi một thế giới hoàn toàn khác, một thế giới mà ngay cả

trong mơ tôi cũng chưa từng thấy. Căn nhà có hai tầng, được trang trí theo kiểu

châu Âu hồi thập niên bảy mươi, tám mươi của thế kỉ trước, nhưng vẫn toát lên

được vẻ sang trọng khiến người ta phải trầm trồ ngưỡng mộ. Màu sắc chủ đạo

của ngôi nhà là màu rêu xanh, chạy dọc theo tường và trần nhà là hai mảng màu

xanh rêu và màu kem. Mọi đồ vật từ bộ sofa ở giữa phòng, tủ kệ bếp, bộ bàn ăn,

tủ lạnh và cả bức tranh trên tường cũng nương theo hai sắc màu chủ đạo này,

tạo nên một không gian rất hài hoà và ấm áp. Tôi có thể ngửi thấy mùi của rừng

từ mùi thơm của nhiều loài hoa trồng ngoài vườn, mùi gỗ tươi mới của sàn, mùi

thơm của tinh dầu, tất cả những điều ấy khiến tôi thấy thân thuộc đến kì lạ. Bố

nhìn tôi và có vẻ hài lòng trước vẻ mặt đầy thích thú của tôi. Khi thấy tôi đã nhìn

thoả thuê chán, bố ra hiệu bảo tôi đi theo bố. Bố dẫn tôi lên tầng hai và chỉ cho

tôi phòng của mình. Đó là một căn phòng không quá lớn, tường sơn màu vàng

nâu của gỗ mang lại một cảm giác ấm áp. Tất cả mọi đồ vật trong phòng đều

làm bàn gỗ, từ chiếc kệ sách, bàn học, giường ngủ, tủ áo. Nổi bật nhất của căn

phòng, bên cạnh giường ngủ là một chiếc ghế ghế sofa màu đỏ bầm to như

muốn ôm cả người ngồi vào lòng. Cạnh cửa sổ là chiếc bàn học.

Đến bây giờ tôi vẫn có thể nhớ cảm giác hàm ơn của mình lúc ấy đối với bố. Bố

đã đến với tôi, thắp lên một bó đuốc sáng bừng giữa khu rừng tối đen đầy sợ hãi

đó. Bố đã nắm lấy tay tôi, kể cả khi tôi buông tay bố ra, bố vẫn cứ nắm chặt lấy.

Bố cho tôi ngủ trên vai bố suốt đêm trường rừng rậm. Bố còn lo cho tôi cả chỗ

ăn chỗ ở, và cả chỗ học. Bố làm cho tôi mọi điều tôi muốn, bố luôn yêu thương

và bảo vệ tôi, tất cả những điều đó, để đáp lại bố chỉ yêu cầu tôi có một điều.

Không biết bằng cách nào bố có được tất cả giấy tờ của tôi ở cô nhi viện, và

đăng kí cho tôi vào học dễ dàng ở một ngôi trường cách nhà không xa lắm. Nhờ

chăm học, tôi cũng theo kịp các bạn cùng lớp mà không hề gặp khó khăn gì. Tôi

đăng kí làm thẻ thư viện và dành nhiều thời gian để đọc. Mọi thứ đều diễn ra

thật bình thường như khoảng thời gian tôi sống ở cô nhi viện, trừ một việc là tôi

không hề có người bạn nào. Vào những ngày đầu tiên đi học, tôi đã không hề

nhận ra điều này. Nhưng sau một tháng, tôi bắt đầu nhận ra mình gặp khó khăn

trong việc trò chuyện với ai đó. Dù tôi có thể không làm cho mọi người thấy tôi

khó gần bằng cách hoà nhập vào một đám đông, chăm chú lắng nghe và mỉm

cười khi mọi người đều làm vậy. Nhưng nếu có ai đó hỏi tôi câu gì hay yêu cầu

tôi đáp lại, tôi lập tức sẽ trở nên im lặng, tôi sẽ cứ đứng yên ở đó một lúc rồi

nhoẻn miệng cười để không gây cho người đó cảm giác khó chịu. Nói cách khác,

tôi đã mất khả năng diễn tả tâm trạng hay những điều tôi đang nghĩ bằng lời lẽ.

Dần dần, trong ý nghĩ của mọi người, tuy tôi không phải là một người khó gần

đáng bị tẩy chay, nhưng cũng không phải là một người thích hợp để trò chuyện.

Mọi người kết nối những hình ảnh, giai điệu hay câu chữ trong đầu mình, rồi

chuyển nó thành lời nói. Qúa trình đó đối với những người khác dễ dàng như thế

nào thì với tôi bấy giờ thật khó khăn. Không biết từ đâu đã xuất hiện một

khoảng trống vô tận sâu hun hút ngăn cách giữa những gì trong đầu tôi với

những gì tôi có thể nói. Và cứ như vậy, những khoảng không yên lặng cứ thế kéo

dài như không có hồi kết, càng ngày thu hẹp lại thế giới quanh tôi – vốn đã

chẳng to lớn gì, xây nên một bức tường thành dày cộp giữa tôi và thế giới bên

ngoài. Dù tôi có cố gắng đến thế nào cũng không thể rút ngắn những khoảng

không ấy lại. Nên tôi ngày lại ngày quanh quẩn trong cái thế giới nhỏ bé của

riêng mình, nhẩn nha những niềm vui cô độc. Tôi tạo dựng nên cái thế giới nơi

tôi làm chủ, nơi tất cả mọi người đều im lặng mà có thể hiểu nhau hoàn toàn,

nơi mọi ngôn từ và lời nói đều trở nên vô nghĩa. Dĩ nhiên là mọi người đều xa lạ

với thế giới đó, nên chẳng có ai hay biết, và nếu có biết cũng lờ đi, cái thế giới

nhỏ bé cô độc của riêng tôi.

Nhưng có một người đã luôn ở bên tôi trong những khoảng im lặng dài như vô

tận ấy, đó chính là bố. Không những không phiền lòng chút nào, mà bố còn cổ

vũ và động viên tôi nên tiếp tục im lặng như vậy. Bố khuyên tôi hãy từ bỏ tất cả

mọi điều ở thế giới ngoài kia, và ở lại trong thế giới cô độc cùng với bố. Mỗi

ngày, bố đều hỏi trong trường tôi có nói chuyện với ai hay không, có kết bạn với

ai hay không. Bố luôn có một vẻ rất vui mừng và thoả mãn khi tôi trả lời không

cho tất cả những câu hỏi ấy.

Tôi đã ở như vậy suốt hai tháng trời. Trong khoảng thời gian đó, cuộc sống của

tôi chỉ là trường học, bài tập về nhà, những quyển sách tôi mượn ở thư viện,

những cuộc trò chuyện chóng vánh trong khi ăn với bố. Chúng tôi đã chẳng hề

đả động gì đến khoảng kí ức tối đen ở cô nhi viện, bố đã không hề hỏi vì sao lại

chỉ có mình tôi thoát khỏi đám cháy đó, tôi cũng không hỏi vì sao bố biết chính

xác tôi đang ở đâu mà tìm đến. Giữa chúng tôi có quá nhiều khúc mắc, nhưng lại

chẳng có ai cất tiếng hỏi câu nào. Giữa tôi và bố lúc đó, tôi dành cho bố là tình

yêu thương và hàm ơn. Còn bố, bố cảm giác về tôi như thế nào thì tôi không

biết.

Hôm ấy là ngày giáng sinh, tuần lộc, người tuyết, ông già Noel xuất hiện đầy

khắp các con đường, những trung tâm thương mại, trong các cửa hàng đồ cao

cấp. Tôi đứng ở giữa những ồn ào và nhộn nhịp ấy mà bỗng thấy cô độc và lẻ loi

lạ kì. Kí ức nhắc nhở tôi về một thời, ngày giáng sinh năm trước tôi đã cùng

những người bạn của mình trang hoàng cây thông to lớn trong hội trường, cùng

ngồi bên nhau ăn bánh kem hình khúc cây, hát vang những bài ca thiên chúa.

Vào ngày giáng sinh, ở cô nhi viện nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Những đứa trẻ

háo hức có quà, niềm vui cũng đong đầy trong mắt các “mẹ” khi thấy đàn con

của mình vui vẻ. Tối hôm ấy đứa nào cũng thức thật khuya để nhìn được tận mắt

cảnh các mẹ đem quà vào đặt ở cuối giường. Sáng hôm sau, khi mở mỗi hộp quà

ra mỗi đứa đều được một cái áo len dài tay màu xanh sẫm có thêu tên của từng

đứa. Mỗi năm từng đứa chúng tôi đều được một cái áo len như vậy. Năm nay thì

tôi không có. Và cả đời này dù có muốn tôi cũng chẳng thể nào có được nữa.

Bỗng nhiên tôi đứng giữa đường phố đông người lại qua mà khóc. Ai cũng quay

lại nhìn tôi như người kì lạ, nhưng tôi biết tất cả những ánh mắt đó chẳng có ý

nghĩa gì với mình. Lúc ấy, tôi chỉ nghe nỗi đau đớn tràn ngập lòng mình, cái

lạnh của ngày giáng sinh chẳng là gì so với cái lạnh trong lòng tôi.

Tôi đi vào một giáo đường, ngồi và nhìn lên bức tượng Chúa. Tôi cứ ngồi đó nhìn

chăm chăm vào Người mãi, như một cách để cố quên đi nỗi đau và cảm giác tội

lỗi đang tràn ngập lòng tôi. Nhưng tôi đã không làm được. Tôi lại thấy trước mặt

mình hiện rõ mồn một hình ảnh những ngọn lửa bập bùng, những người bạn

thân và các “mẹ” của tôi đang kêu gào trong đám cháy, tôi thấy mình đứng ở

ngoài nhìn họ. Rồi tôi thấy mình bơ vơ và cô độc giữa đời, tôi thấy thần rừng cho

họ món quà là cái chết và trừng phạt tôi vì đã sống. Tội lỗi của mày là đã sống

trên đời, có ai đó hét lên trong lòng tôi. Giai điệu bất hủ của Silent Night vang

lên khắp giáo đường. Đã gần đến nửa đêm, trời tối hết cả, thế giới đã ngủ hết và

còn mình tôi cô độc ngồi đó.

Tôi nghe có tiếng người ngồi xuống bên cạnh mình, là bố. Bố ngồi xuống chiếc

ghế bên cạnh tôi, và khẽ chỉnh lại cái áo choàng của mình. Bố choàng tay ôm lấy

tôi khi chuông nhà thờ vang lên, văng vẳng đâu đó là bài hát Jingle Bell đầy vui

nhộn. Tôi ngồi yên ở đó trong vòng tay của bố, hít hít mùi gỗ thông thân thuộc

từ người bố, từ khoé mắt lại rỉ ra một giọt nước mắt thấm vào áo choàng của bố.

Khi chúng tôi về nhà, trời đã gần sáng. Tôi buồn ngủ ríu cả mắt, thân thể tôi giờ

đây nặng như đá tảng. Tôi chỉ còn một mong muốn duy nhất lúc này, đó là được

nằm xuống chiếc giường êm ái và ngủ một giấc thật say. Nhưng bố đã níu tôi lại

khi tôi toan bước lên tầng hai mà vào phòng mình.

“Con phải biết một thứ,” giọng bố trở nên căng thẳng lạ kì.

“Để sau đi bố, giờ con buồn ngủ lắm rồi,” mắt tôi cứ muốn nhắm cả lại, tôi

chẳng còn cảm giác đang đứng trên đôi chân mình nữa.

Bố đưa tay lên và căng mắt tôi ra, hãy nhìn cho kĩ đây, ánh mắt của bố nói với

tôi điều đó. Rồi tôi thấy cảnh tượng chưa từng có trên đời. Bố đứng ở giữa

phòng, cả người bố bỗng dưng tan ra theo đúng nghĩa của từ đó. Gương mặt bố

trở nên méo mó, chảy dài xuống như phô mai để trong lò vi sóng. Cánh tay bố,

cả người bố, tất cả đều tan chảy ra hết. Trông bố chẳng có tí đau đớn nào khi

thân thể mình bị như vậy, ngược lại bố còn có vẻ rất thoải mái. Chẳng mấy chốc,

chỉ còn lại là bóng hình bố đứng đó, tôi vừa có thể thấy bố, vừa có thể nhìn

xuyên qua bố. Bố đứng đó, bên trên đống chất lỏng sóng sánh đã từng là thân

thể mình. Bóng bố không hắt lên sàn gỗ như bóng tôi, vì bố không có bóng. Ánh

sáng có thể chiếu xuyên qua bố, hay bố được cấu thành từ những phần tử ánh

sáng rồi phản chiếu đến mắt tôi? Bố đứng nghiêm nghị ở đó, ánh mắt chú mục

vào phản ứng của tôi, tay bố run rẩy. Tôi đứng ở đó, tôi nhìn bố, rồi lại nhìn thứ

đã từng là thân thể bố, tôi đã từng nằm lên lưng khi bố cõng tôi, tôi đã từng nắm

lấy bàn tay bố, và mới đây, tôi còn dựa vào người bố khi bố ôm tôi. Tất cả những

minh chứng cho kí ức sống động của tôi, giờ chỉ còn là một thứ chất lỏng nhầy

nhụa sóng sánh. Bố của tôi đã không còn sống nữa rồi, một lúc sau tôi mới vỡ oà

ra điều đó. Miệng tôi há hốc, mọi ngôn từ đều biến mất trên đầu lưỡi của tôi rồi.

Mọi ngôn từ chạy trốn và ẩn nấp trong những tầng sâu của rừng rậm, chúng

muốn chơi trò trốn tìm với tôi, nhưng tôi quá mệt mỏi và đau đớn để tham gia

cùng với chúng.

“Bố, là ma sao?” cố gắng lắm tôi mới kết thúc được câu nói của mình.

Bố không nói gì, chỉ khẽ gật đầu. Giờ đây thì cả người bố trở nên run rẩy, giờ

đây bố trông yếu đuối đến lạ lùng. Cái người với dáng vẻ mạnh mẽ để tôi có thể

dựa vào ấy giờ đây không còn nữa, bởi bố chỉ còn là một linh hồn, không hơn.

Tôi nghe tiếng nấc từ tận sâu trong cổ họng mình. Tôi không biết mình nấc

nghẹn vì đau đớn hay sợ hãi. Tôi chỉ thấy cả người mình run lên, tôi phải gập

người lại để cảm giác đau đớn thuyên giảm. Nhưng không, tôi vẫn thấy cả thân

mình ngập ngụa trong nỗi đau đớn. Như từ trong nỗi đau đớn tôi sinh ra đời. Tôi

cảm giác mình lại đang đứng trong khu rừng tối đen và lạnh lẽo, giữa những

đốm lửa bập bùng như những con mắt của quỷ dữ ấy, đầy cô độc và đáng

thương. Người ta quẳng tôi một cách thô bạo đến với cuộc đời này rồi bỏ lại

mình tôi ở đó, giữa những dòng chảy điên cuồng của số phận. Tôi sống mãi mà

chỉ thấy có mỗi mình tôi, đơn độc trước cuộc đời. Người bảo vệ tôi chỉ là một

bóng hình, một linh hồn vật vã yếu đuối. Tôi vòng tay ôm lấy bản thân mình, tự

nhủ rằng hãy đừng khóc. Nhưng những giọt nước mắt cứ chảy xuống, trước mắt

tôi lại hiện ra đám cháy ấy. Lúc ấy tôi đã nghĩ phải chi tôi rời khỏi phòng sách

mà lao vào đám cháy cùng chết với mọi người thì tốt biết bao. Sẽ chẳng còn tôi

cũng như chẳng còn nỗi cô độc đến đau đớn này, và cái chết là món quà giáng

sinh tuyệt diệu mà thần rừng chia đều cho tất cả chúng tôi – những người đã

luôn tin tưởng vào quyền năng của Người mà không mảy may một chút nghi

ngờ.

“Đừng khóc, con à. Con đừng khóc,” bố tiến lại gần tôi, nhưng tôi lùi lại.

Tôi đưa tay ra để bố biết hãy để tôi một mình, giờ đây tôi chẳng còn cất nổi một

lời nào nữa. Cổ họng tôi khô khốc và nghẹn đắng, người tôi đau như muốn vỡ ra.

Tôi ngẩng lên và nhìn bố, nỗi đau đớn lại nhiều thêm ra, như giờ đây thân thể tôi

quá nhỏ bé trước nỗi đau này, nỗi đau căng tràn và bao bọc lấy bầu không khí

quanh tôi. Dù tôi có đau đớn thế nào, dù tôi có khóc nhiều đến mức nước mắt

khiến tôi không nhìn rõ nữa, tôi vẫn biết mình có thể nhìn xuyên qua bố. Tôi vẫn

biết bố không hề có bóng. Tôi vẫn biết giờ đây bố nhẹ hẫng, bố chỉ là linh hồn.

Tôi vẫn biết giờ đây chẳng hề có ai có thể bảo vệ tôi được nữa, ngoại trừ chính

bản thân tôi.

“Bố chính là con, là cuộc đời trước của con. Bố chẳng là ai khác ngoài con cả. Bố

sẽ vẫn là bố con, yêu thương con và không bao giờ để con phải đơn độc một

mình. Bố sẽ vẫn là bố thôi, chẳng có gì đổi khác cả,” bố nhìn tôi, một cái nhìn xa

xăm và mơ hồ. Bố nhìn tôi như thể tôi là tất cả của bố, là lý do bố sống trên đời,

là đông lực để bố cho tôi thấy con người thật của mình. ”Bố có những giấc mơ bị

người ta cướp mất. Bố có một cuộc đời cần phải sống, người ta nợ bố một cuộc

đời tốt đẹp. Bố đến tìm con, để con biết là con không cô độc trên đời, và nhờ con

giúp bố,” bố tiến gần tôi hơn nữa, giờ đây tôi thấy bóng hình bố trước mắt mình.

“Bố cần con, con là con của bố, con chính là bố,” rồi bố nhìn chăm chăm vào

mắt tôi, tôi biết bố cần gì.

Tôi đứng lặng nhìn bố.

Tôi quệt nước mắt trên mặt mình rồi đưa bàn tay về phía bố. Mắt bố thoáng một

chút ngạc nhiên nhưng rất nhanh sau đó, bố mỉm cười hài lòng. Tôi thấy những

giọt nước mắt vẫn không ngừng rơi. Bàn tay của bố chạm vào tay tôi, tôi nghe

hơi ấm và mùi gỗ thông quen thuộc từ bàn tay ấy, dù nó chẳng hề có sức nặng.

Bàn tay ấy từ từ biến mất, hoà vào bàn tay tôi. Bố biến mất, hoà vào chính thân

thể tôi. Tôi nhắm mắt lại, để biết thân thể này giờ đây chẳng phải của riêng

mình tôi nữa. Giờ đây tôi đã chẳng còn cô độc trên đời, vì tôi đã có bố ngay bên

trong bản thân mình.

“Con chẳng còn cô độc nữa,” tôi thầm thì với chính mình.

“Con đã có bố rồi,” tiếng bố vọng ra từ trong tôi, vẫn là giọng nói đầy kiên định

ấy.

Tôi mỉm cười nhìn ra ngoài cửa sổ. Mặt trời đã xuất hiện ở phía xa, rọi chiếu ánh

sáng xuống cuộc đời này, và một ngày nữa lại đến. Vẫn là cuộc đời đó với mọi

người, nhưng đã là một thế giới khác với tôi rồi.

Hai tháng trôi qua, tôi trải qua mọi điều cùng với bố. Tôi cùng chia sẻ với bố cái

thế giới yên lặng của riêng tôi, tôi ngày lại ngày xa cách với thế giới bên ngoài

hơn. Một khi có ai đó đến nói chuyện với tôi, tôi lại nghe tiếng bố văng vẳng từ

sâu thẳm lòng mình: ”Đừng, con sẽ đau đấy. Thế giới bên ngoài đau đớn lắm.

Hãy ở lại đây với bố”. Tôi buông tay và từ bỏ tất cả mọi điều để ở lại bên bố. Ở

lại với bố là ở lại cái thế giới cô độc tuyệt vời hoàn hảo – sự cô độc của tôi ẩn

mình trong một sự cô độc an toàn và kín đáo khác. Vì nếu bố là người thân thuộc

của tôi, tôi sẽ chẳng bao giờ phải đau đớn khi mất bố. Bố là linh hồn, bố đã chết,

bố chẳng thể chết nữa. Tôi sẽ luôn an toàn khi xem bố là chỗ dựa của mình.

Chẳng hề có cảm giác tội lỗi, đau đớn, chẳng hề có những con người đã đến rồi

đi, chẳng hề có những đám cháy cướp mất bố của tôi, chỉ là sự tĩnh lặng an toàn

tuyệt đối.

Tôi cùng bố đi xem phim, cùng bố đọc sách, cùng bố học. Tuy là với người khác,

trông có vẻ như tôi chỉ có một mình. Khi có bố, tất cả mọi điều tôi đã học, đã

xem qua, nếu tôi không nhớ bố có thể nhắc tôi. Tôi cùng bố chuyện trò với nhau

trong sự im lặng kín đáo của riêng mình. Nên tôi dần ít nghe thấy giọng nói của

chính mình hơn, cũng như dần dần tôi quên mất có mình ở trên đời.

Mỗi sáng ngày thức dậy, bố lại nhắc nhở về những điều tôi cần phải làm. Tôi vui

vẻ làm theo tất cả những gì bố nói, mà trong lòng chẳng hề có cảm giác ràng

buộc hay khó chịu nào. Tôi xem bố như ngọn hải đăng trong đại dương mênh

mông tối trời, là ngọn đuốc sáng phía xa có thể sưởi ấm và xua đi mọi sợ hãi của

tôi trong khu rừng tối đen đầy sợ hãi. Tôi chỉ đơn giản là một người lạc đường

đói khát trong cái bóng đêm u tối như muốn đè chết con người, tôi bằng lòng đi

theo ngọn đuốc sáng ấy, bởi chẳng còn gì để tôi có thể đánh mất nữa. Nên tôi

chẳng cần sợ hãi. Tất cả những gì tôi làm là sống, cứ tiến về phía trước, trải qua

từng ngày với những điều mình cần phải làm. Tôi mười bảy tuổi và tôi không hề

có bất cứ ước mơ, hay bất kì ý niệm nào về tương lai của mình. Thế nên vào một

buổi chiều khi chúng tôi đang cùng đọc sách trong thư viện, bố bỗng dưng lên

tiếng sau một khoảng thời gian khá dài im lặng.

“Này con, bố có một giấc mơ. Một giấc mơ mà người ta đã cướp đi của bố...,” bố

bắt đầu câu chuyện với một chất giọng trầm buồn khe khẽ, câu chuyện khiến tôi

bỏ dở cuốn sách đang đọc mà cuốn mình theo lời kể của bố.

2. Câu chuyện của bố

Bố sinh ra ở một làng quê nhỏ nằm ngay vùng đất mà hai quốc gia đang tranh

chấp. Từ nhỏ, trước mắt bố chỉ là những cuộc chiến tranh, những người lính của

hai bên đất nước đang cầm súng xả thẳng vào quân thù, những ngôi nhà bị tàn

phá bởi bom đạn và những lần đang ngồi học trong lớp thì phải nhanh chóng

nấp dưới gầm bàn. Tuổi thơ của bố là những đôi mắt lo âu của cha mẹ bố về

ngày mai, về chỗ nấp, về lương thực và quần áo khi trời trở rét. Họ không phải

lo về việc cha của bố phải đi lính, bởi ông đã ngoài năm mươi tuổi. Cha của bố

không phải là một người cha lý tưởng, trong mắt cậu bé HD là bố thời ấy, ông là

một người có tính tình nghiêm khắc và có phần bạo lực. Thường thì, những con

người nghiêm khắc sẽ đi kèm với sự giỏi giang, thông minh và tài năng, nhưng ở

ông, người ta chẳng tìm ra bất kì điều gì trong số đó. Ông là một người làm việc

bàn giấy tầm thường, có cái thứ suy nghĩ rập khuôn tầm thường là muốn cậu bé

HD con ông tiếp nối nghiệp bàn giấy của ông, nhưng bố chẳng bao giờ tỏ ra

hứng thú với cái ước mơ tầm thường ấy. Từ khi còn là một cậu bé, bố luôn nghĩ

đến những điều to lớn, vĩ đại đến mức mà người ta chỉ mơ hồ biết nó vĩ đại và to

lớn, đến mức trí óc người ta không mường tượng được hết từng chi tiết nhỏ của

nó. Nhưng chỉ nghĩ đến sự to lớn, vĩ đại và đầy ắp của nó thôi là bố đã cảm thấy

vui sướng đến mức không thể nói nên lời. Bố và cha của bố thường xuyên xung

khắc với nhau, và khi quá tức giận vì không thể hướng đứa con trai duy nhất

theo ước mơ của mình, cha của bố đã ra tay đánh vợ mình – mẹ của bố. Ông

đánh bà bằng bất cứ thứ gì trong tầm với, cây gậy, cây chổi, xoong nồi, và nếu

bố không kịp ngăn lại, có lần ông đã định dùng búa. Khắp thân thể mẹ của bố

toàn là những vết bầm, mới có, cũ có – những thành quả của chồng. Nhưng bà

chẳng bao giờ lên tiếng hay hé môi dù chỉ một lời. Bà luôn im lặng, không bao

giờ quên giáo dục cậu bé HD phải yêu quý và tôn trọng bố mình. Con nít cũng

biết dĩ nhiên là cậu bé HD yêu quý của bà chẳng bao giờ nghe lời.

Càng lớn, bố càng tỏ ra không nhường nhịn cha mình. Bố đứng ra bảo vệ mẹ,

không tiếc lời đáp trả cha mình. Mâu thuẫn giữa bố và cha mình càng lớn. Nhiều

lúc, bố muốn cha mình chết đi. Hoặc là ông ấy chết đi, hoặc là đến một ngày

nào đó khi không thể kềm chế chính mình được nữa, bố sẽ giết ông ấy bằng

cách đứng trên gác và thả xuống một cây búa hay cục đá to khi ông ấy đang

nằm ngủ. Những thứ suy nghĩ kiểu như thế cứ quẩn quanh thời niên thiếu của

bố, cùng với những hình ảnh mơ hồ nhưng sáng lấp lánh về những thứ vĩ đại, to

lớn mà bố sẽ làm trong đời, những điều đó sưởi ấm và soi sáng, giúp bố sống

sót, khiến bố cảm thấy vui vẻ, hồ như là khoái cảm. Mơ đi mơ mãi rồi ước mộng

cũng thành hiện thực, một ngày kia cha của bố chết thật. Ẩn đằng sau gương

mặt đăm chiêu khi nhìn người ta đưa ông ấy về với đất, thật lòng bố cảm thấy

sung sướng và hoan hỉ biết bao.

Rời khỏi ngôi làng nhỏ xíu và nghèo nàn, chàng thanh niên HD là bố đi lên

thành phố với giấc mộng thi vào trường mỹ thuật, cùng với những niềm vui hạnh

phúc khi nghĩ về những thứ to lớn, sáng lấp lánh ngày càng trở nên rõ ràng hơn

trước mắt bố. Mẹ của bố ở lại quê nhà gửi tiền lên để bố thi vào trường mỹ

thuật. Thi lần đầu tiên bố trượt. Chẳng có lý do gì để vin vào, nhưng bố có niềm

tin vào chính mình. Bố chẳng thấy cần phải lo lắng gì. Lần đầu tiên là do bố

không may mắn, người ta không thấy được tài năng của bố, bố chỉ cần thi lại vào

năm sau là được. Nhưng lần thứ hai, bố vẫn trượt. Bố cứ mãi tìm trong danh

sách đậu tên mình, nhưng đã nhìn, nhìn mãi đến khi người ta không còn tụ tập ở

đó nữa, nhìn mãi đến khi chỉ còn mình bố đứng ngẩn ngơ ở đó, bố vẫn không

nhìn thấy tên mình. Trời đất như sụp xuống với bố. Bố cứ đứng mãi ở đó, như sẽ

có ai đó ra và chỉnh lại danh sách, người ta sẽ xin lỗi bố vì lỗi kĩ thuật in không

in tên bố. Người ta sẽ đính chính lại danh sách, đưa tên bố lên tận hàng đầu tiên

vì sự xuất sắc trong bức vẽ của bố. Bố tin như vậy. Bố có niềm tin như vậy.

Không vin vào bất cứ lý do gì, nhưng bố có một niềm tin mạnh mẽ vào điều đó.

Việc bố có tài năng là điều không thể chối cãi, đó là định mệnh, là điều tự nhiên

nhất trên đời, sáng ngày ra mặt trời mọc ở hướng đông, bố sinh ra là có tài năng

trên đời. Nhưng họ đã từ chối bố, người ta đã che mắt, đeo kính râm và đội lên

đầu mình một cái bao vải đen khiến họ không còn nhìn thấy ánh sáng mặt trời

nữa. Họ đã che mắt lại và từ chối tài năng của bố. Những thứ to lớn, vĩ đại và

sáng lấp lánh suốt một thời niên thiếu bố mơ, họ đã vô tâm đạp đổ tất cả. Lúc

ấy, bố chỉ nhìn thấy những ước mơ của mình đơn giản là rụng rơi không còn gì.

Bố rời khỏi đó, bước từng bước đi trên đường mà nặng nề như sắp chết. Phải rồi,

có thể bố sẽ chết mất ở nơi này. Số tiền bố còn lại chẳng bao nhiêu, và việc rớt

trường mỹ thuật càng khiến cái sự thật đó trở nên đau khổ khắp vạn lần. Bố

thấy cay đắng bởi cái ý nghĩ mình thất bại. Bố cố tìm một lý do nào đó, nhưng

chẳng có lý do nào có thể làm bố nguôi ngoai được. Bố đã thất bại, chẳng những

một lần mà đến hai lần. Bố thấy mình thất bại, bố thấy đau đớn khi những ước

mơ của bố vẫn cứ to lớn, vĩ đại và sáng lấp lánh như thế, bố thấy căm ghét sự

dối trá khôi hài khi người ta nói đây là nơi chắp cánh ước mơ, nhưng kì thực mà

mọi cơn mơ mà người ta có trong đời đều bị dập tắt. Bố thấy trước mắt mình giờ

đây chỉ là sự đau khổ, nghèo đói của con người, sự xám xịt trong những ngày

tháng ngập chìm trong chiến tranh không dứt. Bố chưa bao giờ nhận ra sự đau

khổ này bởi bố chưa bao giờ thấy đau khổ, chưa bao giờ bố thôi hạnh phúc khi

nghĩ đến những giấc mơ đời mình. Nhưng giờ đây khi giấc mơ rơi rụng, bố thoát

khỏi hào quang hạnh phúc của nó, bố thấy đau đớn khắp cả người, bố thấy thật

khó để đứng vững trên đôi chân mình. Nỗi đau đớn như ăn sâu vào da thịt bố,

hoà vào dòng máu đang chảy trong người bố, nỗi đau và bố hoà lẫn vào nhau

một cách trọn vẹn. Sau một hồi đau đớn như thế, nỗi đau dần dần thuyên giảm.

Khi bố để tay lên ngực trái nơi tim của mình đang đập, chẳng còn hơi ấm nào

nữa, chỉ là cái lạnh lẽo băng giá của người chết. Ban đầu bố thấy hoang mang,

bố chạy khắp các con đường chỉ để đặt tay lên phần tim đang đập của người

khác, xem họ có giống bố không. Nhưng tất cả đều ấm áp, tất cả đều trái ngược

hẳn hoàn toàn với cái lạnh ngắt nơi ngực trái của bố. Mọi người nhìn bố với ánh

mắt kì lạ và sợ hãi, nhưng giờ đây bố chẳng còn tâm trí nào mà quan tâm đến họ

nữa. Thế giới càng trở nên tối đen và xám xịt với bố. Nỗi đau đớn vì thất bại

chưa đủ, giờ lại thêm một nỗi đau đớn khác. Bố nhận ra bố đã chết rồi.

Benjamin Franklin đã từng nói: Có những người chết vào năm hai mươi lăm tuổi,

nhưng đến năm bảy mươi tuổi mới được chôn. Nhưng bố năm hai mươi tuổi đã

chết rồi, bố chết sớm hơn người khác đến năm năm.

Bất giác, tôi đưa tay lên chạm vào phần ngực trái của mình, hoàn toàn lạnh

ngắt.

“Con của bố, con cũng đã chết rồi,” bóng hình bố ôm lấy tôi, thật chặt.

“Con đã chết từ khi nào vậy?”, tôi bàng hoàng hỏi bố.

“Khi nhìn mọi người chết, thật sự con đã chết theo họ rồi. Họ chết khi thể xác

tiêu tan theo gió trời, còn con chết từ tận sâu thẳm trong lòng. Có những thứ

quan trọng trong con đã mất đi, những thứ như niềm vui, hạnh phúc, giấc mơ,

cả nỗi đau cũng mất. Giờ đây con chẳng khác gì một căn nhà trống rỗng, một

người-rỗng. Bố đến ngay bởi bố không muốn con hoang mang và lạc lõng như bố

ngày trước. Con thật sự đã chết rất trẻ.”

“Thì ra con cũng đã chết. Vậy mà con đã tự trách mình biết bao nhiêu, con tự

trách mình rằng con đã sống, con thật mừng vì con đã chết,” tôi mỉm cười với

bố.

Bố ôm tôi, ôm tôi thật chặt mà chẳng nói lời nào. Tôi cứ mỉm cười như vậy mà

nhìn vào khoảng không trước mắt mình.

“Thật nhẹ nhõm, bố à, con thấy thật nhẹ nhõm”.

3. Cuộc sống của người chết

Tôi tiếp tục trải qua những ngày cùng với bố. Tuổi mười bảy là tôi, con người đã

chết cũng là tôi. Hai sự thật ấy cứ quấn vào nhau, mặc dù không bao giờ hoà

vào làm một, dệt ngày qua ngày của tôi. Đến trường, rồi lại về nhà, thỉnh thoảng

đến bảo tàng mỹ thuật, hay nhà sách, hay là tầng thượng của một khu trung tâm

thương mại lớn, đứng đó mà nhìn xuống toàn cảnh thành phố. Tất cả những việc

đó, tôi làm cùng với bố. Tôi cùng bố tạo dựng nên cái thế giới cô độc với một bức

tường thành chắc chắn không ai vượt qua nổi, tôi ở đó – ấm áp, an toàn cùng với

sự chở che của bố. Tôi cũng không còn hay khóc khi bất giác nhớ về điều gì đó,

bởi người đã chết rồi thì không cảm thấy đau đớn. Tôi biết nỗi đau sượt qua

mình, nhưng tôi mỉm cười nhìn nó. Không đau nữa, tôi đã chẳng còn cảm thấy

đau nữa.

Từ khi biết mình là người đã chết, mỗi lúc hoà mình vào đám đông – trên xe

buýt, đứng đợi đèn đỏ ở ngã tư, dự lễ chào cờ ở trường hàng tuần, tôi luôn tự hỏi

những người mà tôi đang nhìn thấy, họ còn sống không, họ đã chết chưa, hay họ

chưa từng sống để mà chết?

Với độ tuổi của tôi, ở trường thầy cô đã bắt đầu nói về chuyện tương lai. Những

việc làm mà chúng tôi có thể chọn, với sức học của chúng tôi có thể thi tiếp vào

trường nào, và có thầy cô còn nói về chuyện tình yêu nữa. Tất cả những điều đó,

tôi nghe mà chỉ mỉm cười. Tôi là người đã chết rồi, họ là người còn sống. Chỉ là

họ phải đi tiếp, trải nghiệm và nỗi đau là tương lai của họ. Cái chết là hiện tại và

tương lai của tôi. Tôi đứng ở đây, rồi mười năm hai mươi năm nữa tôi cũng sẽ ở

đây, mãi mãi chết cứng ở tuổi mười bảy này. Chẳng có ước mơ, chẳng có niềm hi

vọng, chẳng có cái khát vọng mỗi ngày của những người còn sống, và đương

nhiên là cũng chẳng hề có tình yêu.

Đôi lúc, tôi lại nghĩ những người thầy, người cô của tôi ở trường, những người đã

hằng ngày nói với chúng tôi về tương lai và khát vọng, tự hỏi rằng họ có còn

sống không. Chắc là họ còn sống, hay họ đã sống và trải nghiệm một thời gian

dài trước cái chết đương nhiên của mình, họ đã yêu, đã trải nghiệm, đã đau đớn,

đã thất bại, đã hạnh phúc, rồi họ sống trong cái chết của chính mình mà không

hề hay biết. Ít ra, họ còn có một khoảng thời gian dài để sống, hạnh phúc đủ để

nói cho người khác nghe về những kỉ niệm đó, để khuyên người khác tiếp tục

sống như vậy.

“Bởi vì con đã sống trong tình yêu thương,” bố giải thích cho tôi nghe khi tôi cứ

nghĩ mãi về những điều ấy. “Con đã thiếu thốn tình thương, và khi con nhìn thấy

bạn bè quanh con, những người mẹ nuôi của con đều yêu thương con, con đã mở

rộng trái tim mình, và dùng bằng hết tấm lòng mình để yêu thương họ. Con đã

xem họ là thứ duy nhất mà con có trên đời, thứ quý giá nhất mà con không thể

mất đi, là niềm vui để con tự tin sống trên đời mà không có chút tự ti hay đau

buồn nào. Họ có ý nghĩa rất nhiều với con. Khi họ mất đi, con mất đi cái lá chắn

quý giá nhất của mình trước cuộc chiến dài, người lính ra trận là con đã chẳng

ngại ngần bỏ chạy. Con hoảng sợ khi không có lá chắn trong mình, dù phía

trước có kẻ thù hay không chẳng còn quan trọng. Cái con sợ là cảm giác không

an toàn từ chính con người con. Con đã chẳng màng tất cả mà bỏ chạy, con bỏ

chạy khỏi cuộc đời của mình, đã chết ngay trước khi con kịp nhận thức mình đã

từng có một cuộc sống cần gìn giữ.”

“Vậy là con cứ chết sao bố?”

“Người chết thì đã chết rồi, con đừng nghĩ gì nữa. Tất cả những nỗi đau giờ đối

với con như mây trời, con chỉ có thể nhìn nó, nhìn dáng hình của nó mà chẳng

thể chạm vào. Con không có nỗi đau thì con cũng chẳng hề có hi vọng hay ước

mơ. Đó là cái giá con phải trả. Nhưng ít ra, con của bố cũng không bao giờ phải

đau đớn nữa. Và con chẳng bao giờ cô độc, bởi vì con đã có bố bên mình. Đừng

bao giờ nhìn ra cuộc sống bên ngoài, đừng bao giờ bỏ bố bởi bố sẽ chẳng bao

giờ làm thế với con. Hãy chỉ là người chết. Hãy đơn giản là người chết và đừng

nghĩ về cuộc sống nữa.”

Vậy là tôi cứ sống từng ngày trong cái chết dài của chính mình.

4. Con người của ánh sáng

Con người ấy đến với tôi vào một ngày cuối xuân, đầu hạ, là khoảng bốn tháng

sau khi tôi gặp bố lần đầu tiên. Khi đó, tiết trời đã hơi đượm cái nóng của mùa

hè, bầu trời dường như cao và xanh hơn. Tôi yêu mùa hè, mùa của những buổi

chiều đạp xe trên con đường dài cạnh bờ biển, mùa của nắng vàng mà qua ống

kính máy ảnh thì trở nên tuyệt vời, mùa của những cây kem và cốc trà đá mát

lạnh ngoài vỉa hè. Cậu ấy đứng trước mặt và cười với tôi, ra hiệu cậu ấy không

muốn làm hại gì đến tôi cả. Tóc cậu ấy bù xù, gương mặt lấm lem do nghịch cát,

da trắng và hơi gầy. Nụ cười cậu tự nhiên và sáng khoái.

“Tôi tên là Tùng,” giọng cậu ấm áp và đầy thân thiện. “Tôi có thể tham gia cùng

không?”

“Chào cậu ấy đi, đó là một chàng trai rất thú vị,” bố khe khẽ lên tiếng. “Cậu ấy

cũng giống bố. Cậu ấy mới chết gần đây thôi. Và cậu ấy đến đây để nhờ con một

việc.”

“Xin chào, tên của cậu thật hay,” tôi mỉm cười với cậu ấy. “Về nhà tôi đi rồi

chúng ta nói chuyện”.

“Tôi là một con người của ánh sáng, đã từng,” cậu ấy cười nhếch mép khi nói

những từ cuối cùng. Tôi uống nước chanh, cậu ấy uống trà đặc. Tôi ngẩng nhìn

bầu trời đêm mùa hè khi nghe cậu ấy nói, chúng tôi đang ngồi ở chiếc bàn gỗ

ngoài hiên nhà. “Tôi sinh ra đã là một đứa trẻ có đầu óc thông minh. Từ lúc đi

học, tôi luôn đứng đầu lớp trong khi chẳng hề là một người siêng học hay cắm

mặt vào sách vở, ngược lại tôi học rất ít, chỉ giở sách vở ra xem khi nào thích,

xem một lát rồi cất đi. Tôi là đứa trẻ của thầy cô và gia đình. Tôi học giỏi, luôn

có tên trong danh sách thi học sinh giỏi và không bao giờ rơi khỏi hạng đầu,

không hề đánh nhau hay nói chuyện trong lớp, luôn im lặng và chỉ lên tiếng khi

cần. Lên cấp ba, vẻ ngoài của tôi trở thành đề tài bàn tán của các cô gái. Họ

thấy tôi rất đẹp trai, vẻ ngoài rất thu hút, các cô gái viết những bức thư vẽ đầy

hình trái tim gửi cho tôi, tôi còn nhớ có câu là “Có những người khi sinh ra đã

mang cho mình thứ ánh sáng riêng biệt. Có lẽ cậu là một trong những người đó.

Từ cậu, mình cảm nhận được luồng sáng ấm áp, cậu toả sáng dù chẳng cần làm

gì cả. Mình rất thích cậu.” Tôi vẫn còn giữ bức thư ấy trong ví mình. Không phải

vì cảm động gì cả, tôi giữ chỉ là vì muốn ghi nhớ rằng thế giới quanh tôi chỉ là

một đống tầm thường và đổ nát.

Mọi người xem tôi là một con người toả ra ánh sáng, tới ngay cả những người

chưa từng tiếp xúc với tôi cũng khẳng định gần như chắc nịch điều đó. Qúa

nhiều ánh sáng, tôi thấy mệt mỏi và chán ghét chính mình. Thứ ánh sáng chết

tiệt, tôi đã nghĩ vậy, chỉ cầu mong nó dần lụi tắt hết đi.

Tôi bắt đầu đánh nhau. Trừ con gái, tôi đánh bất cứ ai tôi thấy cần phải đánh ở

trường, những người vô tình đụng tôi trong lúc chen chúc mua thức ăn ở căntin,

những người vô tình chạm mắt tôi khi đi trên đường, có lần tôi còn đánh cả một

thầy giáo trẻ mới vào trường chỉ vì tôi khó chịu khi nhìn màu áo huyết dụ của

thầy. Việc đó đã làm tôi suýt bị đuổi học, nhưng thành tích và bảng điểm là lý do

người ta giữ tôi ở lại. Tôi chỉ phải nghỉ học ba ngày và viết hai bản kiểm điểm.

Tất cả những thứ đó chẳng hề làm tôi thoả mãn. Ngày ngày tôi vẫn cảm thấy

khoảng trống trong mình. Khoảng trống không hề tiêu biến, ngược lại nó lớn

rộng ra mỗi lần tôi thở. Tôi muốn làm gì đó mạnh mẽ hơn, để thoát khỏi thứ ánh

sáng chết tiệt cứ đeo bám tôi, khoảng trống đến điên dại trong lòng tôi. Một

ngày tôi trốn học, đi ngang nhiên vào một cửa hàng tiện lợi, gom hết tất cả

những thứ trong tầm với vào balô của mình. Tôi đánh người thu ngân, bảo vệ, và

dùng dao đe doạ những người khách hàng khác lúc ấy. Tôi sẽ là tên trộm ngu

ngốc nhất thế giới khi mặc áo đồng phục thêu tên mình, chẳng hề dùng khẩu

trang hay đội nón để che mặt mình, tôi muốn mọi người nhận ra tôi, camera của

cửa hàng biết tôi. Tôi bị bắt khi mải vật lộn với người bảo vệ, thật chẳng biết

hắn ta ăn gì mà khoẻ thế. Tôi ngồi ở đồn cảnh sát ba mươi phút thì cha mẹ chạy

đến. Họ nhìn tôi ngạc nhiên như đang nhìn một người nào khác. Tôi mỉm cười

khi nói to tên mình cho người cảnh sát.

Ánh sáng của tôi dần dần tàn lụi. Kì lạ là tôi vẫn thấy mọi thứ xung quanh mình

vẫn vậy, từng ngày tôi vẫn sống mà có nhận ra gì đổi khác đâu, thế mà khi quay

đầu lại, tất cả đã khác rồi. Tôi vẫn đều đều hạng nhất lớp, nhưng những cô gái

đã chẳng còn chú ý gì đến tôi, thầy cô và gia đình cũng thờ ơ với tôi. Chẳng còn

ai nói với tôi rằng tôi là con người của ánh sáng. Tôi hạnh phúc và cảm thấy

thân mình căng tràn sức sống, tôi muốn cố gắng thêm nữa, để đảm bảo rằng thứ

ánh sáng chết tiệt ấy đã hoàn toàn rời khỏi mình.

Tôi tiếp tục đánh nhau, mỗi lần đánh một ai đó là sức sống trong tôi lại được

căng tràn. Tôi cảm thấy sảng khoái đến không ngờ, như giờ đây tôi mới thực sự

là sống. Đến một lúc, nhà trường không thể nhượng bộ được nữa. Họ mời cả cha

mẹ tôi vào để nói rằng thật đau lòng là họ phải đuổi học tôi. Cha mẹ tôi và hiệu

trưởng tranh luận nhau, xin xỏ nhau, van nài nhau, rồi uy hiếp nhau. Tôi mơ hồ

nhận biết vậy khi mải nhìn ra ngoài cửa sổ, nghĩ về thứ nhựa sống đang căng

tràn trong thân thể tôi lúc này.

Cuối cùng có vẻ cha mẹ tôi đã thua cuộc. Ngồi trong cùng một chiếc xe với họ,

tôi lại mải ngắm nhìn những gợn mây trên bầu trời trong khi họ cãi nhau, đến

mức có lúc họ im lặng mà nhìn hằn học vào mắt nhau vì họ chưa kịp nghĩ ra điều

gì để trách móc người kia. Bước vào nhà, mẹ vào tận phòng tôi để nói chuyện.

Tôi chẳng biết bà nói gì mà gương mặt nghiêm túc và hằn học thế. Mắt bà quắc

lên như chim ưng, miệng bà chuyển động, cứ nhấp nhô lên xuống, tôi biết bốn

thứ tiếng nhưng chẳng hề biết bà đang nói gì. Rồi bà đứng dậy đi ra ngoài, và

đóng cửa. Ban đầu tôi nghĩ bà thật là một người phụ nữ lịch sự, bà đã ra ngoài

và đóng cửa giúp tôi. Đến tối, tôi mới biết mình bị nhốt. Họ nhốt tôi vào một căn

phòng, mỗi buổi đều mở cửa ra, đưa cơm vào và khoá lại. Thức ăn chẳng bao giờ

được đụng đến, nó cứ ở đó, trở nên lạnh ngắt và chua lè, sáng hôm sau người ta

thay bằng một mâm thức ăn nóng hổi khác, rồi lại như vậy.

Tôi cứ nằm trên giường, đắp chăn và ngủ. Một ngày, trong giấc ngủ tôi chẳng

còn thở nữa. Đến lúc ấy người ta mới biết rằng tôi đã chết.”

“Cậu cứ chết như vậy sao? Im lặng trong giấc ngủ mà chết?”

“Tôi có viết thư để lại đấy chứ. Bức thư cuối cùng của tôi thật ngắn gọn. Tôi đã

cảm ơn họ vì đã để cho tôi thật sự chết. Tôi nhìn thấy mẹ tôi bật khóc khi đọc

những dòng chữ nguệch ngoạc đó. Kì lạ, đôi mắt quắc lên như chim ưng của bà

đột nhiên nhắm tịt lại, rồi từ hai đường thẳng ấy hai dòng nước rỉ ra, dòng nước

chảy dài như chẳng bao giờ dứt. Đến tận lúc ấy tôi mới cảm thấy mình có lỗi với

bà.

“Vậy là cậu đến tìm tôi, vì có điều muốn nói với mẹ?”, tôi suy nghĩ một lát rồi cất

tiếng hỏi.

“Đúng vậy,” Tùng nhoẻn miệng cười. “Tôi muốn bảo rằng bà đừng cảm thấy

buồn vì cái chết của tôi. Không phải là do bà, mà tôi đã chết bởi một thứ từ sâu

bên trong mình. Thứ đó ngày càng lớn lên, mỗi ngày dần ăn mòn ý chí sống của

tôi, hệt như sắt bị oxi hoá. Cái chết đã là điều tất yếu phải xảy ra với tôi rồi. Cái

chết vĩnh viễn, bất biến và không thể cứu vãn.”

“Cái chết vĩnh viễn, bất biến và không thể cứu vãn,” tôi lặp lại lời nói của cậu ấy

như bị thôi miên.

Chúng tôi im lặng nhìn trời, mỗi người đều cảm thấy thoải mái với việc toàn tâm

toàn ý thưởng thức thứ nước uống của mình mà không cất một tiếng nào.

“Này, nếu cậu bảo rằng cậu chết là do một thứ từ sâu bên trong cậu, vậy tôi thì

sao? Tại sao tôi vẫn còn sống với trái tim lạnh ngắt như vậy?”, tôi hỏi.

“Tôi không biết. Thú thực rằng tôi cũng không thể hiểu nổi. Nhưng tôi có một

suy nghĩ bâng quơ như thế này: Cả tôi và cậu đều bị chết bởi một thứ gì đó từ

sâu bên trong mình, tôi cảm nhận được nó, vì thế tôi mới làm mọi việc để loại bỏ

nó, nhưng việc làm ấy cuối cùng chỉ là công cốc, ngược lại thứ ấy vì thế mà càng

lớn mạnh ngày qua ngày để rồi khiến tôi chết đi. Còn cậu, cậu chẳng hề cảm

nhận được gì hết. Cậu chẳng hề cảm nhận được có thứ gì bất ổn, cậu cứ vậy mà

sống. Và điều khó hiểu ở đây là, cái thứ trong cậu thật kì lạ. Tại sao nó lại mạnh

đến độ có thể giết chết cậu một cách nhanh chóng không tưởng nhưng lại chẳng

làm gì tổn hại đến thân xác cậu?”

5. Gặp lại mẹ

Sau ngày gặp gỡ hôm ấy, Tùng ở lại cùng tôi trong ngôi nhà của bố. Chúng tôi

ngồi bên nhau và kể chuyện, chuyện thời xưa, chuyện chiến tranh thế giới lần

thứ hai, chuyện khi người còn sống, chuyện những cô gái đã tỏ tình một cách

ngô nghê với Tùng như thế nào.

Và khi nhìn quanh, con thấy chẳng còn ai bên cạnh mình nữa, bố à. Con hoàn

toàn cô độc. Mọi sợi dây liên kết giữa con và mọi người đứt lìa một cách dễ

dàng, như chúng chưa hề tồn tại. Kì lạ, con nghĩ, làm sao con người có thể cô

đơn nhiều đến từng ấy? Thứ cảm giác ấy như một vùng tối có sức mạnh kì lạ cứ

hút mãi lấy con, khiến con càng trở nên trơ trọi với chính mình. Trong phút chốc

con nhận ra mình đã tách khỏi cái thế giới ấy rồi, đã đứng ra ngoài rồi. Con

đứng đó, biên giới giữa cái thế giới con vừa rời khỏi và cái thế giới xiêu vẹo con

tạo ra, lòng đầy run sợ mà nghĩ tới những ngày đã xa lắm. Con đã nghĩ, ồ hay

thật, mình đã từng sống trong cái thế giới ấy mà chẳng hề biết gì. Con được

quẳng đến thế giới này mà không được nối với bất kì đâu, người ta cho con một

gia đình, cho con một sợi dây để con dựa vào mà sống.